ị tân Huân tước trẻ trung này có cặp mắt rất tinh. Anh ta nhận ra nỗi ngạc nhiên của tôi. Anh ta thân mật nói: - Thì ra ông cũng có mặt ở đây. Bữa ăn tối trong phòng khách sạn của bà Jane Wilkinson... Hôm ấy tôi hơi quá chén phải không nhỉ? Tôi hy vọng mọi ngươi không chú ý nhiều đến điều đó của tôi. Poirot chào Geraldine và cô thư ký Carroll rồi xin cáo lui. Ronald nói: - Tôi xin tiễn hai ông. Rồi anh ta đi trước ra cầu thang, vẫn huyên thuyên. - Cuộc sống quả là lạ! Mới hôm qua còn bị tống ra cửa nhưng hôm nay lại được coi là chủ nhân của tòa nhà. Ba năm trước đây, chú tôi đã đuổi tôi ra khỏi cái nhà này, chắc ông biết chuyện ấy rồi, thưa ông Poirot? Y cười gằn rồi mở cửa phòng ăn, nói: - Mời hai ông dùng thứ gì đó rồi hãy đi. Poirot từ chối. Tôi cũng vậy. Tuy nhiên chàng trai tự pha một ly rượu cốc tay rồi trở nên đa cảm: - Tôi uống chúc sức khỏe hung thủ của chú tôi. Chỉ trong vòng một đêm mà vị trí của tôi hoàn toàn thay đổi, từ dưới đáy thấp hèn lên tột đỉnh vinh quang. Mới hôm qua không một xu dính túi, vậy mà hôm nay tôi giầu có xiết bao. Anh ta uống một hơi cạn, rồi thay đổi giọng điệu, nói với Poirot: - Thôi, không tán dóc nữa. Thưa ông Poirot, ông đến đây có việc gì vậy? Cách đây bốn ngày, thím Jane tôi đã tuyên bố bằng giọng đầy kịch tính: “Ai sẽ giải thoát cho tôi khỏi tên bạo chúa ấy đây?” Vậy mà liền sau đấy bà ta được giải thoát. Tôi hy vọng ông không góp phần vào sự kiện ấy chút nào chứ? Quả là một đầu đề giật gân cho một bài báo: “Poirot, nhà thám tử lừng danh đồng thời là kẻ sát nhân!” Poirot cười. - Trưa nay tôi đến đây để đáp lại lời yêu cầu của tiểu thư Geraldine Marsh. - Khá khen ông kín đáo. Ông vẫn chưa trả lời câu tôi hỏi. Thật ra ông làm gì ở tòa nhà này? Vì một nguyên nhân mà tôi không biết, ông quan tâm đến cái chết của ông chú tôi. - Tôi luôn luôn quan tâm đến các tội ác, thưa Huân tước. - Mặc dù ông không gây án. Là người khôn ngoan tuyệt vời, chắc ông phải dạy thím Jane cách thức giữ mình. Xin lỗi tôi đã gọi bà ta bằng cái chức danh ấy. Tôi thấy thú được gọi bà ta như thế. Ông có nhận thấy vẻ hoảng hốt trên mặt bà ta khi nghe tôi nói lên cái câu lúc nãy trong buổi tối hôm nọ không? Hiện bà ta vẫn chưa biết thằng cha này là ai. - Ông tin như thế? - Tất nhiên. Vì tôi bị chú tôi tống cổ ra khỏi nhà từ trước khi bà ấy đến đây ba tháng. Vẻ đùa giỡn biến mất trên mặt Ronald Marsh nhưng anh ta vẫn tiếp tục nói bằng giọng đùa giỡn: - Bà thím tôi đẹp đấy chứ, chỉ phải cái trí thông minh thì quá tồi. Bà ta chuyên sử dụng những thủ pháp quá đơn giản, thô sơ. Ông nhận thấy thế không? Poirot nhún vai: - Có thể. Ronald ngạc nhiên nhìn anh bạn thám tử của tôi: - Ông cho bà Jane Wilkinson là vô tội ư? Vậy là bà ta đã che mắt được ông rồi. Poirot bình thản nói: - Xưa nay tôi luôn cảm phục hai thứ, một là nhan sắc phụ nữ và hai là chứng cứ. Ronald Edgware nhắc lại vẻ kinh ngạc: - Chứng cứ? - Có lẽ ông chưa biết tối hôm qua bà Jane Wilkinson dự bữa tiệc ở phố Chiswick, vào đúng lúc mà người ta khẳng định bà có mặt ở đây. Ronald buột miệng thốt lên một tiếng chửi thề. - Thì gây án xong bà ta lại đến tiếp tục dự tiệc! Đàn bà là như vậy! Lúc sáu giờ bà ta còn kêu khó chịu trong ngươi đến nỗi không thể đứng vững và thề không thứ gì có thể bắt bà ta đến dự bữa tiệc kia. Vậy mà chỉ mười phút sau bà ta đã thay đổi ý kiến. Trong việc điều tra một vụ án mạng, không nên căn cứ vào những gì một phụ nữ bảo sẽ làm; chính vì tin như thế cho nên bao nhiêu kế hoạch soạn thảo chu đáo nhất đã thất bại thảm hại. Nhất là ông đừng lầm tưởng tôi nói những lời vừa qua tức là tự tố cáo mình chính là hung thủ... Đúng là ông đang nghĩ như thế đấy, tôi có tài đọc được nghĩ diễn ra trong đầu óc người khác. Kẻ đáng nghi đầu tiên là ai? Tất nhiên là thằng cháu vô công rỗi nghề rồi, ông nghĩ như thế chứ gì? Anh ta ngửa người ta lưng ghế nệm, cười vang: - Ông Poirot ạ, lúc này tôi đang gìn giữ cho bộ não của ông đấy. Không cần phải dò hỏi ông rằng người ta có nhìn thấy tôi lảng vảng ở đây không, vào cái lúc mà bà thím tôi khẳng định một cách dữ dội rằng bà ta sẽ không đi đâu ra khỏi nhà tối nay... Lúc ấy tôi có ở đây, thưa ông Poirot. Khi đó ông sẽ suy nghĩ, phải chăng đứa cháu trời đánh kia có đến nhà ông chú tối hôm qua, giả dạng làm một phụ nữ với bộ tóc vàng giả và chiếc mũ thời trang của Paris? Có vẻ hết sức thích thú được đùa giỡn thoải mái, Ronald Edgware vẫn chăm chú nhìn hai chúng tôi. Poirot nghiêng đầu quan sát anh ta, còn tôi thì lúng túng, không biết xử sự ra sao. - Xin nói thêm rằng tôi còn có cả động cơ kia đấy, và tôi xin tặng ông một thông tin cực kỳ quan trọng. Sáng hôm qua, tôi đến thăm ông chú tôi. Để làm gì ư? Để xin tiền! Đúng thế, nói để các ông nổ mũi. Nhưng ông chú keo kiệt của tôi từ chối. Thế là tôi bỏ đi rất bực. Rồi ngay buổi tối thì chú tôi bị giết! Ronald ngừng lại một chút. Poirot vẫn im lặng. - Thưa ông Poirot, tôi rất hân hạnh được ông chú ý. Đại úy Hastings thì tưởng tôi là hồn ma. Ông đừng ngại, ông bạn! Đây đâu phải rạp hát và chuyện đang xảy ra đâu phải do diễn viên đóng. Chúng ta vẫn cho rằng thằng cháu hư hỏng tìm cách đổ vấy tội lên đầu bà thím bị hắn ghét cay ghét đắng. Thằng cháu trước kia nổi tiếng là chuyên đóng các vai đàn bà con gái, nay đã cố gắng vượt bậc và khôi phục lại được tài năng đóng kịch xưa kia. Hắn đã giả giọng đàn bà để đóng vai Huân tước phu nhân Edgware, rồi lả lướt bước chân ngay trước mặt người quản gia mà không làm người này mảy may nghi ngờ. Rồi ông chú của tôi kêu lên trìu mến “Jane!” còn tôi thì lấy giọng bà thím cũng đáp lại, âu yếm “George!” Tôi bèn lấy vẻ thắm thiết đưa hai tay ôm lấy cổ ông chú đồng thời ấn luôn lưỡi dao vào gáy ông ta. Xong việc, thằng diễn viên đại tài là tôi, trong vai Huân tước phu nhân, lập tức đi ra rồi về nhà ngủ một giấc sau một ngày bận rộn liên tục. Y phá lên cười rồi tự rót cho mình thêm một ly whisky pha soda. - Mọi thứ diễn ra trôi chảy không tưởng tượng nổi, đúng không nào? Nhưng khốn nỗi câu chuyện kia lại có một chỗ khiến chúng ta thất vọng. Đó là vướng phải cái vấn đề ngoại phạm. Ronald nốc cạn ly rượu. - Khi đọc tiểu thuyết hình sự, thứ khiến tôi bị cuốn hút nhất là các kiểu ngoại phạm. Để chứng minh tình trạng ngoại phạm của tôi, tôi xin cung cấp ba nhân chứng, cả ba đều gốc Do Thái, cụ thể là: hai ông bà Dortheimer và cô con gái họ, cả ba đều cực kỳ giầu có và đều yêu thích âm nhạc. Họ thuê dài hạn một buồng khán giả trong nhà hát nhạc kịch phố Covent Garden. Và họ thường xuyên mời các chàng trai có triển vọng về nghệ thuật. Tôi là một đứa trong đám trai trẻ ấy... tôi lại được mọi người hết sức ưa thích... Tôi có thích nhạc kịch không ấy à? Thú thật là không. Nhưng tôi đánh giá rất cao một bữa ăn tối ở phố Quảng trường Grosvenor, trước khi vào rạp xem, rồi một bữa ăn nhẹ ban đêm tuyệt ngon ở một hiệu nào đấy sau khi tan rạp. Ngay cả khi tôi phải nhảy với bà Rachel Dortheimer. Vào đúng lúc người ta giết ông chú tôi thì tôi còn đang ba hoa vào cái tai đeo kim cương của bà Rachel tóc đen mắt đen, tại buồng khán giả trong nhà hát phố Covent Garden. Bây giờ thì ông hiểu tại sao tôi dám nói lăng nhăng như vừa rồi chứ? Anh ta lại bật ngửa ra lưng ghế nệm. - Hy vọng tôi nói lung tung không làm ông phiền lòng vì tiếc thời gian chứ? Ông muốn hỏi thêm gì về vụ án này không? Poirot nói: - Ông yên tâm là ông không hề làm tôi phiền lòng. Và vì thấy ông dễ tính, tôi xin mạnh dạn hỏi ông một câu nhỏ. - Rất sẵn sàng nghe. - Ông quen cô Carlotta Acìams được bao lâu rồi? Rõ ràng Ronald không ngờ có câu hỏi đó. Y ngồi thẳng người dậy và nét mặt y hoàn toàn biến đổi. - Ông hỏi làm cái con khỉ gì kia chứ? Chuyện ấy thì liên quan gì đến vụ án mạng? - Chỉ do tôi tò mò thôi. - Carlotta Adams? Khoan đã! Tôi quen cô ấy mới được khoảng một năm... Khi cô ấy sang London biểu diễn mùa sân khấu năm ngoái. - Ông biết rõ cô ấy chứ? - Tương đối. Carlotta sống rất ý tứ và kín đáo, không bao giờ thân mật hoặc suồng sã với ai. - Ông yêu cô ấy chứ? Ronald chăm chú nhìn anh bạn thám tử của tôi. - Tôi rất muốn biết tại sao ông quan tâm đến cô ấy? Phải chăng vì tôi tháp tùng cô ấy buổi tối hôm nọ? Vậy thì... đúng thế, tôi yêu Carlotta. Cô ấy rất đáng mến, chịu chăm chú nghe khi người khác nói và luôn khiến anh có cảm giác như anh là một người đàn ông đáng giá. - Tôi hiểu. Nếu vậy tôi xin báo ông biết một tin buồn. - Tin buồn? Tin gì vậy? - Carlotta Adams đã qua đời. - Sao? Ronald vùng đứng lên: - Carlotta chết rồi sao? Mặt anh ta tái đi. - Ông nói đùa, ông Poirot! Lần gần đây nhất gặp cô ấy, tôi thấy Carlotta hoàn toàn khỏe mạnh. Poirot hỏi ngay: - Đấy là lúc nào? - Hình như hôm kia. Trí nhớ tôi không được khá lắm. Poirot nhắc lại: - Cô Adams đã chết. - Do tai nạn?.. Bị xe chẹt trên đường phố hay sao? - Không. Cô ấy uống một liều Veronal quá cao. - Ôi, tội nghiệp cô bé! Đáng thương quá nhỉ! Carlotta đang bắt đầu nổi tiếng. Cô ấy nghĩ ra đủ mọi kể hoạch để đem em gái cô ấy từ Mỹ về. Thật khủng khiếp, ông có đồng ý không? - Đồng ý. Quả là đáng buồn phải từ giã cõi đời giữa lúc tuổi còn quá trẻ như thế. Vào cái tuổi mà bao nhiêu thứ mở ra trước mắt và bao nhiêu điều hứa hẹn khiến con người ta khao khát được sống. Ronald nhìn Poirot. - Ông Poirot, tôi chưa hiểu rõ lắm câu ông nói. - Thật ư?... Đôi khi tôi nói hơi phũ phàng, có thể... bởi tôi rất phẫn nộ khi nhìn thấy một cô gái trẻ đầy mơ ước như vậy bị kẻ nào đó nhẫn tâm giết hại. Nhìn thấy thế, tôi hết sức đau lòng. Tạm biệt, ông Ronald Edgware! Ronald ngạc nhiên đáp: - Vâng... vâng... Tạm biệt. Lúc mở cửa, suýt nữa tôi va phải cô thư ký Carroll. - Ôi! Ông Poirot! Tôi vừa được biết ông còn ở đây. Tôi muốn nói với ông một câu thôi, được không ạ? Nêu không phiền, mời ông lên phòng giấy của tôi. Lúc hai chúng tôi đã vào phòng giấy cô thư ký của cố Huân tước Edgware, cô ta nói thêm: - Tôi muốn kể với ông về Geraldine. - Tôi xin nghe. - Vừa rồi con bé nói lung tung. Xin ông đừng phản đối. Vì trong lúc huyên thuyên, nó nói sai sự thật rất nhiều điều. - Tôi có thấy tiểu thư bị kích động mạnh. - Nói thật với ông... con bé phải chịu một kiểu sống quá buồn tẻ. Huân tước Edgware chủ trương không nên cho con gái đi học ở trường. Và ông chủ tôi luôn đe nẹt con bé. - Tôi cũng đã nghi là có tình trạng gần như thế. - Ngài Huân tước có thói độc đoán, hoặc nói thế nào nhỉ... Ông chủ tôi thích làm mọi ngươi sợ, ông ấy có cái thú quái đản là rất thích nhìn thấy người khác run bần bật hoặc tái xanh tái xám trước mặt ông ấy. - Ra thế. - Cô Huân tước là con người cực kỳ thông minh và rất có văn hóa. Nhưng trong cuộc sống gia đình... Tất nhiên tôi không phải chịu những cơn điên khùng của ông ấy, nhưng tôi được chứng kiến. Khi bà vợ trước của ông ấy bỏ đi, tôi không hề ngạc nhiên. Không những không lên án bà ấy, tôi còn nghĩ rằng kết hôn với Huân tước bà ấy đã phải chịu bao nhiêu nỗi đau khổ. Bà ấy bỏ đi, nhưng Geraldine thì không đi đâu được. Cha con bé trong một thời gian dài không quan tâm gì đến nó, nhưng rồi đột nhiên gần đây ông ấy lại quan tâm, như thể sực nhớ ra là mình có con gái. Đôi khi tôi nghĩ... nhưng có lẽ tôi không nên nói ra... - Xin bà nói ra cho. - Tôi có cảm giác ông chủ tôi chuộc lại cái tội đã làm cho vợ đầu bỏ đi, bà ấy là một phụ nữ dịu dàng, phúc hậu vô cùng... Nếu ban nãy Geraldine không nói lung tung thì tôi chẳng kể với ông chuyện này. Vì khi nghe một đứa con gái nói nó căm ghét cha nó ông dễ hiểu sai về nó, do không biết tính nết độc ác của ông Huân tước. - Hết sức cảm ơn bà, thưa bà Carroll. Có lẽ Huân tước không nên lấy vợ lần thứ hai thì hơn. - Đúng thế. - Cuộc hôn nhân với bà Jane Wilkinson trục trặc, ông Huân tước có nghĩ đến chuyện kết hôn lần thứ ba không? - Làm sao nghĩ đến được, vì bà thứ hai vẫn còn sống? - Là nói sau khi ly hôn? Cô thư ký Carroll nhếch mép cười: - Tôi cho rằng ông chủ tôi đã vất vả với hai bà cho nên khó mà nghĩ đến một bà thứ ba. - Bà cho là như thế, nhưng tôi đề nghị bà cũng suy nghĩ thêm, biết đâu ông Huân tước có tính đến chuyện kết hôn lần nữa, điểu này hẳn chỉ bà mới có thể biết đôi chút. Cô thư ký hơi đỏ mặt. - Tôi chưa hiểu tại sao ông cứ khăng khăng là có thể có bà thứ ba? Tôi khẳng định không hề có.