CHƯƠNG 10
THÀNH PHỐ CỦA CÁC VỊ THẦN

     âu chuyện về những sinh vật thông minh đầu tiên định cư trên Trái đất là một truyền thuyết hấp dẫn không kém việc khám phá ra châu Mỹ hay chuyến hải trình vòng quanh thế giới. Câu chuyện này còn có tầm quan trọng hơn nữa, bởi nhờ công cuộc định cư này, Con người và nền văn minh của nó tồn tại đến ngày nay.
“Thiên sử thi Sáng tạo” kể cho ta về hành trình của các “vị thần” đến Trái đất theo lệnh của vị Chủ thần. Dị bản của người Babylon cho rằng vị Chủ thần ra lệnh là Marduk và ngài đợi cho đến khi bề mặt Trái đất đủ khô và cứng lại để phi thuyền có thể hạ cánh và kiến thiết. Sau đó, thần Marduk thông báo quyết định của mình tới nhóm phi hành gia:
Trên Thiên đường sâu thẳm,
nơi các người đang cư ngụ,
Ta đã dựng lên “Cung điện Thiên đường”.
Giờ đây, ta sẽ cho xây lên ở Hạ giới
một bản sao của nó.
Sau đó Marduk lý giải mục đích của mình:
Khi từ Thiên đường
các ngươi xuống Trái đất để hội họp,
Sẽ có chỗ nghỉ ngơi qua đêm
đón tiếp tất cả các ngươi.
Ta sẽ đặt tên cho nó là “Babylon”
Cánh cổng của các vị Thần.
Trái đất không chỉ đơn thuần là đích đến của một chuyến viếng thăm hay một hành trình thám hiểm; mà là một “ngôi nhà thứ hai” vĩnh cửu.
Du hành vũ trụ trên một hành tinh – một con tàu vũ trụ khổng lồ, băng qua quỹ đạo của phần lớn các hành tinh khác, người Nefilim chắc hẳn là những người đầu tiên quan sát được các bầu trời từ chính hành tinh của mình. Tiếp theo đó là những cuộc thăm dò bằng phi thuyền không người lái. Vậy thì khả năng họ có thể đưa những phi thuyền có người lái đến các hành tinh khác chỉ là vấn đề thời gian.
Trong quá trình người Nefilim tìm kiếm nơi xây dựng một “ngôi nhà” thứ hai, Trái đất có lẽ là lựa chọn hàng đầu của họ. Màu xanh của hành tinh này chứng tỏ sự tồn tại của nước và không khí, 2 yếu tố hình thành nên sự sống; màu xám của nền đất cứng; các loại cây cối, thực vật và động vật. Tuy nhiên khi người Nefilim du hành đến Trái đất thì cảnh tượng lúc đó chắc hẳn khác nhiều so với hình ảnh Trái đất được chụp từ vệ tinh ngày nay. Bởi khi người Nefilim lần đầu tiên đặt chân đến Trái đất thì Trái đất của chúng ta đang ở Kỷ Băng hà – thời kỳ băng giá này là một trong những giai đoạn đóng băng và tan băng của Trái đất:
Thời kỳ đóng băng đầu tiên – bắt đầu khoảng 600.000 năm trước.
Lần khí hậu ấm lên thứ nhất (thời kỳ xen băng) – 550.000
năm trước.
Thời kỳ đóng băng thứ hai – 480.000 đến 430.000 năm trước.
Khi người Nefilim đầu tiên đặt chân xuống Trái đất vào khoảng 450.000 năm trước, khoảng 1/3 phần đất liền trên Trái đất đang bị bao phủ bởi những lớp băng đá. Do phần lớn lượng nước trên Trái đất bị đóng băng như vậy nên lượng mưa bị giảm theo, tuy nhiên, không phải khu vực nào trên Trái đất cũng vậy. Do những đặc điểm khác biệt của nhiều yếu tố, trong đó có các loại gió và địa hình, có những khu vực rất dồi dào nguồn nước lúc đó nhưng ngày nay lại rất khô hạn, trái lại, một số khu vực chỉ có mưa theo mùa thì giờ đây lại có mưa quanh năm.
Mực nước biển cũng thấp hơn bởi phần lớn lượng nước đã bị các khối băng trên đất liền giữ lại. Các bằng chứng cho thấy với độ dày của lớp băng trong 2 Kỷ Băng hà chính thì mực nước biển thấp hơn khoảng 185 đến 220m so với ngày nay. Bởi vậy có những khu vực thời kỳ đó là đất liền thì nay là biển hoặc bờ biển. Một số dòng sông vẫn chảy, chúng tạo thành vực và các hẻm núi sâu khi đi qua địa hình núi đá, hoặc đi qua những khu vực đất mềm và đất sét, đến các đầm lầy và chảy ra các vùng biển băng giá.
Đến với Trái đất trong điều kiện khí hậu và địa lý như vậy, người Nefilim dựng nên “bản sao của Thiên đường” đầu tiên của họ ở đâu?
Hiển nhiên là họ sẽ tìm kiếm một địa điểm có khí hậu tương đối ôn hòa, nơi có đủ chỗ trú ẩn và là nơi họ có thể khoác lên mình những bộ quần áo nhẹ nhàng thay vì những bộ đồ giữ ấm nặng nề. Họ cũng phải tìm kiếm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, cũng như duy trì nguồn lương thực, thực phẩm cần thiết. Các dòng sông vừa thuận lợi cho hệ thống tưới tiêu những khu đất rộng vừa thuận lợi cho giao thông vận tải bằng đường thủy.
Chỉ có một khu vực diện tích nhỏ có khí hậu ôn hòa trên Trái đất có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu đó, cũng như yêu cầu về một khu đất dài bằng phẳng thích hợp cho việc hạ cánh. Như chúng ta đã biết, người Nefilim hướng sự chú ý của mình vào 3 hệ thống sông ngòi lớn và vùng đồng bằng của chúng: sông Nile, sông Indus và sông Tigris-Euphrates. Lưu vực của những con sông này đều thích hợp cho công cuộc khai hóa thuở đầu; và trong tương lai mỗi khu vực này đều trở thành trung tâm của một nền văn minh cổ đại.
Người Nefilim cũng không bỏ qua một nhu cầu thiết yếu khác đó là nguồn nhiên liệu và năng lượng. Trên Trái đất, dầu mỏ là nguồn tài nguyên đa dụng và nguồn năng lượng dồi dào để sưởi ấm và thắp sáng, cũng như là loại nguyên liệu thô quan trọng để làm ra vô số hàng hóa thiết yếu. Qua thực tế đời sống và các tư liệu của người Sumer, chúng ta có thể thấy rằng người Nefilim đã sử dụng rộng rãi dầu mỏ và các dẫn xuất của nó; đó là lý do tại sao trong quá trình tìm kiếm nơi định cư phù hợp nhất trên Trái đất, người Nefilim lại ưu tiên lựa chọn khu vực nhiều dầu mỏ.
Với quan điểm này, người Nefilim chắc hẳn đã xếp vùng Indus ở vị trí cuối cùng, bởi đây không phải là khu vực có thể tìm thấy dầu mỏ. Thung lũng sông Nile có lẽ được xếp ở vị trí thứ hai; về mặt địa lý khu vực này nằm trên một vùng đá trầm tích lớn, nhưng dầu ở vùng này chỉ có ở những nơi xa thung lũng và nằm sâu trong lòng đất khiến việc khai thác trở nên khó khăn. Vùng hạ lưu hai con sông của vùng Mesopotamia, hiển nhiên được xếp ở vị trí đầu tiên. Những mỏ dầu lớn nhất thế giới trải dài từ đầu vịnh Persia tới những dãy núi nơi khởi nguồn của dòng sông Tigris và Euphrates. Và trong khi ở các nơi khác người ta phải khoan sâu xuống lòng đất mới thu được dầu thô thì ở Sumer cổ đại (miền nam Iraq ngày nay), nhựa bitum, hắc ín và nhựa đường lộ thiên trên mặt đất.
(Thật thú vị khi người Sumer có thể gọi tên tất cả các loại chất bitum từ dầu mỏ, dầu thô, atfan tự nhiên, atfan đá, hắc ín, atfan hỏa thành, mát-tit, sáp cho đến nhựa đường. Họ có 9 tên gọi khác nhau cho các chất bitum khác nhau, trong khi ngôn ngữ Ai Cập cổ đại chỉ có hai và người Sanskrit chỉ có ba.)
Cuốn Sáng Thế Ký có miêu tả cung điện của Đức Chúa trên Mặt đất – Vườn Eden – là nơi có khí hậu ôn hòa, ấm áp và những làn gió nhẹ, vì thế Đức Chúa thường ngoạn cảnh và hóng gió ở khu vườn này. Đó là nơi đất đai màu mỡ, thuận lợi cho canh tác nông nghiệp và nghề làm vườn, đặc biệt là trồng cây ăn quả. Khu vực này được bồi đắp và tưới tiêu bởi 4 con sông. “Và con sông thứ ba tên là Hidekel [Tigris]; nó là dòng sông chảy về phía đông Assyria; và con sông thứ tư là dòng Euphrates.”
Trong khi các ý kiến tranh luận để xác định 2 con sông đầu tiên là Pishon (“phong phú”) và Gihon (“chảy xuôi”) vẫn chưa ngã ngũ thì không ai thắc mắc hay nghi ngờ gì về danh tính 2 con sông còn lại là Tigris và Euphrates. Một số chuyên gia cho rằng Vườn Eden nằm ở phía bắc Mesopotamia, nơi bắt nguồn của 2 con sông này và 2 nhánh sông nhỏ hơn; một số chuyên gia khác (như E. A. Speiser trong tác phẩm The Rivers of Paradise – Những dòng sông trên Thiên đường) lại cho rằng vì 4 dòng sông này cùng đổ về đầu vịnh Persia nên Vườn Eden không phải nằm ở phía bắc mà phải là ở phía nam Mesopotamia.
Cái tên Eden trong Kinh thánh có nguồn gốc từ tiếng Mesopotamia, có gốc từ từ edinu trong tiếng Akkad, có nghĩa là “đồng bằng”. Chúng ta hãy nhớ rằng danh hiệu “thần thánh” của các vị thần cổ đại là DIN.GIR (“các Đấng Chính nghĩa của những quả tên lửa”). Người Sumer gọi cung điện của các vị thần là E.DIN, có nghĩa là “ngôi nhà của những Đấng Chính nghĩa” – một sự mô tả thật trùng khớp.
Việc lựa chọn Mesopotamia làm nơi đặt “bản sao của Thiên đường” trên Trái đất chắc hẳn còn có một lý do quan trọng khác. Mặc dù người Nefilim vào thời kỳ đó đã xây dựng một sân bay vũ trụ trên đất liền nhưng có một số bằng chứng cho thấy ít nhất vào thời kỳ đầu, họ hạ cánh bằng cách lao thẳng xuống biển trong một khoang kín. Nếu đây là phương pháp hạ cánh của họ thì Mesopotamia là nơi gần với không phải một mà là 2 vùng biển – Nam Ấn Độ Dương và Tây Địa Trung Hải – vì vậy, trong trường hợp khẩn cấp, việc hạ cánh không chỉ phụ thuộc vào một vùng biển duy nhất. Như chúng ta sẽ thấy, một khu vực vịnh thuận lợi để là điểm khởi hành những chuyến hải trình dài ngày trên biển cũng là một yếu tố thiết yếu.
Trong các ghi chép và tranh vẽ cổ đại, ban đầu chiếc phi thuyền của người Nefilim được gọi là những “Con tàu Thần thánh”. Ta có thể hình dung ra cảnh hạ cánh của các phi hành gia này được miêu tả trong các câu chuyện sử thi cổ đại: Một chiếc tàu ngầm đột ngột xuất hiện trên trời rồi lao xuống biển, từ con tàu đó những “người cá” nổi lên mặt nước và tiến vào bờ.
Thực tế, các ghi chép này cũng kể rằng có những AB.GAL điều khiển các con tàu vũ trụ mặc trang phục giống như cá. Một ghi chép về những chuyến hành trình của Ishtar kể rằng vị nữ thần này tìm cách gặp được “gallu lớn” (hoa tiêu trưởng), người đã bỏ đi “trong một chiếc tàu bị chìm”. Berossus truyền lại cho chúng ta những truyền thuyết về Oannes, “Người được trao trí khôn”, một vị thần xuất hiện từ “vùng biển Erythrea giáp với Babylon” trong năm đầu tiên khi Vương quyền được truyền từ Thiên đường xuống Mặt đất. Berossus kể rằng tuy Oannes có hình dạng giống cá nhưng lại có đầu người bên dưới đầu cá và có đôi chân người dưới chiếc đuôi cá. “Giọng nói và ngôn ngữ của ông cũng rõ ràng như con người.” (Hình 126)

Hình 126

Ba sử gia Hy Lạp, những người lý giải về những gì Berossus viết ra, cho rằng người cá xuất hiện theo một chu kỳ nhất định, tiến vào bờ từ “vùng biển Erythrea” – vùng biển mà hiện nay chúng ta gọi là Biển Arab (Tây Ấn Độ Dương).
Tại sao người Nefilim lại hạ cánh xuống Ấn Độ Dương, cách xa địa điểm họ chọn ở Mesopotamia hàng trăm dặm thay vì vịnh Persia, địa điểm gần hơn rất nhiều? Các ghi chép cổ xưa đã gián tiếp xác nhận kết luận của chúng tôi rằng những lần hạ cánh đầu tiên diễn ra vào thời kỳ băng hà thứ hai khi vùng vịnh Persia ngày nay không phải là biển mà là một vùng đầm lầy và các hồ nông, nơi không thuận lợi cho việc hạ cánh theo kiểu rơi xuống nước.
Hạ cánh xuống vùng biển Arab, những sinh vật thông minh đầu tiên trên Trái đất đã tìm đường hướng về Mesopotamia. Thời kỳ đó, các đầm lầy ăn sâu vào đất liền hơn bờ biển ngày nay và họ đã dựng nên khu định cư đầu tiên của mình trên hành tinh của chúng ta ở ven những đầm lầy này.
Họ đặt tên cho khu định cư này là E.RI.DU (“ngôi nhà được xây ở nơi xa”). Đây quả là một cái tên thật phù hợp!
Cho tới ngày nay, thuật ngữ ordu trong tiếng Ba Tư vẫn có nghĩa là “khu trại”. Đây là từ mà nghĩa của nó ăn sâu bám rễ vào tất cả các loại ngôn ngữ: Vùng đất định cư được gọi là Erde trong tiếng Đức, Erda trong tiếng Đức cổ (Old High German), Jördh trong tiếng Iceland, Jord trong tiếng Đan Mạch, Airtha trong tiếng Gothic, Erthe trong tiếng Anh trung cổ (Middle English); và quay trở lại về mặt địa lý và thời gian, từ “Trái đất” (Earth) chính là Aratha hay Ereds trong tiếng Xy-ri, Erd hay Ertz trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và Eretz trong tiếng Hebrew.
Tại Eridu ở phía nam Mesopotamia, người Nefilim đã lập nên Trạm Trái đất I, một tiền đồn đơn độc trên một hành tinh phân nửa là băng giá. (Hình 127)

Hình 127

Những ghi chép của người Sumer được xác nhận bởi các bản dịch bằng tiếng Akkad sau này đã liệt kê những khu định cư hay “thành phố” đầu tiên của người Nefilim theo thứ tự mà họ đã xây dựng lên. Những ghi chép này còn cho chúng ta biết tên vị thần phụ trách từng khu định cư này. Một ghi chép bằng tiếng Sumer được cho là bản gốc của tác phẩm “Deluge Tablet” (tạm dịch: Hồng thủy ký) của người Akkad kể về 5 trong số 7 thành phố đầu tiên như sau:
Sau khi vương quyền được trao xuống từ Thiên đường,
sau khi vương miện cao quý, ngai vàng vương quyền
được trao xuống từ Thiên đường,
ngài… hoàn chỉnh các quy trình
lễ nghi thần thánh…
Lập nên 5 thành phố ở những chốn thuần khiết
đặt tên cho chúng,
đặt chúng làm trung tâm.
Thành đầu tiên là ERIDU,
được trao cho Nudimmud lãnh đạo,
Thành thứ hai, BAD-TIBIRA,
ngài trao cho Nugig.
Thành thứ ba, LARAK,
ngài trao cho Pabilsag.
Thành thứ tư, SIPPAR,
ngài trao cho anh hùng Utu.
Thành thứ năm, SHURUPPAK,
ngài trao cho Sud.
Thật không may là tên của vị thần đã trao Vương quyền từ Thiên đường xuống Mặt đất, người lên kế hoạch thành lập Eridu và 4 thành phố khác và bổ nhiệm các thủ lĩnh hay chỉ huy cho các thành phố này lại bị mờ không đọc được. Tuy nhiên, tất cả các ghi chép đều thống nhất rằng vị thần tiến từ bờ biển vào khu vực xung quanh vùng đầm lầy và ra lệnh rằng: “Chúng ta định cư ở đây” chính là Enki, vị thần trong ghi chép này được gọi là “Nudimmud” (“Đấng Sáng tạo ra mọi thứ”).
Hai cái tên của vị thần này – EN.KI (“Chúa tể Đất liền”) và E.A (“Thần Nước”) – là những cái tên phù hợp nhất. Eridu, thành phố luôn là nơi ngự trị và là trung tâm thờ cúng Enki xuyên suốt lịch sử Mesopotamia, được xây dựng trên nền đất san lấp từ các hồ nước nông và đầm lầy. Những thông tin này được thể hiện trong một ghi chép mà nhà khảo cổ S. N. Kramer đặt tên là “Huyền thoại Enki và Eridu”:
Chúa tể của vùng nước sâu, thần Enki…
xây lên ngôi nhà của mình…
Ở Eridu ngài dựng lên Ngôi nhà bên hồ…
Thần Enki… đã dựng lên ngôi nhà:
Eridu, vững chãi như núi,
được ngài cất lên từ mặt đất;
ngài xây dựng nó tại nơi có địa thế đẹp.
Ghi chép này và nhiều ghi chép không còn nguyên vẹn khác đều cho thấy rằng một trong những mối bận tâm hàng đầu của những “người khai hóa” này trên Trái đất là giải quyết các vấn đề liên quan đến hồ cạn và đầm lầy ngập nước. “Ngài khơi dòng…; tiến hành làm sạch những dòng sông nhỏ”. Nỗ lực nạo vét các lòng suối và nhánh sông nhằm tháo nước khỏi các đầm lầy và có được nguồn nước sạch hơn phục vụ sinh hoạt và tiến hành công tác thủy lợi có kiểm soát. Chuyện kể của người Sumer còn đề cập đến việc san lấp hoặc đắp đê để bảo vệ những ngôi nhà đầu tiên khỏi những dòng nước tràn lan khắp nơi.
Một ghi chép được các chuyên gia đặt tên là “Huyền thoại” của “Enki và Trật tự của Xứ sở” là một trong những chuyện kể bằng thơ của người Sumer dài nhất được chúng ta tìm thấy và được bảo tồn tốt nhất đến nay. Câu chuyện bằng thơ này dài khoảng 470 dòng, trong đó 375 dòng còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, thật không may, phần mở đầu (khoảng 50 dòng) đã bị hư hại. Những đoạn thơ tiếp theo được dành để ca tụng Enki và việc vị thần này thiết lập quan hệ với vị Chủ thần Anu (cha của Enki), Ninti (chị của ngài) và Enlil (anh trai của ngài).
Sau phần giới thiệu này là đoạn “tự sự” của Enki. Nghe lạ lùng, nhưng thực tế, đoạn thơ này sử dụng ngôi thứ nhất, Enki kể về chuyến hạ cánh của mình xuống Trái đất.
“Khi ta tới gần Mặt đất,
ở đó nước ngập mênh mang.
Khi ta tới gần đồng cỏ xanh tươi,
những gò, những đống đội lên
theo lệnh của ta.
Ta xây ngôi nhà của mình ở nơi thuần khiết…
Nhà của ta –
Nằm ven Đầm Rắn…
Những con cá chép quẫy đuôi trong đầm
giữa những cây sậy gizi nhỏ.”
Bài thơ này tiếp tục với ngôi thứ ba, miêu tả những thành tự mà Enki đạt được. Sau đây là một số câu thơ chọn lọc:
Ngài chú ý tới vùng đầm lầy,
thả vào đó cá chép và… nhiều loại cá khác;
Ngài chú ý tới những bụi cây,
trồng vào đó… sậy và cây xanh.
Ngài bổ nhiệm Enbilulu,
Kiểm tra Kênh đào, phụ trách vùng đầm lầy.
Ngài làm ra chiếc lưới mắt dày, không cho con cá nào thoát,
chiếc cạm không cho… nào thoát,
chiếc bẫy không con chim nào thoát,
… con trai của… vị thần thích cá
được Enki giao phó phụ trách về cá và chim.
Enkimdu, chuyên phụ trách về mương và đập,
được Enki giao phụ trách mương và đập.
Người… hướng dẫn cách đúc,
Kulla, người làm gạch cho Xứ sở,
được Enki giao phụ trách việc đúc và làm gạch.
Bài thơ liệt kê ra nhiều thành tựu khác của Enki, trong đó có việc khơi thông và làm sạch hệ thống sông Tigris và nối 2 dòng sông Tigris và Euphrates bằng một kênh đào. Ngôi nhà bên bờ sông của ngài nằm liền kề với một bến nước, nơi những chiếc bè và thuyền bằng sậy neo đậu và khởi hành đi khắp nơi. Bởi vậy mà ngôi nhà này được gọi là E.ABZU (“ngôi nhà của Vùng Nước sâu”). Từ đó người ta đã dùng tên gọi này để chỉ khu đền thiêng của Enki ở Eridu trong nhiều thiên niên kỷ.
Enki và các vị thần thân cận của mình đã tiến hành khai phá những vùng đất xung quanh Eridu, tuy nhiên, có vẻ vị thần này lại thích đi lại bằng đường thủy hơn. Trong một bản ghi chép, vị thần này nói rằng vùng đầm lầy “là địa điểm ưa thích của ta; nó vươn những cánh tay của nó về phía ta”. Trong những ghi chép khác, Enki mô tả việc đi lại trong đầm lầy bằng chiếc thuyền MA.GUR (nghĩa đen là “chiếc thuyền vạn dặm”), một chiếc thuyền du lịch. Vị thần này kể về việc thủy thủ đoàn của mình “sải những mái chèo nhịp nhàng”, việc họ thường “hát những bài hát ngọt ngào khiến cho dòng sông cũng hân hoan”. Ngài giãi bày rằng vào những lúc đó “những bài thánh ca và thần chú ngân nga, tràn ngập Vùng Nước sâu của ta”. Ngay cả những chi tiết nhỏ như tên vị thuyền trưởng của chiếc thuyền này cũng được ghi lại. (Hình 128)

Hình 128

Những bản danh sách các vua của người Sumer cho thấy rằng Enki và nhóm người Nefilim đầu tiên ở lại Trái đất trong một thời gian khá dài: 8 shar (28.800 năm) trôi qua trước khi người chỉ huy thứ hai hay “trưởng khu định cư” được chỉ định mới.
Chủ đề này sẽ dần được làm sáng tỏ với nhiều điều thú vị khi ta nghiên cứu các bằng chứng về thiên văn. Các chuyên gia đã từng rất đau đầu với sự “mơ hồ” của người Sumer trong việc xác định xem trong số 12 ngôi nhà hoàng đạo thì ngôi nhà nào gắn liền với Enki. Dấu hiệu đầu dê mình cá biểu tượng của chòm sao Ma Kết rõ ràng gắn liền với hình ảnh của Enki (và có thể giải thích cho ý nghĩa tên của người sáng lập ra Eridu, A.LU.LIM, có nghĩa là “con cừu của dòng nước lấp lánh”). Tuy nhiên hình ảnh Ea/Enki lại thường được khắc họa qua hình ảnh một bình nước tuôn chảy trong tay – hình ảnh của Người Mang nước, hay chòm sao Bảo Bình; và chắc chắn ngài là Thần của các loài cá nên phải gắn liền với chòm sao Song Ngư.
Các nhà thiên văn hiện nay khó mà giải thích được làm cách nào mà các nhà chiêm tinh cổ đại có thể thực sự nhìn thấy các hình ảnh chẳng hạn như những con cá hay một người mang nước trong một chòm sao. Câu trả lời mà ta có thể nghĩ ra đó là các ký hiệu hoàng đạo không phải được đặt tên theo hình dáng của chòm sao mà được đặt theo tên gọi hay hoạt động chính của vị thần gắn liền với thời kỳ khi điểm xuân phân nằm trong ngôi nhà hoàng đạo của họ.
Theo quan điểm của chúng tôi, nếu Enki hạ cánh xuống Trái đất vào lúc bắt đầu Thời đại Song Ngư, chứng kiến sự dịch chuyển tuế sai sang Thời đại Bảo Bình và trải qua trọn một Great Year (25.920 năm) cho tới khi Thời đại Ma Kết bắt đầu thì quả thật vị thần này là người lãnh đạo duy nhất trên Trái đất suốt 28.800 năm như đã định.
Khoảng thời gian này cũng xác nhận kết luận của chúng tôi trước đó rằng người Nefilim đến Trái đất vào giữa Kỷ Băng hà. Công việc đắp đập đào kênh đầy khó nhọc được tiến hành khi điều kiện khí hậu vẫn còn khắc nghiệt. Nhưng sau thời gian vài shar kể từ khi họ đổ bộ xuống Trái đất, thời kỳ băng giá đã nhường chỗ cho một thời kỳ khí hậu ấm áp và nhiều mưa hơn (vào khoảng 430.000 năm trước). Sau đó người Nefilim quyết định di chuyển sâu hơn vào đất liền và mở rộng các khu định cư của mình. Đó cũng là lý do tại sao các Anunnaki (người Nefilim bình thường) gọi vị chỉ huy thứ hai của mình ở Eridu là “A.LAL.GAR” (“người yên tâm với thời kỳ nhiều mưa”).
Trong khi Enki phải trải qua rất nhiều khó khăn với tư cách là người tiên phong trên Trái đất, thì Anu và người con trai Enlil vẫn đang quan sát mọi diễn biến từ Hành tinh thứ Mười hai. Các ghi chép của người Mesopotamia thể hiện rõ rằng người phụ trách sứ mệnh Trái đất thực sự chính là Enlil; và ngay khi quyết định tiếp tục sứ mệnh được đưa ra, Enlil đã tự mình đến Trái đất. EN.KI.DU.NU (“Enki đào sâu”) đã xây dựng cho vị thần này một khu trại hay căn cứ đặc biệt có tên là Larsa. Khi Enlil tiếp quản nơi này, ngài được gọi là ALIM (“Cừu Đực”), trùng tên với “thời đại” của chòm sao hoàng đạo Bạch Dương.
Việc xây dựng căn cứ Larsa đã mở ra một giai đoạn mới trong quá trình định cư trên Trái đất của người Nefilim. Nó là dấu mốc cho quyết định tiếp tục các nhiệm vụ còn dang dở trên Trái đất, nhu cầu phải vận chuyển tới Trái đất thêm nhiều “nhân lực”, dụng cụ và thiết bị và để đưa những tài nguyên quý giá trở về Hành tinh thứ Mười hai.
Phương pháp hạ cánh bằng cách lao xuống biển đã không còn phù hợp cho những phi thuyền có tải trọng nặng hơn. Hiện tượng biến đổi khí hậu khiến việc tiếp cận đất liền trở nên dễ dàng hơn; đây chính là thời điểm di chuyển khu vực hạ cánh vào trung tâm Mesopotamia. Vào thời điểm này, Enlil xuống Trái đất và cho xây dựng ở Larsa một “Trung tâm điều khiển Sứ mệnh” – một đài chỉ huy phức tạp để từ đó người Nefilim trên Trái đất có thể điều phối các chuyến bay vũ trụ đi và đến hành tinh của mình, hướng dẫn các khoang đổ bộ hạ cánh và hoàn thiện quy trình cất cánh và ghép nối với tàu mẹ đang bay trên quỹ đạo Trái đất.
Khu vực mà Enlil lựa chọn cho mục đích này được ngài đặt tên là NIBRU.KI (“băng qua Trái đất”), còn được gọi là Nippur trong nhiều thiên niên kỷ (địa điểm nơi Hành tinh thứ Mười hai đi qua gần Trái đất nhất được gọi là: “Nơi băng qua trong vũ trụ”). Tại đây Enlil đã lập ra DUR.AN.KI, “điểm kết nối Trời-Đất”.
Nhiệm vụ này vô cùng phức tạp và tốn nhiều thời gian. Enlil ở lại Larsa 6 shar (21.600 năm) trong khi Nippur đang được xây dựng. Việc xây dựng ở Nippur cũng mất rất nhiều thời gian, điều này được thể hiện qua tên gọi theo chòm sao hoàng đạo của Enlil. Tên gọi ban đầu của ngài là Cừu Đực (Bạch Dương) lúc còn ở Larsa, về sau ngài lại gắn liền với hình ảnh Bò Đực (Kim Ngưu). Nippur được dựng lên trong “thời đại” Kim Ngưu.
“Bài thánh ca cho Enlil, đấng ban mọi phước lành” được soạn ra nhằm ngợi ca Enlil, người vợ Ninlil, thành Nippur và “ngôi nhà cao quý” E.KUR cho ta biết rất nhiều thông tin về Nippur. Thứ nhất, Enlil đã cho bố trí ở đây một số thiết bị rất phức tạp: một “con mắt trên cao” quan sát vùng đất, một “chùm sáng lia khắp mọi nơi”. Bài thơ này kể rằng Nippur được bảo vệ bởi những vũ khí khủng khiếp: “Ánh nhìn của nó thật khủng khiếp”; từ “vùng ngoại vi của nó, không vị thần nào có thể đến gần”. Vũ khí của nó là một “mạng lưới khổng lồ” và ở chính giữa là một “con chim chạy nhanh”, một “con chim” mà những kẻ xấu xa, ma quỷ không thể thoát khỏi “bàn tay” của nó. Phải chăng nơi này được bảo vệ bởi một loại tia sáng chết người và một trường năng lượng điện nào đó? Phải chăng chính giữa nó là một sân đỗ máy bay trực thăng, một “con chim” bay nhanh đến mức không ai có thể thoát khỏi sự truy lùng của nó?
Tại trung tâm Nippur, sừng sững trên một nền đất đắp cao là tổng hành dinh KI.UR (“nơi cội nguồn Mặt đất”) của Enlil, nơi lập nên điểm “kết nối Trời-Đất”. Đây chính là phòng liên lạc của Trung tâm điều khiển Sứ mệnh, nơi các Anunnaki trên Trái đất liên lạc với chỉ huy của họ, các IGI.GI (“người quan sát”) ở trong tàu mẹ trên quỹ đạo.
Bài thánh ca này tiếp tục kể rằng, tại trung tâm này có một “chiếc cột cao thẳng đứng chạm đến trời”. “Chiếc cột” cao ngút trời này được dựng vững chãi trên mặt đất “như một nền móng vĩnh cửu”, được Enlil sử dụng để “truyền đi lời nói của mình” tới trời. Đây là cách mô tả đơn giản cho một trạm phát sóng. Một khi “lời nói của Enlil” – những chỉ thị của ngài – “truyền lên trời, sự sung túc sẽ bao trùm Mặt đất”. Quả là một cách đơn giản để mô tả những dòng nguyên vật liệu, thực phẩm đặc biệt, thuốc men và công cụ được mang xuống Trái đất bằng chiếc tàu đổ bộ khi “chỉ thị” từ Nippur được ban ra!
Tại Trung tâm Điều khiển trên nền đất cao – “ngôi nhà cao quý” của Enlil này có một căn phòng bí ẩn được gọi là DIR.GA:
Bí hiểm như những Đại dương xa xôi,
như Thiên đỉnh trên bầu trời.
Giữa những biểu tượng của nó…
những biểu tượng của các vì sao.
Nó giúp hoàn thiện các ME.
Những lời của nó được bày tỏ…
Đó là những lời tiên tri tốt lành.
Dirga này là cái gì? Những chỗ hư hỏng trên tấm đất sét cổ xưa này hạn chế chúng ta thu thập thêm các dữ liệu, nhưng chính cái tên của nó đã nói lên tất cả, bởi dirga có nghĩa là “căn phòng tối hình vương miện”, nơi cất giữ bản đồ các vì sao, nơi đưa ra những lời dự đoán, nơi các me (liên lạc giữa các phi hành gia) được thu nhận và truyền dẫn. Cách miêu tả này làm ta nhớ đến Trung tâm Điều khiển ở Houston, Texas, Mỹ nơi giám sát các nhà du hành vũ trụ thực hiện sứ mệnh Mặt trăng, khuếch đại các tín hiệu liên lạc, lập hành trình cho họ giữa bầu trời đầy sao, đưa ra những hướng dẫn “tiên tri tốt lành” cho họ.
Đến đây ta có thể nhớ đến câu chuyện về thần Zu, vị thần đã tìm đến cung điện của Enlil và đánh cắp đi Tấm bảng Sinh mệnh, từ đó “làm đình trệ việc ban hành mệnh lệnh… căn phòng thiêng mất đi ánh hào quang của nó… sự tê liệt lan rộng khắp nơi… sự im lặng bao trùm”.
Trong “Thiên sử thi Sáng tạo”, “sinh mệnh” của các hành tinh chính là quỹ đạo của chúng. Thế nên ta có lý do để tin rằng Tấm bảng Sinh mệnh vốn có vai trò sống còn đối với các chức năng của Trung tâm Điều khiển của Enlil đồng thời cũng có vai trò điều khiển quỹ đạo và đường bay của các phi thuyền vốn đang duy trì “kết nối” giữa Trời và Đất. Đó có thể là chiếc “hộp đen” rất quan trọng chứa đựng các chương trình máy tính dẫn đường cho các phi thuyền mà nếu không có nó thì liên lạc giữa người Nefilim trên Trái đất và đường truyền kết nối họ với Hành tinh mẹ sẽ bị gián đoạn.
Đa số các chuyên gia cho rằng cái tên EN.LIL có nghĩa là “chúa tể của những cơn gió” vốn phù hợp với giả thuyết rằng người cổ đại đã “nhân cách hóa” các yếu tố của tự nhiên và gán cho một vị thần quyền cai quản các cơn gió và bão tố. Tuy nhiên một số chuyên gia đã có ý kiến cho rằng trong trường hợp này từ LIL không phải có nghĩa là gió bão trong tự nhiên mà là “gió” từ miệng – một câu nói, một mệnh lệnh, một giao tiếp bằng lời. Một lần nữa, những ký tự hình vẽ cổ xưa của người Sumer đối với từ EN – đặc biệt là trong trường hợp Enlil – và từ LIL đã soi sáng cho vấn đề này. Vì hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy là một công trình với một tháp ăng-ten cao phía trên, cũng như một thiết bị trông rất giống hệ thống ra-đa khổng lồ của chúng ta ngày nay dùng để thu và phát tín hiệu – đó chính là “mạng lưới khổng lồ” được mô tả trong ghi chép trên. (Hình 129)

Hình 129

Ở “trung tâm công nghiệp” Bad-Tibira, Enlil đã trao quyền chỉ huy cho con trai mình là Nannar/Sin; một số ghi chép liệt kê các thành phố gọi tên vị thần này là NU.GIG (“vị thần của bầu trời đêm”). Chúng tôi tin rằng ở đây cặp song sinh Inanna/Ishtar và Utu/Shamash đã được sinh ra – một sự kiện được đánh dấu bằng việc gán người cha Nannar của họ với chòm sao hoàng đạo tiếp theo, chòm sao Song Tử (Song Sinh). Là vị thần chuyên về tên lửa, Shamash được gán với chòm sao GIR (vừa có nghĩa là “tên lửa” vừa có nghĩa là “càng cua”, hay Cự Giải), tiếp theo là Ishtar và chòm sao Sư tử, con vật thường được Ishtar đứng trên lưng trong các bức họa.
Người chị của Enlil và Enki, “y tá” Ninhursag (SUD) cũng không bị bỏ quên: Enlil đã giao cho bà cai quản Shuruppak, trung tâm y tế của người Nefilim – một sự kiện được đánh dấu bằng việc đặt tên cho chòm sao của vị nữ thần này là “Thất Nữ” (Xử Nữ).
Trong khi các trung tâm này đang được dựng lên, thì việc xây dựng sân bay vũ trụ của người Nefilim trên Trái đất đã được tiến hành ngay sau khi việc xây dựng Nippur hoàn thành. Các ghi chép cổ ghi rõ rằng Nippur là nơi mà những “lời nói” – những mệnh lệnh – được ban ra: Ở đó, khi “Enlil ra lệnh: ‘Hướng lên trời!’… thì những luồng sáng vọt lên như một quả tên lửa”. Nhưng hành động này diễn ra ở “nơi Shamash bay lên” và nơi đó – một “sân bay vũ trụ Kennedy” của người Nefilim – chính là Sippar, thành phố nằm dưới quyền cai quản của Đại bàng chúa, nơi những chiếc tên lửa đa tầng được phóng lên từ những hầm chứa đặc biệt, những “khu vực cấm thần thánh”.
Khi trưởng thành và đảm nhiệm chức vụ chỉ huy đội Tên lửa và đồng thời trở thành Thần Công lý, Shamash được gán với chòm sao Bọ Cạp và Thiên Bình.
Đứng cuối danh sách 7 thành phố đầu tiên của các vị thần và tương ứng với 12 chòm sao hoàng đạo là Larak, thành phố nơi Enlil trao quyền cai quản cho con trai Ninurta. Danh sách liệt kê tên các thành phố gọi vị thần này là PA.BIL.SAG (“Người Bảo vệ Vĩ đại”); đó cũng chính là cái tên mà người ta dùng để gọi cho chòm sao Nhân Mã.

*

Thật thiếu thực tế nếu ai đó cho rằng 7 thành phố đầu tiên của các vị thần được lập nên một cách tình cờ. Những vị thần có khả năng du hành trong vũ trụ này đã xác định vị trí khu định cư đầu tiên theo một kế hoạch rõ ràng nhằm phục vụ một nhu cầu cấp thiết: khả năng hạ cánh xuống Trái đất và rời Trái đất trở về hành tinh của mình.
Vậy kế hoạch tổng thể là gì?
Trong quá trình tìm kiếm câu trả lời, chúng tôi tự đặt cho mình một câu hỏi: Đâu là nguồn gốc của biểu tượng thiên văn học và chiêm tinh học trên Trái đất – một hình tròn với một chữ thập vuông ở chính giữa, biểu tượng mà chúng ta thường dùng để biểu thị “mục tiêu”?
Biểu tượng này có nguồn gốc từ nền thiên văn và chiêm tinh học của người Sumer và giống với ký tự tượng hình trong tiếng Ai Cập có nghĩa là “địa điểm”:
Đây chỉ là sự trùng hợp hay là một chứng cứ quan trọng? Phải chăng người Nefilim đã đổ bộ lên Trái đất bằng cách vẽ một ký hiệu “mục tiêu” nào đó lên trên bản đồ của mình?
Người Nefilim là những kẻ xa lạ trên Trái đất. Khi quan sát Trái đất từ ngoài vũ trụ, có lẽ họ đã đặc biệt chú ý tới những ngọn núi và các dãy núi. Những rặng núi này có thể gây nguy hiểm trong quá trình cất cánh và hạ cánh, nhưng chúng cũng có thể trở thành những cột mốc định hướng.
Giả sử như người Nefilim đang bay lượn trên Ấn Độ Dương và nhìn về Vùng đất giữa các Dòng sông, nơi họ đã lựa chọn cho nỗ lực khai phá đầu tiên của mình thì họ sẽ nhìn thấy một cột mốc bất khả xê dịch: đó là núi Ararat.
Là một dãy núi lửa không còn hoạt động, Ararat nổi bật trên vùng cao nguyên Armenia nơi ngày nay là biên giới giao nhau giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Cộng hòa Armenia. Phía sườn đông và sườn bắc của nó có độ cao hơn 900m so với mực nước biển, còn sườn phía tây bắc có độ cao 1524m. Cả dãy núi này có đường kính khoảng 40km), quả là một mái vòm cao ngất vươn lên từ bề mặt Trái đất.
Khối núi này còn có những điểm đặc biệt khác khiến nó không chỉ nổi bật ở đường chân trời mà còn ở vị trí từ trên trời nhìn xuống. Đầu tiên, nó nằm gần như chính giữa khu vực hồ Van và hồ Se-Van. Thứ hai, khối núi này có 2 đỉnh vươn lên: đỉnh Ararat Nhỏ (xấp xỉ 3.932m) và đỉnh Ararat Lớn (xấp xỉ 5.182m) trên độ cao 5.000m. Không ngọn núi nào có thể sánh được với 2 đỉnh núi quanh năm tuyết phủ này về chiều cao. Chúng giống như 2 ngọn hải đăng chiếu sáng hai khu vực hồ rộng lớn giống như những chiếc gương phản chiếu khổng lồ này.
Chúng ta có lý do để tin rằng người Nefilim đã lựa chọn địa điểm hạ cánh bằng cách xác định tọa độ giữa một đường kinh tuyến bắc-nam với một cột mốc dễ nhận biết cùng một địa điểm thuận tiện gần sông ngòi. Ở phía bắc Mesopotamia, 2 đỉnh núi Ararat đóng vai trò làm cột mốc. Một đường kinh tuyến kéo qua điểm giữa 2 đỉnh núi Ararat chia đôi dòng sông Euphrates. Đó chính là mục tiêu – địa điểm được lựa chọn để xây dựng sân bay vũ trụ. (Hình 130)

Hình 130

Liệu họ có thể dễ dàng hạ cánh và cất cánh ở địa điểm này?
Câu trả lời là Có. Địa điểm được chọn này nằm trong một vùng đồng bằng, nằm cách xa những dãy núi bao quanh Mesopotamia. Những ngọn núi cao nhất (về phía đông, đông bắc và bắc) đều không gây trở ngại cho con tàu đổ bộ lượn vào từ phía đông nam.
Địa điểm này có thuận tiện cho việc đi lại không – liệu có gây trở ngại cho các phi hành gia và việc vận chuyển các vật liệu đến đó không?
Câu trả lời một lần nữa lại là Có. Người ta có thể đến được địa điểm này bằng đường bộ hoặc qua ngả sông Euphrates bằng đường thủy.
Và thêm một câu hỏi quan trọng nữa: Ở gần đó có nguồn năng lượng, hay nhiên liệu để thắp sáng hay phát điện không? Câu trả lời vẫn là Có. Khúc uốn cong của sông Euphrates nơi sắp xây dựng Sippar là một trong những mỏ bitum lộ thiên phong phú nhất trong thời kỳ cổ đại, các sản phẩm dầu mỏ phun lên qua những giếng dầu tự nhiên và có thể khai thác ngay trên bề mặt mà không cần phải đào hay khoan sâu xuống lòng đất.
Ta có thể tưởng tượng ra hình ảnh Enlil đứng giữa những trợ lý của mình trên khoang chỉ huy của con tàu vũ trụ, vạch dấu chữ thập trong một vòng tròn lên bản đồ. Có thể ngài đã hỏi: “Chúng ta sẽ đặt tên cho nơi này là gì?”
“‘Sippar’ thì sao?”, một người đề xuất.
Trong ngôn ngữ vùng Cận Đông, cái tên này có nghĩa là “chim”. Sippar là địa điểm nơi những chú Đại bàng làm tổ.
Vậy những khoang tàu đổ bộ đã hạ cánh xuống Sippar như
thế nào?
Chúng ta có thể hình dung ra cảnh một hoa tiêu của tàu vũ trụ vạch ra đường bay hợp lý nhất. Phía bên trái là dòng sông Euphrates; vùng cao nguyên núi non trùng điệp ở phía tây; phía bên phải là dòng sông Tigris và dãy Zagros ở phía đông. Nếu con tàu tiếp cận Sippar theo một góc 45° so với đường kinh tuyến đi qua Ararat thì nó sẽ đảm bảo được an toàn khi bay qua giữa 2 khu vực nguy hiểm đó. Hơn nữa, khi chuẩn bị hạ cánh ở góc độ này, con tàu sẽ vượt qua ngọn núi đá Arab ở phía nam bằng đường bay cao và bắt đầu lượn xuống mặt nước vịnh Persia. Quá trình lượn lên xuống của con tàu sẽ không gặp bất kỳ trở ngại nào về tầm nhìn cũng như việc liên lạc với Trung tâm Điều khiển ở Nippur.
Sau đó trợ lý của Enlil vạch ra một phác thảo sơ bộ − một tam giác với các vùng nước và ngọn núi ở mỗi cạnh, với dấu chỉ hình mũi tên hướng về Sippar. Dấu “X” ở chính giữa đánh dấu vị trí của Nippur. (Hình 131)

Hình 131

Nghe có vẻ khó tin, nhưng bản phác thảo này không phải do chúng tôi làm ra; nó được vẽ trên một đồ vật bằng gốm tìm thấy ở Susa, trong một lớp địa tầng có niên đại khoảng từ năm 3.200 TCN. Nó khiến chúng ta nhớ đến bản bình đồ địa cầu mô tả đường bay và quy trình bay cũng được chia thành các phần 45° ở phần trên.
Việc người Nefilim xây dựng các khu định cư trên Trái đất không phải là nỗ lực được chăng hay chớ. Tất cả các phương án khác đều đã được nghiên cứu, tất cả các nguồn tài nguyên đề được đánh giá, tất cả các rủi ro tiềm năng đều được cân nhắc; hơn nữa, bản thân kế hoạch định cư cũng được vạch ra một cách kỹ càng để đảm bảo mỗi khu định cư sẽ trở thành một mảnh ghép trong bức tranh lớn, với mục đích vạch ra đường bay tới Sippar.
Trước đây chưa từng có ai thử tìm hiểu chiến lược tổng thể trong việc xây dựng các khu định cư rải rác khắp Sumer của người Nefilim. Nhưng nếu ta nhìn vào 7 thành phố được xây dựng đầu tiên, ta sẽ thấy rằng Bad-Tibira, Shuruppak và Nippur nằm trên một đường thẳng tạo với trục kinh tuyến qua Ararat chính xác một góc 45 độ và đường thẳng đó cắt trục kinh tuyến chính tại Sippar! 2 thành phố còn lại mà chúng ta biết tới là Eridu và Larsa cũng nằm trên một đường thẳng khác giao nhau với đường thẳng đầu tiên và trục kinh tuyến cũng chính tại Sippar!
Theo cách giải thích của chúng tôi về bản phác thảo cổ đại này, thì chúng ta hãy coi Nippur là trung tâm của một vòng tròn, rồi vẽ những đường tròn đồng tâm từ Nippur qua các thành phố khác, ta sẽ thấy rằng một thành phố Sumer cổ đại khác là Lagash cũng nằm chính xác trên một trong những đường tròn đó, trên một đường thẳng cách đều với đường thẳng Eridu-Larsa-Sippar qua trục đường thẳng 45 độ. Vị trí của Lagash nằm đối xứng với vị trí của Larsa qua trục này.
Tuy vị trí của thành phố LA.RA.AK (“nhìn thấy hào quang sáng ngời”) chưa được phát hiện nhưng vị trí phù hợp của nó sẽ là ở Điểm thứ 5, bởi theo logic thì phải có một Thành phố của các vị Thần ở khu vực này để tạo thành chuỗi các thành phố trên đường bay trung tâm với khoảng cách 6 beru: Bad-Tibira, Shuruppak, Nippur, Larak, Sippar. (Hình 132)
Hai đường thẳng phía ngoài nằm cách đều đường thẳng ở giữa chạy qua Nippur một góc 6° về mỗi bên có vai trò như những đường giới hạn phía tây nam và đông bắc cho đường bay chính. Thật phù hợp khi cái tên LA.AR.SA có nghĩa là “nhìn đèn đỏ” và LA.AG.ASH có nghĩa là “nhìn hào quang ở Điểm thứ 6”. Khoảng cách từ thành phố này đến thành phố kia trên mỗi đường thẳng trong thực tế cách nhau 6 beru (khoảng 60 km).

Hình 132

Chúng tôi tin rằng đây chính là chiến lược tổng thể của người Nefilim. Trong quá trình lựa chọn địa điểm phù hợp nhất để xây dựng sân bay vũ trụ (Sippar), họ đã bố trí các khu định cư khác theo mô hình đường bay trọng yếu tới sân bay này. Ở vị trí trung tâm họ xây dựng Nippur, nơi bố trí điểm “kết nối Trời-Đất”.

*

Con người ngày nay không thể nào nhìn thấy Thành phố của các vị Thần hay các di tích của chúng được nữa – tất cả chúng đều đã bị phá hủy trong trận Đại Hồng thủy quét qua Trái đất thời gian sau đó. Nhưng chúng ta vẫn có thể biết thêm được nhiều điều về chúng bởi nghĩa vụ thiêng liêng của các vị vua Mesopotamia là tái tạo lại các khu đền thiêng ở đúng các vị trí cũ và tuân thủ theo bản thiết kế gốc. Trong các ghi chép đầy sùng kính còn lại mô tả việc các vị vua tiến hành tái thiết này nhấn mạnh rằng họ phải bám sát các thiết kế nguyên bản một cách tỉ mỉ, ví dụ như trong một bản khắc được tìm thấy ở Layard:
Bản sơ đồ mặt bằng vĩnh cửu,
mà công trình
quyết định cho tương lai
[ta đã tuân theo].
Đó là bản sơ đồ chứa đựng
những bản vẽ từ Thời Xa xưa
và chữ viết của Trời Cao.
Như chúng tôi nghĩ, nếu Lagash là một trong những thành phố được coi là một đèn hiệu hạ cánh thì ý nghĩa của rất nhiều thông tin mà Gudea đưa ra từ thiên niên kỷ 3 TCN sẽ trở nên rõ ràng. Gudea viết rằng khi Ninurta hướng dẫn mình xây lại khu đền thiêng, một vị thần đi cùng ngài đã trao cho ông những bản thiết kế kiến trúc (được vẽ trên một tấm bảng bằng đá) và một vị nữ thần (người đã “du hành giữa Trời và Đất” trong chiếc “khoang” của mình) chỉ cho ông thấy một bản đồ thiên văn và hướng dẫn ông cách xác định vị trí công trình theo phương pháp thiên văn.
Bên cạnh “con chim thần” màu đen, thì còn có “con mắt khủng khiếp” của thần linh (“chùm sáng lớn chinh phục thế giới bằng năng lượng của nó”) và “thiết bị kiểm soát thế giới” (với âm thanh có thể “vang dội khắp nơi”) được lắp đặt trong ngôi đền thiêng này. Cuối cùng, khi công trình hoàn tất, “biểu tượng của Utu” được gắn phía trên ngôi đền, hướng về “nơi bay lên của Utu” – sân bay vũ trụ ở Sippar. Tất cả những thiết bị phát sáng này đều rất quan trọng với việc vận hành của sân bay vũ trụ, vì thế chính Utu đã “vui mừng đến nơi” để đích thân xem xét việc lắp đặt các thiết bị đó khi hoàn tất.
Các hình vẽ cổ xưa của người Sumer thường thể hiện những công trình lớn được xây dựng từ thời xa xưa nhất bằng cây sậy và gỗ, tọa lạc trên những cánh đồng giữa những bầy gia súc đang gặm cỏ. Giả thuyết hiện nay cho rằng đó là những chuồng nhốt gia súc lại hoàn toàn mâu thuẫn với những chiếc cột rõ ràng là nhô ra từ mái của những công trình đó. (Hình 133a)
Như chúng ta có thể nhận thấy, mục đích của những chiếc cột này là để chống đỡ một hay nhiều cặp “vòng” mà chức năng của chúng vẫn là một điều bí ẩn. Tuy các công trình này được dựng lên trên các cánh đồng nhưng ta có thể đặt câu hỏi rằng liệu có phải chúng được xây để nhốt gia súc hay không. Những chữ viết tượng hình của người Sumer (Hình 133b) thể hiện từ DUR, hay TUR (có nghĩa là “cung điện”, “nơi tụ họp”) có những nét vẽ rất giống với những công trình tương tự như vậy được thể hiện trên các con dấu lăn; nhưng chúng cho ta thấy rõ rằng đặc trưng chính của công trình này không phải là “mái lều” mà là chiếc tháp ăng-ten. Những chiếc cột với “vòng” tương tự còn được khắc trên lối vào đền thờ, trong các khu đền thiêng của các vị thần, chứ không chỉ xuất hiện trên các cánh đồng. (Hình 133c)
Phải chăng những chiếc ăng-ten này được kết nối với thiết bị phát sóng? Có phải những cặp vòng này là những thiết bị phát sóng radar được bố trí trên cánh đồng để dẫn đường cho tàu đổ bộ? Có phải những chiếc cột hình con mắt này là những bộ quét, những “con mắt nhìn thấy mọi thứ” của các vị thần xuất hiện trong nhiều ghi chép?

Hình 133

Chúng ta biết rằng thiết bị kết nối với những dụng cụ này là loại thiết bị di động bởi vì một số con dấu của người Sumer có khắc họa những “đồ vật của thần linh” hình chiếc hộp được chất trên thuyền hoặc lưng súc vật kéo để vận chuyển vào sâu hơn trong nội địa sau khi thuyền lớn cập bến. (Hình 134)
Những chiếc “hộp đen” này khiến ta nhớ đến chiếc Hộp Pháp điển mà Moses đã đóng theo chỉ dẫn của Thiên Chúa. Chiếc hộp này được làm bằng gỗ, được dát vàng cả bên trong và bên ngoài – 2 cực điện cách nhau bằng một miếng gỗ cách điện ở giữa. Một kapporeth cũng bằng vàng được đặt trên chiếc hộp và được cố định bởi 2 tiểu thiên sứ bằng vàng đặc. Bản chất của kapporeth (“cái nắp” theo suy đoán của các chuyên gia) không được thể hiện rõ; nhưng câu thơ sau trong Kinh Cựu ước đã nói lên mục đích của nó: “Và ta sẽ hướng dẫn cho ngươi từ trên Kapporeth, từ giữa 2 Tiểu thiên sứ”.

Hình 134

Ý kiến cho rằng chiếc Hộp Pháp điển này chính là một chiếc hộp liên lạc vận hành bằng điện càng được củng cố hơn bằng những hướng dẫn về khả năng cơ động của thiết bị này. Nó được vận chuyển bằng những chiếc gậy gỗ luồn qua 4 chiếc vòng vàng. Không ai được đụng vào chiếc hộp vì thế khi một người Israel chạm vào nó, anh ta bị giết chết ngay tức thì – như thể bị giật bởi một dòng điện cao thế.
Những thiết bị siêu nhiên có khả năng liên lạc với một vị thần cho dù vị thần đó đang ở xa này đã trở thành đồ vật được tôn kính, “những biểu tượng thờ cúng thiêng liêng”. Những ngôi đền ở Lagash, Ur, Mari và nhiều khu vực cổ đại khác đều khắc họa những “con mắt thần” này trong số những đồ vật thờ cúng. Trường hợp điển hình nhất được phát hiện tại một “ngôi đền mắt” ở Tell Brak, phía tây bắc Mesopotamia. Ngôi đền 4 thiên niên kỷ tuổi này có tên gọi như vậy không chỉ bởi hàng trăm biểu tượng “con mắt” được khai quật ở đây mà chủ yếu là do khu biệt điện của ngôi đền này chỉ có một bệ thờ, trên đó trưng bày một biểu tượng “đôi mắt” lớn bằng đá. (Hình 135)

Hình 135

Chắc hẳn đây là mô phỏng của những vật thiêng thật sự - “con mắt kinh khủng” của Ninurta, hoặc con mắt tại Trung tâm Điều khiển của Enlil ở Nippur mà những người ghi chép cổ đại từng đề cập đến: “Con mắt mở to của ngài quét khắp xứ sở… Chùm sáng của ngài lia khắp xứ sở.”
Có vẻ như vùng đồng bằng bằng phẳng của Mesopotamia đòi hỏi họ phải đắp những đài cao để bố trí các thiết bị vũ trụ. Các ghi chép và hình vẽ cổ xưa khẳng định rằng các công trình này rất đa dạng, từ những chiếc lều đầu tiên trên đồng cỏ cho tới những đài cao có bậc, có cầu thang hay sườn dốc thoải dẫn từ tầng thấp và rộng lên tầng cao và hẹp hơn dẫn lối lên tới đỉnh. Trên đỉnh của ngọn tháp này họ cho xây dựng một ngôi nhà thực thụ cho thần linh, xung quanh là một chiếc sân bằng phẳng có tường bao để chứa “con chim” và “vũ khí” của thần. Hình ảnh một ngọn tháp được khắc họa trên một con dấu lăn không chỉ thể hiện kiến trúc tầng nối tiếp tầng quen thuộc này mà còn có 2 “ăng-ten vòng” có chiều cao tương đương với 3 tầng tháp. (Hình 136)

Hình 136

Marduk cho rằng tổ hợp ngọn tháp và đền thờ ở Babylon (E.SAG.IL) đã được xây dựng dưới sự chỉ đạo của mình, đồng thời tuân thủ theo “ghi chép của Trời Cao”. Một tấm bảng đất sét (được gọi là Bảng Smith sau khi được giải mã) đã được André Parrot (tác giả cuốn Ziggurats et Tour de Babel – tạm dịch: Các ziggurat và tháp Babylon) phân tích cho thấy ngọn tháp 7 tầng này là một hình vuông hoàn hảo, với mỗi cạnh của tầng thứ nhất hay phần móng có kích thước 15 gar. Những tầng tiếp theo nhỏ hơn về diện tích và thấp hơn về chiều cao, ngoại trừ tầng trên cùng (ngôi nhà của thần), có chiều cao hơn hẳn. Tuy nhiên tổng chiều cao của ngọn tháp lại là 15 gar, vì vậy, cả cấu trúc hoàn chỉnh của ngọn tháp này không chỉ là một hình vuông hoàn hảo mà còn là một hình lập phương hoàn hảo.
Đơn vị gar được sử dụng trong các phép đo này tương đương với 12 cubit ngắn – khoảng 6m. 2 chuyên gia, H. G. Wood và L. C. Stecchini đã chỉ ra rằng con số 60, cơ sở hệ lục thập phân của người Sumer – quyết định đến tất cả các phép đo chính của những ngọn tháp ziggurat ở Mesopotamia. Thế nên chiều dài mỗi cạnh chân đế được tính là 3 nhân với 60 cubit (15 gar) và chu vi mặt chân đế là 60 gar. (Hình 137)

Hình 137

*

Dĩ nhiên trong các con số này có thể còn có nhiều “ẩn ý”. Tuy con số 33 không chính xác lắm với tọa độ Babylon nhưng nó lại hoàn toàn chính xác với tọa độ Sippar. Liệu có mối liên hệ nào giữa góc nâng 6° ở mỗi tầng và khoảng cách 6 beru giữa các thành phố của các vị thần? Liệu 7 tầng tháp này có mối liên quan như thế nào với địa điểm của 7 khu định cư đầu tiên, hay vị trí của Trái đất là hành tinh thứ bảy hay không?
G. Martiny (Astronomisches zur Babylonischen Turm – tạm dịch: Thiên văn học nghiên cứu tháp Babylon) chỉ ra rằng những đặc điểm của ngọn tháp ziggurat này khiến cho nó trở nên phù hợp với việc quan sát thiên văn và rằng tầng trên cùng của tháp Esagila hướng về phía hành tinh Shupa (mà chúng ta đã xác định là sao Diêm Vương) và chòm sao Bạch Dương. (Hình 138)
Nhưng các ngọn tháp ziggurat này được dựng lên chỉ để phục vụ mục đích quan sát các vì sao và hành tinh, hay còn để phục vụ cho các con tàu vũ trụ của người Nefilim? Tất cả các ngọn tháp này đều được định hướng sao cho các góc của chúng đều chỉ chính xác về hướng bắc, nam, đông và tây. Kết quả là các cạnh của chúng tạo thành một góc chính xác 45° so với 4 hướng chính. Điều này có nghĩa là một con tàu chuẩn bị hạ cánh có thể hướng theo những cạnh nhất định của ngọn tháp và tiến tới Sippar mà không gặp bất kỳ trở ngại nào!

Hình 138

Người Akkad/Babylon gọi các công trình này là zukiratu, có nghĩa là “ống của hồn thiêng”. Người Sumer gọi những ngọn tháp này là ESH, có nghĩa là “tối cao” hay “cao nhất” giống như đặc điểm thực tế của chúng. Nó cũng được dùng để chỉ một đơn vị số học liên quan đến khía cạnh “đo lường” của các ziggurat. Và nó còn có nghĩa là “một nguồn nhiệt” (“lửa” trong tiếng Akkad và Hebrew).
Ngay cả các chuyên gia từng tiếp cận với vấn đề này không thông qua cách diễn giải “vũ trụ” của chúng tôi đều không thể tránh khỏi kết luận rằng những ngọn tháp này phục vụ cho những mục đích nào đó thay vì là một cung điện “cao tầng” đơn thuần cho các vị thần. Samuel N. Kramer đã tổng kết ý kiến đồng thuận của các chuyên gia như sau: “Ngọn tháp ziggurat, ngọn tháp nhiều tầng vốn là tiêu chuẩn của kiến trúc đền thờ Mesopotamia… được xây dựng lên để trở thành nơi kết nối cả về mặt thực tế lẫn biểu tượng giữa các vị thần trên Thiên đường và người trần trên Mặt đất.”
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chỉ ra rằng chức năng thật sự của những công trình này là để kết nối các vị thần trên Thiên đường với các vị thần – chứ không phải người trần – trên Mặt đất.