Chương VI
VI. PHONG HỒ VŨ VU

1 Via Unitiva
Sau khi đã tắm dưới nước sông Nghi thì trèo lên hóng gió trên núi Vũ Vu. Đúng theo đường Kinh Dịch:
"Nước núi thông nhau mới thành biến hóa đặng tựu thành vạn vật". "Sơn trạch thông khí nhiên hậu năng biến hóa, ký thành vạn vật dã". Thuyết quái VI.
Vạn vật được biểu thị trong 4 hành: thủy, hỏa, mộc, kim nằm trong tứ địa là Đông, Tây, Bắc Nam. Nay lấy thời gian lồng lên không gian: lấy 4 mùa lồng lên 4 hướng thì tựu thành vạn vật (xem bài Hồng phạm trong Chữ Thời). Nhờ đó vạn vật của tứ địa trở thành tứ linh là: long, li, quy, phượng, nghĩa là sau khi đã phá vỡ 4 bức tượng (tuyệt tứ) là cái tạo thành lao ngục tiểu ngã giam giữ mình không cho lên hóng gió trên trời là nguồn sinh lực phát xuất tự nơi Tánh thể vô biên, cho nên sau tẩy sạch (via negativa) thì đến "đón nhận" (via unitiva). Nói là lên núi (núi chỉ trời) để đón nhận cái Đức của trời (biểu thị bằng long là thần lực) để mà phục sinh vào cuộc sống mênh mông bất tử (biểu thị bằng Li là giống chim dẫu chết cháy ra tro cũng cứ sống lại được).
Đời sống này có tính cách miên viễn trường cửu (biểu thị bằng Quy) và vì thế luôn bay nhảy múa hát (Phụng), luôn sinh sinh bất tức.
Trong câu "phong hồ Vũ Vu" thì "phong" là gió, là cái chi vi tế, mắt không thấy được, nhưng chỉ thấy và nghe qua những tiếng khua động của hoa lá cỏ cây, nên người Hy Lạp kêu là "pneuma" và thường dùng chỉ sự sống động tâm linh mà khi "thổi" lên ở tâm hồn nào (volat ubi vult) thì mọi sự biến đổi: tứ địa trở thành tứ linh. Hoặc nói đúng hơn không phải sự vật biến đổi, nhưng tâm thức biến đổi làm cho con người nhìn vạn vật dưới ánh sáng linh diệu khác lúc còn bị lôi cuốn theo dòng lưu tục (tứ địa), tức nhìn trong mối liên hệ với Toàn thể nên sống động. Việc đó lại cũng có thể lặp lại thứ tự của tứ địa, nhưng trên bình diện cao hơn của Tâm thức, và lúc đó chúng ta sẽ có:
- Thành ý thay cho ý phải vô
- Chính tâm thay cho tất phải tuyệt
- Cứ ư đức thay cho cố phải trừ
- Y cư nhân thay cho ngã phải khử
- Và cuối cùng Du ư nghệ sẽ là hậu quả thay cho các ý thức hệ.
Đó là những điểm quan trọng cần được khai triển.
2. Ý thành
Ý thành khác với ý phải vô ở chỗ nó tự nội tâm phát hiện, nên cũng gọi là ý uyên nguyên, idée originelle, tức là phát xuất tự nguồn gốc Toàn thể đầy sinh động. Ý phải vô ngược lại chỉ là ý tượng, là hình của sự vật do giác quan thâu nhận có tính cách bất động phân tích nên thiếu sinh động.
Ý thành như vậy là phát xuất từ nội tâm sâu thẳm, từ tiềm thức mà người xưa kêu là "thiên địa chi tâm" để nói lên tính chất bao la và vũ trụ tính của nó mà những bước tiếp xúc đầu tiên thì có thể gọi là sơ tượng (archetypes) đầy tính chất linh động, vì nó là một thứ trực giác nhờ đó con người nhìn nhận ra được một khía cạnh mới trong cuộc diễn tiến sống động của Tiềm thể. Cái sơ tượng đó sửa soạn đem lại cho ta ánh sáng triêu triệt về tính lý đại đồng. Nó không xuất phát từ sự vật ngoại lai do tai mắt, nhưng tự tâm hồn theo nghĩa chân thực của nó mà sách Đại học kêu là "Tâm chính". Tâm có chính thì Ý mới thành. Tâm chính là tâm đã được trút sạch các ý kiến tư riêng bề bộn, để dọn đường cho Ý sơ nguyên phát xuất. Heidegger nói những ý tượng uyên nguyên tự hiến dâng cho người nào đã cung kính đặt mình vào tư thế ứng hợp với cái đáng phải suy tư.
Les idées originelles sont offertes à l'homme lors - qu'il se place dans cette attention véritable qui est la disponnibilité à l'égard de ce qui doit être pensé. (Das xu-denkende)
Và trong quyển "Was heist denken" ông tiếp: "Người thật biết suy tư chỉ cần một ý tưởng duy nhất và điều khó hơn hết là làm sao luôn luôn giữ nổi cái Một đó, cái Ý tưởng cần phải suy tư đó. W.D 47
Theo truyền thống triết Nho thì muốn "duy nhất" nghĩa là làm sao cho cái Ý sơ nguyên "quán nhất" tất cả tâm tình, ý chí và nếp sống thì phương pháp phải là "duy tinh" nghĩa là phải tinh lọc, phải "tuyệt tứ" phải "táng kỳ ngẫu" tức vượt ra khỏi song luận như có với không trước với sau, thị với phi, nói khác trước hết phải treo giò hết mọi tình, ý, chí, hiện đang có, nếu không luôn luôn thì ít ra lâu lâu phải để ra một lúc luyện tập, bắt chước thầy Hồi ngồi mà quên đi: "tọa vong", mửa hết thông minh trí lự ra ngoài. Phải như Hệ từ nói: "Dịch vô tư dã, vô vi dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố. Phi thiên hạ chi chí thần, kỳ thục năng dữ ư thử, 易 . 無 思 也 . 無 為 也 . 寂 然 不 動 . 感 而 遂 通 . 天 下 之 故 非 天 下 之 至 神 . 其 孰 能 與 於 此." (hệ từ, tiết X). "Suy tư theo tinh thần Kinh Dịch là không lý luận, không để trí vọng động tạo tác, nhưng để cho tâm tư im lặng, thì có một lúc nào đó đột nhiên cảm thấu được cái lý tối hậu của thiên hạ. Ai sẽ đạt được như thế nếu không phải là bậc chí thần"?. Mà chí thần là vô phương, nghĩa là tuyệt tứ, nên không chấp vào đông, tây, nam, bắc, không bám víu vào ý, tất, cố, ngã vậy.
Trong chiều hướng đó phải hiểu câu "hữu sinh ư vô" theo nghĩa nội, tức là có "hư kỳ tâm" lòng có trống rỗng thì mới có "thiên sinh". Sinh thuộc trời rất tế vi, rất u linh, chỉ sinh nơi những hồn trống rỗng đã được xả, được khai quang. Ngoại giả lấy "hữu" để sinh vạn vật thì toàn là vật, nghĩa là nếu lấy những ý niệm do ngoại vật đưa vào mà tạo dựng, thì sản phẩm có gọi là ông Thiên, ông Địa, ông Thần, ông Thánh chi chi đi nữa thì thực ra cũng toàn là đồ nhơn vi tạo tác, tạo xạ không hơn gia những bù nhìn coi ngô hễ giật thì động: chỉ đủ gây khiếp đảm cho bầy chim muông.
Khổng Tử sở dĩ không bàn đến Thiên, Tính, Mệnh, Đạo, Vô… là do đó. Có danh từ nào không bị hạn cuộc trong mâu thuẫn đâu mà dám lấy để bàn những truyện phổ biến. Lấy danh từ hữu hạn để bàn những chuyên vô hình, vô sắc thì chỉ tỏ ra mình không hiểu: "trí giả bất ngôn". Chỉ không hiểu mới "có" một siêu hình như có một cái gì bên ngoài mình làm thành một trung gian, một bức mành mành treo lên giữa ý thức và tiềm thức không cho thông giao. Vì thế mà siêu hình chỉ là cái mê hồnt rận mà bất cứ triết học gia nào đã đi vào, đến lúc trở ra cũng để lại một mớ lương tri: le débat se déroule sur les frontières de l'sbsconc, royaume òu aucun philosophe ne s'est jamais engagé sans y laisser un peu de bon sens (Tomlin 234). Đó là lý do tại sao chúng ta chỉ cần chú ý hai đợt: đợt mình đang đứng và đợt mình tiếp cận, mà đừng quá mải miết nói về những đợt cao hơn, vì lúc đó sẽ chỉ là dùng lời sở danh có giới hạn để nói về chuyện vô danh (tức vô biên) thì chỉ là một trò chơi chữ thiếu nội dung.
Vì lý do đó trong Luận Ngữ nói: phong hồ Vũ Vu, cầu trời mưa ơn trên xuống, tức là chờ "thiên sinh ư đức dư". Thiên trong triết Nho hiểu là cõi tiềm thức tâm linh, chữ cõi ý thức bất lực đi vào siêu hình trung thực.
Đã có lần phân tách chữ "Thành" (kép bởi ba chữ ngôn, lực, qua chỉ ý, tình, chí). Ở đây chúng ta tiếp theo bằng đi sâu vào nội dung của chữ Thành cũng đồng với chữ Tâm (thành ý, chính tâm).
Chữ Tâm được Chu Hy giải rộng như sau:
Tâm giả nhất thân chi chủ tể
Ý giả tâm chi sở phát
Tình giả tâm chi sở động
Chí giả tâm chi sở chi.
心者一身而主宰
意者心之所發
情者心之所動
志者心之所之
Dịch nghĩa:
Tâm là chủ tể của toàn thân (toàn thể)
Ý là cái sự phát ra của tâm
Tình là cái sự động của tâm
Chí là cái chỗ đi đến của tâm
Kim II. 161
Như thế phân tích nội dung chữ Tâm cũng hợp với tự dạng của chữ Thành. Thành ý là mốc giới phân ranh giữa ý ngoại phải vô và ý nội phải đón nhận khi nó phát hiện từ cõi tiềm thức tâm linh. Tác động đầu tiên rất tế vi gọi là phát: "Ý giả tâm chi sở phát". Sự phát hiện này rất quan trọng vì nó là bước khởi đầu đi vào thế giới siêu linh, nên cũng gọi là "thiên sinh" như trong câu "thiên sinh ư đức dư". Trời sinh đức nơi ta. Mấy câu đó đều nói lên ý tứ: Đạo, Đức là do trời, do Tâm chứ không do ý thức của con người tiểu ngã. Nên mới nói: "Đạo chi bổn nguyên xuất ư thiên". Cái gốc
Đạo là ở Thiên, ở tiềm thức. Và nếu trời chưa soi thì chịu xài đỡ ánh sáng lương tâm và lý trí như câu "tứ bất thụ mệnh nhi hóa thực yên, ức tắc lũ trúng" L. XI 18. Trò Tử (Tử Cống) vì chưa được "ơn Trời" (thụ mệnh) nên để ý vào thương mại, nhờ đoán hay trúng nên trở thành giàu.
Thầy Tứ chưa được thụ mệnh nghĩa là chưa được "thiên sinh đức" nhưng nhờ có học tập, nhờ bạn, nhờ thầy, nên xét đoán thường trúng. Nhưng cái trúng này vẫn còn nằm trong việc ăn làm nên chỉ là nhơn đạo thuộc lương tri là thành chi giả. Chưa được là "thành giả thiên chi đạo dã". Bao giờ thành giả mới thực là "không cần cố gắng cũng trúng, không học cũng biết. Ung dung thư thái mà vẫn trúng đạo". "Bất miễn nhi trúng, bất tri nhi đắc, thung dung trúng đạo" T.D 20. "Thành giả" mới thực là "Ý nội khởi", mới là "Thiên sinh". Không còn là "Thủ" = tức là bắt lấy từ ý tượng bên ngoài nữa. Như câu Mạnh Tử (II. 2) nói về khí hạo nhiên:
Thị tập nghĩa sở sinh giả
Phi nghĩa tập nhi thủ chi giả.
是 集 義 所 生 者 ,
非 義 襲 而 取 之 也
Thế là do sự hành đạo hành nghĩa mà đạo sinh ra, tự nội sinh ra, chứ không phải như bắt lấy một vật gì bên ngoài mình để mà cầm giữ, để mà có (avoir) để mà lấy tự bên ngoài mình "dĩ kỳ ngoại chi giả, 以 其 外 之 也 ". (Mạnh II. 2). Đây là một câu diễn tả tự tưởng căn bản về Đạo thể, không được qun niệm như cái chi có hình tích, khách quan, để có thể chiếm đoạt bắt lấy. Nhưng Đạo ở ngay nơi mình, và ngộ đạo chỉ là sự nhận thức ra điều đó, có thể kêu là "thiên sinh đức ư dư": trời sinh đức nơi ta.
Trong khi trời chưa "sinh đức" thì nhẫn nại mà chờ "cung mặc tư Đạo, chữ hán" (Kinh Thư VII.2). Cung kính ở lặng (pensée tranquille) mà suy tư Đạo: nghĩa là hướng tâm về Đạo, thao thức tiếp tục thanh lọc bằng "tuyệt tứ" bằng con đường nhơn chi đạo là "thành chi giả" cho đến một sáng kia thoát nhiên lóe lên như một tia chớp liền quán thông liễu hội: "nhất đán hoát nhiên quán thông yên, 而 一 旦 豁 然 貫 通 焉" ĐH.5. Đấy là phút "thần hùng" có thể gây âm vang vào cả một đời, vì ánh sáng Đạo Thể siêu việt thời gian nên không bị hạn cục vào một lúc.
Đây chính là cái mà triết lý Đông phương kêu bằng "Mệnh" hoặc "Thụ mệnh" hay là "Triêu văn Đạo". Văn đây hiểu là "thính ư vô thanh", Mệnh đây hiểu là tiếng gọi tự thẳm cung của con người suy tư để lên đường. Quy tư tức trở về với Tính thể. Có qua những phút uy linh ấy mới hiểu sự trống rỗng tâm trí quan trọng, sự bất lực của lý trí con người trên cõi linh thiêng: lúc đó thiêng liên tràn qua con người, lâng lâng như muốn bay lên: nên nói "tâm quảng, thể bàn, 心 廣 體 胖". Đ.H 6. Tâm lớn lên thì xác thân như nhẹ đi một nửa, có cảm giác thanh thoát như muốn bay bổng lên thinh không.
(Chiết tự chữ thể bàn: xác thịt như còn có một bên vì chữ bàn kép bởi bán: một nửa và nhục là thịt, còn có một nửa xác thịt).
3. Tâm chính
Đức đã sinh ra rồi, một cách ẩn nhiệm ta đâu biết được. Kinh Thư trong thiên Hồng phạm nói: "duy thiên âm trất hạ dân": duy trời ban xuống cho người cách ẩn nhiệm. Có khi ta được cảm nghiệm rồi dần dần đến thể nghiệm qua cảm thức sau rồi đến quán thông toại thông. Nhưng quán thông, toại thông là đợt cao khi Đức đã đạt độ trưởng thành. Còn thường thường từ lúc mới sinh đến đó phải trải qua những chặng dài (cảm nghiệm, thể nghiệm và nhiều thử thách trổi lên trụt xuống…) và bấy giờ cái ý thành còn non nớt như "xích tử chi tâm" cần rất nhiều săn sóc. Do đó mới có những nhắn nhủ như "Đại nhân giả, bất thất kỳ xích tử chi tâm giả dã, 大 人 者 , 不 失 其 赤 子 之 心 者 也" (IVb 2. Mạnh): muốn thành đại nhân chớ để mất cái tâm thuần phác của trẻ sơ sinh. Xích tử chi tâm là trỏ vào cái tâm còn đỏ chưa bị những trần cấu gây dạo động, còn phẳng lặng an tĩnh.
Xích tử như vậy cũng hiểu được là Ý mới thành còn rất mong manh vi tế (ky hi) nên cần vun tưới dưỡng nuôi. Do đó người quân tử phải đem hết tâm hồn vào việc dưỡng tính tồn tâm "nhơn chi sở dĩ dị ư cầm thú giả ky hi! Thứ dân khử chi, quân tử tồn chi,人 之 所 以 異 於 禽 於 獸 者 幾 希 , 庶 民 去 之 , 君 子 存 之 " (Mạnh IVb.18)
"Chỗ người với thú khác nhau có bao xa đâu nên rất dễ khuất mắt: thường dân bỏ mất vì tâm hồn họ còn để vào lợi vào danh ở bình diện vuông. Chỉ có quân tử mới lo tồn dưỡng, mà tồn dưỡng là phải đổi bình diện đặt trọn tâm nơi Đạo, nên mới nói: quân tử dùng Nhân dùng Lễ mà duy trì Tâm. Người Nhân mới yêu người khác. Người có Lễ mới biết kính lân nhân".
"Quân tử dĩ Nhân tồn tâm, dĩ Lễ tồn tâm
Nhân giả ái nhơn, hữu lễ giả kính nhơn"
君 子 以 仁 存 心 , 以 禮 存 心 .
仁 者 愛 人 , 有 禮 者 敬 人
(Mạnh IVb 28)
Nếu Đức bởi trời sinh đã đủ mạnh thì tự nhiên trung điểm chú tâm (centre d'intérêt) của con người liền tự di chuyển từ đợt lợi danh đi lên đợt nhân, đợt Đạo: tự lợi hành đi lên an hành. Nên nói "chí ở trong Đạo: chí ư Đạo". Câu này có hai nghĩa: một là "hãy để chí vào Đạo nếu ý thành chưa đủ mạnh đặng đổi bình diện. Ngược lại nghĩa thứ hai dùng chữ đã thay cho chữ hãy: và lúc ấy phải dịch rằng "khi chí đã để vào Đạo" tức là khi trọng tâm chú ý đã bỏ bình diện vuông thuộc cưỡng hành hoặc lợi hành để đi lên bình diện "thiên viên" của "an hành" thì từ hôm ấy người không còn đặt hết tin tưởng vào hạ trí, vào lý luận, vào sự kiện như trước nữa, nhưng hướng mạnh vào cõi Đạo thể Viên Dung, và chú tâm vào việc "thuận Tính Mệnh chi lý", tuân theo Tính Mệnh: nghĩa là đặt trọng tâm vào sự hiện thực cái "nhân tính", coi đó là sứ mệnh của đời mình. Từ đó thái độ người thay đổi nhiều: từ cử chỉ, hành vi cho đến thị kiến, tác phong, nếp sống… Vì người đã thực sự cảm thấy một thế giới khác, "một trời mới đất mới" là cái sẽ chiếm đến ba phần chú ý và chỉ còn để lại cho bình diện nhân thế hai phần, nếu phải nói theo thuật ngữ Kinh Dịch "tham thiên lưỡng địa". Lưỡng địa: hai đất nghĩa là không bỏ đất, bỏ xã hội, hay cuộc ăn làm, nhưng chỉ để vào đấy hai phần tâm trí, và không gọi sự vật là vật nữa, cho bằng gọi là Dung tạm dùng thế chờ cho tới ngày trí tri mới "cách vật", nghĩa là mới thấy vật bản lai diện mục, không bị các thứ tướng, tượng hoặc ý hệ che phủ. Và đó là đích điểm mà chỉ khi nào đạt tới thì lòng mới được an nghỉ: "tựu hữu Đạo, nhi chính yên, 就 有 道 而 正 焉 " (1), tương tự với câu của Thánh Augustin: "lòng tôi chỉ được an nghỉ khi tìm được Chúa tôi". Tựu hữu Đạo cũng là tìm thấy hay nói đúng hơn là đạt đến sự thức tỉnh của tâm hần, từ bình diện "thành công" chuyển sang bình diện "thành tính": A wakening of conscience to a new plan: from doing to being. Tâm thức di chuyển từ hữu vi lợi hành lên "an vi" siêu thoát.
(1) Nghĩa thông thường là đến hỏi người có đạo. Ở đây muốn hiểu theo nghĩa nội là tâm hồn đạt đến bình diện đạo thì lòng mới yên.
Khi Khổng nói: "Ngô vị kiến háo đức như háo sắc giả dã,吾 未 見 好 德 如 好 色 者 也 " (L.IX.17) là có ý nói ông chưa được gặp người mà trung tâm chú ý đã để vào bình diện Đạo, để chí vào Đức. Lấy Đạo làm phần số của mình. Thánh Kinh nói: "của người để ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đây", và "tam niên học bất chí ư cốc nan đắc", những người học ba năm mà không nghĩ tới lộc là khó tìm. Cần phải đặt vào viễn tượng đó mới hiểu được những câu khác tương tự như "quân tử thực vô cầu bão, quân tử ưu Đạo bất ưu bần". Nếu tìm kiếm giàu có là đáng làm thì ta tìm. Nhưng sư thực không phải là thế, nên ta theo chí nguyện của ta tức là theo Đạo, ta để lòng vào Đạo vào Tính để "thành tính tồn tồn".
Thầy Điểm tỏ ra đã đổi được trọng tâm trong khi lo việc tu thân, chú trọng đến việc thành tính, việc làm người. Còn các bạn của ông như thầy Lộ, Xích, Cầu chưa có đổi trọng tâm nên đặt nặng chú ý trên khía cạnh binh bị, kinh tế, ngoại giao… tức là chưa có "Chí ư Đạo" vậy.
Sự đổi chí có ba dấu như sau: ba dấu biểu thị việc biến cải con người do việc chuyển chí lên bình diện Đạo là: Cứ ư Đức, Y ư Nhân và Du ư Nghệ, 據 於 德 , 依 於 仁 , 游 於 藝.
4. Cứ ư Đức
Chữ Đức ở đây phải hiểu là năng lực tinh thần (énergie spirituelle) không mang một hình thức nhất định, một "nhân đức" kiểu luân lý hình thức thông thường là cái y cứ trên lệ tục (chữ morale do La ngữ mos là tục lệ thường chống với một nết xấu). Trái lại đây là năng lực tinh thần, chứ không phải đức này đức nọ, nhưng sẵn sàng tác động với bất cứ hình thái nào, như điện lực làm cho đèn sáng máy chạy, bàn là nóng, quạt quay… thì Đức ở đợt triết cũng thế. Do đó câu "cứ ư Đức" là lời giục giã làm tăng trưởng khối sinh lực trong tâm hồn cho trở nên dồi dào sung mãn, mỗi ngày mỗi thêm mạnh, mỗi được canh tân "nhật tân chi vị thịnh đức". Chữ Đức ở đây phải hiểu là sinh lực còn nguyên tuyền chưa có mặc một dạng thức riêng biệt nào và chúng ta gọi là Đức viết hoa hay là Linh Lực rất thiêng liêng, thần diệu hoặc thánh hay thiện khi hiểu theo nghĩa gốc thì đồng nghĩa với cái gì toàn thể, phổ biến, vô biên. Khi cái Đức được hiểu như vậy thì nó chỉ là cái linh lực rất cương kiện, mạnh mẽ không ngơi nghỉ. Và khi được đầu tư trực tiếp vào tác động, thì không những tác động trở thành sung mãn, chí thành, bất tức, mà cái linh lực đã xuất hiện kia vẫn còn sư dùng để tích lũy lại làm cho con người cảm được an nhiên, tự cường, tự lực, và đến một lúc nào đó thì làm nổ lên biến cố nội tâm gọi là Ngộ Đạo, Triêu Văn Đạo, Thụ Mệnh… Chữ Ngộ kép bởi tâm và ngô bao hàm ý nhận thức ra cái tâm bao la như vũ trụ là chính của ta, ta với vũ trụ đều tham dự trong cùng một làn sống mênh mông vô bến bờ, cũng như nhiều sáng soi khiến cho người ngộ đạo hiểu được căn tính của muôn vật, và đó chính là nền Minh triết uyên nguyên.
Thế nhưng việc ngộ đạo là một biến cố rất họa hiếm vì hầu hết con người không để cho mình uống trực tíếp từ nguồn giếng thiêng đó, nhưng mỗi khi cái Linh lực (Đức) vọt lên thì thường bị đầu tư liền vào cái "nhân đức" nhân vi kiến tạo có tính cách riêng biệt. Đó không là nhân đức triết học mà là những cái "nhân đức" những lái "lý tưởng" do con người kiến tạo bằng những ý niệm trừu tượng khô cứng và đóng khuôn theo những thói tục tư riêng, những thị hiếu tùy một khu vực, một thời đại đã qua nên thường là ứ đọng. Tất cả những "nhân đức", những "lý tưởng" đó làm thành tấm ngăn cách không cho cái Đức được đầu tư trực tiếp vào tác động nhưng phảiđi ngang qua nó. Nhưng vì nó mang những đặc tính riêng bé nhỏ, ứ đọng… nghĩa là chúng đi trái ngược hẳn với chiều đi của Đức còn phổ biến tế vi, vô hình và luôn luôn biến dịch, cho nên chúng ta phá tan bằng cách chống lại chia ra mụn mảnh cả cái khối sinh lực vừa phát ra, không còn gì để lại tăng gia cho kho dự trữ; cũng như chỉ đầu tư được rất ít vào các tác động của con người. Vì lẽ ấy các tác động đó mất tính chất sung mãn cương kiện, nên cũng mất luôn tự động tính, hồn nhiên tính của đợt an vi, và cần đến những thúc đây bên ngoài. Đó gọi là những tác động ở dợt cưỡng hành, lợi hành. Nhưng bao lâu còn ở đợt này thì con người luôn luôn bị động, bị sai sử và đánh mất nhân chủ tính. Vì thế Kinh Dịch khuyên "nhật tân chi vị thịnh đức": ngày ngày phải lo canh tân cái kho dự trữ linh lực. Muốn như thế thì cần "kiến cơ nhi tác". Kiến cơ khác với kiến lợi, kiến hình ở chỗ cơ chưa có hình tích nào, nhưng cơ là cái linh lực vừa vọt lên, y như Đức hay Tính vậy. Mấy danh từ đó đều chỉ cái Đức cái Linh lực vừa tự nguồn suối phát sinh, và người muốn đắc đạo cần phải đầu tư nó thẳng vào động tác, mà không đi qua trung gian là những "nhân đức" những "lý tưởng" là những cái hầu hết làm bằng những ý tưởng tất định, cố chấp, tiểu ngã… Bao giờ thoát vượt được cái trung gian này thì bấy giờ kể là "suất tính" nghĩa là sống thuận theo cái Tính, mà cái Đức của nó là nối cái ngoại giới (tác động ý thức) với cái nội tâm (tức tiềm thức). "Tinh chi đức dã, hợp ngọai nội chi đạo dã". Chỉ có thể nối tác động ngoại giới vào thẳng nguồn sinh lực nội tâm bằng cách không để mình vướng mắc ở đợt trung gian tầm gửi (ý, tất, cố, ngã cũng tạm gọi là nhân đức lý tưởng), nhưng phải Y ư Nhân mới là nhân đức trung thực.
5. Y ư Nhân
Y ư Nhân có thể coi là bước thứ hai trong tiến trình xuất phát của nguồn sinh lực. Bước đầu là Đức, bước hai là Nhân. Nói cứ ư Đức thì đúng nhưng còn quá mông lung là vì con người vốn bị chi phối do điều kiện không gian và thời gian, nên cần phải có hình có tượng, có trước có sau, không nhiều thí ít, chứ nói đến chuyện chước tuột hình tượng là không thể được. Vì thế mới nói đến "Y ư Nhân": ở lại trong Nhân. Nhân là gì? Thưa là "thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội", nghĩa là có một cái nhịp, tuy mới là tiết nhịp uyên nguyên còn rất phổ biến như thiên địa, âm dương, quỷ thần… Nhưng sau đó lại có thêm một động tác là giao, là hội… Như vậy tuy còn rất mung lung nhưng ít ra cũng có cái sơ nguyên tượng (hốt hề hoảng hề kỳ trung hữu tượng) thì con người đã có thể y cứ. Và khi nói "Cứ ư Đức, Y ư Nhân" thì ta mới hiểu rằng phải cứ vào cái Đức phổ biến, cái Đức của Đất của Trời, nghĩa là "lớn lao cao cả" nhất. Đó gọi là "thiên địa chi đức", rồi xác định thêm một đợt nữa: cái Đức đó biểu lộ ra bằng tác động giao, hội. Tuy còn mung lung lắm vì là âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, âm dương thì đâu không có, quỷ thần cũng vậy "thần vô phương" biết đâu là cõi bờ, thế nhưng nếu xác định thêm sẽ trụt xuống hàng tư riêng cá biệt thì tức là nơi bé nhỏ co thắt mà người ta tạm gọi là lý tưởng, là nhân đức.
Kỳ thực chỉ là ý hệ có tính cách độc hữu, còn nhân đức thì không là nhân đức mà chỉ là xã đức, tập đức nghĩa là những ước định của một xã hội nhất định trong một thời đại nào đó mà người ta đã u xoạng phong lên bậc phổ biến bằng gọi là Nhân đức, cho nên theo miết thì bị vong thân, nghĩa là nhận lầm rằng con người chỉ là cái thân nhỏ bé chịu điều kiện không gian và thời gian hé nhỏ của xã hội, mà không biết đến chiều kích tâm linh to lớn như vũ trụ nơi mình, nên có bao nhiêu linh lục đều giốc hết vào những cái nhân đức bé nhỏ tư riêng mà không còn đầu tư gì được cả vào những tác động phổ biến. Như thế là không phải y ư Nhân mà chỉ là y ư ý niệm, y ư tất định, y ư cố chấp, y ư tiểu ngã.
Trong thực tế chúng ta biết rằng những cái riêng tư đó là những cái cấu tạo do dĩ vãng, cho nên muốn tránh y cứ trên chúng, thì cần quên đi những gì đã xảy ra trong dĩ vãng, để hết tâm trí đến cái bây giờ mãi mãi. Khổng Tử nói: "thành sự bất thuyết. Toại sự bất gián. Ký vãng bất cữu, 成 事 不 說 , 遂 事 不 諫 , 既 往 不 咎" (LN.III.21). Sự đã thành không nói tới. Việc đã rồi không gián can. Cái gì đã qua không bắt lỗi nữa. Tuy câu nói trên coi như một lời khuyên răn thương, nhưng thực ra nó là hệ luận của một nền minh triết chủ trương không tìm đọc những trang đầu trang cuối (dĩ vãng và tương lai) nhưng chỉ chú tâm đọc những trang giữa của cuốn sách Nhân sinh. Nói khác là gỡ chú ý, gỡ sinh lực ra khỏi dĩ vãng như các ý niệm, những nhớ nhung hối tiếc, trách than, cũng như gỡ ra khỏi tương lai như lo âu, sợ hãi, băn khoăn, tưởng tượng… để di chuyển toàn khối lượng linh lực vào việc ở đây và bây giờ. Việc đó có hậu quả là rút nhỏ diện tích đầu tư của linh lực, không để cho lan ra dĩ vãng hay tỏa vào tương lai, nhưng rút gọn trong khỏanh khắc đầy nội dung nhất, nghĩa là lúc đang có thực, sống thực, tương ứng với các biến cố có nội dung và nóng sốt, nhịp theo các hiện tượng cũng đang có mặt… thì đấy là cách sống sát thiên nhiên, sống gần hài nhi trong cái hay nhất của chúng tức là hồn nhiên không có chi ngụy tạo do ước lệ xã hội, do dĩ vãng hay tương lai. Khi nào sự thu hẹp diện tích đầu tư kia trở nên cực nhỏ đến nỗi trở thành cái điểm phi không gian thì cũng là lúc phi thời gian có thể chui lọt vào "miền bây giờ mãi mãi" bên ngoài thời gian. Đó là khoảnh khắc đầy sáng tạo, khỏanh khắc xuất thần mà Kinh Dịch kêu là "phi long tại thiên: rồng bay tại trời" nghĩa là toàn khối linh lực tác động theo tiết nhịp của vũ trụ.
Đạt được độ đó là "hợp với linh lực của trời đất": thánh nhân dữ thiên địa hợp kỳ đức. Đó cũng gọi là nền Thái Hòa. Hòa là linh hồn của mỹ nghệ, còn Thái Hòa là siêu hồn của nghệ thuật trên các nghệ thuật, nó làm tỏa ra chung quanh người có tâm hồn hòa hợp với đất với trời như thế một thứ đẹp siêu linh. Khổng Tử nói "Lý nhân vi mỹ, trạch bất xử nhân, yên đắc trí, 里 仁 為 美 . 擇 不 處 仁 , 焉 得 知 ?" LN IV.1. Xóm nhân làm cho người nên đẹp, không chọn nhân làm chỗ ở thì sao gọi được là tri chân thực. Tri chân thực là chính nền Minh triết, nó không còn tìm chân lý trong sự tương hợp theo lý này, sự kia, đức khác, nhưng là giúp sống theo "tính mệnh chi lý". Sông theo Thái Hòa: Hòa đất trời người là cái sẽ đem lại cho mọi hành vi cử chỉ của người học một cái đẹp siêu thời. Chương sau sẽ bàn tiếp câu "Du ư Nghệ" mà ta nên coi là hệ luận tất nhiên của hai câu "Cứ ư Đức" và "Y ư Nhân".