Xem xong bức thư của Sa tôi lên nói ngay cho Kha biết là em của cậu đã đến trại Gió Hú, có gửi thư cho tôi tỏ ý buồn thấy mợ tôi bệnh và tha thiết mong gặp cậu tôi... Sa còn mong ước được cậu chuyển tới qua tôi càng sớm càng tốt một cái gì để tỏ ra cậu đã tha thứ cho cô ấy. Nghe xong, Kha nói: “Tha thứ! Tôi chả có gì để tha thứ cho cô ấy cả. Vú Diễn, nếu vú muốn thì trưa nay vú có thể sang bên Gió Hú bảo với Sa rằng tôi không giận nhưng tôi buồn vì đã mất cô ấy, nhất là vì không bao giờ tôi tin cô ấy được hạnh phúc. Cũng không bao giờ có chuyện tôi sang thăm. Tôi với Sa đã vĩnh viễn xa lìa nhau. Nếu cô ấy thực tình muốn giúp tôi thì hãy làm cách nào cho thằng chồng vô lại ấy cút khỏi xứ này đi đâu thì đi.” Tôi năn nỉ: “Thưa cậu, sao cậu không viết cho cô Sa vài chữ?” “Thôi, vô ích. Tôi không có liên lạc gì với gia đình Hy cũng như hắn không có liên lạc gì với gia đình tôi.” Thấy cậu Kha lạnh nhạt như thế tôi buồn vô cùng. Trong lúc đi đường, tôi cố moi óc tìm cách nói làm sao cho những lời cậu nhắn gửi Sa có vẻ có tình có nghĩa hơn và làm thế nào giảm nhẹ việc cậu từ chối viết thư, dù chỉ vài dòng, để an ủi Sa. Tôi dám chắc là Sa đã mong đợi tôi từ sáng sớm. Lúc tôi leo lên con đường đá trong vườn đi lên nhà tôi đã thấy nàng đứng tựa cửa sổ nhìn ra rồi. Tôi gật đầu chào, nhưng nàng lùi ngay vào, như sợ có ai rình thấy. Không gõ cửa tôi đi thẳng vào nhà. Cảnh nhà xưa vui tươi biết chừng nào, không ngờ nay lại tiêu điều ảm đạm thế. Tôi phải thú thật là, nếu ở địa vị Sa, ít ra tôi cũng quét dọn lò sưởi và lau chùi cái bàn cho đỡ bụi. Nhưng nàng đã lây cái thói bừa bãi của mấy người trong nhà này. Bộ mặt xinh đẹp của nàng nay xanh xao và thờ thẫn, tóc không cuộn, mớ thì rủ xuống mớ thì quấn quanh đầu. Quần áo thì có lẽ vẫn mặc y nguyên từ chiều hôm trước không thay. không có đó. Hy đương ngồi ở bàn, giở mấy tờ giấy trong cuốn sổ tay. Thấy tôi vào, Hy đứng dậy chào hỏi thân mật và nhắc ghế mời ngồi. Hy là người duy nhất ở đấy trông có vẻ tề chỉnh. Chưa bao giờ tôi thấy hắn chững chạc như vậy. Hoàn cảnh đã làm thay đổi địa vị của hai người rất nhiều. Người lạ mới gặp sẽ tưởng hắn thuộc dòng dõi quý phái, còn vợ hắn là một cô ả bê bối cẩu thả. Sa nôn nóng bước ra đón tôi. Nàng chìa một tay ra đón bức thư mà nàng tưởng là thế nào tôi cũng đem lại cho nàng. Tôi lắc đầu. Nhưng Sa không hiểu ý, nàng theo tôi đến chỗ tủ tôi treo mũ, thì thầm bảo tôi có đem cái gì thì đưa ngay cho nàng. Hy đoán biết ngay nàng định làm gì, nên nói: “Nếu vú có đem cái gì cho Sa thì vú đưa cho cô ta đi, tôi chắc thế nào cũng có mà. Vú cần gì phải dấu diếm, giữa chúng tôi không có gì phải bí mật cả.” Nghĩ bụng cứ nói huỵch toẹt ra là hơn, tôi nói: “Ồ, tôi chẳng có gì cả. Cậu tôi bảo cô Sa đừng có trông đợi thư từ của cậu tôi và cậu tôi cũng không thể đến thăm được. Thưa cô, cậu Kha gởi lời chúc mừng cô được hạnh phúc và sẵn sàng tha thứ cô về việc cô đã làm cậu ấy buồn phiền. Nhưng theo ý cậu Kha thì từ rầy về sau hai nhà nên thôi liên lạc với nhau, vì có tiếp tục cũng chẳng mang lại được cái gì.” Đôi môi Sa khẽ rung lên, nàng quay về ngồi phịch trên chiếc ghế bên cửa sổ. Chồng Sa đến đứng trước lò sưởi gần tôi, hỏi thăm về Liên. Tôi nói cho hắn biết những điều tôi cho là có thể nói ra được về bệnh tình của Liên, nhưng hắn cứ cật vấn tôi mãi để biết rõ nguyên do đã khiến nàng đau ốm. Tôi đổ lỗi cho mợ đã tự mình rước lấy bệnh vào người và kết luận Hy nên theo gương cậu Kha mà tránh dây dưa vào gia đình cậu, dù là có hậu ý tốt hay xấu. Tôi nói: “Mợ Kha vừa khỏi bệnh nhưng không bao giờ mợ có thể hồi phục như cũ. Tính mệnh mợ mặc dù không bị nguy hiểm nhưng nếu cậu thực tình yêu quí mợ tôi thì nên tránh đừng gặp mợ tôi nữa. Tốt hơn hết, cậu nên đi xa, xa hẳn vùng này hoàn toàn. Để cậu khỏi phải luyến tiếc tôi nói cho cậu biết là mợ Liên bây giờ khác hẳn cô Liên bạn cậu ngày xưa, khác hẳn như tôi khác với cô tiểu thư ấy vậy. Bề ngoài mợ đã thay đổi nhiều, mà tính nết lại càng khác xưa. Người bạn đời của mợ từ nay về sau nếu còn giữ được chút tình nghĩa nào với mợ ấy thì cũng chỉ là nhờ vào những kỷ niệm xưa với mợ, nhờ ở lòng nhân đạo thông thường và do ý thức bổn phận mà thôi.” Hy cố giữ điềm tĩnh nói: “Rất có thể... rất có thể ông chủ của vú không còn dựa vào lý do nào khác ngoài lòng nhân đạo thông thường và ý thức bổn phận. Nhưng vú tưởng tôi sẽ bỏ mặc Liên cho bổn phận và lòng nhân đạo của hắn săn sóc hay sao? Vú có thể so sánh tình của tôi với Liên giống tình của hắn với nàng sao? Trước khi vú rời khỏi nhà này về, tôi bắt vú phải hứa chắc là vú sẽ cho tôi gặp Liên một lần. Dù vú có bằng lòng hay không, tôi cũng sẽ gặp Liên. Vú nói sao?” “Cậu Hy này, tôi đã bảo cậu không nên... cậu phải tránh gặp mợ ấy. Và tôi không bao giờ giúp cậu việc đó đâu. Cậu và chủ tôi mà chạm trán nhau lần nữa chắc sẽ giết chết mợ tôi thôi.” “Có vú giúp sẽ tránh được điều đó. Mà nếu có nguy cơ xẩy ra chuyện ấy, nếu hắn là nguyên nhân gây thêm rắc rối cho cuộc đời Liên, thì việc tôi tìm gặp là đúng chứ sao? Vú hãy thực tình nói cho tôi biết rằng không có hắn thì Liên có khổ lắm không? Chỉ vì ngại có mỗi điều ấy mà tôi phải chùn tay. Đấy, vú thấy tình cảm giữa tôi và Kha khác nhau nhường nào... Giả thử hắn ở địa vị tôi, tôi ở địa vị hắn, thì dẫu tôi có ghét kẻ tình dịch đến bầm gan tím ruột, tôi cũng không bao giờ làm hại kẻ ấy. Trông vú có vẻ không tin, tùy vú đấy! Tôi sẽ không bao giờ cấm kẻ ấy giao thiệp với Liên, chừng nào Liên còn yêu quí hắn. Ngày nào Liên hết còn yêu thì ngày ấy tôi mới moi tim hắn ra để uống máu! Nhưng từ nay cho đến ngày ấy - nếu vú không tin tôi tức là vú không hiểu con người tôi - từ nay cho đến ngày ấy, cho dẫu tôi có chết dần chết mòn, tôi cũng không động đến một sợi tóc trên đầu hắn!” Tôi ngắt lời: “Thế sao cậu lại còn cứ bắt mợ phải nhớ đến cậu, sao cậu lại phá hết mọi hy vọng để mợ hoàn toàn bình phục, trong khi chính mợ đã gần quên hẳn cậu rồi?” “Vú tưởng là Liên đã gần quên được tôi rồi à? Ôi, vú Diễn! Vú thừa biết là Liên không quên tôi! Vú cũng biết rõ như tôi rằng nếu Liên nghĩ đến Kha một phần thì Liên nghĩ đến tôi cả ngàn phần. Vào cái thời kỳ khốn khổ nhất đời tôi, tôi cũng từng lo nàng đã quên tôi và ý nghĩ này ám ảnh tôi hồi mùa hè năm ngoái khi tôi trở về vùng này.” Bây giờ chỉ trừ khi nào chính miệng Liên nói ra, tôi sẽ không bao giờ còn tin vào cái ý nghĩ ghê gớm ấy nữa. Và lúc đó thì tất cả sẽ chẳng còn ý nghĩa nào nữa đối với tôi, Kha, Hạnh và tất cả những mơ ước của tôi đều trở thành vô nghĩa. Lúc đó tương lai tôi chỉ còn có chết và địa ngục. Sống mà không có Liên là địa ngục. Có lúc tôi ngu quá tôi cứ cho là Liên coi trọng tình yêu Kha hơn tình yêu tôi. Cứ cho là hắn yêu Liên hết mình đi, cứ cho là cái thân xác nhỏ yếu của hắn yêu Liên luôn tám chục năm đi, thì cũng không bằng tình tôi yêu Liên một ngày. Tâm tình Liên cũng sâu xa như tâm tình tôi, tình yêu của Liên mà bị hắn độc quyền chiếm cứ chả khác nào nước biển bị chứa trong cái máng ngựa kia. Úi chào! Bất quá Liên có quý hắn thì cũng chỉ quý hơn con chó con ngựa của nàng một bậc thôi chứ mấy. Làm sao Liên có thể yêu hắn bằng yêu tôi được? Làm sao Liên có thể yêu hắn được khi mà những cái nàng yêu lại không hề có ở hắn?” Sa chợt hét to lên: “Thiên hạ người ta yêu nhau thế nào thì Liên và Kha cũng yêu nhau như thế. Không một ai có quyền nói cái kiểu như anh vừa nói. Tôi không thể ngồi im nghe người ta dèm pha nói xấu anh tôi!” Hy đáp, giọng khinh khỉnh: “Anh cô cũng yêu cô ghê gớm lắm đấy, phải không? Ấy thế mà lại bỏ rơi cô cái một!” “Tại vì anh tôi không biết tôi đau khổ như thế này. Tôi không nói cho anh tôi biết.” “Vậy ra cô đã nói với hắn điều gì... Cô viết thư phải không?” “Tôi có viết, để báo tin tôi đã lấy chồng. Anh đã có coi bức thư rồi mà.” “Và sau đó cô không viết gì thêm đấy chứ?” “Không.” Tôi nói: “Hoàn cảnh thay đổi làm cô Sa tôi đau khổ thực sự. Cô tôi thiếu tình yêu của một người, chắc chắn là... tôi biết người ấy nhưng không tiện nói ra.” Hy nói: “Tôi thì tôi đoán là của chính cô ta. Trông cô ả bây giờ tiều tụy như con mẹ dại, chưa chi đã hết không còn chiều chuộng tôi nữa. Nói ra chắc vú khó tin, nhưng vừa cưới nhau hôm trước thì sáng hôm sau đã khóc lóc đòi về nhà. Dù sao, nếu cô ta không quá yểu điệu, cô ta rất thích hợp với cái nhà này. Tôi sẽ trông chừng không để cô ta lếch thếch ra ngoài bêu xấu mặt tôi.” Tôi đáp ngay: “Nhưng thưa cậu, tôi xin cậu nhớ cho là mợ Hy đây xưa nay quen có người trông nom hầu hạ, được chiều chuộng như con một. Cậu phải mướn một người ở để nó dọn dẹp hầu hạ mợ. Và cậu phải ăn ở tử tế với mợ. Đối với cậu Kha tôi cậu muốn nghĩ gì thì nghĩ. Còn mợ Hy đây thì cậu có thể biết chắc là mợ ấy yêu cậu hết lòng hết dạ, nếu không thì đã chẳng bỏ cả nhà cao cửa rộng lịch sự tiện nghi, bỏ cả những người thân yêu, để ở với cậu trong cái xó tồi tàn này.” Hy đáp: “Cô ả bỏ nhà ra đi vì tưởng lầm tôi là một nhân vật tiểu thuyết có lòng hào hiệp muốn cung phụng cô ấy hết mình. Cô ta cứ nhất định nuôi những ý nghĩ hoang đường về tính tình của tôi và hành động theo những ấn tượng sai lầm ấp ủ trong lòng, khiến tôi không thể coi cô ả như một người bình thường biết suy nghĩ. Nhưng cô ấy đã bắt đầu hiểu tôi rồi. Cô ả phải cố gắng lắm mới khám phá ra rằng tôi không hề yêu cô ả. Lúc trước tôi đã tưởng không có cách nào để cô ả hiểu được điều ấy! Mà cũng chưa hẳn như thế đâu, vì sáng nay cô ả làm như mình thông minh sáng suốt lắm, bảo rằng tôi đã thành công làm cho cô ả căm ghét tôi. Cả một công trình đấy, vú ạ, tôi không nói rỡn đâu! Nếu thực như thế thì tôi cám ơn vô cùng. Này Sa, lời cô nói đó, tôi có thể tin được không? Cô có chắc là cô oán hận tôi không? Nếu tôi bỏ cô nửa ngày một mình ở nhà, liệu cô có thở vắn than dài và tán tỉnh tôi nữa không? Vú này, tôi dám nói là trong lòng cô ấy muốn tôi phải giả vờ giả vịt vuốt ve âu yếm cô ta trước mặt vú. Nói thật thì lại chạm tự ái cô ả. Nhưng tôi bất cần ai biết chuyện tình duyên này chỉ hoàn toàn là tình một chiều và tôi không bao giờ nói dối cô ấy một lời về điều đó. Cô nàng cũng không thể nào kết tội tôi đã đóng vai dịu dàng để lừa phỉnh nàng. Việc đầu tiên tôi làm ngay trước mắt cô ta khi vừa ra khỏi Họa Mi Trang là tôi treo cổ con chó con của cô ả. Khi cô ta năn nỉ tôi tha cho con chó thì tôi nói toạc ra rằng tôi còn muốn treo cổ hết thẩy mọi người thân thuộc của cô ả, ngoại trừ có một người thôi. Rất có thể cô ả tưởng rằng người ấy là cô ả. Nhưng cô ta ấy không ngán một sự tàn nhẫn nào. Tôi cho rằng bản chất cô ả thích tàn nhẫn, miễn là không thiệt hại tới tấm thân ngà ngọc của cô ả. Vú thử nghĩ xem, con người hèn hạ đê tiện, khốn nạn đến như vậy thì tôi yêu làm sao được cơ chứ mà lại cứ mơ tưởng hão; thực là phi lý, ngu ngốc. Vú về nói với chủ vú biết là trong đời tôi chưa bao giờ gặp một đứa ty tiện như em gái hắn. Ngay cả đến dòng họ Tôn cũng bị cô ả làm ô nhục. Chỉ vì thiếu những sáng kiến mới nên tôi cũng nhẹ tay trong việc thử xem sức chịu đựng của cô ả tới mức độ nào; bây giờ thì cô ả chỉ biết khúm núm bò lết nhục nhã mà thôi. Vú cũng nên bảo thằng anh cô ả biết để hắn yên tâm là tôi làm gì cũng hết sức giữ trong vòng luật pháp. Cho đến nay, tôi hết sức tránh không để cho cô ả có thể dựa vào cớ gì để đòi xin ly dị cả. Vả lại ai muốn chia rẽ chúng tôi thì cứ việc chia rẽ, cô ả có ơn gì đâu...nếu cô ả muốn bỏ đi thì cứ việc bỏ đi...thấy mặt cô ả mà tôi phát ngán, chẳng còn cái thú hành hạ cô ả nữa.” Tôi nói: “Cậu Hy, có điên mới nói chuyện như cậu. Vợ cậu chắc cũng nghĩ rằng cậu điên rồi nên mới chịu đựng đến giờ này. Bây giờ cậu bảo cô ấy bỏ đi, tôi chắc cô ấy sẽ không bỏ lỡ cơ hội... Cô Sa, chẳng lẽ cô ăn phải bùa mê hay sao mà chịu ở lại với cậu ấy?” Sa giận dữ mắt long lên, trông biết ngay là Hy đã đạt mục đích làm cho nàng thù ghét hắn. Nàng đáp: “Hãy coi chừng, vú Diễn! Đừng có tin lời hắn. Người đâu mà tàn ác, giả dối, không còn là giống người nữa! Trước kia hắn cũng bảo tôi muốn bỏ đi thì cứ đi, tôi đã thử đi rồi, và bây giờ tôi không dám thử một lần thứ hai nữa! Vú Diễn ơi, tôi chỉ xin vú một điều là hứa không nhắc lại với anh tôi hay với Liên một tí gì về chuyện khả ố của Hy. Hắn chỉ giả vờ thôi chứ thực ra hắn chỉ muốn đẩy Kha đến chỗ tuyệt vọng. Hắn bảo rằng hắn lấy tôi chỉ cốt để nắm quyền năng trừng phạt anh tôi, nhưng hắn đừng hòng...tôi sẽ chết trước cho mà coi! Tôi chỉ cầu hắn quên phứt cái khôn ngoan quỷ quyệt của hắn để xui hắn giết tôi đi! Tôi chỉ còn độc mỗi cái vui là chết, hoặc tôi chết hoặc được thấy hắn chết!” Hy nói: “Đó đó... bây giờ như thế là đủ rồi! Nếu vú được mời ra tòa làm chứng thì hãy nhớ những lời cô ả vừa nói, vú nhớ đấy! Vú coi sắc mặt cô ả kìa...gần đúng như ý muốn của tôi rồi đấy. Này, Sa, cô không đủ sức tự bảo vệ cô đâu; tôi là người giám hộ hợp pháp của cô, tôi buộc phải quản thúc cô, cho dẫu cái nhiệm vụ ấy ghê tởm tôi cũng phải làm. Thôi, lên gác đi! Tôi có chuyện muốn nói riêng với vú Diễn. Không phải đi lối ấy... tôi đã bảo lên gác kia mà... đi lối này, con ranh!” Hắn túm lấy vợ tống ra khỏi phòng rồi trở vào miệng làu bàu: “Tôi không thương xót! Không thương xót! Lũ sâu bọ càng quằn quại, tôi càng khoái dầy xéo cho chúng lòi ruột ra! Cũng như đau răng ấy mà, càng đau tôi càng ra sức nghiến cho mạnh.” Tôi vội cầm lấy mũ, nói: “Cậu có hiểu chữ thương xót nghĩa là gì không đã? Trong đời cậu có bao giờ bợn chút tình thương không đã?” Hắn ngắt lời tôi khi thấy tôi định bỏ đi: “Bỏ mũ xuống! Vú chưa đi được... lại đây... Vú vui lòng giúp tôi, nếu không tôi cũng bắt vú phải giúp tôi gặp Liên, gặp ngay, không được trì chậm... Tôi thề là tôi không làm hại ai, tôi không có ý quấy rối, chọc giận hay làm nhục Kha. Tôi chỉ muốn được thấy tận mắt Liên ra sao, nghe tận tai Liên nói vì lẽ gì Liên đau ốm và hỏi xem tôi có giúp gì cho nàng được không. Đêm qua tôi ở trong vườn Họa-Mi Trang luôn sáu giờ liền và đêm nay tôi sẽ đến nữa; đêm nào tôi cũng sẽ lảng vảng ở đó, cả ban ngày nữa, cho tới khi nào tôi có dịp lẻn vào nhà. Nếu Kha bắt gặp tôi sẽ không đắn đo đấm cho gắn ngã gục để hắn lịm đi trong lúc tôi ở đó. Nếu bọn đầy tớ có ngăn cản tôi sẽ móc súng ra dọa đuổi chúng đi. Nhưng nếu tránh cho tôi khỏi trạm trán với chúng hay chủ của chúng thì có phải hơn không? Vú có thể làm việc ấy dễ dàng. Lúc tôi đến, tôi sẽ báo cho vú biết, khi nào Liên chỉ có một mình trong phòng, vú mở cửa cho tôi vào khỏi bị ai nom thấy và canh chừng cho đến khi tôi đi... làm thế vú ngăn được hiểm họa và lương tâm vú hoàn toàn yên ổn.” Tôi phản đối việc đóng vai phản thùng đó ngay trong nhà chủ tôi; hắn làm như vậy là ích kỷ và tàn ác vì phá hoại sự yên tĩnh của mợ Kha để thoả mãn riêng mình. Tôi nói: “Mợ tôi hơi động một tý là giật bắn người lên, mợ dễ bị khích động và không chịu nổi một cuộc gặp mặt bất ngờ. Tôi dám chắc như thế. Thôi, cậu đừng ngoan cố nữa, nếu không tôi buộc lòng phải báo cho chủ tôi biết ý định của cậu để cậu tôi đề phòng nhà cửa khỏi bị xâm phạm một cách bất chánh như vậy.” Hy đáp: “Nếu vậy tôi phải đề phòng bằng cách giữ vú lại. Từ giờ đến sáng mai, vú sẽ không được rời khỏi trại Gió Hú này. Bảo rằng Liên không chịu đựng nổi việc gặp mặt tôi là chuyện vô lý hết sức. Còn chuyện gặp Liên đường đột tôi cũng chẳng thích. Tôi muốn vú nói trước với nàng, hỏi nàng xem tôi có thể đến được không. Vú nói là nàng không bao giờ nhắc đến tôi và không ai được nhắc tên tôi trước mặt nàng có phải không? Thử hỏi nàng có thể nhắc đến tôi với ai, nếu như tôi là bị cấm nói đến trong ngôi nhà ấy? Nàng nghĩ là tất cả bọn các người đều là mật thám của chồng nàng -, tôi dám chắc Liên sống với các người khác nào sống trong địa ngục! Cứ xem Liên im lặng như vậy đủ biết tâm trạng nàng ra sao. Vú bảo Liên hay lo lắng bồn chồn... đó có phải là bằng chứng của sự yên tĩnh không? Vú nói tâm trí nàng bất ổn, không bất ổn sao được trong cảnh cô lập khủng khiếp như thế? Lại còn cái thằng ti tiện kia săn sóc nàng vì bổn phận, vì nhân đạo, vì thương hại nữa chứ! Hắn tưởng có thể phục hồi sức khỏe cho nàng trong một mảnh đất hẹp hòi như thế đó, chẳng khác nào hắn vác một cây sồi trồng vào một chậu cảnh rồi trông đợi nó mọc tốt tươi. Thôi, mình hãy giải quyết việc này ngay đi. Vú có muốn tôi đánh nhau với Kha và bọn tôi tớ của hắn để mở đường vào gặp Liên không? Hay vú muốn là bạn của tôi như từ trước đến nay, và làm những gì tôi yêu cầu? Vú hãy quyết định đi... vì tôi không còn lý do gì để chần chờ thêm một phút nào nữa. Ông Lộc ạ, tôi vừa than thở vừa cố cãi lý, nhất quyết từ chối lời hắn đến mấy mươi lần. Sau cùng hắn bắt tôi phải chịu một điều là đem một bức thư của hắn về cho Liên. Và nếu Liên bằng lòng thì tôi phải hứa là lần tới Kha đi vắng, tôi phải lập tức báo cho hắn biết để hắn đến ngay. Hắn làm cách nào vào nhà được là chuyện của hắn, tôi không cần biết và tôi cũng như các đầy tớ khác sẽ không được có mặt ở đó. Làm như vậy là phải hay quấy? Tôi e rằng quấy, nhưng tôi cho rằng làm như vậy sẽ tránh được một cơn bùng nổ mới. Tôi còn nghĩ rằng cuộc gặp gỡ này biết đâu chẳng có lợi cho căn bệnh thần kinh của Liên? Nhớ đến lần trước bị Kha mắng cho một trận nên thân vì tội mách lẻo, tôi cố tìm lý lẽ để lòng mình đỡ ray rứt và tôi tự nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng lần phản bội này - nếu đáng gọi là phản bội - thì đó sẽ là lần cuối cùng. Khi về, lòng tôi sầu muộn hơn là khi đi và tôi lo lắng ngần ngại mãi mới dám quyết định trao bức thư cho mợ tôi. Nhưng mà kìa, ông đốc tờ Kiên đã đến nơi rồi, tôi phải xuống nhà báo cho ông ấy biết là ông đã đỡ lắm rồi. Câu chuyện của tôi lê thê quá nhưng nó sẽ giúp ông tiêu đi một buổi sáng nữa.”
°
Lê thê và ảm đạm! Tôi nghĩ thế trong khi người đàn bà đôn hậu bước xuống nhà tiếp ông đốc tờ, và câu chuyện cũng không hẳn thuộc loại tôi cần chọn để mua vui. Nhưng không sao. Từ những ngọn cỏ đắng của bác Diễn tôi sẽ lọc ra những phương thuốc lành mạnh. Và trước hết tôi phải coi chừng sức quyến rũ mê hồn trong đôi mắt lấp lánh của cô Hy Liên mới được. Và nếu con người trẻ đẹp đó là một bản sao giống hệt bà mẹ thì tôi sẽ là một con mồi lạ lùng nếu tôi nộp trái tim cho cô ta. Chương XV Lại một tuần lễ nữa trôi qua. Mỗi ngày lại tiến gần mùa xuân hơn và tôi thêm hồi sức. Vào nhiều buổi khác nhau, tùy theo bác quản gia của tôi có thể dành thời gian giữa những công việc hàng ngày, tôi đã được nghe bác kể hết câu chuyện về người láng giềng của mình. Tôi sẽ tiếp tục thuật lại y lời của bác, chỉ hơi cô đúc lại chút thôi. Nói chung thì bác ta là một người kể chuyện rất hay, tôi không nghĩ rằng mình có thể làm cho toàn hảo hơn.°
Chiều hôm đến thăm Gió Hú về, tôi biết thế nào Hy cũng lảng vảng ở gần nhà. Tôi không dám bước chân ra khỏi nhà vì tôi vẫn còn cất bức thư của Hy trong túi và không muốn bị hắn dọa dẫm lôi thôi. Vì không biết phản ứng của Liên ra sao khi nhận thư nên tôi định bụng chờ chủ tôi đi khỏi mới đưa. Thành thử đã ba ngày trôi qua mà thư vẫn chưa tới tay nàng. Sang ngày thứ tư là ngày Chủ Nhật tôi đem thư vào phòng mợ Liên sau khi cả nhà đi lễ nhà thờ. Nhà chỉ còn một người tớ trai trông nhà với tôi. Chúng tôi vẫn quen lệ khóa hết các cửa ngõ trong giờ lễ nhà thờ; nhưng hôm đó trời rất đẹp, ấm áp nên tôi mở tung các cửa ra. Tôi biết thế nào Hy cũng đến, và để giữ lời hứa với hắn, tôi bảo anh đầy tớ kia rằng bà chủ thèm ăn cam và sai anh chạy vào làng mua chịu mấy quả sáng hôm sau trả tiền. Anh ta vừa đi khỏi, tôi lên gác ngay. Như thường lệ, mợ Liên ngồi bên cửa sổ, mặc chiếc áo áo trắng dài rộng thùng thình, vai quàng chiếc khăn san. Tóc mợ vốn dài và rậm, đã cắt bớt khi mợ vừa nhuốm bệnh, bây giờ kết hai cái bím bắt từ mang tai xuống cổ. Sắc diện mợ Liên kém đi nhiều, đúng như tôi đã kể với Hy, nhưng khi mợ bình tĩnh thì trông mợ lại đẹp một cách não nùng. Cặp mắt sáng ngời trước kia nay trở nên buồn dịu và đượm nét mơ màng, như thể nàng không nhìn vào cảnh vật xung quanh mà nhìn mãi tận đâu đâu, vào cõi xa vời vợi của thế giới bên kia. Rồi đến cái vẻ mặt xanh xao của nàng từ ngày có da có thịt đã mất vẻ bơ phờ, và cái thần sắc kỳ lạ do tâm trạng nàng gây ra, tuy đau xót gợi nhớ đến những nguyên nhân khiến nàng mang bệnh, nhưng lại làm cho người ta thêm phần thương cảm. Tôi thấy rõ - và tôi đoan chắc ai thấy nàng cũng sẽ nhận thấy như tôi - rằng rõ ràng là nàng đã khỏi bệnh rồi đấy nhưng cũng rõ ràng là nàng đương héo hon tàn tạ đấy. Một quyển sách để trên bực cửa trước mặt nàng. Thỉnh thoảng một làn gió lay động mấy trang giấy. Tôi chắc Kha đã để đó, vì Liên có bao giờ chịu đọc sách hoặc làm gì khác để giải trí đâu. Kha đã bỏ ra nhiều thì giờ để dụ nàng nhớ đến một vài thứ trước kia vốn là thú tiêu khiển của nàng. Liên hiểu ý chồng nên những lúc vui vẻ cũng cố chiều theo ý Kha; nhưng thấy chốc chốc nàng lại thở dài chán ngán hoặc hôn chàng cười gượng gạo, ngụ ý bảo chàng thôi đi, thì ai cũng biết công của Kha là công dã tràng. Nhiều lúc, nàng úp mặt vào bàn tay, quay đi chỗ khác. Có khi lại giận dữ đẩy chồng đi. Lúc đó Kha vội lảng xa nàng ngay vì biết chắc không thể làm gì hơn. Chuông nhà thờ Diên Mễ Tôn vẫn còn đổ dồn. Dưới thung lũng suối nước đầy tràn chẩy đều đều êm tai thay cho tiếng sào xạc của lá cây vào mùa hè thường át cả tiếng suối reo. Ở Gió Hú người ta thường nghe được tiếng nước chẩy trong những ngày yên tĩnh sau khi tuyết tan hay trong mùa mưa lớn. Trong khi lắng nghe Liên nghĩ đến Gió Hú. Ấy là nàng nói thế thôi chứ ai mà biết nàng có nghe, có nghĩ gì hay không, vì lúc đó đôi mắt nàng nhuốm vẻ mơ màng, không có vẻ gì là nàng đang nghe thấy hay đang nhìn thấy một vật gì rõ rệt. Tôi vừa dúi bức thư vào bàn tay đặt trên đùi nàng vừa nói: “Mợ có thư, mợ phải đọc ngay vì người ta đòi phải trả lời gấp. Tôi bóc ra nhé!” “Ừ.” Nàng đáp nhưng mắt vẫn nhìn tận đâu đâu. Tôi bóc thư - bức thư ngắn lắm - rồi nói: “Thưa đây, mợ đọc đi.” Nàng rụt tay lại, bức thư rơi xuống đất. Tôi nhặt lên đặt lại trên đùi nàng và đứng chờ, nhưng mãi chẳng thấy nàng ngó tới, tôi sốt ruột nói: “Thưa mợ, hay để tôi đọc cho mợ nghe? Thư của cậu Hy đấy.” Liên giật mình như sực tỉnh cơn mê, lúng túng cố định thần nhớ lại sự việc. Nàng cầm bức thư lên có vẻ chăm chú đọc, khi đọc tới chữ ký, nàng thở dài. Tuy vậy tôi vẫn thấy nàng chưa hiểu được nội dung bức thư, vì nàng không nói gì chỉ rầu rầu nét mặt chỉ vào chữ ký rồi nhìn tôi dò hỏi. Thấy cần phải giải thích cho nàng hiểu, tôi nói: “Dạ, cậu ấy muốn gặp mợ. Bây giờ cậu ấy đương ở dưới vườn và nóng lòng chờ tôi mang tin xuống.” Trong lúc nói, tôi nhận thấy một con chó lớn đương nằm phơi nắng trên bãi cỏ bỗng vểnh tai lên chực sủa, nhưng rồi lại cụp tai xuống, ve vẩy đuôi chứng tỏ có người đi tới và nó nhận ra không phải người lạ. Liên nhỏm người phía trước, nín thở nghe ngóng. Phút sau có tiếng chân đi trong hành lang. Thấy cửa mở, sẵn sàng và quyến rũ quá, Hy không thể không bước vào được. Cũng rất có thể hắn nghĩ tôi lẩn tránh không giữ lời hứa nên đành liều tiến vào xem sao. Liên, tinh thần căng thẳng, chăm chú nhìn ra cửa. Hy không tìm đúng phòng ngay. Mợ ra hiệu cho tôi ra dẫn chàng vào, nhưng tôi chưa kịp ra đến cửa thì chàng đã vào rồi. Hy bước rảo một hai bước đến bên cạnh Liên, ôm ghì nàng trong vòng tay. Có tới năm sáu phút, chàng không nói, cũng không nới lỏng vòng tay, chàng chỉ hôn, hôn lấy hôn để; tôi dám chắc là trong khoảng thời gian ấy chàng đã hôn nhiều hơn tất cả những lần hôn của cả đời chàng. Mà có điều là chính mợ tôi hôn chàng trước. Tôi thấy rõ là Hy không dám nhìn thẳng vào mặt người yêu như để cố tránh một nỗi đau khổ cùng cực: ngay cái lúc Hy vừa ôm lấy nàng thì cả chàng lẫn tôi đều biết ngay rằng không còn chút hy vọng nàng khỏi bệnh nữa... số trời đã bắt nàng phải chết! “Ôi! Liên! Ôi trời! Anh làm sao chịu nổi nông nỗi này!” Đây là câu đầu tiên chàng thốt ra, giọng không cần che dấu niềm tuyệt vọng. Rồi chàng nhìn nàng, cái nhìn não nùng quá đến đỗi tôi tưởng chàng phải ứa nước mắt. Nhưng không, nước mắt đã khô cạn vì đau khổ, không chẩy ra được nữa. Liên ngửa người ra, mặt bỗng xa xầm xuống, nhìn lại Hy. Tính khí nàng thay đổi thất thường khác nào cái chong chóng. Nàng nói: “Sao, anh Hy? Anh và Kha đã làm khổ tôi! Bây giờ cả hai người đều đến than vãn với tôi, làm như chính hai người mới là kẻ đáng thương! Tôi không thương các người đâu, đừng hòng! Các người đã giết tôi... các người thỏa thê lắm mà. Trông anh khỏe mạnh làm sao! Tôi chết rồi anh còn định sống thêm bao nhiêu năm nữa?” Hy đã quỳ một gối xuống để ôm Liên, bây giờ chàng tính đứng lên nhưng Liên túm tóc dằn xuống. Nàng nói chua chát: “Ước gì tôi nắm giữ được anh cho tới khi cả anh lẫn tôi đều chết! Anh đau khổ mặc anh, tôi cóc cần! Mà anh đau khổ nỗi gì, có tôi đau khổ thì có! Khi tôi nằm trong lòng đất, liệu anh có quên tôi không, có vui sướng không? Hai mươi năm nữa liệu anh có nói: “Đây là mộ của Liên. Hồi trước mình đã yêu nàng, mình đã đau khổ khi mất nàng, nhưng chuyện đó xưa rồi. Từ đó mình đã yêu nhiều người khác. Bây giờ mình yêu các con mình hơn là yêu nàng hồi trước và khi mình chết, mình sẽ chả mừng gì được gặp lại nàng, chỉ buồn phải xa con cái của mình thôi!” Liệu anh có nói như vậy không, anh Hy?” Hy vùng gỡ đầu ra, nghiến răng ken két: “Đừng hành hạ anh đến phát điên như em!” Cảnh tượng hai người lúc đó kẻ bàng quang trông thấy hẳn cho là kỳ quái ghê sợ. Liên sắp chết mà vẫn không đổi tính nết, có được lên thiên đàng thì cũng chỉ như bị đầy ải thôi. Vẻ thù hận man dại hiện rõ trên bộ mặt trắng bệch, làn môi lợt lạt không còn hột máu và đôi mắt long sòng sọc, nhất là tay nàng còn nắm mớ tóc ở đầu chàng bứt ra, trông mới dữ tợn làm sao! Và Hy, trong lúc vùng đứng dậy hình như không còn nhớ là nàng vừa ốm khỏi cần phải nhẹ tay, một tay chàng chống xuống đất, tay kia níu lấy cánh tay Liên mạnh đến nỗi khi chàng buông tay ra tôi thấy rõ bốn vết bầm tím trên làn da xanh xao của nàng. Giận dữ, chàng nói: “Em sắp chết bị ma ám hay sao mà lại ăn nói với anh như vậy hử? Em không nghĩ rằng những lời đó sẽ in vào óc anh và mỗi ngày lại in sâu hơn sau khi em chết hay sao? Em bảo là anh đã giết em. Em thừa biết nói như vậy là nói dối. Và em cũng biết khi bảo anh có thể sớm quên em, chẳng khác nào nói anh có thể quên chính bản thân mình? Trong khi em được nằm yên bình một chỗ thì anh vẫn phải quằn quại trong đau khổ của địa ngục trần gian này; như vậy chưa đủ để thỏa cái lòng ích kỷ ghê gớm của em hay sao?” Liên rên rỉ: “Em sẽ chẳng thể nào được yên đâu...” Đột nhiên nàng kiệt sức. Bị khích động quá mạnh, tim nàng đập loạn xạ dữ dội, có thể trông thấy nghe thấy rõ ràng. Hồi sau, cơn kích phát qua đi nàng mới tiếp tục nói được, giọng dịu dàng hơn: “Anh Hy, em đâu có cầu mong anh phải đau khổ hơn em. Em chỉ mong chúng mình không bao giờ phải xa nhau... và từ nay về sau nếu em có lỡ nói một lời nào khiến anh buồn thì xin anh hãy nghĩ rằng ở dưới lòng đất kia em cũng buồn như anh, anh hãy thương em mà tha lỗi cho! Anh lại đây và quỳ xuống em nữa đi! Trong đời anh, chưa bao giờ anh làm khổ em. Không, nếu anh nuôi lòng hờn giận thì anh sẽ tự làm khổ mình hơn là nhớ tới những lời cay nghiệt của em! Sao? Lại đây đi anh, nào...” Hy tiến tới, đứng ở lưng ghế của nàng và cúi xuống, nhưng không cúi thấp quá để nàng khỏi thấy mặt chàng lúc đó tái mét vì xúc cảm. Nàng xoay người lại để nhìn chàng, nhưng Hy không cho: chàng ngoảnh mặt đi và bước tới lò sưởi đứng im lặng, quay lưng về phía Liên và tôi. Nghi ngờ, Liên nhìn theo. Mỗi cử động của Hy lại gợi cho nàng một cảm nghĩ mới. Nàng yên lặng ngó Hy chăm chăm một lúc lâu rồi nàng nói với tôi, giọng tức tối chán nản: “Vú Diễn, vú xem đấy! Giá tôi có sắp xuống lỗ anh ấy cũng chả mủi lòng để cứu tôi. Đấy người ta yêu tôi như thế đấy! Thôi được, tôi cũng chả cần! Đấy không phải là Hy của tôi! Tôi chỉ yêu Hy của tôi và sẽ đem anh ấy theo với tôi... Hy của tôi ở trong tâm hồn của tôi cơ!” Nàng trầm ngâm nói tiếp: “Cái làm tôi bực nhất là cái nhà tù đổ nát này. Tôi chán ngấy cái cảnh giam hãm ở đây lắm rồi. Tôi chỉ ao ước được thoát sang cái thế giới rạng rỡ kia và ở đó mãi mãi... không phải chỉ nhìn thấy nó qua làn nước mắt, không phải chỉ mơ tưởng đến nó qua trái tim đau khổ, mà thực sự sống trong đó. Vú Diễn, vú tưởng vú sung sướng hơn tôi, may mắn hơn tôi; vú có đầy đủ sức khỏe... vú buồn cho tôi...rồi vú xem, chả mấy chốc nữa mọi chuyện sẽ thay đổi hết. Tôi sẽ buồn cho vú. Tôi sẽ vượt xa các người, tôi sẽ ở trên các người một trời một vực. Tôi lấy làm lạ sao anh ấy sẽ không ở bên tôi!” Rồi nàng lẩm bẩm một mình: “Trước tôi cứ tưởng anh ấy mong được như thế. Anh Hy, Trời ơi! Anh không nên giận dỗi thế. Lại với em đi nào, anh Hy!” Trong lúc bồng bột, Liên đứng dậy, tựa người vào thành ghế. Nghe nàng gọi tha thiết, Hy quay lại, bộ mặt chàng lộ rõ niềm tuyệt vọng. Ngực chàng thở hổn hển, mắt chàng ướt và mở to, trừng trừng nhìn nàng như tóe lửa. Giây phút đầu họ còn đứng xa nhau, nhưng rồi hai người ôm chầm lấy nhau lúc nào tôi không rõ, chỉ biết Liên nhẩy vọt lên và Hy đỡ lấy, họ ghì nhau chặt đến nỗi tôi tưởng khi buông nhau ra mợ tôi không còn sống nữa. Thực vậy, tôi thấy nàng dường như ngất đi, còn Hy thì gieo mình xuống chiếc ghế gần nhất. Nhưng khi thấy tôi hấp tấp lại gần để xem nàng có phải xỉu đi thật không, Hy nghiến răng dọa tôi, sùi cả bọt mép ra như chó dại, rồi chụp ngay lấy Liên một cách ghen tức như thể không muốn ai chạm tới người nàng. Tôi cảm thấy chàng không còn là giống người như tôi nữa: chàng không hiểu cả những lời tôi nói nên tôi đành đứng tách ra im lặng, bối rối, không biết xử trí thế nào. Tôi nhẹ người thấy Liên cựa mình. Nàng đưa tay lên bá cổ Hy, áp má vào má chàng, trong khi Hy ôm lấy nàng ve vuốt cuồng nhiệt. Chàng nói như điên dại: “Bây giờ em mới lộ cho anh thấy em ác hết sức, ác và giả dối nữa. Vì lẽ gì em khinh anh? Vì cớ gì em dối gạt cả lòng em, hở Liên? Anh chẳng nói một lời an ủi đâu. Cho thế mới đáng kiếp em. Chính tự em giết em đấy. Phải, bây giờ em có thể hôn anh, em có thể khóc lóc, bắt anh hôn, anh khóc... Những cái hôn, những giọt nước mắt của anh sẽ làm em héo hon, sẽ đầy đọa em. Em yêu anh... vậy em có quyền gì bỏ anh? Em có quyền gì mê say cái thằng Kha ấy? Trả lời đi! Dù sa sút nghèo khổ, dù chết chóc, hay dù bất cứ cái gì trời làm quỷ bắt cũng không thể chia rẽ nổi chúng ta, thế mà em, chính em, lại tự ý bỏ anh. Anh đâu có làm em đau khổ...chính em tự làm em đau khổ... và khi em tự làm mình đau khổ thì trái tim anh cũng tan nát. Điều tệ hại nhất là anh lại khỏe mạnh. Anh có muốn sống đâu? Sống cách nào khi mà em... Trời! ai mà còn thiết sống nữa khi mà hồn mình đã ở dưới mồ?” Liên nức nở: “Mặc kệ em! Mặc xác em! Em lầm lỗi nên bây giờ mới chết vì lầm lỗi ấy. Thế đủ rồi! Chính anh, anh cũng bỏ em, nhưng em có oán trách anh đâu! Em tha thứ cho anh, vậy anh cũng hãy tha thứ cho em!” Kha đáp: “Tha thứ làm sao được khi nhìn đôi mắt sâu quầng kia và cầm bàn tay gầy guộc kia. Thôi hãy hôn anh đi, nhưng đừng để anh thấy đôi mắt em! Anh tha thứ những lỗi lầm em đã gây cho anh. Anh yêu kẻ giết anh... nhưng kẻ giết em, anh yêu làm sao được!” Hai người giấu mặt vào nhau cùng yên lặng. Mặt người này đẫm ướt nước mắt người kia. Tôi thầm nghĩ là ít ra cũng phải thế, cả hai người đều cùng khóc và trong dịp trọng đại này Hy khóc là phải. Trời về chiều nhanh quá. Mỗi lúc tôi một thấy bồn chồn vì người đầy tớ tôi sai đi mua đồ đã trở về, và ở trên thung lũng, dưới ánh chiều tà, đám người đi lễ trong nhà thờ Diên Mễ Tôn đã ra đông. Tôi phải lên tiếng báo động: “Khóa lễ xong rồi. Chỉ nửa giờ nữa thôi là cậu tôi sẽ về tới nhà.” Hy làu bầu chửi rủa và ôm chặt Liên hơn. Còn Liên thì không nhúc nhích. Chẳng mấy chốc tôi thấy một tốp gia nhân đi qua đường cái về phía nhà bếp. Cậu Kha đi sau có một quãng. Cậu tự mở cổng rồi lững thững đi lên, ý chừng thấy trời chiều đẹp đẽ nên đi chậm bước để hưởng hơi gió nhẹ như gió hè. Tôi kêu lên: “Cậu Kha về tới kìa! Trời đất! Cậu Hy! Cậu xuống ngay cho tôi nhờ! Đi ngay đi thì không gặp ai ở cửa cầu thang đâu. Mau lên! Nhớ nấp trong lùm cây cho tới khi cậu Kha vào hẳn bên trong đã.” Hy nói, vừa gỡ tay người yêu ra: “Liên! Anh phải đi đây. Nếu anh còn sống thì thế nào anh cũng trở lại trước khi em ngủ. Anh không ở xa cửa sổ phòng em quá năm thước đâu.” Liên dùng hết sức để níu chàng lại, đáp: “Anh cứ ở đây, khỏi phải đi đâu cả. Cứ nghe lời em đi!” Chàng năn nỉ: “Anh chỉ đi một tiếng đồng hồ thôi.” “Một phút em cũng không chịu.” Hốt hoảng, Hy nói: “Anh phải đi... Kha sắp lên đến nơi rồi.” Chàng muốn đứng lên và gỡ tay Liên ra. Nhưng nàng cố níu chặt. Vẻ quả quyết hiện trên nét mặt, nàng hét lên: “Không! Anh không phải đi đâu cả. Đây là lần chót! Kha không đụng đến em đâu. Anh Hy, em chết mất! Em chết mất thôi!” Hy ngồi phịch xuống ghế, kêu: “Cái thằng chết tiệt nó lên kia kìa! Thôi mà, thôi mà, Liên! Anh không đi nữa đâu. Hắn có bắn anh chết lúc này anh cũng vẫn cám ơn hắn.” Thế là họ lại xoắn chặt lấy nhau. Tôi nghe tiếng giầy chủ tôi lên cầu thang...trán tôi toát mồ hôi lạnh. Giận quá tôi nói: “Cậu Hy, cậu định nghe lời điên rồ của mợ tôi hay sao? Mợ tôi nói mà có biết mình nói gì đâu? Cậu định hại mợ tôi sao? Cậu đứng lên đi! Cậu ra ngay vẫn còn kịp. Cậu đã làm bao nhiêu chuyện ác nghiệt, chưa có chuyện nào ác hơn chuyện này. Ông chủ, bà chủ, đầy tớ... chết cả đám!” Tôi vung tay, la lối. Kha nghe tiếng vội bước nhanh tới. Giữa lúc cuống cuồng tôi thực sự mừng thầm thấy Liên ngã đầu ra, hai tay buông thõng xuống. Tôi nghĩ: “Mợ ấy ngất đi hay là chết rồi. Thôi thế càng tốt. Thà mợ ấy chết còn hơn sống mà là gánh nặng làm khổ người khác.” Kha nhẩy sổ tới người khách không mời mà đến, mặt cậu tái đi vì kinh ngạc và tức giận. Tôi không biết cậu định làm gì, nhưng Hy đã chặn đứng mọi hành động của cậu, đưa ngay cái thân hình bất động vào tay cậu. Chàng nói: “Này, nếu ông không phải là đồ quỷ thì hãy lo cứu lấy Liên đã... rồi mọi chuyện tính sau với tôi!” Hy bước ra phòng khách ngồi. Cậu Kha gọi tôi tới giúp, chúng tôi phải dùng đủ mọi cách và khó khăn lắm mới làm cho Liên hồi tỉnh. Dù vậy nàng vẫn còn ngơ ngác. Mợ thở dài rên rỉ và chẳng nhận ra ai. Cậu Kha trong lúc lo cứu nàng đã quên bẵng người bạn đáng ghét của nàng. Tôi thì không. Gặp dịp là tôi ra ngay phòng khách yêu cầu Hy đi đi. Tôi phải nói quả quyết là Liên đã đỡ rồi và sáng hôm sau tôi sẽ cho chàng biết tin đêm nay nàng ra sao. Chàng đáp: “Tôi đồng ý ra khỏi nhà, nhưng tôi sẽ ở lại trong vườn. Sáng mai vú phải nhớ giữ lời hứa đấy, vú Diễn. Tôi sẽ chờ dưới lùm thông kia. Nếu vú không giữ lời thì tôi sẽ trở vào nữa, dù có mặt Kha hay không.” Chàng đưa mắt liếc nhanh qua cửa phòng hé mở của phòng Liên, để coi xem lời tôi nói có đúng không rồi mới chịu vác cái mặt hãm tài ra khỏi nhà.