ại khoa nhi Oskar có một vài người bạn. Hai người bạn thân nhất của Oskar là Einstein và Popcorn. Cậu bé kể rằng sở dĩ Einstein có tên như vậy không phải vì cậu ta thông minh hơn những đứa trẻ khác mà vì đầu cậu ta to gấp đôi đầu trẻ con bình thường. Còn Popcorn có biệt hiệu đó là do cậu ta bị béo phì. Đồ mặc duy nhất vừa với cậu ta là chiếc áo phông kẻ sọc của cầu thủ bóng bầu dục. Oskar bảo chỉ cần nhìn những đường sọc trên áo cậu ta thôi cũng đủ khiến người ta như bị say sóng. Cả những cô bé được điều trị ở đây cũng để lại ấn tượng với Oskar: Sandrine và Peggy Blue. Sandrine cũng bị bệnh máu trắng và mớ tóc giả mà cô ấy đội khiến cô trông giống như một cô bé Trung Hoa. Còn tình trạng thiếu ôxi khiến da của Peggy Blue trở nên xanh nhợt nhạt. Túc trực hằng ngày bên giường của Oskar là bà Rosa. Bà kể cho cậu bé những câu chuyện và những kỷ niệm sâu sắc nhất về công việc của một người bắt bóng mà bà từng làm. Bà kể rất vô tư về cái chết, về căn bệnh của Oskar cũng như về cuộc sống và sự lão hóa. Bà dạy cậu bé cách đón nhận cái chết như một phần tất yếu của cuộc sống rồi nhắc cậu rằng một ngày nào đó bà cũng sẽ chết và giống cậu trong 12 ngày nữa. Các bác sĩ đã cho Oskar từng ấy ngày: 12. Bà dặn cậu hãy coi mỗi ngày còn lại như là mười năm. Và vì vậy Oskar từ một cậu bé mười tuổi sẽ trở thành một ông lão bách niên, người nằm yên nghỉ mà không cần bận tâm tới việc phải thức dậy. Tôi không hề hoài nghi việc đã từng có một Oskar như vậy trên đời, người sớm phải lìa trần và để lại câu chuyện của mình. Để lại cho những người cậu yêu thương, cho bè bạn ở khoa nhi, cho tôi và cho những Oskar nhỏ bé khác nữa, các cô bé, cậu bé tuy nhỏ tuổi nhưng đã là những người hùng lớn. Tôi đã tìm ra người hùng của mình. Thứ Năm ngày 20 tháng Mười năm 2005 Tôi xoa nhẹ vào lông mi, chúng rụng đầy trên vỏ gối. Lông tóc bắt đầu mọc trở lại: Lông mi, lông mày, những sợi tóc đầu tiên trên sọ và cả các loại lông lá khác. Tôi ngồi dậy và lục tìm chiếc bút kẻ mi trong túi đựng đồ trang điểm. Tôi chẳng thiết tha gì bữa sáng, đối với một bệnh nhân ung thư thì điều đó là bình thường. Khỉ thật! Mặc cho những đắn đo của cả hai đứa, tôi và Rob vẫn quyết định đi đâu đó vài ngày. Đi Luxembourg bởi ở đó xấu tệ và bởi chúng tôi còn muốn thấy mặt những người Đức bất hạnh ở gần đó. Tôi chụp hơn một trăm kiểu ảnh: cây cối mùa thu, Rob, vòm mái, Rob, phong cảnh, rồi lại Rob. Buổi sáng tôi rời khách sạn trong vai Pam để rồi thành Oema khi đêm về. Người đàn ông ở quầy lễ tân chẳng hiểu gì cả và ông ta nhìn Rob đầy hoài nghi. “Cô bạn gái kia của anh đâu? Anh bỏ cô ấy trong thành phố à?” Chúng tôi ăn sò, uống vang đỏ và vuốt ve những con cho trên phố. Cả hai đều thích một con giống Akita-Inu. Thậm chí chúng tôi còn đi nhảy ở một hộp đêm địa phương. “Em nhìn xem, những tấm ảnh về chuyến đi này thật đẹp!” từ Luxembourg về, tôi cho em gái Rob xem ảnh. Rob và Pam trong lúc ăn sáng, Rob và Pam trong ô tô, Rob và Oema trên đường đi, Rob và Sophie ngồi bên bàn. Chúng tôi sát lại gần nhau hơn. Sát hơn thường lệ hay sát hơn những đôi tình nhân khác bởi thần chết đang đứng sau góc nhà kia. Mối đe dọa này khiến tôi sống qua mỗi khoảnh khắc, mỗi câu tấu hài, mỗi giọt nước mắt và mỗi đụng chạm một cách mãnh liệt hơn. Ôm thật chặt cho đến khi không thể chặt hơn nữa. Rời bỏ ra là việc thật khó nhọc. Chủ nhật ngày mùng 6 tháng Mười một năm 2005 Tôi sang Tây Ban Nha thăm chú Otto và cô Bebé. Đây là lần đầu tiên cô Bebé gặp tôi, còn chú Otto và tôi gặp lại nhau sau một thời gian dài. Khi biết về bệnh tình của tôi, chú Otto đã điên cuồng lướt Internet và gọi điện cho các đồng nghiệp cũ của mình. Chú cũng từng là bác sĩ. Chú Otto là bạn cũ của bố mẹ tôi, kể từ khi bố mẹ tôi quen chú, chú đã qua ba đời vợ. Tất cả những điều tốt đẹp đều phải sánh ba. Chú chuyển tới sống ở vùng Granada của Tây Ban Nha cùng cô Bebé năm năm về trước. Sau những năm đằng đẵng làm nghề bác sĩ phẫu thuật chinh hình và kỹ sư điện tử, chú đã chán ngấy cuộc sống đô thị. Đây cũng là cuộc hôn nhân thứ ba của cô Bebé. Câu thành ngữ trên lại đúng với cả cô nữa. Từng là người mẫu trong thập niên 60 và là trợ lý trong một bệnh viện tư mà cô cùng chú Otto quản lý, cô đã sống qua những năm tháng đầy sôi động. Sôi động đến nỗi giờ đây cô rất trân trọng sự bình yên mà cô cùng chú Otto gây dựng được ở Tây Ban Nha. Họ sống cuộc sống riêng của mình, tách biệt hẳn khỏi thế giới bên ngoài. Khu làng gần nhất cách đây năm phút ô tô và điều đó đối với họ cũng chẳng thành vấn đề. Cũng chính bởi vậy mà họ thích sống ở đây và cũng vì thế mà tôi thích tới đây thăm họ. Sự giản dị mộc mạc của khu chợ, của quán bar làng, của nhà thờ. Không gian xung quanh quả là tuyệt trần, một thung lũng sâu, có núi non và ở đằng xa còn có cả biển. Ờ đây không tồn tại khái niệm về thời gian. Chúng tôi thức dậy khi nào chúng tôi muốn, chúng tôi ăn khi nào chúng tôi muốn và chúng tôi lên kế hoạch những gì mình muốn làm. Một chuyến đi mua sắm ở siêu thị hay một chuyến dã ngoại tới Granada. Ở đây, lần đầu tiên tôi được quên quãng thời gian trong tuần của mình đã diễn ra thế nào. Hôm nay là thứ mấy tôi cũng không hay biết, nhưng tuần này là tuần bao nhiêu thì lúc nào tôi cũng vẫn nhớ. Nhớ để biết khi nào tôi sẽ vượt qua được tuần thứ 54. Tôi đánh dấu lên lịch và càng ngày tôi càng ý thức rõ hơn về hạnh phúc của ngày hôm nay. Có lẽ chính vì thế mà tôi cảm thấy sợ những điều sẽ còn xảy đến. Đêm nào cũng vậy, trước lúc đi ngủ tôi đều nghĩ về đám tang của mình. Tôi muốn mơ về tương lai lắm chứ, nhưng không tài nào làm được thế. Mà tôi cũng không dám làm thế. Tôi nghĩ về chiếc quan tài của mình, về bài phát biểu của bố và về bộ lễ phục mẹ sẽ mặc trong đám tang, về người chị gái sẽ làm tất cả, sẽ phải gác lại những dự định của riêng mình để trở thành chỗ dựa cho bố mẹ. về nụ hôn mà Annabel sẽ đặt lên quan tài. về Rob, người đã can đảm yêu một kẻ bị ung thư. về tất cả những người tôi yêu quý và yêu quý tôi. về Marco và Oskar, những người đã ra đi trước tôi. Do chú Otto và cô Bebé đã từng làm trong ngành y nên ở bên họ tôi cảm thấy vô cùng an tâm. Chúng tôi nói chuyện về những cuốn bệnh án mà tôi phải vác theo tới từng bác sĩ, về những trải nghiệm mà tôi có với các bác sĩ, với thuốc thang, và với những thống kê rùng mình. Họ chỉ cho tôi cách tự kiểm tra xem liệu bàng quang có bị viêm nhiễm hay không bằng cách đi tiểu vào một cốc thủy tinh. Họ cũng dạy tôi cách chữa viêm nhiễm bàng quang bằng vitamin và những loại thực phẩm chức năng. Thứ Ba ngày mùng 8 tháng Mười một năm 2005 Tôi thả mình xuống giường với đôi má đỏ ửng sau cuộc dạo bộ. Oskar và Lance nằm cạnh tôi trên chiếc bàn đọc. Oskar là cậu bé đã mất còn Lance đã được vui vẻ trở về với chiếc xe đua của mình. Tôi nghĩ tới Jurriaan, anh ấy vẫn phải chạy qua chạy lại giữa một hộp đêm - nơi anh ấy làm DJ, và bệnh viện - nơi anh đang thực tập. Càng gặp nhiều người cùng cảnh ngộ, tôi càng hay nghĩ hơn tới những người vượt qua được số phận và tới những người đã ra đi bỏ lại chúng ta. Căn bệnh này sẽ không làm tôi chết? Bệnh ung thư sẽ lấy đi của người tình cũ của tôi không chỉ một mà là hai cô bạn gái? Hay cô bạn thân của tôi sẽ không mất đi hai cô bạn vẫn còn rất trẻ của mình? Tôi nhìn mình và tự hỏi xem khả năng tôi là đứa mang trong mình mầm u bướu lạ thực sự lớn đến nhường nào. Đó không phải là lập luận thuyết phục song bởi tôi là tôi nên đối với tôi nó đã là một lập luận có cơ sở. Ngay cả các thống kê cũng không thuyết phục hơn thế. Tôi vắt mái tóc dài nâu của Lydia sang bên để nó không chạm vào đĩa cá và rau của mình. Hôm nay cô Bebé tặng tôi một bộ tóc giả mà ngày trước cô từng phải đội. Chúng tôi đi ăn tại một tiệm ở Orgiva, một làng kế bên và nói chuyện về các bác sĩ, về khoa học và về mẫu mô mà mỗi nhà bệnh học đều gọi nó bằng một cái tên khác nhau. “Việc nó được gọi là Tiểu động vật không làm cháu quan tâm mấy. Quan trọng là liệu nó có thể chữa trị được hay không mà thôi.” Bác sĩ L cũng đã có phản ứng đầu tiên với những nhận định khác nhau về mẫu mô của tôi. Do căn bệnh của tôi thực chất không hay gặp ở tuổi này và mẫu mô thử khác xa với kết quả của các đợt chẩn đoán trước kia ở nhiều phương diện nên tôi được gán vào nhóm Sacôm chưa rõ nguồn gốc. Hay còn gọi là “Nhóm u bướu không thuộc dòng Rhabdomyosarkom”. Chú Otto nghĩ rằng có thể tôi đã bị chẩn đoán sai. Rằng khả năng chính chẩn đoán sai này sẽ là kẻ cứu sống tôi. Rằng có thể tôi đang được điều trị hoặc là “quá tay” hoặc chưa đến nơi đến chốn. Rằng trong vụ này tôi có thể bị ngỏm củ tỏi. Rằng bệnh của tôi vẫn còn nhiều yếu tố chưa rõ nguồn gốc và rằng sự chuyển tiếp từ lành lên ác tính là rất nhanh. Một cuộc nói chuyện rôm rả. Nói chuyện với các bác sĩ thật thú vị. Thứ Tư ngày mùng 9 tháng Mười một năm 2005 Trong lúc nghỉ ngơi và nỗ lực để không theo chân Oskar, tôi không tài nào xóa bỏ được những suy nghĩ về Marco, cậu bé đã ra đi một năm trước. Ngay cả tối nay khi đi ngủ, tôi lại nghĩ về cậu. Đúng ngày này một năm trước đây cậu cũng đi ngủ và không bao giờ tỉnh dậy nữa. Đó là ngày mùng 10 tháng Mười một năm 2004, cha mẹ cậu túc trực bên giường bệnh của cậu trong khoa Ung thư trẻ em ở bệnh viện VU-Ziekenhuis Amsterdam. Marco mới có mười bảy tuổi rưỡi. Chưa đủ tuổi để thực hiện ước mơ lớn của cậu là được lái ô tô thỏa thích, song đã đủ lớn để thỉnh thoảng được phép phóng trên đường đua. Để tương trợ cho tuyến thượng thận bị ảnh hưởng của đợt xạ trị giống như gan, tôi sẽ uống những giọt thuốc cuối cùng và nhồi vitamin c để chống lại bệnh viêm bàng quang đang phát. Tôi sẽ tắt chiếc đèn lớn và bật chiếc đèn bàn nhỏ bởi ánh sáng của nó cũng đã đủ để đọc hoặc viết. Tôi sẽ vớ lấy cuốn sách và bắt đầu hoài nghi liệu nó có đủ sức cuốn hút để tôi có thể đọc nốt một trăm trang cuối. Tôi sẽ cuộn mình trong chăn để cơn ấm đến càng nhanh càng tốt trong những phút đầu này. Tôi sẽ nghĩ về bố mẹ mình, hôm nay là kỷ niệm 26 năm ngày cưới của họ. Sau đó tôi sẽ giở sách và đột nhiên những suy nghĩ của tôi chuyển hướng sang Marco. Cũng giống tôi và nhiều người khác, cậu ấy đã phải chống chọi với căn bệnh này ở cái tuổi còn quá trẻ. Chỉ có khác là Marco đã không vượt qua được bệnh tật, còn tôi vẫn đang trụ được. Cái chết của cậu ấy và sự sống của tôi ngăn cách chúng tôi, song qua cái chết và sự sống này tôi cảm thấy vô cùng gắn kết với cậu ta. Bởi khi nỗi sợ hãi dâng trào trong tôi, tôi lại nghĩ đến Oskar và Marco. Bên cạnh họ tôi cảm thấy an tâm, bởi họ đang ở nơi mà có lẽ tôi sẽ sớm tới. Tôi không biết Marco nhưng biết cha mẹ cậu ấy, chú Salvatore và cô Adèle. Có vẻ hơi trơ trẽn khi viết về cậu ta khi cậu ta chưa bao giờ biết mặt tôi. Song sẽ còn trơ trẽn hơn khi không viết về cậu ta, bỏ qua cậu ta chỉ vì cậu ta không còn sống trên đời này nữa. Đối với tôi cậu ta vẫn còn đó. Tôi còn giữ một tấm hình của cậu trong ví. Như vậy để cậu ta là một phần cuộc sống của tôi, để cậu ta sống cho tôi. Nếu một ngày nào đó số phận của cậu trở thành số phận của tôi thì những suy nghĩ của tôi sẽ ở bên cậu ấy. Bên cậu ấy và bên Oskar, cậu bé ra đi khi mới lên mười. Khi bên nhau có lẽ chúng tôi sẽ là ba chàng lính ngự lâm. Tôi bật cười. Oskar, kẻ lừa bịp tất cả các chị em gái, Marco, người nhanh chân hơn tất cả những đồng bào bị bỏ lại và tôi - một Nikita nhỏ bé đội tóc giả. Tất nhiên tôi sẽ mang theo cả các bộ tóc giả. Hơn thế nữa, ngày mai tôi sẽ đi nhà thờ của làng. Trước khi đi tôi sẽ ra chợ mua rau và mua một chiếc vòng cổ làm bằng vỏ sò của một cô châu Phi. Chiếc váy hồng của cô khiến làn da đen và hàm răng trắng tinh trông càng rực rỡ hơn. Những vỏ sò. Nước Pháp, Wijk aan Zee, Nerja. Tôi sẽ thắp một ngọn nến để cầu nguyện cho Marco, Oskar, chú Salvatore và cô Adèle. Cho cả mẹ, bố và chị gái tôi, trong những năm qua đôi vai họ ngày càng phải chịu nhiều gánh nặng hơn. Tôi sẽ tìm cho mình một nhà thờ vắng bóng người, nơi tôi không cảm thấy e dè khi thì thầm với Marco. Tôi sẽ ngồi ở hàng ghế đầu tiên, với đôi mắt ướt đẫm - điều này làm tôi ngạc nhiên nhưng dạo này tôi trông xác xơ và rất nhạy cảm. Lúc rời khỏi nhà thờ, tôi sẽ lau khô nước mắt. Thứ Sáu ngày 18 tháng Mười một năm 2005 Đôi khi tôi quên rằng mình vẫn là Sophie. Dù có ở trong một cơ thể khác, cơ thể bị ung thư song tôi vẫn là Sophie. Mà Sophie thì thỉnh thoảng lại bị thất tình. Đã bốn ngày nay tôi không gặp hay nói chuyện với Rob. Anh đã quen một cô gái khác và có thể anh đang rất yêu và hạnh phúc với cô ấy. Tệ thật. Tôi ngồi trong phòng điều trị ở khoa Ung thư. Nơi của sự sống và cái chết. Điều đó khiến Rob bị đẩy xuống hàng thứ hai. Bệnh tật cho phép ta đem mọi thứ ra so sánh. Tôi nhìn thấy sáu chiếc ghế xanh, tôi ngồi vào chiếc thứ bảy. Lúc tôi đến mọi ghế đều có người ngồi, giờ có tới ba chiếc trống. Chị y tá ở đây tên là Judith. Judith lúc nào cũng có mặt, đó là lợi thế của chị ấy so với các nam nữ y tá khác. Chị ấy nhanh nhẹn, làm tốt việc của mình và còn hài hước nữa. Trên bàn làm việc của chị là một chiếc cốc đựng đầy bánh bích quy dài. Bác sĩ của tôi thỉnh thoảng vẫn ghé qua thăm. Ông chỉ đến khi bệnh nhân đau đớn hay muốn đặt những câu hỏi đầy phiền toái. Tôi thuộc vào nhóm thứ hai và việc đó đã trở thành thói quen hơn là một ngoại lệ. Chính vì vậy tôi quy ông thành một trong những nhân vật chính của bộ phim được quay ba tuần một lần, vào chiều thứ Sáu tại bệnh viện OLVG. Không phải là Judith ít qua đây hơn ông mà bởi dù sao ông cũng là bác sĩ. Hay còn có thể gọi là sếp. Liệu ông có còn nhớ tôi khi tôi không còn thường xuyên bước vào phòng ông như trong những tháng vừa rồi? Liệu thỉnh thoảng ông có hồi tưởng tới hình ảnh của tôi? Liệu ông có lấy làm tiếc khi khoa học của ông không ca khúc khải hoàn trước căn bệnh của tôi? Liệu ông có tới viếng thăm quan tài của tôi? Liệu ông có tự hỏi tôi đã trở thành cái thứ gì? Liệu ông còn để chiếc bút bi của tôi trên bàn làm việc của mình nữa hay không? Thứ Tư ngày 23 tháng Mười một năm 2005 “Anh đang yêu sao?” tôi vừa hồi hộp vừa sợ hãi nhìn Rob, đồng thời chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho cú đòn này. “Ừ.” Tôi ngồi xuống, miệng há hốc. Tôi nằm xuống, nức nở trên sàn.Tôi giấu mình dưới một đống thứ hỗn tạp, vì kinh sợ. Đó là một khoảnh khắc vô thực. Song cũng rất hữu thực. Như trước kia. Nhưng giờ tôi phải thấy rằng chuyện này cũng không quá tệ bởi đó chỉ là chuyện yêu đương, bạn bè, những điều vẫn còn rất nhiều, chứ không phải là chuyện sống hay chết. Rob nhìn thẳng về phía trước và vì tôi, anh cố kìm nước mắt. Anh tìm cách lại gần, anh chạm vào tôi, cầm lấy tay rồi xoa má tôi. Tôi đẩy anh ra, đúng là một màn kịch. Tiếc rằng màn kịch đó lại là thực tế. Thật đau đớn. Tôi muốn những đụng chạm, muốn bàn tay anh, muốn cánh tay anh nhưng tôi không thể. Anh nên biến đi, tôi gào lên, biến khỏi cuộc đời tôi, anh hãy mang theo cả những nỗi đau này, tôi không bao giờ muốn nhìn mặt anh nữa. Trong khoảnh khắc đó tôi thực sự tin là vậy. Tôi tựa sát người vào Annabel. Chiếc túi da hồng của tôi nằm cạnh giường cô ấy, hai chú mèo Billy và Mimi quấn quýt bên chúng tôi. Ấm áp là vậy mà trong tôi chỉ là sự trống rỗng. Thứ Năm ngày 24 tháng Mười một năm 2005 Trong chiếc váy ngủ, tôi ngồi cạnh Annabel trên chiếc ghế dài bên cửa sổ. Sáng nay tôi thức dậy bên cạnh cô ấy. Tôi nhìn ra ngoài và cảm thấy trong người thật tệ hại. Tệ hại vì đêm vừa rồi tôi phải ngủ bên Annabel chứ không phải bên Rob, anh ta giờ chắc vẫn đang hú hí bên một đôi chân dài nào đó. Tệ hại hơn là đợt xét nghiệm kiểm tra tới của tôi ngày càng đến gần. Tôi ghét tất cả. Ghét cái tháng Mười hai với cơ man nào là ngày lễ. Ghét những người theo hầu ông già Tuyết, ghét những chiếc bánh lễ Chúa, ghét các bữa ăn gia đình, ghét cả đống bánh rán béo ngậy kinh tởm, ghét bọn sò huyết và sâm banh. Tôi ghét cái ngày hôm nay và ghét tất cả những gì sẽ xảy đến. Tôi ghét chính mình vì đã để một gã như anh làm tổn thương. Bởi tôi vẫn còn mong mỏi vòng tay của anh hơn là vòng tay của Annabel, dù cho cô ấy lúc nào cũng sẵn sàng chìa tay đón nhận tôi. Tôi ghét những mũi tiêm chọc vào cơ thể mình, chúng vẫn làm tôi hoảng hồn. Tôi ghét cái u bướu trong người mình và đồng bọn của nó. Tôi ghét bệnh ung thư. Tôi ghét cơ thể mình. Tôi vội vàng nhìn đồng hồ, vẫn chưa đến tám rưỡi. Tôi thêm nước vào tách trà và theo dõi tỉ mẩn chiếc kim giây trong vòng tám phút. Một kế hoạch lóe lên. Kế hoạch khẩn cấp. Tôi nhấc điện thoại và quay số của phòng điều trị trong bệnh viện OLVG và bệnh viện Erasmus MC ở Rotterdam. Tôi thuyết phục cả hai bác sĩ để tôi được phép xét nghiệm sớm hơn. Tôi đưa ra nguyên nhân là do cảm giác như bị kim châm đầy khả nghi. Làm sao tôi có thể giải thích với họ rằng không có Rob tôi không còn thấy lối thoát nào khác? Và tôi sẽ phải giải thích ra sao cho bố mẹ, chị gái, và những người còn lại trong gia đình đang run sợ của mình. Dì tôi là người biết khuyên bảo. Tôi gọi điện cho dì, sau nửa tiếng tôi vẫn còn nức nở. Dì cũng nức nở theo đứa cháu lớn của mình, bỗng dưng đứa cháu lớn đó bỗng trở nên nhỏ bé lạ thường. Ngay sau đó tôi gọi điện cho bố mẹ, họ đã được bệnh viện OLVG thông báo bởi lúc trước máy tôi bận. Tôi có vài điều cần giải thích với họ. “Mẹ à?” “Ừ, con yêu, con cảm thấy thế nào?” Nghe giọng mẹ thật ân cần và tha thiết. Song cũng có phần lo lắng. “Không tốt lắm. Con vừa gọi đề nghị được xét nghiệm sớm. Không có Rob, con không thể chịu được sự bất an này thêm nữa.” “Mẹ hiểu, bệnh viện OLVG cũng vừa gọi điện thông báo. Cuộc xét nghiệm sẽ diễn ra vào thứ Ba ngày 29. Mẹ đi cùng nhé?” “Mẹ thật tuyệt nhưng con vẫn chưa biết. Con muốn Jur bên cạnh mình, để xem anh ấy có tới không.” “Được thôi, con yêu, con về nhà ngay chứ? Mẹ sẽ làm cho con một tách trà.” Annabel đi xuống. “Hôm nay tớ sẽ ngủ cùng Bart.” “Ồ.” “Đối với tớ những ngày này giống y như địa ngục, cậu phải hiểu điều đó, Người đẹp ạ.” “Tớ hiểu mà, đừng sợ. Tớ sẽ nằm trên trường kỷ vậy.” “Cậu không cô đơn đâu, Phie ạ. Tất cả mọi người đều hướng về cậu, tất cả.” “Tớ vẫn cảm thấy thật cô độc.” “Tớ luôn ở bên cậu. Tất cả đều luôn bên cậu.” Thế mà tôi đã quên mất điều đó. Tất cả mọi người xung quanh đều hướng về tôi, mỗi người theo cách riêng của mình. Giờ tôi lại ý thức và hiểu rằng tôi chưa bao giờ cô độc. Có lẽ một kiểu tóc mới không có gì liên quan tới Rob sẽ giúp ích bởi anh chưa hề biết nó. Hoặc có thể anh lại quay sang say đắm tôi khi trông thấy cô gái trẻ, tóc vàng và hấp dẫn đó. Trong cửa hàng gần Nhà hát tôi chọn lấy một bộ tóc giả thật vàng, thật khêu gợi. Nó có cả những lọn xoăn buông tận tới rốn. Một chút tính cách Nga, rất hợp với tình trạng độc thân mới của tôi. Tôi đặt tên cho nó là Bebé bởi tôi rất quý cô Bebé và trong mắt tôi, cô cũng là một phụ nữ cực kỳ hấp dẫn. Tôi mua thêm một bộ trang điểm mới ở cửa hàng Bijenkorf. Một chiếc bút kẻ mắt đen và dày cộng một chiếc kẻ mi tím. Còn sáu ngày và năm đêm nữa là tôi sẽ nằm viện. Còn bảy ngày và sáu đêm nữa là tôi sẽ được đưa vào căn phòng trắng của bác sĩ. Rồi sau đó mọi chuyện đều có thể xảy ra. Các bác sĩ cũng chẳng còn nhiều phép màu trong kho nữa. Tôi sợ. Tôi đi đi lại lại mà không biết mình muốn đi đâu. Cuối cùng tôi ngồi xuống một chiếc ghế băng. Thứ Sáu ngày 25 tháng Mười một năm 2005 “Vậy là anh tin tưởng tuyệt đối vào Fam và Floor?” Anh thanh niên ngồi đối diện tôi gật đầu, những lọn tóc xoăn dài của anh đung đa đung đưa. “Bọn anh sẽ xem xét lại một chút, nếu tốt em có thể làm toàn thời gian trong vòng hai tháng. Sau đó bọn anh sẽ xem tiếp liệu em có thể ở lại tòa soạn dưới hình thức này hay hình thức khác không.” Theo giới thiệu của Fam và Floor, hai cộng tác viên tự do và cũng là hàng xóm của tôi, tôi được mời đến tòa soạn tờ NL20. Một anh hàng xóm đã viết blog về tôi trên mạng để thu hút sự quan tâm của mọi người về câu chuyện của tôi. Dù gì tôi cũng muốn được viết lách, tốt nhất là cho một nhà xuất bản nào đó. Một gã thanh niên ẻo lả diện bộ đồ thể thao ba màu hiệu Adidas đi qua. “Ồ, tóc em đẹp thật!” Nghe thật kệch cờm. Đã từ một tuần nay tôi đội Bebé, mái tóc vàng giống thời trang thập niên 60 mà tôi mới mua. Tôi trả lời bằng một nụ cười miễn cường. “Đó là Louis, cậu ta phụ trách lịch công tác và một số thứ khác như mục ‘Phòng thay đồ’ chẳng hạn. Như em thấy đấy, ở đây bọn anh vô tư lắm”, chàng tóc xoăn dài nói. Anh ta mặc một chiếc áo phông Hawaii và đi chân đất. Louis cầm một bộ vợt bóng bàn bãi biển trên tay. Tôi tự giới thiệu về mình. Tôi cố gắng không làm nổi bật đứa con gái bị ung thư mà làm nổi bật cô gái muốn viết về những điều không dễ dàng gì với mình, chỉ với một cuốn nhật ký, một chẩn đoán còn mông lung và với ấn bản duy nhất còn chưa được in ấn. Dù gì thì cũng được in hẳn ở tờ Thương mại NRC. “Cảm ơn vì anh đã tin tưởng, em rất vui. Tuần sau em sẽ gửi bài báo đầu tiên của mình.” “Anh rất chờ đợi điều đó.” Thứ Hai ngày 28 tháng Mười một năm 2005 Người phụ nữ ngồi đối diện tôi dỏng tai lên nghe. Thỉnh thoảng cô ấy lại ngắt quãng tôi khi diễn đạt của tôi quá phức tạp. Theo lời giới thiệu của cô ấy, tôi tới hiệu sách Scheltema mua hai cuốn Để khỏe trở lại và Trên đường bình phục, đều của tác giả O.Carl Simonton. Những cuốn sách đặc biệt dành cho các bệnh nhân ung thư còn ham muốn sống. Tiện đây tôi cũng giới thiệu hai cuốn sách này cho mọi người. Bác thợ in, hãy làm ơn in đậm và nghiêng tên hai cuốn trên. Còn sáu ngày nữa là đến đợt điều trị với bác sĩ tâm lý. Vậy đó! Tôi tắt điện thoại. Hủy các cuộc hẹn, trừ các cuộc diễn ra vào hôm nay và ngày mai. Lúc này tôi rất cần cô bác sĩ trị liệu của mình. Có lúc người ta chẳng tìm thấy cô đâu, có lúc cô lại xuất hiện ở đây hằng ngày.