Phần II - Chương 1

    
ình bước lên cầu, đứng vịn tay trên lan can ngó về phía tả ngạn sông Đồng Nai. Tầm mắt của Bình bao gồm một khoảng trời đẹp như bức tranh thủy mạc, trong đó có những ruộng vườn xanh biếc, lơ thơ vài chòm xóm nằm dải ven bờ sông. Nền trời trong sáng điểm vài sợi mây trắng soi bóng trên giòng nước chảy lững lờ.
Bình vừa từ các xóm ven sông đó đi lên. Anh đứng lại ở mạn cầu vừa để nghỉ chân, vừa để nhìn lại những mái lá ẩn hiện dưới vòm cây với nỗi bồi hồi luyến tiếc trước khi từ giã quê ngoại.
Đã một tháng nay Bình về chơi nhà ngoại. Bà ngoại của Bình rất thương đứa cháu mồ côi, muốn lưu Bình ở lại lâu hơn nữa. Nhưng Bình chỉ có nán được một tháng, rồi thoái thác xin bà cho trở về Saigon. Hình ảnh bà ngoại lọm khọm theo tiễn cháu ra ngoài cổng vườn và chống gậy đứng nhìn theo làm Bình bùi ngùi. Tình ngoại mang nhiều máu mẹ, vẫn dễ gây nhiều xúc cảm thiết tha êm ái. Bình tần ngần đứng lại trên cầu. Khóm vườn xanh lá bên giòng sông hiền hòa như muốn cầm chân Bình lại. Nhưng Bình biết anh không thể sống hoài ở đấy với ngoại, với các cậu các dì được. Bình phải trở về Saigon, về Ngã ba ông Tạ. Anh sinh trưởng ở cái Ngã Ba này, bây giờ lớn rồi, dù có lưu luyến quê ngoại cũng không thể quen với công việc đồng áng được. Sinh hoạt của Bình là ở thành phố và Bình lớn lên ở Ngã ba ông Tạ, cho nên tương lai của Bình cũng ràng buộc vào khu ngoại ô đó.
Ngã Ba ông Tạ, cùng như Bình, trưởng thành theo thời gian đã thay đổi khác xưa. Cái ngã ba này trước đây vài ba năm, hồi Bình còn chạy xe thổ mộ với cụ Lâm chỉ là một xóm nhà thưa thớt với những đất vườn khoảng khoát, bây giờ đã trở thành phố xá ngang dọc. Sự thay đổi chóng vánh đó là do một biến cố lịch sử tạo nên: Cuộc di cư tránh nạn của đồng bào miền Bắc. Những bàn tay tháo vát của người di cư đã thay đổi bộ mặt và nếp sinh hoạt của cái ngã ba này thành một vùng ngoại ô sầm uất.
Thời gian qua, cùng với biến cố của thời cuộc kể trên, đời sống của Bình cũng thay đổi. Cụ Lâm không còn nữa. Cụ đã qua đời, êm ái nhắm mắt giữa những bà con thân thuộc, trong số có thêm những khuôn mặt của các người bạn mới, được cụ tiếp đãi giúp đỡ khi họ mới di cư.
Sau cụ Lâm đến lượt bà ngoại của Thảo. Những người già thường rủ nhau về thế giới bên kia cho có bạn. Họ nhắm mắt từ giã cõi đời một cách đột ngột, để lại tiếc thương cho con cháu. Bình, Thảo, lần lượt người khóc ngoại người khóc nội, và cùng trở nên đơn côi ở trên đời.
Những kỷ niệm đó lướt qua trí óc Bình, triền miên như giòng sông quê ngoại đang lửng lờ trôi dưới chân cầu. Bình thấy tiếc thời kỳ xa xưa đó, thời còn trẻ dại sống bên ông nội. Bây giờ thì Bình cũng như Thảo tuy chưa đứa nào tới tuổi trưởng thành - Bình mới 17 và Thảo 16 - nhưng hoàn cảnh đã ném họ vào cuộc đời rồi, phải tự mưu sinh lấy, phải làm chủ lấy đời mình.
Nghĩ đến Thảo, cô bạn gái hiền dịu trung thành thuở nhỏ, Bình thấy thêm phấn chấn. Anh hít một hơi dài không khí trong lành của quê ngoại, như muốn thu thêm sinh lực vào mạch sống, rồi hăng hái vượt sang đầu cầu bên kia.
Bình nóng lòng trở về Ngã ba ông Tạ. Đã một tháng nay Bình chưa gặp Thảo. Cô bé từ ngày mất ngoại đã về ở với một người chú mở tiệm giặt ủi và phụ giúp vào công việc của gia đình chú, không được mấy lúc thảnh thơi như khi còn ở với bà ngoại. Hai đứa tuy không còn nhiều thì giờ rảnh rỗi để gặp nhau thường xuyên, nhưng vẫn thăm nom an ủi nhau khi có dịp.
Đầu cầu bên này là bến xe, một thứ bến tạm nghỉ của hai chiều xuôi ngược. Bình đi lại bến chờ đáp xe về Saigon. Bến còn vắng, vì các xe trên Đà-lạt chưa xuống. Vài chiếc xe từ Saigon lên chỉ ghé lại ít phút nhặt thêm hành khách rồi đi luôn. Thấy còn rộng thì giờ Bình lửng thửng dạo một vòng quanh bến. Ngang qua một gốc cây gần mạn cầu Bình chợt thấy có đứa bé vào khoảng một hai tuổi đang ngồi nghịch đất và tiếng gọi yếu ớt từ dưới chân cầu vẳng lên:
- Hạnh!
Nghe tiếng gọi đứa nhỏ ngẩng đầu lên, thấy Bình nó sợ hãi òa khóc. Dưới chân cầu, một người đàn bà yếu ớt, bệnh hoạn đang nằm co quắp, trên tay còn cầm một chiếc tả lót ướt sũng nước mà có lẽ bà ta vừa đem xuống ven sông để giặt. Nhìn người thiếu phụ, Bình cũng biết là bà ta sắp chết. Hình như người đàn bà đau ốm đã lâu ngày, thêm đói khổ hành hạ nên chút sinh lực còn lại không chống chỏi nổi với sương gió đang sắp tàn lụi đi. Bình đã từng được chứng kiến bao cảnh hấp hối rồi. Từ ba má Bình, đến ông nội và cả con ngựa Long mã nữa, nên khi thấy đôi mắt của người đàn bà dại đi, đôi bàn tay run run quờ quoạng, anh vội chạy xuống cúi hỏi:
- Bà làm sao?
Người đàn bà mấp máy đôi môi:
- Tôi chết mất... Làm ơn nuôi hộ con gái tôi… Tên nó là Hạnh... Tội nghiệp!…
Chỉ nói được bấy nhiêu, người đàn bà đờ ra, thều thào gọi:
- Con ơi! Hạnh ơi!...
Bình chạy lại gốc cây nhắc bổng bé Hạnh lên. Nhưng khi đem nó tới bên mẹ nó thì bà ta đã tắt thở.
Bình tái người ôm chặt lấy bé Hạnh. Anh leo lên vệ đường và không nghĩ ngợi anh cắm cổ chạy như ma đuổi. Bình muốn đi báo cho người cảnh binh gác ở đầu cầu rõ. Nhưng chạy gần tới nơi anh lại đổi ý. Giọng khẩn thiết của người đàn bà xấu số như còn van nài bên tai:
- Làm ơn nuôi hộ con gái tôi... Con ơi! Hạnh ơi...
Bình đặt bé Hạnh xuống vệ cỏ, ngồi xuống cạnh nó để suy nghĩ. Bé Hạnh ngồi yên chăm chăm nhìn vào mặt người bảo vệ nó. Thực tình khuôn mặt xương xương với đôi vai gầy và quần áo xốc xếch của Bình nom chẳng có vẻ gì là hấp dẫn cả. Nhưng trong đôi mắt mở rộng của Bình ánh ngời sự hiền từ, đại lượng khiến bé Hạnh cảm thấy yên tâm, chìa tay đòi bế.
Đôi bàn tay bé bỏng của Hạnh với dáng điệu thơ ngây của nó làm Bình thấy nghẹn ngào. Anh đỡ lấy nó, nghĩ đến người mẹ khốn khổ của nó đã từ giã nó để bước vào cõi chết. Tình cảnh của bé Hạnh thật bi thảm, khiến Bình nhớ đến thời thơ ấu của chính mình. Anh cũng là một trẻ mồ côi. Nhưng còn tốt phước được ông nội săn sóc cho tới khi khôn lớn, còn bé Hạnh mới bằng này tuổi đầu đã mất hết cả. Định mệnh đưa đứa bé tới với Bình, thật là trớ trêu. Bồng bé Hạnh trên tay anh không biết phải tính sao bây giờ.
Được bồng, bé Hạnh rúc vào ngực Bình. Nhưng có lẽ không tìm thấy hơi sữa mẹ, bé méo sệch miệng khóc. Bình dỗ dành nó, và anh cũng quyết định luôn:
- Im đi mà. Để rồi anh lo cho cưng!...
Vừa lúc ấy mấy chiếc xe hàng từ bên kia cầu chạy sang, đảo vào bến đón khách. Bình ôm bé Hạnh chọn một xe ít người leo lên. Ngồi yên chỗ anh kín đáo đưa mắt nhìn về phía chân cầu. Một người đàn bà quẩy đôi thùng đang đi xuống ven sông. Bình yên lòng vì biết rằng xác người đàn bà xấu số kia sẽ được phát giác và được chôn cất tử tế. Anh thở dài thầm nói với vong linh người quá cố:
- Thế cũng xong! Tôi sẽ chăm sóc cho bé Hạnh... và nhận nó làm em, như lời bà trăng trối. Nhưng xin phù hộ cho chúng tôi...

*

Khi quyết định nhận nuôi bé Hạnh, Bình chỉ nghe theo tiếng nói của lương tri, chớ không nghĩ đến những phiền phức cho một anh con trai vụng về phải nuôi nấng một đứa trẻ.
Bé Hạnh đã làm Bình lúng túng ngay từ lúc ngồi trên xe. Suốt lộ trình nó cứ khóc đòi bú. Mới đầu Bình đánh lừa nó bằng cách nhét ngón tay vào miệng nó. Bé mút chùn chụt, rồi thấy không có gì nó nhả ra khóc ré lên, làm mấy bà hành khách cùng chuyến xe hoài nghi nhìn Bình. Một người hỏi:
- Em cậu đấy à?
Bình phải làm bộ tỉnh táo đáp:
- Dạ.
- Con nhỏ mới độ hai tuổi chứ mấy. Nó đói đấy mà.
- Dạ cũng sắp tới bữa của nó rồi.
- Sao không cho nó ăn đi?
Bình ngồi yên, sượng trân cả người và bực mình không muốn nói năng gì hết. Cũng may bé Hạnh khóc mệt rồi ngủ. Yên được một lát, Bình bỗng cảm thấy một giòng nước âm ấm chảy xuôi theo ống quần. Thì ra bé Hạnh "tè dầm"! Bực quá Bình chỉ muốn vứt nó đi. Anh đâm ra hối hận, bỗng dưng gánh lấy trách nhiệm vào người. Nhưng nhìn gương mặt thơ dại của nó đang yên tâm say ngủ, anh lại thấy thương hại. Bình cắn chặt môi, ngồi yên chịu đựng cho tới khi xe đến Saigon.