Người dịch: Đào Đăng Trạch Thiên
Câu lạc bộ ngày thứ ba

     huyện lạ”.
Raymond West ngồi phì phà một hơi thuốc, mồm lẩm bẩm lần nữa có vẻ đắc ý:
“Chuyện lạ thật”.
Anh ta nhìn quanh khoái chí. Bên trong văn phòng cũ kỹ, trần nhà gác đà ngang bằng gỗ mun, đồ đạc bày biện trông đẹp mắt với những món đồ cổ thích hợp khung cảnh của ngôi nhà xưa.
Raymond West nhìn thích thú. Nghề của anh ta là viết văn.
Mỗi khi đến nhà bà dì Jane, anh ta đều cảm thấy hài lòng cách bố trí ngôi nhà, nó hợp với tính cách của bà. Anh ta nhìn qua nơi bà đang ngồi trên chiếc ghế bành bên bếp sưởi. Marple mặc chiếc áo dài đen thêu kim tuyến, may bó sát người. Tay đeo găng kết bằng sợi đăng ten đen, đội mũ đăng ten đen che mái tóc bạc bồng bềnh. Bàn tay đưa những mũi que đan thoăn thoắt một sợi len trắng mịn, xốp. Đôi mắt bà xanh nhạt, cái nhìn dịu dàng âu yếm hướng về người cháu trai và đám bạn bè ngồi quanh. Trước mắt là Raymond vẻ mặt yêu đời tự tin; cô nàng Joyce Lemprière - một nghệ sĩ, mái tóc đen cắt ngắn, đôi mắt màu hạt dẻ; rồi qua tới người đàn ông thanh lịch, ngài Henry Clithering. Nhìn lại còn hai ông khách nữa, tiến sĩ Pender, ngài mục sư già trong xóm đạo; ông luật sư Pentherick, người nhỏ thó, gương mặt nhăn nhúm đeo kính, mắt nhìn lờ đờ. Marple để ý nhìn qua một lượt rồi quay lại với những que kim đan trên tay, một nụ cười dịu dàng vừa thoáng hiện trên môi bà.
Ông luật sư Petherick có tật thường húng hắng ho trước khi lên tiếng.
“Raymond, cậu nói sao? Chuyện lạ ư? Chà... Thế là thế nào?”
“Chẳng thế nào cả”. Nàng Joyce Lemprière nói xen vô “Raymond thích đánh tiếng thế thôi, anh ấy thì lúc nào chả vậy”.
Raymond West nhìn qua như muốn trách móc, cô ta thì ngả người ra sau cười ngất.
“Anh ta muốn đánh lừa kẻ khác, phải vậy không bà Marple?” Nàng hỏi vặn lại “Bà thì phải biết rõ điều đó”.
Bà Marple nhếch mép cười nhìn lại, không cho biết ý kiến.
“Cuộc sống là cả một điều lạ lùng khó hiểu”. Ngài mục sư mỉa mai.
Raymond vội quăng điếu thuốc và ngồi ngay người lại.
“Nói vậy mà không phải vậy, tôi không thích chuyện triết lý viển vông”. Anh ta nói “Tôi muốn nhắc những chuyện bình thường, chuyện không ai có thể nghĩ ra được”.
“Tôi biết mấy chuyện đó”. Bà Marple nói “Cụ thể như trường hợp bà Carruthers mới vừa sáng hôm qua đây. Bà ra cửa hàng Elliot’s mua hai lạng tôm loại ngon. Ra về bà ghé vô hai cửa hàng nữa, lúc về tới nhà kiểm lại không thấy món tôm đâu. Trở lại nơi hai cửa hàng tìm thì không thấy. Tôi thấy việc này mới kỳ lạ thật”.
“Chuyện nói nghe khó tin”. Ngài Henry Clithering nghiêm giọng nói.
“Thiệt ra có nhiều cách lý giải việc này”. Marple lên tiếng, hai gò má đỏ ửng lên vì thích thú “Ví dụ như, lúc đó có một người lạ...”
“Thưa dì”, Raymond West vui miệng nói, “tôi không muốn nghe chuyện ở làng quê. Tôi sực nhớ những vụ án và những kẻ bỏ đi mất tích... Mấy chuyện này thì ngài Henry có thể ngồi kể hàng giờ chưa hết”.
“Tôi không bao giờ nói chuyện mua sắm” ngài Henry rụt rè nói “Không, tôi chẳng khi nào nói tới việc mua sắm”.
“Ta còn nhớ trước đây ngài Henry đã từng là cảnh sát ở Scotland Yard”.
“Tôi cho là còn nhiều vụ việc và cả những vụ án, cảnh sát chịu bó tay không tìm ra”. Joyce Lemprière nói.
“Điều đó ta phải công nhận”. Petherick nói.
“Tôi chưa nghĩ ra”. Raymond West lên tiếng “Liệu có một bộ óc tinh tường có thể tìm ra tất cả manh mối? Thường thì ai cũng cho là một thám tử không phải lúc nào sử dụng hết khả năng trí tưởng tượng của mình”.
“Người tầm thường thì họ cho là vậy”. Ngài Henry nói mỉa.
“Ông có cần triệu tập một hội đồng” Joyce vừa nói vừa cười. “Chuyện tưởng tượng và triết lý xin dành cho các nhà văn...”
Nàng khiêm tốn nghiêng người trước mặt Raymond, và thấy anh ta tảng lờ đi.
“Tài viết lách của nhà văn nhìn thấy tận tâm can mỗi người”. Anh ta nghiêm giọng nói “Thấy được cái mà người tầm thường không nhận ra”.
“Tôi biết mà cậu ơi”, bà Marple lên tiếng. “Sách của cậu viết toàn chuyện cao siêu. Cậu có nghĩ là các nhân vật cảm thấy khó chịu khi được hư cấu?”
“Thưa dì”, Raymond dịu giọng xuống, “dì cứ tin đi. Cháu mong là không làm cho họ phải bực mình”.
“Ý dì muốn nói là...” bà Marple nói, vừa nhíu mày nhẩm tính lại mấy mũi đan, “có nhiều người không hẳn là tốt hay xấu cả đâu, chỉ có điều rất là ngớ ngẩn”.
Ông luật sư Petherick lại húng hắng ho.
“Này Raymond”, ông nói, “cậu nghiêng về phần trí tưởng tượng nhiều quá thì phải? Trí tưởng tượng có khi là nguy hại lắm, trong nghề làm luật tôi hiểu rõ điều đó. Phải biết tách ra những chứng cứ phân minh, manh mối nào ra manh mối đó... Tôi cho đó một phương pháp hợp lôgic để tìm ra chân lý. Trong nghề lâu năm mới thấy được phương pháp đó hoàn toàn đúng”.
“Ô hay!” Joyce kêu lên một tiếng, nàng ngả người ra sau, vẻ mặt bực bội. “Tôi dám đánh cuộc với ông một phen này. Không kể tôi là phận đàn bà - tùy ông nghĩ, phụ nữ có bản năng trực giác mà cánh đàn ông thì không. Tôi còn là một nghệ sĩ. Có những việc tôi biết mà ông thì không. Là một nghệ sĩ tôi phải tiếp xúc với nhiều giới, và nhiều loại người khác nhau. Tôi biết nhiều điều mà bà Marple thân yêu đây không hề biết tới”.
“Tôi thì chả biết gì mấy việc đó” bà Marple nói “Tôi chỉ biết chuyện ở trong làng vẫn con nhiều điều trái tai gai mắt”.
“Tôi có thể nói được chứ?” Ngài mục sư Pender vừa nói, miệng nở một nụ cười. “Lúc này mấy ông mục sư thường bị trêu, tôi biết chứ, chúng tôi nghe kể lắm điều, chúng tôi biết cả mặt xấu của con người mà người ngoài thì không hay biết gì”.
“Khá lắm”, Joyce nói, “tôi thấy đây là một cuộc họp mặt khá hoàn chỉnh. Thế thì ta nên lập ra một câu lạc bộ có được không? Ngay hôm nay? Hay là chờ đến thứ ba? Lúc đó ta đặt cho câu lạc bộ cái tên ‘Câu lạc bộ ngày thứ Ba’. Mỗi tuần gặp nhau một lần, theo thứ tự lần lượt mỗi hội viên đề xuất ý kiến. Một vài vụ việc bí ẩn có thể từng người sẽ tìm ra được câu giải đáp. Để tính coi ta có bao nhiêu người? Một, hai, ba, bốn năm. Vậy là sáu cả thảy”.
“Còn thiếu tôi nữa, cưng ơi”. Bà Marple cười hớn hở lên tiếng.
Joyce có phần hơi lúng túng và nàng nhanh trí phớt lờ ngay.
“Thế thì hay biết mấy, bà Marple” Joyce nói “Tôi tưởng đâu bà không thích tham gia”.
“Tôi thấy nó cũng hay hay” bà Marple nói “Nhất là có thêm mấy ông thông minh tài trí thì còn gì bằng, vì ở quanh vùng St. Mary Mead lâu nay nên tôi hiểu rõ về bản chất con người”.
“Được vậy thì chúng tôi mừng lắm”. Ngài Henry lịch sự nói.
“Ai muốn phát biểu trước?” Joyce nói.
“Tôi chắc là có”, ngài mục sư Pender nói “Chúng ta may mắn được gặp gỡ một nhân vật có tiếng tăm như ngài Henry đây”, bỗng ông im lặng, lịch sự nhìn về phía ngài Henry.
Vị khách quý ngồi lặng thinh một hồi. Chợt thở ra, vắt chéo chân lại, nói:
“Tôi thấy khó mà nói ra cho đúng trọng tâm nhưng mà thấy sao tôi kể ra vậy, câu chuyện có phần trùng hợp với nội dung muốn đề cập. Chắc các bạn còn nhớ vụ án báo đã đăng cách nay cả năm. Vụ đó đâu đã phá được, may sao cách đây vài hôm tôi tình cờ nghĩ ra được một phương án giải quyết”.
“Chuyện xảy ra cũng đơn giản. Trên bàn ăn chỉ có ba người, ngoài các món bình thường còn có món tôm hùm đóng hộp. Tối hôm đó, cả ba người thấy đau, vội mời bác sĩ tới. Hai người được chữa khỏi còn người kia chết”.
“Ấy chà!” Raymond kêu lên một tiếng.
“Như tôi đã kể, manh mối chẳng có gì, cái chết là do ăn nhầm ptomaine (chất độc có ở động vật) bác sĩ pháp y xác nhận và nạn nhân được chôn cất tử tế. Nhưng vụ việc chưa dừng ở đó”.
Bà Marple gật đầu.
“Phải có chuyện gì trong bữa ăn, theo tôi nghĩ”, bà nói, “bữa ăn nào cũng vậy”.
“Để tôi kể về các vị khách trong bữa ăn. Tôi cho mời hai vợ chồng ông bà Jones, luôn cả người bạn thân của bà vợ là cô Clark. Ông Jones nguyên là một nhân viên giao dịch cho hãng dược phẩm. Nhìn bề ngoài ông điển trai, cầu kỳ, dù hơi thô lỗ, tuổi đã ngũ tuần. Vợ ông trông có vẻ dân dã hơn, khoảng bốn lăm tuổi. Bà đi cùng với một người bạn là bà Clark, tuổi sáu mươi, mập mạp, da dẻ hồng hào. Nói chung nhìn mọi người không thấy một nét nào đáng lưu ý”.
“Mọi việc diễn ra trong một tình huống thật bất ngờ. Câu chuyện như vầy, đêm trước đó ông Jones ngủ ở khách sạn ở Birmingham. Hôm đó tập giấy thấm mới vừa được thay và người hầu phòng trong lúc rảnh rỗi mới đem tờ giấy thấm soi vô gương chơi, nhằm lúc ông Jones vừa mới viết thư. Qua mấy bữa sau trên báo đăng tin bà Jones chết do ngộ độc thức ăn tôm hùm đóng hộp, người hầu phòng mới đem kể lại cho đồng nghiệp nghe, nội dung đọc được mấy dòng chữ in trên tờ giấy thấm. Có đoạn thế này: Cái đó để hỏi lại vợ tôi... nếu bà ấy chết thì tôi... có cả hàng trăm hàng ngàn...
“Các bạn còn nhớ cách đây không lâu xảy ra một vụ chồng đầu độc vợ. Chẳng có gì lạ khi trí tưởng tượng của mấy người hầu được khơi dậy. Ông Jones lập mưu muốn giết vợ để chiếm đoạt mức tài sản lên tới hàng trăm ngàn bảng Anh. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên trong số bạn bè người hầu khách sạn lại đang sống tại vùng thị trấn gần nhà ông bà Jones. Cô ta viết thư cho bạn và rồi nhận được thư trả lời, cho hay ông Jones đang để ý cô con gái ông bác sĩ trong làng, cô nàng trẻ đẹp, ba mươi ba tuổi. Mọi việc ầm ĩ cả lên, đến nỗi ông Bộ trưởng bộ Nội vụ phải can thiệp. Thư nặc danh gởi tới sở mật thám Scotland Yard tố cáo ông Jones giết vợ. Câu chuyện đồn đại khắp làng. Để trấn an dư luận, một cuộc khai quật được tiến hành. Theo tin đồn thì không có bằng chứng xác đáng, tuy vậy cần phải đưa ra bằng chứng cụ thể. Y như rằng, sau cuộc giải phẫu tử thi khám nghiệm nạn nhân bị trúng độc thạch tín. Sở mật thám Scotland Yard cùng với chính quyền địa phương đang truy tìm thủ phạm vụ đầu độc chất thạch tín”.
“Chà!” Joyce nói “Vụ này coi vậy mà đáng cho ta lưu ý”.
“Mọi giả thiết đổ dồn về phía người chồng, người được thừa hưởng món tiền kếch xù. Không phải số tiền lên tới hàng trăm ngàn như cô hầu phòng tưởng tượng, thực sự chỉ khoảng từ 8000 đồng bảng Anh. Trong túi ông ta chỉ vừa đủ tiền xài, ngoài ra không có của cải gì khác, hay thích tiêu pha và ham thích của lạ. Chúng tôi đã cho điều tra kỹ chuyện lui tới giữa ông và cô nàng con gái ông bác sĩ trong vùng mới hay là hai bên tuy có gắn bó với nhau một thời gian nhưng cách đây hai tháng bỗng cắt đứt quan hệ. Ông bác sĩ đã có tuổi sống vô tư, nhàn nhã, hay tin cuộc khám nghiệm tử thi khiến ông sững sờ. Tối hôm đó ông tới nơi khám cho ba người đang rên rỉ, thấy bà Jones là nặng nhất nên sai người lại hiệu thuốc mua mấy viên thuốc giảm đau nha phiến. Dù đã đến cứu chữa tận tình nhưng nạn nhân vẫn không qua khỏi; chính ông cũng không nghi vấn có việc gì không ổn. Ông chẩn đoán nạn nhân chết do ngộ độc thức ăn. Bữa ăn tối hôm đó dọn ra bàn có món tôm hùm đóng hộp, rau cải, món bánh ngọt, bánh mì và phó mát. Điều không may là trên bàn không còn sót một chút nào món tôm hùm... mọi người ăn hết, lon hộp thì vứt đi. Ông cho mời Gladys Linch, hầu phòng ra thẩm vấn. Trông cô nàng có vẻ bối rối, run sợ và xúc động, lúc này khó mà kể lại cho chính xác, cô quả quyết nhìn thấy hộp đồ ăn còn nguyên nắp không căng phồng, món tôm hùm rất ngon miệng.
“Ta đã có được manh mối. Nếu ông Jones có ý đầu độc vợ thì cớ gì phải làm hại luôn cả ba người trong bữa ăn. Hơn nữa, còn một điểm, ông Jones vừa từ Birmingham trở về nhà thì bữa ăn đã dọn sẵn ra bàn, làm sao có thể nghi cho ông bỏ thuốc độc vô món ăn trước đó được”.
“Thế còn người bạn của bà ấy thì sao?” Joyce hỏi. “Cái bà mập ú có gương mặt ngộ nghĩnh đó”.
Ngài Henry gật đầu.
“Ta không nên bỏ qua manh mối cô Clark, tôi xin nhắc lại. Nhưng thử hỏi việc gì bà ta nhúng tay vô chuyện đó. Bà Jones không để lại cho bà ta một món tài sản nào hết, sau khi bạn mình chết đi bà ta phải đi chỗ khác”.
“Vậy ta có thể gác qua một bên”. Joyce ngẫm nghĩ nói.
“Ta hãy chờ xem có ông thanh tra mật thám đưa ra manh mối xác đáng”. Ngài Henry tiếp tục câu chuyện. “Sau bữa ăn ông Jones trở xuống bếp nhờ nấu một tí cháo ngô, ông nghe bà vợ nói thấy trong người khó chịu. Ông chờ Gladys Linch nấu xong bưng lên phòng vợ”.
Ông luật sư gật đầu.
“Manh mối khác là...” Ông nói, nhẩm tính trên đầu mấy ngón tay, “... thời cơ. Ông ta là nhân viên tiếp thị cho hãng dược phẩm có kinh doanh thuốc độc”.
“Gã là một tay dễ sa ngã”. Ngài mục sư nói chêm vô.
Raymond West chăm chú nhìn qua ngài Henry.
“Còn một điểm ta chưa phát hiện” anh nói “Sao ngài không ra lệnh bắt giữ thủ phạm?”
Ngài Henry cười mỉa.
“Đấy là một phần kẽ hở trong vụ án. Khi mọi việc tưởng chừng êm xuôi, đùng cái nửa chừng phải dừng lại. Jones không thể bị bắt giữ vì sau cuộc thẩm vấn cô Clark khai ra hôm đó cô ta đã ăn hết tô cháo ngô chứ không phải bà Jones”.
“Quả thực, như mọi bữa bà ta vẫn vô ra phòng bà Jones, tô cháo thì để gần chỗ bà ngồi trên giường”.
“Tôi thấy trong người hơi khó chịu, Milly. Cũng chỉ tại tôi mà ra, ham ăn món tôm hùm buổi tối. Tôi nhờ Albert chạy đi nấu tô cháo ngô, nhưng mà sao tôi thấy nuốt không vô”.
“Tội nghiệp chưa” cô Clark lên tiếng. “Cháo nấu ngon. Gladys thật khéo tay. Bọn trẻ ngày nay ít có đứa nào biết nấu cháo ngô ăn cho vừa miệng. Nói thiệt đang đói bụng tôi cũng thích ăn một tô cháo”.
“Ủa sao chị nói gì lạ vậy?” Bà Jones hỏi.
“Tôi phải nói cho rõ hơn”. Ngài Henry cắt ngang “Cô Clark sợ mập, đang ăn kiêng”.
“Không nên, Milly, nó không tốt cho chị đâu” bà Jones nhắc, “Nhưng nếu Thượng đế tạo ra chị mập thì chị phải mập. Chị cứ ăn hết tô cháo, chẳng lên ký nào đâu”.
“Tức thì cô Clark bưng tô cháo húp hết một hơi. Vậy là rõ quy tội cho người chồng là sai”. Khi được hỏi mấy dòng chữ in trên tờ giấy thấm, ông Jones nói ra ngay. Đó là khi ông vừa viết trả lời cho ông anh ở bên Úc xin tiền, trong thư ông kể ông sống nhờ bên vợ. Khi nào vợ chết thì ông mới nắm được tiền trong tay, lúc đó mới có thể giúp đỡ anh em. Tiếc là lúc này chưa giúp gì được, trên đời này còn có hàng trăm ngàn người cùng một cảnh ngộ khó khăn”.
“Tức là vụ án coi như bế tắc”. Ông mục sư Pender nói.
“Vụ án đành để vậy”. Ngài Henry nghiêm giọng nói “Chúng tôi không có cơ sở để bắt giữ ông Jones vì thiếu bằng chứng”.
Cả gian phòng lặng lẽ một lúc chợt Joyce lên tiếng. “Thế là hết, phải vậy không?”
“Một vụ án điển hình trong năm rồi, sở mật thám Scotland Yard đang nắm giữ bí mật vụ án, đợi mấy hôm nữa coi báo thì biết”.
“Bí mật vụ án”, Joyce ngẫm nghĩ nói “Chưa biết sao. Ta hãy dành năm phút động não tìm câu giải đáp”.
Raymond West gật, đưa tay chỉnh kim đồng hồ. Vừa hết năm phút anh nhìn qua ông mục sư Pender.
“Ngài muốn phát biểu trước à?” Anh nói.
Ông Pender lắc đầu. “Thú thật”, ông nói “tôi đang còn bối rối. Theo tôi nghĩ thì người chồng chính là thủ phạm nhưng trường hợp phạm tội ra sao tôi chưa thể nghĩ ra được. Theo tôi thì có thể ông đã cho thuốc độc vô đồ ăn mà ta chưa thể làm sao chứng minh được việc đó”.
“Joyce nghĩ sao?”
“Tôi cho là người bạn thân” Joyce nhất quyết “Đích thị là người bạn của bà ấy. Làm sao ta có thể biết động cơ nào cô ta phải ra tay? Cô ta yêu chồng của bạn mình nhưng ông ta không đáp lại, thứ nhất cô ta đã có tuổi, người mập mạp xấu xí thì làm sao ông Jones yêu được. Cô ta có lý do để chán ghét bà chủ - trong vai người bạn - lúc nào cũng phải vui vẻ, phải biết nhịn nhục. Cho đến một bữa chịu không nổi cô ta quay ra giết bà chủ. Chuyện cô ta bỏ thạch tín vô tô cháo ngô là có thật, còn chuyện cô ta ăn hết tô cháo là chuyện láo”.
“Ông Petherick nghĩ sao?”
Ông luật sư chúm mấy đầu ngón tay lại theo kiểu nhà nghề. “Tôi thấy khó nói quá. Có nhiều duyên cớ tôi thấy khó nói ra”.
“Xin ông cứ tự nhiên, ông Petherick”, Joyce nói, “ông đừng nên giữ kẽ mà nói ‘sợ tổn hại’, theo luật mà nói. Ông phải tham gia ý kiến”.
“Thật ra thì...” Ông Petheriek lên tiếng. “Tôi thấy không có gì đáng nói, vì đã có rất nhiều vụ trong đó người chồng là thủ phạm. Có một cách giải thích, nhiều chứng cứ cho thấy bà Clark góp phần che đậy cho ông chồng. Vì có thể cả hai bên đã bàn tính đến chuyện tiền nong. Ông thì biết rõ mình là nghi can số một, về phía bà ta trước sau gì cũng là một kẻ nghèo túng nên đã rắp tâm bịa ra chuyện húp hết phần tô cháo ngô. Đổi lại bà ta sẽ được một món tiền hậu hĩ. Nếu trình tự diễn ra theo đúng bài bản thì phải nói đây là một vụ án khác thường. Rất là khác thường”.
“Tôi không cho là vậy đâu”, Raymond nói “Ông đã quên mất một manh mối quan trọng trong vụ này. Người con gái ông bác sĩ. Tôi sẽ giả thiết như sau: Cái hộp tôm hùm đã hư, như vậy là ăn vô có thể bị trúng độc. Ông bác sĩ được mời tới. Lúc này bà Jones bị nặng nhất - bà ăn nhiều tôm hơn hai người kia - và theo lời ông kể lại, thầy thuốc sai người về lấy mấy viên thuốc giảm đau. Nên nhớ là ông nhờ người khác đi lấy thuốc. Ai đứng ra giao thuốc cho người kia? Phải là con gái ông, tức là nàng thay mặt ông phát thuốc cho bệnh nhân. Cô nàng đang yêu ông Jones. Nhân lúc này, vì tình mà tâm trí nàng mụ đi, chỉ còn nghĩ tới chuyện ông muốn được tự do với nàng vì thế nàng quyết định ra tay. Nàng mới giao cho người kia mấy viên thạch tín nguyên chất. Đấy là cách giải thích của riêng tôi”.
“Đến lượt ngài Henry cho biết ý kiến”. Joyce thúc giục.
“Để tôi nghĩ lại”, Henry nói “Còn bà Marple chưa thấy nói gì hết”.
Bà Marple buồn bã lắc đầu.
“Ối giời ơi”, bà kêu lên. “Tôi lỗi mất một mũi đan, mà để tai nghe kể chuyện. Một câu chuyện thương tâm, thật đáng thương tâm. Nghe rồi tôi mới nhớ lại câu chuyện lão Hargraves ở vùng Mount. Vợ ông không hề hồ nghi... cho đến lúc ông chết để lại tất cả tiền bạc cho người đàn bà ông đã ăn ở với nhau có năm mặt con. Trước kia nàng là người giúp việc trong nhà. Con bé thật dễ thương - bà Hargraves vẫn thường nhắc - cô ta làm việc hàng ngày, trừ ngày thứ Sáu được nghỉ. Thế rồi lão Hargraves đem con bé gởi cho người quen ở làng kế cận xin được một chân làm người quyên tiền cho nhà thờ vào mỗi ngày lễ Chủ nhật”.
Thưa dì Jane”, Raymond có vẻ bồn chồn nói “Vậy chuyện ông Hargraves chết thì có dính dáng gì tới vụ này?
“Nghe chuyện này tôi chợt nhớ lại ông ta ngay” Bà Marple nói “Manh mối thì cũng như nhau, phải vậy không? Tôi thấy để cho cô gái ra khai hết chắc là có manh mối, ngài Henry”.
“Có cô gái nào?” Raymond hỏi lại. “Thưa, dì vừa mới nói gì vậy?”
“Cái cô giúp việc đáng thương kia, Gladys Linch đó mà - vừa nghe ông bác sĩ phán một câu là nó đã run sợ khiếp vía... hay không chừng là nó, của đáng tội. Ta muốn thấy lão Jones bị treo cổ. Còn con bé chính là thủ phạm, cũng nên xử tội treo cổ”.
“Tôi e là, thưa bà Marple, trong vụ này bà có phần ngộ nhận”. Ông luật sư Petherick góp lời.
Bà Marple lắc đầu cứ nhất quyết là mình nghĩ đúng, bà nhìn qua ngài Henry.
“Tôi nói đúng chứ, phải không? Tôi thấy chuyện rõ như ban ngày. Trên giấy còn ghi lại... ‘có cả hàng trăm ngàn... và món bánh ngọt...’ chi tiết này không thể bỏ qua”.
“Món bánh ngọt và dòng chữ viết hàng trăm ngàn, nghĩa là thế nào?” Raymond thốt lên.
Bà dì quay qua nhìn.
“Mấy bà nấu bếp như mọi khi bỏ thêm cả trăm thứ vô món bánh, cháu hiểu chưa?” Bà nói “Mấy cái thứ đường cát đủ màu hồng hồng trăng trắng. Tất nhiên khi nghe nhắc chuyện dọn món bánh ngọt ra trên bàn và khi nghe kể chuyện ông chồng viết thư có nhắc mấy chữ... ‘có cả hàng trăm ngàn...’ khiến ta liên tưởng đến hai việc đó là một. Và đây cái món chất độc thạch tín... có cả hàng trăm ngàn hạt li ti. Ông để lại đó cho con sen dặn nhớ thêm vô trong món bánh ngọt”.
“Chuyện nghe thật phi lý”, Joyce nhanh miệng nói “Vì mọi người cùng ăn món bánh ngọt”.
“Ôi, không”, bà Marple nói, “cô bạn đang ăn kiêng, em nhớ cho. Một khi cô đang kiêng ăn thì không nên ăn đồ ngọt, và giả sử Jones lấy muỗng cạo lớp màu rải trên mặt phần bánh rồi để qua một bên, làm vậy thì được thôi, nhưng mà cũng không ổn lắm”.
Mọi cặp mắt đổ dồn về phía ngài Henry.
“Tôi thấy vụ này lạ lắm”. Ông chậm rãi nói “Bà Marple vừa nghĩ ra một chuyện có thật. Lão Jones đã đưa Gladys Linch vô tròng như nhân gian thường nói. Cô nàng gần như tuyệt vọng. Lão cầu cho vợ chết để lấy Gladys như đã ước nguyện trước với cô nàng. Lão bịa ra mấy chữ ‘có cả trăm ngàn’ lưu lại để cho cô nàng đem ra kể lại cho mọi người nghe nên sử dụng như thế nào. Gladys Linch đã chết cách nay một tuần lễ. Con cô ta mới sinh ra đã chết, lão Jones bỏ theo một cô khác. Lúc sắp chết cô nàng muốn thú tội”.
Mọi người ngồi lặng thinh một lúc, chợt nghe Raymond lên tiếng:
“Vậy là, thưa dì Jane, việc này giống như điều dì đoán. Không hiểu sao dì lại nghĩ ra được một câu chuyện có thật như vậy được. Tôi thì không dám cho là một người giúp việc lo việc nấu ăn lại dính dáng vô mấy việc này”.
“Làm gì có”, bà Marple nói, “cháu chưa hiểu đời bằng ta. Một người như lão Jones - thô lỗ nhưng mà vui tính - khi dì được nghe trong nhà có con hầu xinh đẹp thì dì biết ngay lão chủ chẳng để cho nó yên thân đâu. Phải nói đấy là một câu chuyện đau thương chớ không hay ho gì mà kể ra. Bà Hargraves cũng sốc một thời gian dài và đấy cũng là câu chuyện bị đàm tiếu một thời trong làng”.