Ngày xưa có một anh chàng ăn cắp rất tài, hễ biết ai có vàng bạc thì dù cất giấu cẩn thận đến đâu hắn ta cũng rình mò lấy cho bằng được. Hắn thường thi thố thủ đoạn của hắn ở các phiên chợ. Mỗi lần ra chợ hắn vận một bộ quần áo thật bảnh lại giắt ở lưng dăm ba lạng bạc để "có vốn" làm quen. Nhưng hễ đã làm quen được với ai rồi thì hắn lập tức giở ngón hiểm, đưa ngay người đó vào tròng. Vì thế mà khắp cả một vùng, ai cũng gờm mặt hắn, những người ở xa, chưa biết tiếng hắn thì vẫn bị hắn đưa nhẹ vào tròng. Một hôm, có ông lão mang đi chợ mười lạng bạc để tìm mua hai con lợn giống về nuôi. Anh chàng ăn cắp thấy ông cụ vào hàng lợn, biết ngay là cụ có bạc, hắn liền bám sát không rời. Đi bên cạnh ông cụ hắn nói năng chào hỏi rất ôn tồn. Hắn lại làm ra vẻ thông thạo việc mua bán, vui lòng chỉ giúp ông những tật xấu của từng con lợn. Hắn làm cho ông già không ngờ vực và hoàn toàn tin cậy ở hắn. Rồi sau khi đã dẫn cụ đi khắp dẫy hàng lợn từ con này xấu xí đến con nọ khảnh ăn, thừa dịp thuận tiện, nhanh như cắt hắn nẫng khéo số bạc vẫn nằm cồm cộm trong thắt lưng ông lão và chuồn mất. Mất bạc, ông cụ kêu trời la đất chạy tìm khắp nơi, nhưng không sao tìm được mặt mũi thằng lừa đảo nữa. Ông cụ ấm ức trở về nhà. Về đến nhà, cụ nằm vật xuống giường, hết phàn nàn với vợ, lại chửi mắng nguyền rủa cái thằng ăn cắp bất nhân. Bà vợ tiếc của, quay ra đay nghiến chồng. Rồi hai ông bà to tiếng với nhau ầm ĩ, người con trai út đang chơi ở ngoài sân, vội chạy vào hỏi đầu đuôi. Sau khi biết rõ câu chuyện, người con nói: - Bố mẹ đừng lo, con sẽ ra chợ lấy số bạc ấy về ngay bây giờ. Ông cụ đang bực tức, thấy đứa con nhỏ nói vậy, cụ tức giận mắng con: - Hừ! Mày mới mười ba tuổi ranh, lại đòi con cháu khôn hơn ông vải. Người con nói với mẹ: - Mẹ hãy lấy cho con mượn cái nhẫn vàng thật của mẹ và cái nhẫn đồng mạ vàng của chị con, con sẽ có cách bắt cái thằng ấy trả bạc về cho bố. Bà mẹ liền mở hòm lấy ra hai cái nhẫn và nói: - Cái nhẫn đồng mạ chỉ đáng giá có một đồng cân bạc, bằng giá một ống gạo thôi, nhưng chiếc nhẫn vàng thì trị giá những mười lạng bạc đấy, con liệu làm sao cho tốt thì làm. Người con cầm lấy hai cái nhẫn, bỏ riêng mỗi cái vào một túi áo, rồi đi thẳng ra chợ, chợ đang đông, cậu bé đeo cái nhẫn vàng thật vào ngón tay rồi len lỏi tìm kẻ cắp, thằng mà bố cậu đã nói rõ hình dáng. Thấy có cậu bé đeo nhẫn vàng ở tay thằng ăn cắp bám sát không rời. Cậu bé giả vờ làm như không để ý gì đến nó, nhưng cậu đã liếc nhìn hai túi áo cánh của nó phồng phồng, biết chắc chắn là số bạc của bố mình hãy còn trong đó. Dạo quanh chợ một lúc thấy thằng ăn cắp vẫn theo mình, cậu bé liền dừng lại giơ tay đưa cái nhẫn vàng lên hỏi nó: - Này! Chú ơi! Cháu muốn bán cái nhẫn vàng này để sắm bộ quần áo, chú làm ơn chỉ giúp cháu hàng mua bán vàng một tý. Thằng ăn cắp như được gãi đúng chỗ ngứa, hắn nói: - Được! Được! Đi theo ta. Nói đoạn, nó dắt tay cậu bé đi đến một hiệu bạc, ông chủ hiệu đón lấy cái nhẫn vàng ngắm nghía rồi đặt lên cân. Biết đúng là vàng thật, ông chủ hiệu trả giá: - Cái nhẫn này đúng là vàng tốt. Ta trả cho cháu mười lạng bạc, không hơn không kém. Cậu bé lấy lại cái nhẫn, đeo cẩn thận vào ngón tay rồi vừa đi vừa nói: - Rẻ quá không bán, có được mười lạng rưỡi thì mới bán được. Thằng ăn cắp sợ cậu bé bán mất cái nhẫn, vội vàng đưa tay dắt cậu đi ngay, tới một hiệu bạc khác, cậu bé lại đưa chiếc nhẫn cho ông chủ hiệu xem và cân. Ông này cũng chỉ trả mười lạng bạc không hơn. Cậu bé lấy lại nhẫn đeo ở ngón tay rồi ra đi, thằng ăn cắp vẫn lẽo đẽo theo sau không rời. Cậu bé đi đến bên giếng múc nước uống, trong khi thằng ăn cắp quay ra tìm nơi đi giải bên bờ giậu, cậu bé nhanh tay tháo cái nhẫn thật bỏ vào túi áo, rồi lấy cái nhẫn đồng mạ đeo vào. Khi thằng ăn cắp đến gần, cậu giả vờ lóng ngóng đánh rơi chiếc nhẫn mạ xuống nước, hốt hoảng kêu lên: - Chú ơi, chú làm ơn mau mau xuống tìm giúp cháu mới, mất nhẫn, về nhà cháu sẽ bị đòn đến chết thôi! Thằng ăn cắp thấy không có dịp nào tốt hơn thế nữa bèn dỗ dành cậu bé: - Được! Để chú xuống mò lên cho. Nói xong nó cởi quần áo nhảy xuống giếng quên bẵng món bạc mười lạng vừa mới lấy cắp được của cụ già và ba lạng bạc của nó đem theo làm vốn để trong hai túi áo. Lặn xuống đáy tìm một hồi thấy ngay chiếc nhẫn vàng nó liền giấu kín lại đó, định đến lúc vắng người sẽ quay lại lấy. Trong khi thằng ăn cắp đang ở dưới đáy giếng thì cậu bé đã nhanh tay vơ quần áo của nó móc túi lấy mười ba lạng bạc rồi ba chân bốn cẳng chạy một mạch về nhà. Thằng ăn cắp lên khỏi giếng thấy mất quần áo biết ngay là bị một vố đau, nhưng vì đang trần như nhộng không dám đuổi theo cậu bé, nó lại nhẩy xuống giếng lặn lấy chiếc nhẫn đeo vào ngón tay. Bụng bảo dạ: - Quả là "Cá bống nuốt cá trê", nhưng hãy còn may. Mất mười ba lạng bạc, còn được lại cái nhẫn vàng mười lạng, thôi thì cái này bù cái kia! Khi tìm được quần áo mặc, nó liền đến ngay hiệu bạc lúc nãy dạm bán với giá mười lạng bạc. Nhưng ông chủ hiệu đã ném trả lại hắn, bảo là vàng giả. Hắn nổi xung lên: - Tôi đánh cuộc với ông rằng nếu cái nhẫn này bằng vàng giả thì tôi sẽ đến làm thằng ở không công cho ông trong ba năm. Ông chủ hiệu gạt đi: - Thôi đi! Đừng đánh cuộc nữa, tôi sẽ làm cho anh biết ngay mà: Chiếc nhẫn được ném ngay vào lửa với vài lần thụt bễ, đã lộ nguyên chất đồng đỏ cạch.
Theo lời kể của ông Vương Viết Khoảng Đồng Đăng, Lạng Sơn.