"Phần nhiều chưa hợp" là sao? Thế nào mới gọi là hợp? Theo tiêu chuẩn hoặc định mức nào? "Sợ họ còn tức khí", "nhân cơ mà châm chước", "xếp đặt không giỏi", sử quán nhà Nguyễn chỉ cần ghi lại bấy nhiêu đó cũng đủ cho hậu thế thấy được hình ảnh của những vị đại quan tá quốc vô tích sự của triều đình nhà Nguyễn dưới quyền của một ông vua tối ngày thơ phú văn chương, phung phí tài sản nhân lực quốc gia, một tập đoàn phong kiến dốt nát về ngoại giao, đui mù về kinh tế, hèn yếu run sợ không có đãm lược khi phải đối phó trực diện với kẻ địch, không có một đường lối chính sách quốc phòng rõ rệt mà chỉ biết áp dụng phương cách thừa cơ, mưu mô xảo quyệt, kỳ kèo trả giá của hạn con buôn trục lợi. Quân đội thì chỉ biết áp dụng chiến thuật chưa đánh đã chạy cùng với chiến lược bỏ thành, bỏ đất, bỏ dân cho địch kiềm tỏa. Một ông hoàng đế như thế, với một bộ tham mưu như thế, với một quân đội như thế thì nhiều lắm cũng chỉ đối phó được với những nhóm nổi loạn đia phương hoặc hơn thêm một chút thì chỉ có thể phùng xòe ăn hiếp vài nước nhỏ láng giềng bán khai trên bán đảo Ấn Hoa chứ có thể nào mà đối đầu nổi với các thế lực quân sự hùng mạnh của thực dân Tây phương. Không phải đợi tới bây giờ triều đình đình nhà Nguyễn mới gọi là thua mà đã thua từ khi quân xâm lược Tây phương đánh phá và phong tỏa vụng biển Đà Nẵng từ tháng 7 âl năm Mậu Ngọ (1858) và dưới quyền cai trị của Tự Đức với đám hủ nho chậm tiến, bè phái, ngủ mê tại triều đình Huế, nước Đại Nam, dân tộc Đại Nam trước sau gì rồi cũng phải rơi vào ách thực dân thuộc địa của phương Tây. Có một điều nghịch lý là sau khi trút tội lên đầu lên cổ người khác và kèm theo đề nghị trừng phạt, các ông quân sư giỏi tài khua môi múa mép các truyện Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu, tối ngày chỉ biết co ro khúm núm cận kề bên cạnh Tự Đức thì lúc nầy lại co đầu rút cổ chẳng có ông nào dám hùng hổ tình nguyện đứng ra thế chỗ 2 ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp. Giả thử lúc đó Tự Đức cứ chém đầu ông Phan Thanh Giản và ông Lâm Duy Hiệp thì từ đó về sau sử quán triều Nguyễn sẽ phải ghi chép như thế nào? Không phải Tự Đức không biết rõ "tài năng hạng bét" của nhóm nho thần của mình nơi triều đình Huế, cho nên khi họ xin bắt tội ông Giản và ông Hiệp Tự Đức đã phải thốt lời rằng: "bây giờ há có người hiền tài nào mà đổi hết được du?". Khi thốt lời nầy, Tự Đức chấp nhận là khó có thể thay những đòi hỏi của quân xâm lược và chẳng có ai có đủ tài cán hơn hai ông Giản, Hiệp để đảm đương việc đôi co thương lượng với người Pháp. Tự Đức cũng dư biết trước rằng quân xâm lược sẽ không dừng chân sau khi đòi hỏi của họ đã được triều đình tuân hành và đất đay của nước Đại Nam sẽ còn tiếp tục rơi vào tay của họ mà nguy cơ trước hết là tỉnh Vĩnh Long và 3 tỉnh còn lại của miền Tây cho nên Tự Đức lại phải tiếp tục dùng con chốt thí Phan Thanh Giản để trút tội và vì thế ông Giản lại được giao phó lãnh tổng đốc Vĩnh Long. Cũng có nhóm đại thần hủ nho chủ trương đánh tới cùng nhưng họ chỉ đánh giặc miệng ngay tại triều đình Huế chứ chẳng biết được một chút gì tình thế bên ngoài và thời sự đang sôi sụt trong Nam Kỳ hạ. Đánh ư? Thì đã đánh rồi còn gì, nhưng mà đánh đâu thua đó, chưa đủ sao? Khi thanh nhàn phè phởn thì nấm giữ phẩm trật cao trọng đứng đầu triều chính như Trương Đăng Quế nhưng đến lúc nước nhà ngữa nghiêng thì lại vội vàng xin về dưỡng hưu để trốn tránh trách nhiệm. Một người khác thay thế ông Giản mà vẫn thất bại thì sao? Lại tìm một người khác thay thế và nếu vẫn thất bại- mà điều nầy là chắc chắn- thì rõ ràng không phải là tại người thương thuyết bất tài vô trách nhiệm và như vậy thì tội làm mất dân mất đất đâu còn ai để gánh chịu nếu không phải là Tự Đức và nhóm đại thần hùa nịnh ở Huế. Vậy thì tại sao lại phải cử người khác thay thế ông Giản. Nham hiểm độc ác là ở chỗ đó. Cứu dân, cứu nước, mới nghe qua thì thật là ái quốc thương nòi nhưng nếu xét cho thật kỹ thì sẽ thấy rằng sự nóng lòng của Tự Đức trước việc để mất đất đai ở Nam Kỳ hạ không phải được thúc đẫy bởi lòng yêu nước chân chính của một người lãnh đạo quốc gia nhưng vì ở vùng đất nầy có nhiều ràng buộc tình cảm lâu đời của tông tộc nhà Nguyễn Phúc. Do đó, có thể nói là bằng mọi giá, Tự Đức phải lấy lại cho bằng được những phần đất hiện đang bị quân xâm lược chiếm giữ kể cả phải hy sinh xương máu một cách vô ích binh sĩ của triều đình cũng như dùng chiêu bài ứng nghĩa để khích động dân chúng nổi dậy kháng chiến chống Pháp. ° "Về khoản cắt đất bồi ngân, hai viên ấy đã làm, phần nhiều chưa hợp...", đây là ý kiến của mấy ông quan đại thần tai to mặt lớn trong cơ quan Cơ Mật Viện mà thâm ý ác độc gán tội cho người khác đã hiện rõ ràng: Ai cắt đất bồi ngân? Cắt đất nào, ở đâu? Phải chăng là Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho, Vĩnh Long? Xin thưa: các vùng lãnh thổ nầy có còn thuộc quyền kiểm soát của triều đình Huế nữa đâu để mà cắt với xén! Bồi ngân? Ai đã xin chuộc đất bằng tiền, ai ấn định khoản tiền chuộc và chi phí chiến tranh? Xin thưa: không phải là do hai ông Giản và ông Hiệp tự ý đứng ra làm việc đó và nếu hai ông ấy có ý muốn làm như thế thì cũng chẳng thể được vì hai ông chỉ là đại diện của một triều đình chiến bại đến cầu xin ân huệ của một kẻ xâm lăng thắng trận! Kẻ chiến thắng ra điều kiện, kẻ chiến bại không có quyền đặt điều kiện, đó là một sự thật phủ phàng đã có từ ngàn xưa! ° C/ - Nội dung của định ước năm Nhâm Tuất (1862) Nguyên văn bản định ước năm Nhâm Tuất (1862) bằng tiếng Pháp như sau:
Đã xem 67938 lần.
http://eTruyen.com