Phần II– Chương 14
“KHẮP NƠI, KHẮP XỨ, CHỖ NÀO CŨNG CÓ THỂ CÓ NHỮNG LOÀI CHÚNG SANH CƯ NGỤ”

Trong cuốn Lăng Kính Ðại Thừa, trang 182, cụ Nghiêm Xuân Hồng đã viết "Khoa học ngày nay cũng khám phá nhiều những Quang tuyến vũ trụ (Radiation cosmisque). Khoảng không gian bao la giữa các hành tinh, mà trước kia các khoa học gia tưởng là tuyệt đối trống rỗng, thì nay họ khám phá thấy có rất nhiều quang tuyến vũ trụ. Những quang tuyến này đạt tới những tần số ghê gớm, còn gấp bội tần số của Quang tuyến gamma, và thường xuyên oanh tạc bầu khí quyển của Trái đất, và chắc chắn tạo nên nhiều sự chuyển hóa chưa thể biết được".
Ðiểm này chứng minh lời kinh xưa dạy rằng "khắp nơi, khắp xứ, chỗ nào cũng có đầy quang minh. Và cũng đều có thể có những loài chúng sanh cư ngụ".
Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu xem lời kinh xưa mà cụ Hồng đã trưng dẫn có đúng không?
Hành tinh mới phát hiện có thể có đời sống sinh vật
(10)
Tiến sĩ Geoffrey W. Marcy, Thiên văn gia tại đại học San Francisco, và Paul Butler; sau tám năm quan sát tại Thiên văn đài Lick ở San Jose, đã phát hiện hai Hành tinh chạy quanh quĩ đạo của Sao Mặt trời.
Nhiệt độ của hai Hành tinh này có vẻ ấm áp nên có thể có nước ở thể lỏng, điều kiện cần thiết cho những Tiến trình hóa học (Chemical process) và có thể có đời sống sinh vật ngoại từng không gian. Hai Hành tinh quá cỡ Mặt trời nay lớn hơn Mộc tinh (Jupiter) rất nhiều, đang cặp kè với Sao 70 Virginis, ở trong Chòm sao Xử nữ (Virgo), và Sao 47 Ursae Majoris ở dưới Cán Gáo (The Big Dipper) ở trong Chòm sao Ðại Hùng Tinh (Ursa Major). Chúng ở cách xa Trái đất 35 quang niên. Chúng nhỏ bé và mờ tối trước ánh sáng rực rỡ của hai ngôi sao mẹ, nhưng có Trọng trường (Gravity) rõ rệt.
Việc khám phá này cùng với việc phát hiện một Hành tinh chạy quanh quĩ đạo của Sao Pegasus 51 hồi tháng 10-1995 khiến các khoa học gia tăng thêm tin tưởng rằng Thái Dương hệ độc đáo hơn những Hành tinh hệ bình thường khác. Ðiều này ngụ ý rằng đời sống sinh vật, kể cả đời sống văn minh đã có khắp nơi trong vũ trụ.
Tiến sĩ Alan P.Boss, một Lý thuyết gia Thiên văn tại Viện Carnegie ở Hoa Thịnh Ðốn, nói rằng "Chúng ta thật sự đang bắt đầu một kỷ nguyên Thiên văn mới. Chúng ta sẽ tìm thêm nhiều Hành tinh khác trong thập niên tới".
Tiến sĩ William J. Boruchi, Thiên văn gia tại Trung tâm Nghiên cứu Ames ở Mountain View nói "Ðây là sự trở lại lần thứ hai của Marco Polo và Kha Luân Bố: Chúng ta đã tìm thêm những thế giới mới".
Cơ quan quan trị Hàng Không Không Gian (NASA) loan báo ưu tiên hàng dầu của họ trong vũ trụ. Họ sẽ dùng những máy móc tối tân để chụp hình những Hành tinh nhỏ như Trái đất, và quan sát sự phản xạ ánh sáng để tìm bằng chứng đời sống sinh vật của chúng.
Tháng 10-1995, các khoa học gia Thụy Sĩ đã phát hiện một Hành tinh chạy quanh quĩ đạo của Sao Pegasus 51 ở cách xa Trái đất 40 quang niên. Hành tinh này chỉ nhỏ bằng nửa Mộc Tinh, nhưng vì ở gần Sao Pegasus quá nóng nên không thể có đời sống sinh vật.
Marcy và Butler phát hiện hai Hành tinh này nhờ quan sát sự thay đổi ánh sáng từ các vì sao phát ra. Những Biến thiên mẫu mực này khiến họ cho rằng Trọng trường lực của một hành tinh lớn, đang chạy quanh quĩ đạo gần đó, đã gây nên lối Chuyển động lệch lạc (wooble) của các vì sao. Những Mẫu mực này rất đơn giản như Kepler và Newton đã tiên đoán trước đây.
Marcy nói "Chúng ta không thể giải thích cách nào khác ngoài việc một hành tinh đã gây nên sự lệch lạc đó".
Cả hai Hành tinh mới phát hiện đều tương đồng với Mặt trời về kích thước, nhiệt độ và tuổi tác. Các khoa học gia đang cố gắng tìm kiếm 200 Hành tinh tương tự như Mặt trời ở cách Trái đất 100 quang niên.
Hành tinh chạy quanh quĩ đạo Sao 70 Virginis trong một Tâm sai (Eccentric) 110 ngày. Khoảng cách của Hành tinh này với Sao 70 Virginis bằng khoảng cách giữa Thủy Tinh (Mercury) và Kim Tinh (Venus). Nó có Trọng khối bằng 8.1 Trọng khối của Mộc Tinh (Jupiter) là một Thiên thể lớn nhất trong Thái dương hệ, lớn hơn Trái đất 317.8 lần. Bằng cách đo lường ánh sáng và khoảng cách của Sao 70 Virginis, các Thiên văn gia có thể xác định số nhiệt lượng mà Hành tinh này đã thâu hút. Rồi dùng công thức chuẩn, họ đo nhiệt độ ở bề mặt của Hành tinh này vào khoảng 185 độ Fahrenheit, tức là nhiệt độ của một ly trà ấm. Vì vậy, Hành tinh này phải có hơi nước ở thể lỏng.
Marcy nói “Nhiệt độ của Hành tinh này đủ lạnh để cho phép những Phân tử phức tạp từ Thán khí đến những Phân tử hữu cơ (Organic molecule) hiện hữu. Các Thiên văn gia nói mặc dầu Hành tinh nói trên được phỏng đoán là một Thiên thể hơi khí (Gaseous body) như Mộc tinh, nó cũng có những vệ tinh với bề mặt cứng và cùng nhiệt độ ấm áp, và có viễn tượng tốt đẹp của đời sống sinh vật.
Hành tinh thứ hai lớn hơn Mộc tinh ba lần. Nó chạy quanh qũi đạo tròn cách xa Sao 47 Ursae Majoris một khoảng cách từ Mặt trời đến khoảng giữa Hỏa tinh (Mars) và Mộc tinh, và chạy hết một vòng trong 1,100 ngày. Nhiệt độ ở bề mặt của nó bằng -112 độ, nhưng trong hạ tầng khí quyển của nó ấm áp hơn khiến nó có thể có nước ở thể lỏng, và nhiều vệ tinh có nhiệt độ ôn hòa.
Vì Hành tinh này ở cách xa Sao 47 Ursae Majoris một khoảng cách gần bằng khoảng cách của Mộc tinh (với Mặt trời), Butler nói "Chúng ta chưa từng thấy Hành tinh hệ nào giống nhiều như Thái dương hệ của chúng ta".
Tóm lại, Hành tinh chạy gần Sao Pegasus 51 quá nóng, Hành tinh chạy xa Sao 47 Ursa Major quá lạnh, và chỉ Hành tinh gần 70 Virginis được tin là ấm áp và có thể có nước.
Ði tìm một chàng không gian
(11)
Những người ở ngoại tầng không gian có thể đã chế tạo những Phi thuyền liên tinh tú (Starship) với tốc độ bay hàng ngàn dặm trong một giây đồng hồ khiến họ có thể du hành giữa các vì sao.
Các sưu tầm viên thuộc SETI (Chương Trình Tìm Kiếm Những Nền Văn Minh Ngoài Trái đất) có thể phát hiện được những Phóng xạ quang tuyến (Radiation) phát ra từ một vài loại Phi thuyền ở cách xa Trái đất 2,000 quang niên, tức là 500 lần khoảng cách của vì sao gần nhất với Trái đất. Họ đã dùng viễn vọng kính vô tuyến để nghe ngóng tín hiệu của người không gian. Một số khoa học gia đã đề nghị chế tạo những Phi thuyền liên tinh tú có thể bay nhanh gần phân số của tốc độ ánh sáng và đến một vì sao gần nhất trong vòng một hay hai đời người.
Robert Zubrin, kỹ sư trưởng tại Cơ Quan Hàng Không Không Gian Martin Marietta ở Denver, đã phân tích rằng những Phi thuyền của người không gian có thể được phát động bốn cách căn bản:
Phá vỡ Hạt nhân
(Nuclear fission) như trong các lò nguyên tử thương mại; Nhiệt hợp hạt nhân (Nuclear fusion), trộn hạch tâm như trong những bom hạch tâm nhiệt; Hỏa tiễn Ðối vật thể (Antimatter rocket), trộn Vật thể với Ðối vật thể để tạo Năng lượng thuần; và Sức đẩy của điện từ (magnetic sail), tạo nên những Trọng trường mạnh để tương tác với những Phân tử ở trong khoảng cách các Hành tinh như Gió Mặt trời (Solar wind).
Bằng những cách này, Phi thuyền có thể bay với tốc độ mấy ngàn dặm trong một giây đồng hồ, Zubrin nói “Ánh sáng phát ra từ các Phi thuyền có thể được Viễn vọng kính Hubble phát hiện ở một khoảng cách chừng vài trăm quang niên nếu đầu hỏa tiễn hướng về Trái đất”.
Tuy nhiên, việc du hành liên tinh tú làm các khoa học gia ở SETI sởn da gà bời vì các vì sao ở cách nhau quá xa khiến việc du hành này chẳng khác gì lên Thiên đàng vậy.
Ðài Thiên văn Parkes ở úc Châu có một Dĩa thu (disk) đường kính 210 bộ (feet). Ðài sẽ nghe ngóng và phân tích 28 triệu băng tần vô tuyến phát ra từ những làn sóng của máy vô tuyến, truyền hình, và những Tín hiệu vi ba (Microwave signal).
Những tín hiệu này phải mất vài thế hệ mới đến được những vùng quá xa của không gian. Kể từ khi máy vô tuyến được phát minh cách đây một thế kỷ, Trái đất đã gởi đi một số lớn tín hiệu. Có lẽ những tín hiệu đó chưa đủ thời gian để đến tai các người không gian ở quá xa để họ biết có sự hiện diện của chúng ta ở đây.
Các Thiên văn gia báo cáo trong thời gian qua, họ đã nhận rất nhiều tín hiệu của người không gian, nhưng chưa có tín hiệu nào được xác nhận.
Các khoa học gia tin rằng người không gian phải có mặt ở nơi nào đó trong vũ trụ.
Những nền văn minh trong vũ trụ
Bài này đăng trong báo Mới, số ra tháng 8-1995, tác giả đã trình bày đầy đủ chi tiết về Tinh tú, Thiên hà, nhất là những nền văn minh trong vũ trụ. Ðây là một bài có giá trị cũng như một số bài khác của báo Mới nói về Thiên văn, Khoa học, và Y học v.v...
Tôi xin phép tác giả ghi lại những tin tức phù hợp với lời dạy của Ðức Phật là "khắp nơi, khắp xứ, chỗ nào cũng có thể có những loài chúng sanh cư ngụ".
"Thiên hà là một tạp hợp nhiều hệ thống sao và Hành tinh. Trong toàn bộ vũ trụ có chừng trên 100 tỉ thiên hà (tài liệu tôi đọc nói 200 tỉ). Giải Ngân Hà của chúng ta có trên 100 tỉ ngôi sao (tài liệu tôi đọc có 400 tỉ). Như vậy toàn bộ vũ trụ có chừng 1,201 Sao Mặt trời.
Trong Hệ Thiên hà của chúng ta (Giải Ngân Hà) có chừng 10 tỉ Hành tinh giống như Hành tinh Trái đất của chúng ta.
Chòm sao Toseti (Cá Voi) ở cách Trái đất 12.2 quang niên, và sao Epsilon ở cách xa Trái đất 10.8 quang niên. Hai chòm sao này có những điều kiện lý sinh gần giống với Mặt trời của chúng ta.
Hệ Mặt trời Sentauri ở cách Trái đất 4.1 quang niên. Các nhà Thiên văn cho rằng hình như hệ này cũng có các Hành tinh với những điều kiện sống tương tự như Trái đất.
"Các khoa học gia đã đi đến kết luận rằng hiện nay trong Giải Ngân hà phải tồn tại hàng triệu nền văn minh đang độ phát triển rực rỡ.
Năm 1972, tại Hội Nghị Du hành Vũ trụ Quốc tế, các Thiên văn gia cho rằng có khoảng 10,000 nền văn minh ở cách Trái đất không quá 800 quang niên. Các nhà khoa học cho rằng trong vũ trụ phải có hàng triệu Hành tinh có nhiều đặc điểm gần giống với Hành tinh Trái đất của chúng ta, và có thể ở các Hành tinh đó cũng có những sinh vật có trí tuệ...
"
Nếu gởi một vô tuyến điện đến một Thiên hà gần nhất cách chúng ta chừng 1,000 quang niên, và nhận được điện phúc đáp phải mất 2,000 năm.
Một phi thuyền bay nhanh gấp mười lần phi thuyền bây giờ phải mất 40,000 quang niên mới đến được những ngôi sao cách chúng ta 10 quang niên.
Một phi thuyền bay nhanh nhất phải bay 100,000 năm mới bay qua Giải Ngân Hà của chúng ta.
Ði tìm một nàng không gian
(12)
NASA đã khởi công tìm kiếm không gian từ năm 1963, nhưng bị các nhà lập pháp ngăn cản nên tổ chức SETI ở California ra đời.
Trong năm tháng liên tiếp, Viễn vọng kính Parkes ở Úc Châu đã thanh lọc nhiều tỉ sóng vô tuyến trong Giải Ngân Hà để tìm kiếm đời sống ngoại tầng không gian ở trên 200 vì sao. Ðây là một phần của Dự án Phượng Hoàng; theo đó, các đài Thiên văn trên thế giới sẽ hoàn tất việc quan sát 1,000 ngôi sao vào cuối thập niên này.
Seth Shostak, phát ngôn viên của Dự án nói phần lớn những vì sao được quan sát phải giống Mặt trời về tuổi tác và kích thước, với những Hành tinh giống Trái đất, và có thể có đời sống sinh vật.
Sao gần nhất với chúng ta là 4.5 quang niên, và sao xa nhất là 150 quang niên.
Dự án nhằm mục đích phân tích những tín hiệu nhân tạo được đánh đi trong vô vàn sóng thiên nhiên của vũ trụ. Nếu bắt được những làn sóng nhân tạo, đó có thể là dấu hiệu của một nền văn minh của người không gian.
Qua những tài liệu nói trên, chúng ta thấy NASA đã bắt đầu tìm kiếm người không gian từ năm 1963. Cho đến nay họ đã tìm được hai Hành tinh có điều kiện sống giống Trái đất.
Ngày 6-11-96, báo chí loan tải các Thiên văn gia Vô tuyến thuộc đại học Illinois đã phát hiện dấu vết của một loại dấm ăn tên là Acetic acid ở trong một đám mây liên tinh tú tên là Sagittarius B2 Bắc, ở cách Trái đất 25,000 quang niên (13).
Ðây là một Phân tử hữu cơ có thể giữ vai trò tạo dựng đời sống. Amino acid là những viên gạch cấu tạo đời sống. Proteins và DNA phối hợp nhau để thành Amino acid có trong cơ thể của mọi sinh vật.
Nước đái quỷ (Ammonia) đã được phát hiện trong một vùng liên tinh tú cách đây trên 25 năm.
Tháng 8-1996, báo chí cũng loan báo rằng các khoa học gia đã trưng dẫn bằng chứng có đời sống sinh vật ở Sao Hỏa sau khi nghiên cứu những Vật hữu cơ và khoáng chất bám vào một mảnh Ðá trời (Meteorite) đã rớt từ Sao Hỏa xuống mặt đất.
Cũng trong tháng này, họ công bố rằng những hình ảnh do phi thuyền Galileo chụp ngày 6-27-96 cho thấy có những tảng băng lớn ở trên mặt Europa, một Vệ tinh của Mọc tinh (Jupiter).
Ðiều này khiến các khoa học gia cho rằng có đại dương ở trên mặt Vệ tinh Europa mà họ đã tiên đóan vào năm 1979. Họ cho rằng nếu có đại dương phải có nước, mà có nước tất phải có đời sống sinh vật ở Sao Hỏa.
Những chú bé da xanh từ Sao Hỏa xuống
Tháng năm 1996, báo Mỹ tường thuật rằng những Ðá trời rớt từ Sao Hỏa có thể đem theo đời sống sinh vật xuống Trái đất. Các khoa học gia nói rằng Sao Hỏa đã ném hàng tấn đá xuống Trái đất, nhưng phần lớn chúng đã bay lạc đi những nơi khác.
Những đá trời cỡ nhỏ này thường bùng cháy khi vào khí quyển của Trái đất. Người ta đã nhặt được 17,000 Vẫn thạch (Ðá trời), và qua những phân tích hóa học có 11 hòn được coi như từ Sao Hỏa xuống.
Ðá trời có đủ cỡ: Có hòn bằng trái núi, có hòn nhỏ như đá sỏi; và chúng đã bay vi vút trong thái dương hệ cách đây hàng tỉ năm. Những Ðá trời bay xẹt trong bầu trời Texas và California hồi đầu tháng này là những Vẫn thạch, còn gọi là Sao Xẹt.
Ðã từ lâu, người ta cho rằng có đời sống sinh vật trên Sao Hỏa cho nên những Ðá tròi này rớt xuống có thể đã đem theo đời sống sinh vật. Các khoa học gia cho rằng có khoảng 1% số Ðá trời rớt xuống đã đến Trái đất trong sáu tháng.
Những cuộc nghiên cứu cho biết rằng những vi sinh vật có thể tồn tại trong không gian ít nhất sáu tháng. Ví dụ một vệ tinh được phóng đi cách đây trên một năm, khi trở về Trái đất đã đem theo những sinh vật còn sống. Những mẫu đất do các phi hành gia Apollo thâu lượm được trên Mặt trăng cho thấy rằng những vi sinh vật ở Trái đất có thể sống lâu dài trên mặt trăng.
Ðiều đó chứng tỏ rằng Trái đất có thể đã có những quý khách từ Sao Hỏa xuống viếng. Nếu Sao Hỏa có đời sống sinh vật, ít nhất phải có một số đã viếng thăm Trái đất. Chúng có thể là những chú bé da xanh nguyên quán từ Hỏa tinh.
Tìm thấy hồ nước đá ở mặt trăng
Tháng 2-1996, báo chí Mỹ loan báo phi thuyền Clementine – phóng đi hồi tháng Giêng 1995 – đã phát hiện một hồ nước đá nằm sâu trong một Miệng núi lửa khổng lồ ở nam cực Mặt trăng. Miệng núi lửa này có tên là Lưu vực Aitkin nam cực, có đường kính 1,5000 dặm, và chiều sâu tám dặm. Diện tích nước đóng băng phát hiện ở đây lớn bằng cái hồ sâu vào khoảng 30 thước.
Các khoa học gia nói chúng ta sẽ dùng nước này để uống, trồng cây, tạo thực phẩm, và biến chế thành nhiên liệu để khỏi đem từ Trái đất lên. Sau đó, loài người có thể lên ở trên mặt trăng để từ đó đi thám hiểm những Hành tinh khác.
Phía nam cực của mặt trăng luôn luôn tối và có nhiệt độ -382 F. Vì mặt trăng không có khí quyển để giữ lại hơi khí và ẩm thấp nên việc phát hiện hồ nước đá này cho biết Mặt trăng có thể được tạo thành cách dây bốn tỉ năm.
Cho đến nay, khoa học đã đến gần ngưỡng cửa của việc phát hiện đời sống sinh vật ở ngoại tầng không gian. Tháng 8 năm 1996, các khoa học gia đã có bằng chứng về đời sống sinh vật ở Sao Hỏa. Tháng 12 năm 1996, khoa học lại phát hiện hồ nước đá ở trên Mặt trăng.
Không chóng thì chầy, khoa học sẽ khám phá ra đời sống sinh vật thật sự ở ngoài Trái đất. Khi khoa học đạt được mục tiêu này, lời Phật dạy sau đây sẽ được xác nhận:
"khắp nơi, khắp xứ, chỗ nào cũng có đầy quang minh. Và cũng đều có thể có những loài chúng sanh cư ngụ".
Khi Phật nói như vậy, Ngài ngụ ý có những chúng sanh trong thế giới hữu tình, và có những chúng sanh trong những thế giới vô hình. Tất nhiên, khoa học không thể phát hiện được những chúng sanh vô hình trong những thế giới vô hình vì họ không có Phật nhãn.
Như vậy quí vị có đồng ý với tôi rằng đạo Phật là đạo siêu khoa học hay không?
"Trong bầu trời có vô vàn, vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng" (Lời Phật).
Trong băng giảng "Hoa Sen Trong Bùn", HT Thích Thanh Từ đã nhắc lại lời của đức Thế Tôn rằng:
"Trong bầu trời có vô vàn, vô số thế giới nhiều như số cát sông Hằng."
T
rong kinh Lăng Nghiêm, đức Quan Thế Âm cũng nói, "Trong thế giới tam thiên đại thiên thế giới này có trăm ức mặt trời trời mặt trăng."
Rồi trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phổ Hiền lại dạy, "Tất cả các thế giới đó hình dạng khác nhau: Hoặc hình xoáy nước, hình xoắn ốc, hình bán nguyệt, hình trục xe, hình bảo hoa xoay tròn v.v... Thế giới có vi trần số hình dạng như vậy."
Trong hai bài, "Hình dạng thế giới" và "Có trăm ức mặt trời, mặt trăng," tôi đã đưa những bằng chứng cụ thể chứng minh rằng nhị vị Bồ tát nói trên đã thấy những gì mà khoa học ngày nay đang dần dần khám phá ra.
Hôm nay, khi đọc bài "Bất ngờ, tinh tú mọc thêm nhiều trong vũ trụ" (Suddenly, cosmic sprouts more stars," tôi phải đê đầu bái phục ba vị Phật đã dùng Phật nhãn thấy được vô vàn, vô số Thiên hà cùng vi trần số hình dạng của chúng.
Thật là nhiệm mầu, thật là bất khả thuyết, thật là quá sức tưởng tượng của loài người.
Tôi xin tóm lược bài báo nói trên như sau:
Trong liên tiếp mười ngày tập trung ống kính vào một vùng nhỏ hẹp trong bầu trời, Viễn vọng kính Hubble đã chụp được những tấm hình đầy đủ chi tiết từ trước đến nay chưa từng có của vô vàn, vô số Thiên hà (Galaxies) khác nhau ở sâu trong không gian như đang trở lại lúc khởi thủy của thời gian ban đầu.
Nhờ thành quả này chúng ta thấy số lượng các Thiên hà trong vũ trụ đã gia tăng khủng khiếp tăng đến 50 lần nghĩa là hơn năm lần mà các Thiên văn gia trước kia đã ước tính. Mặt trời là một trong 50 đến 100 tỉ tinh tú trong Giải Ngân Hà.
Tiến sĩ E. Williams, Giám đốc viện Viễn Vọng kính Không Gian ở Baltimore, tuyên bố, "Vùng nhỏ hẹp đó sẽ là vùng phải nghiên cứu đặc biệt trong thập niên tới."
Vùng nhỏ hẹp trong bầu trời được quan sát chỉ rộng bằng 1/25 của một độ (degree), hay chiếm một diện tích bằng một hạt cát để trên cánh tay. Thế mà, các Thiên văn gia báo cáo đã phát hiện ở nơi đó có từ 1,500 đến 2,000 Thiên hà.
Các Thiên văn gia không chắc chắn rằng họ đã tiên đoán đúng thời điểm thành lập Thiên hà khi họ nghĩ rằng thời điểm thành lập Thiên hà khi họ nghĩ rằng thời điểm này bắt đầu khi vũ trụ còn rất nhỏ, nhỏ từ 5 đến 10% kích thước của vũ trụ hiện thời.
Các Thiên văn gia rất phấn khởi khi quan sát những tấm hình đa dạng của Thiên hà. Có những Thiên hà hình xoắn và bầu dục quen thuộc, có những Thiên hà có những hình thể khác nhau, và có những Thiên hà đường thẳng (Linear), và những Thiên hà có những hình dạng giống như những Thiên hà đã phát hiện từ trước. Một số Thiên hà khác nữa có thể có những hình dạng giống như hình dạng trong thời kỳ mới thành lập.
Trong một cuộc họp báo, Williams nói, "Có những Thiên hà lớn, những Thiên hà nhỏ, có những cái đỏ, những cái xanh, có những cái cấu trúc tạm bợ. Chúng ta chưa từng thấy những Thiên hà này trước khi Viễn vọng kính Hubble thấy. Chúng ta chưa biết cái nghĩa lý gì của chúng hết."
Chúng ta biết việc khám phá này sẽ thay đổi lối ước tính tinh tú của các Thiên văn gia trong vũ trụ.
Andrew Fruchter, một Thiên văn gia tại Viện Viễn Vọng kính Không gian nói, "Chúng ta chỉ biết có rất nhiều Thiên hà trong bầu trời cũng như biết một số tinh tú trong Giải Ngân Hà của chúng ta."
Tất nhiên, chẳng ai biết đích xác có bao nhiêu Thiên hà trong Giải Ngân Hà. Một Thiên văn gia khác nói trong Giải Ngân Hà có thể có 100 tỉ, không phải 50 tỉ tinh tú. Có những Thiên hà lớn, những Thiên hà nhỏ, và một trong những Cụm sao (Clumps of Stars) có thể có hàng tỉ tinh tú.
Vùng mà Viễn vọng kính Hubble đã chụp được hình những thiên hà mới ở gần cán của Cái Gáo Lớn (The Big Dipper) là một phần của Chòm Sao Ðại Hùng Tinh (Ursa Major).
COBE (Cosmic Background Explorer Satellite: Vệ Tinh Thám Sát Hậu Cảnh Vũ Trụ) được phóng đi cách đây sáu năm để quan sát những Phóng xạ quang tuyến (Radiation) còn rớt lại sau vụ Bùng Nổ Lớn (The Big Bang) đã không chụp hình như Viễn vọng kính Hubble.
Xin quý vị lưu ý hai điều dưới đây:
Thứ nhất, cách đây 50 năm, Albert Einstein nói trong vũ trụ này có độc nhất Giải Ngân Hà. Mấy thập niên gần đây, các nhà Thiên văn vật lý đã khám phá rằng vũ trụ có vô vàn, vô số Thiên hà (Galaxies).
Thứ hai, cũng qua những khám phá trong những thập niên gần đây nhất là việc khám phá mới nhất mà bài báo nói trên đã tường trình các nhà Thiên văn vật lý đã thấy vi trần số hình dạng khác nhau của vi trần số Thiên Hà.
Tuy cách nhau 25 thế kỷ mà sự quan sát và mô tả của đức Thế tôn với những vị Bồ tát cùng với các nhà Thiên văn vật lý ngày nay giống nhau như đúc.
Xin quý vị đọc lại lời dạy của ba vị Phật và lời tuyên bố của khoa học gia ngày nay để thấy tôi nói có đúng không?
Nếu đúng, quí vị có tin rằng đạo Phật là một đạo Siêu khoa học hay không?