úng 5 giờ sáng, công anh ập vào chùa An Lạc. Từ lúc nào, bộ đội vây quanh khu vực chùa, chắn hết các lối ra vào, không ai biết. Chú tiểu Thích Thanh Bần chưa kịp rung hồi chuông sớ. Chú vừa nâng cái chày thì họng súng lạnh ngắt đã dí sát sau gáy chú, bắt chú buông tay xuống và đẩy chú trở vô. Chẳng hề sợ hãi, chú tiểu thản nhiên làm theo lệnh công an. Thân chú, chú không lo mà rất lo cho Hoàng Sơn Trường vì đêm qua Trường ngủ ở chùa. Trường định viết những trang đầu của chủ thuyết tiểu tư sản tại đây. Công an đã lùa chú tiểu Thích Thanh Bần vào chính điện, nơi đó, tất cả những người tu hành bị cưỡng bức tới, ngồi co ro một góc. Nhiều mũi súng chỉa sát. Những khuôn mặt lạnh lùng. Một lát, sư cụ được dẫn ra, được mời ngồi ở chỗ ngài ngồi tụng kinh niệm Phật nhưng quay lưng về phía Phật đài.Công an lên tiếng:- Ai là Thích Tâm Bình?Sư bác Tâm Bình trả lời:- Tôi.Công an hất đầu:- Anh đứng lên!Sư bác Tâm Bình đứng lên. Công an gọi tiếp:- Thích Giác Ngộ, Thích Chánh Đạo, Thích Giáo Lý, đứng lên!Ba nhà sư đứng lên.- Đáp “phải” hay “không phải”, thế thôi. Gọn ngắn và khẩn trương. Thích Tâm Bình, tên thật của anh là Lê Minh Mẫn, phải không?- Phải.- Thích Giác Ngộ, tên thật của anh là Nguyễn Trọng Thu, phải không?- Phải.- Thích Chánh Đạo, tên thật của anh là Phạm Tuấn, phải không?- Phải.- Thích Giáo Lý, tên thật của anh à Vũ văn Hiền, phải không?- Phải.- Kể từ phút này, chúng tôi bắt các anh!Công an còng tay bốn nhà sư lại.- Các anh nghe đọc “Quyết Định”.“Việt Nam Dân Chủ Cộng HoàĐộc lập - Tự do - Hạnh phúcBộ Nội VụSở Công An Nội Chính thành phố SàigònQuyết Định số.................. Bắt nhốt những tên Lê Minh Mẫn tự Thích Tâm Bình, Nguyễn Trọng Thu tự Thích Giác Ngộ, Phạm Tuấn tự Thích Chánh Đạo, Vũ văn Hiền tự Thích Giáo Lý can tội tổ chức bè phái chống phá cách mạng, đe dọa an ninh tổ quốc...”Công an hỏi:- Các anh có phản đối gì không?Bốn nhà sư cùng đáp:- Không.Công an lễ độ - thứ lễ độ giả tạo - nói với sư cụ:- Thưa thượng tọa, chúng tôi rất tiếc đã xúc phạm cửa Phật và thượng tọa. Chế độ ta không hề đàn áp tôn giáo, mọi công dân đều được tự do tín ngưỡng trong pháp chế của nhà nước. Những người bị bắt vì phạm pháp chế của nhà nước, chống phá chế độ nên bắt buộc chúng tôi phải bắt nhốt để giáo dục họ. Đồng thời chúng tôi mời hết các nhà sư về Sở để hỏi thăm vài việc. Chúng tôi sẽ khám xét chùa xem có tài liệu nào làm ô uế thanh danh chùa không, xin thượng tọa tha thứ...Sư cụ khoan thai:- Các ông cứ làm nhiệm vụ.Sư bác Tâm Bình xin phép công an thưa với sư cụ vài lời. Công an đồng ý.- Bạch Thầy, chúng con thật có lỗi với Thầy...Sư cụ mỉm cười độ lượng:- Chúng sinh đầy tội lỗi, riêng gì các con. Tham vọng, tham vọng lạc lối dẫn con người vào cõi u mê. Tự do là tội ác và hình phạt. Tự do là chiến tanh và ngục tù. Các con chỉ có lỗi riêng với thầy là đã giấu diếm hành động riêng tư của các con, không cho thầy biết. Nếu thầy biết, thầy sẽ hoan hỉ vào tù với các con...Công an khó chịu:- Đủ rồi, thưa thượng tọa. Nhà chùa không thể là cái ổ phản động và thượng tọa nên tụng kinh gõ mõ để lên Niết Bàn. Nhà tù khác Niết Bàn. Ở đó, thượng tọa không được ăn chay, không được gọt đầu, không được hưởng một tí đặc quyền đặc lợi nào hết. Và theo đúng Nội Quy nhà tù, mọi người phải gọi thượng tọa là anh. Thượng tọa cần sáng suốt để còn được xưng tụng là thầy cho đến lúc lên cõi Niết Bàn.Công an cứ nói, sư cụ đã vô thiền rồi. Họ lục soát chùa chiền, moi móc đủ chỗ, tự do xúc phạm chốn thiêng liêng. Trước khi giăng lưới bắt bốn nhà sư, họ đã theo dõi bốn nhà sư cả tháng trời. Họ biết những ai hay đến chùa, ngủ lại chùa. Ngô Tỵ, Trần Chiêm Đồng, Hoàng Sơn Trường có tên trong sổ đen công tác của họ. Họ điều tra lý lịch ba người thanh niên này. Họ nắm vững diễn tiến tư tưởng của Ngô Tỵ sau khi Ngô Tỵ ly khai Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh.Dĩ nhiên, họ có địa chỉ của từng người và rõ giờ giấc, địa điểm tới lui của từng người. Họ quyết đoán Tỵ, Đồng, Trường nằm trong tổ chức của bốn nhà sư. Họ không hề biết chú tiểu Thích Thanh Bần và Hoàng Sơn Trường thuộc một tổ chức riêng biệt, độc đáo. Chú tiểu Thích Thanh Bần cũng vô cùng ngạc nhiên. Nhưng chú rất sung sướng. Trường đã tâm sự với chú: “Ở thời của chúng ta, chỉ đánh chết chủ nghĩa cộng sản mới đắc đạo. Không dám đánh cộng sản thì dẫu chẳng nỡ giết con kiến cũng mang tội ác”! Chú tiểu Thích Thanh Bần không bị vướng mắc tâm hồn nữa. Còn nỗi niềm lo lắng trong chú là Hoàng Sơn Trường. Nếu Trường bị bắt, chủ thuyết tiểu tư sản ra sao và đâu là vũ khí tư tưởng võ trang toàn diện cho cuộc chiến đấu tiêu hủy chủ nghĩa cộng sản.Lịch sử có nhiều bất ngờ hữu hạnh và bất hạnh. Chủ thuyết tiểu tư sản đang nằm trên một sự bất ngờ của lịch sử. Chữ thời luôn luôn đúng cho mọi trường hợp, cho mọi thời đại, cho mọi người. Nó quyết định vận mạng của dân tộc và của nhân loại. Nếu Hoàng Sơn Trường bị bắt, bị chết chưa kịp viết xong chủ thuyết tiểu tư sản thì cái thời của Trường oan nghiệt quá. Người ta chỉ giăng lưới bắt cá nhỏ, không ngờ bắt luôn được cá mập. Chú tiểu Thích Thanh Bần lo lắng, hồi hộp và nuối tiếc.Công an đã dẫn Hoàng Sơn Trường ra, đẩy cậu ngồi chung với các nhà sư. Mấy trang bản nháp mở đầu cho chủ nghĩa tiểu tư sản cũng bị tịch thu. Giòng cuối còn tươi màu mực: “... Không còn tài phiệt khuynh loát quốc gia, không còn kỹ thuật nô lệ hóa con người, tước đoạt mọi sáng tạo của con người, không còn giáo điều cưỡng bức con người thù hận con người....”Người công an chỉ huy cuộc vây bắt hỏi Hoàng Sơn Trường:- Anh thuộc tổ chức sư mô phản động?- Không.- Anh đến đây làm gì?-Thăm bạn tôi là Thích Thanh Bần.- Thích Thanh Bần là ai?- Tôi đây.- Đứng lên... Cả Hoàng Sơn Trường nữa.Hai người bạn đứng lên.- Ngô Tỵ và Trần Chiêm Đồng quen hai anh?Chú tiểu Thanh Bần đáp:- Quen tôi thôi.Công an hỏi:- Bốn anh thuộc một tổ chức khác?Chú tiểu Thanh Bần nói:- Chúng tôi không có tổ chức, chưa có tổ chức.Người công an cầm mấy trang bản nháp, đọc qua, rồi hỏi:- Ai dám viết chủ nghĩa tiểu tư sản?Hoàng Sơn Trường trả lời:- Tôi.- Nhóc con mà viết nổi à? Ai đã nói với anh về chủ nghĩa tiểu tư sản?- Tôi suy tư và viết.- Nói thật đi, rồi về Sông Bé sống với gia đình. Đừng tưởng qua mặt nổi công an. Chúng tôi biết các anh hơn các anh biết các anh nữa. Các anh xui dục Ngô Tỵ ly khai cách mạng, rủ rê Trần Chiêm Đồng cấu kết người Hoa chống chế độ. Ai là tác giả chủ nghĩa tiểu tư sản dơ dáy, ăn bám.- Tiểu tư sản hào hoa, lãng mạn. Dơ dáy dùng cho chủ nghĩa khác.- Được rồi. Mẹ anh sẽ ân hận chứ không phải anh, nếu anh không nói ai dạy anh chủ nghĩa tiểu tư sản.Công an còng tay Hoàng Sơn Trường và Thích Thanh Bần với nhau để phân biệt hai vụ. Nhà lập thuyết và nhà sư chung một còng. Cuộc lục soát vẫn còn, kỷ lưỡng hơn, thận trọng hơn vì chủ thuyết tiểu tư sảnh chạm đúng nọc độc tôn của chủ nghĩa cộng sản. Hai người bạn trẻ có thể nói chuyện thầm thì.- Chúng ta vô duyên với lịch sử.- Đừng buồn. Cần tồn tại. Chúng ta không cần sống mà cần ý nghĩa của sự sống của chúng ta tồn tại. Vậy phải biết cách sống. Nhà chùa là sơ khởi, nhà tù là hoàn thành. Hoa nở ở nhà chùa, sẽ kết trái ở nhà tù. Phật xưa không viết. Chúa xưa không viết. Khổng Tử xưa không viết. Môn đồ của họ viết. Môn đệ của họ nghe rồi truyền giảng. Biết đâu, ở tù, chúng ta sẽ gặp người lỗi lạc. Và chủ nghĩa của chúng ta sẽ thăng hoa.- Cậu vẫn ước mơ?- Luôn luôn ước mơ.- Biết bao giờ khai sinh chủ nghĩa tiểu tư sản?- Cậu đã rung chuông khai sinh nó rồi.Công an thúc báng súng lên vai chú tiểu Thích Thanh Bần:- Bàn tán gì thế?Họ tháo còng ra và còng riêng từng người, bắt mỗi người ngồi một góc. Đến 10 giờ, cuộc lục soát hoàn tất. Công an phát giác nhiều truyền đơn, tài liệu học tập chống phá cách mạng. Họ lợi dụng cơ hội tịch thu toàn bộ kinh sách của nhà chùa. Họ tịch thu luôn “tài sản” của các nhà sư. Họ lập biên bản và đọc cho sư cụ nghe. Sư cụ vẫn thiền, họ lay sư cụ tỉnh và yêu cầu sư cụ ký vào biên bản xác nhận họ đã tới chùa, không gây huyên náo, không xúc phạm cửa Phật, chỉ tịch thu tang vật phản động.Sư cụ không ký, ngài nói:- Với Phật tử, cái có là cái không, cái được là cái mất, mọi chuyện trên đời ra cái gì đâu mà quý ông bắt tôi ký.Người công an chỉ huy cười thật đểu:- Này sư cụ, Phật không dạy thế đâu, sư cụ đừng chơi chữ. Với người cộng sản, được thì chẳng bao giờ mất cả. Sự ưu việt của chủ nghĩa chúng tôi thừa khả năng biến cái vô sắc thành hữu sắc.Sư cụ lặng thinh. Chú tiểu Thích Thanh Bần tiếp lời Thầy:- Nhưng các ông không đủ khả năng biến cái vô sản thành hữu sản. Các ông chỉ có tài biến cái vô sản thành cái vô cùng tăm tối.Người công an chỏ tay về phía chú tiểu:- Ký sinh trùng ăn bám xã hội, trốn tránh lao động, phản tiến bộ mà cũng dám nói hỗn à?Chú tiểu bình tĩnh:- Tôi đã đọc nhiều sách vở về chủ tịch Hồ Chí Minh, thấy chủ tịch nói năng đạo đức chứa chan hơn cả Phật, cả Chúa. Ngôn ngữ và cung cách của ông đối với những người tu hành khiến tôi nghi ngờ cái vĩ đại của Hồ chủ tịch. Ông nên lễ độ để làm sáng danh người cộng sản. Chúng tôi đã đi tu thì đi tù cũng thế và sống hay chết đều vô nghĩa. Người cộng sản hình như, chưa ai dám tự thiêu. Chúng tôi có nhiều người đã dám tự thiêu. Và sẽ có cả tôi, nếu cần.Người công an bĩu môi:- Xăng dầu không thừa cho anh dùng vào việc tự nướng cái thân anh. Bọn Mỹ Ngụy xúc động chuyện tự thiêu của các anh chứ người cộng sản thì dửng dưng. Anh tự thiêu, chúng tôi sẽ đánh thuế ngu và bắt thân nhân anh phải nộp. Ở tù, một que diêm cũng bị cấm, nghe chưa?Chú tiểu nói:- Khi tôi cần tự thiêu, tôi tự thiêu bằng lửa của trái tim tôi, hiểu chưa?Sư cụ lên tiếng mắng chú tiểu:- Thanh Bần, con nói nhiều quá.Rồi sư cụ vẫy người công an:- Đưa đây, tôi ký.Người công an bảo sư cụ giữ một tờ biên bản, đoạn nghiêng mình rất hài hước, xấc láo:- Nhà nước bảo về chùa An Lạc một thời gian. Từ nay cấm mọi đàn chay, lễ lạc.Công an dẫn dắt các nhà sư rút khỏi chùa. Chú tiểu Thích Thanh Bần bị đưa về Sở Công An. Hoàng Sơn Trường đi đâu, chú không rõ. Khoảng 22 giờ cùng ngày, ngó qua ô cửa cachot, chú thấy Ngô Tỵ và Trần Chiêm Đồng. Đợi khuya vắng, cai ngục ngủ gà ngủ gật, chú gọi Ngô Tỵ, Trần Chiêm Đồng và dặn dò nên khai báo sự thật, không cần dấu diếm vì giấu diếm sẽ có thể bị khai thác dài dài và làm liên lụy những người khác.Ngay hôm sau, chú tiểu Thích Thanh Bần được gọi ra làm việc và chú được “vinh dự” với Mai Chí Thọ.- Nghe nói chú đọc nhiều sách lắm phải không?- Không nhiều lắm. Tôi nghèo và ít thì giờ.- Chú đã đọc Tiêu Sơn tráng sĩ chưa?- Rồi.- Và chú muốn biến chùa An Lạc thành chùa Tiêu Sơn?- Ông hiểu lầm đó.- Chú nghĩ gì về Phạm Thái?- Tôi yêu nhà Tây Sơn.- Yêu nhà Tây Sơn mà chú lại noi gương Chiêu Lỳ?- Phạm Thái và tôi khác nhau đủ thứ, tâm trạng và thời đại, tài hoa và ước mơ.- Phạm Thái là tên phản động. Tây Sơn là cách mạng, là chúng tôi.- Thư ông, tôi đứng về phía Tây Sơn khi Gia Long đã diệt xong Tây Sơn.- Tôi không hiểu chú muốn nói gì?- Khi ấy, Gia Long hạ Tây Sơn xuống hàng... Ngụy!- Bây giờ thì tôi hiểu chú.Mai Chí Thọ mời chú tiểu Thích Thanh Bần hút thuốc Lucky. Chú thản nhiên rút thuốc, châm lửa, nhả khói.- Chú định nghĩa tráng sĩ là gì?- Là người phù suy.- Ngụy đã thịnh.- Lúc này Ngụy suy.- Thịnh suy là định luật của muôn đời, chú chống nổi chân lý?- Ngụy chưa hề thịnh. Tôi muốn nói về những người ngụy Tây Sơn thời đại của tôi.- Tôi lại hiểu thêm chú chút nữa.- Cám ơn ông.- Ai đã nói với chú về chủ về chủ nghĩa tiểu tư sản?- Bạn tôi, Hoàng Sơn Trường?- Hoàng Sơn Trường?- Vâng, thần tượng của tôi, nhà lập thuyết trẻ nhất lịch sử triết học cổ kim, đông tây.- Tôi không tin bạn chú ghê gớm vậy.- Tại vì hoặc ông kiêu ngạo, hoặc ông chẳng biết cái gì khác ngoài cái miệng giếng chủ nghĩa cộng sản của ông!Mai Chí Thọ muốn bợp chú tiểu Thích Thanh Bần vài cái. Ngụy quân tử đã nén giận, mỉm cười, lên mặt đạo đức:- Chú sẽ nên người nếu được giáo dục tốt.- Cám ơn ông, tôi vẫn được giáo dục tốt.- Tôi sẽ làm việc với chú vào dịp khác.Mai Chí Thọ nhấn chuông. Một người công an khác dẫn chú về cachot. Từ lúc này, tay chú bị còng chéo vào chân. Dĩ nhiên, đó là lệnh của giám đốc Mai Chí Thọ.