Dịch giả : Cao Ngân Hà & Bạch Liên
Chương 13
TÁNH ÐOẠN TUYỆT
DIỆT TRỪ SỰ HAM MUỐN

A. B.  Bây giờ chúng ta đã đến đức tánh thứ hai mà tiếng Phạn gọi là vairagya và theo Ðức Thầy gọi bằng Anh ngữ là Tánh Ðoạn Tuyệt. Phiên dịch như thế thật rất đúng. Trước kia tôi dùng danh từ "không đắm mê", nhưng từ nay tôi sẽ đổi lại là Tánh Ðoạn Tuyệt như  Ðức Thầy đã chọn.
Ðối với nhiều người thì tánh đoạn tuyệt là một đức tánh khó tập được, vì họ tưởng rằng những điều ham muốn tạo ra con người họ. Và nếu những điều ham muốn riêng tư, những thiện cảm và những bất thiện cảm của họ bị diệt mất, thì họ không còn cái chi cả.
A. B.  Hầu hết những người thành tâm muốn đi trên con Ðường Ðạo đều nhận biết Chân lý của câu đầu tiên, trong đó Ðức  Thầy nói rằng Tánh Ðoạn Tuyệt là một đức tánh được chỉ định cần thiết và khó tập được. Bởi vì con người đồng hóa với dục vọng của mình nên sự khó khăn mới do đó sinh ra. Ngày nào một dục vọng chưa được thỏa mãn còn  làm cho bạn khổ sở, thì ngày đó bạn còn đồng hóa với nó. Tốt hơn là biết và nhìn nhận điều đó, bởi vì rất dễ mà tưởng rằng bạn đã thoát ra khỏi dục vọng, nhưng thật ra bạn chưa giải trừ được chút nào. Một số đông người đời thích cho rằng họ đã chủ trị được những dục vọng của họ, tuy nhiên trọn đời họ và mỗi hành vi của họ đều chứng tỏ họ chưa thoát khỏi tay chúng nó. Ðiều hay hơn hết là nhận ra sự thật ấy, nếu bạn chưa làm được điều đó; rồi bạn mới sẵn sàng áp dụng phương thuốc.
Bước đầu tiên là chú trọng đến ý niệm này: "Tôi không phải là dục vọng". Ðến đây bạn có thể nhờ sự giải thích  của tôi về vấn đề bẩm tính. Bẩm tính này cũng thay đổi như dục vọng. Vậy cái gì thay  đổi đều  không thể là Chơn Ngã và tất cả mọi sự xao động thay đổi đều không liên hệ gì đến nó. Chẳng hạn, tôi biết có nhiều người, một hôm nói như vầy: "Hữu phước thay được ở bên Adyar và suy gẫm về những việc trọng đại xảy ra bên  ấy". Nhưng ngày mai, họ lại thấy tinh thần suy nhược, họ ngã lòng, rủn chí. Họ không phải là bẩm tính bất thường này, không phải là sự nhiệt thành, mà cũng không phải sự ngã lòng thật là bạn đâu. Cả hai chỉ là sự rung động tạm thời của Cái Vía, do sự đụng chạm bên ngoài gây ra.
Do đó, người ta khuyên  bạn  nên  tham thiền mỗi ngày, bởi vì khi dục vọng của bạn chưa nằm yên, bạn không thể nào tham thiền cho có hiệu quả được. Nhờ tham thiền  đều đặn và tận tâm dần dần bạn sẽ phân biệt được Chơn Ngã ẩn phía sau những sự ham muốn  của bạn. Hãy kiên tâm tiếp tục tham thiền trọn ngày tập lấy thái độ cần thiết, thì bạn sẽ bắt đầu phân biệt được Chơn Ngã một cách thường trực. Rồi bạn sẽ không còn đồng hóa bạn  với dục vọng của bạn và không còn luôn luôn cảm thấy rằng: "Tôi có ý định, tôi ước mong, tôi muốn" mà bạn sẽ nghĩ rằng: "Không phải là Chơn Ngã của tôi đâu  mà ấy  là bản  ngã thấp hèn của tôi đó".
Ðây là bài học đầu tiên  và trọng  đại mà Ðức Thầy dạy về các Ðức tánh cần thiết thứ hai. Trước khi được Ðiểm Ðạo [36], chúng  ta không bị bắt buộc phải đoạn tuyệt hoàn toàn. Tuy nhiên, Ðức  Thầy mong  mỏi bạn  thực hiện được một phần lớn lao của sự  đoạn tuyệt, và đối với chúng ta, ý muốn của Ngài là một định luật.... Trước khi bạn có thể được Ðiểm Ðạo, thì tất cả những sự dao động từ sự ngã lòng, rủn chí qua sự bồng bột, sôi nổi, hai cực đó đều phải chấm dứt.
C. W. L.  Nhiều  người không cố gắng chút nào để phân biệt dục vọng với Chơn Ngã, mà họ nói rằng: "Trời sinh tôi ra thế nào thì tôi thế ấy. Nếu tánh tình tôi không tốt, ý chí tôi bạc nhược, thì cũng do Ngài tạo ra. Nếu tôi không đủ nghị lực chống chõi lại sự cám dỗ, đó là tại tôi sinh ra như thế". Họ không hiểu rằng trong những kiếp quá khứ, họ đã tự tạo ra chính họ, nhưng có thói quen xem tính khí họ như vật bất biến mà người ta tặng cho họ, cũng như một người có thể sinh ra đã đui mù hay què quặt vậy. Họ không nhận rõ họ có bổn phận sửa đổi tánh  xấu của họ. Họ không biết rằng họ có khả năng sửa đổi và họ không thấy tại sao họ phải nhọc công như thế.
Thường thường người bậc trung không thấy được lý do nào đủ sức thúc giục y đảm đương công việc rất khó nhọc để sửa đổi tánh tình. Vài người nói với y rằng: "Nếu  bạn không sửa đổi tánh tình thì bạn không được lên Thiên Ðàng". Nhưng nhiều người trả lời rằng đối với họ sự buồn bực ở trên Trời không thể diễn tả được và họ hy vọng có một tương lai khác hơn. Thật ra, chắc chắn lý thuyết về đời sống trên cõi Thiên Ðàng dù được truyền bá rộng rãi, nó cũng ít có ảnh hưởng thực tiễn đến đa số quần chúng, chắc chắn bởi vì  nó ít đúng với sự  thật. Trong tất cả những lý thuyết mà tôi đã biết, chỉ có một lý thuyết dường như có thể thúc đẩy con người cố gắng được mà thôi: đó là giáo lý Thông Thiên Học. Thông Thiên Học chỉ cho chúng ta việc nào đáng cho chúng ta phải cố gắng. Nó cũng chỉ cho chúng ta biết rằng chúng ta có đủ  cơ hội và thì giờ để thành công một cách  trọn vẹn. Nếu con người hiểu được Thiên Cơ và tìm cách phụng sự nó, thì y đã tìm được động lực mạnh mẽ nhất để góp công vào sự tiến hóa và chuẩn bị cho nhiệm vụ đó. Rồi y nhận biết rằng y có thể sửa đổi triệt để tính khí và bẩm chất của y và y biết chắc chắn sẽ thành công.
Chơn Ngã quyết định tiến hóa, lo phát triển Phàm Nhơn và làm cho  các thể  thấp hòa nhịp với Ngài đặng thành những khí cụ  để cho Ngài dùng. Mọi sự ham muốn thuộc về loại khác và bản tính trái ngược chứng tỏ rằng nó không thuộc về Linh Hồn. Do đó, chúng ta không nói: "Tôi muốn cái này",  mà lại  nói: "Tinh chất dục vọng của tôi lại hoạt động. Nó muốn cái này hoặc cái kia, nhưng tôi là Chơn Ngã, tôi muốn tiến hóa. Tôi muốn  cộng tác với Thiên Cơ. Tính khí và những sự ham muốn bất thường này đối với tôi  không  có  nghĩa gì hết". Khi mà một sự ham muốn chưa được thỏa mãn còn có thể làm cho con người đau khổ, thì chắc chắn y còn tự đồng hóa với tinh chất dục vọng của y.
Nhưng mấy người đó chưa thấy được Chơn Sư, vì khi đứng trước Thánh Dung, hào quang rực rỡ, thì sự ham muốn nào cũng tiêu tan hết, chỉ trừ việc muốn sao cho được giống như Ngài vậy. Nhưng trước khi có hạnh phúc được đối diện với Ngài, nếu con chí quyết thì con có thể tập tánh đoạn tuyệt được.
A. B.  Ðiều này còn nhắc nhở chúng ta nhớ lại một đoạn Kinh  trong quyển Thánh Ca Bhagavad Gita như sau: "Những đối tượng của giác quan, chớ không phải sự ham muốn những đối tượng này, sẽ quay đi chỗ khác  tránh xa người tiết dục, và sự ham muốn còn  lại cũng bỏ y mà đi, khi người ấy thấy được Ðấng Tối Cao " [37].
Tất cả dục vong đều  tiêu tan, khi con người thấy thoáng qua một đối tượng duy nhất đáng ước mong. Bởi đó khi bạn được  phép thấy Chơn Sư thì sự hiện diện của Ngài giúp bạn không những thoát khỏi những điều ham muốn, mà còn giải trừ ngay tánh ham muốn nữa. Tánh ham muốn là một cái rễ có nhiều nhánh nhóc; người ta ra công chặt đứt những nhánh nhóc này, nhưng khi mà rễ cái còn  thì nó sẽ sinh những nhánh nhóc mới khác mà sự hiệp nhất với Ðức Thầy sẽ giải thoát bạn  khỏi cội rễ của mọi sự ham muốn.
Tuy nhiên, Ðức Thầy nói với chúng ta rằng, trước đó, nếu con muốn, thì con sẽ đạt được Tánh Ðoạn Tuyệt. Ba chữ "Nếu con muốn" chứng tỏ một sự  quan trọng  đặc biệt. Chúng chỉ cho chúng ta thấy đâu là chỗ khó khăn. Không phải chỉ là tài năng mà thôi, nhưng hầu hết luôn luôn không có ý chí hoạt động. Nếu nghị lực  của bạn  dùng để lo lắng cho công việc của bạn trên Ðường Ðạo  cũng bằng nghị lực của bạn sử dụng để điều khiển hoạt động của bạn ở thế gian, thì sự tiến bộ của bạn sẽ nhanh chóng hơn nhiều.
C. W. L.   Ðây là một trong những câu châm ngôn đẹp nhất trong  quyển sách quí giá này. Thật thế, khi bạn thấy được Chơn  Sư và hiểu được Ngài là sao, thì mọi dục  vọng thấp hèn của bạn đều tiêu tan. Trọn cả con người bạn đều thấm nhuần một thứ gì cao thượng hơn. Nhiều người mong muốn có Tánh  Ðoạn Tuyệt, nhưng họ luôn luôn bám víu vào những vật họ ham muốn và họ đau khổ  khi thiếu chúng nó. Thật sự họ không ước mong có Tánh Ðoạn Tuyệt đâu. Họ chỉ có tư tưởng cầu mong mà thôi. Ðó chỉ là bề ngoài, chớ không phải trong thâm tâm của Phàm Nhơn họ. Ðiều hay hơn hết chúng ta nên tự vấn chúng ta trên phương diện này, chúng ta suy xét kỹ lưỡng để xem coi chúng ta có quả thật thoát khỏi những dục vọng thấp hèn này chưa. Người Thông Thiên  Học thường cho rằng mình đã đạt được Tánh Ðoạn Tuyệt và xem dục vọng như những vật vô hại, nhưng có nhiều vật nhỏ mọn không đáng kể đó lại bám rễ rất sâu. Người ta tảo thanh chúng nó trên mặt, nhưng chúng nó xuất hiện lại dưới những hình thức mới và thật khó quả quyết là chúng nó mất hẳn. Phước  thay cho chúng ta, trong tình trạng hiện tại, không phải bắt buộc tận diệt các dục vọng. Sau khi được  Ðiểm Ðạo, những rễ của vài thứ dục vọng còn sống sót, nhưng rồi phải nhổ tận gốc chúng. Tuy nhiên, tốt hơn hết nên nhổ sạch chúng ngay bây giờ đây. Bước tiến hóa của chúng ta sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Chúng ta thực hiện điều này được, vì Ðức Thầy không hề khêu gợi điều gì mà chúng ta không thể  làm được, dù  Ngài có đưa đến cho chúng ta những nhiệm vụ để thử thách sự bền chí hay sức mạnh tinh thần của chúng ta; đó là những nhiệm vụ cần thiết nếu chúng ta muốn tiến bộ nhanh chóng.
Tánh phân biện đã chỉ rõ rằng những vật mà phần đông người đời khao khát như của cải, quyền thế, thì không đáng nhọc công chiếm hữu chút nào. Song khi nào thật hiểu điều này, chớ không phải chỉ nói ra mà thôi, thì sự ham muốn mấy điều đó mới tiêu tan.
A. B.  Những sự ham muốn về của cải và quyền thế đều mang nhiều hình thức khác nhau, chúng không luôn luôn thuộc về tiền tài,  thế lực của xã hội hay chính trị. Thường thường tài sản là vật mà người ta ước muốn đầu tiên, nhưng chính nó không phải là  một vật sở hữu có ích lợi, vì nó khuyến khích sự ham muốn và không bảo đảm được hạnh phúc, như người ta có thể nhận thấy ở những nhà giàu, họ không làm ra một hạng người có phước. Ðối  với quyền tước xã hội hay chính trị cũng thế. Tất cả là bụi bậm, hào nhoáng, đồ giả chớ không phải vàng ròng. Kinh Gita có nói  rằng: "Người khôn ngoan luôn luôn bằng lòng, mặc dù có những gì xảy đến cho họ; hoặc nói cách khác, người vui lòng và lợi dụng  những gì có thể giúp ích được mà không mất thì giờ và nhọc công cầu xin điều gì khác".
Ít có người chiếm được  địa vị cao sang trong xã hội hay chính trị, nhưng dù không chiếm được địa vị đó đi nữa sự cám dỗ của quyền tước cũng vẫn thường có. Quyền tước bao gồm sự ham muốn bắt buộc  kẻ khác tuân theo mệnh lệnh  của mình, cùng là can thiệp vào những công chuyện của người khác và điều khiển chúng thay vì phải lo liệu những công việc riêng của mình. Sự  ham muốn quyền tước trong xã hội hay chính trị chắc là không lan rộng lắm, nhưng thường thường người ta chú ý đến một điều ao ước  xấu xa là muốn  thấy kẻ khác hành động  theo ý  tưởng của chúng ta. Phải trừ khử tánh này, nếu chúng ta muốn tiến bộ. Những người đã quyết định đi đến mục đích, như phần đông chúng ta, thì sẽ thấy ngay rằng bản ngã thấp hèn của chúng ta cho chúng ta nhiều điều phải làm, nó không cố gắng xúi giục chúng ta xen vào đời sống của thiên hạ. Chơn Ngã ở trong ta cũng là một với Chơn Ngã ở trong những kẻ khác và cách Chơn Ngã thích biểu hiện trong  những kẻ khác chỉ liên hệ đến họ, chớ không dính dấp gì đến chúng ta. Thế nên, phải từ  bỏ mọi khuynh hướng can thiệp.
Bạn không có quyền can thiệp, chỉ trừ khi nào bạn có bổn  phận,  nghĩa là trong trường hợp duy nhất mà bị hạn chế là bạn có quyền điều khiển những người mà Tạo Hóa hay Nhân Quả đặt để dưới quyền bạn, chẳng hạn như con cái, tôi tớ hay thợ thầy của bạn. Ðối với trẻ con, sự chỉ huy là sự  bảo vệ nó trong suốt thời kỳ nó còn yếu  đuối cần được chở che. Sự chỉ huy phải giảm dần dần  khi Chơn Nhơn của nó chiếm lấy những  thể của nó một cách trọn vẹn hơn. Ðối với những người đồng đẳng với bạn (tôi dùng chữ đồng đẳng với nghĩa rộng của nó), thì lẽ tất nhiên là bạn không có quyền can thiệp.
C. W. L. - Những người thường muốn lo lắng cho mấy kẻ khác, chỉ vì họ tưởng rằng họ có khả năng điều khiển công việc của mấy người đó. Nhưng  rốt cuộc  họ không biết gì hết. Thiên lực  đang hoạt động trong mỗi người; chúng ta hãy để nó hành động theo cách thế riêng của nó. Ðấng Christ há chẳng nhắc nhở những người Do Thái đoạn này trong Thánh Kinh của họ sao: "Các người là những vị Thượng Ðế, và vì việc họ là con cái của Ðấng Tối Cao" [38]. Có lẽ đồng bào của bạn hành động đúng; cũng có lẽ sai lầm, nhưng khi mà y thành thật, đúng đắn và chăm chú làm hết sức mình  thì mọi sự sẽ tốt đẹp. Hãy để y thắng điểm, dù bạn là tay  đánh cầu giỏi hơn y. Ðôi khi, người ta có thể khuyên lơn kẻ khác thật khéo léo, có lễ độ và thận trọng, nhưng thường lắm, khuyên như  thế cũng là vô lễ nữa. Dù bất cứ trường hợp nào cũng đừng bao giờ bắt buộc ai nghe theo ý mình. Việc lo lắng đầu tiên của chúng ta là phải sắp đặt công chuyện của chúng ta cho có trật tự, bởi vì mỗi người  phải chịu trách nhiệm đối với chính mình mình.