Chương 14

    

Thứ Tư ngày 14 tháng Mười hai năm 2005
an, màu tím hợp với ai hơn, Bebé hay Oema?” Kết hợp màu là việc mà cả hai chúng tôi đều thấy rất hứng thú.
“Còn tùy. Em định đi cưa một chàng hiệp sĩ đấu bò tót hay ông chủ tịch một câu lạc bộ bóng đá diện com lê?”
“Một chàng đeo cà vạt lắc lư? Anh nhìn xem.”
Jan và tôi thích nghi ngay với nhịp sống Tây Ban Nha. Gần mười giờ đêm, chúng tôi muốn uống với nhau một ly vang và có thể là cả ăn gì đó. Tôi tháo mái tóc tím sẫm của Oema và đội mái tóc dài vàng óng của Bebé lên.
“Tóc vàng kiểu Nga và tóc tím lấp lánh, anh chẳng biết nữa. Để đi cưa chàng chủ tịch câu lạc bộ bóng đá chăng?” Jan chọc tôi.
“Dù gì trông vẫn ra trò đấy chứ”, tôi lẩm bẩm và lấy tay vuốt thẳng chiếc áo lụa.
Rubelina Lasziva Mongolia là tên mới của tôi. Jan rất khoái gán tên cho tôi tùy theo từng thời điểm. Hơi hướng cổ tích, song rất Nga. Một dụng cụ cuốn tóc, chút khéo tay và một vẻ quyến rũ, người ta có thể làm tôi hạnh phúc bằng những thứ đó. Để tìm được sự hòa hợp giữa mái tóc giả và quần áo của tôi đòi hỏi nhiều công sức, thậm chí đôi khi phải biết cắt-dán một chút. Nhiều kiểu phối màu không hợp nhau nên tôi có thể thỏa thích thử sức. Ví dụ, chắc tôi chẳng bao giờ dám kết hợp màu tóc bạch kim của Platina với một mẫu quần áo da hổ báo hoang dại nào đó. Như vậy sẽ cổ điển một cách âm lịch, mà tôi thì lại không phải người như vậy. Hoặc màu vàng của Bebé mà kết hợp với chiếc áo hai dây hồng của bộ váy ngắn rất có thể dẫn đến hiểu nhầm tai hại.
Tôi chú ý nhiều hơn tới đặc tính của những nhân vật mình đóng. Nếu là Pam tôi có thể làm rất nhiều điều, song nếu là chín người phụ nữ khác nhau, ta còn có thể làm nhiều nhiều điều hơn thế. Chính vì vậy trên danh sách mua sắm đã có sẵn một chiếc áo cánh bằng lụa dành cho Oema và Sue. Một chiếc áo khoác hồng để Daisy càng trở nên Daisy hơn và một chiếc áo dây tím lấp lánh để giữ Bebé luôn ở tâm trạng tốt. Tất cả đều có nguyện vọng và sở thích riêng của mình.
Khi đi chơi, tôi thường đội các kiểu tóc dài và dày, bởi mái tóc dài và dày giúp ta thành công tới một nửa. Bebé, Oema và Pam đã là khách của không biết bao nhiêu sàn nhảy, nhà hàng và các quán xá khác. Hôm nay lại vào tối muộn: Nhắm rượu vang đỏ trên phố đi bộ Barcelona. Lần này chỉ có Oema và Bebé đi cùng tới Tây Ban Nha nên việc lựa chọn được giới hạn xuống còn Vàng hoặc Đỏ và Tím hoặc Xanh.
“Anh thấy kiểu này ngon chứ?”
“Ngon đối với một chàng đấu bò hay với tay chủ tịch câu lạc bộ bóng đá? Anh không nghĩ vậy.”
“Vậy em sẽ đội kiểu này.”
Trong quán bar, Jan kể chuyện ngày xưa. Về cái thời mà vẫn còn quán Richter, về thời kiếm tiền bạc triệu, về chiếc máy giặt đầu tiên mà Hermann Brood tặng anh.
“Chà, cô bé, nếu em vẫn còn lên truyền hình đong đưa như tuần trước thì...”
“Thì sao?”
“Không, không sao cả. Anh có nói gì đâu. Hồi sau sẽ rõ.”
Thứ Năm ngày 15 tháng Mười hai năm 2005
Tôi ngồi xuống dãy ghế đầu tiên. Ngồi một mình, đằng sau còn một loạt hàng ghế trống. Jan đứng bên ngoài ngửa mặt hứng ánh mặt trời. Tôi mệt mỏi, thực sự mệt mỏi, những suy nghĩ vẫn quay cuồng trong đầu. Đột nhiên mọi thứ trở nên quá sức với tôi và trong nhà thờ này, tôi lại cảm thấy mình đang đứng ở một nơi cần đến. Xa lánh mọi thứ bên ngoài, xa cuộc sống Tây Ban Nha, xa khỏi cả cuộc sống của tôi nơi mọi thứ diễn ra quá nhanh. Để ẩn mình an toàn đằng sau bốn bức tường thân thiện của người bạn này.
Tôi nhìn những ngọn nến lung linh và đắn đo nên thắp chúng để cầu nguyện cho ai. Ngọn đầu tiên là cho Annabel, ngọn thứ hai cho mẹ, ngọn thứ ba cho một người bí mật. Rồi tôi ngừng lại bởi nếu không tôi sẽ chẳng bao giờ dừng được, xung quanh tôi đã có quá nhiều thiên thần rồi.
Ngày mai lại là một ngày nữa, một khoảnh khắc nữa. Hai bà già Tây Ban Nha gầy như xác ve đi vào. Họ dừng lại, bước tới đứng cạnh tôi trước bệ thờ rồi chúng tôi nhìn nhau đồng cảm. Một bà nhoẻn cười với tôi, để lộ ba chiếc răng, còn bà kia cần mẫn nhét từng đồng xu vào hộp quyên góp to đùng nằm dưới bệ thờ. Họ trải qua khoảnh khắc của mình, tôi trải qua khoảnh khắc của tôi. Rồi họ biến mất sau cánh cửa mà họ đã bước qua để vào đây.
Tôi ngồi lại vào hàng ghế đầu tiên. Hai người phụ nữ đã đi khỏi, chỉ còn lại mình tôi. Tôi ngả người về phía sau và nhìn thẳng vào đôi mắt thân thiết của người bạn mình. Đôi mắt ấy vẫn dõi theo tôi, mọi lúc, mọi nơi. Đột nhiên suy nghĩ ấy đối với tôi dường như trở nên thật đẹp. Mọi lúc, mọi nơi. Người bạn trung thành của tôi. Yên bình. Cho tôi và cho bạn ấy, trong bốn bức tường này của bạn ấy. Tôi quyết định thắp một ngọn nến nữa, để cầu nguyện cho bạn ấy. Có lẽ tôi nên thường xuyên làm điều đó.
Lại thêm hai bác trung niên khác đi vào. Lần này là một đôi vợ chồng đang đỡ nhau đi. Họ cũng nhìn tôi và gật đầu chào. Trong nhà thờ mái tóc dài vàng óng của tôi có lẽ được liên tưởng đến mái tóc của một thiên thần nhiều hơn là đến mái tóc của một đứa hư hỏng. Song trên phố đi bộ Ramblas thì ngược lại. Tôi gật đầu chào lại và nghe tiếng nhịp chân lê bước thêm một hồi nữa cho đến khi im hẳn. Vậy là màn trình diễn của ngày hôm nay đã kết thúc. Tôi đứng dậy và đi ra cửa, đi ra khỏi những ngọn nến đang cháy. Khỏi sự ấm áp bên người bạn của mình. Khỏi hàng ghế đầu. Tôi ngoảnh đầu nhìn lại căn phòng chứa đầy trăn trở và những lời cầu nguyện một lần nữa rồi biến ra ngoài qua cánh cửa uy nghi.
Thứ Sáu ngày 16 tháng Mười hai năm 2005
Tôi đi xuống cuối phòng bên tay phải và chọn lấy hai cây nến to nhất còn sót lại. Rồi tôi tìm một chỗ còn trống. Việc này còn trang trọng hơn cả viết lên tấm bảng ghi điều ước của mọi người. Ở trong nhà thờ này được phép làm điều đó. Có hai vị thần canh hai ngọn nến của tôi, tôi không biết cụ thể là thần nào nhưng họ trông rất thành kính và thân ái. Hai ngọn nến: một ngọn cho Chantal, ngọn kia cho Aniek. Tôi thắp nến rồi ngạc nhiên quan sát chiều dài giá cắm nến trên ngọn chúc đài. Chúng làm khu giáo đường trông có vẻ rộng hơn. Chưa bao giờ tôi đốt một ngọn nến trong nhà thờ và rồi sau đó quan sát nó cháy hết trong hơn ba ngày liền. Nhà thờ này có gì đó thật đặc biệt. Hàng trăm ngọn nến lung linh trong căn phòng mà bình thường luôn vắng tanh vắng ngắt. Một lễ hội hóa trang của riêng những ngọn nến đỏ rực rỡ. Một mái vòm cao tít tắp, những viên đá hoa lạnh lẽo và xám xịt, những hàng ghế cầu nguyện vắng tanh. Chẳng có gì là cầu kỳ và kiểu cách, ấy vậy mà đây vẫn là một nhà thờ đẹp.
Thứ Bảy ngày 17 tháng Mười hai năm 2005
Hôm nay hai ngọn nến đã cháy hết.
Thứ Tư ngày 21 tháng Mười hai năm 2005
Tôi trở lại Amsterdam và có hẹn với Chantal ở quán bar Chocolate, gần quán Pilsvogel, nơi chị ấy là khách hàng quen. Lạ thật, phần kết trong cuốn truyện của Kluun, ông ấy có viết rằng quán Pilsvogel đóng vai trò lớn trong cuộc đời mình. Quán vẫn chưa có khách, chúng tôi ngồi vào một trong ba chiếc bàn bên trên bày sẵn cốc, gạt tàn thủy tinh và những ngọn nến cháy dở.
Chantal thư thái châm điếu thuốc thứ hai. Chị ấy cười sảng khoái và nhấp thêm ngụm vang trắng. Trước mặt tôi là một người chiến thắng. Và một người biết thưởng ngoạn. Một phụ nữ hiếm thấy. Một phụ nữ đủ can đảm nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi lớn nhất của mình. Và chị ấy mới vui tươi làm sao. Mới đẹp làm sao.
Chị ấy làm tôi cười nghiêng ngả, tôi phải uống một ngụm, tôi đã rất chú ý lắng tai nghe, rồi giàn giụa nước mắt song lại giấu chúng đi ngay.
Trong những khoảnh khắc như vậy người tôi lại nổi gai ốc, suy nghĩ về một chiếc ghế trống trước mặt mình cứ bám riết lấy tôi. Bệnh không thể chữa khỏi. Thưởng thức. Không chữa khỏi. Pha trò. Không chữa khỏi. Đong đưa. Bệnh không chữa khỏi. Mua sắm giày. Đúng, đó là việc đầu tiên chị ấy làm. Rồi sau đó chị ấy tự hỏi liệu mình có còn đủ thời gian sống để có thể đi mòn gót đôi giày mới mua không. Sởn gai ốc. Tôi muốn ôm chị thật chặt vào lòng. Không phải vì lòng thương hại hay vì thông cảm mà là để siết chặt lấy sức mạnh của chị trong một khoảnh khắc.
Đột nhiên tôi muốn chửi rủa. Chửi rủa căn bệnh ung thư của chị và của tôi. Chửi rủa những gã ngu đã bỏ của chạy lấy người khi biết chị bị bệnh, điều này không chỉ làm bệnh của chị càng trầm trọng thêm mà đã khiến Chantal hoàn toàn suy sụp. Chửi rủa những gã đần đã bỏ tôi để chạy theo một bóng hồng khác không mang đám u bướu ung thư, không bị điều trị hóa chất và không phải đội tóc giả. Chửi cả những cái cổ tay nào không đeo chiếc vòng vàng.
“Vô ích thôi”, chị cười khi vén cổ tay áo lên.
Chị sợ quá khứ. Chị sợ bạn bè mình nói về mình trong quá khứ. Sợ họ sẽ tiếp tục mọc râu dài, tóc tiếp tục bạc mà không có chị. Chúng ta không thể sống mà không có thời gian, song tôi cũng chẳng thiết tha sống với nó. Chính vì vậy đối với tôi ngày hôm nay là quan trọng hơn cả và ngày mai càng được nhắc đến ít càng tốt.
Cô bạn của chị tới và hỏi liệu bệnh của tôi có thể được chữa khỏi hay không. Tôi quan sát thấy quán bar Chocolate đã trở nên chật cứng.
Tôi lắc đầu ra dấu không thể.
Người chiến thắng của tôi pha trò rằng chị còn lâu mới phải về chầu trời. Mái tóc dài vàng óng của tôi lại một lần nữa dựng đứng lên. Tôi nở một nụ cười gượng ép song cũng đầy chân thành và tự hỏi làm thế nào để mang lại điều gì đó mới mẻ cho những ngày Chủ nhật ảm đạm của chị. Và chị có thể đóng góp được gì để những ngày tháng tồi tệ của tôi bớt tồi tệ hơn. Có thể chúng tôi sẽ cùng nhau chửi rủa. Hoặc cùng nhau thưởng thức, pha trò, đong đưa, mua sắm giày và để rồi sau đó tự hỏi xem chúng tôi đã phải mang chúng đến ông thợ đóng giày bao nhiêu lần rồi. Cùng nhau chưa phải về chầu ông vải. Những nhà khoa học cho chị hai năm nữa. Còn chị tự cho mình nhiều năm nữa, tôi cũng vậy. Song chị nói chị sẽ không sống đến tuổi bốn mươi.
Chúng tôi đã bị lấy đi nhiều thứ song bên cạnh đó chúng tôi vẫn còn rất nhiều. Chúng tôi vẫn còn từng giây, từng phút, từng giờ của mỗi ngày, vẫn còn từng ngày của tuần. Chúng tôi sống cho mình và cho những người mà chúng tôi yêu thương nhất.
Cái ngày tôi phải nhận bản án tử hình rồi cũng sẽ tới. Không phải lúc này, không phải ngày mai, ngay cả khi nó cứ bám riết lấy tôi thì lúc nhận nó tôi cũng đã là một bà lão già khọm. Lúc đó tôi sẽ nghĩ lại những khoảng trống mà tôi cảm nhận được trong năm tháng này. Cái khoảng trống đã tước đi hết tất cả những mơ ước của tôi. Có lần tôi đã rất mong muốn có được thêm vài ba năm nữa để sống. Trong những năm đó, tóc của tôi sẽ mọc dài trở lại như những ngày đầu khi mọi thứ vẫn còn vô cùng khác. Tôi quan sát Chantal và lại nghĩ về khoảng trống đó. Tôi ôm lấy người bạn mới của mình thật chặt. Tôi rời quán, miệng lẩm nhẩm, người nổi đầy gai ốc song tôi vẫn nhoẻn miệng cười. Giờ tôi đã biết chính xác vì sao tôi muốn viết nên câu chuyện của mình bằng mọi giá.
Thứ Ba ngày 27 tháng Mười hai năm 2005
Tôi bước vào bồn tắm mà không có nến, không có cả bạn tắm cùng. Tôi lật từng trang của tờ Elle, mắt tôi bỗng dán vào trang có mục tử vi của năm. Thường thì tôi sẽ bỏ qua trang đó, song lần này thì không. Các ngôi sao chiếu mệnh được tóm tắt trong khoảng bảy trăm từ và được chia thành mục phân tích về tính cách, cơ hội nghề nghiệp và dự đoán về tình duyên. Còn lúc này tôi đang đầm người trong bồn tắm đầy bọt và cảm thấy chán ngấy mọi thứ.
Theo tử vi, vào tháng Chín tôi sẽ gặp thất bại trong công việc. Những viễn cảnh tuyệt vời - đó đúng vào thời điểm tôi sẽ giới thiệu cuốn sách của mình. Liệu tôi có nên tiến hành trước hay hoãn lịch lại? Ngay cả trong tình duyên cũng có một vài thử thách, thử thách mới đây nhất tôi còn chưa tiêu hóa hết. Năm sau tôi sẽ gặp hai hoàng tử, chàng thứ nhất, người làm tôi thất vọng vào hồi đầu hè, sẽ hiện nguyên hình là hoàng tử của một công chúa khác. Vậy là tôi sẽ chỉ còn trông chờ vào chàng thứ hai, người sẽ xuất hiện vào mùa thu. Chàng này không phải là một kẻ cả thèm chóng chán mà chàng ta sẽ rất nghiêm túc. Tờ tạp chí dành cho nữ giới viết về sao chiếu mệnh của tôi như vậy đó.
Liệu tôi có nên tin vào sao chiếu mệnh? Liệu tôi có nên để Jur yên thân?
Thứ Sáu ngày 30 tháng Mười hai năm 2005
Chantal ngồi cạnh tôi với một tách trà và một chiếc bánh bích quy dài. Mười phút sau buổi hóa trị, chị đã đến và lúc này, một tiếng rưỡi sau, chị vẫn còn đang ngồi ở đây. Chúng tôi đã tìm nhau và tìm thấy nhau. Tôi tin vào điều đó dù chúng tôi có ngồi cạnh nhau bên ly rượu vang hay bên cột truyền dịch. Truyền dịch không làm chúng tôi thấy phiền. Chúng tôi vẫn cười đùa. Cũng giống tôi, Chantal làm tất cả những gì có liên quan đến bệnh viện một mình, không có gia đình, không có các trạng thái tình cảm.
Do tuần sau chị lại phải đi chụp X-quang, tôi hỏi liệu có ai đó đi cùng chị không.
“Em?” chị hớn hở nói.
“À, vâng.”
Đúng, chúng tôi bị ung thư, đó là điều tệ hại song cuộc sống đối với chúng tôi vẫn tiếp diễn. Ngay cả khi nửa năm trước người ta đã nói với Chantal rằng các nỗ lực điều trị chỉ kéo dài thêm thời gian sống. Đó là vào hôm mùng 9 tháng Sáu, thời điểm đó tôi vẫn còn đang nằm trong trạm C6 với bộ ngực bị băng bó.
Tôi hỏi liệu chị đã nghĩ gì đến chiếc quan tài của mình chưa.
“Chị muốn được hỏa táng.”
Chị không thích bị mục rữa dưới lòng đất. Đúng, tôi cũng vậy. “À.”
“Còn em?”
“Em thì muốn được chôn cất. Cũng hay cho những người ở lại. Bị thiêu rồi đem tro đi rải cũng OK nhưng em không biết nên ở đâu nữa. Nghĩa trang Zorgvliet quá xa lạ đối với em. Chị đã tìm cho mình thứ gì chưa?”
“Quan tài ư? Chưa, vẫn chưa gì hết. Em đặt cho chị một cái nhé? Chị cũng sẽ đặt cho em một cái phòng trường hợp em đi trước chị.”
Chúng tôi phá lên cười bởi cái suy nghĩ tôi sẽ tổ chức đám tang cho chị, còn chị sẽ tổ chức cho tôi. Cả hai chúng tôi đều muốn một điều giống nhau. Chị thích DJ Tiesto, còn tôi thích Rolling Stones.
“Chắc phải tuyệt lắm đây,” chị nói.
Chantal và tôi nói chuyện về cỗ quan tài một cách vô tư y hệt như về đôi giày mà chị mới mua trong lúc tay vẫn giở tờ Elle để tìm cảm hứng thời trang. Đặc biệt chúng tôi có thể bàn luận rất nhiều về đàn ông. Cả hai chúng tôi đều biết rằng thật khó khăn biết bao mới có thể trở về nhà với một chàng trai trong tâm trạng thoải mái, vô tư không lo nghĩ gì, mặc dù hôm đó chúng tôi vẫn phải được truyền hóa chất hoặc đã phải nằm ói mửa trên giường suốt ba ngày.
Chantal gọi chúng tôi là “những kẻ chịu trận ung thư”. Chị có lý bởi giống như những người khác, chị vẫn tham gia các buổi tiệc tùng và sáng hôm sau thức dậy đầu óc vẫn choáng váng vì uống quá nhiều. “Dấu tích của rượu bia ngày càng trở nên tệ hơn”, chị nói.
Ngược lại, tôi ý thức cuộc sống với căn bệnh ung thư của mình rõ hơn. Tôi không thích những bữa nhậu nhẹt liên miên. Thay vào đó là những lần ngồi thiền, liệu pháp tâm lý và tất cả những gì có thể giúp tôi lành bệnh. Thú thực điều đó xuất phát từ cảm giác “bắt buộc” chứ không phải “muốn”. Nếu phải chọn, người ta sẽ chọn chẩn đoán của tôi chứ không phải của chị ấy. Chính vì vậy Chantal không muốn bỏ lỡ một buổi tiệc tùng nào.
“Nghỉ ngơi tốt nhé”, chị nói khi chào tạm biệt tôi để đi mua sắm tối nay.
“Chị đi cẩn thận nhé”, tôi gọi với theo.
Đột nhiên một suy nghĩ đầy vị kỷ khiến tôi lạnh buốt sống lưng. Chantal khiến tôi cảm thấy an toàn hệt như Oskar và Marco khi tôi mường tượng về cái chết. Sẽ rất buồn cười nếu tôi phải chết trước chị, dù chị vẫn còn khỏe và tràn đầy sức sống. Cảm giác thật tuyệt khi có một người bạn như chị chờ đợi tôi nơi tăm tối ấy. Một người sẽ chờ đợi và ở bên cạnh tôi cho dù có phải chờ đợi lâu và cô đơn đến nhường nào.
Tệ thật, chắc hẳn chị ấy sẽ rất cô đơn.
Chủ nhật ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2006
Năm mới đã bắt đầu. Tôi nhọc nhằn tìm kiếm những thay đổi ở mình và những người xung quanh. Đối với tôi thì cũng chẳng quan trọng lắm, song xung quanh tôi có vô số người coi năm 2005 là năm thất bại và 2006 sẽ là năm thành công.
Cả việc gào toáng lên điều đó tôi cũng không dám. Thật là một ngày tệ hại.
Hơn nữa mọi thứ trông vẫn ảm đạm. Hộp sữa chua của tôi thì đã hết bay.
Cái gì đã thay đổi chứ? Tất nhiên là chẩn đoán của tôi, nó còn hơn cả thành công. Chị gái tôi sang Hồng Kông làm tình nguyện viên: thất bại. Chantal bước vào cuộc sống của tôi: thành công. Nhưng chẩn đoán của chị: thất bại. Triển vọng cho cuốn sách của tôi, nếu không tính tới lá số tử vi trên tạp chí Elle: thành công. Còn Jur? Vẫn là một thất bại.
Thời gian: Thứ Hai, mùng 2 tháng Giêng 2006 23:16
Người gửi: Chantal
Người nhận: Sophie
Tiêu đề: Trả lời: nổi gai ốc xx
Em tài thật đấy... Em đã lắng nghe chị rất chăm chú... Buồn cười là chị lại là nhân vậtđược viết tới... Và cách hành văn mới khôi hài làm sao...
Chị rất tự hào về em!... Cô bạn mới của chị là một nhà văn...
XX và chúc ngủ ngon!
Tái bút: Chị khuyên em nên vào trang web này: www.kluun.nl
Thứ Năm ngày mùng 5 tháng Giêng năm 2006
Bác sĩ N treo các tấm phim chụp mới nhất của tôi lên và hồ hởi theo dõi chúng. Thậm chí tôi tin là mình còn nhận thấy có chút tự hào trong ánh mắt ông. Phổi của tôi đã khỏe mạnh. Ông cười và bảo rằng ông đã biết tới tin tốt lành này qua chương trình của Matthijs. Dòng thông tin giữa Amsterdam và Rotterdam có vẻ lại bị ứ đọng. Bệnh viện OLVG vẫn chưa bước vào kỷ nguyên công nghệ số.
Bác sĩ N kiên nhẫn nghe ngóng lá phổi của tôi. Ông thực sự hăng hái với công việc của mình. Với cả lá phổi của tôi nữa. Tôi thở phì phò còn ông đi đến kết luận rằng lá phổi của tôi đã bình phục.
“Thật tuyệt vời!!!” ông nói với tông giọng mà tôi hình dung có lẽ là của giáo sư Toumesol. Ngược lại với bác sĩ L, ông phân tích chẩn đoán của tôi rất tích cực: ông tin rằng đám u bướu trong người tôi đã hoàn toàn teo đi. Cả Huey và Dewey. Rồi cả Louie nữa.
Chúng đã chết. Tất nhiên không hoàn toàn chắc chắn. Nhưng tôi tin là vậy.
Giờ tôi phải bắt đầu giảm liều. Từ 10 mg Prednison xuống còn 5 mg. Song tôi phải cải thiện cơ bắp và tình trạng sức khỏe của mình, chính vì vậy tôi đã tới ngay chỗ bác sĩ vật lý trị liệu. Tôi đã trải qua ba đợt điều trị ở chỗ ông. Trước mắt tôi còn hai đợt hóa trị nữa. Ở giai đoạn cuối tôi còn một đợt xạ trị, tới mùa hè là tôi sẽ được giải phóng khỏi bệnh viện. Điều đó có nghĩa là nửa năm sau đó sẽ không có bác sĩ K, không có cả bác sĩ L và các chị y tá của họ. Người ta rồi cũng sẽ quen với mọi việc. Kể cả các đợt hóa trị. Tôi đã nhận ra điều đó trong lúc rời khỏi trạm. Đột nhiên một cảm giác thật tươi vui bao trùm lấy tôi khi tôi tưởng tượng ra cảnh mình sẽ còn được điều trị ở đây thêm vài ba năm nữa. Lúc đó tôi sẽ chẳng còn sợ lũ u bướu nữa, chúng không thuộc về cơ thể tôi.
Thứ Năm ngày 12 tháng Giêng năm 2006
Lòng đầy hồ hởi, tôi đã quên mang theo bản copy của đợt chụp X-quang gần đây nhất tới cho bác sĩ K. Tim tôi đập thình thịch. Một luồng khí nóng bao trùm chảy hối hả trong cơ thể làm đỏ hồng đôi má vốn nhợt nhạt của tôi. Những đầu ngón tay tôi trở nên ngứa ngáy. Hai đùi mềm nhũn. Nhịp thở của tôi không tĩnh lặng mà trở nên hổn hển như hứng lấy từng giọt không khí trong lành.
Bác sĩ K nhìn tôi. Một lúc lâu. Lần này ông không chìa tay ra bắt mà kéo tôi hẳn về phía mình. Ông hôn lên hai má tôi.
Tôi đang tưởng tượng hay ở đây người ta đang tán tỉnh nhau theo cái cách tốt đẹp trước kia? Tôi ngẫm nhanh lại những lời khen của ông trong mười lăm phút vừa qua. Thêm vào đó là một ánh mắt nhìn như xuyên thấu và một nụ cười rạng rỡ khi tôi nói về vai trò quan trọng của ông trong cuốn sách của mình.