Bình định thò tay bấm số điện thoại thì một giọng nói vang lên từ sau: _ Đại uý ăn sáng chưa? Không quay lại Bình hỏi: _ Mày đó à Năm? Đi đâu từ sáng giờ không thấy mặt. _ Anh à, em kiếm được mớ cá tươi ngon lắm! Em sẽ nấu canh chua cá kho tộ cho anh ăn. _ Đừng bày vẽ nữa! Tình hình có vẻ không ổn đâu! Làm cái gì tiền tiện nghen mậy. _ Vậy em không mần gì nữa đâu anh! Chút nữa trui cá rồi ăn với muối tiêu chanh là được rồi! Hoan Bình không đáp trả. Năm lặng lẽ ngồi nhặt rau thơm thỉnh thoảng lại liếc nhìn đại uý đi đi lại lại trong phòng. Bỗng nhiên Năm cảm thấy thấp thỏm. Từ lâu nay không chỉ có Năm mà cả đoàn quân đều đặt sinh mạng vào Hoan Bình. Mấy hôm nay thấy thái độ đại uý rất thất thường. Vừa huýt sáo vui vẻ đó bỗng trở nên im lặng tư lự. Bình làu bàu: _ Cứ ngồi mà chờ lệnh trên rót xuống thì lại như Buôn Ma Thuột mất thôi! Mấy thằng cha này ngủ mê hay sao mà im lìm vậy cà? Không biết từ bao lâu Năm cảm thấy không thể thiếu đại uý trong cuộc đời mình. Ngày Năm thi rớt tú tài phải vào lính là những chuỗi ngày cơ cực không biết cơ man nào tả xiết. Bị cấp trên chèn ép chửi rủa mà phải cúi đầu không dám ngửng lên. Thấy sai sờ sờ cũng không dám ngăn. Mỗi lần về phép cứ nhìn thấy con là má Năm bật khóc lên từng hồi. Những giọt nước mắt nhớ thương trông chờ làm cho Năm đành phải câm lặng không dám kể lể những cay đắng của đời lính. Năm chỉ nói với đứa em một câu: “Cố gắng học đi! Để đừng bao giờ phải đi lính như tao. Khổ lắm!” Năm gia nhập đoàn quân của đại uý Bình trong một dịp rất đặc biệt. Trong cuộc hành quân ở Kampuchia đoàn quân cũ của Năm bị việt cộng bao vây chết gần hết chỉ còn sót lại vài người nên đã được bổ sung vào đoàn quân của đại uý lúc đó đang ở bến phà Neaklương. Tại đây Năm được chứng kiến cảnh kiều bào sau khi được giải vây đã chạy lại ôm chân các chiến sĩ khóc ròng, kể lại những chuyện hãi hùng họ đã trải qua. Những tên lính Miên trang phục kaki vàng rộng thùng thình, đội calot như Nhân Dân Tự Vệ bên nhà, tinh thần chiến đấu không cao chỉ giỏi ăn hiếp người dân Việt vô tội thôi! Hiếp dâm, “cáp duồn” (chặt đầu)… Giết quá nhiều kiều bào. Quê ngoại Năm ở Trà Vinh, nhờ vậy Năm cũng biết sơ sơ tiếng Miên cũng như phong tục tập quán của họ. Năm hay dặn dò anh em đừng xúc phạm đến chùa chiền nơi linh thiêng nhất của người Kăm pu chia. Lúc mới gặp đại uý Bình, Năm luôn cảm thấy khiếp sợ. Trong anh ta có cái gì quá sắc bén đến độ tinh quái. Rồi từ Neaklương đến Preyveng… Năm được đại uý đặc biệt chú ý. Kỷ niệm ở Kampuchia cho đến giờ vẫn khắc ghi trong đầu chính là những giây phút Năm hồi hộp theo dõi đại uý nghênh ngang bước lên bậc thềm một ngôi chùa. Anh ta ra lệnh cho toàn thể anh em khác ở ngoài, vẫy tay nháy Năm đi theo (vì Năm biết tiếng Miên). Năm nhìn thấy anh ta bước qua cánh cửa tu viện đang mở rộng. Tay cầm súng, bên hông lủng lẳng lựu đạn và dao găm. Bên trong tiếng mõ nghe lâng lâng thoát tục. Tiếng cầu kinh trầm trầm ngân dài vọng ra. Năm quan sát thấy đại uý nghiêng đầu lén nhìn vào rồi tự nhiên lùi lại. Bước chân bỗng khẽ khàng khiêm tốn hơn. Anh ta đặt nón sắt xuống, chắp tay cung kính đứng lặng vài phút trong màn trầm hương nghi ngút. Năm thở ra nhẹ nhỏm. Một lúc sau đại uý và Năm quay ra. Vị sư già đang tụng niệm vẫn không hề hay biết gì. Đại uý dẫn đầu đoàn quân lầm lũi đi trong im lặng. Tiếng chuông thu không ở đâu vọng lại, ngân dài trong không gian. Đoàn quân băng qua cánh đồng hoang lúc đó đang từ từ khoác lên màu nắng nhạt của buổi chiều tà. Cuối cùng Năm theo đoàn quân mới trở về Việt Nam an toàn. Ngày ấy tuy có những cảm tình đặc biệt với đại uý nhưng Năm vẫn thấy giữa anh ta và mình có một khoảng cách vô hình khiến cho không bao giờ Năm cảm giác thật sự gần gũi. Năm không thích cách cư xử khắc nghiệt của đại uý đối với dân lành ở những nơi đoàn quân có dịp ghé qua. Năm thương những người dân nghèo tất tả ngược xuôi. Những mẹ già, phụ nữ, trẻ em chân yếu tay mềm, hiền lành chân chất chịu thương chịu khó. Năm thường tìm cách trò chuyện với họ cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Thế rồi tại một nơi đóng quân nọ, vào một sáng tinh mơ khi chưa hết giờ giới nghiêm Nam nhìn thấy một mẹ già gánh hàng ra chợ sớm. Nhìn dáng đi, cách ăn mặc tóc tai… Trời ơi! Sao giống nội quá chừng! Khi người đàn bà đến gần Năm hỏi giọng miền trung: _ Mệ đi đâu sớm rứa nờ? Con cái đi mô hết, răng lại để mệ giải gió dầm sương rứa? Chưa qua giờ giới nghiêm mệ nờ, răng lại đi lối ni? Chịu khó đi lối khác hoặc chờ chút hỉ? Người đàn bà chỉ gánh trầu cau và hoa vạn thọ năn nỉ: _ Con thông cảm cho mệ đi con. Ngày rằm mà con. Năm nói: _ Thôi mệ đi nhanh qua cho. Người đàn bà thay vì cám ơn chép miệng kêu lên: _ Con cái nhà ai mà dễ thương ghê a tề! Kính lão đắc thọ đó con! Năm nhìn theo cho đến khi bóng bà khuất dần, lòng bỗng thấy nhớ nội da diết. Nhớ những ngày xưa chèo xuồng lướt qua những rừng hoa điên điển nở vàng rực cả một mùa nước nổi lênh đênh. Nhớ bát canh điên điển ngọt lừ. Những bông điên điển vàng nằm ngoan ngoãn giữa những cọng giá trắng trong cái bánh xèo của nội. Buổi trưa nắng chang chang Năm lại thấy mệ tất tưởi gánh hàng về. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Năm chịu không nổi chạy ra giằng lấy gánh hàng nói: _ Mệ để con gánh cho một đoạn. Mệ đi trước đi! Người đàn bà phe phẩy chiếc nón lá vừa quạt vừa thở dốc: _ Mệ cám ơn con, con năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Chưa kịp trả lời Năm giật mình khi nghe cái giọng khản đặc của đại uý Bình quát lên: _ Cả hai đứng yên đó! Nhúc nhích tao bắn ngay! Năm quay lại thấy đại uý đang lăm lăm cái súng, lấy tay ra hiệu cho người đàn bà lùi xa gánh hàng, một chân anh ta giơ lên đạp bất ngờ vào người Năm. Năm ngã sõng soài, bàng hoàng sửng sốt ấp úng nói không ra lời. Sự việc xảy ra quá nhanh. Đại uý hô lớn tên một đồng đội. Anh ta chạy ra. Đại uý nháy mắt chỉ gánh hàng ra lệnh: _ Soát đi! Người đàn bà kêu lên: _ Coi chừng bể trứng của tui a tề. Đại uý lừ mắt cười nhạt rồi nói qua kẽ răng nghiến chặt: _ Anh em tôi rất cẩn thận nhẹ nhàng, hàng hoá dễ vỡ mà! Những mớ rau được để qua bên. Một xâu cá khô. Vài quả trứng. Một bịch toàn mỡ và lòng bèo nhèo. Người đàn bà giục: _ Nhanh nhanh lên! Cho tui còn về nấu cơm không ôn nó đợi! Đại uý nạt: _ Chỗ này có phải chỗ bà lai vãng đâu? Rồi ra lệnh: _ Chờ đó! Đặt gói thịt qua bên. Người kiểm soát đưa mắt nhìn đại uý rồi nhẹ nhàng giơ một gói hàng lên kêu to: _ Vũ khí đại uý ơi! Đại uý gào lên: _ Mẹ kiếp! Đúng là bà già lựu đạn. Mụ nhìn cho rõ cái mặt thằng này. Nếu còn muốn sống mà về với chồng con thì đừng để tôi thấy mặt một lần nữa! Cút ngay không tôi bắn què giò. Đại uý không buồn hỏi xem vũ khí lấy ở đâu vì đây là vùng “xôi đậu” khó phân biệt ai bạn ai thù. Điều tra cặn kẽ là vô ích. Khỏi phải nói ngày hôm đó Năm bị hít đất hàng trăm cái, chạy quanh sân một trăm vòng và bị nhốt vào hầm tối không được ló đầu ra ngoài cả tuần. Từ đó về sau Năm cảm thấy lòng mình dần dần chai sạn. Năm không còn niềm tin. Không lưu luyến quá khứ cũng chẳng cần tương lai, chỉ sống cho hiện tại. Những ký ức tuổi thơ êm đềm không còn khuấy động. Tất cả đã lắng đọng vùi sâu như lớp trầm tích dưới đáy đại dương. Từ khiếp sợ đến cảm phục rồi yêu mến, đó là những gì Năm nghĩ về người chỉ huy của mình. Giữa Năm và đại uý có một thứ tình cảm đặc biệt mà chỉ có những người đã từng nằm gai nếm mật vào sinh ra tử sống chết có nhau mới hiểu nổi. Tiếng chuông điện thoại bỗng reo lên. Năm ngoái lại. Hoan Bình đang trả lời điện thoại. Những tiếng dạ liên tục ngắn gọn gấp gáp như thể chỉ muốn bỏ máy xuống làm Năm sốt ruột tiến lại gần. Ném ống nghe xuống Hoan Bình gào lên: _ Dẹp hết, trễ quá! Không ăn gì nữa! Tập hợp! Rút quân! Rồi nhanh như chớp anh ta thoát ra khỏi căn hầm. Năm chạy vào lấy balô của mình và Bình rồi chạy ra. Binh lính trong trại xôn xao hốt hoảng. Bình chạy lại giựt chiếc balô trên tay Năm rồi bảo với anh em: _ Mình đi thôi! Không đợi GMC hay Jeep. Cứ đi, gặp đâu quá giang đấy không chờ! Lệnh mà làm gì? Về Vũng Tàu sẽ tập hợp lại. Sự thản nhiên thường ngày của Bình biến mất, anh ta có vẻ giận dữ uất ức. Bình lục mấy thứ giấy tờ bỏ vào túi rồi quăng balô lại khiến Năm ngạc nhiên nhưng không dám hỏi. Vừa đi được một đoạn đoàn quân gặp những binh chủng khác cũng đang dồn về đây. Một chiếc xe jeep trờ tới. Một sĩ quan nhoài người ra kéo Bình lên. Năm còn đang ngơ ngác thì cánh tay Bình kéo Năm lên theo. Chưa kịp phản ứng thì xe đã chạy. Tất cả đều hướng về cửa biển Thuận an. Viên thiếu tá ngồi trên xe nói: _ Hay là ta quay lại đi đường bộ cho chắc ăn. Bình lắc đầu: _ Ra biển đi anh à! Vừa nói xong xe nổ lốp. Bình đẩy Năm ra trước và nhảy xuống ngay nói: _ Tụi em chạy bộ chứ không chờ được đâu thiếu tá. Hai người cắm đầu cắm cổ chạy không để ý gì xung quanh. Trong đầu Bình liên tưởng đến một gọng kìm khổng lồ đang từ từ siết lại. Họ nhìn nhau không nói nhưng Năm hiểu ý đại uý không muốn đi đường bộ vì ký ức về thành cổ Quảng trị và đại lộ kinh hoàng năm 72 vẫn còn in hằn trong trí họ. Họ mơ hồ nghe như có tiếng nổ từ xa. Vừa chạy Hoan Bình vừa nghĩ đến các cuộc hành quân thuỷ bộ. Đi ra biển trên tàu lớn, leo xuống những tàu nhỏ, đổ bộ lên bãi cát. Bình nói: _ Ra biển không có tàu há mồm đón thì sẽ tìm phao bơi ra khơi. _ Anh đừng lo em là người miệt sông nước mà! Em bơi giỏi lắm! Họ chạy bên nhau mỗi người theo đuổi một suy nghĩ. Năm nhớ lại Cổ Thành Quảng Trị, những đợt hồi cư của người dân về lại thị xã vì không muốn rời xa quê cha đất tổ. Những ánh mắt đẫm lệ khi thấy những người lính giúp dựng lại những mái nhà xiêu vẹo đổ nát, dọn dẹp những vườn cây xơ xác tiêu điều trong cơn mưa phùn gió lạnh cắt da. Nhớ làng chài mỗi lúc ghe tấp vào bờ. Lính nghèo, dân cũng nghèo đổi gạo đổi cá tươi cho nhau vui sao là vui! Chạy song song bên Năm trong sự rút lui hỗn loạn, lạ lùng thay Bình lại nhớ về nước Mỹ xa xôi khi sang tập huấn. Nhớ giây phút thanh bình trên sông Nữu Ước. Nhớ những cây cầu nối liền Manhattan với những vùng phụ cận. Cầu Brooklyn đắm mình trong cảnh hoa lệ về đêm. Nhớ cảnh duyệt binh (parade) tại bộ tư lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Quân phục sang trọng, động tác đồng nhất thẳng tăm tắp tiến đều như những cỗ máy vĩ đại, hoà chung nhịp thao diễn với La vieille garde Canadienne [ 1 ] đến từ Fort Henry Gia Nã Đại. Truyền thống hiện đại hoà quyện vào nhau một cách nhuần nhuyễn tuyệt vời. Lá cờ Hoa kỳ kiêu hãnh tung bay bên cạnh cờ Gia Nã Đại giữa khoảng trời xanh êm ả thênh thang. Một nỗi buồn xen lẫn uất ức chợt dâng lên. Cổ họng Bình khô đắng… Chưa bao giờ Hoan Bình lại nhớ gia đình như vậy! Họ tăng tốc. Năm vừa thở hổn hển vừa nói: _ Sao hôm nay anh chạy nhanh quá vậy? Bình đáp cộc lốc: _ Tao muốn về nhà. Hình như chân họ đã chạm tới cát. Bình như ngửi thấy mùi mặn của gió biển. Cả hai lao ra phía trước. Một tiếng nổ long trời. Bình thấy như mình đang bay lên, lăn mấy vòng trên cát. Lòng ngực đau nhói. Rồi thấy mình nằm bất động. Cách đó mấy thước Năm nằm úp mặt xuống, máu chảy ra từ tai. Bình không còn cảm thấy đau đớn nhưng lạ quá không thể đứng dậy được, cũng không nghe thấy gì. Một sự yên lặng hoàn toàn. Có vài bóng người chạy qua, nhưng Bình không thể thốt ra lời nào. Anh nhìn lên, bầu trời ảm đạm xám ngoét cũng đang từ từ khép lại. Chẳng bao lâu sau, VC đột nhập vào các cơ sở chỉ huy của Quân Lực VNCH dọc hai bờ sông Hương, chiếm sân bay Phú Bài. Huế hoàn toàn thất thủ. Với chiến dịch “Táo bạo táo, bạo hơn nữa!”, “Thần tốc, thần tốc hơn nữa!”, cộng sản tiếp tục khống chế các phi trường, tiến vào Đà Nẵng mà chỉ gặp sự kháng cự yếu ớt. Trên khắp các quốc lộ, người ta chứng kiến những cuộc di tản hỗn loạn của quân và dân miền nam. Tại các phi trường Nha Trang, Liên Khương người ta giày xéo lên nhau, kiếm vé về Sàigòn. Gia đình ông Hưng đã rời Đàlạt trên chuyến bay từ Liên Khương về Sàigòn ngày 26 tháng 3 và đang ngóng trông tin tức con trai. Vừa đặt chân xuống Sàigòn ông Hưng gọi xích lô về căn chung cư Bình thuê để dành cho những kỳ nghỉ phép. Bà Mơ để mặc cho ông Hưng và hai em của Bình thằng Hải con Hương khệ nệ xách hành lý phía sau, bà chạy lên cầu thang trước. Thấy cửa phòng đóng im ỉm bà thiểu não lẩm bẩm: Vậy là con chưa vào Sàigòn rồi! Người đàn ông ở phòng bên cạnh chạy qua nhìn rồi reo lên: _A! Ông bà xuống thăm cậu cả đó à? Để tôi đưa chìa khoá của Bình cho ông bà vào. Ông bà cơm nước gì chưa? Bà Mơ nói: _Cám ơn ông chúng tôi ăn ở phi trường Liên Khương rồi! Tình hình chiến sự tới đâu rồi ông? Người đàn ông nói giọng lo lắng: Căng quá rồi! Huế thất thủ rồi nghe nói Thuỷ Quân Lục chiến rút về Đà Nẵng. Ông Hưng kêu lên: _Ủa tôi nghe tin tức phát thanh hồi sáng là có một số TQLC về tới Vũng tàu rồi mà! Thằng Hải đề nghị: _Hay là mai con xuống Vũng Tàu hỏi thăm xem sao? Hương con gái út của ông bà chen vào: _Cho em đi với. Nói thật đương học hành ăn ở thoải mái bỗng dưng kéo nhau xuống đây ở phòng nhỏ như cái lỗ mũi chắc em điên lên mất! Cả nhà đang bàn tán xôn xao thì nghe ngoài hành lang có tiếng đàn ông gọi với vào: Bình ơi! Về rồi phải không? Nhận ra giọng thằng cháu Hoàn bà Mơ chạy ra: _Trời ơi Hoàn về Sàigòn hồi nào? Hoàn đáp: _Mới hồi sáng nay thôi bác à! Là phi công phản lực con được một người bạn lái máy bay dân sự kéo lên ngồi ở phòng lái chứ chen không nổi với thiên hạ. Thật là dễ sợ! Không mang được gì cả, không có cả quần áo mà thay, may còn vài bộ để nhà mẹ con ở Sàigòn.! Mình là phi công đàng hoàng vậy mà chen muốn bẹp ruột luôn, suýt chút nữa là mắc kẹt ở Phan Rang. Bà Mơ giục cháu: _Hoàn chở bác đi thăm mẹ đi con! Hoàn nói: _Trời ơi! Bây giờ mà thăm với nom gì. Thấy cảnh chen lấn ở Phan Rang về tới đây con đưa mẹ và gia đình vào ở trong chung cư Tân Sơn Nhất chỗ người bạn có dịp là đi ngay! Hai bác và hai em sửa soạn vào luôn đi may ra có khi xuất ngoại được. Bà Mơ lắc đầu: _Không hai bác không đi đâu, hai đứa nhỏ có đi thì đi! Hoàn giục: _Vậy hai đứa chuẩn bị mai vào phi trường với anh! Con Hương sững người lại, nó đang nghĩ tới anh Bình, mới tuần trước buổi sáng sớm khi nó còn ngái ngủ có vào giường ôm hôn nó trước khi ra mặt trận, chả lẽ đó là lần cuối cùng? nghĩ tới đây nó mếu máo ấp úng mãi chẳng nói được gì nữa, còn thằng Hải thì quýnh lên: _Sao kỳ vậy? Anh Bình thì sao? Mà đi đâu mới được chứ! đồ đạc còn trên Đàlạt chả lẽ không về nữa sao? Hoàn đề nghị: _Bậy giờ sẵn có xe honda con vù xuống Vũng Tàu hỏi thăm xem sao? Hoàn vội vã phóng xuống dò hỏi tung tích của Bình nhưng vẫn bặt vô âm tín. Sàigòn đang trong những giây phút hấp hối. Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu từ chức ra khỏi nước, phó tổng thống Trần văn Hương lên thay ngày 21 tháng 4. Ngày 26-4 Chiến Dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Năm cánh quân cộng sản bắt đầu vượt vành đai phòng thủ thành đô miền nam tiến vào Sàigòn… Trực thăng bay như mắc cửi suốt đêm ngày chở người di tản. Sân bay Tân Sơn Nhất như một cái chợ. Một bãi rác khổng lồ. Quá tải! Hàng bao nhiêu người tranh giành để có một suất đi khỏi Việt Nam. Những ông to bà lớn, những người có máu mặt, những nhà tư sản, luật sư… đã ra đi không chút do dự. Họ để lại sân bay những xe hơi bóng loáng không hề tiếc rẻ. Các con ông Hưng may mắn có Hoàn là người được phép ra vào Tân Sơn Nhất giúp đỡ. Là phi công anh quen biết nhiều và tìm cách cho các con ông và gia đình anh ta được ra khỏi nước trước. Ông bà Hưng không đi. Họ ở lại chờ tin Bình. Hoàn thuộc diện có thể đi đàng hoàng hợp pháp bất cứ lúc nào nên cũng không vội. Ông Hưng không bao giờ quên cái ngày ông vào phi trường tiễn các con đi. Trong đám đông hỗn độn, ông cố ôm hai đứa con vào lòng, nghe tụi nó thì thầm: _ Chắc rồi tụi con sẽ sớm gặp lại ba má. Có tin gì về anh Bình ba má tìm cách nhắn cho tụi con liền nha! Ông gật đầu cố làm ra vẻ thản nhiên tìm cách thoát ra khỏi vòng tay bịn rịn của các con để chúng yên tâm lên máy bay.Vừa thoát ra khỏi vòng tay ông, con Hương không biết nghĩ sao lại cố đưa tay ra như để chạm vào ông một lần nữa nhưng nó mau chóng bị xô dạt, cái tay chới với trên không rồi chìm vào biển người. Hình như thời gian quá gấp gáp không kịp có những khoảnh khắc để thấm thía sự đau buồn cho cảnh biệt ly. Khi tiễn các con xong, ông tìm một chỗ để ngồi thở thì lại phải chứng kiến một cảnh thật đau lòng. Hôm ấy là ngày có chuyến bay từ thiện chở các em bé mồ côi, các em lai đang chuẩn bị cất cánh. Một người mẹ và đứa con lai chừng 5 hay 6 tuổi gì đó cứ quấn quýt bên nhau. Thằng bé luôn mồm hỏi mẹ: _ Sao má không đi luôn với con hả má? Sao vậy má? Người mẹ buồn bã dỗ dành: _ Con đi trước, má đi chuyến sau. Máy bay này chỉ chở toàn em bé, má không được phép đi. Lát nữa con cứ theo nhân viên của cơ quan, cần gì cứ nói với họ, phải vâng lời người ta nghen con! Con cứ yên tâm má sẽ qua ngay sau đó. Thằng bé thút thít: _ Sao chưa đi mà con đã cảm thấy nhớ nhà nhớ ngoại quá à! Thôi con không đi đâu má ơi! Rồi nó oà khóc lắc đầu quầy quậy. Cậu nó ở đâu trờ tới trừng mắt: _ Nín! Trời ơi! Nói hoài mà hổng chịu hiểu gì hết trơn vậy nè? Qua Mỹ sướng lắm nghen con! Cả nhà sợ con ở lại nguy hiểm chạy ngược chạy xuôi cho con đi mà còn làm bộ nhõng nhẽo là sao? Con tưởng ai cũng may mắn như con sao? Người mẹ siết con vào lòng rên rỉ: _ Thôi mà cậu! Cháu còn nhỏ quá hiểu gì đâu mà cậu trách! Khi đứa bé được một nhân viên kéo ra khỏi tay người mẹ để vào phòng chờ, ông Hưng hỏi người mẹ: _ Tại sao chị không đi với cháu? Chị đi sau à? Người phụ nữ nghẹn ngào: _ Dạ không! Coi như con mất cháu vĩnh viễn. Nhìn khuôn mặt thằng bé nổi bật giữa đám con lai ông xúc động hỏi: _ Sao kỳ vậy? Người phụ nữ phân trần: _ Bác thấy đó! Con là dân thường, không quen biết không thân thế. Vì có người bạn làm ở cơ quan từ thiện. Họ bàn nếu muốn nó đi thì phải làm giấy cho con, không được tìm gặp lại nữa, cắt đứt mọi liên lạc. Qua đó nó sẽ có gia đình mới. Mọi chi tiết về nó sẽ được giữ kín. Con đã ký và chấp nhận những điều kiện để nó có thể cùng với các bé lai mồ côi kia đi Mỹ. Gấp gáp quá con không thể tính gì hơn được nữa. Khi máy bay cất cánh khỏi mặt đất người phụ nữ khẽ rên lên, sắc mặt nhợt nhạt lả đi trong tay người em trai. Rời phi trường về nhà, đầu óc ông rối bời, ngơ ngẩn như người mất hồn, phần buồn vì xa con, lo cho các con, phần thấy vợ ông cứ nằm lì không ăn uống gì mà cũng chẳng đi đâu cả! Tối hôm ấy ông không chợp mắt được. Cảnh biệt ly của hai mẹ con ở phi trường có lẽ sẽ ám ảnh ông không biết đến bao giờ? Ông không thể tự giải thích và cảm thấy uất ức không hiểu tại sao mấy ngày nay lại phaỉ chứng kiến nhiều cảnh hỗn loạn thương tâm như vậy! Chiều ngày 28 tháng 4, đại uý Hoàn sau mấy ngày ở liền trong phi trường muốn ghé về thăm ông bà Hưng hỏi tin tức Bình và nói lời từ biệt vì thủ tục giấy tờ đã xong xuôi. Đang trên đường về nghe mọi người xôn xao muốn quay trở lại nhưng không được nữa! Phi trường Tân Sơn Nhất bị tấn công. Ông bà Hưng thấy Hoàn xuất hiện trong bộ đồ bay khuỵu xuống trước cửa khuôn mặt bàng hoàng tuyệt vọng. Sau đó thủ tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. 10:30 ngày 30-4 quân đội chính quy bắc việt tiến vào Sàigòn. Xe tăng húc cổng Dinh Độc Lập. 11:30 cờ Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Trên những nẻo đường chính người ta đứng dọc hai bên đường. Kẻ phất cờ, người hô khẩu hiệu, người thì lặng lẽ bàng quan đứng nhìn đoàn quân chiến thắng. Những anh bộ đội cụ Hồ phần lớn sắc mặt bủng beo xanh xao, có anh, mũ và balô còn nguyên lá nguỵ trang ngồi trên những chiếc xe nhà binh bắt đầu chạy vào thành phố. Họ xuất hiện ngơ ngác giữa chốn phồn hoa. Chiến thắng quá nhanh khiến những chiến sĩ chưa kịp trút bỏ những gì chỉ thích hợp với núi rừng. Lá nguỵ trang chỉ reo với gió đèo, dốc đá cheo leo hoà trong rừng sâu núi thẳm để đánh lừa quân địch. Bây giờ giữa phố xá đông người, giữa thanh thiên bạch nhật tất cả bỗng trở nên lạc lỏng. Buổi trưa ông bà Hưng ngồi lặng lẽ trong phòng nghe người ta la hét bên ngoài. Hoàn đang nằm bất động trên phản bỗng đứng dậy lục súng lấy băng đạn ra. Hiểu lầm cháu mình sẽ tự tử ông Hưng chạy lại ôm ngang lưng Hoàn. Bà Mơ quỳ xuống năn nỉ: _ Con ơi! Con đừng dại dột như vậy. Còn có hai bác đây mà! Còn biết bao nhiêu người như mình mà! Ai sao mình vậy, bỏ súng xuống đi con! Hoàn lên đạn lạnh lùng nói: _ Con không tự tử. Hai bác yên tâm. Nhưng con sẽ bắn bất cứ đứa nào thò mặt vào đây cưỡng bức hôi của. Nói rồi Hoàn lấy hết những bộ đồ phi công chất đống gọi thằng bé hàng xóm cho nó ít tiền rồi bảo: _ Đem cái đống này vất ra bãi rác gần nhà cho chú! Nhớ là phải ra tới bãi rác đó nghen mậy! Thằng bé cười: _ Vất ở trong hẻm này cũng được. Con thấy áo lính vứt đầy mấy cầu thang chung cư, ngoài đường cái nữa! Ông bà Hưng và Hoàn nhìn nhau ngao ngán. Họ không ăn uống gì suốt ngày hôm đó. Bà Hưng ngồi bó gối lặng lẽ ngoài lan can. Ông Hưng thấy vợ ít nói hẳn. Ông biết bà đang nghĩ đến Hoan Bình nhưng không dám nhắc tên con mặc dù trong lòng ông cũng rối như tơ vò. Ông đứng lặng giữa căn phòng nghe đâu đó vẳng lên tiếng hát: “Từ bắc vô nam nối liền nắm tay, ta đi vòng tay lớn mãi… mặt đất bao la anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng…” Ông lẩm bẩm: _ Hoà bình rồi sao? Thống nhất rồi sao? Rồi ông nghe giọng Hoàn nói: _ Con sẽ ra trình diện. Thôi thà làm thằng làm vườn ngày hai bữa rau dưa còn hơn làm một sĩ quan mà nhục nhã như thế này! Ông Hưng mừng vì sau những chấn động Hoàn đã lấy lại được bình tĩnh. Tối hôm ấy, các đài phát thanh quốc tế thi nhau loan báo sự chiến thắng của quân đội cộng sản bắc việt và sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền miền nam Việt nam. Mấy ngày sau ông bà Hưng tiễn cháu đi học tập. Họ đứng nhìn theo cho đến khi cháu cùng với những người lính VNCH khác được tập trung lại để chuẩn bị lên xe đi tới trại học tập. Cuối cùng Hoàn quay lại nói: _ Thôi hai bác về đi. Con đi học tập mười ngày rồi lên Đàlạt với hai bác. Ông Hưng ôm siết cháu thật chặt rồi nói nhỏ: _ Con hãy cố gắng vượt qua những khó khăn nghe con. Mình là người thua phải nhẫn nhục con ạ! Khi trở về phòng chỉ còn hai vợ chồng, bỗng nhiên bà Mơ ôm mặt khóc, bà rên lên: _ Con ơi! Con ở đâu? Má chỉ mong con được như Hoàn thôi! Con mà chết thì làm sao mà má sống được? Ông Hưng hốt hoảng kêu: _ Sao em lại nói vậy? Chắc con nó kẹt ở đâu đó thôi! Giọng ông trở nên xác quyết hơn: _ Nó không thể chết được! Hồi ở Quảng trị khốc liệt hơn bây giờ nó có chết đâu? Ngày hôm sau ông bà Hưng có mặt trên chuyến xe trở về Đàlạt. Là một viên chức hành chánh đã nghỉ hưu được năm năm theo luật hiện hành thì người kế nhiệm ông mới phải đi học tập còn ông thì không phải đi. Ông mừng, nghĩ mình là người may mắn mặc dù sau đó ông đã phải khai lý lịch liên tục và chịu sự kiểm soát của công an phường khóm. Mười ngày trôi qua chưa thấy Hoàn về. Nhưng ông bà vẫn hy vọng Bình và Hoàn sẽ sum họp trong một ngày gần đây. Ông Hưng bắt đầu tìm cách dò hỏi viết thư tìm người chị ở ngoài bắc. Ông hồi hộp ngóng trông… Sự sụp đổ của chính quyền Sàigòn cũng kéo theo sau đó làn sóng người tị nạn lao ra biển khơi trên những con thuyền nhỏ bé mong manh bất chấp hiểm nguy, sóng to gió lớn, hải tặc, đói khát bệnh hoạn đang chực chờ. Một số phải vùi thây trong lòng biển không bao giờ thấy được đất liền. Những người may mắn hơn tiếp tục sống mòn mỏi trong các trại tạm dung mọc lên khắp vùng Đông Nam Á trước khi được chấp nhận đi định cư ở một nước thứ ba. CHÚ THÍCH:[ 1 ] La Vieille Garde Canadienne: Đội Vệ Binh cổ Gia Nã Đại