VÕ TẮC THIÊN
- 2 -
Chú dê đuôi to

    
ể Võ Tắc Thiên trở thành đàn ông, chính là người đàn ông của bà - Đường Cao Tông Lý Trị.
Sử liệu chứng minh, Đường Thái Tông Lý Thế Dân luôn không an tâm với Lý Trị - bảo bối của mình. Năm Trinh Quán thứ mười bảy (năm 644). Thái Tông tiếp kiến quần thần ở điện Lưỡng Nghi, đã hỏi trước mặt Lý Trị: Phẩm hạnh của thái tử, thiên hạ đều biết cả chứ? Trưởng Tôn Vô Kỵ trả lời: Tuy thái tử chưa xuất cung, nhưng người thiên hạ không ai là không ngưỡng vọng thánh đức. Thái Tông lại xúc động nói, trăm họ đều nghĩ thế này: “Sinh con như sói, còn sợ là dê”, Trị nhi ngay từ bé đã rất khoan hậu! Trưởng Tôn Vộ Kỵ lại nói: Bệ hạ kiêu dũng, là vua sáng nghiệp; thái tử nhân từ, đủ đức để giữ. Tính cách của bệ hạ và thái tử có khác nhau, đó chính là trời ban, là phúc của lê dân!
Về mặt lý luận, lời nói của Trưởng Tôn Vô Kỵ là rất hay. Có thể nhanh chóng lấy được thiên hạ, nhưng không thể trị được thiên hạ. Vua mở nước phải là hổ, vua giữ thành có thể là dê. Điều mà Trưởng Tôn Vô Kỵ không nghĩ tới, dê không chỉ có ăn cỏ. Nếu là hoàng đế, cũng ăn thịt người. Lý Thế Dân lo lắng không phải là không có lý. Có điều, Lý Thế Dân cũng không ngờ, Lý Trị không chỉ nhu nhược, mà còn “hiếu nội”, thích nghe lời đàn bà.
Tất cả đều cho Võ Tắc Thiên cơ hội rất tốt.
Lý Thế Dân quan tâm đặc biệt việc giáo dục Lý Trị. Nhìn Lý Trị ăn cơm, liền nói: Ngươi phải biết người làm ruộng vất vả, mới có cơm ăn. Nhìn thấy Lý Trị cưỡi ngựa liền nói: Nếu hắn biết không để ngựa quá mệt, thì mới có ngựa để cưỡi. Thấy Lý Trị ngồi trên thuyền, liền nói: Nước có thể nâng thuyền, cũng có thể dìm thuyền. Dân là nước, vua là thuyền. Thấy Lý Trị đứng dưới gốc cây, liền nói: Cây có dây buộc mới thẳng, nguyên thủ biết nghe ý kiến mới thánh minh. Có thể coi là sự chăm sóc vất vả. Lý Thế Dân còn viết cuốn “Đế phạm” mong dạy Lý Trị làm hoàng đế như thế nào.
Lý Trị biểu hiện cũng không tồi. Vừa lên làm hoàng đế, đã rất chăm chỉ. Một hôm Lý Trị đi săn, đúng lúc trời mưa. Lý Trị hỏi gián nghị đại phu Cốc Na Luật: Phải làm gì để áo mưa không thấm nước? Cốc Na Luật trả lời: Làm bằng ngói thì hết thấm. Lý Trị vỡ ra, hiểu đó là khuyên không nên mải mê săn bắn, bỏ bễ việc triều chính, Lý Trị rất vui, đã thưởng cho Cốc Na Luật. Đối với số người không đáng thưởng, Lý Trị không hề nể mặt, có thể nói là thưởng phạt phân minh. Người chú là Đằng vương Lý Nguyên Anh và anh là Tưởng vương Lý Vận thường cướp của dân, đã nhắc mấy lần mà không sửa. Lúc ban thưởng các vương, Lý Trị loại hai người đó ra, nói: Đằng thúc và Tưởng huynh đã biết kiếm tiền, không phải thưởng. Rồi cho họ hai xe dây gai, hãy lấy dây để xâu tiền. Hai vị đó xấu hổ đến đỏ mặt tía tai, không biết trốn đi đâu. Rõ ràng, Lý Trị không hôn dung, cũng không xuẩn.
Nhưng tâm bệnh của Lý Trị lại rất nặng.
Lý Trị vừa lên ngôi, đã gặp phải ba vấn đề khó khăn: 1. Làm gì để thoát khỏi ám ảnh của tiên đế. 2. Làm gì để không bị quần thần khống chế. 3. Làm gì để khắc phục những nhược điểm trong tính cách. Lý Trị phải suy nghĩ rất nhiều về ba vấn đề này. Mọi việc làm sau này đều xuất phát từ ba vấn đề trên.
Trong con mắt mọi người, Lý Trị thực may mắn khi nhận được cơ nghiệp từ tay Đường Thái Tông. Trinh Quán yên bình, thành tựu nổi bật, vua nhân thần trung, dân giàu nước mạnh. Lý Thế Dân vị minh chủ anh hùng cái thế, mọi việc đã thiết kế xong, suy nghĩ xong, sắp xếp xong, Lý Trị chỉ còn ngồi mà hưởng. Nhưng, sáng nghiệp khó, giữ nghiệp càng khó. Chỉ riêng Lý Trị mới hiểu được nỗi khổ của mình: Làm tốt là phúc trạch của tiên đế, làm không tốt là mình vô năng. Phụ hoàng thành công mỹ mãn, Lý Trị không sao thoát khỏi cái bóng của tiên đế.
Quân thần cũng là một mối phiền hà. Họ theo chân tiên đế nhiều năm, công lao cái thế, mưu lược hơn người, họ đến phò tá mình, nhưng ai biết được, họ đang suy nghĩ những gì? Dù là không mưu phản, nhưng họ luôn coi mình là trẻ con, thật đáng giận. Lý Trị thấy rõ, thậr khó chiều chuộng mấy ông già này.
Ngay như Trưởng Tôn Vô Kỵ, tên là Vô Kỵ, nhưng không hề kỵ bất cứ một thứ gì. Vì Lý Trị nhân từ yếu đuối, sợ khó giữ được xã tắc, Đường Thái Tông định lập Ngô vương Lý Khắc anh võ quả đoán làm thái tử, liền bị Trưởng Tôn Vô Kỵ kiên quyết phản đối. Vì Lý Khắc không phải là con của em gái ông ta - Trưởng Tôn hoàng hậu. Dương phi - mẹ đẻ của Lý Khắc là con gái Tuỳ Dạng đế. Kết quả, Lý Khắc không chỉ không là thái tử, mà còn bị Vô Kỵ mưu sát sau lúc Lý Trị đăng cơ, bằng biện pháp vu cáo mưu phản, cũng là biện pháp sau này Võ Tắc Thiên đối phó với Vô Kỵ. Lúc sắp chết, Lý Khắc đã lớn tiếng mắng chửi: Trưởng Tôn Vô Kỵ thao túng quyền uy, hãm hại trung lương, tổ tiên có linh, chẳng bao lâu nữa người sẽ bị diệt tộc. Sử gia cũng cho rằng, Trưởng Tôn Vô Kỵ vu cáo người mưu phản, về sau bị người vu cáo lại, được coi là báo ứng(1).
Cứ coi như bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ là vô kỵ, thì Lý Trị vẫn là hữu kỵ. Lý Thế Dân từng nghi kỵ Lý Thế Tích, nhưng vì sao Lý Trị lại không nghi kỵ Trưởng Tôn Vô Kỵ? Nền chính trị chuyên chế, kỵ nhất là quyền thần công cao hơn chủ, đuổi to khó đứt. Không giết được lũ dê đuôi to thì đêm đêm không sao chợp được mắt. Thế nào cũng phải giết một con dê trong đàn dê, con nào đuôi to thì phải giết. Có điều Lý Trị luôn không nỡ? Chính Lý Trị cũng không nghĩ, mình sẽ trở thành con dê con đầu đàn, tính cách hướng nội, luôn luôn lo sợ, chỉ cần nhìn thấy ánh mắt trừng trừng như sói của lũ Trưởng Tôn Vô Kỵ đã thấy lo ngại sợ sệt. Bọn chúng dám đụng đầu cả với Thái Tông hoàng đế, liệu còn gì khiến chúng không dám.
Cần có người để Lý Trị thổ lộ nỗi niềm và cũng cần có người giúp Lý Trị thoát khỏi hoàn cảnh ấy. Nhưng, có thể trò chuyện với ai đây? Lũ hậu phi chỉ biết tranh giành xâu xé, bọn triều thần thì lo âm mưu tính kế. Vị hoàng đế trẻ tuổi luôn cảm thấy cô độc, cám thay ở cao nên lạnh.
Đúng lúc đó, Thượng đế đã phái Võ Tắc Thiên tới.
Lý Trị và Võ Tắc Thiên mới gặp đã đem lòng yêu thương. Lúc hai người dan díu vụng trộm, có thể chỉ là sự rung động nhất thời. Nhưng rất nhanh, Lý Trị đã phát hiện người đàn bà hơn mình bốn tuổi này đúng là có khí chất và ma lực đặc biệt, giá có cầu cũng chẳng được. Một chàng trai, lòng dạ luôn e ngại lo sợ giống như Lý Trị, rất thích những người đàn bà lớn tuổi hơn, kiểu như mẹ như chị gái; còn những người có khí chất đặc biệt của nam tử hán, lại rất thích người ít tuổi hơn mình, kiểu như con, như em gái. Huống chi Lý Trị còn kinh ngạc phát hiện thấy trên người đàn bà đó có những cái mà mình không có. Võ Tắc Thiên trầm tĩnh, mưu sâu nghĩ xa, nhạy cảm quyết đoán, tinh lực dồi dào, ngược hẳn với tính cách của mình: Đa sầu đa cảm, nhu nhược tuỳ tiện, do dự quả đoán. Lý Trị như được cổ vũ rất nhiều từ những phát hiện của mình. Lý Trị quyết tâm chung sống với người đàn bà này, mong có thể giải quyết được những khó khăn trước mắt. Vì vậy, bằng mọi giá, Lý Trị phải đưa người đàn bà đó lên ngôi hoàng hậu. Đó là điều mà bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ không sao hiểu được. Bởi sức tưởng tượng của họ có giới hạn, không thoát khỏi cái vòng luẩn quân là háo săc hoặc sợ vợ. Họ càng không hiểu trong lòng vị hoàng đế trẻ tuổi đang suy nghĩ những gì.
Lý Trị kỳ vọng ở Võ Tăc Thiên rất nhiều điều và cũng là những điều Võ Tắc Thiên đang muốn làm.
Cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa rõ được, hứng thú chính trị và tài năng chính trị của Võ Tắc Thiên là từ đâu mà có? Khác hẳn với những người đàn bà bình thường khác, Võ Tắc Thiên có tiềm năng và sự nhạy bén trời sinh về mặt chính trị, thêm vào đó là trực giác của người đàn bà, nên khi nói về chính trị, Võ Tắc Thiên như có thêm nanh thêm vuốt so với người chồng Lý Trị. Võ Tắc Thiên biết, việc gì nên làm việc gì chưa nên làm, việc gì cần làm trước, việc gì để lại sau, chính nhờ vào cách làm việc ổn định, có trước có sau, Võ Tắc Thiên đã từng bước lên tới đỉnh cao.
Sau khi là hoàng hậu, ngoài việc cấp bách cần làm là phế trừ thái tử Lý Trung, lập thái tử khác là Lý Hoàng - con đẻ của mình, Võ Tắc Thiên còn phải xây dựng một hệ thống tổ chức của riêng mình. Võ Tắc Thiên và Lý Trị có chung nhận thức về những việc này, thậm chí Lý Trị còn đau xót hơn Võ Tắc Thiên: Lý Trị đã nếm mùi chống đối mỗi khi các nguyên lão liên hợp lại. Nếu các nguyên lão trọng thần động một tí là liên hợp lại với nhau để chống đối mình, thì ngôi vị hoàng đế của mình còn có ý nghĩa gì? Vì vậy khi Võ Tắc Thiên đề xuất nên trọng thưởng và đề bạt số người ủng hộ mình làm hoàng hậu, Lý Trị không hề suy nghĩ đã đồng ý luôn.
Sự thực thì, Lý Trị cũng rất cảm kích đối với số người này. Còn nhớ rất rõ, lúc Lý Trị đề xuất, cần phế Vương hoàng hậu, lập Võ Tắc Thiên, về cơ bản các triều thần đều nghiêng về một phía. Ngoài số ít người không nói năng gì, đa phần đều đứng về phía bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ và từng người từng người đều phẫn kích, xúc động, tưởng như Lý Trị đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Cứ nghĩ tới chuyện đó là cảm thấy lạnh gáy. Vậy, giang sơn Đại Đường là của Lý Trị hay của bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ đây? May sao đã có Hứa Kính Tông, Lý Nghĩa Phủ bước ra nói chuyện. Người thứ nhất là Lý Nghĩa Phủ công khai lên tiếng ủng hộ Lý Trị, Hứa Kính Tông đứng giữa triều đường, tạo dư luận giúp Lý Trị. Điều đó khiến Lỵ Trị cảm thấy được an ủi rất nhiều, giống như đấu sĩ tác chiến đơn độc gặp được hiệp khách vung gươm hỗ trợ, giống như người độc hành đi trong đêm, tận nơi hoang vu vắng lặng, nhìn thấy một đốm lửa từ xa.
Điều mà con người trân trọng nhất, là sự giúp đỡ khi người ta đang bị cô lập, dù đó là sự giúp đỡ ít ỏi, dù đó là sự giúp đỡ của một thiểu số thấp hèn. Không, chính vì số người giúp đỡ ít ỏi, thấp hèn như vậy, nên sự giúp đỡ đó mới càng được trân trọng. Trong thâm tâm Lý Trị rất tán thành việc Võ Tắc Thiên trọng thưởng và trọng dụng mấy người đó. Không thưởng cho những người như vậy thì thưởng ai? Không dùng những người như vậy thì dùng ai? Cần phải đề bạt những con người như vậy, để họ đấu tranh với tập đoàn nguyên lão và Trưởng Tôn Vô Kỵ.
Lý Trị suy nghĩ như vậy là rất tự nhiên. Đương nhiên, Lý Trị sẽ không nghĩ rằng: số người này thuộc đội ngũ của mình, hay là người bên Võ Tắc Thiên? Đương nhiên, Lý Trị cũng không nghĩ, họ ủng hộ mình vì chính nghĩa, công lý, nguyên tắc hay vì sự trung thành tuyệt đối trước quân vương, mà họ hoàn toàn vì lợi ích cá nhân, và trước đó, họ đã phải suy nghĩ tính toán dốc túi nhiều, cuối cùng mới quyết định chơi một canh bạc, bạc được đặt trên người Võ Tắc Thiên - một minh tinh chính trị đang lên.
Ít ra thì Lý Nghĩa Phủ là vậy. Vì Lý Nghĩa Phủ là tiểu nhân.
Trên chính đàn thời đó, danh tiếng Lý Nghĩa Phủ rất xấu. Y biệt hiệu là “Lý Miêu”, ví với loài mèo, bề ngoài thì dịu dàng, lòng dạ lại ác độc, miệng nam mô bụng một bồ dao găm. Một người xấu xa như vậy, còn là người chống lại tập đoàn (chỗ dựa của Lý Nghĩa Phủ là Lưu Ký, Ký là phe đảng của Nguỵ vương Lý Thái, là kẻ thù sống chết của Trưởng Tôn Vô Kỵ và Chử Toại Lương, sau này đã bị Chử Toại Lương hãm hại). Đương nhiên, Trưởng Tôn Vô Kỵ cũng không dung, đã tìm cách giáng chức và đẩy Lý Nghĩa Phủ ra xa. Lý Nghĩa Phủ hốt hoảng, liền hỏi kế Vương Đức Kiệm. Kiệm nói, lúc này chỉ có một người cứu được ngươi. Lý Nghĩa Phủ vội hỏi đó là ai? Đáp là Võ Chiêu Nghi. Lý Nghĩa Phủ lúc đầu nói: E không được! Từ lâu hoàng thượng đã muốn lập Võ Chiêu Nghi làm hậu, nhưng mãi có xong đâu. Võ Chiêu Nghi lo việc của mình còn chưa xong, lo sao được việc người khác? Vương Đức Kiệm bật cười: Bảo ngươi thông minh cả một đời, sao lại hồ đồ trong một lúc. Việc của Võ Chiêu Nghi chưa thành vì chưa có người ủng hộ. Nếu có sự ủng hộ của người thì khác gì trong tuyết có lửa? Việc của Chiêu Nghi là việc của hoàng đế. Ngươi giúp hoàng đế thì lo gì không được hưởng lộc?
Lúc này Lý Nghĩa Phủ trở thành người “anh hùng” đầu tiên ủng hộ việc phế Vương lập Võ và cũng là người được hưởng ân huệ sớm nhất.
Từ đó, Lý Nghĩa Phủ lên cao, thăng tiến như diều gặp gió, trở thành nhân vật có tiếng tăm trên chính đàn. Có điều, là chó thì nhất thiết phải ăn phân. Sau khi tham chính, Lý Nghĩa Phủ chỉ làm một việc là việc bán quan. “Cựu Đường thư” nói, Lý Nghĩa Phủ “chuyên nghề bán quan”. Vì lòng tham vô độ, Lý Nghĩa Phủ đã nhận cả tiền hối lộ của cháu Trưởng Tôn Vô Kỵ, để bán cho hắn chức quan ty luật giám. Lý Nghĩa Phủ còn làm chuyện xấu khác. Ở Lạc Dương có nữ phạm nhân rất xinh đẹp, Lý Nghĩa Phủ lệnh cho thẩm phán quan Tất Chính Nghĩa phóng thích, sau đó đã chiếm lấy nàng. Sau khi âm mưu bại lộ, lại bức Tất Chính Nghĩa phải tự sát ở trong ngục. Cuối cùng, do làm nhiều điều ác, tội lỗi chồng chất, dân tình oán thán, lại thêm tính tiểu nhân đắc chí, ỷ thế hiếp người, ngay cả hoàng thượng hắn cũng chẳng coi ra gì, khiến trời tức dân oán, cuối cùng đã bị giam vào ngục, năm Long Sóc thứ ba (năm 663) đến Càn Phong năm đầu (năm 666), đã chết trên đường đi lưu đầy. Sau khi hắn chết, cả triều đã vỗ tay mừng vui hể hả.
Hứa Kính Tông lại không quá xấu xa, cũng không phải loại bất học vô thuật. Lúc Đường Thái Tông Lý Thế Dân còn là Tần vương, Hứa Kính Tông đã vào văn học quán, cùng với Đỗ Như Hối, Phòng Huyền Linh, Khổng Dĩnh Đạt, Ngu Thế Nam là mười tám học sĩ, là những cố vấn chính trị của Lý Thế Dân. Hứa Kính Tông học thức uyên bác, văn thái xuất chúng, là tác giả, từng tu sửa “Ngũ Đại sử”, “Tấn thư”, là nhà sử học. Có điều, về nhân phẩm, đức hạnh đều chẳng ra sao. Cha Hứa Kính Tông bị hại lúc binh biến ở Giang Đô cuối thời Tuỳ, Hứa Kính Tông tham sống sợ chết, nên không dám đến cứu. Phong Đức Di đem chuyện nói ra ngoài, Hứa Kính Tông căm hận Phong Đức Di, khi viết tiểu sử cho Phong Đức Di, đã thêm mắm thêm muối, “gán cho Phong nhiều tội ác”. Những người khác đưa lễ hối lộ, Hứa Kính Tông đã không tiếc lời tâng bốc tô vẽ. Học vấn cao như vậy, nhưng thực sự đạo đức lại rất kém.
Có điều, lúc này thì Võ Tắc Thiên và Lý Trị chưa thể nghĩ nhiều về đạo đức. Với họ, thì việc xây dựng đội ngũ, tập kết nhân lực là quan trọng nhất, bất kể đó là quân tử, là tiểu nhân.
Bọn Lý Nghĩa Phủ đắc thế hơn hẳn bọn Chử Toại Lương đang bị giáng chức. Mọi người bắt đầu hiểu rõ, đắc tội với Võ Tắc Thiên cũng là đắc tội với hoàng thượng, thậm chí còn tệ hại hơn. Ngược lại, dựa vào Võ Tắc Thiên, là đứng về phía hoàng thượng, nhất định sẽ được thăng quan tiến tước. Thế là, số người trước đây còn bàng quan do dự, nay đã nhận rõ tình thế, số hàn môn nhân sĩ, sô quan lại hàng dưới từng bị bài xích áp chế nay đã có hy vọng, số tiểu nhân vốn chỉ biết mượn gió bẻ măng, nay đã có cơ hội vươn lên. Dưới lá cờ của Võ Tắc Thiên, bắt đầu tập kết nhân sự, đội ngũ của bà đã lớn mạnh.
Nhưng cũng từ đó, bà được coi là: Gần gũi tiểu nhân, trọng dụng lũ phỉ.
Võ Tắc Thiên không mấy thích thú tiểu nhân. Không mấy người thích thú tiểu nhân, ngay cả tiểu nhân cũng không thích tiểu nhân. Nhưng, số chính nhân quân tử lại không muốn hợp tác, vậy bà phải làm gì đây? Hơn nữa, những người từng phản đối bà, cũng chưa hẳn đã sạch sẽ cả, phải chăng, họ đã rừng làm nhiều việc xấu xa, thấr đức? Chử Toại Lương đã vu cáo Lưu Ký, Trương Tôn Vô Kỵ hãm hại Lý Khắc. Thủ hạ của họ ối kẻ là tiểu nhân. Kẻ tám lạng, người nửa cân, đâu có khác gì nhau. Đã vậy, không thể bàn tới đạo đức, chỉ có thể dựa vào thái độ chính trị để nhận rõ từng người.
Có điều, Võ Tắc Thiên trọng dụng bọn Hứa Kính Tông, Lý Nghĩa Phủ không hoàn toàn vì trả công cho họ, cũng không phải vì hết người dùng, mà vì Võ Tắc Thiên hiểu rõ, tiểu nhân có cái hay của tiểu nhân. Trong thể chế chính trị chuyên chế, tiểu nhân luôn là công cụ thuận tiện nhất của nhà độc tài, người có dã tâm, người có mưu đồ. Thời loạn thường dựa vào họ mới nổi đình nổi đám (họ giỏi phao tin thất thiệt), thời bình nhờ họ để ban bố thái bình (họ luôn nói khuếch nói khoác). Nhất là những lúc có đấu tranh nơi cung đình, tiểu nhân có tác dụng không thể thay thế. Những việc mà chính nhân quân tử không chịu, không dám làm, đều có thể giao cho lũ tiểu nhân và xin cứ an tâm, bảo đảm sẽ có kết quả làm chúng ta vừa ý. Huống hồ, dùng tiểu nhân tiện hơn dùng quân tử. Tiểu nhân không có quan niệm về đạo đức, nên dễ mua chuộc; không có ý chí cá nhân, nên dễ chỉ huy; không có cơ sở xã hội, không sợ họ vểnh đuôi lên; tự thân không mấy giá trị, nên dùng xong, có thể vứt mà không tiếc. Vì vậy, các bậc đế vương xưa nay đều dùng quân tử lẫn tiểu nhân. Tác dụng của quân tử là mở rộng chính nghĩa, xây dựng mẫu mực, tác dụng của tiểu nhân là đe doạ khủng bố, thực hiện âm mưu. Quân tử là dê dẫn đầu, tiểu nhân là chó giữ nhà. Quân tử là hư, tiểu nhân là thực. Có quân tử làm gương, ai nấy tự giác trung quân; có tiểu nhân làm tai mắt, là tay chân, không ai dám mưu phản. Một quân chủ cao minh nhất phải sử dụng cả hai loại người này, giống như chiếc gậy và củ cà rốt, không thể thiếu một thứ nào. Trong giai đoạn sau, khi chấp chính, Võ Tắc Thiên dùng phần lớn là chính nhân quân tử, như Địch Nhân Kiệt, nhưng lúc này thì chưa được. Bà vẫn phải dựa vào tiểu nhân để giúp mở một con đường máu.
Tác dụng của tiểu nhân gồm bốn loại: Giúp việc, bợ đỡ, hát phụ hoạ, đồng loã tiếp tay. Lý Nghĩa Phủ không mấy nhẫn nại, chỉ có thể hát phụ hoạ; Hứa Kính Tông đầy bụng kinh luân, có thể đồng loã tiếp tay. Năm Hiển Khánh thứ tư (năm 659), người Lạc Dương là Lý Phụng Tiết tô cáo quan tẩy mã (là quan thị tòng trông coi thư tịch cho thái tử) là Vi Quý Phương và giám sát ngự sử Lý Sào là mưu gian phản nghịch, Lý Trị cử Hứa Kính Tông thẩm tra vụ án. Hứa Kính Tông nhớ lại, năm đó Trưởng Tôn Vô Kỵ đã lợi dụng án mưu phản của Phòng Di Ai để hãm hại Lý Khắc, và vẫn theo cách đó, kính Tông đã làm giả lời cung mưu phản của Trưởng Tôn Vô Kỵ. Lý Trị không dám tin, Hứa Kính Tông nói, chứng cứ xác thực. Lý Trị đau lòng rơi lệ, nói nhà ta quá bất hạnh, trong thân thích luôn có người lòng dạ bất lương. Mấy năm trước, công chúa Cao Dương cùng Phòng Di Ái mưu phản, nay cậu trẫm cũng vậy. Trẫm thấy xấu hổ, còn mặt mũi nào để nhìn thiên hạ! Hứa Kính Tông xúc xiểm thêm: Phòng Di Ai vắt mũi chưa sạch, công chúa Cao Dương là phận gái, dù có phản cũng chẳng nên trò trống gì! Trưởng Tôn Vô Kỵ thì khác hẳn. Từng giúp tiên đế đoạt thiên hạ, người người luôn bái phục cơ trí của Vô Kỵ; từng có ba mươi năm là tể tướng, người người đều kinh sợ trước quyền uy của Vô Kỵ. Hẳn bệ hạ còn nhớ Vũ Văn Thuật! Thần tận mắt nhìn thấy Tuỳ Dạng đế đã tín nhiệm, ưu ái gia đình họ như thế nào. Thật đúng là quyền cao hơn cả, thế nghiêng triều dã, nói là phải nghe, không kể đúng sai. Nhưng kết quả đã ra sao? Chẳng phải con của Vũ Văn Thuật đã giết Dạng đế sao? Lẽ nào bệ hạ lại quên tấm gương tày liếp?
Đương nhiên, Lý Trị không hề quên, Thái Tông hoàng đế đã nói chuyện này nhiều lần. Tuỳ Dạng đế chết không phải tại số mệnh, vì quá yêu thương, quá tín nhiệm cha con nhà Vũ Văn. Và thế là Lý Trị lại rơi lệ, nói: Dù cậu trẫm có là vậy, trẫm cũng không nỡ giết ông ấy. Giết cậu thì người thiên hạ, người đời sau sẽ nhìn trẫm thế nào đây! Lúc này, Hứa Kính Tông phải phát huy vai trò của nhà sử học. Hứa Kính Tông nói: Người cậu của mẹ Hán Văn đế là Bạc Chiêu vì giết người mà phạm tội, Văn đế lệnh trăm quan khóc, còn mình thì nén nước mắt, cho giết Bạc Chiêu, đến nay người đời vẫn coi Văn đế là thánh minh. Tội của Trưởng Tôn Vô Kỵ rất lớn, còn gì để bệ hạ phải nhẫn nhịn? Người xưa nói: Đáng quyết mà không quyết tất sẽ loạn. Nếu bệ hạ cứ dung túng gian trá, thì loạn sẽ gần kề, sau này có hối cũng không kịp.
Lý Trị hoàn toàn bị thuyết phục bởi nhà sử học tài ba này. Lý Trị hết chú ý tới án của Trưởng Tôn Vô Kỵ, giao toàn bộ cho Hứa Kính Tông xử lý, thậm chí còn không sai người triệu Trưởng Tôn Vô Kỵ đến hỏi. Ngày hai mươi hai tháng tư, cho đoạt lại quan tước, đất phong và đầy Trưởng Tôn Vô Kỵ ra Kiềm Châu. Mấy người liên can tới vụ án như Liễu Thị, Hàn Ái bị xoá tên, Vu Chí Ninh bị bãi quan. Tháng bảy, nhân lúc Lý Trị lệnh thẩm tra lại án, Hứa Kính Tông cử trung thư xá nhân Viên Công Du ra Kiềm Châu, bức Trưởng Tôn Vô Kỵ nhận tội, tự sát. Tiếp đến là giáng chức, là sung quân, là xoá tên hoặc giết tất cả những viên quan liên can tới vụ án. Thương thay cho Trưởng Tôn Vô Kỵ, một đời hào kiệt, nguyên lão hai triều, ba mươi năm làm tướng quốc, mộr đời quyền thế ngút trời, chỉ sai lầm một chút và còn vì Hứa Kính Tông, khéo mồm dẻo mỏ, ngậm máu phun người, mà tất cả đã sụp đổ, như băng tan núi lở, cả tập đoàn bị nhổ đến tận gốc. Ai bảo miệng lưỡi không thể giết người?
Đến nay chúng ta vẫn chưa có cách gì để làm rõ, Võ Tắc Thiên đã đóng vai gì trong vụ án này? Nhưng có thể khẳng định, bà đã vỗ tay tán thưởng. Ngay cả vai diễn của Lý Trị cũng rất dễ chịu. Bề ngoài, Lý Trị đã bị Hứa Kính Tông bưng bít, nên đã mơ hồ giết cậu, và trong lòng luôn luôn không nỡ. Nhưng nếu không được Lý Trị gật đầu, mặc nhận, dung túng thì liệu Hứa Kính Tông gan có lớn như vậy hoặc dám mạnh tay đến như vậy? Có thể, Lý Trị và Võ Tắc Thiên đều không có chỉ thị hoặc ám thị gì cho Hứa Kính Tông và mọi việc đều cho hắn tự cho là thông minh để tự biên tự diễn và đây chính là bản lĩnh của tiểu nhân. Chúng luôn biết chủ nghĩ gì, muốn gì, rồi tìm cách thực hiện bằng được những ý nghĩ mà chủ không tiện nói. Nhưng đây cũng là điểm đáng thương của tiểu nhân: Chúng không chỉ phải giúp chủ làm điều xấu, mà còn phải mang tiếng xấu thay chủ.
Có điều, chẳng bao lâu sau Lý Trị không cười được nữa. Lý Trị phát hiện thấy, sau khi loại bỏ tập đoàn Trưởng Tôn Vô Kỵ thì hình như quyền lực đã rời khỏi tay mình, không còn thú vị gì nữa khi là hoàng đế.
Có một việc đã kích thích mạnh đến Lý Trị. Đó là việc làm của Lý Nghĩa Phủ - chó săn của Võ Tắc Thiên. Thằng cha Lý Nghĩa Phủ ỷ mình là thân tín, là tư đảng của Võ Tắc Thiên, trong khi nắm quyền tuyển chọn quan viên, đã công khai mua quan bán tước, làm điều trái đạo, ngay cả bọn gia nhân cũng hoành hành bạo ngược, khiến dân chúng oán thán. Lý Trị thấy hắn làm bừa quá mức, đã cho gọi hắn tới và từ tốn, ôn hoà, nói: “Con gái, con rể của ái khanh đã thiếu thận trọng quá mức, làm nhiều điều phi pháp, trẫm có thể giúp khanh che giấu những điều đó, nhưng ái khanh cũng phải dạy dỗ chúng”. Nào ngờ Lý Nghĩa Phủ, mặt biến sắc, cổ gân lên, má đỏ lựng, gân xanh cuồn cuộn, gắng nhẹ nhàng, từng câu từng chữ hỏi lại Lý Trị: “Ai đã nói với bệ hạ như vậy?”. Lý Trị nghĩ thầm, phải chăng đây là lời nói của thần tử với hoàng thượng? Lý Trị nén giận nói: “Chỉ cần trẫm nói ra sự thực, thì cần gì phải hỏi trẫm là ai nói?”.
Lý Trị rất bực về sự việc đó. Lý Nghĩa Phủ, tên vô lại, chó ỷ thế người, dám không coi trẫm ra gì, đáng phải giết! Nhưng, đánh chó phải ngó chủ nhà. Cứ nghĩ đến chủ nhân của con chó này, Lý Trị đã thấy ngại, Lý Trị càng ngày càng thấy khó hiểu về hoàng hậu nương nương của mình. Và cũng càng ngày càng không hiểu, một vị hoàng đế như mình sẽ phải làm gì? Trước kia mặt đối mặt với bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ, Chử Toại Lương, Lý Trị cảm thấy có áp lực. Lúc này đổi là Lý Nghĩa Phủ, Hứa Kính Tông, Lý Trị cảm thấy đang bị lùa dối. Lúc trước Lý Trị cảm thấy giang sơn không phải của mình, là của bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ. Lúc này, Lý Trị cảm thấy giang sơn vẫn không phải của mình, là của Võ Tắc Thiên. Lý Trị cảm thấy ấm ức, bực tức.
Do ấm ức và bực tức Lý Trị đã gắng sức làm ba việc. Tháng mười hai năm Lân Đức thứ nhất (năm 664) vì hứng chí nhất thời, Lý Trị quyết định phế bỏ Võ hậu. Tiếc là chiếu thư chưa ráo mực đã bị Võ hậu phát hiện. Kế hoạch cũng phá sản theo, còn đèo theo vào đó cả tính mạng tể tướng Thượng Quan Nghi. Mười một năm sau, tháng ba năm Thượng Nguyên thứ hai, (năm 675), Lý Trị dự định sẽ thoái vị nhường quyền, để Võ Tắc Thiên nắm giữ triều chính hoặc dứt khoát để Võ Tắc Thiên làm hoàng đế, mong được yên tĩnh, an hưởng tuổi già. Tể tướng Hách Xử Tuấn đã kiên quyết phản đối những ý nghĩ lung tung bậy bạ của Lý Trị, nói như vậy không chỉ là không kính trời (đạo trời âm dương lẽ nào lại bị đảo lộn) mà còn không sợ tổ tiên (chẳng nhẽ lại cho người khác cơ nghiệp tổ tiên), thực không thoả đáng. Lý Trị nghĩ tới việc truyền ngôi cho Lý Hoằng. Nào ngờ, tháng tư năm đó, Lỵ Hoằng đã đột ngột qua đời, qua đời một cách đáng ngờ! Lý Trị phát hiện thấy những cố gắng của mình đều vô ích. Lý Trị chẳng khác gì chú dê béo đuôi to, làm hoàng đế mà chẳng khác gì bị nhét vào giữa một bầy sói. Sở dĩ chưa bị ăn thịt, bởi vì cả đàn sói chỉ trông vào mỗi một chú dê. Hơn nữa đàn sói thấy cần thiết phải giữ đầu dê lại để tiện cho việc bán thịt chó của chúng. Lý Trị không còn cách gì để thoát khỏi đàn sói đó, đành phải phó thác cho tự nhiên, một ngày là hoàng đế là một ngày phải lên triều.
Lúc này, sức khỏe của Lý Trị mỗi ngày một kém. Sau khi Lý Trị lên ngôi mười một năm, Võ Tắc Thiên là hoàng hậu năm năm, tức là năm Hiển Khánh thứ năm (năm 660), Lý Trị mắc bệnh phong hàn, mắt đã mờ, mọi việc triều chính phải trao cho Võ hậu xử lý. Năm Long Sóc thứ hai (năm 662) Lý Trị mắc bệnh phong tê; năm Hàm Hanh thứ tư (năm 673) mắc bệnh sốt rét. Tóm lại, nửa sau cuộc đời, Lý Trị sống trong đau đớn bệnh tật. Lý Trị đành phải rời bỏ công việc triều chính.
Ngược lại, Võ Tắc Thiên càng sống trẻ, càng làm càng có lửa. Sau năm Hiển Khánh thứ năm, Lý Trị sinh bệnh Võ Tắc Thiên bắt đầu tham dự triều chính, thiên tài chính trị đã được bộc lộ.
Năm Lân Đức thứ nhất, sau khi âm mưu phế hậu bị phá sản, Võ Tắc Thiên bắt đầu buông rèm nghe chính, cùng lên cùng xuống với Lý Trị, được gọi là “Nhị thánh”. Năm Càn Phong thứ nhất (năm 666), bà cùng Lý Trị lên núi Thái Sơn, mở ra tiền lệ hoàng hậu tham dự đại lễ Phong Thiền. Năm Thượng Nguyên thứ nhất (năm 674), bà đổi xưng là “Thiên hậu” (Lý Trị xưng là “Thiên hoàng”) khác hẳn với các hoàng hậu khác. Cùng năm, bà đã ban bố mười hai điều cương lĩnh hành chính, cải cách chính trị. Thực tế lúc này bà đã trở thành lãnh tụ chính trị, là nhân vật hạt nhân của vương triều Đại Đường. Vì vậy, vào năm Hoằng Đạo thứ nhất (năm 683, Lý Trị qua đời, (năm năm sáu tuổi), Võ Tắc Thiên gần như không mất nhiều sức, đã dễ dàng tiếp quản chính quyền.
Sau khi Lý Trị qua đời, Võ Tắc Thiên tiếp quản chính quyền Đại Đường, điều đó không có gì là lạ cả. Từ năm 655 được sách phong đến năm 683 Lý Trị tạ thế. Võ Tắc Thiên là hoàng hậu hai mươi tám năm. Trong hai mươi tám năm đó, không lúc nào Võ Tắc Thiên được nhàn rỗi hoặc nghỉ ngơi. Bà luôn hoạt động trên vũ đài chính trị của Đại Đường và luôn như người đang trộn bài. Trộn một hồi, thắng một trận. Trong mười năm đầu kể từ lúc Võ Tắc Thiên là hoàng hậu (từ năm 655 đến năm 664) người chủ chính cơ bản là Lý Trị. Lý Trị ngày ngày lâm triều, Võ Tắc Thiên lâm triều thì đại để chỉ năm thì mười hoạ mới có một lần. “Thời kỳ Nhị thánh” trong vòng mười năm (năm 664 đến năm 674) Lý Trị và Võ Tắc Thiên cùng iâm triêu. Từ sau Thời kỳ Thiên hậu (năm 674 đến năm 683), Võ Tắc Thiên hàng ngày lâm triều, thỉnh thoảng Lý Trị mới lâm triều. Thế là, đã mất một trong hai vị trí.
Võ Tắc Thiên biết nhìn xa trông rộng nên mới có thành quả như hôm nay. Võ Tắc Thiên yêu cầu được tham dự lễ Phong Thiền, mọi người nghĩ, người đàn bà này thích được mọi người biết đến, nào ngờ đây là việc tạo dư luận. Võ Tắc Thiên dâng thư bàn về cải cách, mọi người cho rằng đây chỉ là tâm huyết của đàn bà, nào ngờ đó là chuyện bàn về chính trị. Võ Tắc Thiên muốn triệu tập người có học vào cung tu tuyển sử tịch, mọi người thay chăng có gì đáng phái đẽ ý. Thái độ của Lý Trị là bàng quan, vô sự. Mặc sức để Võ Tắc Thiên làm những việc “không mấy quan trọng”. Dù Võ Tắc Thiên nhấn mạnh đặc biệt ba câu danh ngôn của Thái Tông hoàng đế: “Lấy đồng làm gương, chỉnh được áo, mão; lấy sử làm gương, biết được hưng tàn, lấy người làm gương, hiểu lẽ được mất”, mọi người luôn nghĩ, điều đó can hệ gì tới cục diện chính trị và dã tâm chính trị của người đàn bà này lớn đến nhường nào! Đến lúc bọn “Bắc môn học sĩ”(2) - những người giúp Võ Tắc Thiên biên tập thư tịch, xuất hiện và có những tác dụng nhất định trên triều đường, mọi người mới ngộ ra: Võ Tắc Thiên không chỉ muốn nghiên cứu lịch sử, còn muốn viết lại lịch sử; không chỉ muốn mình có một ban viết lách riêng, còn muốn họ trở thành ban hành chính, ban cố vấn của riêng mình. Thiên hậu nương nương, hoàn toàn không phải chỉ biết ăn no và không làm gì.
Đã có sự chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, dư luận, nên chỉ còn cách chừng một bước nữa, Võ Tắc Thiên có được đế vị.
Chú thích

(1) Đường Cao Tông, Vĩnh Huy năm thứ ba (năm 652), công chúa Cao Dương cùng chồng là phò mã Phòng Di Ái và Tiết Vạn Triệt, Sài Lệnh Vũ… mưu phản, âm mưu phê Cao Tông, lập Hình vương Lý Nguyên Cảnh làm đế. Ngô vương Lý Khắc không liên can. Vô Kỵ từng phản đối Lý Khắc là thái tử, nên sợ Lý Khắc báo thù. Để có thể vứt bỏ mối tâm bệnh, Vô Kỵ liền vu cáo Lý Khắc có dính vào đó, và tự mình đề thẩm án phạm, dùng cực hình man rợ. Lý Khắc được ban cho tự vẫn (Tác giả).
(2) Học sĩ có thể đi cửa sau, nên gọi là Bắc môn học sĩ (Tác giả).