Ánh mặt trời đi xuyên qua kẽ hở trong lều. Một mình, tôi nằm co người lại, đắp chiếc khăn, mắt tôi nhìn đăm đăm vào những hạt bụi thật đẹp tung lên trong ánh nắng ban mai. Suốt cả ngày, tôi cứ nằm tại đây, nhìn vào bóng tối cho đến khi mệt lử. Ngày hôm sau mặt trời lại mọc lên, mắt tôi lại mở ra nhìn vào đám bụi bay trong nắng, rồi lại chờ đợi màn đêm buông xuống. Tôi suy nghĩ, nhưng không biết chắc mình đang suy nghĩ điều gì. Tôi không nhớ được làm sao mình lại đến đây – một trại lao động. Thậm chí tôi cũng không nhớ được tên của nó nữa. Tôi mơ hồ nhớ điều gì khủng khiếp đã xảy ra với Mak, nhưng vết thương về cái chết của mẹ thì vẫn còn tươi rói. Đêm và ngày trôi qua. Tôi tự hỏi không biết điều gì đã xảy ra với các chị tôi. Ai đã mang tôi đến đây? Người tôi rất yếu nhưng tôi không thấy thèm ăn. Bên ngoài những chỗ hở của căn lều, tôi nghe thấy tiếng nói. Những tiếng nói ấy, những mệnh lệnh ấy không bao giờ đến với tôi. Một người đàn bà mặc đồ đen thò đầu vào trong lán, bà ta nói nhỏ "Đồng chí, dậy đi làm việc" Tôi đưa mắt nhìn bà ta rồi nhìn đi chỗ khác. Một tiếng nói bên trong tôi cất lên – sai rồi, mình phải ăn! Cuối cùng tiếng nói đó đánh thức tôi dậy và tôi vâng lời. Khi mặt trời chói loà, tôi đứng dậy. Khi tôi bước ra ngoài lều, tôi mang theo cả muỗng đĩa. Tôi bước đi xiêu vẹo, cố không để bị ngã. Tôi đi về phía rừng cây, ở đó có một đám trẻ em, đứa sắp hàng chờ lãnh thức ăn, đứa thì ngồi xổm đang ăn. Tôi lê chân đứng vào hàng, bao tử của tôi dâng lên rồi hạ xuống. "Đồng chí ở đoàn nào?" một người đàn bà cầm muôi múc cơm, trán bà ta nhíu lại vì tò mò. "Tôi bệnh", tôi trả lời nhỏ nhẹ, lấy chỗ trước mặt bà. Bà ta trút vào dĩa tôi một muỗng cơm, rồi bỏ một nhúm muối thô bên cạnh. Tôi thấy cái nhìn chăm chăm, cặp mắt dò hỏi của bà ta, nhưng tôi cứ bước đi, tay giữ dĩa cơm. "Chưa thấy con bé này trước đây bao giờ" bà ta nói. "Đồng chí này bệnh, trước nay toàn nằm bẹp trong lều" một giọng nói khác cất lên. "Thế mà tôi múc cho nó y như những người lao động khác!" người đàn bà càu nhàu. Thức ăn làm cho tôi thay đổi. Mỗi miếng cơm nuốt vào,sự sống trở lại dần dần với tôi. Trí óc tôi minh mẫn hơn. Ý tưởng về sự sống sót của mình trước đây hầu như bị xóa hết trong trí óc, nay trở lại. Nhưng người tôi vẫn còn trống rỗng không thể đi làm việc được cho Khmer Đỏ. Trong khi mọi người cặm cụi trên cánh đồng nắng cháy để đào mương, tôi vẫn ngồi trong lều, một mái tranh thấp lè tè. Dưới chân tôi cỏ cạ vào gây ngứa. Tôi nhìn ra lối vào không cửa. Tâm trí tôi bị hút ra ngoài. Tôi muốn nói với Trời: Hỡi Trời, sao ngày rạng rỡ vậy mà đối với tôi lại tăm tối đến thế? Đời sống của tôi không có ý nghĩa gì. Tôi nghe chính mình nói. Tại sao người tôi trống rỗng đến thế? Đau đớn từ bên trong đến thế? Có phải đây là điều mà mẹ đã cảm thấy? Có phải chính điều đó đã khiến mẹ suy sụp nhanh đến vậy? Khi tôi hỏi tôi những câu hỏi này, trí tôi lại nhớ đến hình ảnh của mẹ tại bệnh viện Choup, không còn sức đề kháng. Có phải Mak đã hy sinh rất nhiều cho chúng tôi? Mẹ có nhớ Pa, Avy và Vin? Trời, xin đừng để cho người ta chết, xin hãy chấm dứt nỗi đau này. Lần đầu tiên trong mười hai năm của cuộc đời tôi, tôi không cầu xin Trời Phật ngừng nỗi đớn đau này. Tôi còn đòi hỏi hành động của Người. Tôi muốn có một lời nói cho nỗi đau của tôi, của gia đình tôi và của những người khác. Tôi còn phải chịu đựng bao nhiêu nữa đây? Tôi tra vấn lòng thương xót, tính chất thiêng liêng của Trời, giống như trước kia tôi từng tranh luận với cha tôi. Chính ngay bao giờ tôi vẫn còn nhớ lại về một mùa hè ở Phnom Penh ngày trước, khi tôi xin ông cho tôi đi học ở một trường tư thục. Pa không trả lời được hay không, ông chỉ bảo tôi còn nhỏ (lúc đó tôi tám tuổi) và chưa cần phải học trrường tư. Pa mỉm cười giải thích "Nếu tất cả các đứa con của ba đêu muốn học trường tư, thì tiền sách, tiền trường không sẽ làm ba chết mất". Nhưng tôi không chấp nhận điều đó. Tôi bảo với Pa nếu chị Chea vào học trường tư thục Anh ngữ được và mua những cuốn sách bìa cứng đắt tiền được thì tại sao tôi lại không đi học hè ở trường tư? "Con muốn học thêm tóan, tại sao con lại không được làm thế, Pa?" Tôi nói, đứng trước mặt cha mẹ khi Pa đang ăn sáng. Pa im lặng, miệng vẫn nhai. Mak nhìn ông. Pa vẫn im lặng. Sáng đó tôi cần đến trường dự buổi học đầu tiên, tôi đã cầm sẵn giấy và bút. Tất cả những gì Pa cần phải làm là trả tiền thôi. Vẫn im lặng. Tôi bật khóc "Koon muốn đi học mà Pa không muốn trả tiền cho con học. Con thật chẳng có quan trọng đối với ba gì hết" mắt mũi tôi đỏ ké. Pa ngạc nhiên. Ông chưa thấy đứa bé nào trạc tuổi tôi lại đòi đi học quyết liệt như vậy. "Thôi đừng khóc nữa" Pa nhăn răng cười "Thôi được rồi, Pa sẽ trả tiền cho con học, con bé hạt tiêu nhiều tham vọng này". Mặt Mak rạng rỡ. Tôi cười qua hàng nước mắt rồi ba chân bốn cẳng chạy tới trường. Đó là người cha trần thế của tôi. Ông hiểu được khi tôi lý luận với ông. Một nhà sư có lần bảo với Mak rằng tôi là koon Preah (con Trời), nếu quả thật là thế thì Trời hẳn phải hiểu nỗi đau khổ của tôi và chấm dứt nó cho tôi chứ. Tôi nhắm mắt lại, tim tôi lại nhức nhối. Ngồi trên nền đất ngay lối đi vào lều, tôi đưa mắt ngắm mặt trời xa đỏ rực. Mặt trời đang lặn. Lạ thay, không ai bắt tôi làm việc. Có lẽ mọi người chững lại vì cách tôi cử động, cách tôi nhìn và nhất là thấy tôi đang lạc lối trong chính đầu óc của mình. Trong một thời gian dài tôi đã lo lắng, nhưng bây giờ thì tôi cũng không biết nữa. Tôi cũng không sợ cả bà lãnh đạo đoàn, thậm chí không nhớ nổi bà ta ra sao. Có lẽ bà là người thường dí đầu vào lều tôi, gọi tôi là "đồng chí". Bà có thể gọi tôi nhưng tôi thì đã lẩn trốn trong tâm trí mình. Đôi khi tôi thoáng nhớ Mak nhưng không gì hơn là những mảnh vụn của ký ức. Rồi cánh cửa tâm hồn tôi đóng sập lại. Và tôi lại lặng yên như đêm tối. Mặt trời chìm xuống, tôi lại rút vào một góc lều. Đột nhiên Một bóng người bò tới làm tim tôi nhảy dựng. "Athy!" giọng người phụ nữ thì thào "Chị em cho em cơm cháy đây!" "Chị Ra đó hả?" Tôi buộc miệng kêu lớn hơn mình tưởng. Chị Ra suỵt tôi, chị gấp gáp bảo tôi là ngày mai chị sẽ trở lại, rồi chị biến đi. Chị đến rồi đi ngay lập tức. Tôi cầm miếng cơm cháy trong bóng tối, người vẫn còn tê liệt vì sự xuất hiện đột ngột của chị. Làm sao chị biết tìm tôi ở đây? Bao tử tôi réo lên và miệng tôi ứa nước bọt khi tôi hít mùi thơm của miếng cơm cháy. Tôi ăn từng miếng một, thưởng thức mùi vị hơi giống cà phê của miếng cháy. Mỗi một miếng cắn, tôi hy vọng. Tôi trông đợi đến ngày mai, đó là điều tôi không cảm thấy từ lâu nay. Ngày u ám, hãy còn sớm. Trẻ con và các đoàn cơ động đã lên đường đi làm việc. Chị Ra đến như đã hứa, bước vội vào lều tôi, chị đưa ra chỉ thị ngắn gọn "Mình đi ngay đến khu 3". Chị nắm tay dẫn tôi, đúng hơn là kéo tôi ra khỏi lều. Tôi để chị kéo, một phần thân thể tôi căng ra, tôi bước gấp theo chị. "Vội lên, bước nhanh hơn nữa", chị ra lệnh cho tôi, lo lắng. Tôi theo sau chị, nhìn chân chị lướt đi. Tôi muốn bước nhanh như chị nhưng chân tôi chỉ bước được khoảng một phần ba khoảng cách mà chị bước. Ống quần đen của chị đập phành phạch vào bắp chân. Chiếc áo cũ sờn tay áo được xắn lên cao của chị để lộ cánh tay nâu vàng, trẻ trung. Vẻ đẹp mượt mà của chị làm tôi ngây ngất, sung sướng. Cánh tay chị đong đưa như thể chị đang chèo để băng tới trước. Lao động nhọc nhằn đã không cướp nổi vẻ đẹp "thành thị" của chị. Ngay cả trong bộ đồng phục tả tơi, bạc màu, chị vẫn trông khoẻ mạnh đầy sức sống. Người chị tràn đầy sinh lực so với tôi. Chị nhanh nhẹn như con thỏ còn tôi thì ì ạch đàng sau như con rùa. Tôi không thể tiếp tục được nữa. "Chị Ra, tại sao chúng ta phải đến khu 3?" "Để xin thức ăn, đi nhanh lên!" Chị giục "Dar muy, muy (đi chậm)" chị bỗng nói "Có thể bọn chhlop trông thấy chúng ta đó, thôi bước dài chân, lẹ lên!" Chị đưa mắt nhìn xuống chân, như để chỉ cho tôi biết cách bước dài hơn. Tôi cố gắng đưa cái chân cứng đơ của mình về phía trước. Cũng chẳng bước nổi. Chị Ra lo lắng quay đầu về phía sau. Chị lại ra lệnh cho tôi bước nhanh hơn. Giọng chị căng thẳng, sắc và bực tức. "Nhưng em nhỏ hơn chị, vả lại em còn yếu mà!" Tôi thấy giận chị. Với chị Chea, chẳng bao giờ như vậy. Tôi ra lệnh cho mình đi vội lên. Tôi nghe chị đủ thứ nhưng có vẻ như chị không lưu ý, chỉ di chuyển nhanh về phía trước. Mặt trời bây giờ chói chang. Từng giọt mồ hôi rơi từ trên đầu tôi xuống. Theo sau chị Ra, tôi vừa đi vừa chạy. Nước mắt tôi tràn ra, nóng bỏng. Tôi có cảm giác như bị những cặp mắt vô hình quan sát. Tôi tưởng tượng một tiếng nói mạnh mẽ ra lệnh cho chúng tôi dừng lại. Chính sự tưởng tượng đó thúc cho chân tôi bước nhanh hơn. Bỗng trước mặt tôi hiện ra một chỗ trũng xuống rộng và dài. Phong cảnh thay đổi. Tôi hụt hơi. Chị Ra đi chậm lại còn tôi thì thở hổn hển. Một chiếc cầu màu xanh nằm phía xa bên trái. Một con sông! Tôi sững sờ. Một dòng nước lớn với những làn sóng lăn tăn lung linh trong ánh nắng. Đơn độc trước sự khám phá này, chúng tôi cảm thấy như con sông thuộc về chúng tôi. Tôi cảm thấy tự do khi đứng trên bờ con sông này. Bên kia bờ sông là những tàn cây cao phủ bóng dài cùng với những khóm cây rậm rạp lá xoè rộng. Cây cối phía bên đó mọc tươi tốt hơn bên bờ chúng tôi đang đứng – trơ trọi, chỉ có cỏ khô và đá. Xa xa, nhô ra khỏi những tàn cây cao là bóng cây cọ, cây dừa lá xum xuê. Cảnh vật này thực đẹp, tuy nhiên nó gợi ra một cảm giác nguy hiểm ẩn giấu dưới vẻ đẹp dịu dàng của thiên nhiên này. "Athy, sao cứ đứng đó? Leo xuống đi. Trời ơi, xem em kìa, em cứ đứng như trời trồng vậy". Chị Ra nói với giọng gay gắt, chừng như không tin nổi. Giọng gay gắt của chị kéo tôi về với thực tại. Trong chốc lát tôi đã quên mất tại sao chúng tôi lại đến đây. Khi tôi mới leo xuống theo chị Ra, một trận mưa đá, đất đổ rầm rầm sau lưng tôi, lăn xuống triền dốc. Tay tôi bám lấy bờ đất, chân ngập ngừng. Tôi sợ té. "Chị Ra, có chiếc cầu kia kìa!" tôi nói, đưa mặt chỉ về phía cây cầu. "Tại sao chúng ta không đi qua cầu?" Tôi co người lại. "Em điên đấy à? Bọn chhlop!" Chị giận dữ. "Đợi em với, chị Ra, em sợ lắm!" Tôi vẫn ngồi yên, đưa tay về phía chị. Chị Ra phải trèo lên lại dắt tôi bò xuống. Tôi cứ ước chi rằng tôi không đến đây, để khỏi vướng mắc vào chuyện đi tìm thức ăn này. Hãy can đảm lên! – tôi tự nói với mình. Tôi lý luận, nếu chúng tôi quay trở lui, chúng tôi có thể bị Khmer Đỏ ở khu chúng tôi trừng phạt và bỏ đói. Còn nếu tiến lên thì chúng tôi sẽ chạm trán với con sông. Và cũng có thể bị bọn chhlop bắt. Nhưng cũng có thể chúng tôi may mắn và kiếm được thức ăn. Trong một lúc liều, tôi quyết định đi với chị Ra. Nhưng nhìn dòng nước xanh ngắt rộng mênh mông, tôi lại thấy sợ. "Làm thế nào mà chúng ta đi qua sông được, chị Ra? Em không biết bơi" Tôi nhìn dòng nước mát lạnh đang chảy. Tôi biết câu trả lời nhưng tôi không muốn nghe. Chị Ra lội xuống nước, chân chị tạo ra tiếng bì bõm. Tôi đứng yên nhìn chị, chân như mọc rễ trên nền đất cứng. Mình không bơi được – tôi tự nhắc mình. "Athy, bước tới đi. Nước không sâu đâu, thấy chưa?" Đầu chị cúi xuống chỉ mực nước lên đến ngang đầu gối chị. Chị nhìn tôi khuyến khích, chờ đợi. Nhưng tôi không thể nghĩ gì ngoại việc nghĩ rằng mình sẽ bị dòng nước cuốn đi. Tôi biết rằng mình rất yếu. Chị Ra quay lui nhìn và tôi đề nghị "Chị đi tới xin thức ăn đi. Em sẽ ở đây chờ chị. Sẽ không sao đâu". Chị nhắc tôi rằng nếu tôi ở cạnh con sông, bọn chhlop ở khu 3 sẽ bắt tôi. "Cứ đi qua đi, không sao đâu. Chị cũng đâu biết bơi" chị nói. Tôi bèn ngồi thụp xuống ôm lấy đầu gối như một trái bóng để chị Ra khỏi kéo được tôi xuống nước. "Em sẽ không té đâu" chị gắt "Chị sẽ lội bên cạnh em, còn em thì nắm tay chị". Tôi lắc đầu. Tôi càng sợ hơn khi chị đẩy tôi về phía trước, tay vẫy, chân bước trên những tảng đá nhô lên trên mặt nước nông. Cuối cùng, chị chỉ cho tôi thấy một chiếc gậy dài nằm bên bờ sông. Chị trấn an tôi rằng tôi sẽ không té nếu dùng gậy chống khi đi ngang qua sông, và chị lại còn nắm tay tôi nữa. An toàn vì thấy hai tay đều có chỗ dựa, tôi bèn quyết định thử. Nước thật mát, khi nước lên đến ngực, hơi lạnh làm tôi hít vào, thở thật sâu. Không sao đâu, chị Ra trấn an tôi. Tôi liếc mắt nhìn chị và thấy chị tỏ ra không chút sợ hãi. Cùng lúc đó dường như nước đã rửa trôi bớt nỗi sợ hãi của tôi. Tôi thấy chân tôi trượt trên đá và người tôi nổi lên. Nhưng nước chỉ lên thấu vai tôi và chúng tôi đã sang được đến giữa dòng sông. Tiếng nước vỗ vào ống quần nghe thật rõ giữa cảnh tĩnh mịch của dòng sông và rừng cây. Mắt tôi nhìn theo bờ sông. Lần này là một bức tường đất và đá lợp đầy các dây leo và bụi cây. Chị Ra leo lên bờ sông, bám vào dây leo như là bám vào thang, và tôi làm theo chị. Tôi bám vào các dây trường xuân dại và các tảng đá chắc nịch chôn sâu vào đất. Âm thanh duy nhất tôi nghe được là tiếng chim hót và tiếng lá xào xạc. "Athy, nhanh lên!" Chị Ra suỵt tôi. Chúng tôi chui xuyên qua một bụi cây dày rậm, rồi bước ra gần một ngôi nhà gỗ lớn. Trông nó giống như một nhà kho, chung quanh có tàn cây che phủ bóng mát. Các bức tường còn mới, sơn màu gạch tươi. Đây là nơi chị Ra nói chúng tôi sẽ gặp một người đàn ông mà chị và các bạn lao động của chị gọi là Pok (cha), một người đã từng cho họ thức ăn trước đây. Chưa chi tôi đã tưởng tượng ra đủ món thức ăn, cơm, cá nướng tẩm sốt, xúp nấu với rau tươi và cá. Chị Ra nói nhỏ bảo tôi đợi một chút trong khi chị đi vào nhà kho tìm Pok. Trí tôi lại tập trung thêm nhiều hình ảnh về thực phẩm: bún cà ri bò, bánh bột chuối, nước thơm vắt và món tôi ưa thích nhất là xang uých pa tê bằng bánh mì giòn kiểu Pháp, v..v..Khẩu vị của tôi gia tăng, đồng thời lòng nôn nả của tôi cũng vậy. Tôi đứng dựa vào tường, cầu nguyện cho chị Ra và tôi trở về khu vực của mình an toàn. Bao tử tôi cồn cào hơn. Nhưng nỗi lo lắng trong tôi cũng tăng lên. Tôi cầu nguyện Trời Phật mang chị Ra trở ra với tôi, dẫu có hay không có thức ăn. "Athy, Athy" tiếng thì thào cắt ngang lời cầu nguyện của tôi. Từ xa chị Ra vẫy tay bảo tôi đến chỗ chị. Chị quàng tay qua vai tôi và cùng tôi bước vào nhà kho. Nền bê tông chất đầy các chồng gạch và các khối bê tông trang trí chất dọc quanh tường. Tôi nhìn kỹ nhà kho này, ghi nhận tính cách gọn gàng, sạch sẽ của nó. Thật lạ là tìm thấy một toà nhà chất đầy gạch ở giữa một nơi trống trơn như thế này. "Pok sẽ đến ngay. Hồi nãy ông đi lấy thức ăn cho chị em chúng mình" Chị Ra nói nhỏ. Tôi nghe chị, nhưng không chú ý lắm. Tôi đang bị chỗ này mê hoặc. Nó thật khác với trại lao động cưỡng bách biết mấy. Trông nó hiện đại, tân tiến, giống ở Phnom Penh hay Takeo thưở trước. Dầu tôi chưa từng gặp Pok, tôi cảm thấy ghen tị với ông ta. Tôi tự hỏi làm thế nào mà ông ta thích nghi được với cái ý thức hệ mà từ lâu Khmer Đỏ rao giảng cho chúng tôi. Không có người giàu, kẻ nghèo, chỉ có bình đẳng. Là đồng chí, tất cả chúng ta là một. Nhớ lại, tôi đã nghi ngờ biết mấy khi lần đầu tiên nghe họ nói như thế ở Year Piar. Và giờ đây căn nhà kho càng làm tôi thêm nghi ngờ hơn. Không có bình đẳng, không bao giờ có. Tôi cay đắng nghĩ. "Athy, Pok đang đến đó" chị Ra nhắc tôi. Chị giới thiệu tôi với ông "Pok, đây là em gái con" "Chumriep sur, Pok" tôi nói, chắp hai lòng bàn tay lại, đưa lên ngang cằm. Đó là sự lễ phép mà Khmer Đỏ không lấy mất của tôi được. Tôi cũng không cần xem ông ta có tán thưởng cách chào hỏi đó không, cũng như nó có thích hợp hoặc ông ta có phải là Khmer Đỏ và khinh ghét cái nghi thức đó không. Thay vì chào tôi bằng lời nói, ông ta nhìn tôi rồi nhìn chị Ra. Nếu ở vào sangkum mun (xã hội thời trước) ông ta hẳn phải đáp lại cái chumriep sur của tôi. Nhưng vì hai tay ông đang cầm chảo và đĩa, nên tôi có thể hiểu được. Tôi vốn rất hài lòng vì sự tử tế của ông, sẵn sàng mang cho chúng tôi thức ăn. "Ara, cháu phải cẩn thận khi mang em cháu tới đây, lúc ra về cũng vậy. Có khối bọn chhlop đấy" Ông nhắc chị Ra trong lúc ông đặt thức ăn xuống sàn nhà. "Chúng sẽ tra tấn cháu nếu chúng bắt được cháu. Phải rất cẩn thận". Lời ông nói cho tôi thấy nhiều điều. Giọng nói của ông dịu dàng, giống như cha đang nói với con, và qua cách ông không gọi chị Ra là đồng chí, tôi biết ông không phải là Khmer Đỏ. Tôi chăm chú nhìn ông – cao, vạm vỡ với làn da sạm màu ô liu. Tóc đen chải gọn, điểm vài sợi bạc. Tôi đoán chừng ông ngoài năm mươi. Dáng vẻ của ông cho thấy ông chưa từng biết đến cực khổ hay thiếu ăn. Ông có vẻ có học, được ưu đãi, mặc dù mặc đồng phục Khmer Đỏ, quần và áo sơ mi đen mới với chiếc khăn quấn quanh cổ. Tôi nhìn ông và tự hỏi người đàn ông này là ai. Pok mời chúng tôi ngồi xuống. Chúng tôi ngồi xổm xuống trên nền xi măng. Đột nhiên một người trẻ tuổi, mảnh khảnh, khoản 18 tuổi, lông mày đậm và mái tóc đen dày tiến lại gần chúng tôi. Tôi ngước lên, cố nhìn xem anh ta đang cầm cái gì nơi tay. Pok giải thích “Sun làm việc cho tôi. Hắn mang đồ ăn thêm cho các cháu”. Sun đặt xuống trước mặt chúng tôi một bát cháo lớn đầy những khúc bí ngô vàng, với hoa bí và những chồi xanh non. Gần đó là mấy con cá hun khói nâu giòn, nằm sấp bụng như khi đang bị hun khói vậy. Rồi là cả một chén nước mắm gồm ba muỗng màu thẫm như nước trà. Mùi nước mắm đậm. Thật tuyệt. Tôi thưởng thức mùi thơm đó và tâm trí tôi quay cuồng. Tôi chưa hề được nếm nước mắm kể từ khi chúng tôi bị đuổi khỏi Year Piar – hơn hai năm về trước. Cho nên thoạt tiên tôi không nhận ra nước mắm cho đến khi cái mũi nhắc tôi, nó dò ra mùi gắt nồng của nước mắm. Từ đó ký ức tôi sống dậy, mắt mở lớn, đăm đăm nhìn vào các thức ăn. Pok lấy trong đống đồ ra một chiếc đĩa. Rồi ông nhắc nắp nồi lên, bên trong là cơm trắng tinh. Mùi thơm của cơm mới thọc vào mũi tôi, mùi thơm quen thuộc của mùa lúa mới. Bao tử tôi réo lên, miệng thi trào nước bọt. Mắt tôi đưa theo tay của Pok dùng muỗng xới cơm vào đĩa. Tâm trí tôi, cả người tôi đều ao ước muốn vồ lấy cái đĩa nơi tay ông. Cơm xúc trên đĩa của tôi cao như một đống bột đang dâng lên. Tôi muốn ăn ngay, lùa ngay cơm vào miệng, nhưng tôi còn phải đợi Pok, ông đang lấy một cái đĩa khác để lấy cơm cho chị Ra. Tôi đưa mắt lo âu nhìn bàn tay ông cử động từ nồi đến đĩa. Tôi phải tự kiềm chế để không cựa quậy và kêu lên “Làm ơn nhanh nhanh lên”. Cuối cùng thì Pok xới xong, đưa cho chị Ra. Chị đưa cả hai tay đón lấy, một cử chỉ lễ phép đôi với người lớn mà Mak thường dạy chúng tôi. “Thôi, ăn đi” Pok nói, liếc mắt nhìn tôi. “Bác cũng ăn chứ?” chị Ra hỏi. “Các cháu cứ ăn đi rồi trở về cho nhanh”. Tôi xọc muỗng vào đống cơm, rồi lùa ngay vào miệng. Họng tôi đầy ắp, thức ăn như một người lạ đi vào cơ thể. Tôi bèn múc một thìa canh, nuốt chất nước ấm xuống để làm trôi nhanh những hạt cơm di chuyển chậm chạp. Rồi tôi mới ăn miếng bí. Rồi hoa bí. Rồi các chồi xanh mềm. Sau đó tôi ăn cá hun khói với nước mắm, rồi lại múc một muỗng cơm đầy. Cứ cho vào miệng là nuốt chửng ngay, mất tung mất tích. Hương vị bồng bềnh, thân thể tôi bắt đầu lo khi nhận thêm thức ăn vào miệng. Tôi bèn ăn chậm lại để thưởng thức vị ngọt của bí, vị cay của nghệ và sả. Hơi nóng toả dần khắp người tôi, bụng đã no nhưng tay tôi dường như không muốn chậm lại. Như thể tôi đang ăn đua với chính mình vậy. Chị Ra liếc mắt nhìn tôi rồi nhìn Pok. Tôi chú ý đến phong cách điềm đạm của chị, phong cách mà trước đây chị thường biểu lộ khi có khách đến nhà. Đó là cách mà mọi đứa con gái Cambodia được dạy khi xử sự trước mặt khách. Phải vừa phải, nhẹ nhàng. Những cách xử sự này rất nghiêm nhặt, kiểu cách, đến nỗi khi còn nhỏ chúng tôi không bao giờ được ăn cơm với khách. Ngay cả đến bây giờ, tôi còn thấy vẻ bẽn lẽn, rụt rè nơi cách chị ăn, mặc dù hiện chúng tôi đang ăn trước mặt Pok, một người lạ tốt bụng. Nhưng với tôi thì cái đói không còn làm cho tôi rụt rè nữa. Tôi tiếp tục nuốt thức ăn. Tôi biết mắt Pok đang nhìn chúng tôi – mặc kệ. Tôi chẳng cần nhớ phong cách ăn của Cambodia cũng như mọi quy củ văn hoá như đừng cạ muỗng vào đĩa khi xúc cơm, đừng ăn quá nhanh trước mặt người lạ, phải nhìn những người khác ăn thế nào để ăn cùng nhịp với họ…Ngày nay tất cả những điều đó không còn áp dụng cho tôi nữa. Tôi đã học rất kỹ và điều chỉnh cho thích hợp với sự khan hiếm thức ăn ngày nay, câu ngạn ngữ tôi thường nghe người lớn nói “Chol sturng tam bought, chld sork tam proteh” – “Theo sông tuỳ khúc, theo nước tuỳ miền”. Người ta phải thích nghi với hoàn cảnh của mình để sống sót. Và tôi đang điều chỉnh mình để thích hợp với môi trường mới, một thế giới trong đó cả nghi thức cũng như sự lễ phép đều không còn cần thiết – thậm chí còn bị cấm đóan. Thay vào đó, sự hung bạo là luật lệ cai trị mọi người, một luật lệ được thiết kế để phá vỡ linh hồn chúng tôi nhân danh padewat (cách mạng). ° Đã một tuần lễ kể từ khi chúng tôi đến nhà kho của Pok. Mặc dù ông ta làm việc cho Khmer Đỏ, Pok không có trái tim bằng đá giống như họ. Lòng tốt trong người ông làm tôi thấy nhẹ người. Chị Ra không đến chỗ tôi, và tôi không thể chờ được nữa. Trong suốt những giờ không ngủ, tôi đều nghĩ về hình ảnh thức ăn chúng tôi đã ăn ở nhà Pok: cơm, cá hun khói, canh bí, đọt măng, sả và củ nghệ. Trong trí, tôi như đã ở nhà Pok rồi. Ngày hôm sau tôi chuồn đi một mình. Lần này tôi nghĩ mình có thể bước nhanh bằng chị Ra. Trước khi nhận ra, tôi đã đến bờ sông, và không còn phải sợ leo xuống bờ dốc hoặc bị Khmer Đỏ bắt giữ. Chỉ có thức ăn là mục tiêu duy nhất của tôi. Vội vã, tôi lội qua sông, không cần chị Ra giúp, cũng như chẳng cần cây gậy chống nữa. Nước lên dần đến đầu gối, ngực, miệng rồi tai tôi! Nước xộc vào mũi tôi. Tôi vội vã đưa tay lên khỏi mặt nước. Tôi bịt mũi, nghiêng đầu. Tôi đạp chân, đẩy người về phía trước. Người hơi nổi lên, miệng tôi hớp lấy một hớp không khí. Mặt tôi nhô lên khỏi mặt nước, dán vào mục tiêu. Mực nước thấp lại, xuống ngang cổ, tôi vội vàng nuốt lấy không khí. Bây giờ đã an toàn trên đất cứng, tôi nhìn lại dòng nước và thấy sợ cho chuyến trở về. Nhưng tôi phải ăn trước cái đã. Nơi nhà kho, Pok ngạc nhiên lo lắng “Ara có đến không?” “Không ạ” tôi trả lời, giọng tôi rung theo thân thể đang run rẩy. “Cháu đợi ở đây” Pok ra lệnh, đưa tay chỉ nền xi măng. Ông trở lại ngay, bước nhanh vào nhà kho với thức ăn, trán nhăn tít lại. “Nhanh lên, ăn đi. Phần còn lại thì mang về, nhớ cẩn thận đấy”. Tôi xúc cơm ra đĩa, nuốt vội với khúc cá nướng. Xong tôi gói mọi thứ vào khăn rồi chạy đi. Trở lại dòng sông, cái thân thể gầy còm của tôi phải ra sức chống chọi với dòng nước, chân tôi cũng vậy, phải đạp liên hồi để đẩy tôi về phía trước. Đưa lên khỏi nước, tay phải tôi cầm thức ăn gói trong bọc, còn tay trái thì bịt mũi. Còn một khoảng ngắn phía trước, bờ sông dốc đứng đang đợi. Mình sẽ không bao giờ qua đây nữa, tôi tự nhủ, nhẹ nhõm vì đã sống sót ngày hôm nay. Nhưng cái đói có quyền lực rất lớn, là tiếng nói yên lặng nhưng mạnh mẽ bên trong tôi. Chỉ vài ngày sau là nó lại ra lệnh cho tôi trở về khu 3. Khi mọi người đều đi làm việc, tôi ba chân bốn cẳng chạy ra dòng sông. Ra đến bờ sông, tôi chóang người khi nhìn thấy dòng nước căng phồng lên. Lượng nước đã gấp đôi và đang tiếp tục dâng lên. Mình không thể đi qua con sông này được! Tuy vậy nỗi tuyệt vọng kéo tôi về phía chiếc câu sơn xanh. Đến gần, tôi đi chậm lại, bước thong thả. Đứng trên cầu, mắt nhìn lên trời, tôi giả bộ đang quan sát cấu trúc nghiêng của cây cầu, trông giống như một nhóm chữ X nối liền với nhau bằng một cây xà dẹt trên đỉnh. Tôi cứ đứng ở đó và đợi xem có ai đến hỏi tôi đang làm gì ở đây. Tôi đợi, đợi mãi, nhưng không thấy ai tiến đến cả. Tôi quay đầu nhìn dòng nước lấp lánh phía dưới. Hơi yên tâm. Lòng tôi giục tôi tiến lên phía trước, hoặc bây giờ hoặc không bao giờ nữa. Tôi bèn chạy vội qua cầu và vọt lên bờ sông dốc chỗ gần cầu, sau đó ngồi bệt tụt xuống phía bên kia, dừng lại nơi một bụi cây trước rừng. Định phủi đít đứng lên thì tôi nghe tiếng đàn ông và tôi lại ngồi sụp xuống. Tôi nhẹ nhàng đi đến nhà kho của Pok. Khi tôi bước vào nhà, gặp ngay cái nhìn của Pok, Sun và của một người đàn ông khác đang đợi. Pok bước về phía tôi, mặt ông tái xanh vì giận dữ. “Có ai khác cùng đi với cháu không?” ông hỏi gấp. “Chỉ có cháu thôi” tôi len lén trả lời, mắt nhìn xuống sàn, sau đó đưa mắt nhìn lên Sun và người đàn ông kia, chờ xem phản ứng của họ. Mặt họ biểu lộ sự lo ngại. “Trời, cháu liều quá!” Pok kêu lên. Ông nhìn tôi không tin. “Làm thế nào cháu đến được đây?” “Cháu chạy qua cầu”. Pok lắc đầu, chống tay vào hông “Thế cháu không sợ bọn cán bộ gác ở đầu cầu à? Nếu họ bắt được cháu, họ sẽ tra tấn cháu đấy! Cháu không biết à? Rồi họ sẽ hỏi bác tại sao cháu đến đây. Họ có thể giết hết chúng ta đó. Cháu không hiểu sao?” Giọng nói của ông làm cho tôi run rẩy. “Đừhg bao giờ trở lại đây nữa. Đừng bao giờ đi qua cầu nữa. Hôm nay có cán bộ cao cấp của Khmer Đỏ đến đây. Nguy hiểm lắm, hiểu không?” Khi bình tĩnh lại, ông bảo Sun và người kia dẫn tôi đến một chiếc lều gần đấy. Ở đó chúng tôi phải thật yên lặng khi ăn. Không được nói chuyện, tuyệt đối không được gây một tiếng động nào. Căn lều này nhỏ, dựng trên cột, phía trước có thang để bước lên. Chung quanh toàn là cây cao, bóng che phủ hết lều. Nhà kho nằm gần đó,Sun và người kia đi lấy thức ăn. Ánh sáng mờ chiếu qua kẽ hở ở tường bằng phên tre. Tôi nhìn chăm chăm vào đó như thể mạng sống của tôi tuỳ thuộc vào ánh sáng này. Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng chân bước lên cầu thang. Tôi quay đầu nhìn ra và thấy cửa nhẹ nhàng mở. Bóng một người mang chiếc nồi và một chiếc bát lớn hiện ra, rồi một bóng khác theo sau. Tôi thở mạnh, nhẹ nhõm khi nhận ra đó chỉ là Sun và người đàn ông kia. Họ đặt xuống sàn trước mặt tôi cái nồi cơm và cái bát canh với rau gì đen đen trong bóng tối với một khúc màu trắng, có lẽ cá. Một mùi thơm nồng khiến tôi ngạc nhiên, mùi nồng và chua của cá muối nấu với dưa chuột tươi xát lát. Miệng tôi trào nước bọt, bao tử cồn cào, còn nỗi sợ thì bay đi đâu mất. Chúng tôi ngồi thành một vòng tròn trong bóng tối. Mỗi người chúng tôi đều nhẹ nhàng xúc thức ăn và đặt vào miệng. Tôi chỉ nghe tiếng mình nuốt thức ăn. Những cử động bình thường trong bữa ăn bí mật này bây giờ lại làm tăng cơn sợ. Đột nhiên tôi nghe tiếng của Pok vang lên “Mạnh khoẻ chứ, các đồng chí?” “Ờ, cũng bìng thường vậy” giọng một người đàn ông trả lời một cách nhẫn nại “Thế nào, việc sản xuất tốt hơn chứ?” Miệng tôi cứng lại. Đầu của Sun và người kia quay về phía tôi, nhưng rồi họ lại quay nhìn thức ăn trên sàn. Tôi tưởng tượng những người cán bộ kia ùa vào trong lều, kéo tôi đi, trói ngược tay tôi lại. Chỉ sau khi tiếng của Pok và các cán bộ Khmer Đỏ kia xa dần tôi mới dám nuốt miếng thức ăn cuối cùng. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao mấy người ở đây thất kinh khi trông thấy tôi. Hiểu được việc tôi có mặt tại đây có thể mang lại khó khăn cho họ, tôi đột ngột đứng dậy đi về. “Em đem theo ít cơm nhé?” Sun giục. Anh cũng đứng dậy. “Đợi một lát” người kia nói, giọng điềm tĩnh “Đây, chúng tôi gói một số thức ăn”. Họ đi ra ngoài để xem xét lúc nào thi tôi có thể về bên kia an toàn. Họ lại dặn tôi ngồi yên và đợi. Ngồi một mình trong lều, tôi lặng lẽ khóc. Tôi không biết mình khóc vì lòng tử tế của họ hay chỉ vì tôi quá sợ hãi. Liền sau đó, có tiếng chân chạy nhanh lên làm rung cả lều. Tôi nhỏm dậy, nửa đứng nửa ngồi “Mau lên, đi ra mau lên!” giọng thì thào khẩn cấp. Tôi lạnh cứng người lại. “Đi theo tôi. Ổn cả”. Tôi lướt ra khỏi nhà và thấy Sun đã bước xuống khỏi thang. Tôi bước theo, người run rẩy. Xuống tới mặt đất, Sun liền kéo tôi nấp vào sau thân cây. “Họ vẫn còn ở trong nhà kho” anh thì thào “Khi nào tôi nói đi, thì em chạy liền nhé. Nếu có trượt té thì đừng khóc đấy”, cặp mắt đen của anh như muốn hỏi, có hiểu không? “Em không té đâu” tôi nói, lắc đầu, nhưng nước mắt tôi lại trào ra. Từ cây này sang cây khác, từ bụi này sang bụi khác, tôi chạy với anh, theo sự hướng dẫn của anh. Rồi đột ngột anh nói “Thôi, tôi trở lui. Tôi chỉ chúng tôi đi với em ra đến đây thôi. Cẩn thận đấy”. Tôi nhìn anh biến mất. Tôi khóc vì sợ. Tôi cầu nguyện Trời xin linh hồn Mak và Pa che chở cho tôi. Tôi cầu nguyện thầm, đọc đi đọc lại trong đầu. Và như thể có một linh hồn hướng dẫn, cơn sợ của tôi tan đi, và tâm trí tôi lại tập trung vào việc trở về khu vực của mình an toàn. Thân thể nhẹ tênh, thoải mái khi chạy qua rừng và leo lên bờ sông rồi qua cầu, để lại khu vực 3 nằm phía sau. Bây giờ an toàn trên khu vực của mình, tôi quay lại nhìn rừng cây nơi có căn nhà kho và túp lều, nơi mà ký ức tôi sống dậy. Một ký ức về những người tốt bụng và về chị Ra, người đã mang tôi đến với họ.