Bà Mơ kéo cái nón lá xuống hơi thấp để tránh nắng đang chiếu xiên vào mặt. Bà ngồi tựa vào một góc cây nhìn mông lung ra mặt đường xe cộ qua lại. Bà phải ra sớm mới có thể dành được một góc tốt ở chợ trời vừa bán hàng được vừa tránh bụi bặm.Lúc đầu bà ra chợ trời để bán những thứ đồ cũ lỉnh kỉnh trong nhà như quần áo giày dép, bất cứ thứ gì có thể bán được…để kiếm tiền độ nhật mặc dù con bà ở bên Mỹ cũng đã bắt đầu gởi những thùng thuốc và quần áo về giúp. Dần dà quen biết bạn hàng bà cất thêm những thứ hàng người ta đưa về từ Chợ Lớn để bán Tất cả mọi thứ bà nhét vào hai cái bao để giấu sau gốc cây. Bà chỉ bày một ít hàng ra tấm ni lông trải trước mặt cho khách coi, phòng khi thấy bóng dáng quản lý thị trường, nghe mọi người hô chạy là bà cuốn nhanh và lủi cũng nhanh không kém. Bà ra sớm xem có bán được gì không chừng mười giờ về là tốt nhất vì đó là lúc quản lý thị trường đi dẹp đường thông hè thoáng…vả lại khi ấy chắc nắng gắt lắm. Nắng miền núi phả vào mặt người những luồng hơi nóng rát bỏng, rất dễ bị say nắng! Nhìn người qua lại chán chường bà đưa tay lên che miệng ngáp rồi quay lại người ngồi bên cạnh nói: _Sao hôm nay ế ẳm quá nhỉ? Người bạn chép miệng: _Hay là để tôi đốt vía xem sao? Nói rồi bà ta lấy một mảnh giấy, bật diêm đốt lên hơ qua hơ lại trước những mặt hàng của bà Mơ và bà ta vừa luôn miệng mời chào người qua lại “mua đi mua đi hàng mới mà rẻ hơn trong chợ đó bà con ơi!” Ngồi gần hai tiếng đồng hồ vẫn chẳng ai nhấc hàng lên hỏi chứ đừng nói là mua. Bà Mơ chép miệng: _Chắc tôi về sửa soạn để cất quần áo và khoai khô mua ở hợp tác xã chứ lỡ mưa bất thình lình ông chồng tôi không để ý ướt hết thì khổ. Bà bạn gật gù: _Nắng gắt kiểu này dám chiều mưa to đa! Nhưng còn sớm mà! bác nán lại một chút xem sao, quản lý thị trường chưa ra đâu, nãy giờ tôi vẫn để mắt dòm chừng tứ phía chứ đâu dám lơ là phút nào bác ơi! Lôi thôi mà bị hốt một cái là đi đời vốn liếng. Bà Mơ không đáp trả. Mắt bà ríu lại lim dim. Đầu bà cứ gục lên gục xuống. Đang ngủ gà ngủ gật bỗng bà nghe có ai hỏi: _Bác ơi! Bác bán cái này ra sao đây? Bà Mơ giật mình mở to mắt ngước mặt lên nhìn. Có một tốp bộ đội đang đứng trước hàng của bà. Họ đang cùng cúi xuống tranh nhau lựa đống đồ len. Bà đon đả mời: __Các chú lựa đi! Đây khăn len này, áo len này, vớ nữa này mỏng nhẹ mà ấm phải biết. Chú mua cho ai? Cho mẹ thì đây loại này. Cho vợ trẻ hơn thì bên kia! Mũ len các chú có lấy không tôi lấy trong bao ra cho lựa?. Cứ thế luôn tay chỉ vẽ luôn mồm nói cười mời mọc, những anh bộ đội tỏ ra mạnh dạn hơn thi nhau lựa đồ, mặc cả hỏi han tíu tít. Chỉ trong phút chốc đống đồ bà Mơ bày ra đã bán hết thậm chí bà còn lôi được những con búp bề nhựa, mặt hàng ế ẩm cả tháng nay ra bán. Còn duy nhất một con búp bê mặt vẽ hơi vụng xấu bà gạ bán cho anh bộ đội lúc nãy than không đủ tiền mua, bà nói: _Thôi chú lấy đi tôi để vốn cho! Anh ta đáp: _Cháu còn ba đồng bà bán thì cháu mua hơn nữa thì chịu. Bà Mơ gật đầu: _Được chú lấy đi lỗ một chút nhưng bán nốt còn dẹp hàng về trưa rồi! Nói thế chứ cái đống búp bê này hoá ra hôm nay lại bán đắt như tôm tươi. Bán với giá hời quá rồi! Sỡ dĩ bà buôn búp bê về để bán vì trên những chuyến xe ngược ra bắc bà để ý thấy những khuôn mặt búp bê xinh xắn có, dịu dàng có, bặm trợn có lấp ló sau những chiếc ba lô của các anh bộ đội thay cho lá nguỵ trang hay nhánh lan rừng. Những con búp bê sẽ thay họ nói hộ biết bao lời yêu thương trìu mến mà người cha muốn gởi gắm cho đứa con bé bỏng thường là chưa hề biết mặt sau những năm tháng ra đi biền biệt. Khi anh bộ đội đưa tiền bà Mơ nhìn lên thấy khuôn mặt còn trẻ măng bà hỏi: _Anh mua cho con gái à? _Vâng, lúc con đi nó còn trong bụng mẹ bây giờ tám tuổi rồi! Bà Mơ xuýt xoa: _Trời ơi anh có con sớm quá! Người bộ đội tặc lưỡi: Thì trước khi nhập ngũ để làm yên tâm bố mẹ chỉ còn nước là lấy vợ có con rồi mới nhẹ lòng mà đi chiến đấu bác à! Nãy giờ mua bán con chưa dám hỏi, bác vô đây lâu chưa nghe giọng bác quen quen như là ở quê ta vậy! Bà Mơ nói: Tôi vô đây lâu rồi anh à! Tôi ở làng Liễu Đề, anh người Hải Hậu phải không? Mấy anh bộ đội đều ồ lên thán phục, một anh trong bọn bật cười ha hả gật gù khen bà Mơ: _Bác tinh thật! đi lâu mà còn đoán giọng hay quá! Bà Mơ không biết nghĩ sao lại thối lại ít tiền lẻ cho anh bộ đội mua con búp bê cuối cùng bà nói: Tôi thối lại anh tí chút mua quà bánh cho con cho nó vui. Anh bộ đội cầm số tiền cám ơn bà và nói: Ngày mai có thể nếu chưa về tụi con lại ra đây xem hàng của bác. Người bán hàng bên cạnh cất tiếng nói với qua: Hôm nay bà Mơ đắt duyên quá! Bán hết trơn hàng rồi lại còn được hẹn mai mua nữa chứ! Qua đây mua này mấy chú ơi! Hơi đâu mà chờ bả. Bà này bả mua bán tài tử lắm!. Nắng quá bả cũng ở nhà, mưa sụt sùi bả cũng không đi bán đâu! Cả khu chợ trời cùng mấy anh bộ đội cứ thế nhìn bà Mơ dẹp hàng vừa đùa nói rôm rả…Một ngày thật may và vui đối với bà Mơ. ° °° Cơn nắng trưa gay gắt đổ xuống. Tất cả mọi vật dường như im lìm uể oải. Chợt có tiếng máy nổ liên hồi phá tan sự im lặng của ngõ vắng, rồi lại tắc nghẽn giữa chừng. Ông Hưng vén tấm màn che cửa nhìn ra ngoài. Anh phát thơ đỗ ngay trước nhà ông, đang hì hục đạp chiếc xe máy cà tàng để máy nổ trở lại. Thoáng thấy một góc thư lòi ra cái hộp sắt gắn trước cổng, ông mừng rỡ mở cửa chạy ra. Ra tới nơi thì cũng vừa lúc chiếc xe bất thình lình vọt lên rồi khuất dạng để lại một loạt khói đen xì phía sau. Ông hồi hộp loay hoay lấy thư ra. Hình dáng lá thư báo cho ông biết đây không phải thư từ nước ngoài nhất định không phải thơ của thằng Hải hay con Hương nhà ông rồi! Ai vậy kìa?. Cũng không phải kiểu thư thường thấy ở miền nam. Hơn một năm rồi vẫn chưa có tin gì ngoài ấy. Cầm lá thư trên tay tim ông đập mạnh liên hồi. Tay run lên khi thấy dòng chữ thật lạ, cái tên người gởi cũng lạ hoắc. Ông cẩn thận đọc lại tên người nhận. Đúng tên ông đây mà! Thư gởi từ Hà Nội. Không kịp vào nhà ông bóc vội lá thư đọc ngay ngoài sân. Những giọt nước mắt tuôn trào… Đọc xong ông đứng thẫn thờ lặng đi trong xúc động. Bà Mơ ở trong nhà gọi với ra: _ Anh làm sao vậy? Trưa nắng chang chang mà đứng như trời trồng vậy! Nghe vợ gọi ông mới hoàn hồn chạy vào lắp bắp: _ Có tin chị ở ngoài ấy rồi em ơi! Tội nghiệp chị tôi! Đây là thư Dũng con chị. Chị mất rồi em ơi! Cầm lá thư ông chậm rãi nghẹn ngào đọc cho bà nghe. Vừa đọc ông vừa lau nước mắt. Hai vợ chồng nhìn nhau. Hình như đã lâu bà không được nhìn thấy nét rạng rỡ trên khuôn mặt chồng. Mặc dù chị ông đã mất nhưng những lời tâm sự của người cháu ông chưa từng biết mặt đã làm ấm lòng ông biết bao! Lá thư ông viết đã hơn một năm chỉ tới tay Dũng do một người hiện nay đang ở địa chỉ cũ trước đây của gia đình trao lại. Qua thư Dũng tha thiết muốn được gặp ông ngay, nhưng vì tháng sau có chuyến công tác đi Sàigòn nên Dũng nán lại. Cháu tâm sự với ông rằng, nguyện vọng cuối cùng của chị ông lúc sắp tắt thở là, nếu một mai hết chiến tranh Dũng phải tìm cho được gia đình cậu Hưng cũng như đi tìm mộ phần của Chiến (em Dũng) hy sinh tại Quảng Trị năm 1973. Sự vui mừng quá mức của ông vô tình làm bà Mơ chạnh lòng. Đã hơn một năm nay bà âm thầm chịu đựng nỗi đau mất con, không dám than thở với ai. Cũng không biết nhờ ai tìm tông tích con mình. Rồi lại thằng cháu Hoàn của bà nữa! Nó ở đâu sao không báo tin về? Gia đình Hoàn ở Mỹ gởi thư về hỏi han nhưng bà không biết trả lời họ ra sao? Lần cuối cùng đi thăm nuôi Hoàn, bà thấy cháu thảm quá! Đẹp trai, hoạt bát là thế, vậy mà chỉ vài tháng bà thấy da mặt cháu xám lại như chì người gầy gò mệt mỏi. Hoàn cắn miếng đường thẻ bà đưa cho ăn ngon lành rồi ghé tai bà nói nhỏ: “Bác khỏi vào thăm con nữa! Trong vòng vài ngày nữa con sẽ không còn ở đây đâu!” Qua ánh mắt cháu bà hiểu ý cháu muốn nói gì. Bà cố gắng khuyên Hoàn nhưng cháu nhất quyết lắc đầu bảo rằng: _ Con ở lại cũng chết dần chết mòn thôi! Hoàn dặn trước với bà khi nào có thể được là Hoàn nhắn tin ngay. Thế mà Hoàn vẫn bặt vô âm tín. Đang buồn bỗng bà Mơ nghe ông Hưng hỏi: _ Má nó ơi! Nhà mình còn gạo thơm không? _ Sao tự nhiên anh hỏi kỳ vậy? Từ trước tới giờ có bao giờ thấy anh chú ý đến gạo, mắm muối đâu! Thời buổi này lấy đâu ra gạo thơm. Thấy anh già, yếu bao tử, tội nghiệp nên phải đổi bột mì, bo bo lấy gạo cho anh ăn. Thiên hạ khối người không có bo bo mà ăn đấy! Ông Hưng ngập ngừng: _ Vẫn biết thế! Nhưng thấy má mày thường trữ một chum gạo. Gạo đó chắc để dành cũng mấy tháng rồi. Đem đổi lấy gạo thơm của mấy người Nùng ở dưới huyện lên là được chứ gì? Ông Hưng nói vậy vì biết vợ mình là người cực kỳ đảm đang. Gái bắc xa quê đã lâu. Vậy mà cái tính lo xa cần kiệm vẫn y nguyên. Trong khi mọi người lo lắng chật vật từng bữa cơm manh áo, thì ông vẫn được ung dung ngày hai bữa. Trước năm 1975, bà Mơ thường bao giờ cũng trữ hàng trăm ký lô gạo trong nhà. Gạo được bà đổ vào chum phủ một lớp tro và vài cục than. Thế là ít ra cũng để được sáu tháng. Ăn hết chum nào là đổ đầy ngay chum ấy. Có lẽ bà bị ám ảnh bởi cái nạn đói năm 1945 mà Vĩ đã kể cho bà nghe. Dầu đậu nành bà mua mấy thùng liền nên bây giờ vẫn còn dầu ăn. Tất cả những thứ lương thực hay sách vở quý giá bà Mơ thường nguỵ trang dưới những lớp đồ phế thải trong nhà kho phòng tránh bị khám xét bất ngờ. Không nói ra nhưng ông Hưng thầm phục vợ mình. Giọng bà Mơ bỗng trở nên gay gắt: _ Gạo thơm à? Anh có nằm mơ không đấy! Ông Hưng chột dạ phân bua: _ Thôi! Nếu không có thì thôi! Bản thân anh ăn bo bo cũng được. Có điều cháu nó ở ngoài ấy vào nên muốn cháu nó được ăn ngon một tí. Bà Mơ nguýt dài: _ Cháu anh ăn ngon? Cả miền nam ăn bo bo mà hai cậu cháu anh ăn gạo thơm? Ngon dữ à! Em nói cho anh biết, anh thương chị anh, thương cháu anh, em không biết thương con em thương cháu em sao? Nói tới đây bà Mơ nhìn thẳng vào mặt ông dằn từng tiếng một: _ Cái tính anh hấp tấp không chừa! Lăng xăng! Anh biết gì về thằng Dũng cháu anh nào? Anh còn nhớ cái chết của bố anh, bác gái, của anh Đạt không? Sao mà dễ tin người thế? Coi chừng nó tố anh bây giờ đó! Thấy vợ bắt đầu to tiếng ông xuống nước: _ Thôi em ạ! Có gì ăn nấy! Anh xin lỗi em! Ông Hưng vừa thoáng thấy trong mắt vợ một nỗi uất ức đau xót gợi nhớ ánh mắt của cô Mơ ngày nào trên bãi biển. Hai ông bà không còn tỉ tê thân mật như mọi khi. Cứ nghĩ đến cái mặt hớn hở của chồng khi đọc lá thư Dũng, bà Mơ tức điên lên! Mấy đêm liền bà nằm mơ thấy Hoan Bình và Hoàn. Thức dậy trong đêm bà Mơ khóc lặng lẽ một mình. Bà để sẵn một thùng bo bo trong bếp. Ông Hưng buồn bã trong câm lặng. Ông không dám than van. Ông buồn không phải vì ông và cháu ông sẽ ăn bo bo mà buồn vì thái độ lạnh lùng của bà với người thân của ông. Từ xưa đến nay ông vẫn đối xử với gia đình bên bà như bát nước đầy. Thế mà… Ông cứ ra ngẩn vào ngơ, thở dài sườn sượt. Mỗi lần nghe ông thở dài, bà Mơ lại cười nhạt. Bà nguỵ trang cái nhà kho đựng lương thực, sách báo cũ, kỹ càng hơn mọi khi. Nhìn cứ như là một đống phế thải cũ nát dơ dáy. Bà gật gù đắc chí thầm nghĩ: “Tôi sẵn sàng nghênh tiếp vị khách, ông cháu quý hoá của anh đây!”