- 3 -

35 năm ấy...

  NGUYỄN THẾ TƯỜNG

Cựu sinh viên khoá 14, Khoa Ngữ văn
Đại học Tổng hợp Hà Nội
Những cựu sinh viên nhập ngũ năm ấy rất muốn được ghi danh đơn vị mình là: Trung đoàn Thủ đô phiên hiệu 2 - hậu duệ của Trung đoàn Thủ đô năm 1947.
Ngày 6/9/1971, có một trung đoàn được thành lập giữa lòng Hà Nội gồm toàn sinh viên nhập ngũ từ các trường đại học: Tổng hợp, Bách khoa, Sư phạm, Nông nghiệp, Y khoa... Ngay sau đó đơn vị về Yên Sở chỉnh đốn đội ngũ rồi kéo lên Tân Yên (Hà Bắc) huấn luyện ba tháng, bổ sung cho các binh chủng, lại vội vã huấn luyện rồi cùng kéo vào Quảng Trị kịp tham chiến trong mùa hè đỏ lửa năm 1972 và 81 ngày đêm tại Thành cổ.
"Người ra đi đầu không ngoảnh lại...", chín mươi phần trăm số lính trong Trung đoàn thuộc làu hai câu thơ của Nguyễn Đình Thi "... Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy". Nhưng chẳng có cậu lính nào ra đi mà không ngoảnh lại. Bộ khung huấn luyện lần đầu tiên chứng kiến một đợt tân binh nhiều khách đến thế: người nhà, bạn học, thầy cô giáo... và cũng khổ sở vì có nhiều lính về Hà Nội chơi "ôm em" một tối rồi trở lên. Những đêm đi kiểm tra giờ lính ngủ trong doanh trại, các vị chỉ huy không ai dám chắc trên giường cá nhân, dưới lớp chăn là lính hay chỉ là một... chiếc chăn cuộn lại. Nhưng chỉ là "tút" về chơi, cả 1.200 lính sinh viên của Trung đoàn cho đến ngày tham chiến tuyệt nhiên không có bất cứ một người nào đào ngũ. Và, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trước đây đã ghi công xứng đáng cho các chiến sĩ  của Trung đoàn khi trở về ngày chiến thắng trong mùa Xuân 1975.
Riêng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có 300 sinh viên nhập ngũ. Những ngày ấy lụt rất to, đê sông Hồng vỡ ở mạn Yên Viên, hàng vạn tấn gạo bị ngâm nước. Từ nơi cứu lụt, những chiếc xe tải chở sinh viên lấm lem bùn đất tiễn bạn nhập ngũ. Trên sân trường, một khối người xếp hàng vuông vức đang nghe lệnh. Quanh họ là các sĩ quan nhận quân và thân nhân đưa tiễn. Giáo sư, hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum đang phát biểu. Bài nói của thầy chưa kết thúc thì "lá cờ suý" đang tung bay trên ban công tầng hai bị gãy đổ xuống. Hàng trăm tiếng kêu ồ lên ngạc nhiên, thảng thốt, lo sợ. Nhất là các mợ, các chị nặng mê tín... phen này lành ít, dữ nhiều, không khéo hy sinh hết.
Mất mười lăm phút cho vị cán bộ hành chính mặt xanh như tàu lá lên sửa lại cờ. Anh chàng tân binh khoa Toán - Thái Khắc Sơn lên đọc quyết tâm thư. Đất nước lâm nguy, anh không thể nằm yên trong chăn mà làm thơ, ngày ngày lên giảng đường rồi đêm đêm lên sân thượng tán tỉnh các bé sinh viên khoá dưới. Còn chúng tôi, chí ít cũng đã 19, 20 tuổi ra dáng thanh niên, có học, đã dám cầm tay bạn gái mà nói những lời có cánh. Chúng tôi tự nguyện rời giảng đường và nhận thức được rằng: Đã đến lượt mình rồi đây, sống chết gì cũng phải đi. Sống được mà quay về trường thì tốt, nhược bằng nằm lại góc rừng nào đó thì đành vậy, coi như đền nợ nước.
300 lính sinh viên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng đã bước lên xe quân sự. Không có đội quân nhạc hoành tráng, cũng chẳng có hành khúc nào được cử lên. Giáo sư Ngụy Như Kon Tum bắt tay một số tân binh, gạt mồ hôi trên trán (hình như có cả nước mắt). Phụ huynh ào lên, ồn ã một lúc, nhiều tiếng sụt sịt cố nén, dặn dò đủ chuyện. Xe của trung đội tôi có nhiều chàng sinh viên Khoa Văn như Hoàng Nhuận Cầm, Phùng Huy Thịnh, Đào Anh San, Phạm Thành Hưng, Phạm Hùng Việt, Đoàn Văn Phúc, Nguyễn Chí Thành… Lại có cả những sinh viên từng được giải văn miền Bắc như Nguyễn Văn Thạc, sau này để lại cuốn nhật ký nổi tiếng. Riêng tôi và Phạm Hải Triều cùng K14 có cái niềm vui nho nhỏ: cả hai thằng đều nợ môn Nga Văn cuối năm thứ hai, nhập ngũ coi như thoát, khỏi thi lại. Nếu hy sinh ở chiến trường thì... thoát hẳn.
Bốn năm sau, vào những ngày tháng 7 và 8/ 9/1975, người ta thấy rất nhiều người mặc áo lính, dày dạn trận mạc, lục tục đến các trường làm thủ tục nhập học. Không có cờ hoa đón chào, không có diễn văn hoan nghênh. Chúng tôi được làm thủ tục nhập trường khá nhanh, được nhận nguyên lương từ quân đội phiên sang - dẫu rằng kinh tế bắt đầu biến động, đồng lương lọt thỏm trong nhu cầu đói kém hiện rất rõ. Chắc chắn không vì "lá cờ suý" bị đổ năm nào mà là sự tất yếu của chiến tranh, nhiều người bạn học của chúng tôi cùng lên xe ngày ấy đã không về: Nguyễn Chí Thành, Nguyễn Văn Thạc… nằm xuống; Dưỡng, Tuấn, Nguyên, Dũng, Chính, Hùng... nằm đâu đó ở Quảng Trị, hay trên suốt chiều dài chiến dịch vào Thành phố Hồ Chí Minh. Phạm Thành Hưng bị thương thủng sọ, Đào Anh San vết đạn xuyên đùi, Độ khoèo tay, Phú cụt, Thế què, Hoàng Nhuận Cầm đi pháo cao xạ may sao không dính đạn (có thể vì tầm vóc hắn ta hơi khiêm tốn). Phùng Huy Thịnh làm báo chiến trường, Phạm Hải Triều vừa đánh nhau vừa vẽ, từ một tay cọ nửa mùa thành hoạ sĩ chánh hiệu con nai vàng./.