Cuộc đời không cho phép tôi nằm mãi ở Nhà Hát Tây làm văn nghệ dấn thân chống Cộng để ăn cơm đĩa ghi sổ mà viễn mơ Sang Độc. Tôi rất ghét cuộc đời. Nó cắm chông dưới cằm và dưới mũi tôi. Gọi là râu và ria. Râu ria cứng ngắc, lởm chởm. Râu ria báo hiệu cho một sự ra đi. Ra đi gấp kẻo sửa soạn bắt chước Vũ Hoàng Chương mà than thở: Ba mươi năm trên vai mà trống không bình sinh. Lý Thông đã tốt nghiệp... Đại học Cán Bộ Chống Cộng. Chàng cóc cần tôi nữa. Chàng đã lên đường với cái ống loa làm sáng tỏ quốc sách chống Cộng. Bà chủ câu lạc bộ bỗng hết... quen tôi. Và con gái của bà, dù mắt toét, răng vồ, nước da mốc thếch như trăn gió, vẩn không dể bị sang độc bởi thi văn Sang Độc mà cho tôi ghi sổ ăn chịu.Cụ Phan Thanh Giản xưa " giã vợ đi làm quan '', tôi nay " giã người yêu đi kiếm cơm áo '' Nhân có thằng bạn rủ lên rừng lập đảng chống chí sĩ Ngô đình Diệm, tôi đang bị bà Cả Đọi đe dạo, bèn cảm khái ngâm vang hai câu thơ: Ai trước biên thùy riêng một cỏi. Mình nay sông núi nặng hai vai và bèn nhận lời. Tôi ra đi, hát nhái lời nhạc bản Hải Quân Việt Nam của Văn Cao: Ra đi không mang va ly, mồm hút thuốc lá Mic mốc, chân đi xăng đan cao su diện áo sờn vai... Tôi đi làm cách mạng...trời ạ! Tôi đi âm thầm, bí mật y hệt một hiệp sĩ. Đám môn đệ của tôi sẽ đinh ninh là tôi và em Ngọc đã trốn lên rừng tập đóng ci nê ma với chúa mọi. Còn em Ngọc, thấy tôi tuyệt tích, chắc em sẽ khóc sưng mắt, khóc xuýt mù nếu chị Phượng không chợt nhớ ra phương thuốc bất hủ là mua cho em một đồng bạc kẹo kéo. Đôi mắt kẻm nhẻm kèm nhèm.Ăn đồng kẹo kéo sáng như đèn ô tô. Tôi lẩm nhẩm đọc bài Thôi nàng ở lại của Nguyễn Bính rồi đáp xích lô máy ra bến xe đò cao nguyên. Ở trên rừng, tôi vẫn theo dõi báo chí. Tôi ngạc nhiên khi thấy những bài thơ tình Sang Độc và Hoài Hương, đòi lấp dòng sông Bến Hải của tôi xuất hiện thường xuyên trên những phụ trang văn nghệ của các nhật báo, ký bút hiệu Mộng Trinh, Thu Tâm và Cung thị Ngọc. Rồi một hôm, cùng bài thơ đòi lấp dòng sông Bến Hải đang trên ba tờ báo, ký ba bút hiệu Mộng Trinh, Thu Tâm và Cung thị Ngọc. Hai môn đệ Thạch Sanh và Vạn Lịch đã hại đời tư của tôi. Ba nữ sĩ Mộng Trinh, Thu Tâm và Cung thị Ngọc bị ba tờ báo mà các nàng cộng tác nặng lời trách móc. Tôi hết hy vọng hát câu: Chờ anh em nhé, giết xong Diệm anh về... Hẳn em Ngọc đã nghi ngờ tôi phản bội em, phát thơ Sang Độc vung vít và yêu đương vung vít, và Mộng Trinh thì chán ghét Vạn Lịch, Thu Tâm ghê tởm Thạch Sanh. Chúng nó còn các em bán quýt, bán thuốc lá lẽ, bán hột vịt lộn để tìm nỗi an ủi. Chứ tôi, trên rừng hiu quạnh chỉ có các nàng mọi! Tôi giận Thạch Sanh, Vạn Lịch. Giận chán chê, tôi mới vỡ lẽ và khám phá một điều tối quan trọng: Trái tình đắng hơn trái bồ hòn. Tôi hiểu em Ngọc không yêu tôi. Em khôn quá xá. Em khích lệ tôi viết đoản thiên tiểu thuyết, tùy bút, thơ Sang Độc để tặng em, để em làm của riêng và em cười khúc khích. Các em khôn quá xá. Con gái là chúa khôn. Hèn chi em cứ hẹn và luôn luôn thất hẹn. Mùa hè năm sau, tôi thất thểu ở rừng về, gặp em Ngọc đi với chị Phượng trên hè phố. Tôi không dũng một tí nào, dù tôi đã là chiến sĩ cách mạng! Dũng được Nhất Linh mô tả thật đẹp. Tóc lộng gió, chàng ngạo ngễ bước trong đám nhân gian ngớ ngẩn. Và túi chàng còn tí tiền còm, còn vợ chống ông giáo Thảo chờ đợi chàng tới ăn cơm, hút thuốc lá và tạo cơ hội để chàng gặp Loan. Tôi ấy à, tóc dài muốn chui vào lỗ tai, quần áo lôi thôi, bụng lép kẹp và ví cũng lép kẹp. Tôi đi giữa hoàng hôn.Vâng, tôi đi giữa hoàng hôn. Em Ngọc nhìn thấy tôi, nhận ra tôi, em bĩu môi kéo tay chị rẽ sang một con phố khác. Tôi đứng lặng, trông theo. Tôi là Trương Chì đây, nàng hết nghe tiếng hát cũa tôi rồi.Pauvre°Trương Chi! Bạn hãy dời khỏi dinh quan thừa tướng, hãy quên Mỵ Nương đi và xuống thuyền mục, chèo lẹ, quăng lưới rách mà bắt tôm cá. Bạn chớ dại dột nhảy tòm xuống sông tự tử. Cuộc đời phải thế mới là cuộc đời, rất cuộc đời, bạn ạ! Tôi đi kiếm ba môn đệ. Thạch Sanh là người tôi gặp trước tiên. Nó vồn vã lôi tôi vào một quán kem, hỏi thăm và trách móc: - " Ông'' tuyệt tích với mục đích gì?" Ông '' ra đi không lời từ biệt. Chứ " ông '' về có tính ở lại không? - Tao đi làm cách mạng. - Eo ơi " ông '' làm cách mạng à? Tại sao " ông '' không rủ tôi đi với. à, ông có mang theo em Ngọc không? Tôi lắc đầu: - Làm cách mạng là phục vụ quê hương, tổ quốc.Cần phải cho de người yêu. Ngay vợ mình mà mình cũng đành cho phép đi lấy chồng khác để rảnh rang yêu lý tưởng cách mạng nữa là. Cách mạng ghê lắm, quyến rũ lắm... Tôi làm bộ thở dài: - Em Ngọc đã khăn gói quả mướp theo tao lên chiến khu, nửa đường tao đuổi em về Sài gòn. Tao quên em rồi. Còn mày? Thạch Sanh kể lể: - Em Tâm viết thư chửi tôi ăn cắp thơ của người khác làm thơ mình. Em Trinh của thằng Nhân cũng chửi nó. Thằng Nhân chán đời vùi đầu học hành. Nó vừa đậu tú tài nhất. Tôi cũng đậu rồi. Nhờ em xỉ vả, tôi tự ái và đâm ra biết làm thơ. Tôi tán được nhiều em khác. Tôi hỏi: - Còn em bán quýt? Thạch Sanh cười: - Nàng đi định cư ở Cái Sắn rồi. Nó nhả khói thuốc: - Mình đã lớn, " ông '' ạ! Chỗ tôi đứng chờ các em ở cổng trường bây giờ là chổ tụi lỏi vừa lớn. Bỗng nó than thở: - Chỉ tội nghiệp thằng Thủy! Tôi ngạc nhiên: - Sao? Thạch Sanh ngó tôi: - " Ông '' hại nó. Theo kế của ông, nó thi hành. Kết quả gặp phú lích. Hiệp sĩ Thủy bị em Hoà thưa luôn. Thế là Lục Vân Tiên và Phong Lai cùng bị nằm bót một đêm. Tôi phá ra cười. Cười sặc khói thuốc. Tạm biệt Thạch Sanh. Và xét rằng không nên kiếm Vạn Lịch, Đỗ Quyên làm gì. Thi nhóm Sang Độc đã giải tán. Tình yêu như cơm nếp nát. Cách mạng như cơm nguội chang nước dưa khú. Tôi cần lên đồn điền Hớn Quản. Nhưng trước khi đi, vào một buổi chiều, tôi thong thả tới ngôi trường cũ, ngôi trường con gái, ngôi trường nằm bên đường Le Grand de la Liraye đã đổi thành đường Phan Thanh Giản. Không chờ đôi một tà áo nào cả mà đóng vai trò quan sát viên. Tôi thấy buổi chiều vàng của tôi. Dưới những gốc cây quanh trường, không còn tôi, không còn Nhân, còn Quỳnh, còn Thủy nữa mà chỉ còn những hình ảnh của tuổi vừa lớn của chúng tôi. Những người đang đứng dưới những gốc cây trước và gần ngôi trường con gái đều là những người tuổi vừa lớn, vừa biết đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư. Họ đứng đó. Khói thuốc vàng ngón tay. Hồn thả trông mộng, mộng lẩn vào thơ. Không có thực tại ở thời gian và không gian này. Đừng cấm họ mơ mộng. Họ sẽ trở về thực tại khi hành lý đầu đời đã no tròn kỹ niệm. Họ ngớ ngẩn, khù khờ, lố bịch chẳng ra cái thể thống gì cả. Bởi vì, họ vừa lớn; Họ đem sự ngớ ngẩn, lố bịch vào tình yêu, tình yêu rất thơ và rất buồn cười. Tôi thương họ, tôi yêu thương tuổi trẻ biết mộng mơ. Thiếu mộng mơ tuổi trẻ sẽ tàn nhẫn lắm. Gốc cây kia, tôi đã đứng. Chẳng có gì làm cho tôi phải xấu hổ. Niềm vui nhẹ nhàng và nỗi buồn man mác. Tình yêu học trò là tình yêu phù du, là những cơn mưa bóng mây; là một kỹ niệm buồn cười đáng ghi nhớ. Cơn mưa đã tạnh. Trời lại xanh như trời đã xanh. Tôi vào đời với gói hành lý bọc kín bằng một tà áo tiểu thư. Tà áo mãi mãi thơm như tuổi trẻ và tình yêu ( 18 / 10 / 71 )