Đang ở chỗ thị thành chật chội mà lúc nào tầm con mắt cũng như vấp phải những cái tường gạch, Đức được trông giời cao đất rộng, lấy là thú lắm. Lại lúc ấy, buổi bình minh đang trong cái phút rực rỡ nhất. Mặt giời, vua của sự sống, ngự toạ trên trên ngai vàng đặt trong một làn mây không chút vẩn. Những đàn chim mót thóc rập rờn bay từng đàn đông đặc, rồi lại sà xuống những ruộng lúa cắt trụi, còn trơ gốc rạ. Xa tít xa tắp, những làng mạc viền một đường xanh lá mạ dưới những chân núi màu xanh lơ. Gió sớm nhẹ nhàng thổi qua tất cả, tạo nên một điệu nhạc êm êm như gần mà lại như xa. Cả cảnh vật, cái gì cũng hùng vĩ, đăng đối với những màu sắc rục rỡ. Sự sống như một chất men nồng, quyện lấy tất cả, rồi thì lấy ở tất cả, đem tiêm một chất gì say sưa, sảng khoái vào lòng người. Đức nhìn, nhìn tất cả không chán mắt. Rồi bỗng nó thốt ra: - Trời ơi, rộng và đẹp quá nhỉ? Trước kia, ở Hà Nội, tôi nghe người ta nói những đâu đâu, tôi chẳng biết đâu đâu là thế nào, nay mới biết nó là thế này đây. - Ừ, anh chưa biết lên rừng và xuống bể còn to đẹp bằng mười. Đức muốn biết rừng bể, liền hỏi ngay: - Thế anh đã lên rừng xuống bể chưa? Rừng thế nào? Bể thế nào nhỉ? Cu Nhớn hơi luống cuống: - Tôi chưa lên rừng xuống bể, nhưng tôi nghe người ta đi về bảo thế. Người ta bảo rộng và to gắp trăm, gắp nghìn thế này này. - Nhưng rừng thế nào mới được chứ? - Rừng là cây ấy! Đức trỏ một cây xoan tây: - Cây thế này ấy à? Thế sao người ta không gọi là rừng? - À không, không. Nhiều cây cơ chứ, nhiều lắm lắm cơ chứ, mà toàn là những cây to cao vút giời, mà lá thì trùm kín mặt đất. - Ghê nhỉ! - Chả ghê mà người ta lại bảo rừng thiêng nước độc. Nhưng không sao, thầy tôi bảo đi rừng mà không ăn những thứ sống sít thì không sao. Nước đun sôi, mà cái gì cũng luộc hín thì thôi, không còn sợ gì nước độc. Mà ngủ đừng có ngủ ở ngoài sương thì rừng thiêng cũng không làm gì được mình. Đức trầm trồ: - Thế thì nhớn lên, thế nào chúng ta cũng phải lên rừng xem cho biết. Cu Nhớn nói một cách kiêu hãnh: - Tôi thì chẳng cần phải nhớn. Thầy tôi bảo sang năm, nếu có ai thuê thầy tôi đi thả bè thì thầy tôi sẽ cho tôi đi để thổi cơm. - Thế thì anh sướng nhỉ, sướng hơn tôi nhỉ. Cậu mợ tôi mà cứ nghe nói đến chỗ nào thiêng và độc là không khi nào bằng lòng cho tôi đi rồi. Rồi buồn rầu, nhưng chân thành nhận lấy cái chỗ kém của mình: - Nhưng thế thì cũng lại là anh hơn tôi nhiều. À mà này, bể thế nào nhỉ? Người ta bảo ở ngoài bể có những con cá to bằng con voi nó nuốt người cơ mà? - À, à, đấy là cá voi đấy. Cá voi nó hiền lắm, nó không nuốt người đâu. Nuốt người là cá nhà táng đấy. Úi dà dà, ở bể thì nhiều cá lắm, mà con nào cũng to. Thầy tôi đi Quảng Yên về, nói chuyện có những con tôm hùm to bằng bắp đùi chúng ta này này. - Thì là hùm, sao lại không to. Tôi đã trông thấy ông ấy ở trên trại Bách Thú, to gần bằng con bò ấy. - À, à, không phải, đây là tôm cơ mà. Nó dữ như hùm thì người ta gọi nó thế. Còn cái con anh trông thấy đấy, gọi là ông ba mươi. Nhưng ông ba mươi ở rừng, sao người ta lại có ở trong vườn? - À, vườn ấy nuôi các thứ súc vật, ở sau phủ Toàn Quyền ấy. Cậu tôi đưa tôi đi xem, bảo người ta bắt các ông ấy về từ bé, người ta nuôi, rồi người ta đem nhốt vào chuồng sắt cho những bé con như chúng mình xem. - Ồ, thế thì tài nhỉ! Thảo nào người ta cứ bảo không có cái gì hơn được người. Ấy những cá to như cá voi, người ta cũng bắt được về, đem làm thịt bán ở chợ đấy. - Bể nuôi được những giống cá ấy, chắc phải to lắm đấy nhỉ? - To, to lắm. Chẳng to mà người ta lại bảo bể rộng, sông dài. Thầy tôi bảo đứng trông ra bể thì chỉ thấy nước cuồn cuộn cho tới chân mây, chẳng thấy đâu là bờ cả. Thầy tôi lại bảo ở ngoài ấy có đường lên giời, nhưng chỉ có tiên mới lên được thôi. Mà ở dưới nước thì có đường xuống địa ngục, bao nhiêu quỷ, giời dồn cả xuống đấy, rồi bỏ vào vạc dầu nấu. Đức ngẫm nghĩ một lát: - Thế tiên thế nào, quỷ thế nào nhỉ? - Ồ, ồ, thế thì anh không biết gì cả. Những người tử tế, hiền lành tu nhân, tích đức lúc chết đi thì thành tiên. Còn những đứa gian ác, trộm cướp, những đứa chửi cha, mắng mẹ, đánh anh, đánh em thì lúc chết xuống địa ngục tất cả. Đức ta bỗng rùng mình rợn gáy, nín thin thít không dám thở. Cu Nhớn lại bồi thêm cho nó một búa cái, khiến cho nó choáng váng cả đầu óc: - Bu tôi bảo những kẻ ăn bơ, làm biếng, những kẻ đong non, cân thiếu, thì đều bị quỷ sứ cho vào cối giã, hay bắt leo cầu vồng, rồi du xuống vực sâu cho rắn cắn. Cảnh vật đang tưng bừng, bỗng tối sầm ở trước con mắt Đức. Nó bồi hồi nghĩ đến cái thân nó về mai sau. Nhưng lòng sợ hãi của trẻ con như trận mưa bóng mây, thoáng cái rồi tan. Bao giờ nhựa sống đầy ứ ở trong nó vẫn là mạnh hơn, làm át được tất cả. Chỉ một việc cỏn con xảy ra là liền làm cho nó quên ráo cả thiên đường và địa ngục. Hai đứa đương đi thì vụt một đàn trâu bò ở trong cổng làng lồng ra. Đức thấy những cái sừng nhọn hoắt, những con mắt trợn trừng, cùng cái dáng điệu hung dữ của chúng, sợ quá, toan trèo lên cây. Cu Nhớn kéo áo nó lôi xuống: - Ồ, trâu bò đấy mà, bao giờ nó chẳng sợ mình. Chúng trông hung hăng như thế, nhưng không bao giờ dám húc ai cả, trừ khi nó phát điên thì chẳng kể. Đức giơ giơ tay: - Thế thế kia không là phát điên à? Cu Nhớn cười ngoẹo cả cổ: - Không, không phải. Cả đêm bị nhốt trong chuồng, nay được thả ra đi ăn, chúng nó sướng, chạy tung tăng thế thôi. Đây là đàn trâu bò của ông nghị Hắc đấy mà. Ông ấy giàu nhất vùng tôi đấy. Con bò của thầy tôi trước cũng bán cho ông ta đấy. Rồi nhìn kỹ vào đàn trâu bò: - À, không thấy nữa. Có lẽ ông ta đã bán cho người khác rồi. Bò nhà tôi có tiếng tốt nhất vùng này. Và nhìn kỹ khắp cả một lượt: - Đàn trâu bò này tuy nhiều, nhưng ít con tốt, vởi vì ông ấy bắt nợ và mua lung tung. Với lại ông ta có nhiều, chẳng cần. Trỏ một con trâu: - Nhà tôi mà sau này nếu có mua trâu là không mua những con ấy bao giờ. - Tại sao? Nó to và béo đấy chứ. - Ồ, ồ, to béo vất đi thì to làm gì? “Quá tóc, hóc chủ” đấy, anh ạ. Tướng nó không tốt. Còn con kia thì “tam tinh, rình ăn trộm”. Mua con ấy thì đêm nào mình cũng bị kẻ trộm rình, mà trâu thì cũng đến mất thôi. Đức ta toan hỏi thế nào là “tam tinh”, thế nào là “hóc chủ” thì Cu Nhớn đã lại trỏ một con khác: - Con kia xoáy hậu thế nào cũng bị sét đánh. À, à, đàn trâu bò này xấu cả. Thì anh tính, của bắt nợ ấy mà. Có xấu thì người ta mới chịu gán đi chứ. Thầy tôi mà tậu trâu bò thì không con nào phí được cả. Lái nào cũng không lừa được thầy tôi. Dán sừng, chắp đuôi, làm xoáy là thấy tôi thoáng nhìn, biết cả. Thầy tôi trông là biết con nào bền, con nào xổi, con nào phàm ăn, con nào lười vật. Đức ta như lạc vào cái hầm vô đề của những tiếng lóng nhà nghề. Rồi khi thoát ra, Đức ta hỏi một câu nó chứng tỏ cái ngu si của một cậu bé tỉnh thành không biết hột cơm mình ăn tự đâu ra: - Trâu bò thì chỉ dùng để ăn thịt, chứ còn làm được cái gì, mà sao tôi thấy anh thích thế? Cu Nhớn bật lên như một thanh tre cong bị tuột lạt, bênh vực một cách triệt để con vật nó đã cùng chia sự vất vả, gian lao với mình: - Không có trâu bò thì chết đói ráo, hàng tỉnh cũng chết rã họng ra. Không có nó ấy à, đừng hòng có ruộng cấy, có thóc ăn. Nhà quê, con trâu, con bò là quý nhất. Không có nó vật lực cho mình ấy à, thì ruộng đất bao nhiêu cũng vất đi. Rồi trỏ những thửa ruộng đã cày ải: - Đấy, trâu bò nó cày lên đấy. Rồi thì người ta mới bừa, mới tháo nước vào mà cấy được chứ. - Tôi tưởng đấy là người ta cuốc đấy chứ? - Cuốc thì cuốc được bao nhiêu? Một con trâu làm bằng hai mươi người. Mấy thửa ruộng kia ấy à, trâu chỉ một buổi sáng, chứ cuốc thì hai mươi hôm chưa xong. Ở nhà quê có ăn là nhờ trâu bò cả. Úi chà, người ta nuôi nó như nuôi con ấy chứ, hơn con nữa chứ. Con nhiều đứa chỉ ăn báo hại, chứ trâu bò thì giúp giập người ta vô kể. Tôi đã thấy lắm người lúc túng phải bán trâu bò đi, khóc rưng rức. Chính bu tôi, lúc thầy tôi đem bán trâu đi, cũng khóc sưng cả mắt lên đấy. - Thế à? - Chứ lại chả thế. Nó làm với mình quen chân, quen tay rồi. Lại cho tới khi nó già, mình bán nó đi, cũng vẫn được tiền. Và nếu không bán đi cho lái, nhà làm thịt thì cũng vẫn bán được da, được xương, được sừng. Mà anh còn chưa biết, phân trâu bò bón ruộng tốt đệ nhất.