"Vạc... vạc" Nghe vạc kêu, vừa giần gạo, mẹ vừa nói:
- Khổ, vạc đi ăn khuya thế. Ăn sớm thì cò còn thức, nó mổ chết.
- Sao vạc cứ phải ăn đêm hở u?
- Thì vạc đã bán hết cả ruộng cho cò còn gì?
Sớm tờ mờ, tôi dậy thổi cơm, tiếng vạc rủ nhau bay về, bay nhanh lắm, tôi không nhìn thấy. Thế ra vạc đã lặn lội suốt đêm qua.
Từ đấy nghe liếng vạc, tôi lại buồn. Thương vạc quá.
°
*
"Cò... cò... ". Cò bị bẫy. Dây bẫy thắt đúng cổ. Anh tôi reo lên, tóm nó về.
Tôi thương nó. Vì tôi vẫn thuộc mấy bài hát:
Con cò mày đi ăn đêm. Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao Thế thì cò cũng khổ lắm chứ? Cò lại còn biết dặn người ta: Có xáo thì xáo nước trong Đừng xáo nước đục đau lòng cò con Thế thì cò cũng tốt lắm chứ! Nào là:
Con cò lặn lội bờ sông.Gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non. Thế thì cò cũng có thủy chung lắm chứ? Nào là:
Con cò bay lả bay la... Cò trắng đầy đồng. Cò đẹp cho đồng lắm chứ! Nào là:
Con cò là con cò kỳ
Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô...
Nó khổ thế!
Bài hát về cò nhiều lắm và nghe nẫu ruột lắm.
Anh tôi chưa giết cò vội, nhốt nó vào cái lồng bu. Tôi định thả nó ra.
Bỗng nhiên cái Bảng, em gái tôi, ngồi tỉ tê hát:
Cái cò, cái vạc, cái nông Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò? Không không, tôi đứng trên bờ Mẹ con nhà nó đổ ngờ cho tôi. Tôi nghĩ mãi. Tự nhiên thấy con cò xấu hẳn đi. Trông nó dữ tợn. Lông ở đầu nó dựng lên. Cổ dài ngoẵng, cái mỏ dài, nhọn hoắt; đôi mắt đỏ lên, sòng sọc. Lù đù thế mà nỏ mồm. Rõ ràng vừa rồi từng đàn sà xuống ruộng, giữa ban ngày, bị mắc bẫy, có "đứng trên bờ" đâu. À ra cò xấu thật: cò mồi, cò rò, thầy cò, cò cựa, lử cò bợ, làm kiểu cò con, lò dò như cò mổ tép... Muốn gì thì gì chứ cái chuyện vạc bán ruộng cho cò thì tôi nhớ nhất. Mẹ tôi bảo nó có cái "văn tự" ở nách ấy. Đi đâu nó cũng cắp ở nách kè kè. Vạch mãi không thấy, anh tôi vặt lông, khi vặt trụi hết lông thì thấy một miếng vuông vuông bằng nửa con tam cúc màu vàng lại gợn gợn như những hàng chữ. Tôi reo lên
- Văn tự đây rồi!
Anh Thả bảo:
- Đúng! Đúng! Bóc mẹ nó đi!
Anh tôi bóc đi, rồi mổ cò cho vào xáo măng.
Từ đấy, tôi cứ thích theo anh đi đánh bẫy cò, thích nhất là được bóc "văn tự"!
°
*
Con bồ nông, cái nông cũng là nó. Nó sống lưa thưa. Kìa, nó lúi húi mò mồi trên ruộng. Có lúc tôi nhầm là thằng bé bắt cua. Bắt được con mồi, nó cầm lên đút vào "yếm" để đem về cho con. Ít khi thấy nó ăn ngay tại chỗ. Nó lớn quá mà hiền, nó ít "nói", bị cò đổ vạ cho là "giẫm lúa". Nó không "cãi" cứ lủi thủi một mình. Mùa lụt, nó đứng trên những bờ cỏ, buồn rầu ngẩn ngơ.
Kìa, người ta hụp xuống nước, đội bè cỏ, đi dần đến chỗ nó. Nó vẫn mơ mộng ngắm đồng nước trắng, ngắm trời vân vũ rồi ủ rũ, "mất mùa" không kiếm được gì mang về cho con. Bất thần, nó bị người ở dưới bè cỏ vung tay chộp. Nó giang hồ, tha phương cầu thực. Tôi không biết "nhà cửa" nó ở đâu. Chỉ biết: Khi nó đã bay thì bay ngang trời, cao lắm, xa lắc. Tôi cứ hát mãi:
Bao giờ cho hết tháng ba Bồ nông no ấm ở nhà nghỉ ngơi Nó hiền thế mà sao luôn luôn bị tai vạ? °
*
Trong các vườn tre ở làng này thì vườn của ông Tuyên là rộng nhất và cũng um tùm nhất. Những cây tre cái gióng dài và to vươn chọc giời. Khi già, nó chín vàng. Những cây tre đực thì gióng ngắn và lùn. Khi nó còn trẻ đã rắn rỏi, lầm lì. Những cây või khi chưa có lá đã mập mạp, thẳng băng.
"Đất tốt cò đậu". Cò mười phương đã chọn cái vườn này để ở. Giữa một vùng xanh biếc ấy rợp những đốm trắng lốp, lao xao.
Mùa xuân, rồi mùa hè, cò rủ nhau tụ hội. Chả mấy đỗi mà tổ dày chi chít...
Vườn cò xảy ra bao nhiêu chuyện:
Một sớm, sáu chú diều hâu cậy mình to sức lớn với dáng hình kỳ quái sà xuống các tổ cò định ăn trứng và quắp cò con; lập tức cả vườn cò xáo động. Một đám cò xông thẳng vào mấy con diều hâu, mổ túi bụi. Diều hâu lập tức dùng tất cả sức mạnh, giương cánh lao vút lên tận mây xanh. Một vài con kêu ré lên...
Cò thường ở vườn tre. Cò khôn lắm. Chúng biết rằng tre đầy gai góc. Đối thủ nào cũng chẳng dại gì mà leo lên tận "vắt vẻo ngọn tre" để phá nhà chúng.
Còn vạc thì lại tụ tập ở cây đa chùa, cây đa đình. Đêm, vạc đi ăn, cò ngủ say sưa. Ngày, cò đi ăn, vạc ngủ la đà. Một hôm, không hiểu nguyên cớ gì, một đàn cò đột nhiên tràn sang đánh vạc giữa ban ngày ban mặt. Trận ẩu đả này cả làng tôi đều biết. Tiếng kêu của vạc, của cò ran góc làng. Tán loạn, không phân thắng bại.
Lần này, một trận lại xảy ra ngay ở vườn cò. Chúng tôi đoán có mấy nguyên cớ sau đây (các cụ già cũng bàn tán như thế):
Có thể là vạc lười, không chịu làm tổ. Hoặc có làm tổ nhưng làm sơ sài tạm bợ. Vì thế nên có một số "cô" bay qua vườn cò, thấy cò vắng nhà, các "cô" đang mót đẻ thấy sẵn tổ ấm, vào... đẻ... nhờ...
Riêng cái chuyện này thì vạc có hai cái liều:
- Một là, các "cô" đang đẻ, cò về thì sao?
- Hai là, nếu đẻ trứng ra còn phải ấp. Thế thì vạc có dám sang ấp không? Nếu nhờ cò ấp cũng được đấy. Nhưng sau này vạc con nở ra. Thấy khác giống (mà lại là vạc) thì cò con nó cũng đổ xô vào nó đánh chết chứ chưa nói đến cò mẹ, cò bố.
Cái liều thứ nhất đã xảy ra:
Mấy "cô" vạc đang đẻ thì một đàn cò đi "làm" về. Cuộc đánh nhau kéo dài. Ngay trong chuyện này vạc cũng liều: Chỉ có mấy "cô" lại đang đau đẻ thế mà dám chống một đàn cò! Dĩ nhiên là giỏi mấy các "cô" cũng thua. Đàn cò đuổi theo đến tận gần nhà vạc.
Anh tôi tìm được một tổ có cò con. Những con cò đã "ra ràng", nghĩa là có thể "đến tuổi" xáo măng. Anh đánh bạo, trèo lên lưng chừng cây thả sức rung, rung mãi, rung lấy rung để, không một con cò con nào rơi xuống. Mới biết, cò chịu khó làm tổ kiên cố thật! Anh em tôi đành bó tay, ra về với một sự trừng phạt thật là ghê gớm: Cứt cò vãi trắng như vôi đầy đầu, đầy mặt, đầy áo chúng tôi. Riêng tôi, lúc ngẩng lên còn bị một hòn cứt cò rơi vào trúng mồm. Mùi tanh và hăng hắc xông đến tận óc!
Thế đấy! Khi có giặc đến nhà, họ nhà cò hợp quần nhau lại cùng đánh; tìm mọi mưu hay kế giỏi để tự giữ mình. Nói như vậy, không phải trong họ nhà cò không có chuyện gì!
- Mấy con cò lười biếng, không chịu lặn lội kiếm ăn, đã cướp mồi của con khác. Thế là hai bên mổ nhau, đạp nhau thừa sống thiếu chết. Có con bị lòi cả mắt. Con bị lòi mắt có khi lại là con đi kiếm mồi về!
- Một con cò đang nằm trong tổ, một con khác về xông vào đánh liền. Tôi cứ tưởng chúng cướp ổ nhau. Nhưng chưa chắc đã phải. Dân làng đồn rằng chúng đẻ nhầm ổ nhau. Hàng trăm tổ giống nhau, tránh sao được sự nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn này chắc đã xảy ra nhiều lắm, nhưng không va chạm mấy. Vì sao? Khi chủ nhà đi vắng quá lâu, "cô" cò đẻ nhầm đã đẻ xong và bay đi...
Năm nào cũng vậy. Cứ đến cuối hè là bao nhiêu tai họa. Đấy! Đất giời đều lặng như tờ. Ai cũng tức thở...
Bão! Bão đã đến! Bão to lắm! Cò nháo nhác, bay lên lại nhào xuống. Tre vặn mình gãy răng rắc. Những cây măng như cái roi vụt tứ phía rồi đứt phăng như bị cưa...
Bão đã cút về phương nào!
Anh em tôi lao ra vườn cò. Ui chao! Thật là "bão chết cò". Cò già, cò trẻ, cò mẹ, cò con chết trắng vườn. Cũng có những con sống sót, rúc vào bụi nhưng cũng "lử cò bợ". Chúng tôi và trẻ cùng xóm tranh nhau vồ lấy vồ để. Chỉ một chốc, cái lồng đại đã đầy ắp những cò. Có người còn xách đẫy hai tay cả con sống lẫn con chết. Con chết thì đã đành, nhưng con sống, nhất là cò con thì tôi thương.
Sau khi quẳng lồng cò về nhà, anh em tôi chạy vội ra vườn nhặt măng. "Thừa gió bẻ măng", anh em tôi bẻ luôn cả những cây măng bụ bẫm chưa gãy.
Bữa cơm chiều, nhà tôi đang ăn cơm cò xáo măng, bỗng nghe có tiếng bà Tuyên chửi ở vườn. Bà rất tinh: cây măng nào gãy, cây măng nào bị bẻ trộm bà đều biết. Nghe tiếng chửi, hai anh em tôi liếc nhìn nhau. Chưa ăn đã thấy no, tôi đứng dậy vuốt bụng. U và xong miếng cơm, gõ gõ đũa vào miệng bát:
- Sao ăn ít thế con?
- Bữa trưa con đã no chán rồi ạ.
Anh tôi lặng lẽ cúi đầu cố nuốt xong bát cơm, may không bị nghẹn.
Đêm hè nhưng lạnh vì ảnh hưởng bão. Bão mấy ngày kèm theo mưa. Mưa thối đất thối cát. Vườn cò có tiếng cò kêu lạ. Ít khi cò lại kêu đêm! Trừ khi chúng tỉnh giấc và có động. Những tiếng kêu khi ấy gọn và im ngay. Đằng này, tiếng kêu của nó kéo dài và thảm thiết: C... ò... ò, c... ọ... ọ...!...
U ngủ được một giấc rồi giở mình thở dài:
- Nó nhớ con, nó kêu đấy. Rõ khổ!
Có lẽ cả nhà chỉ có tôi thức nghe rõ tiếng u nói một mình.
Sớm sau, cò lại bay trắng vườn. Thì ra cò tránh được bão, còn sống nhiều lắm. Chúng tha rơm tha rác về làm tổ mới. Những tổ mới mọc ra giữa vườn xơ xác. Tôi không thấy con nào tha mồi về cho con như trước khi bão.
Hôm sau, cò vẫn kêu. Thường chúng kêu từ lúc nhọ mặt người cho đến hừng đông. Đến ngày thứ ba thì nhiều con đã khàn đặc cổ. Tiếng kêu không phải "cò... cọ..." như trước, mà bây giờ nó kêu "c... ọ... ọ, c... ọ... ọ..."... Chúng tôi ăn cơm đèn dầu trong tiếng cò kêu.
Măng muối mọi lần ngon thế. Lần này nó vừa nồng vừa cay, nó vừa chua vừa chát đến nghẹn cổ.