Buổi sáng khi trời còn tờ mờ Dũng đã có mặt tại bến xe. Dũng đi chuyến xe lửa Thống Nhất Hà Nội - Hồ Chí Minh. Công tác xong, nán lại Sàigòn vài ngày thăm một vài người bạn. Nóng ruột quá hôm nay ra bến xe mua vé lên Đàlạt. Anh cứ nghĩ mình sẽ là một trong những hành khách đến sớm nhất. Nhưng không phải! Nhiều người đã ăn chực nằm chờ, tay cầm chiếu, tay xách hành lý đứng sắp hàng rồng rắn xô lấn la ó… Bến xe giống như một phiên chợ. Những người bán hàng rong rao mời, bám sát theo khách với vô số thức ăn bày bán trên những mâm hay mẹt. Khung cảnh nhộn nhịp phồn vinh khác hẳn miền bắc. Dũng đứng nhìn sinh hoạt của mọi người lòng thấy vui vui. Anh lắng nghe giọng ca đặc sệt miền nam mùi mẩn của hai cha con người hành khất cho đến khi tiếng ca của họ chìm hẳn lạc đi bị vùi lấp giữa muôn vàn tiếng ồn ào hỗn tạp khác. Bỗng dưng Dũng nghe tiếng quát thật to: _ Mẹ kiếp! thằng nào đẩy đó? Tính ăn cắp chỗ hả? Ra khỏi hàng ngay! Tao đợi hai tiếng đồng hồ rồi. Thức cả đêm ở đây giữ chỗ không phải để ra về không đâu nghen mậy! Bà con đạp cái thằng nhóc này ra đi. Tính ăn gian à? Thằng nhỏ mếu máo: _ Không phải! Con đứng thay chỗ cho má con đi vệ sinh. _ Bực cả mình! Thiệt cái thời buổi gì mà khổ quá vậy nè trời! Liên tục xô đẩy nhau. Dũng lạnh lùng nhìn phớt đám người rồi thong thả rút tờ giấy công tác ưu tiên đi về phía quầy vé. Mọi người xung quanh im lặng nhìn Dũng bước tới. Đám đông dạt ra cho Dũng vào. Cô bán vé vẻ mặt đang cau có gắt gỏng với khách vừa thấy Dũng bỗng nhoẻn miệng cười duyên, giọng cô nhỏ nhẹ hẳn lại: _ Dạ thưa cán bộ cần gì ạ? Dũng chìa tờ giấy ra. Cô ta nhìn lướt rồi vội vã xé vé, trao cho anh bằng cả hai tay. Dũng trả tiền cầm vé quay ra giữa những cặp mắt ghen tức bực dọc. Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng đi đâu xa Dũng vẫn mặc bộ quân phục xanh đội nón cối đi dép lốp. Anh thấy đây là bộ đồ thuận tiện nhất. Trước khi vào nam, vợ anh đã sửa soạn một số quần áo để mặc đi chơi cùng với đôi dép da nhưng anh vẫn còn xếp trong ba lô chưa sử dụng trong suốt cuộc hành trình. Dũng cho đôi dép cao su này là một kỳ công. Còn hơn là giày thể thao của các vận động viên. Anh cảm thấy khổ sở bực dọc nếu đi đường xa mà thiếu đôi dép lốp. Là người hành khách đầu tiên bước lên xe Dũng thấy lòng hồi hộp rộn rã một niềm vui. Niềm ao ước mấy chục năm của mẹ muốn được gặp cậu đã không thành. Vậy mà bây giờ Dũng sắp được gặp cậu. Cơm mưa sáng bất chợt ập đến. Nhìn những giọt mưa bắt đầu chảy thành dòng, vỡ oà nhoè nhoẹt trên mặt kiếng, bất giác anh đưa tay lên vuốt nhẹ. Anh nghĩ đến những giọt nước mắt của mẹ khi nghe tin em Chiến hy sinh. Ngày ấy Dũng biết mẹ không còn sống được bao lâu nữa! Là phóng viên chiến trường Chiến vội vã ra đi khi chưa tốt nghiệp đại học, được đưa đến những điểm nóng nhất. Lá thư cuối cùng gia đình nhận được kèm với những bài tường thuật chiến sự, em mô tả nỗi buồn tiếc khi nghe tin oanh tạc Phố Khâm Thiên và bày tỏ quyết tâm phải đi tới cùng với bọn Mỹ-nguỵ. Cơn mưa ngắn ngủi đã qua. Trên xe mới leo teo vài người. Mưa đọng lại trên mặt kính. Dũng miên man nhớ lại những chiến khu xa xôi, những chuyến công tác ở các sạp lán giữa rừng. Khuôn mặt hạnh phúc của những phụ nữ may mắn gặp lại tình yêu trong những vùng mưa bom bão đạn. Nhưng tất cả vẫn còn mù mờ… Có những cơn mưa đầu mùa… Mưa tràn bờ ruộng, đầm, đìa, bưng… Những bữa cơm rau cá mắm đồng… Hoa… Đúng rồi, hoa súng! Khuôn mặt một người hiện lên trong ký ức rõ ràng hơn. Hình như anh đang nghe lại tiếng thở của cô ta chạy cùng với mình ra phía bờ sông. Tấm thân lao nhanh xuống nước… Một loạt súng nổ. Cả hai chạy vào một căn nhà. Người chủ đẩy Dũng vào nằm chung với người con dâu trong phòng tối. Người nữ đồng chí thay nhanh bộ đồ ướt vào ngồi trong xó bếp giả vờ đun nước. Vài phút sau giặc càn chạy quanh nhà. Sự tra hỏi diễn ra. Chủ nhà bình tĩnh trả lời. Khi giặc đi rồi Dũng chạy ra thấy cô ta ngồi lịm đi… Bên đống rơm đun bếp một vũng máu đang loang dần ra ngoài. Thì ra cô ta bị thương ở bắp chuối. Không kêu rên, vẻ mặt bình thản không biểu lộ một chút cảm xúc nào khiến Dũng chợt rùng mình. Người nữ đồng chí đã làm cho Dũng vừa cảm phục vừa e ngại. Ngoại trừ khi làm việc cùng nhau, hai người ít tâm sự gì mặc dù biết nữ đồng chí quê ở miền bắc. Có một buổi sáng Dũng thức dậy, khó chịu khi nghe tiếng quát lanh lảnh dứt khoát của cô ta từ lán bên cạnh, phê bình góp ý ai đó đã lỡ mồm nghêu ngao một bài hát uỷ mị thời tiền chiến. Một hôm Dũng ngạc nhiên không thấy bóng dáng cô ta trong bữa cơm trước khi bước vào một cuộc họp quan trọng. Sự vắng mặt của người nữ đồng chí hình như làm mọi người ăn uống tự nhiên hơn, vui vẻ bỡn cợt lẫn nhau, không để ý nên khi hỏi cô ta đâu ai cũng lắc đầu không biết. Dũng cảm thấy bất an vì sự vắng mặt bất thường này. Anh quyết định đi tìm. Đi được một quãng ngắn cách sạp lán không xa anh dừng lại. Trong phạm vi tầm mắt, những vùng đất xung quanh chỉ bạt ngàn màu xanh của cây rau đắng. Dũng cất tiếng gọi… Không ai trả lời. Anh đi tiếp. Khi biết mình đã đi hơi xa, anh không gọi nữa vừa đi vừa ẩn mình sau những bụi cây. Chợt Dũng nhận ra những nếp nhà tranh thấp thoáng sau những lùm dừa nước. Chiều rồi sao vẫn không thấy khói bếp? Tất cả đều im lìm chỉ có tiếng rả rích của côn trùng làm tăng thêm vẻ thê lương. Khi tiến lại gần anh nhận ra những tàn phá gãy đổ, những vết cháy nám, nham nhở… Những nét quen thuộc của một vùng quê trong thời chiến. Trước khi cất tiếng gọi anh cẩn thận nhìn quanh một lần nữa. Thấp thoáng trên mô đất kề bên gốc bần mọc xen lẫn với đám dừa nước ven bờ rạch có bóng người. Mái tóc, chiếc áo bà ba đen quen thuộc làm anh nhận ra ngay người nữ đồng chí của mình. Dũng vội vàng tiến tới nhưng chợt khựng lại khi thấy cô ta đang gục đầu khóc vùi. Hai bờ vai gầy cứ rung lên nhè nhẹ. Dũng đặt tay lên vai cô ta kêu khẽ: _ Chiều rồi sao lại ra nơi nguy hiểm này? Người phụ nữ ngước mặt lên bối rối vội vàng quay đi nhìn về hướng khác tránh nhìn Dũng. Quá ngạc nhiên anh đứng lặng không hỏi thêm gì. Thật lạ! Không còn nhận ra người nữ đồng chí kiên cường lạnh lùng trầm tĩnh thường ngày nữa. Với vẻ yếu đuối tuyệt vọng cô ta nhìn trừng trừng về phía dòng nước đang chảy. Có một nỗi đau khổ uất ức ẩn chứa trong đôi mắt ấy. Dũng không hiểu cái gì làm cho người nữ đồng chí của mình ra nông nỗi này. Anh lặng lẽ nhặt chiếc khăn rơi bên góc dừa choàng nhẹ lên vai cô ta khẽ nói: _ Ta về thôi! Trời chiều quá rồi! Có chuyện gì buồn ta chia sẻ với nhau cho nỗi buồn vơi đi chứ ai lại buồn một mình như thế? Đang nói Dũng chợt nhận ra trong tay cô ta đang giữ khư khư một tờ báo. Anh chộp lấy trước khi cô ta kịp giấu ra phía sau. Đấy là tờ báo xuất bản ở vùng địch. Dũng lướt nhanh những dòng tin sôi động về cuộc chiến dừng lại ở một đoạn: “Sàigòn. Phản lực F105 và F.4C từ căn cứ Takhli Thái Lan hôm qua vượt hoả lực phòng không dữ dội của Bắc Việt để tấn công phá huỷ những vị trí phòng không cách Điện Biên Phủ 17cs về phía bắc đông bắc. Trong khi đó nhiều phi cơ xuất phát từ các hàng không mẫu hạm đã bay 66 phi vụ tại các tỉnh miền nam bắc việt vùng phía đông Hải Phòng phá huỷ 13 ghe thuyền, 5 xà lan... Phi cơ A.6 Intruder từ hàng không mẫu hạm Emterprise đã tấn công làm tê liệt hoàn toàn một giàn hoả tiễn SAM cách Hải phòng 15 cây số về phía tây. Từ Hàng không mẫu hạm Kitty Hawk cũng đã oanh tạc kho dầu cách Thanh Hoá một cây số rưỡi…” [1] Người nữ đồng chí vẫn ôm mặt khóc lặng lẽ. Dũng lờ mờ hiểu ra mọi chuyện. Cả hàng tháng nay không nhận được thư từ từ ngoài ấy. Báo chí cũng không. Cái đài nghe tin tức bị hư chưa sửa được. Thế rồi hôm nay đọc những dòng này… Dũng hỏi: _ Đồng chí lấy cái này ở đâu? Cô ta chỉ về phía ngôi nhà tranh trước mặt. Nhìn số ngày ra của tờ báo anh biết có một đoàn quân địch vừa đi qua đây không lâu. Họ dừng chân tại đây. Tờ báo vô tình bị bỏ lại. Anh nói: _ Đây là giọng điệu tuyên truyền của địch, đồng chí đọc làm gì? Người phụ nữ nói trong nước mắt: _ Em biết rồi! Lâu quá không có gì đọc, em nghĩ chỉ đọc vậy thôi chứ em không tin đây là sự thật. Vậy mà khi đọc xong em lo, em thất vọng em sợ cho anh ấy. Anh ấy đang công tác ngay tại vùng quân địch đánh phá. Bây giờ Dũng đã hiểu ra mọi sự. Dũng giận mình trách cô ta quá sớm. Khi những uất ức, nhớ thương tư riêng đều phải dìm tận đáy lòng để rồi hoà vào một cái gì đó chung hơn to hơn, đôi lúc biến thành một sự quyết tâm trầm tĩnh đến lạnh lùng cho những mệnh lệnh; người ta mải miết hiến dâng, quên rằng mình đang hiện hữu…Thế rồi trong những lúc khó khăn dao động đôi khi tình cảm làm mờ lý trí… Hình như Dũng đang gặp một người hoàn toàn khác. Anh xé nát tờ báo thả trôi theo dòng nước. Người nữ đồng chí thẫn thờ nhìn theo những mảnh giấy trôi về phía cầu tre. Tờ báo không còn nhưng bản tin vẫn nguyên trong đầu. Những dòng chữ tưởng đã xoá nhoà bây giờ hiện về rõ mồn một. Dũng chợt nhận ra rằng hình như năm tháng qua mình vẫn còn nằm trong sự ám ảnh. Bến vắng xơ xác tiêu điều. Không có tiếng động cơ của những chuyến bắc qua sông. Chỉ có tiếng nấc nhè nhẹ của người nữ đồng chí và tiếng con gì kêu khắc khoải mơ hồ thoảng qua trong gió thật xa vắng. Tiếng chim rõ dần, lênh đênh theo con nước trong xanh, tắt nghẽn bên bờ mương nơi có những bóng dừa vật vờ xoã tóc… Khuôn mặt đau buồn đẫm đầy nước mắt của người phụ nữ…Nét kiên cường trong chiến đấu xông pha… Tất cả đã đi theo Dũng suốt cuộc chiến, đọng lại cho đến ngày hôm nay. Sau đó Dũng đổi công tác ra miền trung. Hoà bình Dũng dò hỏi một số bạn bè về người nữ đồng chí của mình. Thật xúc động khi nghe tin cô ta đã hy sinh trong một trận chống càn ở chiến khu D. Giọng một nữ phát thanh viên đột ngột vang lên từ một cái loa rè nhắc nhở khách trên bến xe, Dũng nhìn xung quanh vẫn chưa có ai lên xe thêm vẫn chỉ leo teo như lúc nãy... Chú Thích: [1]Tám vị trí phòng không Điện Biên phủ bị oanh tạc dữ dội (tin Sàigòn báo Đối Thoại ra ngày 19-4-1967 )