Chương VII (A)
VII. DU Ư NGHỆ

1. Du
Chơi cho đúng điệu chơi là khi tâm hồn thư thái lâng lâng. Không bám víu, không tham cầu: thanh thoát như người chơi. Chơi cốt để mà chơi, nghĩa là vô cố (gratuité) như Huizinga định nghĩa: le jeu "superabun dans" supreflu. (180)
"Chơi là cái gì tràn đầy dư dật thừa thãi". Không tìm cầu chi nữa ngoài mình. Khi chí đã ư đạo, tất nhiên lòng trở nên lâng lâng thanh thoát đối với mọi việc, mọi biến cố ở trần gian, không còn bị ràng buộc mạnh như trước. Chữ Du nói lên sự ngược chiều của triết lý. Người ta đi tìm ích dụng, riêng triết gia một mình vượt lên cõi ngoại lý, ngoại ích.
Những tâm hồn còn nặng với đắn đo so tính không sao hiểu nổi. Mặc Địch hỏi Nhạc là gì?
- Thưa ông, Nhạc là Nhạc ạ!
- Vô lý quá như vậy sao? Câu định nghĩa có nói lên được cái gì đâu?
- Thưa ông không nói lên được gì cả vì đương nhiên như thế: như tình mẫu tử, như mẹ yêu con. Yêu mà không hỏi tại sao mẹ lại yêu con?
Bởi không hiểu lẽ đó nên trăm ngàn lẽ ông đưa ra để can ngăn người đời đừng ca đừng múa, thế mà người đời vẫn múa vẫn ca. Ông bảo Nhạc là một trong những yếu tố làm mất nước.
Hựu huyền ca cổ Vũ,
Tập vi thanh Nhạc
Thử túc dĩ táng thiên hạ".
Lại đàn ca trống múa
Tập tành âm nhạc
Cái đó đủ làm mất thiên hạ.
Thây kệ lời cảnh giác của ông, thiên hạ vẫn múa vẫn ca, ca múa suốt 25 thế kỷ thực hăng say gấp bao lần mớ lý sự của ông nữa.
Thực là quát tầm hiểu biết của những tâm trạng đo với đếm, pháp với lý. Cái gì cũng phải hỏi có ích chi chăng. Tại lý do nào. Đấy là những hạng còn đang bò lết trong chốn cưỡng hành, chưa biết bầu khí thanh tao của An hành.
Tiểu nhân ở dưới vùng lợi, quân tử ở trên miền nghĩa (quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi). Họ là những người mới đạt đợt sinh tượng, mới nhìn ra có những gì ơn ích cho cuộc sống, chưa tiến tới đạt Linh tượng để nhìn thấy rằng: chính sự chinh phục những cái dư thừa, vô ích mới làm cho con người trở nên linh thiêng tế nhị, làm cho con người trở nên người hơn, đầy đủ hơn.
Nói theo tiếng Tây họ là những người tay nhì chưa phải là tay nhất: tay nhất nói ra, tay nhì lý luận: first hand language looks, second hand language argues. Họ còn lẩn quẩn trong vùng la lập lý luận chưa ngờ đến cõi định lý uyên nguyên (urs-prache) mà Nho giáo kêu là Thiên Mệnh. Đàng sau nó không còn lý sự chi hết, nó dựa lưng vào hư vô. Mà hư vô là vô lý, vô lợi, hư không tịch mịch. Lời phán đoán lý luận mới là sự nối kết của nhơn vi tiểu thể, chưa phải là cái nhìn thấu triệt trực giác của Đại thể không cần dựa vào lý lẻ nào khác nữa như kiểu lý luận bé nhỏ. Chúng chưa là chân lý căn để uyên nguyên nên cần tựa vào cái khác. Nói theo thời gian thì suy tư tính toán phải dựa vào cái đã qua (tại sao) và nhắm tới tương lai (để làm gì). Còn trực giác là đạt đến cái bây giờ mãi mãi: là đi đến chốn sơ đầu, đi đến chỗ tự do. Hiểu là tự do lai xuất phất, tự cắn để vọt lên. Không tìm lý lẽ bên ngoài, nhưng tự nội đã đủ lý do xuất hoạt. Tự nhiên như nhiên.
Tự nghĩa là tự mình
Nhiên nghĩa là như thế
Tự nhiên nghĩa là tự mình như thế, khỏi cần hỏi tại sao, hoặc để làm gì, và không còn ở vùng hiếu hay tri, nhưng đã vào miền an xứ lạc (tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất lạc chi giả, 知 之 者 不 如 好 之 者 , 好 之 者 不 如 樂 之 者 . LN VI. 18)
Đấy là nơi nguyên tuyền vừa vọt.
Đấy là cõi đóa hường của Silesius nở trần trụi, không một mụn vải lý sự che thân, không một vuông ích lợi úp ngực, nhưng "dần dần sẵn đúc" ra như thế đó, muốn xem thì ngắm, đừng có hỏi tại sao. La rose fleurit sans pourquoi, elle fleurit car elle fleurit. Không cứ đóa hồng của Silesius, mà bông hoa trong tay Phật tổ trên núi Linh thiêng, hay cành Đường trong câu thơ Khổng Tử đang ngâm cũng đều không thèm chi trí ra để tìm lý do minh biện: không phải để ong bướm hút nhụy, hay để nhà thi sĩ ngắm nhìn gợi hứng… Chúng nở ra đó, là như vậy đó: có thế thôi.
"Cái sự làm sao, cái sự làm vầy, cái sự thế này, cái sự làm sao" (câu hát khi kiệu nõn nà) cũng là một kiểu định đề, một kiểu nguyên lý bình dân. Còn khi là định đề triết lý nhân sinh thì
"Nhân giả nhân dã
Nhạc giả nhạc dã
Lễ giả lý dã
Nghĩa giả nghi dã (1)
仁者人也
樂者樂也
禮者裡也
義者宜也
(1) Một đôi câu người sau bắt chước như "minh giả minh dã" (chữ dân Tàu đọc như minh có nghĩa là ngu dốt) ĐC.II 154. Cần gạt bỏ vì không do tay hiền triết.
Đấy là vài câu mẫu: với người đọc vội thật là lủng củng nhát gừng, nhưng với người đã hé thấy đường thông lộ nằm ngầm, thì chúng trở thành những trứng bằng sứ thúc đẩy người đọc phải suy tư như Meredith nói:
Les maximes, ces phrases lapidaires, ont "la valeur des oeufs de porcelaine qui incitent le penseure à couver". Và khi ta biết suy tư theo lối tâm tư liền nhận ra chỗ sâu thẳm của mấy câu trên, chúng đã vượt ra khỏi miền lý với sự, là những cái bé nhỏ chưa đủ lý do tồn tại, nên phải biện minh sự hiện hữu của mình bằng những lý do, những mục đích: tai sao lại như thế, và có ý để làm gì…
Để làm gì là một công cụ quy chiếu vào cái khác, chưa đứng một mình, còn phải dựa trên nền móng khác, chứ tự mình chưa đủ túc lý.
Câu "Nhạc giả nhạc dã" đã là nền móng vì nó là "thành ư nhạc" mà thành là thành tính. Tính là căn để, "đàng sau" không còn chi nữa để nó "tựa". Nếu đọc "nhạc giả lạc dã" thì đã là rút hẹp phạm vi, vì nói lên mục đích: nhạc là cốt để làm vui. Nhưng vui để hạn chế buồn, nên chưa phải là "hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục". Thế mà Nhạc phải là Toàn thể Viên Dung, phải là bầu khí của Tánh thể tròn đầy, không thể hạn chế được nên phải là nền móng. "Nghĩa giả nghi dã" cũng thế, nghĩa theo sau nhân, thì nghi theo sau Thái cực: "Thái cực sinh lưỡng nghi". Khi biết "thời thố chi nghi" (T.D 25) thì nghi trở thành nghĩa. Nên nghĩa với nghi là một, nghi với thái cực là một, thái cực tức là vô cực, nghĩa là đàng sau không còn chi nữa làm nền để mà tựa. Chính nó đã là nền tối hậu. Một nền triết không đạt những câu nền móng chỉ tỏ (indicatif) cách thấu thị như thế mà chỉ toàn lý với lẽ, tại sao với để làm gì… thì mới là triết học suông chưa có đợt hành giả và linh động theo sau bước "học giả".
Lý sự khởi lên là khi nào cái sống yếu dần, lý sự càng phát triển thì sống càng rút lại. Khi luồng sống mạnh lên thì lý sự xẹp xuống. Đó là kinh nghiệm chung cho Minh triết cũng như Huyền niệm. Huyền sĩ Eckhart nói về người đã kết hợp với Thiên Chúa như sau: "Người đã được giải thoát khỏi Ong Đức Chúa Trời chỉ được suy tư và bày ra trong trí óc suông tình, vì Thiên Chúa đã trở nên tiềm lực cho người sống. Người càng sống tràn sống ngập càng ít suy tư tới".
"Il est affranchi du Dieu simplement pensé et représenté puisque celui-ci est devenu la vertu intérieure dont on vit, dont on "vit" d'autant plus intensément et pleinement qu'on réfléchit moins sur elle".
Nếu ai có hỏi sống cả từng ngàn năm tại sao mày sống? Nếu có bao giờ nó chị trả lời thì nó sẽ đáp: tao sống là để mà sống. Bởi sống là sống trên vốn liếng riêng: sống vọt lên tự nền móng của mình, vì thế nó sống không cần lý do bên ngoài. Tự trong mình nó đủ nuôi sống nó.
"Si on demandaite à la vie pendant mille ans: pourquoi vis-tu? Si elle devait du toute répondre, elle disait simplement: "je vis pour vivre". Cela vient de ce que la vie vit de son propre fond, jaillit ce de qui lui est propre; c'est pourquoi elle vit sans pourquoi. Elle se vie seulement elle même" (Otto. 141).
Triết Nho nói: "Doãn chấp kỳ trung. Tận kỳ tính, 允 執 其 中. 盡 其 性" (L.XXI. 1)
Trung là tính. Kỳ là của mình: de son propre fond. "Tự đạo nhi đạo dã, tự thành nhi thành dã". Nhấn mạnh chữ Tự như thế vì đàng sau không còn nền tảng nào khác nữa.
Bởi Trung Dung có nghĩa là Thường Hằng tức đã đạt tới đợt "Cung hành tự đắc". Cung là cung kỷ, khỏi cần tìm cầu cái gì ở ngoài mình. Mình thấy phải làm là làm. Tự đắc là khỏi phải đi tìm những động cơ thúc đẩy làm việc nơi lý nơi sự ngoại tại, khỏi lo đến tại sao, để làm gì! Chính khi không cần hỏi tại sao mới làm thì con người trở nên người hơn: "L'homme est plus homme sans pourquoi" (Heidegger). Người hơn vì đã đạt đợt Tính thể Viên Dung, không còn chia cắt để có chỗ cho tại sao, và để làm gì. Khi đã với tới đợt Toàn thể vòng trong thì những lý lẽ ở vòng chu vi ngoài trở nên tương đối bé nhỏ.
Tính bản nhiên con người nối liền với Thiên Mệnh (thiên mệnh chi vị tính) nên càng suất tính càng sống thuận theo Mệnh là Đại thể Viên Dung nhập thể thì càng gần bản gốc mình mà không còn lo hỏi tại sao, để làm gì. Người ta cho Khổng Tử là người đã biết không làm được mà còn cứ làm, làm là làm không phải vì lý vì lợi là tại lý do sâu xa đó. Có thể nói về ông cũng như về các vị đã trực giác rằng: "Với họ, Thiên Chúa xét như là đối tượng xa cách biến dần theo mức độ họ khởi đầu sống với hành động do Thiên Chúa. Họ không còn ý thức đến nguyên ủy, đến nguồn sinh lực của họ, y như chính sự sống cứ đua chen nở hoa nở trái, thì họ vẫn để cho những việc linh động họ vọt chảy mà không cần hỏi tại sao lại làm, nhưng như dòng nước cứ tự do trôi chảy mà không lo chốn đến, không bận trái với câu hỏi tại sao".
"Pour lui Dieu disparait en tant l'objet dans la mesure òu l'homme se met à vivre et à agir par Dieu, inconscient de son principe, de son énergie vitale, tout comme la vie inconscienment verdoie et fleurit et laisse jaillir ses ceuvres vivantes dans un "sans pourquoi": c'est à dire aussi bien dans un libre écoulement sans souci du "òu" que sans réflexion sur son propre pourquoi" (Mystique d'Orient et d'Occident par Otto p.143.
Vậy nên phải coi là sâu sắc nhất quan niệm về vũ trụ tạo thành như một trò chơi, một Lila của Divin enfant, của "hóa nhi đa hí lộng" tạo ra vũ trụ để ngắm nghía chơi giỡn, không mưu cầu lợi lộc, cũng không vì lý do nào bắt buộc, hoàn toàn thong dong tự tính, tự do sinh ra, không có gì ngoại tại cưỡng ép được cả. Nên khỏi cần minh biện, khỏi cần suy luận tính toán. Có là có, hoa là hoa, nhạc là nhạc, thế thôi, không còn gì hết nữa. Đó là lối nhìn thoạt trông tưởng như không ăn nhằm chi tới việc suy tư, nhưng tựu kỳ trung lại là lối suy tư nhiều hiệu năng hơn hết. Bởi suy tư trong triết lý là gì nếu không là Quy tư, tức tìm trở lại cái nguồn gốc, cái nhà, cái nhân tính của mình. Mà nhân tính là toàn thể, chỉ khi nào tâm thức ta thoát ra khỏi vòng trăng trói của những cái bé nhỏ, những thời điểm kế tục, những không điểm trải ra có thể cắt xén, đo đếm được, thì mới hy vọng nhận thức ra cái Toàn thể. Khi người ta đã nhận thức ra cái Đạo thể Viên Dung thì không còn coi đời cách khắc nghị như trước, nhưng coi như một trò đùa và chính mình cũng vui đùa, chơi giỡn với, đóng vai trò giúp vui với và "cử nhất bộ" múa một chân, còn một chân với hai tay để trên cõi Đạo.
Đó là lý do tại sao những bậc đã đạt Minh triết thì tâm hồn thản nhiên trước mọi biến cố, và tâm trí như luôn mở ra trước huyền diệu, lúc nào cũng như hăng say trước một cái gì mới mẻ, như mới khám phá ra một mối liên hệ kỳ thú giữa vạn vật với Đại thể Viên Dung sung mãn, khiến các Ngài cũng sống sung mãn và nói lên những lời sâu tận căn để. Thí dụ nếu ta hỏi làm thế nào để trị nước, để hiện thực được nhân nghĩa, thì sẽ không nhận được câu trả lời chi li: phải làm thế này thế kia. Và nếu ta chờ mong những câu đó thì sẽ không thỏa mãn và sẽ coi các Ngài như không trả lời đúng ý ta hỏi.
Nhưng nếu thưa thế thì tỏ ra các Ngài không hiểu lẽ biến dịch ở đời, mỗi biến cố khác nhau, không có bao giờ hai việc y như nhau xảy ra. Chưa nói đến việc các Ngài cướp quyền tự chủ về một điểm chưa xảy đến và khi xảy đến thì tùy lúc "hiện tại" ấy mà ứng biến. Vậy lời nói các Ngài chỉ nhằm giúp tâm trí ta không bị chinh phục trong gông cùm của những cái bé nhỏ, tính toán, đo lường, nhưng liệu sao cho tâm hồn mở lên đợt siêu thức, tức là nhận ra Đạo Thể, để nó sẽ hướng dẫn trong mọi bước đường dù khác biệt nhau tới đâu.
Muốn thế thì tâm trí cần được an nhiên thanh thoát không bị ám ảnh bởi bất cứ những lý lẽ bé nhỏ của các vật thể này hay biến cố kia. Không gí giúp ta đạt tâm trạng đó bằng quan niệm vũ trụ như một trò đùa của Hóa công, nhìn cuộc sống như hí trường như sân khấu mà mỗi người chỉ là một diễn viên. Đó là tư tưởng then chốt nó sẽ lái tất cả mọi cảm xúc suy tư theo chiều hướng nó, nghĩa là không bám víu nhưng thanh thoát (détachement). Thế mà thanh thoát là nền móng cho mọi phương pháp khác nhau từ kinh kệ, suy tư qua những lối ngồi thiền hay lối sống trọn cái "bây giờ ở đây"… tất cả đều là những dịch bản củalòng thanh thoát. Có thanh thoát mới mau kiến tính, nhận thức ra Đạo thể Viên Dung vậy.
2. Ư Nghệ
Nghệ thuật là ngôn ngữ đặc trưng của triết nho. Các nền triết khác hoặc dùng ngôn ngữ lý luận như triết Tây, hoặc dùng ngôn ngữ phủ định như triết Ấn, đôi khi có triết thuyết dùng ngôn ngữ tiêu biểu hoặc loại suy kiểu tôn giáo.
Ngôn ngữ lý luận hoặc loại suy thường căn cứ trọn vẹn trên dữ kiện tai mắt, thuộc lý sự, nên đã để mất ý thức về nội dung chânthực của những thực thể siêu linh, là cái chỉ có thể trực giác nghĩa là xem thẳng không đi qua trung gian từ ngữ, phân tích, phạm trù, hệ thống. Đi qua những trung gian này ít khi thoát nạn ngưng trệ lại đó, Nho triết kêu là "tế ư từ": vướng mắc trong từ ngữ và công ty của nó (phạm trù, hệ thống…) nên không trực thị được Nhất thể Viên Dung. Khi đã không nhìn ra được thực thể Tâm linh đó thì những thần thoại hoặc huyền sử cũng để trụt mất nội dung linh động để chỉ còn lại một thứ biểu tượng hay ẩn dụ suông. Có chồng chất trăm ngàn biểu tượng hoặc ẩn dụ huy hoàng đến đâu cũng chỉ là chuyện thế gian, không giúp cho liễu hiểu Đạo lý đê Tâm thức chuyển hóa lên bình diện trên.
Ngôn ngữ phủ định của triết Ấn Độ hay tất cả những nền siêu hình phủ định khác (vô ngôn) thường chỉ nhằm đập vỡ vỏ trứng che lấp gà non, nhưng không hẳn là một bày tỏ ra gà con tức nội dung thực tại của Đạo lý. Vì nội dung đó là thực tại vô biên không thể bày tỏ. Vậy chỉ có việc im lặng mà thể nghiệm, mà cảm ứng, và cho tới đây thì không gặp bất tiện nào hết.
Nhưng bất tiện khởi đầu xuất hiện từ lúc triết gia muốn lập ngôn, muốn truyền đạo lại cho môn đệ thì không lẽ bỏ ngôn ngữ là một trong những phương tiện thông giao hiệu nghiệm nhất. Vậy phải dùng ngôn ngữ, nhưng ngôn ngữ hữu hạn mà Đạo thể vô biên, nên chỉ nó Neti, neti… vô ngôn, uyên mặc. Nhưng với người mới học Đạo thì vô ngôn chỉ có nghĩa là vô tri, vô cố, vô nội dung, và khi nói Đạo không là cái này không là cái kia thì dù có nói trăm ngàn lần cũng chỉ là cái biết tiêu cực. Người viết một cuốn sách tự đầu đến cuối chỉ nói không không thì chẳng thà đừng nói, đừng viết.
Huống chi tuyệt đối phủ định bao hàm phủ định sự hữu hạn của vạn vật, của các biến cố, các hình dung sắc tướng thì lại là hậu quả của thuyết vô nhị tiêu cực. Và đó chỉ là đối cực với phía kia là cực hữu. Cực hữu dùng ngôn ngữ của lý luận, hệ thống chật cứng y như sự vật có một cách đặc sệt đến không còn chỗ dắt liên hệ nào vào cả. Đến nhu cực vô thì là không còn vật, nên khỏi cần liên hệ nên cũng khỏi cần ngôn từ. Và như thết ta lại thấy cái bất tiện của nhị nguyên như trong lãnh vực bày tỏ của ngôn tự.
Vậy hỏi rằng giữa một bên danh lý ròng đến không thấy siêu hình (hoặc quan niệm siêu hình như có hình nhưng vắng mặt cũng thế) và một bên vô ngôn chối sự hữu của vạn vật thì có tìm ra được một lối ngôn từ trung gian nào ít nguy cơ vướng vào một trong hai gọng kìm kia chăng? Thưa cuối cùng chỉ còn có ngôn ngữ nghệ thuật, và đó là đường lối mà hiện nay một số triết học gia nhìn nhận ra và đang đưa vào triết lý. Chưa xét tới việc đưa vào có hợp hay không, nhưng nguyên một việc dùng ngôn ngữ nghệ thuật đã là một dấu của thời đại, một sự báo hiệu cuộc phục hoạt của triết lý nhân sinh. Bởi vì nghệ thuật là một sự biểu lộ cái vô biên, nó là sự kết tinh hay nhập thể của cái vô biên vào trong cái hữu hạn, nghĩa là một lối nhập thể cao hơn những lối vọng phát của tâm thức vào sự vật cứng đặc như ngôn ngữ của danh lý hay vào những ảo mộng của lối trầm không u tịch.
Ở nghệ thuật, Nhất thể u linh mặc lấy "xác thân" hữu hạn như từ ngữ âm thanh, tiết nhịp, dạng thức, màu sắc, hương vị như là hạ tầng cơ cấu nghệ thuật… để nói lên một cái gì vượt tầm của chúng, nhưng lại nhập thể trong chúng. Do đó một nghệ phẩm tuyệt xảo bao giờ cũng "biểu lộ" một cái gì không thể biểu lộ, nên cần phải có một trình độ nhạy cảm cao độ mới thưởng thức được nghĩa là nhìn ra và rung cảm. Sự rung cảm đó lại được nghệ phẩm tài bồi để phát triển năng khiếu mẫn cảm hầu cảm thêm được những cái gì u ẩn bàng bạc hơn, và đó gọi là có "nội dung nghệ thuật" một thứ nội dung của siêu linh đầy huyền lực nâng bổng con người. Cho nên học nghệ thuật là học cách nhìn ra được những cái mà thường nhân không nhìn thấy. Nghệ sĩ là người biết nhìn xem và nghe ra cái không thể nhìn bằng mắt, nghe bằng tai vậy.
Triết gia phải là người biết nhìn ra cái đó, cái Đạo Thể Viên Dung nhưng u ẩn khuất lấp, nhưng cũng chính vì u ẩn nên lại linh động nhất. Lúc ấy người có dùng ngôn ngữ thông thường hay biểu tượng, hay cả đôi khi điểm xuyết một nhịp "vô ngôn" thì tất cả cũng đều hàm chứa nội dung chân thực. Chính vì thế nên ngôn ngữ nghệ thuật ít đưa đến hiểm họa bị ứ đọng như nơi từ ngữ biểu tượng hay vô tượng, vô ngôn, và vì đó, nó là ngôn ngữ trong giai đoạn an vi của con người sau các đợt tiến trước là hữu vi rồi vô vi. Nói khác nó sẽ là giai đoạn đạo nghệ trong đó con người giao hội trực tiếp với Đại thể qua lối nghệ thuật, mà ít phải qua trung gian từ ngữ, biểu tượng như trước.
Sở dĩ như thế được vì ở đợt an vi người đã chấp nhận những hình tích cá thể, những sự vật dị biệt như lưỡng đoan của Nhất thể nên có thể dùng hữu hạn đặng biểu lộ vô biên gọi là thể, mà không cần khước từ sự vật như trong giai đoạn vô vi vối vô ngôn, cũng không bám trọn vẹn vào sự vật với luận lý cố định như ở giai đoạn hữu vi. Ở giai đoạn an vi của đạo nghệ, sẽ là "đi một chân" (cử nhất bộ) nghĩa là một bước trên cá thể hiện tượng, còn bước kia trên Đại thể ẩn tượng, hay nói cách khác là lối sống nhẹ nhàng thanh thoát kiểu nghệ sĩ, nên cũng dùng một ngôn ngữ nhẹ nhàng trồi sụt, đong đưa không quá gẫy gọn, cũng không biến mất hay quá ẩn tàng để không ai hiểu được chi cả.
Ngôn từ của đạo nghệ dễ hiểu, nhưng sâu hai ba đợt, và hiểu sâu đến đâu cũng không tới đáy. Vì nó phát ra do những vị đã trực thị được tuyệt đối thể vô nhai. Sở dĩ đạt được vì người sống sung mãn, sống tràn ngập, sống ngây ngất với thực tại ở đây và bây giờ, không để dấu vết lại trên những cái đã qua để chúng phóng ra tương lai làm cho tương lai nặng trịch những vấn đề khó khăn đã không giải quyết ngay được, còn cản trở thêm không cho nhìn ngắm trìu mến mái hiện tại nóng sốt. Thoát được cái tật con én đưa thoi đó người sống ngụp lặn trong vòng cảm nghiệm, để cái cá thể biến chìm trong những thể nghiệm và như được đồng hòa vào cái "khí Đạo sinh động" đang rào rạt chảy qua, và người đời kêu đó là thần hứng.
Thần hứng không ngưng trệ ở phương nào, không đặc ân lúc nào, nên mỗi hiện tại có thể phồng lên bằng cả một cái vô cùng, và khi nó "nhập thể" vào một hình thái nào thì đó là một nghệ phẩm. Nghệ phẩm siêu tuyệt là một sự nhập thể của cái vô cùng vào cái hữu hạn. Nghệ thuật là làm "xuất hiện" ra cái vô biên trong một khoản khắc, một không điểm bé nhỏ. Nghệ thuật vì thế là một cây cầu thứ ba (sau tôn giáo và huyền niệm) để thiết lập thông giao giữa hữu hạn với vô cùng, giữa con người cá biệt với tuyệt đối mênh mông.
Nghệ thuật khác với khoa học ở chỗ nó không lặp lại y nguyên, không dựa trên sự đồng nhất. Khoa học có nguyên tắc để làm ra trăm ngàn cơ khí. Điều hệ trọng của nhà khoa học là chẩn xác, tinh mật, không được sai chạy một li càng đi sâu thì độ tinh mật càng bắt buộc. Thành quả của khoa học là tuân theo lý tắc hoàn toàn. Nghệ thuật trái lại không có chuẩn tắc, hay là có rất nhiều để cung ứng cho nghệ sĩ muốn cách phối hiệp khác nhau và không có cái nào lặp lại một "đặc tính" của cái trước. Mỗi nghệ phẩm là một cá phẩm, với những đặc tính riêng biệt, và nếu thực sự là một sản phẩm của nghệ thuật thì chỉ có một, duy nhất, không thể lặp lại lần sau. Lặp lại là việc của công nghệ không phải là nghệ thuật.
Nếu nguyên tắc của khoa học là "vũ" không gian và lý trí phân chia cách biệt, thì nguyên lý nghệ thuật thuộc "trụ" thời tính siêu linh để vươn lên cao vút trời xanh không bờ bến. Suy tư theo danh lý là vâng phục những định tắc do lý trí đã thiết định, ngược lại nghê thuật cũng là một lối "suy tư" nhưng là trầm tư, nghĩa là không đặt nặng định tắc lý trí nhưng cần đặt mình trong tư thế hòa lạc với thiên nhiên vạn vật.
Tâm tư là nhịp cầu bắc từ lý trí sang tâm tình. Lý trí cần phải điều hợp với mọi khía cạnh của sự vật, vì thế dễ thiên lệch ứ đọng vào một xó góc của sự vật bé nhỏ. Do đấy cần phải có một bước khác lùi xa ra để đạt cái nhìn bao trùm để nhận ra hoàn cảnh, để đưa lại cho mỗi sự mỗi vật một ý nghĩa do sự hỗ tương bổ túc. Lý luận ví được với cột và tường nhà, còn nghệ thuật ví được với những bức mành mành thưa mau tùy mức độ cao thấp của thần hứng, còn nghệ sĩ là nhà nhiếp ảnh rình chực nhìn qua mành mành đong đưa đó để "chụp" lấy một vài dáng dấp của "Tuyệt Đối" lung linh vô thể. Trong hình ảnh đó ta có thể coi những nghệ phẩm kiệt tác như những bức chụp vội khuôn mặt của Đại thể tâm linh đang thập thò trước ngưỡng cửa thiên thai của siêu thời nghĩa là phần lớn còn bên gnoài thời gian trôi chảy và vì thể những siêu phẩm đó dựa vào những đức tính vĩnh cửu của hòa thời.
Nhà nghệ sĩ có thể sống ngòai thời gian nghĩa là như ngụp lặn trong sảng khoái tạo dựng có khi lâu chừng mấy phút và những sản phậm kiệt tác sống lâu hơn tác giả nó nhiều thế hệ là vì đó. Bởi vậy nghệ thuật được coi như sự giải thoát con người, nên bảo trong xã hội ngày mai nghệ thuật sẽ có địa vị như tôn giáo thì rất có lý khi hiểu tôn giáo theo nghĩa trung thực của nó: tức là kinh nghiệm trực thị được cái bản thể chân thực sâu thẳm nằm trong thâm tâm và tiếp sinh lực bao la đầy sức giải thoát cho con người.
Thực ra khoa học kỹ thuật cũng giúp rất nhiều vào việc giải phóng con người khỏi những lao tác quá nặng nhọc, nhưng còn cần nghệ thuật để giải phóng cả phần tâm tình, nâng cao con người trọn vẹn thì cuộc giải phóng mới sâu xa toàn triệt. Vì nghệ thuật đi rất sâu xa vào tính tình con người nên quy tụ mọi tình tự tản mát để nâng cao lên như đón nhận cái hôn huyền diệu của nhân tính.
Nhân tính vốn là sự huyền diệu của thần linh, không phương không góc, không chịu được tiếp nhận bởi ngôn từ của lý luận, của hệ thống là cái gì quát bắt góc cứng đọng có tính cách làm nghèo sự vật. Vậy cần tiếng nói nghệ thuật lung linh ẩn ẩn hiện hiện chiều theo những đường cong lượn êm, nên dễ làm tăng gia cường độ của tình người, làm cho nó trở nên thanh bai tế nhị. Một nền văn hóa chân thực, không những phải có lý luận để hướng dẫn đường suy tư, mà còn cần một nghệ thuật để thanh lọc tâm hồn mới có thể giúp con người rung động trước những mối tình cao cả của nhân loại, và mới thật đáng tên văn hóa, có khả năng cải hóa xã hội loài người cho mỗi ngày thêm cao đẹp hơn.
Văn hóa chỉ bước trên đường thăng hóa đó khi vượt qua được đợt tứ địa để sang cõi tham thiên là Chân, Thiện, Mỹ. Thiếu Mỹ thì bộ hai Chân-Thiện không vẽ nổi Đại thể Viên Dung sung mãn, và lúc đó Chân Thiện Mỹ sẽ rời rạc trở thành những thực thể sống tự tại ở trên thế giới ý tượng. Lấy chúng làm đối tượng thì triết lý đốc ra triết học với những lời rỗng, nghệ thuật đốc ra nghệ công trang trí, nhânluân đốc ra luân lý hình thức, căn cứ trên những tục lệ, quy ước xã hội, và cả ba trở thành nghề nghiệp, mà hết còn là một sứ mạng. Có còn sứ điệp đâu mà là sứ mạng.