Vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, xí nghiệp in Tự Lực được Thành phố tặng cờ thi đua quyết thắng. Xí nghiệp đã có nhiều sáng kiến huy động các nguồn bên ngoài kế hoạch chỉ tiêu để bảo đảm nhiệm vụ in ấn theo kế hoạch trên giao cho, đồng thời còn tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho tất cả mọi người trong xí nghiệp. Hôm nay Đoàn Danh Thắng báo cáo với giám đốc Hai Hân sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm 1985 về thực hiện toàn bộ mảng "kế hoạch 3" của xí nghiệp in quốc doanh Tự Lực.Đoàn Danh Thắng là con Đoàn Danh Tiến. Với sự tháo vát của Hai Hân, ý tưởng chuyển cả gia đình Thắng từ Hà Nội vào trong này sinh sống được thực hiện mỹ mãn, có hộ tịch đàng hoàng. Đáp lại, Thắng luôn luôn cố gắng tỏ ra là một trợ thủ xứng đáng.Làm gì thì Hai Hân quyết, nhưng thực hiện mọi hoạt động của “kế hoạch 3” theo cái CP25 thì Hai Hân giao hết cho Thắng, vì là chỗ tin cậy được, hơn nữa đúng là Thắng có sở trường cho loại công việc "tạp-pí-lù". Về biên chế Hai Hân giao cho một người khác phụ trách. Hai Hân muốn tách bạch ra như vậy để dễ quản lý. Anh ta học lỏm được bí mật này từ Tư Cương trong những năm vẫn còn nhà in của ông Học. Ngoài nhiệm vụ chính của xí nghiệp là làm các sản phẩm in ấn theo kế hoạch Nhà nước trung ương hay Thành phố giao, tính ra xí nghiệp quốc doanh in Tự Lực bây giờ có tới 16 sản phẩm, nghĩa là 16 loại việc, cơ sở hay dịch vụ làm các nghề khác nhau trong "kế hoạch 3".Báo cáo xong kết toán thu chi, Thắng lắc đầu bái phục Hai Hân:- Em chịu anh đấy, Anh kiếm đâu ra bằng ấy công việc để nuôi bây giờ là gần bốn trăm con người, cũng có nghĩa là già nửa số bốn trăm gia đình!- Cậu nói cái gì, đã lên đến con số 400 rồi à? Sao dắt díu nhau vào nhanh thế?!.- Nhanh hay chậm thì em không biết. Nhưng cứ tính sổ phụ cấp mà em phải chia vào sổ lương hàng tháng thì con số chuẩn xác là 397 suất.- Mức phụ cấp bình quân một tháng lương tối thiểu còn giữ được chứ?- Được ạ.- Đà này một năm nữa thì lên đến một nghìn chắc? Cậu có biết khi tôi mới dựng lên xí nghiệp Tự Lực, biên chế này có bao nhiêu người không?- Em đoán cỡ một nửa hiện nay ạ.- Làm gì! Có hơn sáu chục thôi, sau đó tuyển thêm, rồi lại sáp nhập thêm 2 xưởng in nhỏ nữa, tất cả cũng chưa đầy một trăm hai mươi người! Cứ thế này thì lấy gì mà nuôi cả một huyện người? - nỗi lo hàng ngày của Hai Hân lại bục ra.- Có như thế mới cần đến CP25 chứ ạ.Hai Hân ngồi im, hai tay chống cằm, nhìn gục xuống bàn. Thắng thấy thủ trưởng như vậy cũng không dám nói tiếp nữa.Trong đầu Hai Hân lại vật lộn quyết liệt với những ý kiến của các cuộc họp đảng uỷ và ban giám đốc xí nghiệp. Lúc thì Hai Hân là đối tượng bị đả kích, lúc thì Hai Hân là người tấn công tới tấp. Loại ý kiến đả kích thì cho là Hai Hân lộng quyền, dám ngồi lên trên đảng uỷ và ban giám đốc, làm chệch hướng nhiệm vụ chính trị của xí nghiệp... Hai Hân phản công lại bằng cách vạch ra sự bất lực và những công việc vô tích sự của đảng uỷ và ban giám đốc trước những vấn đề nóng bỏng của xí nghiệp và của cuộc sống sáu bảy trăm con người! Vì ai đi làm mà không có gia đình...Thu nhập thực tế giảm nhanh hàng ngày so với tốc độ lạm phát, đồng thời khả năng cung ứng các nhu yếu phẩm của nhà nước ngày càng hạn chế. Thực tế này làm cho tâm trạng nhiều người trong xí nghiệp bất ổn, có lúc từ trạng thái lo lắng, chán nản, chuyển sang bất bình.Đứng trước tình hình này, đã ba bốn lần đảng uỷ đề nghị phải tăng thêm số buổi đọc báo trong giờ làm việc, để giữ vững tinh thần và củng cố lập trường tư tưởng!.. Hai Hân như muốn phát điên trước những đề nghị như vậy, nhưng phải ngậm miệng. Hai Hân tính toán:...phê phán toạc ra chắc chắn sẽ bị chụp mũ, mà như thế sẽ đi đứt hết... Nhiều khi ấm ức quá, Hai Hân dằn lòng, nói lầu bầu trong bụng: "Mẹ kiếp, không biết ở đâu ra lắm cái thứ Đoàn Danh Tiến nữa vời thế! Muốn sống bằng không khí với nhau thì tha hồ nói xuông. Còn muốn có gạo, có thịt, có phụ cấp chia nhau, xin các vị yên đi cho Hai Hân này nhờ!...".Rủa thầm như thế làm cho Hai Hân như đi nhẹ đôi phần... Cương vị đứng mũi chịu sào cả một con thuyền mang nguồn sống của mấy trăm gia đình ngày một ngày hai đã làm phai mờ thần tượng Đoàn Danh Tiến trong đầu Hai Hân từ lúc nào không biết. Hai Hân cũng tự xỉ vả mình: "...Cái thứ khoe mẽ bên ngoài học được từ Đoàn Danh Tiến cho khởi nghiệp mình đã xài hết rồi. Cái thời cần mấy thứ lý luận trang trí để giễu võ giương oai cũng chấm dứt rồi. Học được xong là thấy chán ngấy! Cuộc sống xí nghiệp này đã mấy lần cho ta ăn những cú đấm vỡ mặt!.. Bây giờ cứ mài mãi những thứ võ mồm ấy ra xài tiếp thì cả cái xí nghiệp quốc doanh to đùng này đi tong mất!...”.Sự cọ sát của cuộc sống, sự chai sạn trước những lời hùng biện tăng lên, rốt cuộc những điều học được từ Đoàn Danh Tiến chỉ còn vương đọng lại trong đầu Hai Hân sự khinh ghét cái thói ba hoa chích choè lý thuyết suông của bất kỳ ai.... Hay là bây giờ mình mới thực sự trưởng thành? - Hai Hân tự hỏi mình. Nhưng rồi những chuyện cơm áo gạo tiền cho cả một huyện người như thế nhiều lúc không cho Hai Hân thở nữa, nói chi đến những câu hỏi triết lý vớ vẩn!Số người tham gia kháng chiến nhưng sau giải phóng không có việc làm được tổ chức đưa về xí nghiệp ngày một nhiều, khó từ chối lấy một người!.. Xí nghiệp cứ thế đông mãi lên, những người không nghề nghiệp chuyên môn trong xí nghiệp cũng tăng theo. Song cái khó lớn hơn nhiều cho Hai Hân là trong số này có những người là bậc đàn anh của Hai Hân về nhiều phương diện: tuổi Đảng, quá trình tham gia kháng chiến, chức vụ đã giữ trong Đảng, huân chương, thương binh... Họ chỉ thua Hai Hân là chưa bao giờ làm việc trong một xí nghiệp, ít hiểu biết về kinh tế, lại càng không hiểu được những gì Hai Hân muốn làm theo Tư Cương. Những người này khá đông, không dễ gì lấn át được họ. Trong suy nghĩ của những người này khuôn vàng thước ngọc rất rõ ràng: Xí nghiệp là của Nhà nước, Nhà nước trả lương nuôi cán bộ công nhân viên chức, xí nghiệp làm nhiệm vụ Nhà nước giao, không có "kế hoạch 3, kế hoạch 4" gì hết, như thế mới là xã hội chủ nghĩa!..Bí thư chi bộ của Hai Hân trong xí nghiệp là đại uý phục viên. Hai Hân trực tiếp xin anh ta về làm công tác Đảng khi xí nghiệp Tự Lực mới thành lập. Song cũng chính người bí thư này đã có lần đề nghị khai trừ Hai Hân ra khỏi Đảng, vì cho Hai Hân là con ngựa bất kham, là độc đoán, vi phạm đường lối chính sách của Đảng. Từ ngày xí nghiệp có thêm mấy chi bộ, ông này trở thành bí thư đảng uỷ, càng ghen ăn tức ở với Hai Hân...Cuộc đời phiêu dạt thời niên thiếu rèn cho Hai Hân cái tính lì. Hai Hân không mảy may nghĩ đến đầu hàng trước những đòn đả kích như thế. Tranh luận không ngã ngũ được trong những cuộc họp hẹp, Hai Hân tìm cách hoãn binh, rồi chờ dịp đưa những vấn đề gay cấn ra các kỳ hội nghị cán bộ công nhân viên chức, với những câu hỏi dứt khoát:-... Một bên là mở thêm cho mỗi phân xưởng một căng tin nữa thì may ra có thể giữ nguyên hoặc tăng thêm chút ít thu nhập phụ. Một bên là không căng tin thì giảm nữa thu nhập phụ, vì biên chế ngày càng đông. Xin tuỳ toàn thể hội nghị lựa chọn...-... Hoặc mở thêm căng tin, hoặc giảm ba chục phần trăm biên chế! Phương án nào tôi cũng xin thi hành nghiêm túc!..Với những ý kiến như thế trong hội nghị số đông, thường thường là Hai Hân thắng. Thắng áp đảo! Xì xèo trong xí nghiệp và trong giới lãnh đạo đả kích Hai Hân xẹp đi sau đó. Ông bí thư đảng uỷ lặng thinh, chờ cho đến khi bắt đầu có chuyện ỉû eo mới...Ba bốn lần "kế hoạch 3" chẳng đem lại kết quả mong đợi, phụ cấp cho cán bộ công nhân viên chức trong xí nghiệp tụt trông thấy, Hai Hân ngay lập tức lại trở thành bia hứng đạn.Bị bắn đi bắn lại, người Hai Hân chai ra.Cái mạnh của Hai Hân hình như không viên đạn nào bắn gục được. Bởi cho đến nay Hai Hân không tham ô một xu, không vụ lợi riêng tư. Ngay cả đến việc phân nhà mới cho phù hợp với cương vị giám đốc - Hai Hân cũng chưa nhận. Không ít người cho là Hai Hân làm cao, chê nhà xấu, có ý đồ muốn đòi nhà oách hơn!.. Mặc!Ở nhà, vợ Hai Hân kèo nhèo với chồng đến đâu cũng thế thôi... Hai Hân còn muốn tiến xa hơn. Cái tính đã quyết là làm gây ra cho Hai Hân không ít kẻ thù trong xí nghiệp. Song hình như cũng cái tính này làm cho Hai Hân thắng nhiều hơn bại, cho đến nay là bất khả chiến bại!... Kiểu gì thì cũng phải tìm cách nuôi sống mấy trăm con người, đã thế lại còn phải giúp chỗ này chỗ khác trong Thành phố nữa chứ! Giật gấu vá vai thế này thì cũng tạm được, không chết đói. Nhưng mệt lắm rồi. Chẳng lẽ cái thành phố này cứ chèo chống mãi hay sao, còn phải đi lên, còn phải phát triển nữa chứ! Có cho mình làm đến chức chủ tịch của cái thành phố này thì chắc mình cũng chết chìm luôn trong không biết cơ man nào là vấn đề!..- Thưa anh, em báo cáo xong rồi. Anh còn hỏi gì nữa không ạ. Nếu không em xin phép...Đến lúc này Hai Hân mới ngửng mặt lên nhìn Thắng:- Trong số này có bao nhiêu người tạm tuyển?- Anh hỏi những người chưa có lương và mới chỉ được hưởng phụ cấp tối thiểu, có phải thế không ạ?- Phải.Thắng dò dò các cột số trong sổ tay:- Thưa anh theo sổ chi là 116 người.- Cái gì? Cứ nửa năm tăng thêm một trăm người?- Hơn một trăm chứ ạ!- Chẳng chóng thì chầy cậu sẽ phải lo trả họ lương chính thức cho mà xem?- Nghĩa là vào biên chế tất ạ?- Chứ còn gì nữa. Tôi đố cậu có cách nào ngăn được chuyện này đấy.- Thế thì lấy gì trả lương?- Cậu phải hỏi mấy ông đảng uỷ chứ!- Nhưng thưa anh lương là lương, phụ cấp là phụ cấp!- Cậu cứ hỏi ngay cô Hồng vợ cậu ấy. Cô ấy bây giờ được lĩnh những gì?- Vợ em vẫn chưa có lương, hưởng phụ cấp tối thiểu và tiền thưởng theo tỷ lệ doanh thu.- Ngoài ra còn được hưởng gì nữa?- Dạ, cơ sở dịch vụ cấp cho vợ em 2 suất phụ cấp trẻ em cho hai cháu.- Cộng tất cả lại có bằng thu nhập hàng tháng của cậu không?- Hơn chứ ạ, vì con ăn theo mẹ cơ mà!- Cậu thấy chưa? Rồi đến khi cơ sở dịch vụ này thành một đơn vị kinh tế chính thức của xí nghiệp, thế là vợ cậu sẽ ở trong biên chế cho mà xem. Lại là giám đốc con nữa là khác! Trước khi cậu vào trong này đã có 2 đơn vị như thế ra đời rồi. Loay hoay thế nào mấy ông trong đảng uỷ xin được cấp trên công nhận những cơ sở dịch vụ này là đơn vị cấu thành của xí nghiệp, thế mới tài.- Em tưởng phải qua anh chứ?- Thế cấp trên chỉ thị xuống, cậu có chống lại được không?- Trên đã quyết thì ta làm, anh ạ.- Lần lần rồi cũng sẽ vào trong biên chế tuốt luột cho mà xem! Có chỉ thị còn nhắc nhở tôi phải quan tâm hơn nữa đến phát triển quy mô xí nghiệp! Mẹ kiếp, thế mà cũng là chỉ thị!- Em thấy miễn là nuôi được nhau, xí nghiệp không để ai chết đói là thành tích vĩ đại lắm rồi! Lại còn tạo khối công ăn việc làm mới nữa chứ! Chí ít sáu tháng nay là hơn một trăm con người...- Đúng. Không có cái 25CP thì gay to!- 25CP thì ở đâu cũng làm, nhưng quan trọng là 25CP trong tay anh mới phát huy được như thế và nuôi được ngần ấy người!- Cậu nói tổng cộng bây giờ có 16 sản phẩm trong "kế hoạch 3". Phát minh sáng tạo gì mà lắm thế?- Báo cáo anh 3 phân xưởng của xí nghiệp bây giờ mở được tất cả là 6 căng- tin, bán đủ các loại hàng có thể trao đổi, mua bán theo giá tự do. Có tất cả 82 người làm việc trong 6 căng-tin này. Phần đông là vợ con hoặc thân nhân của cán bộ công nhân viên chức trong xí nghiệp thôi ạ. Trừ những người đã ở trong biên chế được hưởng chế độ riêng, hầu hết những người còn lại đều hưởng phụ cấp theo kết quả kinh doanh. Những căng-tin này được việc lắm anh ạ, mua gì cũng dễ, trong xí nghiệp ai có gì cần bán hoặc bán hộ thứ gì, hoặc môi giới.., cũng có thể mang ra gửi căng-tin. Có 4 căng tin trở thành cửa hàng không thua kém gì cửa hàng mậu dịch quốc doanh! Mặt hàng còn phong phú hơn anh ạ!- Cậu xoay sở giỏi đấy. Thế 10 sản phẩm còn lại là những gì, có gì khác với trước?- Trong 10 sản phẩm còn lại thì có 8 sản phẩm in ấn theo "kế hoạch 3", chủ yếu là vở học sinh, sách giáo khoa phổ thông cấp I và cấp II, hoá đơn hợp tác xã, thiệp cưới, một số biểu mẫu kê khai.., hoàn toàn theo giá thoả thuận ạ. Khối lượng tăng khá là nhờ tìm được nguồn giấy và mực in theo giá thị trường. Ngoài ra có 2 lô đất cho mậu dịch tiếp phẩm thuê làm nơi tập kết hàng hoá. Sáu cộng tám cộng hai vị chi đủ mười sáu đấy anh!- Từ khi cậu về đây tăng được mấy sản phẩm?- Em vào đây được gần một năm rồi, tăng thêm như thế cả thảy là... bốn sản phẩm mới ạ. - Thắng điểm lại trong đầu các việc đã làm.- Tôi chọn cậu không nhầm.- Em chỉ tổ chức thực hiện thôi ạ, không có chỉ đạo của anh thì làm sao có được những sản phẩm này.- Cậu mát tay đấy.- Quan hệ với mậu dịch tiếp phẩm ăn thua lắm anh ạ. Các căng tin của ta có thêm nhiều mặt hàng để bán cho anh chị em.- Việc xin dành ngôi nhà của tư sản Phạm Trung Học để mở rộng trụ sở giao dịch cho xí nghiệp đã xong chưa?- Thưa anh xong rồi ạ. Đúng ngày mùng một tháng sau văn phòng giao dịch của xí nghiệp cho mọi nhiệm vụ trong phạm vi "kế hoạch 3" sẽ chuyển ra đặt tại ngôi nhà này.- Cậu đáng được thưởng cái huân chương to bằng cái mẹt! Đúng là hổ phụ sinh hổ tử. Sư phụ của tôi chắc sẽ không trách tôi trong việc tạo đất cho cậu dụng võ! - giọng nói Hai Hân ít nhiều giễu cợt.- Bố em thì chỉ giỏi lý luận suông thôi.- Không phải thế, cậu nhầm rồi. Cả hai đều giỏi một thứ, đó là tài vận dụng. Còn ai ở môi trường nào thì sử dụng tài của mình vào môi trường đó!- Anh quả là có con mắt tinh đời. Phải nói là em được anh giúp đỡ rất nhiều ạ.- Giúp lẫn nhau thôi. Tôi dặn lại: Nếu chia thu nhập từ "kế hoạch 3" sai quy định, cậu sẽ bị trả về Hà Nội ngay tức khắc đấy nhé!- Anh yên tâm.- Bây giờ sống có khá hơn ngoài kia không?.. Mà này, cô Hồng bây giờ làm đến chức gì rồi?- Khá hơn nhiều chứ ạ. Nhà em được giao phụ trách một căng tin.- Thế thì tươm quá rồi. Bây giờ cậu đi với tôi... Kêu được cả cô Hồng đi cùng thì càng hay.- Vâng ạ, anh chờ em một chút, em đi báo nhà em ngay.Bà Tư Cương đã làm xong món ăn cuối cùng, đó là món đậu chiên dành riêng cho ông Thành, đậy vung lại cho nóng, rồi quay ra lau bát đũa. Ông Tư nhìn đồng hồ rồi bỏ dở việc ghi chép. Ông lạch xạch lên gác mời ông Thành xuống ăn cơm. Từ ngày gia đình Lễ đi di tản, ông Thành dọn lên ở trên lầu hai, ông bà Tư Cương ở lầu một, còn tầng trệt thì dùng chung làm nơi ăn uống, tiếp khách. Coi như gia đình ông Tư bây giờ có ba người, ông Thành sống theo kiểu góp gạo thổi cơm chung. Toàn là những người biết điều nên thuận hoà.Ngày ngày ai nhờ việc gì, ông Tư làm việc đó. Mấy tuần nay ông đang bận giúp má Sáu Nhơn một số việc. Ông Thành vẫn đi chữa bệnh cho những khách quen. Thỉnh thoảng ông Học lại gửi cho gia đình ông Tư và ông Thành ít tiền, nên cuộc sống của ba người già này không chật vật. Ông Học còn viết thư cho ông Tư:...Số tiền thỉnh thoảng tôi gửi giúp ông chẳng đáng là bao, nhưng hy vọng nó được việc cho ông bà. Tuy không làm được việc giả lương hưu cho ông thì tôi cũng có nghĩa vụ giúp ông chút ít, coi như chúng ta đối xử với nhau có trước có sau...Ông Thành lo cho bệnh tật của Thảo, nên chấp thuận sang Mỹ. Lễ và Thảo đang lo giấy tờ cho ông. Đối với ông, một thân một mình, sống ở đâu cũng thế thôi, miễn là được yên ổn. Nhưng được chăm sóc sức khoẻ cho cháu mình thì ông vẫn thích hơn, vì ông rất thương yêu Thảo.Còn ông bà Tư Cương, một mực không chịu rời Sài Gòn. Trả lời thư ông Học, vợ chồng Tư Cương viết: "...ở Sài Gòn có nhiều bạn bè. Ước ao lớn nhất của vợ chồng tôi bây giờ là mong có sức khoẻ và được sống yên ổn".Chẳng gì ông Tư đã sống 10 năm dưới chính quyền cách mạng. Tính sợ sệt, rụt rè của ông bớt dần, chuyện cải tạo cái nhà in của ông Học coi như không còn gì phải lo nữa. Ông cũng quên dần những lời uy hiếp tinh thần của Hai Hân, vì thấy chính quyền để cho ông yên, chẳng dòm ngó gì đến ông. Nhưng bệnh cầu an của ông lại ngày một tăng. Ông tự bào chữa cho mình: Mỗi tuổi mỗi khác mà... Chỉ cốt sao an nhàn cái tuổi già. Vả lại bây giờ mình cũng vô công rồi nghề, không vướng víu con cháu gì!.. Ông chỉ còn mỗi niềm hăng hái duy nhất: Trong số bạn bè quen thân cũ, ai nhờ gì ông đều giúp hết mình, coi đó là niềm vui hay niềm an ủi lớn nhất, nếu không thì cuộc đời sẽ trống rỗng, nhất là vào tuổi này...Ông Thành, ông Tư Cương tiếp tục uống trà. Bà Tư đặt thêm ấm nước sôi thì bỗng có tiếng chuông. Ông Thành tranh lấy việc ra cổng mở cửa.Khách vào đến trong nhà, ông bà Tư Cương nhận ra ngay một người là Hai Hân, và hai người khách lạ. Hai người lạ trẻ hơn Hai Hân phải đến mươi mười lăm tuổi, ăn mặc lịch sự. Riêng người con gái còn đeo một chiếc vòng vàng ở cổ tay, điều rất hiếm thấy ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Nghĩa là chỉ cần nhìn cái vòng này là có thể đoán trúng đến chín phần mười cô ta nhất định nếu không là con phe thì cũng phải là người từ đâu đến.Trong khi khách tìm chỗ dựng hai cái xe Honda đen ngoài sân, bà Tư bê vội mâm cơm vào phòng bếp, ông Tư sửa soạn tách chén, trong bụng nghĩ thầm: Anh chàng Hai Hân này không bao giờ vô cớ đến thăm mình, càng chưa có một lần thăm nào mang lại cho mình tin tốt lành!..- Chào ông bà Tư. Ông bà mạnh giỏi chứ? Tôi bận quá nên ít có dịp thăm ông bà.Bao năm rồi mà sao hai tiếng ông bà của hai Hân nghe vẫn lạnh tanh. Ông Tư cố tự trấn tĩnh mình:- Chào ông Hai. Cảm ơn ông Hai, nhờ trời cũng sống được.- Xin giới thiệu với ông bà Tư và ông Thành đây là đồng chí Đoàn Danh Thắng, cán bộ xí nghiệp tôi. Đây là cô Hồng, vợ đồng chí Thắng.Sau chào hỏi qua loa, Hai Hân đi thẳng vào công việc. Tính Hai Hân xưa nay vẫn thế, ông Đoàn Danh Tiến rất thích cái tính nói năng dứt khoát, làm việc dứt khoát của Hai Hân.- Ông Thành và ông bà Tư như thế đã rõ chưa ạ.- Thưa ông Hai, nhà chúng tôi chỉ để ở, không cho thuê, cũng không thể cho ai đến ở nhờ được ạ. - Ông Thành đáp lại rất lễ phép.- Tôi biết căn nhà này là thế nào. Không có chuyện ở thuê hay ở nhờ. Đây là chuyện phân phối nhà cho cán bộ nhà nước!- Thưa ông Hai, hồ sơ địa ốc, văn tự ngôi nhà này của cháu tôi rất đầy đủ ạ. Bản gốc hẳn hoi, có cả giấy uỷ nhiệm tôi và ông Tư Cương quản lý ngôi nhà này trong khi cháu tôi đi vắng.- Có bán đứt cũng chẳng được, chứ đừng nói là uỷ nhiệm. Vì thế tôi nói tôi rất biết căn nhà này.- Thế thì quý quá, chúng tôi hoàn toàn không có ý định cho thuê hay cho ở nhờ.- Ông Thành hiểu lầm tôi rồi. Nhà này là của sĩ quan nguỵ cao cấp Phạm Trung Lễ. Xin nói lại, ngôi nhà thuộc diện cải tạo nhà đất. Ông Lễ và gia đình đã đi di tản, nên toàn bộ ngôi nhà này thuộc diện Nhà nước quản lý. Ông rõ chưa?- Dạ không, ông Lễ đi được hơn ba năm gần bốn năm rồi. Với giấy uỷ nhiệm của ông Lễ chính quyền đã để chúng tôi quản lý ngôi nhà này từ bấy giờ đến nay. Chúng tôi hiểu như thế là chính quyền đồng ý giữ nguyên trạng về pháp lý của ngôi nhà ạ.- Ông Thành lại nhầm nữa, còn ông Lễ thì không hiểu gì luật pháp. Tôi nhắc lại, ngôi nhà này thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Có thể chính quyền ở đây bỏ sót, không có chuyện giữ nguyên trạng pháp lý đâu.- Nếu thế tôi sẽ đi thưa với chính quyền xem xét để giữ nguyên trạng pháp lý của căn nhà này ạ.- Tuỳ ông. Chỗ thân tình với ông và ông bà Tư Cương đây, tôi đưa vợ chồng anh Thắng đến xem nhà trước, để các vị làm quen với nhau. Chính quyền sẽ làm việc cụ thể với ông, ông Thành ạ. Xin chào ông và ông bà Tư. - Hai Hân quay ra nói với vợ chồng Thắng: - Tạm thế đã. Chúng ta về thôi.Từ đầu câu chuyện vợ chồng Thắng chỉ ngồi nghe. Khi bắt đầu đứng dậy, Thắng nói với Hai Hân:- Có lẽ ta đi các tầng xem nhà một tý, anh Hai ạ.- Khỏi cần, để chính quyền làm việc trước đã, hôm nay là để biết địa điểm và cũ mới biết mặt nhau thôi.Hồng toan nói thêm câu gì nữa, Thắng kéo tay vợ lại không cho nói.Không khí quá căng thẳng. Đã thế cánh ông Thành hoàn toàn bất ngờ, vì không thể tưởng tượng đã hơn ba năm yên ổn mà bỗng dưng lại có thể xảy ra chuyện này. Phía Hai Hân cũng bất ngờ, vì cứ nghĩ rằng chỉ cần nói một câu thì những người đã dính đến nguỵ, đến tư sản cải tạo sẽ co dúm lại và răm rắp nghe theo. Vì thế khi Hai Hân và vợ chồng Thắng ra về, cả khách và chủ đều quên chào nhau.Suốt buổi, ông Tư Cương gần như há mồm đứng nghe, phần vì bàng hoàng, phần vì biết rằng không được hỏi đến thì khôn hồn lánh ra, đừng dại gì mà gây sự với Hai Hân.Không khí trong nhà bỗng dưng lặng lẽ như có đám tang. Bà Tư Cương quên cả việc dọn cơm. Cả ba người cứ đứng nhìn nhau rồi nhìn ra đường, như thể lo rằng cánh Hai Hân sẽ quay lại!..- Thế này thì tôi chẳng hiểu ra sao cả ông Tư à - ông Thành vừa nói vừa giậm chân bạch bạch trên mặt đất, hai tay run lên.- Ông chưa biết Hai Hân, tay này nói là làm liền!Ông Tư đột nhiên kêu lên:- Chỉ còn một nước thôi! Ăn nhanh lên, rồi hai chúng ta sang hỏi ý kiến anh Hai Phong.Thấy hai ông già đến vào giữa trưa thế này, Hai Phong đoán ngay có việc gì không ổn.Nghe xong câu chuyện, Hai Phong biết mình không đoán nhầm, nhưng chẳng có phương kế gì. Thảo luận với nhau giữa ba người đến hơn nửa giờ đồng hồ, chỉ có một kết quả duy nhất:- Bây giờ thì tôi tin là ông Hai thực bụng muốn giúp tôi. - ông Thành thở dài.- Xin cảm ơn ông. - Hai Phong đáp lại. -... Cái khó là muốn vận dụng chính sách gì cho ngôi nhà của ông Lễ cũng được. Có thể hơn ba năm qua là chính quyền găm lại, có thể chờ cho việc gì đó nên tạm để nguyên trạng, hay là quên.., còn bây giờ thấy cần vận dụng một thứ chính sách nào đó... Tài thánh cũng không đoán được!Cả ba lại ngồi nhìn nhau. Ông Thành hết kiên nhẫn:- Ông Hai ơi, cách nào ông cũng cho là không được, thế thì còn làm gì nữa? Báo cáo chính quyền, không ăn thua. Khiếu nại, không ăn thua. Xin chiếu cố xem xét, chẳng có lý do gì thoả đáng để được chiếu cố xem xét! Nghĩa là hết nước!Chẳng ai trả lời ông Thành. Riêng ông Hai Phong ra sức rít thuốc lá.- Ông Thành ơi, hình như Hai Hân không hỏi chúng mình trong nhà có những ai. Ông nhớ lại xem, có đúng thế không? - ông Tư Cương như chợt nghĩ ra điều gì.- Đúng! Đã bàn bạc gì đâu. Mới nói với nhau được vài câu là khách đã không muốn nhìn chủ, thế là bỏ đi...- Xem hộ tịch thì biết, cần gì phải hỏi. - ông Hai Phong xen vào.- Tôi chắc ngày một ngày hai chính quyền sẽ cho cặp vợ chồng trẻ ấy đến ở cho mà xem, chúng ta không thể chần chừ được. Nếu Đoàn Danh Thắng đúng là con Đoàn Danh Tiến thì lời tôi nói sẽ như đinh đóng cột. Tôi nghĩ thế này, ông Thành và anh Hai xem có được không: Anh Hai cho gia đình một trong hai cháu của anh đến ở với chúng tôi. - ông Tư nêu suy nghĩ của mình.Ông Thành ngước lên nhìn Hai Phong, dè dặt:- Ông Hai, tôi hỏi thế này không phải, các cháu có là cán bộ nhà nước không ạ?- Anh Hai, - ông Tư nói chen vào - Ý ông Thành muốn hỏi các cháu có là Việt cộng không. Khổ quá ông Thành ơi, sao ông cứ cho hết mọi người vào một duộc!- Chú Tư ạ, sáng kiến của chú không ổn đâu.- Ông Thành và anh Hai có sáng kiến gì hay hơn thì đưa ra coi! Tôi cũng không thích ở cùng với người của Hai Hân!Cả ba lại ngồi im.- Bây giờ tôi cũng chưa biết xin vào ở chùa nào, lại chờ giấy của cháu Thảo. Thôi thì tôi cũng xin ông Hai chấp thuận ý kiến của ông Tư vậy.Hai Phong nhất định từ chối.Tối ngày hôm ấy, Ông Tư Cương và ông Thành lại đến nhà Hai Phong một lần nữa, nhưng lần này đến là để thuyết phục má Sáu Nhơn và cả gia đình Hai Phong.Mấy lần ông Tư giục má Sáu nói, nhưng trước sau má chỉ nói:- Hai ông và anh Hai cứ bàn đi, tôi còn nghĩ đã.Mãi đến khuya ồng Thành, ông Tư và Hai Phong mới mới ngã ngũ với nhau cách đối phó. Ông Tư Cương vật nài bằng được Hai Phong phải cho gia đình vợ chồng Vũ đến ở cùng, với lý do Vũ là trong biên chế cán bộ của Thành phố, đang chưa có nhà ở, chính quyền có muốn đuổi Vũ ra khỏi nhà Lễ cũng khó. Gia đình Vũ phải ở lầu một để cách ly người của Hai Hân. Người mới đến sẽ phải ở lầu hai...- Bà Sáu ạ, chúng tôi định như thế, bà thấy có được không? - ông Tư hỏi ý kiến má Sáu.- Sớm muộn ông Thành cũng sẽ đi Mỹ, có phải thế không ạ? - má Sáu hỏi lại.- Vâng, nhưng tôi không biết phải chờ bao lâu mới được giấy tờ. Cháu Lễ còn phải chờ hàng năm, huống chi là tôi!- Thế thì tôi nghĩ hơi khác chút ít. Ông Thành lên ở lầu hai. Gia đình cháu Vũ ở lầu một. Ông bà Tư ở tầng trệt. Thế là kín hết cả cái nhà, không cho ai vào cả.- Má gan thiệt, làm sao mà giữ được cả cái nhà không cho ai vào? Có thể viện hàng chục loại chính sách để làm việc này!- Chưa đánh đã hàng hả? Chính sách nào đi nữa thì cũng vẫn còn tuỳ thuộc vào người vận dụng! Tại sao bấy nhiêu năm trời để yên, bây giờ lại khuấy lên? Đã thế Đoàn Danh Thắng lại là con Đoàn Danh Tiến nữa! Rất đáng nghi hai điều này. Đừng bàn lùi hai ông ạ!- Bà Sáu ơi, tôi ngán mặt cái tay Hai Hân này lắm rồi. - ông Tư không tán thành.- Tôi cũng giáp mặt anh này trong mấy cuộc họp Thành phố, đã có lần vác mặt đến nhà tôi đòi khai báo tài sản nữa chớ!.. Chỉ tại ông Tư hiền quá thôi. - má Sáu bác lại.- Dạ, tôi biết mấy lần anh này nói năng xách mé bị bà mắng lại thẳng thừng. Nhưng khổ quá, tôi ở vào địa vị khác, bà Sáu ạ. Làm gì có danh hiệu là cơ sở cách mạng như bà!- Thế họ cứ nhất định ấn người vào ở thì làm sao, bà Sáu? - ông Thành nói lên nỗi lo của mình.- Tôi tính thế này, ông Thành rút về một phòng trên lầu hai. Ông nên chọn trước phòng nào ông thích ở. Còn lại đâu thì cho họ ở đó.- Thế thì chết tôi! - ông Thành giãy lên.- Ông cho tôi nói hết đã. - Má Sáu nói tiếp: - Lầu một và tầng trệt là hai gia đình riêng biệt, không có chính sách nào cho phép nhét một gia đình nữa vào. Mà nếu họ cứ làm liều thì ta phải đi kiện!- Không được! Tôi đã bảo là tôi sợ lắm! Làm sao ở cùng một lầu với họ được! - ông Thành vẫn rên lên.- Ông Thành ơi, - má Sáu tìm cách trấn an tinh thần ông Thành, -... Họ có ăn thịt được ông không?- Không có chuyện ấy, nhưng sống chung với họ thì không được! - ông Thành khăng khăng.- Ban ngày thì ông xuống nhà với gia đình cháu Vũ hoặc gia đình ông bà Tư. Ban đêm ông về phòng mình ngủ. Thế thì có gì phải sợ?- Khổ quá, xin bà Sáu hiểu cho hoàn cảnh của tôi...- Không phải bàn ra bàn vào gì nữa. Chỉ cần ông giữ bằng được hồ sơ gốc của ngôi nhà, khi nào đi Mỹ thì ông giao hết cho ông Tư. - bà Sáu Nhơn cả quyết gần như ra lệnh.Ông Thành không còn cách nào khác. Cả ba người đều phải chấp nhận ý kiến của má Sáu. Khi hai ông chào ra về, má Sáu còn dặn thêm:- Đã theo ý của tôi thì hai ông phải theo đến cùng nghen. Nếu không thì mọi chuyện sẽ xảy ra đúng như hai ông đang lo đó!Gia đình Vũ dọn đến nhà đại tá chính quyền Sài Gòn Phạm Trung Lễ được hai tuần mới thấy chính quyền cho người đến nói chuyện với ông Thành. Má Sáu ngờ rằng Hai Hân phải thu xếp cái gì đó với chính quyền, càng tin là Hai Hân không thể muốn làm gì cũng được. Người của chính quyền đi đi về về gần một tháng trời. Nhất cử nhất động ông Thành và ông Tư đều hỏi ý kiến má Sáu. Cuối cùng gia đình Thắng được dọn đến ở hai phòng nhỏ hơn còn lại trên lầu hai, có phòng tắm riêng, lại được thêm cả cái ban công nhìn xuống đường Pasteur!...Đêm hôm đầu tiên tại nhà mới, vợ chồng Thắng gần như không thể ngủ được.-... Dù sao vẫn còn sướng hơn vạn lần so với một phòng mười bốn thước vuông trong hẻm, đã thế bếp, nhà tắm, nhà xí đều chung nhau hết! Đến đây thật là đổi đời! - Thắng thốt lên với vợ vì sung sướng.- Một bước lên tiên! Lên tiên cũng không bằng! - vợ Thắng nằm ngửa trên giường, giơ cả hai tay lên trời. Hai ống tay áo tụt xuống, một tay để lộ ra một chiếc vòng vàng, tay khác một chiếc vòng ngọc màu cẩm thạch! Từ ngày làm "sếp" căng tin số 5, Hồng ăn mặc diêm dúa khác thường, lại bắt đầu trang điểm phấn sáp nữa. Các cụ vẫn nói người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân chẳng sai chút nào.- Em tự cho mình bây giờ hơn cả tiên?- Chứ còn gì nữa. Này nhé, các cô mậu dịch viên giao dịch với xí nghiệp ta, kể cả mấy con ranh tiếp phẩm vẫn hay đi lại dấm dúi với anh, bây giờ phải gọi sếp Hồng này bằng bà. Nhờ sếp Hồng này bây giờ họ bán được bao nhiêu là hàng theo giá thoả thuận. Qua căng tin họ lại cũng mua được bao nhiêu là thứ từ các mậu dịch khác. Không có thì làm gì ra nào xe máy cho anh, nào quần nào áo cho hoàng tử và công chúa của chúng ta. Lại được nhà cửa thế này, chẳng tiên thì là gì?- Cái thời buổi nhí nhố thế mà hay đấy nhỉ. Anh tưởng chỉ có ngoài Hà NộI MớI có chuyện con ông cháu cha mới hy vọng chạy được cái chân mậu dịch viên, bằng đại học nào cũng không bằng... Không ngờ mậu dịch viên trong này còn có giá hơn!- Bà của mậu dịch viên còn có giá gấp trăm lần!- May hơn khôn, to...Hồng đấm vào má chồng một quả tống nhẹ:- Cấm! Nói tục như thế mất thớ đi! Sắp là ông nọ bà kia đến nơi rồi…- Cũng biết nhìn xa trông rộng nhỉ. Ban tối xuống thăm xã giao nhà Vũ, cho thằng cu nhà Vũ cân đường trắng. Vợ Vũ sướng phát rú lên!- Thời buổi khó khăn mà, lại chưa có hộ tịch nữa…- Cô nàng không khách khí. Cảm ơn rối rít, vì đang cần đường cho con. Thằng cu nhà ấy đang khó ở... Cả hai vợ chồng chỉ có hai cái xe đạp tòng tọc! Cô vợ ngày ngày còn phải đem sữa chua đi bán...- Hai vợ chồng nhà này cộng lại là ba hay bốn bằng đại học đấy, tiếng Anh của Vũ bây giờ là có hạng trong thành phố này, đừng có bỡn.- Có đến năm sáu cái bằng đại học thì cũng chỉ là xách dép cho bà của mậu dịch viên này thôi. Nhưng liệu liệu đấy nhé! Đừng đi quá đà, con dê đực ạ!- Huênh hoang với tay Vũ thì không rồi. Thằng cha này trí thức lắm. Nói năng với hắn anh chỉ sợ hớ, nên rất thận trọng. Mọi việc anh báo cáo với sếp Hân không thiếu một dấu phẩy. Quá đà cái gì?- Không, đằng này nói cái chuyện khác. Đừng rửng mỡ quá đú đởn với mấy con ranh tiếp phẩm!- Có nghĩa là đú đởn vừa phải thì được phép, phải không cưng?- Muốn chết không?- Trời, lại doạ dẫm cái chuyện ông ăn chả bà ăn nem chắc!?- Không phải thách nhà giàu húp tương!Một lần đến thăm mà Sáu Nhơn để cảm ơn, ông Thành tỏ lời bái phục:- Mọi chuyện diễn ra đúng một trăm phần trăm như dự tính của bà. Tôi thật không ngờ bà liều đến thế, bà Sáu ạ.- Ông Thành ạ, thói đời vẫn mềm nắn, rắn buông. - má Sáu thủng thỉnh đáp lại.- Xin hỏi thật bà, trời Phật phú cho bà cái tính không sợ ai ăn hiếp hay sao?Má Sáu Nhơn cười:- Đứng mũi chịu sào từ ngày về nhà chồng, nên tôi quen rồi ông ạ. Với lại tôi yêu nước, yêu con cháu mình, có gì mà sợ?Hai Phong cũng phải kêu lên:- Con thật chịu má!..Điều làm cho mọi người bất ngờ là con của vợ chồng Vũ và hai con của vợ chồng Thắng là ba kỹ sư tý hon bắc lên những cây cầu tinh thần nối liền các gia đình trong ngôi nhà này. Ông Thành và ông bà Tư đều là những người yêu trẻ, bọn trẻ lại thích chơi với nhau, thế là cái không khí căng thẳng ban đầu biến dần. Bà Tư dần dần trở thành bà của ba đứa trẻ, nhất là những lúc vợ chồng Vũ hay vợ chồng Thắng quá bận. Đôi lúc bà Tư cũng bận thì ông Tư và ông Thành lại hoá thân thành các cô giữ trẻ!Ông Thành chờ đợi giấy tờ đi Mỹ với tâm trạng nhẹ nhõm phần nào...Nhìn thấy Nghĩa bước vào phòng họp, thoạt đầu Tiến không tin vào mắt mình. Cứ tưởng rằng Lê Hải ra đi thì tay này đi đứt, thế mà... Tay này được ra tù rồi à?... Hồi ấy trên giao cho mình thu thập nhiều tài liệu tỉû mỉ lắm cơ mà, gia đình Lê Hải, gia đình Nghĩa đủ cả... Hai Hân đánh số rất rành mạch...Ông Tiến rùng người, trong đầu cố sắp xếp lại mọi chuyện cũ để phán đoán thực hư thế nào...Ông nhớ rất rõ là hôm đó đang cùng nhau đi công tác ở Hải Phòng, người thư ký của trưởng Ban đã rò rỉ cho ông biết là Lê Hải phải ra đi vì lý do chính trị, Phạm Trung Nghĩa vì thế phải vào tù. Tin này không làm ông Tiến mừng mà lại làm cho ông choáng váng:...Bỏ mẹ, thế mà mình lại viết bài hết lời ca ngợi hai cái lão này!.. Ông bỏ dở công việc, bảo lái xe đưa ông về thẳng Hà Nội, chạy ngay đến thư viện của Ban, hỏi mượn lại tập truyện ngắn do Lê Hải và Nghĩa kể mà do ông viết bài giới thiệu. Trong tai ông vẫn còn rõ mồn một những lời Lê Hải và Nghĩa ca ngợi ông chân thành về bài giới thiệu này… Thế mà bây giờ, cầm gói truyện còn nguyên dây buộc, ông Tiến vẫn chưa yên tâm, giở ra đếm lại vẫn đủ năm cuốn, kiểm tra kỹ thấy quyển nào cũng còn nguyên những trang chưa rọc…Ông hỏi cô giữ thư viện:- Sao? Không ai thèm đọc à mà vẫn nguyên đai nguyên kiện thế này?- Chỗ ta viết sách cho người đọc và đọc chỉ thị nghị quyết thôi, chứ có ai đọc sách đâu ạ. - cô giữ thư viện trả lời.- Thế sách tôi viết ra để ở thư viện có ai đọc không?- Cho đến nay vẫn chưa thấy ai đến mượn ạ.Thăm dò thêm vài câu nữa, ông Tiến mới yên tâm rời thư viện.Đến giờ phút này, ngồi trước ngọn lửa lúc bùng lên, lúc tắt rụi.., ông Tiến vẫn không quên cái cảm giác nhẹ nhõm sau khi đã đếm đủ năm cuốn trong tay, cầm lên từng cuốn, xé ra, cho vào cái bếp mùn cưa rồi châm lửa.... Nhà mình còn có phúc lớn, mấy thằng nào trong Ban mà rớ được bài giới thiệu này sẽ rách việc cho mình lắm. Còn những cuốn bán ngoài chợ thì phó thác cho số phận vậy...Việc phi tang hoàn hảo. Đang lúc ông Tiến xoa hai bàn tay lấm lem và đi tìm cái chổi thì bà Hà ở đâu về:- Trời ơi, làm sao tro bay đầy nhà và khói um thế này? - bà Hà vừa mở toang các cửa vừa hỏi ông Tiến.- À à.. có mấy cái tài liệu mật, đốt đi cho gọn nhà.- Sao không để tôi nhóm bếp dần? Cả một đống tro thế này dễ đủ đun được phích nước! - bà Hà tiếc rẻ....Ông Tiến điểm lại trong đầu mọi sự kiện một lần nữa, trong Ban tuyệt nhiên không có lời xì xèo nào về bài tựa này.... Tạm thời là như thế!.. - ông Tiến tự nhủ với mình như vậy, cố bước đi những bước dài và mạnh mẽ để che đậy mọi lúng túng trong lòng. Ông chủ động bắt tay Nghĩa thật chặt, tìm cho Nghĩa một chỗ ngồi trang trọng tại phòng họp, bản thân ông Tiến cũng kéo cho mình cái ghế ngay sát với chỗ của Nghĩa... Lúc này mà tỏ ra lạnh nhạt với hắn là sai lầm… - ông nghĩ trong đầu như vậy.- Ôi lâu lắm mới gặp lại nhau... Tôi nghe nói anh đã mấy lần làm đơn xin về hưu rồi cơ mà. - ông Tiến ướm hỏi.- Có thế thật, nhưng cả hai đơn của tôi đều bị bác, anh Tiến ạ.- Anh là thiên tài không ai thay thế được!- Chúng ta vẫn thích cho nhau đi tàu bay, có phải không? - Nghĩa nhỏ nhẻ, cười cười.- Cũng phải trêu nhau một tí cho cánh lý luận chúng ta đỡ già cỗi.- Chẳng qua tôi là người đầu sai được ông bếp trưởng ưa dùng thôi, anh Tiến ạ!- Từ hồi anh Lê Hải nghỉ, tôi ít được dịp mời sang chỗ Viện anh nên không được gặp anh.- Đang trên đường đổi thành Học viện anh Tiến ạ.- Đồng chí giám đốc hôm nay không đến được hả anh?- Ông ấy cử tôi đi thay.- Không sao, một số thủ trưởng khác cũng cáo bận anh Nghĩa ạ. Tôi đã có kinh nghiệm chuyện này. - Tiến tỏ vẻ thông cảm.-...Tiếng chuông rung lên. Hội nghị bắt đầu.Lúc này Nghĩa mới để ý hội nghị họp theo kiểu bàn tròn, nghĩa là không phân biệt chủ toạ, người thuyết trình, người nghe, vừa tạo không khí dân chủ, cởi mở, vừa thuận lợi cho cách làm việc của hội nghị. Tất cả có mười sáu người, đại diện cho các cơ quan nghiên cứu khác nhau. Theo lời mở đầu của ông trưởng Ban thì có tới 9 thủ trưởng vắng mặt, cử người đi thay. Lướt nhìn những thủ trưởng có mặt, Nghĩa thấy toàn loại tép riu, trong thâm tâm Nghĩa thừa nhận các thủ trưởng cỡ có máu mặt khôn thật!..Trước khi đi họp, Nghĩa đã đọc kỹ giấy mời của thủ trưởng đưa cho, nghe thủ trưởng gợi ý một số vấn đề Nghĩa nên phát biểu...Song ngay bài thuyết trình đầu tiên của Tiến đã làm Nghĩa thất vọng....Tại sao Tiến khuyến khích mình phát biểu cởi mở tại cuộc họp này, thế nhưng bản thân Tiến lại đọc nguyên văn bài tổng hợp những bài báo của Tiến viết ra trong một vài năm gần đây, trích ra không biết bao nhiêu là nghị quyết, lời phát biểu của anh này, anh kia...Nghĩa rất thất vọng, nhưng tự an ủi mình:...Có thể người thuyết trình thứ hai sẽ khá hơn...Hy vọng, rồi thất vọng, rồi hy vọng, rồi lại thất vọng...... Nếu là nghe giảng bài thì mình không cần đi dự cuộc họp này! Các nghị quyết, chỉ thị quan trọng viện đã tổ chức học tập nát ra rồi... Nghĩa không hiểu ra sao cả, đã nghĩ đến chuyện bỏ dở cuộc họp, nhưng ý thức kỷ luật và phép lịch sự tối thiểu buộc chân Nghĩa lại.Sau người thuyết trình thứ tư, không khí hội nghị xẹp hẳn xuống. Ông trưởng Ban của Tiến chủ trì cuộc họp gợi ý mấy lần, nhưng không có thêm bài thuyết trình nào nữa. Ông toan đề nghị chuyển sang phần tự do thảo luận, thì Tiến đứng dậy:- Như tôi đã giới thiệu lúc khai mạc, Viện anh Nghĩa xưa nay vẫn đưa ra nhiều ý kiến sắc sảo, kích thích tư duy của chúng ta trong nhiều lĩnh vực. Tôi chắc hôm nay anh Nghĩa cũng sẽ đem đến hội nghị nhiều điều bổ ích mới. Xin đề nghị hội nghị nghe anh Nghĩa trình bày xong rồi hãy chuyển sang phần thảo luận.Cả hội nghị lao xao đồng ý. Nghĩa bị dồn vào chân tường, buộc phải đứng dậy.... Tay này xạo quá! Bằng mọi giá mình phải coi như không tồn tại câu chuyện Thạch Thất!.. Nghĩa khó nhọc lắm để không thốt lên thành lời, cố giữ giọng ôn tồn:- Xin cảm ơn anh Tiến quá khen. Có thể tôi không đọc kỹ giấy mời, hoặc đọc nhưng không hiểu. Thực tình tôi không chuẩn bị bài thuyết trình nào cả... Tôi chỉ là người đi họp thay, nên xin được ngồi nghe thôi ạ. Đến bây giờ chúng ta đã được nghe cả thảy là 4 bài thuyết trình làm rõ các chủ trương chính sách. Tôi nghĩ rằng ngần ấy bài cũng đủ cho chúng ta thảo luận cả buổi sáng nay rồi ạ. - Nghĩa ngồi xuống.Ông trưởng Ban can thiệp:- Anh không hiểu sai giấy mời đâu, anh Nghĩa ạ. Trên giao cho chúng tôi làm nhiệm vụ lấy ý kiến các ngành về đánh giá tình hình đất nước hiện tại, đúng như ghi trong giấy mời. Chúng ta có nhiệm vụ tư vấn cho lãnh đạo, mục đích hội nghị hôm nay là như thế… Nghĩa là phát biểu tự do, không cần chủ đề. Có lẽ bốn anh đã phát biểu đều là các báo cáo viên chuyên nghiệp, nên quen với tác phong thuyết trình theo bài bản. Nếu anh Nghĩa có những ý kiến muốn nêu ra, xin mời anh phát biểu, không câu nệ vào bài vở. - Ông nói được một mạch, lưu loát, nhưng tiếp theo là một cơn ho dữ dội kéo dài. Cả hội nghị phải chờ.Một người đã có bài thuyết trình đứng dậy thanh minh:- Mong anh Nghĩa thông cảm. Cách diễn đạt của chúng tôi chẳng qua nhiễm bệnh nghề nghiệp hơi nặng một chút, nên câu nệ vào sách vở...Hội nghị rơi vào im lặng.Trong không khí chờ đợi như vậy, Nghĩa cảm thấy chạy đằng trời cũng không thoát. Còn đứng lên phát biểu suy nghĩ của mình giữa cả một thế giới những người đã đọc mòn các nghị quyết, các chủ trương chính sách như thế này thì mình nói cái gì? Nghĩa lại nhớ đến các bài báo tạo không khí cho việc đá Lê Hải, đến những ngày đêm không thể nào quên ở Thạch Thất, nghĩ đến người đang ngồi kè kè sát mình…... Nói gì với những cái đầu này? Họ không ngu đâu, nhưng muốn ta lại bắt đầu chuẩn bị chất liệu cho những loạt bài báo mới, cho người viết kịch bản Thạch Thất 2. Rồi họ cho sẽ cho mình sắm vai gì nữa đây trong màn kịch mới?.. Mình không ngu ngọng đến nỗi mù tịt về những chuyện đã xảy ra trong cuộc sống này...Nghĩa cố giữ bộ mặt hiền lành để ghìm chặt những ý nghĩ đang sục sôi trong đầu, đồng thời cũng muốn tỉnh táo cân nhắc lúc này nên làm gì.Trưởng Ban, Tiến, một vài người khác nữa lại thay nhau thúc giục.Nghĩa thừa nhận trưởng Ban và những người phát biểu khác không nhất thiết cùng một giuộc như Tiến. Trong lời thúc giục của họ hình như có điều gì đó khác với Tiến. Có điều gì đó có thể họ chưa tiện nói ra,...hoặc ít nhất là họ muốn nghe những điều gì mới khác, hay là muốn chờ đợi cơ hội mượn mồm người khác để nói suy nghĩ của mình?..Toàn bộ câu chuyện với Lê Hải về thời thế hôm cùng nhau bỏ cơ quan về nhà đi thắp hương cho Nam sống lại trong đầu Nghĩa. Ông nhớ lại nhiều chuyện cũ, đắn đo lắm. Ông đưa mắt nhìn mười mấy cái đầu trong phòng họp. Tất cả đang ngọ nguậy, lắp bắp, thế mà chẳng cái đầu nào chịu hé ra điều gì.... Ai cũng nói năng theo cái kiểu ngậm miệng ăn tiền như thế này thì mọi chuyện sẽ đi đến đâu?..Bị thúc ép dữ quá, cuối cùng Nghĩa phải đứng dậy một lần nữa:- Các anh nhiệt tình quá, tôi không được phép thất lễ. - Thực tình là tôi không có bài thuyết trình nào cả nên chỉ lo làm hỏng hội nghị. Xin cho phép tôi nêu lên vài ba cảm nghĩ thôi. Một là kinh tế đất nước đang có nhiều vấn đề trầm trọng quá, nhất là vấn đề lạm phát, chi viện từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em ngày càng eo hẹp vì những nước này đang có nhiều rối ren. Hai là vấn đề di tản, vấn đề người Hoa đang tiếp tục gây thêm những căng thẳng mới và đồng thời tạo cớ cho bên ngoài tiếp tục bôi nhọ ta. Ba là các thế lực quốc tế chống Việt Nam rõ ràng đang câu kết với nhau, họ muốn kéo dài chứ không phải muốn tìm cách giải quyết vấn đề Campuchia, họ muốn nước ta phải kiệt quệ nữa, kiệt quệ đến tan vỡ, đến phải đầu hàng mới thôi! Thưa các anh, đấy là ba vấn đề theo tôi rất đáng bàn lúc này. Tôi thực tình không rõ chúng ta đã dành cho ba vấn đề này sự quan tâm đúng mức chưa… Xin lưu ý thủ trưởng của tôi dặn kỹ tại hội nghị này tôi chỉ nói ý kiến cá nhân của tôi thôi ạ. Tôi xin hết ý kiến. - Nghĩa ngồi xuống.Hội nghị lúc đầu vô cùng kinh ngạc, người miệng há hốc, người xuýt xoa… Nhưng ngay sau đó hình như tất cả đều châng hẩng.Mọi người đưa mắt nhìn nhau, kể cả ông trưởng Ban.Châng hẩng, vì những vấn đề Nghĩa đưa ra quá nhậy cảm mà không thấy Nghĩa đưa ra kết luận gì ngoài cách nói khá tế nhị.Châng hẩng là vì trên chưa có một nghị quyết công khai nào về những vấn đề này nên không biết dựa vào đâu mà phát biểu.Châng hẩng vì thói quen quán triệt, thói quen minh hoạ cùng với biết bao nhiêu thói quen và quán tính khác nếu không kìm hãm thì cũng làm tê liệt con người tư duy trong mỗi người...Hội nghị rơi vào điểm chết. Chỗ này chỗ khác bắt đầu rì rào những lời bán tán riêng.Bất đắc dĩ ông trưởng Ban phải lên tiếng. Ông ho lụ sụ mấy tiếng, khạc khạc mãi trong cổ, cuối cùng ông nói được thành lời:- Tôi rất muốn... Hừm... Tôi rất muốn được nghe ý kiến của những anh khác. Hừm... nhưng các anh có lẽ thận trọng quá. Hừm... Trước khi sang phần thảo luận, tôi đề nghị anh Nghĩa nói ngay những suy nghĩ của mình về ba vấn đề anh nêu ra.Hội nghị im lặng trở lại, tất cả các con mắt dồn về phía Nghĩa. Nghĩa quyết định không bỏ trốn. Anh đứng dậy:- Thưa các anh, tôi xin nói vắn tắt ý kiến riêng của mình như sau. Về vấn đề thứ nhất, tôi thấy mảng đời sống kinh bên ngoài khuôn khổ kế hoạch và tem phiếu vô cùng phong phú. Giá như có cách gì nối hai mảng kinh tế này lại với nhau thì hay quá! Về vấn đề thứ hai, nên thực hiện nghiêm túc chính sách đối xử đúng đắn của Nhà nước ta đối với những gia đình có người đi di tản, kiên quyết trừng trị các đường dây phạm tội trong vấn đề di tản, làm tốt hơn nữa công tác dân vận để giữ gìn đoàn kết dân tộc. Về vấn đề thứ ba, chúng ta tiếp tục phấn đấu không nao núng cho việc thực hiện giải pháp hoà bình vấn đề Campuchia và chủ động khắc phục sớm vết thương trong quan hệ hữu nghị Việt - Trung, kể cả việc sửa lại lời nói đầu trong Hiến pháp(°) [(°) Hiến pháp năm 1980.]. Tôi nghĩ rằng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và thể diện của nước ta phải được bảo vệ bằng con đường chủ động khôi phục mối quan hệ hữu nghị lâu dài Việt-Trung. Tôi xin hết ý kiến.Hội nghị im phắc.Chỉ có bốn cái quạt trần thi nhau vù vù rít rít hết cỡ trong phòng họp.Ông trưởng Ban lấy khăn tay chấm chấm mấy giọt mồ hôi trên cái trán đã lan rộng lên quá đỉnh đầu - phần vì hói, phần vì tuổi tác chỉ còn để lại cho ông lơ thơ vài sợi tóc chung quanh hộp sọ. Nhưng cái chính là Nghĩa đã đụng vào những vấn đề làm ông toát mồ hôi...Ngồi ở góc thuận cách ông trưởng Ban có vài người, Nghĩa thấy rõ tất cả. Hình như các câu nói của Nghĩa làm ông dúm dó. Nghĩa thấy ông cầm bút lên, định ghi cái gì đó, rồi lại bỏ bút xuống, rồi lại cầm bút lên, nhưng tay không động đậy, người cũng không động đậy. Tiến ngồi ngay cạnh Nghĩa, nhưng mặt lại gần như vô cảm, hay là quá kín đáo...- Anh Nghĩa này, những vấn đề anh nêu ra đúng quá. Nhưng sao lại dại dột đi làm cái việc cầm đèn chạy trước ô-tô thế? Muốn ăn bánh ô tô hả? - người ngồi cạnh Nghĩa bên trái thì thào vào tai anh.- Không ạ.- Sao anh dại thế? Đang đánh nhau với Trung Quốc nói năng như vậy mà không sợ bị phăng teo à?- Xin chân thành cảm ơn anh, tôi nghĩ thế mà không nói ra thì tội cũng chẳng kém! - Nghĩa đáp thầm trở lại, tay nắm chặt lấy tay người vừa nói, tỏ lời cảm ơn.Sự im lặng của hội nghị như kéo dài mãi. Trưởng Ban bất đắc dĩ phải đứng dậy:- Xin cảm ơn anh Nghĩa. Tôi... đề nghị kết thúc hội.., ấy chết, xin lỗi, tôi xin mời các đồng chí sang phòng bên giải khát.- Ôi chủ toạ thật sáng suốt!Ông trưởng Ban đi lại phía Nghĩa:- Anh Nghĩa phải thông cảm cho tôi, những vấn đề anh nêu ra rất hóc búa, không biết có vượt phạm vi cho phép hội nghị này bàn không.- Xin anh đừng lo, anh Nghĩa xưa nay nổi tiếng là con người trực tính. - ông Tiến đứng cạnh, tìm lời an ủi ông trưởng Ban.- Trời, lại còn đòi sửa cả Hiến pháp nữa! Thực bụng tôi run quá anh Nghĩa ạ... - ông lại bắt đầu ho ho khịt khịt, phải vội vã moi bình thuốc từ túi áo ngực ra, xịt xịt vào mũi, vào vòm họng.- Thưa anh, khi nói ra chính tôi cũng run. Anh nói thế là thực lòng, tôi rất kính phục. - Nghĩa đáp lại.Khi ra về, Tiến đích thân tiễn Nghĩa ra đến tận cổng cơ quan, nhìn theo Nghĩa lạch bạch trên cái babetta đi khuất hẳn, Tiến mới quay lại, trong bụng nửa khen thầm Nghĩa, nửa tự đắc... Khá lắm, vẫn giữ được chứng nào tật nấy... Hôm nay ta lại có thêm nhiều chất liệu mới cho những bài viết sắp tới... Chỉ cần chọn đúng thời điểm...Ngay buổi chiều hôm đó Nghĩa báo cáo với đại tá giám đốc Học viện về hội nghị. Giám đốc đáp lại:- Chính tôi cũng không ngờ anh có thể nêu lên những vấn đề như thế. Họ biết cả đấy, họ hiểu hết đấy. Nhưng trên chưa nói ra thì họ chẳng dại gì nói trước. - thủ trưởng của Nghĩa bình luận.- Họ không chịu dại, có nghĩa là để cho đất nước chịu dại? - Nghĩa hỏi lại.- Câu hỏi của anh hay đấy. Lô-gích của nó đã hàm chứa câu trả lời.- Thế cũng có nghĩa là họ khôn, tôi dại?- Đấy là câu trả lời anh tự tìm lấy cho mình đấy nhé. Chúng ta nói chuyện khác đi.- Anh trẻ hơn tôi năm tuổi mà khôn như chấy! - Nghĩa buột miệng.-???.Trở về phòng làm việc của mình, Nghĩa cảm thấy mình đang nhấm nháp quả đắng của việc phục tùng quyết định tiếp tục ở lại Học viện. Ông khoá cửa phòng làm việc, xuống nhà lấy cái babetta đến thẳng nhà Lê Hải, trong lòng tự bào chữa: Đầu óc của mình hôm nay thế này thì còn làm được cái quái gì nữa!- Cô giáo Hậu mới thuê được cái ông già quét vườn này từ bao giờ thế? - từ lề đường Nghĩa đã nhìn thấy Lê Hải trong vườn phía sau tường rào.Lê Hải dựng cái chổi vào tường rào, ngó ra:- Ôi anh Nghĩa. Quân nhân cách mạng gì mà lại lấy giờ của Nhà nước đi thăm bạn? Đã thế lại còn ăn nói châm chích nữa.- Anh chê chức danh người quét vườn của cô giáo Hậu à?- Đâu dám, không bị đuổi đi là phúc đức lắm rồi! Thế nào, hôm nay chắc cũng phải có chuyện gì hay ho đây?Lê Hải ra mở cổng đưa Nghĩa vào.Dựng xe xong, Nghĩa ngắm nghía hồi lâu cái vườn con con khoảng hơn hai chục thước vuông trước nhà Lê Hải. Gọi là vườn, thực ra ngoài một vạt cỏ xanh mượt chạy dọc theo tường rào, rộng chưa đầy một thước, vườn đúng ra là một cái sân gạch kê bày các cây cảnh, một tảng đá tai mèo lớn - thời gian phong hoá tạo ra cho nó một dáng rất đẹp, một vài viên sỏi lớn hình thù và màu sắc rất bắt mắt và một con chó đá thường thấy ở làng mạc cổ xưa. Cây cối được tỉa tót công phu, cách bài trí của vườn nho nhã... Hương thơm dịu dàng của hoa mộc như không muốn cho Nghĩa đi tiếp.- Bây giờ chắc anh vừa lòng với cái thế giới tĩnh tâm của mình rồi chứ? - Nghĩa nói khích.- Nó nhỏ bé lắm về kích thước anh Nghĩa ạ. Nhưng trong thế giới tâm tư của mình nó là vô tận. Nó đủ rộng cho mình gửi gắm mọi suy nghĩ và tình cảm của kẻ về vườn...- Nên nói là tướng về vườn.- Anh xem cây đa kia, dáng của nó như đang ngồi tâm sự với mình về nhân tình thế thái. Nó đã nói với mình biết bao nhiêu chuyện về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... Tảng đá này, đứng ở đây, nó tượng trưng cho sức trường tồn vĩnh cửu của tự nhiên, nhưng bước sang góc này, anh sẽ có cảm tưởng đang đối diện với một bậc trượng phu trơ gan cùng tuế nguyệt, nhưng nếu anh nhìn từ phía cổng nhà vào thì có thể đặt tên cho tảng đá này là hòn phụ tử...- Anh chọn được viên đá khéo quá!- Trong kỳ đi nghỉ ở Cửa Lò trước khi nhận sổ hưu đấy. Cây xương cá này rất ít lá, nhưng bộ gốc bề thế muôn hình muôn vẻ của nó gợi cho anh cảm giác như đang thấy xa xa trước mặt là mấy hang đá rêu phong, những vách đá dựng đứng, những triền núi vát lên, bão táp mưa sa nó vẫn lừng lững trong tư thế của riêng mình... Kia là hai cây si. Anh có thấy không, những bộ rễ cổ thụ chi chít, có lẽ bên trong nó là cả một kho báu các truyện cổ tích, có thể cả một cái hang Thạch Sanh ở trong ấy nữa cũng nên...- Anh giàu trí tưởng tượng đấy.- Không phải tưởng tượng đâu, tâm sự với tự nhiên cho lòng mình thanh thản thôi. Chậu cây quỳnh đang che chở cho cành giao, hay là cành giao đang nâng đỡ, vuốt ve những lá quỳnh, nếu anh đối chiếu hình ảnh này với quan hệ giữa người và người bây giờ!..- Nó hợp với anh và chị Hậu có phải không?.- Kia là chậu bạch ngọc trâm, hoa trắng muốt. Cái trắng tinh khiết đến mức đôi khi nhìn hoa mà lòng thẹn thùng với những yếu kém của chính mình anh ạ...- Ôi anh Hải! Như thế là anh hiểu đời và hiểu mình lắm đấy!- Tôi không làm sao phân biệt được trong những trong khoảnh khắc như thế là mình đang đau khổ hay đang ngộ được, đang ý thức được chính mình!..- Nhà tôi không có vườn, không có cây cảnh như anh. Nhưng thú thực đã có những lúc tôi nằm một mình, nhìn lên trần nhà để tâm sự với chính mình! Tôi không bao giờ có tâm trạng đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi... Nhưng trong thâm tâm có lúc tôi thú nhận đoạn trường mới biết qua rồi mới hay! Tôi hiểu mình chẳng phải là sắt đá gì...- Một lần tôi được ngắm nhìn hoa quỳnh nở đẹp quá... chưa bao giờ tôi cảm nhận được cái đẹp như thế anh ạ! Một cái đẹp kiều diễm, mảnh mai. Tôi ngắm mãi, bất giác thốt lên: "...Đời có đẹp đâu hoa nở làm gì!". Bỗng chóng mặt, loạng choạng. May quá Hậu đứng cạnh tôi từ lúc nào không biết, vội ôm choàng lấy tôi cho tôi khỏi ngã. Sáng hôm sau nhìn những bông hoa quỳnh tàn, càng thêm đau lòng. Trong giây phút ấy tôi hiểu sâu sắc lời chúc của anh Thạch dành cho anh ở Thạch Thất hôm nào. Ôi thà chỉ ngắm hoa trong lòng..- Vâng, chúng ta phải ngoan cố sống anh ạ...- Trên cao kia là các giò lan tôi vừa mới kiếm được, mất khá nhiều công phu đấy. - Lê Hải giọng đầy tha thiết.- Tôi phục anh và càng hiểu hơn những lời "oán thán" của chị Hậu...Lê Hải chủ tâm không để ý đến nhận xét của Nghĩa. Ông nói tiếp, nhưng điệu bộ giới thiệu say sưa của ông bắt đầu có vẻ gượng gạo:- Anh hãy thở đi, hãy để ý xem, còn gì quyến rũ hơn hương thơm của hoa mộc, nhưng thật cũng vô cùng tinh khiết! Con chó đá rất cổ, nét đục đẽo thật thô sơ, dở dang nhưng dáng nó khoẻ khắn, đáng yêu lắm, như muôn vàn con chó đá khác anh thường thấy bên các đình chùa cổ. Nó gợi lên trong tôi thời niên thiếu sống ở làng quê mình. Tôi không đặt nó ở dưới vườn, mà lại đặt trên bậc đầu tiên bước lên thềm nhà, bên cạnh chậu hoa sứ... Thỉnh thoảng nhìn nó, nó lại nhìn tôi, quê hương xa xưa bỗng dưng ở quanh đây, như là đang trở về sống nơi bố mẹ sinh thành ra mình... Tôi hình như có thể nói chuyện với tất cả những gì hiển diện trong cái vườn nho nhỏ này...Nghĩa nghe bạn nói, trong lòng vừa bị cuốn hút vào những tình cảm của bạn, trí tưởng tượng của bạn, vừa nao nao một sự đồng cảm, vừa xốn xao một sự thương cảm.Hình như người đang nói với Nghĩa không còn là một anh bộ đội Cụ Hồ Lê Hải năm nào xông pha dọc ngang mọi chiến trường. Chết chóc và bom đạn chẳng khi nào làm cho người lính này chùn bước. Người đang nói không còn là một vị tướng Lê Hải dũng cảm và mưu lược, đã từng góp phần làm thất bại những thủ đoạn chiến tranh tàn bạo nhất của kẻ thù. Người đang nói không còn là một Lê Hải sôi nổi, bao giờ cũng đi đến cùng trong mọi lý lẽ của cuộc đời...Tâm trạng của Lê Hải, chỉ mới mấy năm nghỉ hưu, mà thay đổi nhiều quá! Mặc dầu hầu như không tuần nào Nghĩa và Hải không gặp nhau, thậm chí có khi một tuần gặp nhau mấy lần, vì có những điều chỉ tri kỷ, tri âm mới chia sẻ được.Hôm nay cũng vậy!...Nghĩa bắt gặp Lê Hải đúng vào lúc ông trở thành kẻ làm vườn, đang trốn về với con người riêng của chính mình? Một Lê Hải như đang bỏ quên mọi thế sự bên ngoài, đang quét đi những rác rưởi, đang cắt tỉa những ngang ngạnh ở đâu đó rơi lạc vào cái thế giới riêng của tâm hồn mình.... Rồi cũng sẽ đến lượt mình! Nghĩa chợt rùng mình. Khi người ta bắt đầu phải chia sẻ tâm tình với núi sông, với cỏ cây hoa lá...Thấy bạn đứng im, Lê Hải không nói nữa. Quả là rất hiếm khi Lê Hải được ngắm nhìn Nghĩa trong tâm trạng như đang bị một điều gì đó cuốn hút. Hay mình đang gợi lại sự ưu tư của Nghĩa? Hay là chính Nghĩa cũng thương hại mình?Ý nghĩ cuối cùng làm cho Lê Hải thấy nhói trong ngực. Đứng chờ bạn một lúc rồi ông mới nói tiếp:- Anh Nghĩa đến thăm tôi chắc không phải vì quá say mê cái vườn nhỏ này!- Đúng, cái vườn làm cho tôi suy nghĩ về anh, về tôi. - Nghĩa lúc này như người mới tỉnh ngủ. - Chị Hậu đâu anh?- Nhà tôi hôm nay dạy buổi chiều, về đến nhà cũng phải hơn sáu giờ! Ta ngồi ngoài vườn nói chuyện đi.- Nhất trí!Hai người theo nhau vào trong nhà, một đi lấy chiếu, một đi bê ấm chén và cái phích nước. Một lát sau hai người lính già này đã có một nơi tri kỷ lý tưởng trên bậc tam cấp, trước cái vườn biết đồng cảm, biết nghe, biết nói... Lê Hải lắng nghe bạn một hồi rồi nói:- Anh Nghĩa này, nói năng không đúng chỗ có khi đi tù thật đấy!- Nhưng đây là hội nghị nghiên cứu và phát hiện vấn đề cơ mà. Tôi phát biểu theo đúng yêu cầu trong giấy mời!- Thôi được, dù sao anh đã nêu những vấn đề đáng nêu.- Theo anh, nên xử sự với Tiến như thế nào? - Nghĩa hỏi- Biết người, biết mình thế là được rồi.- Biết là thế nào?Lê Hải suy nghĩ một lúc:- Thấy được con tốt di chuyển trên bàn cờ, là biết được bàn tay điều khiển nó. Bây giờ không phải làm gì thêm nữa.- Khi đã nghỉ hưu thì người ta cũng được phép nghỉ luôn cả đấu tranh chống lại quán tính của lịch sử, anh Hải nhỉ?Lê Hải cười toáng lên, tay đấm thùm thụp lên vai Nghĩa:- Chà cái anh chàng tai quái này! Biết ngay mà!- Anh biết cái gì mới được chứ?- Biết là anh sẽ ra đòn trượt! Hãy kiên nhẫn nghe một chút.- Anh lại giở cái võ gì đây? - hai mắt Nghĩa mở to.- Clausewitz(°) [(°) Karl von Clausewitz, Đức, 1780 - 1831, nhà lý luận quân sự nổi tiếng thế giới.] là ông thầy của chiến tranh tổng lực. Nhưng trong nghệ thuật quân sự ông này còn có một điểm rất gần với Tôn Tử(°°)[(°°) Tôn Tử (Tôn Vũ), Trung Quốc, 380 - 320 trước CN, nhà binh pháp đầy mưu lược nổi tiếng thời Xuân Thu chiến quốc.]: Có những trận đánh phải bỏ qua, có những trận phải tìm cách không đánh mà thắng, nhưng cả cuộc chiến tranh thì phải tìm cách đánh thắng.- Anh đúng là vẫn chưa bỏ được nghề, nghĩa là tâm trạng anh còn bị giày vò nhiều lắm.- Điều này thì tôi chịu anh. Biết về Tiến một cách có chứng cứ hẳn hoi như thế, tôi có thể quên hắn được rồi. Nhưng những Đoàn Danh Tiến khôn để cho cả đất nước phải chịu dại, thì... như anh đã nhận xét rồi đấy. Tôi vẫn chưa bỏ nghề được! Dù có ngồi ở cái xó vườn này cũng thế thôi...- Tôi hôm nay gần như người ốm, anh Hải ạ. Đầu hội nghị thì người nóng ran đến phát sốt vì giận dữ, cuối hội nghị thì muốn buồn nôn trước thái độ bàng quan đến mức trâng tráo của Tiến, lúc nói chuyện với thủ trưởng mới thì ứ lên trong cổ cái cảm giác ghê tởm, vì thế mới bỏ giờ làm việc đến đây ngồi nói dóc với anh!- Anh đừng nghĩ rằng tôi đang tìm cách ẩn núp trong cái vườn nhỏ này.- Anh định học tập Cụ Hồ? Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao?- Tôi không dám ví như thế. Anh đoán trúng đấy, tôi tự thú là không bỏ được nghề. Nghĩa là tôi không bỏ được tôi, có thế thôi.Lê Hải đứng dậy đi đổ cái gạt tàn thuốc lá đã quá đầy, trong khi đó Nghĩa thay ấm chè mới. Lúc quay lại, Lê Hải nói tiếp:- Cái khó lớn nhất đối với tôi lại chính là tôi, thế mới buồn cười chứ. Nó lại trở về câu chuyện cái biên giới mong manh của chúng ta năm nào.- Anh Hải nhớ dai nhỉ.- Lần này một bên là cách nghĩ mà tôi muốn học tập từ Clausewitz và Tôn Tử, một bên là sự đầu hàng có nguỵ trang. Nghĩa là nhiều lúc tôi rất sợ rằng mình đang nguỵ biện cho sự hèn nhát của mình!- Ông tướng nào mà không có lúc, không một lần bại trận? Bại trận ở tiền tuyến, bại trận ở hậu phương! Có ông tướng còn bại trận ngay trong gia đình mình nữa...- Trong trường hợp này có sự khác nhau đáng kể nào giữa bại trận và tử trận không?- Không, nếu anh không bao giờ đầu hàng! - Nghĩa cả quyết.- Rất chí lý đấy.- Tôi thấy anh không đánh mất anh trong cuộc bại trận này.- Anh phân tích đến cùng xem nào.- Tôi tóm tắt lại thế này nhé. Phải nói rằng dự kiến chuyển Viện thành Học Viện chỉ là một cái cớ không hơn không kém! Đến bây giờ thấy Học viện chẳng mới khác gì với cái Viện khi anh ra đi, nó chỉ làm việc tồi hơn thôi!.. Việc thứ hai là anh đã đề nghị lên đề nghị xuống đối thoại về những điều phê phán anh để làm rõ mọi nhẽ. Họ một mực nói: Chuyện cũ rồi, đấy chỉ là lời phê phán, có thể đúng, có thể sai, có gì mà đáng đối thoại, nếu sai thì rút kinh nghiệm! Chấm hết! Chế độ hưu cho anh thì họ thực hiện đúng một trăm phần trăm! Nghĩa là kín võ một trăm phần trăm.- Nghĩa là cờ đã vào thế chứ gì? Tôi không cựa vào đâu được!- Đúng. Anh không dối lòng mình. Cái đá ngang này thiện nghệ hơn cái đá lên hoặc đá xuống nhiều lần! Viện trưởng mới cũng chỉ là một quân cờ trong ván cờ này thôi!- Anh đi xa đến thế cơ à?- Chị Hậu tinh lắm đấy, tôi nhớ mãi câu nói của chị trong bữa cơm tiễn anh chị đi nghỉ ở Cửa Lò. Ba việc nhập cục làm một...- Biết thế mình cứ lẵng nhẵng mặc cả một chút có được không nhỉ? Kiếm một cái huân chương to hơn, lên thêm một bậc lương hưu, đòi cái nhà mới to hơn, tội gì. Khối người cho mình là kẻ khờ dại.- Được, tôi mượn cách xem bói của Đoàn Danh Tiến để dự báo kết quả.- Tiến đã bói cái gì?- Tiến đã bói tôi là sẽ mất cả chì lẫn chài nếu xin nghỉ hưu. Anh nhớ chứ?- Nhớ.- Bây giờ tôi cũng bói anh sẽ mất cả chì lẫn chài nếu anh mặc cả.- Tại sao?- Vì thế cờ đã bày sẵn rồi.- Giả thử trước đó tôi tự nguyện xin nghỉ hưu như anh thì sao?- Anh thật giàu trí tưởng tượng quá. Anh có làm gì đi nữa thì câu chuyện vẫn chẳng thay đổi đáng kể, may ra thêm vài đồng bạc nữa trong sổ hưu.- Phải nói là thêm một bậc lương nữa trong sổ hưu chứ.- Vâng, tôi hơi thô lỗ…- Nói thế thì hết nhẽ đấy. Hỏi thực lòng nhé, anh có cho tôi là kẻ hèn nhát không, anh Nghĩa? Là lính với nhau, nói thực đi!Nghĩa thấy lòng mình se lại: "Hiển nhiên Lê Hải dù có là sắt thép hay gỗ đá vẫn không thể tránh nổi tâm trạng này. Ôi con người vẫn là con người!".Cả hai đều ngồi yên. Lê Hải uống xong chén nước, mãi một lúc sau mới nói tiếp:- Tôi thấy kìm nén lòng mình khó quá. Nhưng tôi đã cắn răng lại, không lu loa, dù chỉ một lời, cũng không xuýt xoa cả với Hậu...