Kiệu vừa hạ xuống trước cửa cung. Cả đoàn tì nữ ùa ra đón công chúa. Nàng chưa kịp thay áo, Bích Huệ đã lén vào phòng hỏi:- Thưa công nương, người đã biết bên viện thái y có chuyện gì chưa ạ?Làm ra vẻ không lưu tâm, công chúa lại hỏi:- Ngươi bảo có chuyện gì. Ta chỉ thấy nói bên thái y viện hoặc phủ kim ngô, để quân lính canh phòng thế nào mà kẻ gian lọt được vào yểm đảo bùa chú. Phủ kim ngô đe sẽ tìm ra bọn phù thủy dùng tà thuật làm náo loạn nhân tâm để trị tội. Nói đến đây giọng công chúa tỏ vẻ nghẹn ngào nhìn về phía Bích Huệ. Ngừng một lát, công chúa lại hỏi:- Vậy chớ em biết chuyện gì xảy ra ở bên đó?.- Thưa công nương, con nghe người ta đồn ầm lên rằng đêm qua có ma về đập cửa viện thái y.- Thế em có biết vì đâu ma đập cửa không?- Dạ thưa công nương, con không biết ạ.- Em khéo vờ quá. Chính bữa qua em đã làm bùa phép gọi ma về. Ta nghe nói có ngườii thấy em di di cái gì trên cửa viện thái y. Từ lúc nghe thấy thế, ta đau lòng quá.Ta đang nghĩ cách cho em đây. Chỉ sợ lúc ta chưa nghĩ được kế, họ đã ập tới bắt em. Rồi đòn đau khảo đả, không chịu nổi, em lại xưng vấy cho ta. Thế là cả ta, cả em… ôi biết đâu lại tớii nông nỗi này? Bích Huệ mặt mày tái xanh, tái xám. Nhưng chỉ một thoáng, cô nữ tì này đã lấy lại được vẻ bình tĩnh. Nước mắt lã chã, cô sụp lạy công chúa:- Xin công nương, người cứ an tâm. Thân con coi như đã chết, nếu như không có công nương ra tay cứu vớt. Vạn nhất họ có đến bắt con ngay bây giờ thì con sẽ cắn lưỡi tự tử, chứ không khi nào con để lụy đến công nương. Nói xong, Bích Huệ lại òa khóc thảm thiết.Sợ bên ngoài nghe thấy, công chúa khép cửa lại rồi lấy khăn lau nước mắt cho Bích Huệ và dỗ:- Nín đi em. Em làm lòng dạ ta xao xuyến cả lên. Ta không ngờ em lại trung thành với ta đến độ không tiếc cả tấm thân cha mẹ sinh ra nữa. Em bỏ lỗi cho ta. Những điều ta vừa nói với em là nói đùa đấy. Ta nói đùa, em lại tưởng thật.Bích Huệ lại càng khóc to:- Con chắc công nương thương con nên nói thế. Thề có trời đất, quỷ thần chứng giám, con không bao giờ phản bội công nương.Công chúa bật cười vì sự ngây thơ hốt hoảng của Bích Huệ. Nàng đang nghĩ cách làm thế nào để chấm dứt cái trò đùa nguy hiểm này thì Thúy Quỳnh ló đầu vào. Công chúa reo lên:- Ôi, Thúy Quỳnh, ta đang mong em tới.Nhìn thấy cảnh Bích Huệ đang quỳ, nước mắt lã chã. Thúy Quỳnh sửng sốt ngỡ là Huệ phải đòn. Nhưng thấy khuôn mặt công chúa vẫn tươi tỉnh, hồn nhiên, Thúy Quỳnh liền nói:- Bẩm công nương có chuyện gì thế ạ?.Công chúa tươi cười nói:- Em đỡ Bích Huệ lên để ta bày tỏ đôi điều.Cả hai thị tì cũng không biết công chúa sẽ phán dậy điều gì. Lành hay dữ?Họ lo lắng ngồi nép vào nhau chờ. Công chúa lên tiếng:- Thúy Quỳnh, em có nghe người ta nói tới chuyện bên viện thái y không?- Dạ bẩm công nương thuần những chuyện ma quái rùng rợn. Chuyện còn lan ra cả tới phố phường, con thấy nhà nào cũng bầy hương án ngoài sân cúng trời, bàn tán xôn xao lắm ạ.- Họ nói thế nào?. Công chúa hỏi:- Bẩm công nương, họ bảo trong hoàng thành, quân canh tứ phía, uy nghiêm là thế ma còn dám tới đập cửa. Thưa công nương họ còn dựng lên cả một câu chuyện thật là kỳ cục. Ví như họ nói: “Có một đoàn ma già, ma trẻ kéo tới viện thái y. Bắt quan thái y đem dìm xuống nước mãi mới chịu buông ra. Quan thái y rét run cầm cập, mặt cắt không được một giọt máu chạy về phục trước sân rồng, nom ông như một đống rạ mục… Ôi, thưa công nương, miệng thế gian biết thế nào mà tin được. Nhưng con vẫn ngờ dân chúng họ thính lắm, sự thể có thế nào chẳng giấu được họ đâu.Con bèn ghé qua bên viện thái y. Bên ấy vắng tanh vắng ngắt. Con sợ quá, phải chạy té về ngay”. Công chúa nghe xong câu chuyện cũng có vẻ động dao. Nàng tự xem xét lại cái trò nghịch ngợm của mình, không ngờ sự thể lại xảy ra oái oăm đến thế. Nhìn thẳng vào mắt hai ả thị tỳ, công chúa tủm tỉm cười, rồi chậm rãi:- Các em có nhớ hôm ở chùa Phổ Minh, phụ hoàng ta đã nói, khi người khuyên các vị trưởng lão, các tăng già hãy răn dạy dân chúng, đừng tin vào những điều dị đoan nhảm nhí, Nhất là những phương sách bịp bợm, ma giáo của lũ phù thủy người Tống. Họ chạy sang ta từ khi nước họ bị người Thát lấy mất. Họ đem theo cả một số tà thuật sang để làm sinh kế. Dân ta đôn hậu, cứ cắm cổ nghe theo. Thành thử tổn hại không biết bao nhiêu mà kể. Tiền của mất. Bệnh tật thêm. Mà thần nọ thánh kia, miếu này phủ nọ, nó mọc lên nhan nhản. Chỗ nào cũng thờ, cũng hương khói, cúng vái. Hóa ra chúng dân đâm nhát sợ, thờ từ một hòn đá đến gốc cây, bụi cỏ. Cứ hễ cái gì dị dạng dị hình, chúng bảo đó là thần linh, hoặc yêu quái. Chính thần, tạp thần, dâm thần cứ gặp gì thờ ấy… Có đúng phụ hoàng ta đã nói như thế không các em? Ừ phải, ta nhớ không sai. Phụ hoàng ta còn vạch một số tà thuật của bọn người Tống để các bậc trưởng lão, nếu chưa tin thì cứ việc làm thử. Chỗ ấy các em có nhớ không? Không nhớ à? Ta cũng tin là các em không nhớ. Ngay từ khi ta sai các em đi xin các vị thuốc A ngùy rồi về sao tán, không thấy các em cật vấn điều gì, ta biết ngay là các em đã quên. Chính quan thái y cũng không biết, huống chi các em. Thật ra ta không muốn đem đến thái y viện mà làm thử. Nhưng vì quan thái y bữa đó, trước khi ra về còn dặn một điều lấp lửng: “Công nương phải rất cẩn thận trong khi dùng vị thuốc này”. Làm như ông ta biết chắc chắn rằng ta dùng vào việc gì. Ta lại cho rằng, ông ta chẳng biết gì hết. Vậy nên ta trêu tức, mới sai Bích Huệ đem sang bôi vào cánh cửa viện thái y. Bây giờ sự thể nó bùng ra như các em thấy đấy.Cả hai cô thị tì đều ngơ ngác gần như kinh ngạc. Rằng tại sao chỉ bôi có vị thuốc A ngùy hòa với rượu lại gọi được ma quỷ về. Huyền Trân nhìn hai thị tỳ với vẻ thương hại: - Các em tưởng ta cũng như phù thủy có phép gọi ma về phải không? Láo hết, chẳng có phép tắc nào cả. Tiếng ma đập cửa ấy chính là tiếng va đập của những con dơi đụng vào cánh cửa. Chả là thế này, A ngùy sao tán lên rồi tẩm với rượu, nó toát ra một thứ mùi thơm thơm, hắc hắc, loài dơi rất thích. Một con thích gọi cả bầy đàn. Hết đàn ấy, đến đàn khác. Chúng cứ thay nhau lao vào cánh cửa. Mỗi con lao lại gây ra một tiếng đập, kiểu như tiếng người đập cửa. Sự việc xảy ra bên viện thái y là như vậy. Cũng đúng như ta xét đoán, quan thái y chẳng hiểu gì về cái vị thuốc này cả. Còn hàng trăm vị thuốc khác nằm trong các hộp để bào chế, ta không hiểu quan thái y biết đến mức nào? - Dạ bẩm công nương, thế có cách nào giải được cái nạn dơi đập cửa này không ạ?… Thúy Quỳnh lễ phép hỏi. Nàng nói thêm: - Thưa công nương, con nghe nói lính canh đã dùng đèn đuốc soi, sao lại không biết có dơi là thế nào ạ. Chuyện này con chưa được tường lắm, xin công nương dạy cho. - Ta cũng đang muốn chấm dứt cái trò chơi này với quan thái y. Lại phải nhờ đến hai em đây. Chiều nay các em nấu lấy một ít nước ngũ vị thật đặc, xong rồi tẩm vào vải, đem sang bôi đè lên chỗ bữa nọ Bích Huệ đã bôi nước A ngùy. Hết mùi A ngùy, dơi không tới nữa. Vừa rồi, Thúy Quỳnh có hỏi ta: “Lính soi đèn sao không biết có dơi”. Bí quyết lừa bịp của bọn phù thủy là ở chỗ đó, dân sợ cũng ở chỗ đó. Vì đêm tối bất chợt có tiếng đập cửa râm ran, hỏi không có ai trả lời. Người trong nhà đâm sợ. Nổi đèn đuốc lên, hô hoán lên, xóm giềng kéo đến. Không tìm thấy một dấu vết nào. Chán rồi mọi người ai về nhà nấy. Chủ nhà cũng đi ngủ. Cửa vừa gài, đèn vừa tắt, tiếng đập cửa lại vang lên. Cứ như thế ai mà không sợ. Kéo dài mãi, người trong nhà có thể bị điên. Thế là phải tìm đến thầy cúng, cầu xin lễ vái. Còn khi thắp đèn, đuốc, dơi không tới nữa là do dơi sợ ánh sáng. Đây có một câu chuyện để ta kể cho các em nghe…Với vẻ lim dim thư thái, công chúa như cố nhớ, cố chắp nối lại những mảnh lẻ rời rạc trong ký ức tuổi thơ. Hai tì nữ mắt hau háu nhìn Huyền Trân, vẻ như van lơn, như nài xin công chúa nói cho nghe.Một thoáng sau, công chúa khẽ cất lên giọng trầm trầm, ấm áp:- … Ngày xưa, có một cuộc thi tài đọ sức giữa hai loài thú và chim. Dơi có nước da đen mốc, bộ mặt choắt, dăn deo như một cụ già trăm tuổi. Lại có vóc dáng đạo mạo uyên nguyên như một nhà hiền triết, nên được cả hai loài chim thú cử làm giám thí. Chiêng trống nổi lên, đàn sáo nổi lên, Lại có cả những giọng hót hay của loài chim sơn ca, chích chòe, liếu điếu, họa mi, yến xen với tiếng gầm gào của các loài thú dữ như hổ, báo, sư tử, khiến trời đất chật ních những thanh âm. Khi các âm thanh hỗn tạp vừa dứt, cuộc đấu bắt đầu. Loài chim cử đại bàng ra thách đấu. Loài thú cử hổ vằn ra nghênh chiến. Một mãnh thú, một mãnh cầm quần nhau làm cho núi nghiêng, cây đổ. Lá rừng nát tươm cùng với bụi cát bay lên che lấp cả ánh mặt trời. Cuộc đấu mỗi lúc một thêm căng thẳng, dữ dội tưởng như không bao giờ dứt. Có lúc đại bàng đã cắm được những chiếc móng sắc nhọn vào mình hổ. Chỉ còn một việc vỗ đôi cánh rộng lao vút lên chín từng trời, rồi thả cho hổ rơi vào vách đá hoặc chìm xuống vực sâu, thân xác tan nhừ như một cây thối ruỗng. Đó là món võ ác hiểm sở trường của vị chúa tể loài chim này. Giữa lúc tính mệnh hổ nghìn cân treo sợi tóc thì quan giám thí reo ầm lên: “Hổ thua rồi! Hổ thua rồi! Vinh quang biết mấy cho loài chim chúng ta! Muôn năm vị chúa tể của chúng ta! Muôn năm vị chúa tể của chúng ta! Muôn năm sự dũng mãnh của đức vua đại bàng! Vinh hạnh cho ta mang trong mình dòng máu của đức vua!”. Nói xong dơi giang đôi cánh mỏng không có một mảng lông, chỉ có một mảng da nhăn nheo, như để chứng minh cho quan khách biết: “Ta thuộc loài chim”. Nhưng vị chúa sơn lâm đâu có chịu chết một cách nhục nhằn. Ngài gầm lên một tiếng dữ dằn như một làn sóng thần, khiến lá rừng rơi rụng trơ trụi như một sáng trọng đông. Rồi vùng ra khỏi những chiếc móng nhọn như răng của một chiếc kìm thép của đại bàng. Và đột ngột hổ quay ngoắt lại vồ được một bên cánh của đại bàng, kéo giăng ra như một chiếc quạt khổng lồ. Hổ đã chuyển bại thành thắng, nhờ có sự dũng mãnh phi thường, và cũng nhờ vào miếng võ gia truyền tuyệt luân của họ hàng nhà hổ. Trong khi các quan khách chưa hết sững sờ vì ngón đòn của hổ, thì dơi đã bật dậy reo nồng nhiệt: “Hổ thắng rồi! Hổ thắng rồi! Đại bàng sẽ chết! Đại bàng sẽ chết! Muôn năm vị chúa tể sơn lâm. Muôn năm đức vua dũng mãnh của loài thú chúng ta…” Dứt lời, dơi vội vàng lết đi chậm chạp như một con bọ hung, cũng là để khoe với quan khách rằng: “Ta thuộc loài thú kiêu hùng chứ không có dính dáng họ hàng gì với loài chim hạ đẳng”. Trong khi dơi đang cao đàm khoát luận thì đại bàng nhanh như chớp, lấy hết sức bay vọt lên rồi mổ chiếc mỏ vừa sắc như dao vừa nặng như búa vào đầu hổ. Cuộc đấu lại tiếp diễn, mỗi lúc một ác liệt thêm. Cho mãi đến khi mặt trời đã rơi xuống phía bên kia các ngọn núi thấp, bầu trời xám xịt, cuộc đấu vẫn chưa phân thắng bại. Cả hổ lẫn đại bàng đều khôn ngoan hơn, thế công thủ kín đáo vững vàng hơn. Cuộc đấu có thể kéo dài đến vô hạn, cả hai loài chim và thú, thấy không có cách nào khác là phải chung sống với nhau dưới bầu trời của thượng đế. Chúng bèn cử họa mi và khỉ ra dàn xếp. Cuộc hòa giải kết thúc vui vẻ. Công ra múa, bộ lông của nó xòe ra cụp vào, màu sắc rực rỡ như muôn ngàn vì sao lấp lánh. Thiên nga đan kết thành vòng nhào lộn trên bầu trời mờ tối.Các loài chim, các loài thú đều rộn rã tấu lên khúc nhạc êm hòa giao kết… Đêm xuống, các loài chim về ngàn, dơi xập xòe đôi cánh bay theo. Nhưng bị chúng xua đuổi. Không có một giống chim nào chịu nhận dơi vào tộc họ của mình. Lủi thủi, dơi quay về bò lết những mẩu chân ngắn ngủn theo các loài thú. Lại đến lượt các loài thú xua đuổi dơi. Chỉ vì dơi định chơi trò láu cá. Khi được cử làm trọng tài giám sát cuộc thi, dơi đã không làm tròn chức phận một cách công bằng, mà chỉ chăm chút gửi tấm thân mình về bên nào có lợi nhất. Dơi cũng khéo cải trang cho bộ mặt mình có cốt cách của loài thú, có vóc dáng của loài chim. Nhưng xét cho cùng, dơi chẳng phải chim, cũng chẳng phải thú, lại còn thêm một tâm địa xảo trá, nên cả hai loài chim và thú đều không cho gia nhập cộng đồng. Thành thử dơi phải sống lén lút. Bởi ngày là của một số loài chim, đêm là của một số loài thú, nên dơi chỉ có thể lợi dụng kiếm ăn vào lúc ngày sắp tàn, đêm sắp tới. Âý là lúc chập choạng giữa tranh tối tranh sáng. Thế mới hay ở đời: “Khôn ngoan lắm, oan trái nhiều…”. Công chúa thở dài như vừa trút đi một cái gì nặng nề ám ảnh ở trong lòng. Với vẻ thán phục. Bích Huệ ngước nhìn công chúa hỏi: - Thưa công nương, chẳng hay do đâu mà công nương biết được lai lịch loài dơi một cách tường tận như vậy?. Thúy Quỳnh cũng săn sái nói thêm: - Công nương quả là lỗi lạc. Cái gì người cũng biết tới ngọn ngành. Mới nghe thượng hoàng nói về cái vị thuốc “A ngùy” thế thôi, chúng con thì một câu chữ cũng không nhớ, còn công nương lại ứng dụng làm liền, khiến quan thái y và cả thái y viện phải lao đao. Công chúa mỉm cười với vẻ mặt đầy kiêu hãnh, nàng nói: - Biết lai lịch của loài dơi, là do một chuyện tình cờ. Có lần ta thấy một con vật lạ bay vào trong lầu, rồi nó cứ bám chặt vào gót kèo, đầu chúc xuống đất. ta sợ quá hét lên. Ngày ấy ta còn nhỏ, chừng bảy, tám tuổi. Nhũ mẫu bèn chạy đến, khi đã rõ đầu đuôi câu chuyện. Người bèn đi lấy một chiếc tay mây kều con dơi xuống, rồi kể cho ta nghe câu chuyện vừa rồi. Phải nói, ta có biết chút ít về cuộc sống ngoài đời, ấy là do nhũ mẫu dạy cho. Chính các em cũng đem đến cho ta nhiều điều mới lạ. Nếu không, ở chốn cung cấm này, ta làm sao biết được. Hoặc giả ta chỉ biết qua những điều sách nói. Mà sách thuần có dạy người ta về các điều đạo lý cao xa,nó không sát hợp với cuộc sống thường ngày. Cũng vì thế mà ta ham mải tìm kiếm những gì vốn có quanh ta. bởi thế, khi nghe phụ hoàng nói, về ba cái trò ma giáo của mấy anh phù thủy người Tống, mất nước chạy sang ta, đi lừa bịp kiếm ăn. Ta đã ghi ngay vào trong đầu óc, là phải làm thử xem, có đúng như lời phụ hoàng nói không? Ai ngờ… Mắt công chúa long lanh sáng, nở một nụ cười kín đáo. Rồi nàng bảo hai tì nữ thân cận: - Ngay chiều nay, các em phải đem nước ngũ vị sang bôi kỹ lên cánh cửa bên viện thái y, chỗ bữa trước Bích Huệ đã bôi nước A ngùy. Phải thôi ngay cái trò chơi ma quỷ này, nếu không, chủ, tớ chúng ta đều mắc vào trọng tội đó. - Chúng con xin vâng! Cả hai nữ tì cùng lên tiếng đáp lời chủ.