Chương 3

    
áng hôm sau, vào khoảng 8 giờ những khách ngồi ăn điểm tâm ở tiệm chú Hói chợt thấy cánh cổng bên nhà cụ Lâm mở rộng. Bình nép mình sát giậu găng cho con Long mã tiến ra. Con Long mã nom thật oai vệ. Bộ lông của nó đã được Bình chải chuốt, óng đỏ dưới ánh nắng dịu. Trên đầu của nó được trang điểm thêm một chùm lông trĩ đứng ngộ nghĩnh giữa hai chiếc tai vểnh nhọn, nom như chiếc mão của một võ tướng thời xưa!
Thấy con Long mã tỏ vẻ nóng nảy, đập vó xuống đất bồm bộp, cụ Lâm ghìm dây cương gắt nhẹ:
- Khoan, chờ một chút nữa đã!
Hôm nay y phục của cụ Lâm rất tề chỉnh. Bên ngoài chiếc áo bà ba, cụ còn khoác thêm chiếc áo bành tô màu vàng. Trông cụ có vẻ thư thái khỏe mạnh. Duy hai tay của cụ vẫn còn hơi run khi nắm giây cương. Tuy vậy, sáng nay, khi Bình đánh thức cụ dậy và lo lắng hỏi:
- Bửa nay nội thấy trong mình thế nào?
Cụ Lâm bước xuống giường mau mắn trả lời:
- Nội thấy khỏe lắm.
Nghe ông nói, Bình ôm lấy ông sung sướng muốn phát khóc. Anh mừng nhất là cụ Lâm hầu như đã quên cuộc cãi vã với ông Mạnh tôi hôm trước.
Lúc này ngồi trên xe, cụ Lâm phởn phơ như người tìm được lẽ sống. Chiếc xe thổ mộ và con ngựa là hai thứ gắn liền với cuộc sống thường nhật của cụ.
Bình chờ cho ông nội dong xe ra ngoài đường, khép chặt cổng lại, mới nhảy lên ngồi bên:
- Xong rồi, nội! Ông cháu mình đi thôi.
Cụ Lâm giật giây cương. Con Long mã hí lên mừng rỡ rồi mau mắn bước đi.
Người trong xóm gặp cụ Lâm ngồi trên xe đều ngó sửng tỏ ý ngạc nhiên:
- Mạnh rồi à, cụ Lâm?
- Bữa nay bác Hai đi xe được rồi hả?
Với ai cụ Lâm cũng niềm nở đáp lại:
- Dạ, cám ơn bà con!
Cả vùng này, từ ngã ba ông Tạ trở vô, không ai là không biết cụ Lâm. Cụ được tiếng là người chất phác, nói năng giảo hoạt, hay lớn tiếng khi bàn cãi nhưng không mấy khi thù giận ai. Hồi còn khỏe mạnh mỗi lần ra ngồi quán chú Hói bọn trẻ con đứng ngoài cứ hếch mũi lên nghe chuyện của “bác Hai” và cả quán rộn ràng tiếng cười vui. Ngót hai mươi năm chạy xe thổ mộ, con đường từ chợ Chí Hòa lên chợ Bến Thành và từ đó đi về các ngả ngoại ô cụ Lâm gặp không thiếu gì truyện để kể lại với bà con. Mấy năm gần đây nghề chạy xe thổ mộ coi mòi không khá vì các loại xe gắn máy cạnh tranh.
Tuy nhiên cảm tình của lối xóm thật là đậm đà. Ai muốn đi đâu xa, phải lên chợ hay lên phố đều muốn nhờ xe của cụ. Duy chỉ có ông Mạnh là không ưa cụ Lâm. Điều ấy ai cũng biết, vì ông Mạnh vốn dòm ngó mảnh vườn của cụ Lâm mà không được. Nghe tin cụ Lâm khỏe mạnh chạy xe trở lại, ông Mạnh chỉ cười nhạt. Cả chú Hai “hàng thịt”, ba thằng Tân, vì là em rể của ông Mạnh nên vì quyền lợi cũng chẳng ưa gì cụ.
Ngồi bên ông nội, Bình sung sướng ra mặt. Hôm nay Bình mặc chiếc áo sơ-mi trắng Thảo giặt ủi cho hôm trước, mái tóc chải gọn làm vừng trán thêm sáng sủa và đôi gò má ửng hồng vì xúc động. Từ chiều tới giờ lòng Bình nôn nao với biết bao hy vọng!
Con Long mã dẻo chân chạy nước kiệu, có vẻ mãn nguyện sau những ngày tù túng. Nó chạy như cuồng cẳng, không theo trật tự nào cả.
Cụ Lâm liền bảo Bình:
- Nội cầm cương chưa được. Có lẽ nội còn yếu, chưa đủ mạnh. Với lại cháu coi, tay nội còn run …
Bình vội nói:
- Nội để con cầm thế cho. Nội còn yếu là phải chớ đâu có gì lạ. Nội cứ đưa cương đây cho con rồi nội ngồi bên chỉ vẽ thêm.
Cụ Lâm gật đầu:
- Phải đó, cháu cầm thế cho nội đi.
Con Long mã như cảm thấy dây cương được đổi sang tay Bình nên nó cũng bớt hăng hơn trước. Chạy được một quãng, Bình chợt thấy Thảo đứng vẩy gọi bên vệ đường. Anh ghìm cương lại:
- Lên đi Thảo. Sao trễ thế?
Thảo leo lên, ngồi giữa Bình và cụ Lâm. Cô cho biết sở dĩ đến trễ là vì ngoại cô còn sai ra chợ mua sắm mấy thứ. Bình không chú ý mấy đến lời nói của Thảo vì còn mãi lo giữ giây cương.
Con Long mã thủng thẳng tiến bước sắp vượt lên ngã ba đường, nơi tiếp giáp con hương lộ với đường cái quan đi thẳng vào thành phố.
Xe vừa quẹo lên khỏi ngã ba, Bình bỗng nhác thấy một bóng hình quen thuộc đứng trên vỉa hè, bóng thằng Tân mập, con chú Hai Hàng Thịt. Thằng Tân cười ngượng ngịu và giơ tay vẫy.
Bình lưỡng lự giây lát rồi cũng đỗ xe lại hỏi:
- Mày muốn gì?
- Tao muốn lên chơi với thằng bạn ở Chí Hoà. Mầy cho tao đi nhờ một quãng được không?
Đường lên thành phố phải đi ngang qua chợ Chí Hòa. Bình tuy không ưa gì thằng Tân, vì chỉ mới chiều qua đã có chuyện đụng độ với nó … Nhưng hôm nay, lòng tràn ngập vui sướng, Bình sẵn sàng quên hết mọi xích mích. Với lại, chắc Thảo cũng không phản đối một sự giúp đỡ, nên Bình bảo:
- Leo lên phía sau mà ngồi.
Thằng Tân leo ngay lên ngồi như một hành khách. Mặt phố thưa thớt lúc ấy không mấy nhộn nhịp, nhất là vào ngày Chúa nhật. Chỉ có cửa hàng chú Hai hàng thịt là mở rộng cửa. Chú Hai người tròn quay, đôi gò má bóng nhẫy như thoa mỡ đứng chống nạnh ở giữa cửa nhìn ra. Thường vào giờ nầy hễ cửa hàng chú mở thì xe của cụ Lâm cũng đi qua để lên chợ. Và mỗi lần cứ thấy chiếc thổ mộ qua cửa, chú Hai lại ưỡn ngực trêu chọc:
- Hế hế … Cho vào Đề-bô, cho vào Đề-bô …
“Đề-bô” là nơi chứa những đồ phế thải của thành phố và cũng là nơi giam giữ những xe cộ trái luật hoặc các chướng ngại vật mà các thầy cảnh binh đi tuần bắt gặp.
Chú Hai hàng thịt, như ai nấy đều biết, là em rể của ông Mạnh. Chú có láng nuôi heo, lại tậu được cả xe gắn máy để đi khi có việc nên chú tỏ vẻ khinh rẻ chiếc xe thổ mộ cọc cạch của cụ Lâm. Thường khi buông lời nhạo báng: “Cho vào Đề-bô! Cho vào Đề-bô!” cụ Lâm vẫn thản nhiên cho xe đi thẳng không thèm chấp. Nhưng đôi khi bực mình, cụ cũng ngoái đầu ra đáp lại:
- Ê Hai, chú cũng chẳng khác gì anh rể của chú, ngu như heo vậy.
Sáng hôm ấy, vừa nghe tiếng vó ngựa ngoài đường chú Hai quay ra đứng phưỡn bụng chờ nói câu chế riễu mọi lần, nhưng vừa thấy thằng Tân mập, con chú, đang ngồi chễm chệ trên xe thì miệng chú tròn vo lại vì ngạc nhiên. Bình và cụ Lâm nháy nhau thích thú. Mấy phút sau xe ngừng ở Chí Hòa cho Tân xuống rồi thẳng đường tới ngã tư Lê Văn Duyệt, nơi cụ Lâm vẫn có thói quen đậu lại trước một quán nước. Nắng tháng bảy đã bắt đầu chói chang oi bức. Cụ Lâm lẩm bẩm:
- Trời này không khéo sắp có mưa đây.
Rồi nhìn hai bên dãy phố đầu cửa ô dẫn vào thành phố cụ vui vẻ bảo:
- Bữa nay kiếm được bao nhiêu tiền nội cho cháu hết, Bình ạ. Như vậy cháu có thêm tiền để dự trại hè với anh em.
Nghe ông nội nói Bình thấy tim nhảy mừng trong ngực. Anh giả bộ phản đối:
- Nhưng mà, nội …
Cụ Lâm ngắt ngang:
- Nội đã quyết định rồi. Nội thưởng cho cháu đó.
Nói đoạn cụ Lâm móc túi lấy thuốc lá ra hút.
Cũng như mọi sáng Chúa nhật, đô thành bớt nhộn nhịp hơn mọi ngày thường. Tuy vậy xe cộ vẫn chạy nườm nượp. Bình cho xe ngừng trước quán nước.
- Cháu xuống xem lại chốt xe và dây cương nội nhé.
- Ừ, mọi khi nghỉ đợi khách ở đây nội cũng vẫn xuống kiểm điểm lại một lượt.
Bình khều nhẹ Thảo:
- Xuống đi.
Hai đứa kéo nhau ra phía sau xe. Bình thì thào:
- Thảo có nghe nội anh vừa nói đó không?
- Có.
- Như vậy là Bình có tiền làm giỗ ba rồi!
Nhưng tiếng cụ Lâm đã giục:
- Xong chưa các cháu? Chờ đây coi bộ vắng khách đa. Mình đi loanh quanh một chút.
Bình cho xe chạy. Cụ Lâm chỉ tay về phía trước nói:
- Cháu có thấy rạp chiếu bóng ở đằng kia không?
- Dạ thấy. Rạp Nam Quang phải không nội?
- Phải đó. Cháu cho xe tới và ngừng bên mé Chợ Đũi. Trước chợ có bảng xe buýt đậu. Cháu nhớ tránh xa xa một chút.
Bình làm theo lời ông dặn. Con Long mã vừa dừng chân, Thảo đã trỏ tay bảo Bình:
- Coi kìa …
Cụ Lâm và Bình đều nhìn theo hướng trỏ của Thảo.
Một chiếc xe buýt đang đỗ trước hè chợ cho hành khách lên xuống. Nhưng Thảo không phải muốn trỏ chiếc xe buýt mà là một nhóm bốn người, ba trai một gái đang đứng lóng ngóng gần đó.
Cô gái trạc độ 18, 20, suối tóc buông sõa ngang lưng, chiếc áo dài màu thiên thanh bó sát lấy khổ người óng ả. Ba người thanh niên suýt soát tuổi nhau đứng bên những hành lý cồng kềnh mà thoạt trông người ta cũng biết được là những nhạc cụ.
Cả bốn người đang năn nỉ người bán vé xe buýt trong lúc người ngày cố phân trần:
- Tôi rất tiếc là không thể được. Hành lý của mấy cô cậu như thế làm sao mà chở. Hơn nữa, mấy cô cậu cũng thấy đó, hành khách ngồi chật hết chỗ rồi.
Cô gái cố nài:
- Ông làm ơn giúp chúng tôi. Chúng tôi cần đi chuyến này mới kịp.
Người bán vé lắc đầu:
- Xin cô cảm phiền, giả như không có những hành lý cồng kềnh kia thì tôi mời cô cậu lên xe ngay.
Nói đoạn người ấy thổi còi và chiếc xe buýt rồ máy chạy luôn như muốn cướp lại thời gian đã mất.
Người hiếu kỳ ở quanh chợ bu lại. Ba thanh niên và cô gái đứng ngẩn ngơ trên hè, nét mặt lộ vẻ bối rối. Cô gái thất vọng buông mình ngồi bệt xuống chiếc vali với dáng điệu chán nản.
Ngồi trên xe thổ mộ, cụ Lâm, Bình và Thảo chăm chú theo rõi tấn kịch. Mấy ông cháu chợt thấy cô gái ôm mặt khóc và ba chàng thanh niên kia xúm lại dỗ dành.
Bình buộc miệng nói:
- Nội à, hay mình giúp bọn họ đi.
Cụ Lâm gật đầu:
- Nôi cũng nghĩ thế. Nhưng biết họ có chịu đi thứ xe của mình không?
Bình đáp:
- Chắc chịu mà nội. Mình cứ lại nói với họ xem sao.
Vừa nói Bình vừa buộc dây cương vào bên thành xe rồi nhảy xuống đất. Thảo và cụ Lâm cũng lục tục xuống theo.