Ðề tài vùng nông thôn theo đạo Thiên Chúa cũng là một lãnh vực hắn gắn bó từ nhiều chục năm nay. Chính là với đề tài ấy mà hắn bước hẳn vào nghề văn từ truyện ngắn Nằm vạ, sau đó là tiểu thuyết Xung đột. Từ nhỏ hắn có thiên hướng về cái thiêng liêng, cái thế giới bên kia để tìm một chỗ ẩn náu cho cái thân phận bấp bênh của mẹ con hắn, và cũng là nơi giải toả cho nhiểu ẩn ức của một tuổi thơ có quá nhiều nỗi buồn. Khi trò chuyện với nhiều chúng sinh từ chủng viện Bái trở về quê trong các dịp nghỉ, hắn thông cảm nhanh chóng với những ước nguyện của họ: muốn dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và giáo hội vì tự xem đã có ơn thiên triệu. "Số phận của em đã được định đoạt từ trên làm sao em dám thay đổi, mà em cũng không muốn thay đổi." Nhưng địa phận Bái lại có quá nhiều tội lỗi trong những năm Pháp chiếm đóng, giáo sĩ thành sĩ quan, toà giám thành văn phòng của một tỉnh tự trị, các nhà thờ thành đồn bốt, kẻ xâm lược và giáo hội trộn lẫn với nhau, cùng nhau làm những việc mà một dân tộc đang kháng chiến không thể tha thứ. Những tu sĩ trẻ họ cũng biết thế, họ lấy làm đau đớn vì những chuyện tệ hại ấy nhưng không thể tìm ra lối thoát. Là tu sĩ của một giáo hội có chỗ đứng xứng đáng trong lòng dân tộc là nguyện vọng tha thiết của họ. Nhưng bằng cách nào thì họ không thể biết, và nhà văn cũng chưa có cách lý giải có sức thuyết phục cả hai phía: nhà nước và giáo hội. Trong một lần về thăm một xứ đạo của tỉnh Thái Bình, hắn chợt nhìn thấy một chàng thanh niên mặc quần xanh và cái áo cánh cộc cũng mầu xanh đang lúi húi cho lợn ăn ở phần sân sau của nhà xứ. Hắn hỏi: "Anh có thấy cha xứ ngài ở đâu không?" Người kia trả lời nhỏ nhẹ: "Thưa, tôi đây, ông có việc gì cần hỏi ạ". Cha xứ chỉ khoảng ngoài ba chục tuổi, có gương mặt rất thanh tú, cặp lông mày đen như nét vẽ, hai con mắt tròn to và cái miệng rất tươi khi nói khi cười. Một người đàn ông còn trẻ và đẹp như thế mà chịu dâng hiến một đời cho xứ đạo buồn tẻ thôi sao? Hắn ngồi nói chuyện với ông ta khoảng một giờ, càng nói càng có cảm tình và càng thông cảm cho cái chỗ đứng éo le của một tu sĩ thánh thiện. Lại một lần khác ở Nam Trực thuộc Nam Ðịnh hắn được nghe nói một linh mục trẻ có sức hấp dẫn khiến các tổ chức thanh niên của địa phương gần như tê liệt mọi hoạt động. Và một cán bộ huyện kết luận: "Ðám linh mục trẻ bây giờ rất lợi hại, họ tranh thủ quần chúng rất có nghệ thuật, còn anh em mình thì..." Hắn lại nhớ tới cha quản hạt của một xứ đạo đã làm lễ rửa tội từ người ông cho đến đứa cháu, ba thế hệ, trong vòng năm chục năm. Cũng chính ông già ấy đã mắng một bà mẹ ẵm con đến xin cha rửa tội vào một sáng mùa đông giá lạnh, mắng như cha mắng con, như ông mắng cháu: "Nhà chị ngu, sinh mấy đứa con mà còn ngu, bữa nắng ấm không đến lại nhè đúng ngày mưa gió ẵm con đến, không sợ đứa trẻ bị nhiễm lạnh sưng phổi à? Ngày mai thì sao, ngày mốt thì sao, tôi còn đi được đâu nữa mà sợ tôi không có nhà". Một lời mắng ấy một đời người mẹ không thể quên, nay đứa trẻ đã là cán bộ xã mà bà vẫn kể lại cho hắn nghe như chuyện mới vừa xảy ra ngày hôm qua. Ðó là lòng thương yêu con chiên chân thật của một đấng chăn chiên đã ở quá lâu một xứ đạo hay chỉ là thủ đoạn, là phép thuật lấy lòng người? Trong nhiều đợt đi viết tại nhiều xứ đạo, hắn đã trò chuyện với nhiều linh mục, già có trẻ có, dân chủ tiến bộ có, phong kiến bảo thủ có, và nhiều chức sắc trong đạo Thiên Chúa, gần như hắn đã hoà nhập được vào cách cảm, cách nghĩ với người đối thoại, đón trước được những gì họ tin, họ hy vọng và cả những gì họ còn giận còn ngờ. Hắn đã trình bày những cảm nhận mới của hắn về tôn giáo nói chung và đạo Thiên Chúa nói riêng qua tâm sự một linh mục đã nhận được nhiều ảnh hưởng tốt của giới giáo sĩ trẻ tại châu Âu, của phong trào công nhân Pháp và nhiều nước lân cận, và nhất là xu hướng trở về cội của Tin Mừng mà tiêu biểu là các ông linh mục thợ: Tôi vẫn suy ngẫm rằng con người là một sinh vật không bao giờ tự hạn chế trong những cơ cấu sinh lý. Luôn luôn nó muốn vươn tới cái tuyệt đối, cái vô biên, cái vĩnh cửu là những mục tiêu mãi mãi con người không thể đạt tới. Vì không thể đạt tới nên nó mới gầm thét và than thở qua thi ca, qua nghệ thuật và qua cả tôn giáo. Bảo rằng tôn giáo sinh ra do bạc nhược và ngu dốt, chỉ đúng có một phần, tôn giáo cũng sẽ sinh ra khi con người đã tự ý thức như một chúa tể. Tôn giáo sẽ biểu hiện như một thăng hoa chứ không còn là một công cụ của đe doạ và áp bức. Nó sẽ thuộc phạm trù văn hoá chứ không thuộc phạm trù quyền lực như hiện tại... Linh mục sẽ chăm sóc linh hồn con người như một nghệ sĩ chứ không phải như một anh lính cảnh sát... Tôi không bao giờ rời khỏi xứ đạo, tôi là trước hết phải thuộc về một tập thể nào đó, hàng ngày được nghe họ nói cười, tham gia vào đời sống của họ như một khuyến khích, một an ủi, một cảm thông, nâng đỡ họ để chính mình cũng tìm thấy sức mạnh tự nâng mình lên... Nhân vật cha Thư trong tiểu thuyết Cha và Con và... đã được hình thành dần từ những suy ngẫm ấy, từ nhiều cuộc trò chuyện với các linh mục trẻ của cả hai miền, những hy vọng của họ và những lo lắng của họ khi phải làm việc tôn giáo dưới một chính thể vô thần. Chàng trai mới được truyền chức phải về một xứ đạo mà cha già quản hạt vốn là một đối thủ về tinh thần với toà giám, phải làm việc với các ông chánh trưởng, trùm trưởng rất lọc lõi, rất khôn ngoan, phải tiếp xúc với những đoàn thể của xứ đạo nửa chính nửa tà, phải làm bạn với một ông linh mục đã mất hết niềm tin vào cái chức phận thiêng liêng của mình, sống rất trần tục và trơ tráo, rồi lại những ảnh hưởng xa gần của một địa phận luôn luôn đối đầu với nhà nước, và một quan hệ có thể là thù địch giữa gia đình ông ta với những người cộng sản trong thời gian Pháp chiếm đóng. Mà ông ấy lại là một người rất thánh thiện, muốn làm một giáo sĩ dân chủ tiến bộ, lấy việc phụng sự nước Chúa và bầy chiên của Chúa làm lẽ sống một đời của mình. Có làm được không? Có được xứ đạo ủng hộ không? Có được toà giám khuyến khích không? Có được chính quyền địa phương tin tưởng không? Và trước hết ông ta phải thoát ra khỏi những thành kiến xấu về người cộng sản đã ám ảnh ông ta từ những năm còn là tu sĩ ở trường đạo. Một linh mục thơ ngây, và phạm nhiều sai lầm trong năm đầu, rồi một linh mục có nhiều hoang tưởng muốn phá bỏ lề luật và thói quen để được sống thanh thản như một giáo dân, như một công dân. Rồi ông linh mục lẩn thẩn, sống đau đớn trong sự đối đầu giữa các chức phận. Và cuối cùng là một linh mục thánh thiện đã tìm ra cách hoà giải giữa các trách nhiệm, cái gốc của sự điều hoà ấy là lấy giáo dân làm Chúa của mình, làm người Chỉ Bảo của mình. Và ông ta đã xin với những người đại diện cho giáo dân và chính quyền địa phương hãy rửa tội cho ông ta lần thứ hai với lời mô truyền do ông tự đặt ra: "Nhân danh Cha và Con và Giáo hữu xứ Nhất... Amen". Hắn viết rất nhanh, rất sảng khoải như có dịp được giãi bày trên trang bản thảo một nỗi niềm vẫn được giấu kín của mình. Vì khoảng cách giữa nhân vật văn học với tác giả không xa. Hắn cũng là người ngây ngô trong hành động, cả tin, dễ bị lừa, cũng có nhiều mộng tưởng, cũng muốn được sống, được hành động như những nhân vật anh hùng của hắn, và nhất là cũng muốn điều hoà mọi trách nhiệm mà hắn đang gánh vác. Vì hắn trước hết là một đảng viên cộng sản, vào Ðảng từ năm 18 tuổi, hắn cũng là một quân nhân, nhập ngũ từ năm 16 tuổi. Hắn là đảng viên trước, là anh bộ đội trước rồi mới làm nhà văn. Là người lính hắn mới được sống nhiều, tiếp xúc nhiều, chống lại tính nhút nhát và cô độc bẩm sinh, lại cũng vì hắn là đảng viên nên mới xoá được tận gốc mọi mặc cảm hèn kém để có một cách nhìn, một cách nghĩ tiến bộ, tích cực đối với mọi biến động của xã hội. Không có những điều kiện đó làm sao hắn thành nhà văn được. Ðời hắn vốn dĩ chả có gì đáng viết, cũng chẳng thể nghĩ được gì hay ho để trò chuyện với mọi người. Nên hắn chịu ơn sâu với Ðảng, với quân đội, với cả cái nghề nghiệp mà cuộc đời ưu ái đã lựa chọn cho hắn. Nhưng các trách nhiệm ấy không phải luôn luôn hoà hợp được với nhau, có khi được là một đảng viên tốt, một quân nhân tốt thì lại là một nhà văn tồi. Người cầm quyền quan tâm trước hết tới sự vun đắp sức mạnh của cộng đồng, tới sự đoàn kết nhất trí của một quốc gia, một dân tộc để hoàn thành một cách thuận lợi nhất những mục tiêu kinh tế, xã hội từng thời kỳ. Còn người cầm bút thì lại quan tâm tới sự nuôi dưỡng sức mạnh của cá nhân, tính độc lập của cá nhân, cả tính phản kháng của cá nhân và sự sáng tạo muôn màu muôn vẻ của cá nhân chống lại mọi sự độc đoán, mọi sự giản lược, tuỳ tiện, thu hẹp tầm vóc của cá nhân khiến nó bị ngạt dưới sức nặng của guồng máy. Thật ra hai việc ấy chỉ là một, cá nhân là nền tảng của cộng đồng, sức mạnh độc lập của cá nhân sẽ làm sức mạnh của cộng đồng thêm vững chắc có khả năng chống chọi bền bỉ mọi tai hoạ bất kể nó từ đâu tới. Còn hắn, nếu xảy ra sự va chạm giữa chức năng của một nhà văn và trách nhiệm của một đảng viên thì hắn tính toán cách sao? Thông thường là hắn nhân nhượng và né tránh vì một cái lý rất đơn giản: hắn vẫn còn là đảng viên thì phải chấp hành những nghị quyết của Ðảng. Thành thử các nhân vật của hắn không đi đến tận cùng tính cách của họ, họ thường dừng lại ở khoảng giữa, rồi làm lành, rồi nhân nhượng, trở nên giống nhau ở những số phận mờ nhạt, thiếu tính quyết liệt, tính bi kịch để trở thành những gương mặt lớn có sức ám ảnh lâu dài trong lòng bạn đọc. Hắn chỉ có thể là nhà văn bình thường, một nhà văn loại 2, loại 3 gì đó, biết vậy nhưng hắn vẫn chấp nhận, không có cách mạng thì đến làm người tầm thường cũng khó nói gì làm một nhà văn.