Một phần ba trong số các công ty Mỹ hiện nay nằm dưới quyền các “nữ tướng”. Các nhà điều tra đã nghiên cứu quy mô và sức mạnh kinh tế của gần 8 triệu doanh nghiệp có “thủ trưởng bà” trên toàn nước Mỹ. Các doanh nghiệp này thu nạp hơn 15 triệu công nhân và ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn hiệu quả kinh tế. Nghiên cứu còn cho thấy tốc độ tăng trưởng của các công ty này còn cao hơn tốc độ trung bình của các doanh nghiệp toàn liên bang và khả năng chính không hề thua kém các doanh nghiệp có các “sếp nam”. 72% các doanh nghiệp có “sếp nữ” chủ yếu tập trung ở 2 ngành công nghiệp: dịch vụ và buôn bán. Tuy nhiên, các nữ doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở đó, họ bắt đầu tham gia mọi lĩnh vực của nền kinh tế bao gồm nông nghiệp, xây dựng, sản xuất, giao thông vận tải và viễn thông với quy mô ngày càng tăng. Năm ngoái, tạp chí “American Working Woman” đã tiến hành điều tra để tìm ra nơi nào trên nước Mỹ thực sự là “đất dụng võ” của các doanh nghiệp nữ. Thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất và số lượng các doanh nghiệp nữ thành đạt nhất là Boston. Các doanh nghiệp nữ ở đấy hoạt động thành công trên các lĩnh vực: công nghệ tin học, dụng cụ y tế và các dịch vụ môi trường. Xếp thứ hai là thành phố New York, nơi có số lượng nữ doanh nghiệp lớn nhất liên bang với con số 1 triệu, bao gồm các dịch vụ y tế, xuất bản, ăn uống và sản xuất quần áo. Nơi có nhiều chương trình hỗ trợ của chính quyền dành cho các công ty dưới quyền các “sếp” nữ, nhất là thành phố Columbus. Các công ty này chủ yếu vận chuyển hàng hóa bằng xe tải và sản xuất các phụ tùng xe hơi. ở thành phố San Francisco, phụ nữ khởi đầu sự nghiệp kinh doanh của mình luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của Tổ chức doanh nghiệp nữ bang và của các “bà chủ” công ty kỳ cựu. Lĩnh vực hoạt động của họ thường là trong ngành máy tính và một số công nghệ hiện đại khác. Đứng thứ năm trong danh sách là Philadenphia nơi phụ nữ thể hiện khả năng của mình trong buôn bán và dịch vụ. Tiếp đến Chicago là thành phố có tới 5% các dự án của Chính phủ do phái yếu triển khai, chủ yếu ở các ngành giáo dục, y tế và cho vay vốn. Còn các lĩnh vực điện tử và cầu đường lại là “đất làm ăn” của các nữ doanh nghiệp thành phố Indianapolis. ở Los Angeles, phụ nữ quản lý khá thành công trong công nghiệp điện ảnh và may mặc, và ở Baltimore là các ngành hóa chất, dịch vụ y tế và giáo dục. Đứng cuối danh sách là San Diego nơi phụ nữ điều hành thành thạo các văn phòng du lịch và các cửa hàng. Tạp chí “Working Woman” hàng năm cũng đưa ra danh sách 5 doanh nghiệp nữ thành công nhất dựa vào doanh thu hàng năm của công ty. 50 công ty thành công nhất có tổng doanh thu lên tới 18 tỷ USD, trong đó có 43 công ty có thu nhập từ 100 đến 500 triệu USD, 4 công ty - 1 tỷ USD mỗi năm. Tạp chí này công bố có 19 nữ doanh nghiệp tự lập khởi xướng sự nghiệp của mình, 22 người tiếp tục công việc của cha hoặc người chồng quá cố, 9 người cùng cộng tác với chồng, 11 trong số 50 công ty hàng đầu này hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, 8 công ty ăn uống và thực phẩm. Trong số các nữ doanh nghiệp có 2 người là luật sư, chỉ có 1 người đã tốt nghiệp đại học thương mại và 7 người khác chưa hề bước chân tới cổng trường đại học. Nữ luật sư Louis được tạp chí “Working Woman” bầu là nữ doanh nhân thành đạt nhất nước Mỹ. Bà lãnh đạo công ty TLC Beatrice sau khi người chồng qua đời cách đây 2 năm. Đây là công ty có tầm cỡ quốc tế lớn nhất do người Mỹ gốc Phi làm lãnh đạo. Donna Stigerwatt với công ty may mặc Jackie International đứng thứ 2 trong danh sách xếp hạng. Bà kế tục sự nghiệp của cha mình từ năm 1978. Công ty này đã bắt đầu sản xuất chủ yếu quần áo từ năm 1930, và hiện nay quần áo lót là thế mạnh của họ. Tiếp theo là Helen Copply, giám đốc Nhà xuất bản chuyên phát hành ở California và Illinois với tờ báo nổi tiếng “San Diego Union Tribune”. Ban đầu Helen làm việc cho tờ báo này, sau đó bà kết hôn với ông James Copply và thay chồng làm lãnh đạo công ty sau khi ông qua đời năm 1973. Đứng thứ 4 là Elma Aldhor, giám đốc hãng sản xuất xe hơi ở Detroit (Michigan). Giống với Helen Copply, bà cũng đứng vào vị trí của chồng từ năm 1983 sau cái chết của ông. Khó có thể tin được rằng bà nội trợ Elma lại có thể đưa doanh thu của công ty từ 35 triệu lên 560 triệu USD hàng năm. Sylvia Mialant trong chiến tranh thế giới thứ hai đã từng làm việc cho CIA, từ năm 1955 bà cùng một người bạn mở công ty Internatinal Protein, chuyên chế biến các sản phẩm từ cá. Năm nay bà 75 tuổi và mới đây bà đã quyết định nhường quyền lãnh đạo cho 4 nhân viên của mình. Cathay Necki, 36 tuổi, là người trẻ nhất trong danh sách. 10 năm trước, cô khởi đầu sự nghiệp của mình ở Huston (Texas). Công ty của cô thu mua dầu và cung cấp cho các trường học, công ty vận tải và các cửa hàng. A.Welfree là người phụ nữ nổi tiếng nhất trong bảng danh sách. Bà lãnh đạo tổ hợp giải trí nổi tiếng nhất Chicago, bà đảm nhiệm một chương trình Tolk Show trên đài truyền hình. Theo tờ “Working Woman”, có rất ít phụ nữ được bổ nhiệm lên vị trí cao ở những công ty do nam giới lãnh đạo. Đó chính là một trong những lý do ngày càng có nhiều phụ nữ tự lập khởi đầu sự nghiệp kinh doanh của mình(1). ======================= (1) Hiền Anh sưu tầm theo Báo KHKT-KT Thế giới tháng 6 và 7 năm 1995.