Phần IV – Chương 22
NGUỒN GỐC VÀ CẤU TẠO VŨ TRỤ

Khoa học về nguồn gốc vũ trụ (Cosmogony) nhằm tìm hiểu vũ trụ bắt đầu thành lập từ bao giờ, và thành lập như thế nào?
Khoa học về cấu tạo vũ trụ (Cosmology) nhằm tìm hiểu cấu trúc của vũ trụ cùng những thành phần lớn của nó.
Khoa học về hình thái vũ trụ (Cosmography) nhằm mô tả hình dạng của vũ trụ cùng những thành phần lớn của nó.
Theo định nghĩa của các Vật lý gia, vũ trụ không biên giới, không có bắt đầu và cũng không có tận cùng (Vô thỉ vô chung). Tuy nhiên, có một số Vật lý gia ước tính rằng chiều dài của vũ trụ bằng 20 Sextillion/dặm (1Sextillion bằng 1 + 21 số 0).
Theo thuyết Tương Ðối chung của Einstein, vũ trụ không phẳng mà vặn vẹo (Warped).
Muốn biết hình dạng của một vật, ta phải đứng ngoài vật đó. Ví dụ, nếu đứng trong khu Disneyland, ta không thấy được hình dạng của nó. Nhưng nếu đứng cách xa độ vài dặm, ta thấy một lâu đài cổ có tháp nhọn và một quả cầu tròn.
Sống trong vũ trụ, vì chúng ta quá nhỏ bé nên không thể thấy được hình dạng của nó. Nhưng có một vị thấy được: Ðó là đức Quán thế Âm Bồ Tát.
Ngài thấy hình dạng vũ trụ như là một bông Ðại Bửu Liên Hoa (Bông Sen Lớn Quí). Xin xem bài Ðức Quán thế Âm có phải là bậc đại Thiên văn Vật lý không? Trang 219.
Thuyết Vũ Trụ Bùng Nổ Lớn (The Big Bang) bao gồm cả hai thuyết trên vì thuyết này nhằm cắt nghĩa cả nguồn gốc và cấu tạo vũ trụ.
Tôn giáo giải thích nguồn gốc và cấu tạo vũ trụ theo nhãn quan riêng. Ðó là nhãn quan của những bậc tu chứng đã đắc đạo như Ðức Phật, chư vị Bồ Tát cùng những Thánh nhân đã thấy Nguyên tử, những Hạt Vi Phân Tiềm Nguyên Tử, xuống đến Siêu Tơ Trời (Super String) và Tachyon. (Xin xem bài Nguyên Tử).
Vũ trụ Bùng Nổ Lớn. Thuyết 1
(32)
Ðặc điểm thứ nhất của thuyết Vũ Trụ Bùng Nổ Lớn giúp chúng ta biết được những điều kiện sơ khởi trong những giây phút đầu tiên của lịch sử thành lập vũ trụ.
Các Vật lý gia giả thử rằng một khối Vật chất khi được nén đến tối đa, tỷ trọng đầu tiên của nó (g/cm3) lên đến vô cực, rồi sau đó giảm dần xuống. Nói rõ hơn, nếu nén các Vật thể đến một Tỷ trọng cao, nhiệt độ của chúng sẽ tăng một cách kinh khủng.
Năm 1950, thí nghiệm mẫu của Goerge Gamow chứng minh rằng một nhiệt độ tăng đến Vô cực và tỷ trọng ở số 0; chỉ trong một giây đồng hồ, nhiệt độ đó lên đến 15 tỉ độ, và tỷ trọng của nó cũng bằng tỷ trọng của không khí mà chúng ta đang thở.
Ðặc điểm thứ hai là thuyết Vũ Trũ Bùng Nổ Lớn cho biết những Phân tử đầu tiên đã kết hợp với nhau như thế nào để cấu tạo Nguyên tử của mỗi Nguyên tố. Thuyết này cũng tiên đoán rằng có vô vàn vô số những Phân tử ở trong vũ trụ.
Trong những giây đồng hồ đầu tiên, khi hơi khí ở nhiệt độ cao, Vật thể vỡ tan thành những Hạt Vi Phân Tiềm Nguyên tử như Trung hòa tử, Dương điện tử, và Âm điện tử.
Toán học của khoa Nguyên tử Vật lý cho thấy các Hạt này đã Tương tác với nhau như thế nào trong những giây đồng hồ đầu tiên.
Bước đầu cấu tạo của một hạt Nguyên tử là tạo Nhân (Neuclei) trước, và sau là Âm điện tử trong một nhiệt độ lạnh hơn. Nhân của Nguyên tử Khinh khí chỉ là một Dương điện tử nên người ta nói rằng vũ trụ đã chứa đầy những Nhân Khinh khí bởi vì Dương điện tử là những Hạt căn bản có đầy trong vũ trụ.
Nhân nặng nhất của hạt Nguyên tử Deuterium hay Khinh khí nặng là một kết hợp giữa Dương điện tử và Trung hòa tử.
Vật lý gia Gamow và đồng nghiệp khám phá rằng Dương điện tử và Trung hòa tử đụng nhau và tạo thành Deuterium. Càng ở nhiệt độ cao, các Phân tử càng đụng nhau dữ dội.
Trong một thí nghiệm mẫu, trong ba phút dầu tiên, việc đụng độ quá mạnh khiến Nhân Deuterium tan vỡ nhanh chóng hơn khi kết tụ. Ba phút sau, Deuterium bắt đầu kết tụ và tạo thành những Nhân nặng hơn. Ngoài ra, có một số lượng nhỏ Helium, Lithium, và những Nguyên tố nặng hơn cũng kết tụ lại.
Gamow kết luận rằng hầu hết những phản ứng của Nguyên tố đã kết hợp xảy ra trong phút chót của một giờ đồng hồ đầu tiên. Cho rằng thí nghiệm mẫu này cắt nghĩa sự thành lập vũ trụ trong những giây phút đầu tiên cách đây 16 tỉ năm có thể hàm hồ. Tuy nhiên, kết quả của thử nghiệm này có thể được kiểm chứng.
Vũ trụ bùng nổ lớn. Thuyết 2
(33)
Theo lý thuyết về Vũ trụ bùng nổ (The Big Bang), chỉ trong một phân số rất nhỏ của một giây đồng hồ, mọi Vật thể, Năng lượng, và ánh sáng trong vũ trụ được cô đọng trong một chấm nhỏ hơn một hạt Vi phân Tiềm Nguyên tử. Rồi mỗi Phân tử trong cái vũ trụ vi ti đó bỗng bắn tung tóe khỏi những Phân tử khác với tốc độ gần bằng tốc độc của ánh sáng.
Vũ trụ bành trướng rất nhanh vì ở vào thời điểm 1/100,000 của một giây đồng hồ, vũ trụ đã lớn bằng cả Thái Dương hệ của chúng ta, bề ngang vào khoảng 3.7 tỉ dặm.
Vào những phân số ngắn ngủi của giây đồng hồ lúc đầu, không những chỉ có Nguyên tử mà có cả những hạt Vi phân Tiềm Nguyên tử đụng độ nhau dữ dội như Âm điện tử, Positrons, và Quang tử (Protons) trong nồi súp vũ trụ trụ đặc quánh hơn nước đến bốn tỉ lần.
Khi những Phân tử này văng khỏi những Phân tử khác với một tốc độ nhanh kinh khủng, những rìa ngoài của vũ trụ bành trướng khỏi những rìa đối diện nhanh hơn tốc độ của ánh sáng.
Chúng ta không thấy được vũ trụ bùng nổ, nhưng bằng cách đo lường những Ðộ dài Sóng vô hình như Tia hồng ngoại và những Bức xạ vi sóng, bốn viễn vọng kính đặt ở Nam cực sẽ tìm hiểu sự tiến hóa của vũ trụ. 300,000 năm sau khi bùng nổ, thời điểm mà vũ trụ bắt đầu thành hình.
Trước kia Einstein; và gần đây, Fritjof Capra, trong cuốn The Tao of Physics, trang 182, nói rằng Vũ trụ không phẳng mà cong. Lúc khởi đầu, những Thiên thể trong Vũ trụ ở gần nhau, rồi chạy xa dần đi. Ví dụ chúng ta chấm những hình ngôi sao trên mặt một quả bong bóng nhỏ. Nếu bơm, bong bóng đó lớn dần và những ngôi sao cũng xa nhau dần dần. Ðiều này đúng vì các Thiên hà kể cả Giải Ngân Hà trong đó có Thái Dương Hệ đang chạy xa dần đi.
Rồi Vũ trụ lại xẹp lại như thuở ban dầu. Sau đó lại tiếp tục bành trướng và xẹp lại như như trước.
Ðiều này đúng vì kinh Phật nói rằng vũ trụ và vạn hữu đều phải qua kinh qua bốn giai đoạn: Thành, Trụ, Hoại, Diệt. Kinh Ðịa Tạng nói rằng những kẻ phạm tội Ngũ nghịch, khi chết đoạ Vô gián địa ngục. Nếu thế giới này hư hoại thì bị di chuyển sang địa ngục của thế giới khác. Và khi thế giới khác này hư hoại lại bị di chuyển sang địa ngục của thế giới khác nữa...
Bốn giai đoạn Thành, Trụ, Hoại, Diệt phải trải qua nhiều tỉ năm mà chúng ta quá nhỏ bé trước những cái vĩ đại của vũ trụ, và đời sống của chúng ta quá ngắn ngủi so với sự trường cữu của Thiên nhiên nên chúng ta không thể thấy và biết được. Chỉ có những vị đắc đạo, những bậc Tiên, Thánh, Phật mới thấy được mà thôi.
Còn vấn đề trước khi thành lập, có vũ trụ hay không, và vũ trụ là cái gì? Ðó là một vấn nạn mà cho đến nay chưa một khoa học gia nào có thể giải đáp.
Về việc vũ trụ bành trước như quả bóng và những Thiên thể đang xa dần nhau; tháng 4 năm 1994, các khoa học gia đã báo cáo rằng có một triệu Thiên hà, kể cả Giải Ngân Hà, đang chạy đến một vùng có chiều dài vào khoảng một tỉ rưỡi quang niên với tốc độ kinh khủng từ một triệu đến một triệu rưỡi dặm/giờ.
Nguồn gốc của vũ trụ
(34)
Các khoa học gia nói rằng vệ tinh thám sát nguồn gốc vũ trụ Cobe đã phát hiện sự thành lập của vũ trụ lúc ban sơ không bị xáo trộn và bất bình thường. Những xáo trộn này cắt nghĩa nguồn gốc của những Chùm Thiên Hà (Clusters of galaxies), những khoảng trống mênh mông, và những cấu trúc vĩ đại thường thấy ở thượng tầng không gian.
Khi thuyết trình tại Hiệp hội các Thiên văn gia Hoa Kỳ, các khoa học gia tuyên bố rằng Cobe, được phóng đi cách đây hai tháng để tìm kiếm bằng chứng về sự Bùng Nổ Lớn (The Big Bang), đã hoạt động rất tốt. Theo họ, những dữ kiện đầu tiên như xác định những tiên đoán trong lý thuyết nói về về nguồn gốc vũ trụ.
Thuyết này cho rằng sự sống của vạn vật bắt nguồn từ việc Bùng nổ của một Thể chất đầu tiên lớn bằng nắm tay cách đây 15 tỉ năm.
Các khoa học tin rằng lúc này Vệ tinh COBE đã thấy bằng chứng của những xáo trộn xảy ra cách vài trăm triệu năm sau sự Bùng Nổ Lớn làm lệch hướng đi của làn hơi tích điện. Nhưng Cobe đã không phát hiện được những xáo trộn nào.
Theo lý thuyết, những xáo trộn hay bất bình thường khiến Gió Thái dương (Solar wind, hay Plasma) đang bành trướng phải cô đọng lại và trở thành "hạt giống" của những cấu trúc vĩ đại như những đám mây khổng lồ, những chùm Thiên hà, và những khoảng trống mênh mông hiện đang là những nét chấm phá trong vũ trụ.
John Matter, người cầm đầu dự án Cobe nói rằng "Chúng tôi không thấy sự khác biệt trong lý thuyết nói về sự Bùng Nổ Lớn, nhưng chúng tôi không hiểu những cấu trúc vĩ đại trong vũ trụ vì không có bằng chứng về nguồn gốc của chúng."
George Smoot thuộc đại học Clifornia ở Berkeley, cũng tham gia dự án nói trên, tuyên bố "Chúng ta đang tìm kiếm cái gạch nối đã mất giữa vũ trụ êm ả mới thành lập và những cấu trúc bắt đầu thành hình ngay sau khi đó".
Vệ tinh COBE, với những ăng ten nhạy bén, đang tìm kiếm “dấu vết của những Bức xạ Quang minh đã phát ra từ lúc vũ trụ thành lập cho đến lúc những Hành tinh và Thiên hà đầu tiên được thành hình".
Vũ trụ được cấu tạo bằng những vật gì?
(35)
Theo Frijtof Capra trong cuốn "The Tao of Physics" của ông, nói rằng tất cả Nguyên tử và mọi dạng thức của Vật thể chung quanh chúng ta đều được cấu tạo bằng ba Lượng tử căn bản: Dương điện tử, Trung hòa tử, và Âm điện tử. Quang phổ. Lượng tử thứ tư không Trọng khối là một đơn vị Phát xạ Ðiện từ.
Dương điện tử, Âm điện tử, và Quang phổ là những Lượng tử bền vững, nghĩa là chúng luôn luôn tồn tại ngoại trừ trường hợp đụng độ, chúng sẽ tan rã.
Ngoài những Lượng tử nói trên, những Lượng tử khác là những Lượng tử không bền vững, và chúng sẽ tan rã nhanh chóng để trở thành những Lượng tử khác.
Việc phát hiện những Lượng tử này rất khó khăn, tốn kém và lâu dài.
Gần đây, kết quả xử dụng, hai máy Gia Tốc Hạt lớn (Particle Accelerator) khổng lồ đặt tại California và Âu châu khiến các khoa học gia đồng ý rằng vũ trụ không chứa đựng quá ba loại Vật thể Căn bản.
Việc khám phá này là do nỗ lực của Trung tâm Standford thiết bị Máy Gia Tốc Thẳng (Standford Linear Accelerator), và Phòng Thí Nghiệm Âu Châu về Vật lý Phân tử (The European Laboratory for Particle Physics).
Theo David Schram, Thiên văn gia tại đại học Chicago, vũ trụ chứa đựng nhiều Vật thể hơn là Ðối vật thể. Nếu không có đủ ba dòng họ Phân tử Căn bản, vũ trụ sẽ có hai lượng Vật thể và Ðối vật thể bằng nhau.
Vật thể và Ðối vật thể thường "tiêu diệt" lẫn nhau. Nếu vũ trụ không có đủ ba dòng họ Phân tử,:chúng ta không thể có mặt ở đây bởi vì vũ trụ sẽ tràn ngập những Bức xạ Quang minh" (Radiation).
Trái lại, nếu những viên gạch cấu tạo Vật thể lại thuộc quá ba dòng họ nói trên, vũ trụ sẽ chứa đựng nhiều khí Helium hơn là số lượng đang có.
Lý thuyết về Vật thể có tên là Mẫu chuẩn (Standard model) đã được các khoa học gia chấp thuận và áp dụng để cắt nghĩa đúng nhất đặc tính của Vật thể chưa được xác định.
Kết quả thâu lượm được qua Máy Gia Tốc đã tăng cường mạnh mẽ những lý thuyết về Vũ trụ bành trướng sau cuộc bùng nổ dữ dội lúc ban đầu.
Từ trước đến nay, ai cũng biết có trên 200 Phân tử. Các Vật lý gia đã chia những Phân tử đó thành ba dòng họ như sau:
1.- Dòng họ thứ nhất gồm có hai Quarks: Lên (Up) và Xuống (Down); những thành phần của Dương điện tử (Proton) và Trung hòa tử (Neutron) trong lõi của hạt Nguyên tử; Âm điện tử (Electron); và một Phân tử có tên là Electron Neutrino.
Hai dòng học khác của những Phân tử căn bản đã khám phá dưới dạng những Vật thể là những Phân tử được tạo thành trong những Máy Gia Tốc Hạt Lớn có Năng lượng cao, hoặc có ở trong Tia vũ trụ (Cosmic ray).
2. Dòng họ thứ hai gồm có những Quarks Ðẹp (Charm) và Kỳ lạ (Strange), Muon, và Muon Neutrino.
3. Dòng họ thứ ba gồm Quarks Ðỉnh (Top) và Ðáy (Bottom), Phân tử Tauon và Taoun Neutrino.
Trong bài "Ðạo Phật" và việc tìm ra viên gạch cuối cùng xây dựng vũ trụ của khoa học", tôi cũng đã trình bày rằng khoa học ngày nay đã tìm được Quarks Ðỉnh mà họ cho là một trong 12 viên gạch căn bản đã cấu tạo vũ trụ.
Tương lai của vũ trụ
(36)
Cứ mỗi năm các Siêu sao (Supernova) ở trong Thiên hà bùng nổ dữ dội một lần. Kể từ khi vũ trụ được thành lập sau cuộc Bùng Nổ Lớn cách đây trên dưới 10 tỉ năm. Các Siêu sao đã bắn những Vật thể rải rác trong không gian. Những Vật thể này cô đọng thành những Thiên hà mới, những Tinh tú, và ngay cả những Hành tinh có những chúng sanh kể cả người cư ngụ trên đó.
Một toán Thiên văn Vật lý gia đang tìm kiếm trong không gian, qua hàng trăm ngàn Thiên hà xa lắc, những tín hiệu sáng rỡ do sự bùng nổ của các tinh tú gọi là Siêu sao.
Họ hy vọng trong một hai năm nữa sẽ tìm kiếm được 20 Siêu sao để tính xem vũ trụ bành trướng nhanh hay chậm, và vũ trụ sẽ tiếp tục bành trướng, hay cuối cùng chậm lại và đứng yên.
Các khoa học gia làm việc tại Phòng Thí Nghiệm Lawrence thuộc Ðại học California ở Berkely cùng với đồng nghiệp ở Anh Quốc, đang sử dụng một hệ thống máy chụp hình tối tân gắn trên viễn vọng kính cực mạnh ở La Palma, trên đảo Canary, Tây Ban Nha; để tìm kiếm bằng chứng của những Siêu sao mới thành hình.
Tháng Tư năm ngoai, máy chụp hình nhạy bén của họ, gắn vào viễn vọng kính Isaac Newton, đã bất ngờ phát giác một trái sáng rực rỡ giữa đám tinh tú mờ ảo trong một Thiên hà cách xa Trái đất 5 tỉ quang niên.
Khoảng cách của các Siêu sao quá xa với Trái đất chứng tỏ rằng những chùm tia sáng của chúng đã du hành trong vũ trụ hầu như đồng thời với việc thành lập của Trái đất và Thái dương hệ cách đây 4 tỉ rưỡi năm.
Ðặc tính của những Siêu sao này đoán chắc rằng chúng thuộc về một loại Siêu sao khác biệt, và loại này gồm có 30-40 Siêu sao ở gần Trái đất mà các Thiên gia gọi là những "Ngọn Nến Chuẩn". Ðiều này có nghĩa là sức sáng của chúng có thể được dùng để tính khoảng cách của chúng và tốc độ thoái lui của những Thiên hà ở chung quanh vào lúc vũ trụ đang bành trướng.
Vì các Thiên văn Vật lý gia đã phát giác thêm nhiều Siêu sao những "Ngọn Nến Chuẩn" xa xôi này trong vòng một hai năm nữa, họ có thể tính được tốc độ của chúng để so sánh với những Siêu sao ở cách xa Trái đất hàng triệu quang niên.
Các khoa học gia nghĩ rằng việc tính toán này có thể xác định lần đầu tiên việc bành trướng của vũ trụ chậm đi hay tăng lên.
Vũ trụ sẽ sụp đổ
? (37)
Bill Summer phản đối những giáo điều của khoa học đã được sùng tín trong 70 năm qua.
Trong một bài đăng trong báo Thiên Văn Vật lý số ra tháng 7 (năm 1994?) của Hội Thiên Văn Hoa Kỳ, Summer luận cứ rằng các nhà Vũ trục học đều sai lầm hết; Vũ trụ đang sụp đổ chứ không phải đang bành trướng.
Summer 51 tuổi, lãnh bằng Tiến sĩ về Vật lý Hạt nhân vào năm 1970 tại đại học Washington. Ông tuyên bố “Luật Tương đối của Einstein (Einstein General Relative Theory) không hoàn toàn đúng bởi vì tốc độ ánh sáng không cố định, và vũ trụ đang sụp đổ”.
Phản ứng trước lý thuyết của Summer, các khoa học gia tại đại học Washington chia làm hai phe: Một phe thận trọng và nghi ngờ, và một phe nói thẳng rằng Summer đã sai lầm".
James Bardeen, Vật lý gia tại đại học Washington nói rằng năm 1960, Summer đã thất bại trong việc trình bày bằng chứng về Ðiện lượng của một nguyên tử tiến hóa theo thời gian.
Trong một bài đăng trong số báo mùa hè, Summer đã giải 50 Ðẳng thức Toán học, và kết luận đột ngột rằng vũ trụ đang sụp đổ. Ông luận cứ ràng các Hạt nguyên tử, khi tiến hóa theo thời gian cũng bành trướng và co rút như vũ trụ; và làm như vậy chúng đã thay đổi điện lực của chúng. Ông cho rằng Ðộ dài sóng của các Nguyên tử được các dụng cụ trong phòng thí nghiệm ghi nhận đã phát triển gấp hai lần và nhanh bằng độ dài sóng của các Tinh hà xa xôi. Sự kiện này làm cho các Thiên văn gia có cảm tưởng rằng các Thiên hà đang rời xa chúng ta trong khi chúng đang chạy gần với chúng ta.
"Sự Co Rút Lớn" của Vũ trụ (The Big Crunch) sẽ xảy ra trong vòng 4 tỉ năm nữa.
Ðiều này đi ngược với những lý thuyết về Thiên văn và Vũ trụ học đã được công nhận trong 70 năm qua.
Cấu tạo Vũ trụ theo nhãn quan nhà Phật
Ðọc những trang trên, quí vị thấy khoa học có cái điểm son là đã cố gắng không ngừng trong việc điều tra, nghiên cứu, tìm tòi, và đã thâu lượm được khá nhiều kết quả tốt đẹp cho nhân loại.
Họ luôn luôn suy tư vũ trụ được thành lập từ bao giờ? Và vũ trụ được cấu tạo bằng những gì? Vạn vật trong vũ trụ từ những cái cực tiểu như vi khuẩn cho đến những cái cực đại như sơn hà, dại địa do những gì tạo thành?
Ðáp số Thượng đế đã tạo dựng nên vũ trụ và muôn loài thật giản dị đã làm yên lòng những ai tin có Thượng Ðế. Bà La Môn giáo (tức Ấn Ðộ giáo) tin rằng Vua Trời Phạm Thiên là đấng tạo dựng nên muôn loài. Ðọc kinh Phật thấy Vua Trời Phạm Thiên ở cõi Sắc, vẫn còn ở trong Tam giới, nghĩa là vẫn chưa thoát khỏi sinh tử luân hồi thì làm sao tạo dựng nên muôn loài được?
Các khoa học gia lớn như Pasteur, Newton và Einstein v.v... tuy tin tưởng tuyệt đối ở Thượng đế, vẫn tiếp tục tìm hiểu những bí mật của Thượng đế.
Phật đã bác bỏ thuyết Nhất Nguyên Thần Hóa, nghĩa là không tin Thượng đế đã tạo dựng nên muôn loài. Vì vậy, đạo Phật bị ngộ nhận là vô thần. Sự thật, đọc kinh Phật nhất là những kinh Ðại thừa ta thấy đạo Phật rất “đa thần” mà cũng rất "vô thần".
Trong những pháp hội mà Phật giảng kinh có đủ tám bộ chúng: Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, Khẩn na la, A tu la, Ca lâu la, Ma hầu la già; cùng chư Thần như Thần Núi, Thần Sông, Thần Bể, Thần Cây, Thần Gió v.v... đều vân tập đến nghe pháp và để hầu cận Ngài.
Ðạo Phật cũng rất "vô thần" bởi vì đức Phật luôn luôn nhắc nhở các Phật tử hãy đốt đuốc tự soi đường mà đi, “Truyền đăng tục diệm", nghĩa là phải tự tu, tự chứng vì không ai tu dùm cho mình được. Trường hợp Tôn giả A Nan ỷ mình là em Phật nên yên trí sẽ thành Phật dễ dàng. Nào ngờ, sau mấy chục năm trời chỉ mới đắc quả một Thanh Văn mà thôi! Tự tu, tự chứng cũng như việc mình uống nước thì tự biết nước nóng hay lạnh.
Phật cũng đã dạy người Phật tử không được ỷ lại vào một đấng Thần Linh nào để ban phước, giáng họa, hay giải thoát cho mình. Nếu không hiểu được những lời Phật dạy thì có nhiều ngộ nhận.
Kinh dạy rằng "Nguyện hiểu nghĩa chân thật của Phật". Nếu chỉ coi vài cuốn kinh và biết sơ qua về đạo Phật mà đã dám phê bình nọ kia thì thật là "võ đoán".
Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật đã quở những hạng người nói trên như sau:
"Nguyên lai cái thể tánh của Tạng Như Lai cực diệu, cực minh, tức là đạo Vô thượng, không thể suy nghĩ, và cũng là Chánh tri kiến, không thể nào bàn đặng; như thế tại sao chúng sanh trong ba cõi lại lấy cái tâm sở tri phàm tiểu của mình mà suy lường cái đạo Vô thượng Bồ đề của Phật...”
Rồi vì lòng từ bi, Ngài lại dạy "Chúng sanh như thế thật đáng thương xót!"
Sau việc khám phá ra Nguyên tử và những hạt Vi Phân Tiềm Nguyên Tử, rồi đến những hạt tử quá nhỏ nhiệm như Neutrino, Quark, Baryon, Meson, Hadron, Hyperon v.v... các khoa học gia rất phấn khởi vì tin rằng họ đã gần xé toang cái màn bí ẩn của vũ trụ để phanh phui ra những bí mật, những then chốt cấu tạo vũ trụ vạn vật này.
Trong mấy thập niên qua, các quốc gia trên thế giới đã chi tiêu hàng tỉ Mỹ kim để các khoa học gia của họ lao đầu vào địa hạt cực vi vì họ tin rằng cực vi là những viên gạch đã cấu tạo thế giới.
Nhưng khốn nỗi, càng đi sâu vào cái lâu đài vọng tưởng của Cực vi (Hạt ảo), họ càng thấy thất vọng vì những viên gạch căn bản này không phải là Vật, mà chỉ là những ảo ảnh, những bóng ma "những làn gió nhẹ thoảng qua".
"Theo thuyết lượng tử thì thật ra không có hạt cơ bản. Các hạt Quark, Lepton, Gluon chỉ được các nhà Vật lý học sử dụng để diễn tả các bình diện của vật chất tương ứng với bốn lực cơ bản hiện nay, biết rằng đa số các hạt đều có phần hạt (antiparticle)" °
° Việt Nam Siêu Cách Mệnh, Mạc Ngọc Pha.
Hồi còn nhỏ, tôi có một cái lăng kính. Nhìn vào và lắc nhẹ thì thấy đủ các loài hoa, đủ màu sắc, và vô cùng đẹp đẽ. Sau này, tôi mới biết các bậc cổ đức gọi là "Vạn hoa kính". Nó cũng là một lâu đài huyền thoại vói sự biến hiện của muôn vẻ, muôn màu. Nó chẳng khác gì "Khuôn mẫu Toàn ký" của Ken Weiber và "Vũ trụ Như Huyễn" của Michael Talbot.
Qua sự khám phá mới này, một số khoa học gia khẳng định rằng những sum la vạn tượng trong thế giới của chúng ta chẳng khác gì cái vẻ muôn màu, muôn sắc của "Vạn hoa kính". Thấy được, nhưng không nắm bắt được.
Trong các kinh Ðại thừa, kinh Lăng Nghiêm, Ðịa Tạng, và nhất là Hoa Nghiêm, đã nói rất nhiều quang minh; và cho rằng quang minh thường xoay vần theo hình trôn ốc, và khi quay chậm lại tạo thành sơn hà, đại địa, và chúng sinh.
Cách đây trên 25 thế kỷ, trong những trang kinh xưa, Phật đã nói rõ về việc cấu tạo vũ trụ bằng quang minh. Bây giờ khoa học mới tìm hiểu về quang minh, về sự hình thành của vũ trụ bằng quang minh như Phật đã dạy.
Trong trang đầu của bài này tôi đã tường trình lý thuyết của các khoa học gia nói về nguồn gốc của vũ trụ. Nay xin tóm lược những đoạn chính như sau:
"Những xáo trộn bất bình thường khiến cho gió Thái dương đang bành trướng bị cô đọng lại, và trở thành hạt giống của những cấu trúc vĩ đại, tức là những đám mây khổng lồ, những giải Thiên hà rộng lớn, mênh mông".
Gió Thái dương đây là Phong luân, và hạt giống ở đây là Tâm điểm của những cấu trú mới cô đọng thành Sắc tướng trong vũ trụ.
Trong bản tường trình về vệ tinh thám sát COBE, các khoa học gia đã viết như sau "Vệ tinh COBE đang tìm kiếm ‘dấu vết’ của những quang minh đã phát ra từ lúc vũ trụ bành trướng cho đến lúc những Hành tinh và Thiên hà đầu tiên được thành lập".
Thật rõ ràng, quang minh đã tạo dựng nên sơn hà, đại địa như Bồ Tát Văn Thù đã nói trong kinh Lăng Nghiêm:
Tưởng chừng thành quốc độ
‘Hay biết’ là chúng sanh
Trong kinh Ðịa Tạng, Phẩm "Ðức Phật Phóng Quang tuyên Cáo", trang 151-152 kể "Lúc đó từ trên đảnh môn đức Thế Tôn phóng ra cả trăm nghìn muôn ức tia sáng lớn như là: Tia sáng sắc trắng, tia sáng sắc ngọc, tia sáng sắc tía, tia sáng sắc xanh, tia sáng sắc hồng..."
Những tia sáng này dần dần cuộn tròn hình trôn ốc và tạo thành hình đám mây, hình vòng tròn, hình mặt trời, hình mặt trăng... Xin đọc tiếp “Tia sáng mây lành, tia sáng nghìn vòng tròn, tia sáng vầng mặt trời, tia sáng vầng mặt trăng, tia sáng tướng cung điện, tia sáng tướng mây biển...”
Việc phóng quang này tương tự như việc các Không luân, Kim luân, Thủy luân và Hỏa luân quay hình trôn ốc, và tạo thành sơn hà, đại địa cùng muôn loài.
Trong bài "Nguồn gốc và Cấu tạo Vũ trụ", tôi đã thuật lại những báo cáo của các khoa học gia ngày nay nói về sự hình thành của vũ trụ và Thái dương hệ như sau:
"Công cuộc khám phá gần đây cho biết rằng có Bức xạ (Radiation) không đồng đều cho nên sự Bùng Nổ Lớn của Vũ trụ (The Big Bang) này đã tạo nên một khối lượng Ba động Quang minh, và khối lượng này đã giúp những Vật thể lớn thành hình".
Báo cáo sau đây lại giải thích bạch hơn về những Ba động quang minh:
"Các khoa học gia loan báo đã tìm thấy những Ba động quang minh trong vũ trụ, và những Ba động này đã giải thích việc thành lập của không gian, thời gian, Tinh tú, Thiên hà và Hành tinh".
Những dòng sau đây chứng tỏ thuyết về quang minh tạo dựng vũ trụ là đúng:
"Một số Vật thể trước kia cô đọng, đã bành trướng và tạo nên những Ba động quang minh trong khi những Vật thể cô đọng khác cũng nổ bùng ra dọc theo những Vật thể mỏng manh hơn. Trong những Ba động quang minh, những Vật thể tụ hội với nhau, và những kết tụ này tạo nên Tinh tú, Hành tinh, và Trái đất".
Báo cáo sau đây lại khẳng định một lần nữa thuyết về quang minh của nhà Phật:
“Nhờ một vệ tinh được chế tạo đặc biệt, các khoa học gia đã nghiên cứu việc Bức xạ và phát giác những Vi sóng quang minh. Về căn bản, việc phát giác những Vi sóng quang minh này chứng tỏ lý thuyết về Vũ trục bùng nổ rất đúng bởi vì những Ba động lớn hơn có thể hình thành những Hệ thống Mặt trời và Hành tinh trong khi hấp lực kéo các Vật thể kết tụ với nhau.
Thật rõ ràng và không ai chối cãi được rằng những khám phá của khoa học ngày nay đã phù hợp với những trang kinh xưa nói về nguồn gốc và sự hình thành của vũ trụ
.
Như vậy, không tin ở thuyết Nhất Nguyên Thần Hóa, nghĩa là không tin có một đấng tạo dựng nên vũ trụ vạn vật, thì đạo Phật có phải là "vô thần" không?
Câu trả lời là Không vì đạo Phật là một đạo khoa học. Chính khoa học tìm đến đạo Phật chứ đạo Phật không tìm đến khoa học. Những gì Phật dạy cách đây trên 25 thế kỷ bây giờ khoa học mới bắt đầu khám phá ra.
Sự hình thành của Vũ trụ theo Câu Xá Luận
Theo Câu Xá Luận (bản dịch của Hòa thượng Thích Ðức Niệm, bài Thế Giới Hình Thành và Biến Hoại, trang 100-103) nói rằng tất cả vạn vật trong vũ trụ đều phải kinh qua bốn giai đoạn: Sinh, Trụ, Dị, Diệt hoặc Thành, Trụ, Hoại, Không.
Ở giai đoạn Sinh, con người ta phải sống trong nhiều kiếp như Giới Tử Kiếp, Bàn Thạch Kiếp, Nhơn Thọ Kiếp v.v... Giới Tử Kiếp lại còn chia thành Ðại kiếp, Trung kiếp và Tiểu kiếp.
Ở kiếp Thành, nghiệp lực của chúng sanh hữu tình cùng sự vận chuyển của bốn Phong luân mà thế giới hình thành. Bốn phong luân đó là: Không luân, Phong luân, Thủy luân, và Kim luân.
Không luân là một trong bốn Luân nói trên. Phong luân nằm trên Không luân tức là bầu khí quyển chuyển động vô tận. Chính Phong luân tác dụng hình thành sơn hà, đại địa. Thủy luân nằm trên Phong luân. Thủy luân giao động không ngừng tạo thành lớp vàng chắc cứng trên mặt gọi là Kim luân.
Kim luân là chất cứng như kim cương nằm trên Thủy luân.
Cuối cùng là chín lớp núi và tám lớp bể (cửu sơn bát hải) bao bọc chung quanh núi Tu Di được thành lập. Núi Tu Di được bao bọc bởi bảy núi Kim sơn và Thiết vi, gọi là chín lớp núi. Khoảng không cách giữa chín lớp núi là tám biển gọi là bát hải.
Nói tóm lại, theo quan niệm của nhà Phật, vũ trụ được hình thành do bốn luân: Không luân, Phong luân, Thủy luân, và Kim luân chuyển động xoay vần theo hình trôn ốc.
Sự hình thành của Vũ trụ theo kinh Lăng Nghiêm
(trang 248-255)
Ðể trả lời cho ông Phú Lâu Na hỏi Phật tại sao bỗng nhiên lại sinh ra sông, núi, đất liền, và vạn vật?
Phật dạy rằng do nghiệp lực của vô minh khi động tạo thành sơn hà đại địa; khi tịnh thì tạo thành Hư không. Vạn vật tuy nhiều, nhưng xét lại đều do vọng niệm mà sanh ra cả. Trong một vọng khởi thì thành ra thế giới, và trong một niệm tối tăm thành ra hư không. Vì vầy, một niệm vọng minh là Tổ của loài hữu tình và vô tình.
Do cái tối của ngoan không và cái sáng của vọng minh mà tâm trở nên giao động. Vì giao động ấy mà sinh ra Gió nên có Phong luân cầm giữ thế giới.
Vì ngoan không mờ tối và tâm giao động nảy sinh ra vọng giác cố chấp. Vì cố chấp ấy mới cảm thành ra chất cứng như đất, đá, vàng... cho nên Phong luân lại có Kim luân bảo trì quốc độ.
Ðã có vàng, có lửa phải có Nước nên mới có Thủy luân ở khắp mười phương thế giới.
Vô minh nghiệp thức đã sinh ra đất, nước, gió, lửa. Suy theo bốn chỗ ở: Núi, biển, rừng, đất thì công tích của đất, nước, gió, lửa càng rõ ràng hơn. Lửa xông lên, nước giáng xuống tạo thành thế giới. Chỗ ướt và thấp xuống làm biển lớn, đó là chỗ của chúng sanh dưới nước. Còn chỗ khô cao hơn thì làm đồi, làm cồn; đó là chỗ ở của chúng sanh trên quả địa cầu. Còn đất thua nước cho nên đất bị nước rút thành cỏ, cây trong rừng. Bởi rừng do nước và đất tạo ra, nên cây rừng ép ra nước, mà đốt thành đất.
Tóm lại, mấy thứ đó do nơi vọng tâm gia cảm phát sinh, lần lần thay đổi nhau thành các nòi giống.
Vì nhân duyên ấy nên thế giới có kiếp Thành, Trụ, Hoại, Không; bốn kiếp do xoay vần, cứ nối nhau hoài, không dứt.
Thế giới hình thành do sưu tầm của cụ Nghiêm Xuân Hồng
“Từ xưa, kinh Phật đã nói đến những đại Phong luân do nghiệp lực khởi lên. Những cơn đại Phong luân nổi lên theo hình trôn ốc (spiral), lần lần phát hiện những Thủy luân, Hoả luân, Ðịa luân... kết lập lần lần thành thế giới..."
Lối chuyển động theo lộ trình vòng trôn ốc đó chi phối các hành tinh cùng tinh tú trên thinh không.
Khoa học từ thời Newton, đã phải công nhận cách thức xoay vần như vậy của các hành tinh và tinh tú... Ngày nay, phi thuyền của Mỹ bay đi thăm dò Hành tinh Saturn (Thổ tinh) hay Neptune (Diêm Vương tinh) gì đó, đã chụp được hình của những vòng đai khí quyển (anneaux) bao quanh hành tinh. Ðó chỉ là dấu vết còn lại của những cơn đại Phong luân xưa kia nổi lên và tạo nên hành tinh ấy".°
° Lăng Kính Ðại thừa, trang 164, cụ Nghiêm Xuân Hồng.
Trong cuốn "The Tao of Physics", Fritjof Capra nói rằng theo huyền nhiệm của Ðông phương. Vũ trụ là một màng lưới sống động, năng động, di động, và thay đổi không ngừng. Khoa vật lý hiện đại cũng quan niệm rằng Vũ trụ là một màng lưới liên kết mọi vật và rất năng động (trang178) kinh Phật gọi Vũ trụ là Màn lưới Báu, Lưới Ðế Châu, hay Màn Thiên la Võng).
Tính năng động của vũ trụ không những được thấy ở tầm mức Nguyên tử và những hạt Vi phân Tiềm Nguyên tử mà còn thấy ở những mức độ lớn như những Thiên thể và Tinh tú; Những đám mây khinh khí và hơi khí quay trònxoắn lại tạo thành những Tinh tú và gây nên những đám lửa khổng lồ trên không trung. Ðến đây, những đám mây này cứ tiếp tục quay tròn trong khi những đám mây khác phóng ra những Vật thể trong không gian thành những hình Trôn ốc, rồi những hình đó cô đọng thành những Hành tinh quay chung quanh các Tinh tú.
Những Chòm tinh tú quay tròn, cô đọng, bành trướng, và bùng nổ để tạo thành những Thiên thể cùng những Thiên thể khác hình Dĩa đẹp, hình cầu, hay hình xoắn (spiral). Tất cả đều quay tròn chứ không đứng im.
Giải Ngân hà của chúng ta, với cái Dĩa Khổng lồ tập trung vô vàn Tinh tú, cũng quay tròn trong không gian như mộ bánh xe khổng lồ khiến các Tinh tú, kể cả Mặt trời, và chín Hành tinh quay chung quanh tâm điểm của nó (trang181).
Vũ trụ chỉ là một quan niệm
Trong cuốn "Ðạo Phật và Ðời Sống Hiện Ðại” (Budhism and Present Life), Tiến sĩ K. Sri Dhammananda đã viết về Nguyên tử như sau:
"Sau khi nghiên cứu tận tường, những quan niệm về Nguyên tử của thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Chẳng có Vật gì cả như trước đây người ta cho là có bởi vì Vật chất chỉ là Năng lượng. Rồi quan niệm về Năng lượng dần dần biến đi khiến các khoa học gia không biết gọi Nguyên tử là gì? Bây giờ họ đi đến kết luận là Nguyên tử chỉ là một quan niệm; và nói rộng ra, cả thế giới này cũng chỉ là một quan niệm. Càng đi sâu vào việc nghiên cứu cấu tạo của Nguyên tử, các khoa học gia càng tin rằng kết luận nói trên rất đúng.
Trong Phật giáo, lý thuyết trên đã được trình bày từ mười sáu thế kỷ qua. Vào thế kỷ thứ tư sau Công Nguyên, Ngài Vô Trước (Asanga) - một triết gia Phật Giáo đã triển khai lý thuyết gọi là Duy Thức Học, căn cứ theo tài liệu kinh điển Nguyên thủy cho rằng thế giới chỉ là một khái niệm, một tư tưởng, một ý kiến. Ðể bênh vực lý thuyết này, Ngài Vô Trước đã định nghĩa Nguyên tử, và định nghĩa của Ngài từ mười sáu thế đã qua vẫn còn giá trị đến ngày nay.
Nguyên tử (Paranamu) được hiểu như không có Thực thể (Nissarira)
. Nhưng các nhà thông thái lại xác định bản chất của Nguyên tử qua việc phân tách Trọng khối của Vật thể. Tất nhiên Ngài Vô Trước không chú ý đến khoa Vật lý, Ngài chỉ nói về Siêu hình và Triết học. Ðiều quan tâm của Ngài là bày tỏ rằng thế giới mà mọi người cho là Vật chất thực ra không có thật mà chỉ là một khái niệm.
Theo Albert Einstein, “khi được phân tích đến cùng, vũ trụ chẳng còn được gọi là Vật chất mà chỉ là những âm ba rung chuyển, hay những làn sóng".
Gần đây, quan niệm của Ngài Vô Trước đã được triển khai trong cuốn “Khuôn Mẫu Toàn Ký" (The Holographic Paradigm) của Ken Weiber, và cuốn "Pháp Giới Như Huyễn” (The Holographic Universe) của Michael Talbert. Cả hai đều cho rằng vũ trụ vạn vật đều là như huyễn.
Cũng như Ngài Vô Trước đã nói, Albert Einstein cho rằng Vật chất chỉ là Năng lượng mà công thức E = MC lũy thừa 2 của ông đã đưa đến một cuộc chiến tranh Nguyên tử khiến ông ân hận suốt đời.
Là người hiểu rõ bộ mặt thật của các Lượng tử (Hạt ảo) nên ông đã quan niệm rằng chúng chỉ là những âm ba rung động, hay những làn sóng.
Bộ mặt thật của những Hạt ảo này đã được John Ellis trong thyết STT khám phá và định nghĩa như sau:
“Trước đây, những hạt cơ bản tức là những điểm cực nhỏ không tạo thành được cấu trúc, thật ra chỉ là những bụng sóng vi tế như của cây đàn đang rung, di chuyển trong không trung.. Ta biết rằng khi ta gẫy một dây đàn thì nó sẽ rung theo những tần số khác nhau. Vậy ta có thể hình dung các loại hạt cơ bản trên dây tương ứng với các bụng sóng khác nhau của dây đàn đã rung được truyền đi, giống với các “nốt nhạc" khác nhau cùng được gẫy trên một dây đàn..."
Trước đây, với cơ học lượng tử, hạt được quan niệm là một điểm thì khi chuyển động trong không gian, nó vạch thành đường thẳng mà ta có thể gọi là "đường trời" (World line). Ðến nay thuyết STT, hạt được giải thích là bụng sóng, thì ta có thể tưởng tượng đường đi của nó tựa như cái đơm (lasso) chập chờn trong không gian mà ta gọi là giãi "buồm trời" (World sheet)...°
° Việt Nam Siêu Cách Mệnh của cụ Mạc Ngọc Pha.
Theo thuyết STT, Hạt chuyển động trong không gian tạo thành những đường trời tức là những tia quang minh tạo nên thân căn của vạn hữu. Ðường đi của nó như cái "đơm" chập chờn trong không gian mà ta gọi là "buồm trời", tức là cái Màn Thiên La Võng (hay Lưới Ðế Châu) bao la củ vũ trụ pháp giới.
Tóm lại, tất cả những thuyết lớn về nguồn gốc của vũ trụ vạn vật như Chân Không Sinh Diệt (Vacuum Polarization) của P.A.M. Dira, Nguyên lượng Cơ học của Albert Einstein và Max Planck, Khuôn Mẫu Toàn Ký của Ken Weiber, Pháp Giới Như Huyễn của Michael Talbot, thuyết về Quark của Murray Gell-Mann, và Ðạo của Khoa Vật lý (The Tao of Physics) của Fritjof Capra... đều bắt nguồn từ quan niệm vể vũ trụ vạn vật của Ngài Vô Trước cách đây mười sáu thế kỷ.
Như vậy quí vị có đồng ý với tôi rằng đạo Phật là đạo Siêu Khoa học hay không?