Giấc mơ ấy của Lan Chi đột nhiên hiện về ám ảnh trong đầu cô suốt dọc đường cô đi đến chỗ hẹn gặp Kiên. Khi gọi điện thoại đến nhà Duy, Kiên bảo rằng anh vừa mới từ Leipzig đến Berlin được vài tiếng đồng hồ và sáng ngày kia đã phải bay về Hà Nội. Anh nói rất muốn được gặp Lan Chi trước khi về nước. Trao đổi một hồi, họ thỏa thuận hôm sau sẽ đi ăn tối cùng nhau, tại một tiệm ăn không xa nhà Duy mà Sơn đã giới thiệu cho Kiên. Thoạt đầu, Kiên muốn ghé qua nhà Duy để đón Lan Chi, nhưng cô không hào hứng lắm với đề nghị đó. Cô cảm thấy không thoải mái khi nghĩ rằng phút đầu tiên gặp lại của họ sẽ diễn ra trước sự chứng kiến của vợ chồng Duy và lũ trẻ con. Bất chợt, một ý nghĩ vụt đến trong đầu, cô bèn hẹn gặp anh trước cửa ga tàu điện ngầm gần nhà Duy rồi hai người sẽ cùng đi tàu đến tiệm ăn (cách đó ba bến). Ý kiến này của cô lập tức được Kiên hưởng ứng một cách vui mừng đến nỗi cô gần như tin chắc rằng anh cũng đã liên tưởng đến cái kỷ niệm mà cô vừa chợt nhớ ra. Vậy là gần bảy giờ tối, sau khi đã gửi gắm ba đứa con cho vợ chồng Duy với một lô lời dặn dò, rồi lại bắt cả ba đứa trẻ phải hứa là sẽ ăn ngoan và không quấy cô Uyên cậu Duy, Lan Chi nhìn lại mình trong gương lần cuối rồi đi ra cửa. Đến ngưỡng cửa, tự nhiên thấy nao nao trong lòng, cô quay lại thơm lần lượt cả ba đứa con và hứa: “Mẹ sẽ cố gắng về sớm!” Ba anh em cu Nam còn đang có nhiều trò vui với hai đứa em họ nên không bận tâm lắm đến sự vắng mặt của mẹ chúng trong bữa ăn tối, cũng chẳng hề tỏ ra mừng rỡ đặc biệt gì trước lời hứa “về sớm” của mẹ. Bảy giờ tối, nắng chiều chưa tắt hết mà đã có một mảnh trăng non nhợt nhạt đính chơ vơ, lạc lõng ở một góc trời. Không khí ngưng đọng, ngột ngạt, oi ả, chẳng có lấy một gợn gió thoảng qua. Đi đến gần lối vào ga tàu điện ngầm, Lan Chi bước chậm lại, đưa mắt nhìn những dòng người ngược xuôi hối hả. Cảm thấy mồ hôi lấm tấm rịn ra trên trán, cô dừng lại, rút một chiếc mùi soa giấy trong túi ra lau, và đúng lúc ấy, cô nhìn thấy Kiên tách khỏi dòng người, thong thả bước lại gần cô. Kiên đến trước giờ hẹn quãng hơn mười phút. Anh đi sớm vì không muốn để lộ thái độ bồn chồn của mình trước mặt vợ chồng Sơn, cũng để khỏi phải nghe những lời khuyên bảo và châm chọc của ông bạn. Ngay từ hôm qua, khi Kiên vừa mới đặt chân đến Berlin, anh đã lập tức bị Sơn biến thành đối tượng để trêu ghẹo. Ra đón Kiên ở ga, sau vài câu thăm hỏi thông thường, Sơn vỗ vai bạn nói với vẻ đầy bí ẩn: - Này, tao có một tin quan trọng cho mày đấy, nhưng chẳng biết tim mày có đủ khỏe để nghe không? - Tin gì mà kinh dị thế? - Kiên cười hỏi. - Nàng đang ở đây, - Sơn hạ giọng nói, vẻ mặt hết sức quan trọng. - Nàng nào? - Kiên không hiểu. - Đoán thử xem, - Sơn cười tinh nghịch. - Chịu, - Kiên thờ ơ đáp. - Chán mày thật, - Sơn lắc đầu vẻ chê trách. - Tình yêu thiêng liêng của đời mày đấy, biết chưa? Nàng mới từ Pháp đến Berlin thăm thằng em quãng một tuần nay. - Lan Chi đang ở Berlin à? - Kiên sững sờ hỏi. - Ừ. Thôi, đi đi, đừng đứng nghệt ra thế nữa. Nghĩ cho kỹ xem, nếu không sợ bu nó ở nhà, muốn liều mạng gặp nàng thì để tao bố trí cho, - Sơn cười hì hì nói. Dọc đường từ ga về nhà, Sơn bảo: “Tao có số điện thoại của thằng Duy đấy. Cứ để thong thả, ăn tối xong rồi nếu mày muốn thì gọi điện đến đó mà hỏi thăm tình hình.” Thấy Kiên ậm ừ, Sơn hỏi lại: “Sao? Nóng ruột quá, muốn gọi điện cho nàng ngay à?” “Có gì vội đâu, - Kiên chối. - Cứ từ từ, ăn tối xong rồi tao sẽ tính sau.” Bữa tối ở nhà Sơn, Kiên ngồi ăn như một cái máy, miệng nhai trệu trạo mà chẳng để ý mình đang ăn món gì. Vẻ mặt anh bần thần đến nỗi vợ Sơn phải ái ngại hỏi: “Anh Kiên hình như đi đường bị mệt? Anh có cần thuốc cảm cúm gì không thì để em lấy cho?” “Không, có mệt gì đâu”, Kiên bừng tỉnh. Sơn tủm tỉm cười bảo vợ: “Không có thuốc nào chữa cho anh ấy được đâu em ạ. Chỉ còn cách để anh ấy đi gọi điện thoại một chầu, may ra thì đỡ.” Mấy tiếng đồng hồ trước giờ hẹn của Kiên với Lan Chi, bắt gặp Kiên chốc chốc lại nhìn đồng hồ, Sơn bảo: - Còn lâu mới đến giờ, đừng có cuống thế. Theo tao, mày nên đến muộn chừng năm mười phút cho cao giá. - Cao giá hay thấp giá cái gì, - Kiên phì cười. – Tình xưa nghĩa cũ, đến thăm nhau thôi chứ có phải đi tán tỉnh gì đâu. Người ta có chồng có con rồi... - Ba con, - Sơn thản nhiên nói. - Ba con thật à? - Kiên hỏi. - Thì thấy thằng Duy nó bảo thế. Ít nhất là ba con ở thời điểm này. Tương lai có nhiều hơn không thì tao chưa nắm được thông tin. Nhìn vẻ mặt ngơ ngẩn của Kiên, Sơn bồi thêm: - Tao thành thật khuyên mày nên lấy cặp kính cận của tao đeo vào để đi gặp cố nhân cho thi vị. Phải nhìn mờ mờ ảo ảo thì mới tưởng nhớ được quá khứ, chứ nhìn rõ sự thật e rằng sẽ thất vọng đấy. Mày cứ thử tính mà xem: đàn bà đẻ con xong nói chung ai cũng tăng sơ sơ dăm bảy cân, nàng có ba đứa, vậy chắc tấm thân thon thả bây giờ không dưới sáu chục ký đâu. Kiên mỉm cười nhớ lại những lời nói của Sơn khi anh nhìn thấy Lan Chi hiện ra từ một góc phố. Vẫn cái vóc dáng mảnh mai ấy, vẫn mái tóc buông xõa ngang vai ấy..., anh nhận ra cô ngay lập tức và cảm thấy trào lên trong lòng một nỗi xúc động pha lẫn nhẹ nhõm. Anh định chạy ra đón Lan Chi nhưng bỗng nhiên đổi ý và lùi vào một góc khuất để kín đáo quaiền ấy chẳng bõ công ông phải xấu hổ vác mặt đi làm các thủ tục kia (“Mà lão còn già và xấu gấp mấy mình ấy chứ”, chị Ngoan căm giận kể lại như vậy, không biết trong nhận xét này có bao nhiêu phần chủ quan.) Chẳng còn cách nào khác, chị Ngoan lại phải mặc cả trả thêm tiền, rồi cuối cùng cũng nhận được cái giấy xác nhận là vợ (hờ) của ông tây. Đang mừng rỡ chuyển sang giai đoạn làm giấy tờ để đón con trai sang Đức thì nhận được tin thằng bé chết đuối. Quá đau đớn, chị cạo trọc đầu, ăn chay, và ngoài giờ làm việc ra thì dồn toàn bộ tâm huyết vào việc lễ bái. Câu chuyện thương tâm của chị Ngoan làm Thu Uyên xúc động đến nỗi từ đó thỉnh thoảng cô lại chủ động ghé vào thăm chị, hỏi xem chị có cần giúp đỡ gì không. Chị Ngoan bắt đầu “truyền đạo” cho Thu Uyên. Mới đầu, vợ Duy chỉ nghe chị Ngoan vì lịch sự, nhưng rồi gần đây, sau những biến cố xảy ra với gia đình mình, cô bèn theo chị đi lễ. Nếu không vì Duy vừa dỗ dành, vừa dọa dẫm thì Thu Uyên còn định noi gương chị Ngoan mà cự tuyệt thịt cá hoàn toàn. Bây giờ, một trong những nỗi ám ảnh lớn của Duy là một hôm nào đó đi làm về nhà sẽ thấy vợ đón mình với cái đầu trọc lốc. “Chị nói chuyện với Uyên hộ em đi, - Duy năn nỉ Lan Chi. – Em thì chịu rồi, chẳng biết nói làm sao cho Uyên tỉnh lại. Chị khách quan hơn, lại học ngành tâm lý, nhiều kinh nghiệm, có khi Uyên nghe chị đấy.” “Ừ, chị sẽ cố thử xem sao, - Lan Chi hứa. – Nhưng chị nghĩ, nếu lễ bái một chút mà làm cho Uyên nó thanh thản hơn thì có lẽ cũng chẳng hại gì. Cái chính là đừng có quá đà, đừng có trở thành mê muội thôi. Chứ ai mà chẳng cần một chỗ dựa tinh thần hả Duy. Em biết không, cái hồi bố mới mất nhiều lúc chị tưởng như không chịu nổi, giá có một cái gì để bấu víu vào thì có khi cũng đỡ khổ hơn.” Đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm dùi mài kinh sử, Lan Chi được giao nhiệm vụ áp dụng kiến thức chuyên môn tâm lý học của mình vào một đối tượng cụ thể “có vấn đề”. Mục đích đặt ra là phải làm giảm bớt ảnh hưởng của chị hàng xóm trong địa hạt tư tưởng của cô em dâu. Chuẩn bị tinh thần hết sức kỹ càng, nhưng cuối cùng hóa ra gợi chuyện vợ Duy hoàn toàn không phải khó. Lan Chi chỉ vừa mới thử lựa lời hỏi han vài câu mà mắt cô em dâu đã lập tức rưng rưng: “Em biết anh Duy không thích em như thế này đâu, nhưng nhiều lúc em không có cách nào chịu nổi...” Thế rồi, chị chồng em dâu ngồi trò chuyện hết cả một buổi chiều, quanh đi quẩn lại cũng chỉ đến “đời là bể khổ”thôi chứ chả có chân lý gì mới mẻ. Vậy mà Thu Uyên hình như cũng nhẹ nhõm hẳn đi khi trút ra được những nỗi niềm bao lâu dồn nén trong lòng: cảm giác bất lực trước nỗi khổ của người thân, mặc cảm do hàng trăm ngàn cây số cách xa mà mình đã biến thành kẻ ngoài cuộc, nỗi đau đớn khi ngay cả những người ruột thịt nhất cũng không hiểu và oán giận mình, tâm trạng thắc thỏm lo âu khi lâu không nhận được thư nhà, nhưng đến khi cầm lá thư trên tay thì lại không đủ cam đảm để bóc ra đọc... “Rồi còn bao nhiêu nỗi lo sợ vơ vẩn nữa, chị biết không, mỗi khi nghe chuông điện thoại vào một giờ bất thường là em lại sợ đến thắt cả tim, không muốn nhấc máy lên, chỉ lo phải nghe tin xấu...” “Chị hiểu chứ, chị đã trải qua nỗi sợ ấy rồi, chị đã từng nhận một hồi chuông điện thoại réo lên vào lúc nửa đêm, và sau đó không bao giờ còn tìm lại được sự bình yên như trước nữa... Nhưng tất cả những điều mà em vừa nói đó: cái cảm giác bất lực ấy, cái mặc cảm ngoài cuộc ấy, cái nỗi đau không được hiểu ấy... hình như chẳng phải của riêng ai nữa đâu, nó đã là một phần của cuộc sống tha hương rồi, Uyên ạ.” Ngoảnh đi ngoảnh lại, một tuần lễ ở Berlin trôi vèo qua lúc nào không biết. Trung đã ba lần gọi điện thoại đến nhà Duy, hai lần đầu chỉ để biết tình hình vợ con, nhưng đến lần thứ ba thì anh hỏi: “Mấy mẹ con có định về sớm hơn không, hay vẫn ở lại hết cả hai tuần?” “Em cũng chưa quyết định, - Lan Chi do dự nói. - Mấy đứa trẻ chơi với nhau vẫn vui lắm, chưa muốn về đâu. Thôi, để em xem thế nào rồi vài hôm nữa em gọi lại cho anh nhé.” Hết một tuần rồi mà vẫn chẳng có tin tức gì của Kiên, Lan Chi bắt đầu phân vân, cô phỏng đoán: “ Hay là vì hiện nay Sơn không có mặt ở Berlin, cho nên chẳng có ai báo cho Kiên biết chuyện mình đến thăm Duy cả?” Để kiểm tra lại điều này, trong bữa ăn tối, Lan Chi làm ra vẻ tình cờ hỏi Duy: - À, anh Sơn có làm việc ở chỗ em nữa không hả Duy? Nếu gặp thì bảo là chị gửi lời thăm anh ấy nhé. - Anh ấy vẫn làm cùng chỗ với em. Hôm nọ, em có kể chuyện chị với lũ nhóc đến đây chơi, anh ấy cũng hỏi thăm chị mà em quên không nói lại, - Duy đáp. “Vậy chắc là Kiên không đến Berlin rồi. Nếu không, ít nhất Sơn cũng phải báo cho Duy tin đó”, Lan Chi nghĩ. Tự nhiên, cô thấy bực bội với chính mình. “Sao mình lại dễ tin đến thế nhỉ, nghe lão Tài “ủng” nói vu vơ một câu như vậy mà cũng tin ngay được.” Còn sáu ngày nữa là hết tháng bảy. Tuy lũ trẻ con vẫn quấn quýt nhau nô đùa cả ngày không biết chán ( kể cũng lạ: ngôn ngữ giao tiếp của chúng là một sự pha trộn hết sức liều mạng ba thứ tiếng Việt-Pháp-Đức, vậy mà chúng hiểu và thân nhau rất nhanh), nhưng Lan Chi đã nghĩ đến chuyện về sớm vài hôm để làm vui lòng chồng. “Ngày mai, mình sẽ ra ga xem mua vé tàu thế nào, rồi sau đó sẽ gọi điện báo ngay cho anh ấy”, cô dự tính. Nhưng Lan Chi chưa kịp gọi điện nói chuyện với chồng thì chuông điện thoại đã gióng giả vang lên trong bữa ăn tối hôm đó ở nhà Duy. Duy đi sang phòng bên cạnh nhấc máy nghe rồi gọi vọng ra: - Chị Chi ơi! Có điện thoại cho chị đấy! - Anh Trung lại gọi phải không? Chắc anh ấy sốt ruột rồi. Thôi có khi ngày mai chị đi mua vé tàu về, Duy ạ, - Lan Chi vừa bước về phía em trai vừa nói. - Không, không phải anh Trung đâu, - Duy đáp. - Anh Kiên muốn nói chuyện với chị, anh ấy đang ở nhà anh Sơn. Mười mấy năm trời ngăn cách hiện tại với quá khứ dường như vụt biến đi khi Lan Chi bước đến bên máy điện thoại. Cô hít một hơi dài để tự trấn tĩnh rồi nhận ống nghe từ tay Duy. - Alô... - cô nói bằng một giọng ngập ngừng và hơi yếu ớt. - Lan Chi phải không? Giọng nói vang lên ở đầu dây bên kia thân thuộc đến nỗi tự dưng Lan Chi có cảm giác như nghẹt thở. Trong khoảnh khắc, cô thấy mình như đột ngột rơi vào một khoảng trống bồng bềnh: không còn thời gian, không còn không gian, chỉ còn cô và anh giữa những kỷ niệm quay cuồng.