- 8 -

Đánh bại cuộc hành quân "Sóng thần 9"
Thiếu tướng NGUYỄN ĐỨC HUY
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 18 thuộc Sư đoàn 325
Đầu tháng 10, tôi được điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 18, đồng chí Phạm Công Nhân về làm Chính uỷ. Trung đoàn lúc này đủ ba tiểu đoàn 7, tiểu đoàn 8, tiểu đoàn 9, quân số được bổ sung đạt khoảng sáu mươi phần trăm, hoả lực cũng được tăng cường tương đối mạnh, ngoài hoả lực bản thân còn được tăng cường một đại đội cối 120 ly, một đại đội cối 160, một đại đội hoả tiễn 14 (có 3 dàn), 1 tiểu đoàn ĐKB (Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 84), một đại đội xe tăng 6 chiếc, khi xảy ra tác chiến còn được pháo binh của Sư đoàn và Mặt trận chi viện trực tiếp.
Đêm hôm đó trời mưa rét, rất tối, 4 giờ sáng ngày 2 tháng 11 năm 1972, tôi kiểm tra tình hình các đơn vị, Tiểu đoàn 8 báo cáo không có gì xảy ra, nhưng chỉ sau khoảng 30 phút, đồng chí Chung -  Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 báo cáo gấp là đã có khoảng 2 đại đội địch bí mật vượt sông sang chiếm bãi cát Nhan Biều 1, trước chính diện của Đại đội 5 và Đại đội 7. Đây là điều rất bất ngờ, tôi lệnh cho kiểm tra lại thì được biết địch bí mật vượt sông khoảng 1 giờ sáng ngày 2 tháng 11 năm 1972. Trung đội đồng chí Thiều Chí Đinh phát hiện, nhưng chỉ cho là bọn thám báo, nên cử một tổ ra đánh và không báo cáo với Tiểu đoàn. Địch đã đưa được 2 đại đội và cơ quan chỉ huy tiểu đoàn 6 Thuỷ quân lục chiến qua sông, chiếm toàn bộ bãi cát trước mặt thôn Nhan Biều 1 dài khoảng 300 mét, có nơi chúng vào sâu chỉ cách đường số 1 độ 500 đến 600 mét, mở đầu cuộc hành quân "Sóng thần 9".
Mờ sáng ngày 2 tháng 11 năm 1972, hàng trăm quả pháo địch từ các trận địa trong Thị xã Quảng Trị, La Vang, Hải Lăng bắn vào trận địa phòng ngự của hai Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 9; hàng chục máy bay phản lực đánh bom vào thôn Nhan Biều 1 và ái Tử, cao điểm 20, cao điểm 21, sân bay ái Tử;  B.52 cũng rải thảm hai đợt vào trận địa phía sau của Trung đoàn.
Được chi viện hoả lực mạnh của pháo binh và không quân, khoảng hơn 7 giờ, địch tổ chức tấn công thành hai hướng, một hướng tập trung đánh chiếm chốt lô cốt do trung đội đồng chí Đinh phụ trách, một hướng chừng một đại đội chia làm 2 mũi đánh vào Đại đội 5.
Quân ta dựa vào các công sự đã chuẩn bị, để địch vào thật gần tới 20-30 mét mới nổ súng, nhiều tên địch đã bị diệt ngay từ loạt đạn đầu, nhưng chúng vẫn tiếp tục xông lên, cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt, đặc biệt là khu vực lô cốt địch cố chiếm bằng được, vì nếu chiếm được nơi đây sẽ là bàn đạp tấn công vào đường số 1 và đảm bảo cho lực lượng vượt sông sang tiếp được thuận lợi. Quân ta chiến đấu rất ngoan cường, súng cối 60 ly, 82 ly bắn trực tiếp vào đội hình địch trên bãi cát, nhiều tên địch chưa kịp ngóc đầu đã bị diệt; cối 160 ly, hoả tiễn BM14 đánh trúng đội hình tập kết bờ đông sông, nên địch không thể vượt sông sang tiếp ứng được. Sau chừng 30 phút tấn công, địch bị thiệt hại nặng phải lui lại phía bãi cát và mép sông để củng cố, đồng thời pháo binh địch kể cả pháo hạm Mỹ bắn mãnh liệt vào trận địa của ta.
Gần 9 giờ, địch tổ chức một đợt tấn công tiếp nhưng bị quân ta bẻ gãy. Khoảng 10 giờ, tôi xuống thôn Nhan Biều gặp đồng chí Trần Minh Thiệt1 - Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 8 nắm tình hình và giao nhiệm vụ tổ chức phản kích diệt toàn bộ quân địch đã vượt sông. Dự kiến 12 giờ sẽ thực hành phản kích, nhưng do tổ chức không kịp nên mãi đến 14 giờ 15 phút mới thực hiện phản kích được. Để tăng thêm lực lượng cho Tiểu đoàn 8 phản kích, Trung đoàn đã điều một trung đội của Tiểu đoàn 7 tăng cường cho Tiểu đoàn 8.
Ta chủ trương đêm 2 tháng 11 năm 1972 sẽ dùng đặc công phối hợp với bộ binh để diệt nốt quân địch co cụm, nhưng do hiệp đồng không chặt nên không tập kích được.
Sáng 3 mùng tháng 11 năm 1972, ta sử dụng cối 82 ly, cối 60 ly chi viện cho lực lượng của Đại đội 5 và Đại đội 7 thực hành phản kích nốt quân địch co cụm.
Sau hai ngày chiến đấu, ta đã diệt gọn hai đại đội và cơ quan chỉ huy tiểu đoàn 6 Thuỷ quân lục chiến ngụy (diệt khoảng 350 tên, trong đó có tên Nghĩa thiếu tá - tiểu đoàn trưởng, bắt sống 1 tên) thu rất nhiều vũ khí, trang bị, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội địch nữa ở bên kia sông Thạch Hãn.
Ta nhanh chóng bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân "Sóng thần 9" của địch. Sau chiến thắng, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 đánh giá: "Đây là trận chiến đấu phòng ngự xuất sắc nhất, mở ra kinh nghiệm đánh tiêu diệt gọn bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng trong phòng ngự"1.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen và đánh giá:
"Trận chiến đấu phòng ngự của Trung đoàn 18 thắng lợi đã góp phần đánh bại ý chí của địch phản công lấy lại vùng đã mất sau ngày 30 tháng 3 năm 1972 tại bắc Quảng Trị".
(Nhân dịp 35 năm chiến thắng Nhan Biều Quảng Trị -
Ngày 2-11-1972 - 20-11-2007)
Về lại Quảng Trị
TÙNG NGUYÊN
Cuối hè năm 1971, có nhiều đợt tuyển quân khẩn cấp. Sinh viên các trường đại học và học sinh hết cấp III lũ lượt lên đường. Cuối năm 1971, nhiều sư đoàn ngoài Bắc lần lượt chuyển dần vào miền Trung. Quảng Trị là điểm nóng nhất của chiến tranh lúc này, khi mọi diễn biến ở Hội nghị Pa-ri đều phụ thuộc vào chiến trường. Tết năm 1972, Sư đoàn 325 của tôi vừa chuyển từ huấn luyện quân tăng cường thành sư đoàn chiến đấu, cũng vào Hà Tĩnh thay cho các sư đoàn khác vào sâu hơn.
 Mùa hè năm 1972, tôi tròn hai mươi tuổi và theo đơn vị vào chiến dịch Quảng Trị. Sư đoàn tôi tham gia bảo vệ Thị xã và Thành cổ từ giữa tháng 7 năm 1972, vào giai đoạn quyết liệt nhất của chiến dịch. Tiểu đội trinh sát của tôi có nhiệm vụ theo dõi các trận đánh tại Thị xã và vùng ven với hai đài quan sát ở làng Nhan Biều và đầu cầu Thạch Hãn, đi điều tra hoặc lấy tin ở các nơi cấp trên cần. Từ làng Nhan Biều trông qua bên kia sông Thạch Hãn là Thị xã và Thành cổ. Nhan Biều là điểm bộ đội tập kết trước khi vượt sông sang bổ sung cho các đơn vị bảo vệ Thị xã, là nơi thương binh từ Thành đưa về để chuyển ra tuyến sau, là nơi tiếp đạn và lương thực… và cũng là một túi bom và đạn pháo.
 Đêm 13 tháng 9, hai gã trinh sát chúng tôi được lệnh ngụy trang tìm cách qua sông đến Sở chỉ huy trong Thành cổ nhận nhiệm vụ. Lên được bờ, chui xuống hai tầng hầm sâu, chúng tôi gặp được Ban chỉ huy Trung đoàn bảo vệ Thị xã và được giao nhiệm vụ trinh sát phía trước. Dưới hai tầng hầm sâu là những căn hầm nhỏ. Xung quanh tôi la liệt thương binh chưa được qua bên kia sông. Vòng vây thu hẹp dần, đêm 14 tháng 9 không ai qua sông được. Đêm 15 tháng 9 chúng tôi cùng rút ra với quân trong Thành.
Một ngày cuối tháng 11 này của ba mươi năm sau, trên đường đi tham gia trại huấn luyện công nghệ thông tin ITBC3, tôi được về đây rưng rưng nhớ lại những ngày xưa, nhớ đến các anh, nghĩ đến tất cả những người đã ngã xuống nơi đây, những người đã hóa thân thành sông nước, thành cát trắng, thành nắng rát, thành dai dẳng mùa mưa Trị Thiên.
Vẫn lất phất mưa như ngày nào. Vẫn lặng lẽ sông Thạch Hãn ra biển như ngày nào. Chỉ cây cối đã xanh lên. Chỉ nhà mới đã mọc lên. Và ngỡ ngàng giọng Quảng Trị của mấy em nhỏ với nụ cười trên môi xưa tôi chưa từng nghe từng thấy bao giờ. Thương biết bao những người đã ngã xuống. Mong biết bao những người đang sống đều biết đến, chia sẻ và xây đắp cho Quảng Trị, cho mỗi mảnh đất đã từng chịu nhiều máu lửa trên quê hương mình.
Tháng 12 năm 2002

Những ngày ở Thượng Phước

TẠ QUỲNH PHƯƠNG
Thượng Phước một cao điểm nhỏ bên bờ sông Thạch Hãn, dạo ấy địch điên cuồng dồn hết lực lượng đẩy quân ta sang bên này sông, hòng chiếm hết hữu ngạn lấy sông Thạch Hãn làm phòng tuyến thay cho sông Bến Hải và gây sức ép với ta tại Hội nghị Pa-ri, vì vậy giao tranh ở đây ác liệt lắm. Đơn vị tôi được lệnh đặt một đài quan sát ở Thượng Phước.
 Chúng tôi gồm anh Vương Tùng - đại đội trưởng, anh Khanh - trung đội trưởng, Phong, Cường1, Cẩn và tôi. Chúng tôi phần lớn là sinh viên nhập ngũ. Trong số chúng tôi chỉ có anh Tùng là người nhiều tuổi nhất nhưng chưa vợ con gì nên vẫn sống vô tư lắm. Anh có khuôn mặt chữ điền, da đen lấp lánh, tóc xoăn tít như dân châu Phi, chỉ có nụ cười tươi, chúng tôi thường nói đùa anh mà đi quảng cáo kem đánh răng "Hi Nốt"2 chắc là đắt khách. Khanh "râu" thì nổi bật với bộ râu quai nón, da đỏ như gà chọi, sinh viên Tổng hợp Văn với những câu chuyện tiếu lâm ở một vùng quê Thanh Hoá nghèo túng và nhiều hủ tục. Anh kể chuyện rất dí dỏm, có nhiều chuyện không hay lắm, nhưng với tài kể chuyện cộng với những điệu bộ hòa theo, chúng tôi cười đến vỡ bụng, vui đáo để. Những đêm âm u trong hầm tối anh lại kể chuyện, bao giờ cũng bắt đầu bằng bộ râu quai nón rung rung, cặp mắt cứ hay háy, nhiều đoạn biết là anh bịa, nhưng hay và rất hợp lý nên chúng tôi say sưa ngồi nghe. Nghe chuyện cho đỡ nhớ nhà, đỡ buồn.
 Cao điểm này chi chít hố bom, đạn, cày đi xới lại không sót một tý màu xanh cho có gọi là, cây cối đổ ngổn ngang, thỉnh thoảng còn vài ba thân cây đen sì sì trơ trụi, nhằng nhịt vết bom đạn, đất đá thì đã nát tươm rồi mà bom đạn vẫn thi nhau xáo đi, xáo lại, trộn kỹ thế. Được cái màng nhĩ lỗ tai nghe nhiều tiếng nổ dày ra nhiều nên cũng đỡ điếc tai và cũng phải mặc kệ, chúng mày cứ bom, cứ đạn, việc chúng mày chúng mày làm, việc ông ông làm chứ chờ ngớt bom ngớt đạn thì họa chăng phải đợi đến hoà bình. Khi nào bom đạn nổ sát gần lại lăn vào một hố đạn, hoặc hố bom để tránh xong lại tiếp tục làm. Chúng tôi chọn địa điểm rồi làm hầm, cũng không phải đào cứ chọn hố bom cũ xong chặt một thân cây làm nóc rải cọc sắt, rải tôn rồi lấp đất lại.
 Phía bên kia sông là Tích Tường, Như Lệ, hình như là hai cái tên làng gì đó nhưng bây giờ thì chẳng còn một dấu tích nào của làng mạc nữa, chỉ còn màu đỏ của đất đồi nham nhở. Đồi Chè là một cao điểm thâm thấp sát sông, cái tên đồi Chè gợi nhớ một màu xanh mướt mát nay chỉ còn lại cái tên, còn chè gốc cũng chẳng có. Ở phía bên này sông nhìn sang thấy địch nhỏ xíu bằng cái đầu đũa, nhiều lúc chúng trồi lên khỏi mặt hầm. Nhất là những hôm mưa, chúng tôi gọi về trung đoàn xin dùng pháo giã cho chúng một trận, nhưng vì đạn dược ít, đành chịu ngồi nhìn; khi nào chúng tấn công đạn ta mới được nện. Phía bên này sông ĐKZ, SKZ, 12,7 ly cối ta nện sang, đạn A12, H12 cứ reo vu vu ở trên đầu như nghe nhạc. Tuy vậy để tiết kiệm đạn, khi chúng rụt lại ta phải dừng để dành cho hôm sau. Bên chúng bom đạn còn hơn ta nhiều, cứ gọi là xả ra, ta bắn một, chúng chơi mười, hai mươi, chúng chơi suốt ngày đêm, nhất là cối 81 ly, cối cá nhân nổ như ngô rang, nổ như pháo băng nổ, cứ cạch đùng liên hồi, khói bụi mù mịt. Địch với ta tranh nhau từng tấc đất một, giao tranh ác liệt, đánh nhau cứ ùng oàng cả ngày, địch chiếm được một đoạn ta đánh bật chiếm lại, thế giằng co nhau. Bên địch có thằng Lâm khét tiếng cả Quảng Trị là lì, hắn lớn lên trong một cô nhi viện không cha không mẹ nên chẳng sợ chết, quân ta vật nhau với nó cũng khá vất vả.
  B.52 chúng đánh thường xuyên, mà đánh về đêm nên khát nước vô cùng, bom nổ trên diện rộng, cũng không biết do không khí bị đốt cháy khô hết hay là trong bom có cái chất gì gì mà bom đánh xong khát nước lắm, khát khô cả họng. Nước để trên miệng hầm bom hắt đổ hết. Nhiều đêm khát quá, không tài nào chịu nổi, một, hai giờ sáng rồi tôi phải lọ mọ đi bộ đến 3, 4 cây số để lấy nước. Một mình một súng AK báng gập, trèo qua hố bom này lại đến hố bom khác. Trời thì tối thui, đèn đóm không dám thắp, bom mới đánh đất đá ngổn ngang, cây cối trơ trụi khó mà định hướng được, tìm cho đến nơi cũng không phải là dễ. Mò mẫm mãi cuối cùng cũng đến chỗ gặp nước sướng quá cúi đầu xuống uống lấy uống để. Chà, nước sao ngon thế, từ thời cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa được uống nước ngon như thế này bao giờ đâu. Mang nước về, tưởng đang ngủ cả, ai ngờ mọi người ngồi thức chờ nước, chẳng ai ngủ được vì khát, sáu người lại quây quần "liên hoan" nước, ngon hơn một bữa đại tiệc hay một bữa cơm thịnh soạn. Nước chảy đến đâu thấy sự sống hồi sinh đến đấy, mát và đã quá.
 Bom đạn chán rồi, sang tiết mục chất hoá học, thường thường hôm nào gió nam là lại chơi pháo hoá học vì hôm ấy gió sẽ thổi chất độc về phía quân ta. Pháo nổ từng hồi, nghe cứ "bục, bục" và một màn khói trắng bao trùm. Mặt nạ phòng độc sáu người chỉ được hai cái, cứ phải thay nhau, những người còn lại lấy khăn mặt Trung Quốc gấp đôi lại dấp nước có cho "ê te" đắp vào mặt. Mặt rát như bị bỏng và rất khó thở khi nào chịu không nổi, xin đổi ca. Chúng chơi cái món "hoá học" này đến cả tiếng đồng hồ, ruột gan ngấm chất độc đau quặn như ai đào bới bên trong, nhiều lúc có cảm giác như rữa hết cả ra rồi. Sau đấy bụng trướng phình lên to như trống "lâm thôn", mặt mũi và người đỏ rực như bị "lở sơn" rát vô kể. Cả ngày cứ vác cái bụng chẳng cơm chẳng nước gì được cả, đau và bức bối vô cùng, chỉ muốn rạch bụng ra cho nó nhẹ bớt đi chứ chịu không nổi. Được cái anh nào cũng khệ nệ nom như sếp cỡ bự cả. Ngồi chẳng yên, tức bụng, nằm thì ruột gan nó cứ xào xáo, đành phải trăn trở hoài lúc ngồi lúc nằm, khi thì nửa nằm, nửa ngồi.
 Thời gian thấm thoắt trôi đi, chúng tôi bây giờ nhiều người đã thành ông cả rồi, cũng có lần tôi về Quảng Trị nhưng vì đi công tác vội vã chỉ ghé qua Đông Hà và một vài nơi, chưa đến được nơi này, không biết Thượng Phước bây giờ ra sao, đồi chè bây giờ đã mướt mát chưa. Tích Tường, Như Lệ đã trù phú chưa. Nhớ quá!
Hà Nội những ngày tháng 10 năm 2005
Chuyện cũ nhớ lại
LÊ VIỆT
Nguyên chiến sĩ Đại đội 4 Tiểu đoàn 12 Trung đoàn 58 Sư đoàn 308
 Khi cầm bút viết những dòng này thì cuộc chiến khốc liệt ở Quảng Trị đã lùi xa được 34 năm, trong quãng thời gian đó cứ mỗi khi nhớ đến hai tiếng Quảng Trị hoặc có dịp gặp lại các đồng đội cũ thì bao nhiêu ký ức kỷ niệm về cuộc chiến ấy lại hiện về.
Đơn vị chúng tôi là tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly thuộc Trung đoàn 58 Sư đoàn 308. Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ một tiểu đoàn lựu pháo 122 ly mà tiểu đoàn này lại có nhiệm vụ chi viện cho bộ binh trong các trận đánh hiệp đồng binh chủng. Trận địa lựu pháo ở đâu thì trận địa cao xạ cũng nằm gần đó để đánh trả máy bay địch. Đêm 30 tháng 3 năm 1972, tiếng súng mở màn chiến dịch Quảng Trị bắt đầu thì ngày 1 tháng 4 năm 1972, đơn vị tôi được lệnh hành quân từ Bãi Hà vào Quảng Trị. Chiến dịch mới mở nên khí thế rất nhộn nhịp. Chúng tôi cũng gặp những xe tải lớn gọi là "đại xa" chở những hòm đạn lớn cho các trận địa lựu pháo và pháo nòng dài. Thế rồi chúng tôi cũng bắt gặp cả những xe kéo lựu pháo, pháo nòng dài và hết sức ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy những tốp nhỏ xe tăng, mỗi tốp 5 đến 6 chiếc, tháp pháo quay ngược cắm đầy lá ngụy trang, thành xe có buộc mấy chú lợn được nhốt trong rọ để làm thực phẩm sau này. Tiếng gầm của những chiếc xe tăng vang vọng cả một vùng rừng núi càng làm cho đường ra trận trở nên náo nhiệt, nhộn nhịp khác thường.
Chúng tôi phải dừng lại để chờ khá lâu vì chỉ có một chỗ duy nhất vượt sông cho những phương tiện cơ giới. Cả đoàn xe gồm xe pháo, xe tăng, xe lội nước đều chờ để đến lượt, lúc đó mặt trận mới mở, đường vận chuyển chưa bị địch phát hiện nên không gian hoàn toàn im ắng, không một tiếng máy bay địch.
 Sang tới bên kia sông Bến Hải, chúng tôi bắt đầu nhận thấy nhiều điều lạ khác hẳn bờ Bắc. Phía tây Quảng Trị, phần giáp với rừng già là những gò đồi thấp mọc toàn cỏ tranh xen lẫn những bụi cây nhỏ hoặc cây lúp xúp. Tới khoảng 10 giờ đêm, sau một ngày hành quân, các khẩu đội đều giấu xe pháo vào các bụi cây nhỏ ven đường mới mở và đào hầm để ngủ qua đêm. Lệnh của trên là từ lúc này trở đi không được ngủ trên mặt đất để tránh thương vong, nhưng suốt đêm đó chúng tôi không sao ngủ được vì thỉnh thoảng một vài tiếng nổ to như sấm lại vang lên, không khí xung quanh như bị dồn ép lại làm chúng tôi kinh hãi. 
Sau 3, 4 ngày vào tới Quảng Trị, đại đội cao xạ chúng tôi được trên giao nhiệm vụ mới là bảo vệ cầu Trúc Khê. Đây là cây cầu trên quốc lộ 1 cách Quán Ngang vài cây số nằm trên đường tiến quân của quân ta vào Đông Hà. Trận địa của chúng tôi nằm trên một gò cát trắng rìa làng cạnh quốc lộ 1 và cách cầu khoảng 500 mét. Hai ngày đầu không có gì chứng tỏ đây là chiến trường vì dân cư của mấy làng quanh đó đã bỏ đi hết, ít tiếng bom đạn, có lúc còn im ắng hoàn toàn, chỉ có chiếc OV10 thỉnh thoảng đảo qua đảo lại. Nhưng đến ngày hôm sau, đó là ngày 7 tháng 4 năm 1972, trận đánh đầu tiên để lại thương vong cho đại đội tôi là một ngày đánh khó quên.
Khoảng giữa trưa ngày hôm đó, chiếc OV10 cứ lượn đi lượn lại quanh khu vực cầu, thấy hiện tượng khác thường cả đơn vị đã vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Quả nhiên một lúc sau mấy chiếc F4 kéo đến và chúng tôi thấy một tiếng nổ bụp, đó là tiếng nổ của pháo khói do chiếc OV10 bắn ra chỉ điểm mục tiêu cho F4 đánh phá cầu. Nhận ra mục tiêu, mấy chiếc F4 chọn hướng mặt trời, tăng độ cao rồi bổ nhào. Đại đội tôi tập trung hoả lực của cả bốn khẩu đội bắn chiếc đầu tiên và cả bốn khẩu đều thông báo đã bắt được mục tiêu. Trong đơn vị tôi là trắc thủ đo xa có nhiệm vụ dùng máy đo xa để đo khoảng cách từ mục tiêu đến trận địa. Lúc đó tôi cũng đã bắt được mục tiêu và đo được cự ly khoảng 4.000 mét, tức thì đồng loạt cả bốn khẩu đội nổ súng, những chùm đạn vun vút lao lên, nhưng vì đây là loạt đạn đầu tiên và hơn nữa đơn vị tôi chưa nhiều kinh nghiệm trận mạc nên đạn còn cách xa mục tiêu nhiều lắm. Chiếc F4 vẫn bổ nhào và cắt được bom. 
Đây là lần đầu tiên chúng tôi bị đánh vào trận địa. Trận ấy đơn vị tôi hy sinh ba người, bị thương hơn chục người. Ba người hy sinh là các anh Thanh, Tự, Thảo trong đó anh Thanh trẻ nhất, là sinh viên năm thứ hai khoa Sinh Đại học Tổng hợp, cùng nhập ngũ với tôi. Mấy ngày sau, chúng tôi được lệnh rút ra nhưng trong đêm rút lui đó chúng tôi còn bị pháo hạm từ ngoài biển tới tấp bắn vào, may mà không bị thương vong gì.
 Trong tâm trí tôi đến bây giờ vẫn còn in đậm hình ảnh không thể nào quên khi đi qua khu vực khẩu đội 4. Đó là cảnh tượng một khẩu pháo 37 ly nặng hơn 2 tấn bị bom ném trúng hất lên hẳn bờ công sự, ám đen khói bom. Thi thể của các anh trong khẩu đội bị xé nát ra từng mảnh và có những mảnh còn giắt vào khẩu pháo. Mùi khét lẹt của bom, mùi thi thể, mùi của nhựa cây lúp xúp, mùi của đất bị cày tung… tất cả quyện lại thành một thứ mùi khó tả mà chỉ có ai ở chiến trường mới tưởng tượng ra nổi Cũng không hiểu sao mà nhanh thế một bầy quạ từ đâu kéo đến, chúng đậu đen trên khẩu pháo và bụi cây nhỏ gần đấy để tìm kiếm mùi tanh của xác chết.
Khẩu đội 4 có 6 người gồm anh Mâu (khẩu đội trưởng) và anh Ngô Quang Ngọc cùng quê Gia Lâm, anh Thường người dân tộc Thổ quê Thái Nguyên, anh Chí quê Vĩnh Phú, anh Nguyễn Văn Đống sinh viên năm thứ 2 khoa Hoá là người có biệt tài cắt tóc rất đẹp và anh Thẩm Quang Oánh đã tốt nghiệp khoa Lý nhà ở phố Cửa Đông, Hà Nội. Trong số họ chỉ có anh Mâu và anh Thường là có vợ con. Viết tới đây tôi chợt liên tưởng tới thông tin rằng hàng vạn liệt sĩ của chúng ta vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Vâng Thế thì các anh trong khẩu đội 4 kia có bao giờ tìm thấy phần mộ? Thế mới hiểu thế nào là sự tàn khốc của chiến tranh. Sau này trong một lần vào thăm chùa Chân Tiên trên phố Bà Triệu, Hà Nội tình cờ tôi đọc thấy tên anh Thẩm Quang Oánh được khắc trên Bia các liệt sĩ của phường Vân Hồ. Phải chăng đó cũng là chút an ủi với anh.
Thiệt hại ngày hôm đó là nặng nhất trong toàn bộ chiến dịch đối với đơn vị tôi. Hôm đó chúng tôi bị hy sinh 9 người, ngoài 6 người trên còn 3 người khác ở sở chỉ huy bị trúng bom. Đó là anh Nguyễn Hữu Định đại đội trưởng, quê Nho Quan, Ninh Bình; anh Nguyễn Văn Chương chính trị viên nhà ở phố Lò Sũ, Hà Nội và anh Vũ Sĩ Lâm sinh viên năm thứ 3 khoa Hóa nhà ở phố Huế, Hà Nội. Riêng ba anh này vẫn còn thi thể. Do thiệt hại quá nặng nề, đại đội tôi mất sức chiến đấu hoàn toàn và phải chờ tới đầu tháng 5 năm 1972 sau khi ta giải phóng Đông Hà đơn vị tôi mới được tăng cường bổ sung người và xe pháo để tiếp tục tham gia chiến dịch.
 Hà Nội, tháng 8 năm 2006