Phần 2:Gương những người phụ nữ thành đạt trong kinh doanh và các lĩnh vực khác
Chương 12
Kể lại chuyện 15 năm kiên trì của một nhà doanh nghiệp nữ...

Hồi giữa tháng 11 vừa rồi, khi được dịp trình bày những kinh nghiệm bảo đảm cho đơn vị tồn tại được đến năm nay, một nhà doanh nghiệp nữ đã đề tựa cho phát biểu của mình là “Kiên trì xây dựng và giữ vững hợp tác xã”. Khi nghe hết những ý kiến thẳng thắn, nói thật, không vòng vo khuôn sáo, cử tọa mới hiểu những chữ “kiên trì xây dựng và giữ vững hợp tác xã” đối với đơn vị của bà mang một nội dung, ý nghĩa thoát ra khỏi khuôn sáo bình thường, hoàn toàn không phải là những chữ mòn rỗng, quen thuộc như ai muốn nói cho... có. Đó là bà Nguyễn Thị Cúc chủ nhiệm HTX Mây-Tre-Lá Ba Nhất ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
Theo lời bà, khi mới thành lập, hồi năm 1979, HTX của bà đã có 300 xã viên và 200 lao động phụ, vốn cổ phần là 3.000 đồng (10 đồng một cổ phần một xã viên), và là một sự khởi đầu đẹp đẽ. Giá trị sản lượng năm đó đã bằng hai năm 1977 và 1978 cộng lại: 269.725 đồng để rồi sau đó liên tục tăng trưởng, 1980 là 370.535 đồng, 1981: 574.888 đồng, 1982: 1.625.476 đồng và năm 1983: 2.842.063 đồng...
Đến khi cơ chế của nền kinh tế đất nước thay đổi, HTX Mây-Tre-Lá Ba Nhất với đà “ăn nên làm ra” của năm 1985 vẫn từng bước thích nghi được, tuy thu nhập của xã viên và người lao động có giảm sút. Chỉ đến năm 1990, khi Liệp hiệp xã ngành tiểu thủ công nghiệp trung ương, thành phố, quận, huyện giải thể để lập ra các Công ty Sihaco và Rabamexco thì HTX Ba Nhất mới “thực sự đứng trên bờ vực tan rã”: hàng tồn kho trị giá 15 triệu đồng không biết giao cho ai; không có ai gia công; không biết ai mua hàng để chào bán: người xin ra HTX ngày càng đông... Qua sáu tháng, hàng bị mốc phải đốt bỏ. HTX hết vốn. Xã viên từ 389 người giảm chỉ còn...70! 10% giá trị tổng sản lượng mà HTX phải đóng góp cho Liên hiệp xã thành phố, quận, huyện để làm quỹ ngành là 6%, để vào quỹ bảo hiểm là 4%, cũng bị tước đoạt (chữ của bà Cúc).
Sở dĩ việc phát sinh gây điêu đứng cho HTX đến như thế, vì theo cơ chế cũ, HTX cơ sở không có quyền tự chủ giao dịch với khách hàng. Chỉ có Liên hiệp xã trung ương và Liên hiệp xã thành phố mới được giao dịch, lấy mẫu của HTX đem chào hàng, làm giá, ký hợp đồng giao nguyên liệu, giao định mức cho HTX gia công “giao nộp sản phẩm theo kế hoạch”. ách tắc nguyên vật liệu thì HTX tự lo, kể như HTX bán sản phẩm cho Liên hiệp xã cấp trên, khi Liên hiệp xã cấp trên giải thể đột ngột để lại bao nhiêu hậu quả thì HTX phải gánh chịu hết. Vậy mà, tuy chỉ còn lại 70 xã viên, thu nhập mỗi người chỉ còn 30.000 - 35.000đ/tháng, bà chủ nhiệm “kiên trì” không để HTX tan rã, "kiên trì" không bỏ HTX, giữ cho HTX "kiên trì" sản xuất hàng mẫu chào bán cho khách du lịch làm quà biếu. Từ đó về sau, ở Ba Nhất chỉ còn lại hai điều “mẫu hàng đẹp” và “mặt hàng khang trang” mà thôi!
Không ngờ mẫu mã hàng đẹp lại giúp Ba Nhất trở nên “ăn nên làm ra” lần nữa. Năm 1993, một người khách Pháp đem một mẫu hàng sản xuất bằng vỏ bắp của Trung Quốc đến đặt HTX làm y như vậy, nhưng bằng lá buông. Bằng chất liệu mới này, sản phẩm làm ra đẹp hơn, được khách hàng thích hơn. Cơ chế cũng thoáng hơn, HTX được ký hợp đồng với khách. Cuộc vực dậy, đi lên bắt đầu từ đó, doanh thu năm 1993 lên tới 50.000 USD. Năm đó, khách hàng ứng trước cho HTX 30% trị giá hợp đồng để làm vốn. Sang năm 1994, để được ứng trước tỷ lệ tương tự, HTX uyển chuyển “nhân nhượng” thêm về giá chút đỉnh. Tuy có Quỹ từ thiện Cidse cho HTX vay 10.000 USD không lấy lãi nhưng cũng có lúc cần vốn, HTX không sợ mà vay luôn bên nước ngoài với lãi suất 5% đến 7%/tháng. Chịu đựng được lãi suất này, theo lời bà Cúc, HTX Ba Nhất đã chứng minh được rằng Ba Nhất “đã hồi sinh bằng chính đôi tay, đôi chân của mình”.
Thấy các hợp đồng ký kết với khách hàng nước ngoài và thấy việc thực hiện nghiêm túc, đúng hạn các hợp đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài Quốc doanh - VP Bank cho HTX vay tín chấp, với lãi suất 2,5%/tháng. Còn đến giờ, mỗi khi có tín dụng thư (LC) của khách mở về VP Bank, ngân hàng này cho HTX vay bằng thủ tục dễ dàng với lãi suất 1,8%/tháng. Nhờ vậy, mới cuối tháng 10-1995 mà HTX Ba Nhất đã có hợp đồng cho cả năm 1996 với trị giá 614.000 USD.
Nhưng bà chủ nhiệm HTX Ba Nhất không hề ngại nhìn thẳng vào sự thật, nghề nghiệp và hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình: “Nhìn đơn thuần bề mặt kinh tế, ngành mây tre lá không hái ra ngoại tệ bằng nhiều cách xuất khẩu khác. Tuy vậy, xét về mặt lợi ích xã hội thì ngành mây tre lá có tác dụng lớn. Những năm 1985-1986, ngành đã thu hút 40.000 lao động, tạo việc làm cho 10.000 gia đình lao động, nếu tính cả lao động phụ thì tới 70.000 - 80.000 người”.
Những kiến nghị của Ba Nhất cũng thật cụ thể, thật sát sườn. Dưới thời bao cấp, được vay 50% trị giá hợp đồng với lãi suất ưu đãi không phải thế chấp. Nay đổi mới, chẳng lẽ vay vốn phải... thế chấp? Nhất là đối với một đơn vị thành viên đều hầu hết là nữ, lao động nghèo, có người là “người lầm lỡ vào đời sớm”. Do vậy, HTX mong sao các Ngân hàng Thương mại thực hiện đúng tinh thần Công văn số 591/CV-NH của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vốn mới đây, để khuyến khích kinh tế HTX.
Về thuế, hiện tại Ba Nhất vẫn phải đóng thuế 5% trên giá mua, coi như vì mua hàng không hóa đơn, phải đóng thuế thay cho thợ rừng. Muốn mây tre lá rẻ, đúng thời vụ thường xuyên phải mua trực tiếp từ thợ rừng, gom góp mỗi nơi một ít mới đủ nguyên liệu sản xuất. Vậy làm thế nào để có hóa đơn của Bộ Tài chính từ những người thợ rừng tản mạn ấy? Có cách giải quyết nào khác hơn không? HTX cũng đề nghị Nhà nước xem xét lại thuế lợi tức, 35% trên lãi ròng của HTX khó có còn gì để tích lũy, xây dựng cơ sở vật chất. Và chuyện cuối cùng, khách hàng đến Ba Nhất đặt hàng theo catalogue, mua sản phẩm... nhưng HTX vẫn chưa được phép trực tiếp bán cho họ mà vẫn phải tiếp tục bán qua một công ty trung gian, để trung gian này, theo HTX “phết phẩy” thành quả lao động của xã viên! Có cách nào giảm bớt hay chấm dứt cảnh phết phẩy này không?(1)
===============================================
(1) Trần Quang Thịnh sưu tầm theo Thời báo kinh tế Sài Gòn số 7-12-1995.