HÒ KÍNH THÁN

Hò Kính Thán mồ côi cả cha lẫn mẹ từ hồi còn nhỏ. Chàng  sống và lớn lên dưới bàn tay chăm sóc của các bác, các chú trong  bản. Từ khi lên tám chàng đã phải chăn trâu thuê để kiếm ngày  hai bữa. Năm 15 tuổi chàng phải đi vào rừng làm than. Lúc nào  người chàng cũng bám đầy bụi than đen thủi đen thui. Vì vậy  người ta gọi chàng bằng cái tên Kính Thán°. Dần dần cái tên đùa  giễu ấy đã trở thành tên thật của chàng.
Ngày nào đem than ra chợ bán cho lò rèn, Kính Thán cũng  đứng lại rất lâu ngắm nghía công việc làm của bác thợ rèn. Thấy  vậy, bác thợ rèn hỏi Kính Thán có thích nghề rèn không? Bác nói  thêm:
- Nếu chú thích nghề rèn thì đến đây tôi sẽ truyền nghề cho mà  làm ăn. Cái nghề này rất quý và cần chọn người, khỏe như chú có  thể làm được đấy. Tôi không có con để nối nghiệp, nếu chú bằng  lòng thì ở đây với tôi làm con nuôi, cha mẹ chú hiện nay ở đâu?  Làm nghề gì? Hàng ngày chú bán than có đủ ăn không?
Vốn sống cô đơn, thấy có người ân cần hỏi chuyện mình, Kính  Thán rất cảm động. Chàng thấy có thiện cảm với bác thợ rèn bèn  nhận lời ngay sau khi tỉ tê kể hết cuộc đời mình cho bác nghe.
Thế là từ đấy, Kính Thán theo họ Hò của bố nuôi và ở lại đây  học nghề nghiệp mới.
Hò Kính Thán ăn rất khỏe và làm rất khỏe. Vốn đang tuổi ăn  tuổi ngủ, từ khi về ở với bố mẹ nuôi, chàng được ăn no ngủ kỹ, nên  càng khỏe mạnh hơn và làm việc hăng hơn. Chỉ trong mấy ngày  làm than, chàng đã dự trữ cho bố mẹ đủ than dùng trong suốt một  năm. Bác thợ rèn họ Hò rất hài lòng. Duy chỉ có vợ bác là không  vui vì cậu con nuôi ăn quá nhiều, bà thường phàn nàn với chồng  làm cho bác thợ rèn phải suy nghĩ.
Một hôm bác thợ rèn bảo con nuôi:
- Nay than đã nhiều rồi, bây giờ con hãy đem tiền đi mua trữ cho bố một ít sắt.
Tuy chưa buôn bán bao giờ, Hò Kính Thán cũng mạnh dạn cầm  hơn năm mươi lạng bạc của bố mẹ nuôi ra đi. Chàng đi đến một  thành phố, thấy người ta đang thu sắt vụn, chàng bèn đến gần lân  la hỏi chuyện và cuối cùng bỏ luôn số tiền ra mua tất cả đống sắt  vụn ấy, đoạn chàng thuê người chuyển số hàng về nhà.
Thấy đoàn người gánh sắt về, bác thợ rèn vui mừng trong dạ.  Nhưng khi nhìn kỹ thì thấy tất cả chỉ toàn là sắt vụn, sắt rỉ, bác  ngao ngán thở dài. Vợ bác càng xót ruột hơn. Bà luôn mồm dằn vặt  chồng làm bác càng thêm buồn. Tuy vậy bác cũng bảo vợ:
- Thôi được! Nhiều lần dại sẽ khôn, con ta chưa quen buôn bán  nên mới mua phải của không tốt. Tôi tin là lần sau, lần sau nữa  con ta sẽ khôn khéo hơn, bà nói ra nói vào vừa vừa thôi, để tôi còn  làm việc.
Hò Kính Thán cũng rất ân hận vì đã chót mua phải hàng xấu để  đến nỗi làm phiền lòng cha mẹ.
Một lần khác, bác thợ rèn lại đưa bạc cho Hò Kính Thán đi tìm  mua sắt, bác dặn đi dặn lại là phải đi tới các thành phố lớn để mua  được hàng tốt. Hò Kính Thán lại một lần nữa vác túi bạc một trăm  lạng lên đường. Đi suốt bảy ngày ròng, đến gần một thành phố lớn,  chàng gặp một đoàn người đang nhộn nhịp xây cầu, nhìn lên cái  biển có dòng chữ to treo ở đầu câu, chàng hỏi thì người ta đáp:
- Đây là cái bảng ghi tên những nhà hảo tâm quyên góp xây  cầu này, ai quyên góp nhiều nhất thì được ghi tên đầu bảng.
Hò Kính Thán lại hỏi:
- Thế hiện nay người góp nhiều nhất được bao nhiêu? Người ít  nhất bao nhiêu?
Người kia đáp:
- Cho đến ngày hôm nay người góp nhiều nhất là năm mươi lạng  bạc, người góp ít nhất là một lạng.
Hò Kính Thán mỉm cười nói:
- Nếu thế thì anh hãy ghi tên ta là Hò Kính Thán vào bảng đi,  ta góp cả một trăm lạng bạc tinh ngân để giúp bà con xây chóng  xong cái cầu.
Vừa nói chàng vừa dốc túi đếm đủ một trăm lạng bạc trao cho  người kia.
Từ hôm ấy, tên Hò Kính Thán được truyền ngay khắp mọi nơi,  tất cả dân trong thành phố ai cũng muốn mời chàng về nhà xem  mặt. Lần lượt hết người nọ đến người kia mời chàng về nhà ăn  cơm. Đêm đêm chàng lần ra ngủ tại một cái miếu vắng ở cuối phố.  Chàng định bụng tìm chỗ làm thuê ít lâu để dành dụm tiền mua hàng về cho bố mẹ nuôi. Nhưng chẳng một ai dám nghĩ đến mượn  chàng - nhà đại hảo tâm cúng cầu - làm thuê. Người ta cho là  chàng đùa cho vui câu chuyện. Loanh quanh trong hai tháng,  chàng vẫn không tìm được một việc làm. Nghĩ tới món hàng cần phải mua, chàng càng nóng lòng sốt  ruột. Một đêm nọ chàng bỗng mơ thấy một ông cụ đầu tóc bạc phơ,  tay chống chiếc gậy, ở sau miếu đi ra đến bên chàng rỉ tai nói:
- Hò Kính Thán! Anh là người có lòng tốt, thần sẽ giúp đỡ anh.  Sáng mai anh sẽ lật phiến đá mà anh đang nằm lên sẽ thấy kho  vàng, đó là kho vàng của thần dành cho anh, muốn lấy bao nhiêu  cũng được.
Nói xong cụ già biến mất, Hò Kính Thán tỉnh dậy, đi khắp mọi  nơi trong miếu tìm ông cụ, nhưng không thấy gì cả. Chàng lại ngả  lưng nằm trên phiến đá, gác tay lên trán nghĩ ngợi. Nhẩm lại từng  lời thần báo, chàng đứng dậy co tay lay thử phiến đá nhưng hòn  đá nặng không chút động đậy. Chàng lại ra sức lay lần thứ hai,  phiến đḠvẫn trơ trơ không hề nhúc nhích. Chàng thất vọng lẩm  bẩm:
- Thần à! Thần nói thật hay nói dối! Nếu quả thật thần có  lòng thương kẻ đói khó thì hãy ban cho tôi có sức mạnh lật được  phiến đá kia.
Vừa nói dứt lời thì một luồng gió mát lướt qua đưa theo một  làn hương thơm dịu, Hò Kính Thán cảm thấy khoan khoái trong  người hơn. Chàng lại cúi xuống lật phiến đá. Lần này phiến đá lật  tung lên, cả cái miếu nhỏ bé tự nhiên sáng choang như có ánh đèn.  Biết đó là kho vàng của thần, chàng cúi xuống nhặt lấy hai thỏi, chàng nghĩ bụng: “Với số vàng này ta có thể sống được nhiều năm  và mở lên một cửa hiệu rồi!”.
Chàng đem thỏi vàng ra buôn bán, từ đó tiền của ngày cảng đổ  về như nước. Chàng cưới vợ rồi xây nhà cửa, cửa hiệu của chàng  ngày càng phát đạt, chàng được dân phố hết sức kính nể. Nhưng  chàng vẫn chưa có dịp trở về với bố mẹ nuôi.

*

Lại nói bác thợ rèn họ Hò ở nhà tính từ ngày cho con nuôi đem  bạc ra đi đến nay đã bốn tháng tròn bác mong ngày mong đêm.  Nhưng càng mong thì tin lại càng vắng. Vợ bác càng sốt ruột hơn.  Một hôm bà giục chồng đi tìm, bác thợ rèn đành phải tạm nghỉ  việc ra đi.
Sắp đến thành phố, bác giật nẩy mình khi nhìn lên cái bảng  ghi ơn những nhà hảo tâm quyên bạc làm cầu trong đó có tên Hò  Kính Thán đứng ở dòng thứ nhất: “Hò Kính Thán góp 100 lạng  bạc tinh ngân”. Đến đây bác mới biết bấy lâu con mình không mua  được hàng về là vì nó đã dốc hết tất cả vốn liếng vào chiếc cầu này.  Khi trả tiền qua cầu, bác hỏi chuyện người gác cầu về Hò Kính  Thán. Người ấy nói:
- Hò Kính Thán là một nhà hảo tâm lớn, được ghi tên vào bia  đá. Hiện nay ông ta đang cùng vợ có cửa hiệu buôn ở thành phố.
Bác thợ rèn lại càng ngạc nhiên nghĩ rằng nó đã bỏ hết vốn cho  cái cầu rồi thì làm sao lại có vốn buôn bán và dựng nhà nữa.
- Có phải Hò Kính Thán người đen đen không?
- Không phải! Ông ấy người trắng trẻo, lúc nào cũng vui tính.
Khi bác thợ rèn đến cửa hiệu của Hò Kính Thán thấy người con  nuôi bây giờ ra dáng một ông chủ hiệu béo tốt chứ không phải anh  chàng đen thủi đen thui ngày nào. Thấy bác thợ rèn, Hò Kính  Thán mừng rỡ:
- Bố đến đây từ lúc nào? Vì bận cửa hiệu con chưa về được, xin  bố hãy tha lỗi cho con!
Rồi Hò Kính Thán kể đầu đuôi mọi việc từ ngày ra đi cho đến  hôm được thần báo mộng cho vàng rồi gây dựng lên cơ nghiệp này,  chàng lại nói thêm:
- Con định thu xếp ổn thỏa việc nhà rồi sẽ về đón bố mẹ tới đây,  nhưng công việc chưa xong. Nay bố đã tới chúng con xin mời bố ở  lại, ít lâu nữa con sẽ về đón mẹ...
Từ đó, bác thợ rèn ở lại giúp việc buôn bán cho con nuôi.
Một hôm Hò Kính Thán định đi đón mẹ, bác thợ rèn gạt đi:
- Mẹ của con không ưa thị thành. Dù có thiếu ăn, mẹ con cũng  không muốn rời nơi chợ nhỏ ấy. Bố tuổi đã già cũng chiều lòng mẹ  con, vì vậy sớm muộn bố cũng sẽ trở về. Con đừng đón mẹ đến đây  nữa...
Chiều ý bố mẹ nuôi, Hò Kính Thán bỏ ý nghĩ đón mẹ tới thành  phố, chàng định sẽ xây dựng cho bố mẹ nuôi một ngôi nhà ở chốn  quê hương và có một lò rèn to hơn trước. Nhưng chàng không  muốn nói trước cho bố nuôi biết.
Một hôm, Hò Kính Thán nói với bố là mình sắp đi xa mua  hàng, nhờ bố ở nhà trông nom giúp cửa hiệu.
Rồi chàng dặn dò vợ phải chăm lo chu đáo cho bố già...
Hôm sau chàng trở về nhà bố mẹ nuôi, tìm thầy thuê thợ dựng  một ngôi nhà ở bên cạnh ngôi nhà nhỏ của bác thợ rèn, nhưng  chàng luôn luôn giấu kín không cho mọi người biết mình là ai. Khi  nhà làm xong, Hò Kính Thán vẫn giấu mặt, cho người đến thương  lượng với mẹ nuôi đề nghị đổi cái nhà gianh của bà lấy một gian  trong cái nhà mới xây xong. Được mẹ nuôi đồng ý, chàng cho người  dỡ ngôi nhà tranh ấy đồng thời mời bà dọn đến chỗ ở mới. Xong  đâu đấy chàng trở lại nhà, về đến nhà vẫn không cho bố nuôi biết  một tý gì.
Được ít lâu bác thợ rèn ngỏ ý muốn về nhà. Hò Kính Thán cũng  vui lòng để bố về. Hôm bố lên đường, chàng chỉ đưa cho bố ba lạng  bạc làm ông tỏ ra không hài lòng khi nghĩ đến món bạc trăm lạng  ngày nọ.
Nhưng khi về tới quê nhà, bác tìm mãi vẫn không thấy cái nhà  cũ của mình. Bác nhìn lên ngôi nhà mới xây mà không thấy có  người ở, chợt bác nhận ra người vợ ở một phòng trong đó. Lấy làm  lạ, bác hỏi thì vợ đáp:
- Đây là nhà của ta, nhưng chỉ một gian này thôi. Còn tất cả là  một vị phú gia nào đó xây lên mà chưa thấy đến ở.
Bác thợ rèn chưa hiểu ra thế nào. Bỗng có tiếng ồn ào ở trước  lầu, bác cùng vợ ngó ra thì đã thấy Hò Kính Thán cùng một đoàn  trên dưới hai chục người gánh gánh gồng gồng, chàng chào bố mẹ  nuôi rồi nói:
- Con đưa về một nghìn cân sắt hạng tốt nhất để bố có sắt làm.  Và đem theo một nghìn lạng bạc để bố mẹ làm vốn. Nhân tiện con đưa bố mẹ lên nhận nhà ở. Đây! Tòa nhà này hoàn toàn là của bố  mẹ.

Theo lời kể của ông Vương Viết Khoảng

Đồng Đăng - Lạng Sơn