Ông thức dậy khi trời còn tờ mờ với những vệt đỏ hồng của mặt trời đang mọc. Trên đầu ông, cây cầu cỗ lỗ đầy tiếng xe cộ lưu thông buổi sáng. Ông đứng lên, phủi quần áo, đi dọc theo kè đá ngang qua các hình hài còn đang ngáy, đang co quắp của những người đêm qua cùng ngủ với ông, tìm trạm xe buýt mà người thanh niên lái xe đã nói tới hôm qua. Ông tìm thấy nó ở ngã ba Đại lộ Tân thế giới và một con đường có tên là Đường Cứu rỗi. Ông xếp hàng chờ chuyến xe ngoại thành chạy vào. Sau khi trả tiền vé, ông chỉ còn vừa đủ tiền để mua một khoanh bánh mì của bà lão bưng khay đi dọc giữa hai dãy ghế, bán bánh mì và cà phê sáng sớm cho hành khách.
Chuyến đi từ vùng ven đô tới Kollin mất gần một giờ. Khi ông xuống xe ở quảng trường Belnova thì người ta rất đông - đông một cách bất thường - từ nhà thờ Santa Maria lũ lượt đi ra, vào giờ mà ông nghĩ là vừa chấm dứt thánh lễ Chúa nhật lúc bảy giờ rưỡi. Phải chăng đây là dấu hiệu của tình hình bất ổn hiện nay? Ông nhận thấy rằng, giống như cái van thời tiết tinh thần, hễ lúc nào có đối đầu chính trị thì số lượng người tới nhà thờ đông hẳn lên. Khi ông đi ngang quảng trường, chuông nhà thờ khởi sự gõ tám giờ. Ông biết rõ nhà thờ này. Vào dịp lễ
Phục sinh vừa qua, ông đã làm lễ ban phép thêm sức ở đây cho ba trăm trẻ em mặc y phục trắng tinh và thốt lên lời thề hứa làm Kitô hữu vững mạnh. Tuy thế, khi chuông dứt tiếng chót và ông nhập vào đám đông tín đồ đi qua quảng trường để vào dự thánh lễ tám giờ, thì thêm lần nữa, lần thứ hai trong vòng hăm bốn giờ, ông có cảm giác nhà thờ không còn là nơi tôn nghiêm mà là chỗ có nguy cơ. Và khi tới các bậc thềm tầng cấp của nhà thờ, ông thấy một chiếc Lada xanh nhô ra từ phía bên kia quảng trường, chầm chậm lăn bánh tuần tra ngang quảng trường.
Tại lối vào chính, có hai người đàn ông đang dụi thuốc lá như thể chuan bị bước vào nhà thờ.
Mắt họ nhìn có vẻ lờ đờ, ăn không ngồi rồi, nhưng y phục của họ là loại áo "măng tô" của người đang thi hành "công tác". Đột ngột, ông quay lui. Liệu họ có nhận ra ông và lúc này họ có đi theo và bắt giữ ông không? Ông đi nhanh qua con đường bên kia dẫn tới một trạm xe buýt, và vài phút sau, ông ngoái nhìn lui. Không thấy những chiếc áo "măng tô" ở đâu nữa. Chiếc Lada xanh lúc này đậu vào hàng xe cuối quảng trường, như thế thì việc một chiếc Lada xanh trong dòng xe cộ đang lưu thông chưa hẳn là dấu hiệu bất thường. Có lẽ tôi đang tưởng tượng ra nguy cơ ở nơi không có chút gì nguy hiểm. Nếu An ninh Nội chính không nghe trộm cuộc điện thoại giữa cha Jan Ley và tôi thì lúc này cha Jan đang đợi tôi ở toà cáo giải, một nơi an toàn cho chúng tôi chuyện trò với nhau.
Ông chần chừ, quay người, bước vài bước về hướng nhà thờ, rồi lại hoang mang, bỏ đi thêm lần nữa. Trong khi ông đang loay hoay xoay lui trở tới, có ba cậu học sinh đi vào quảng trường, cổ quấn khăn quàng đỏ thiếu nhi, loại được chế độ ưa thích. Mỗi cậu khoác toòng teng sau lưng một chiếc ba lô học trò bằng vải bố, nhưng trong đó không đựng sách vở mà chứa truyền đơn. Các cậu đi tới, đưa truyền đơn cho những ai chịu lấy. Nhiều người cầm và ông quan sát họ khi họ đứng lại đọc những dòng chữ trong đó. Có phải đây chính là những tờ truyền đơn được phổ biến hôm qua ở Ricany? Ông bắt đầu đi về phía các cậu bé, nhìn quanh coi có chiếc "măng tô" nào không. Đi trước ông là một phụ nữ mang ổ bánh mì đen to tướng, vói tay nhón tờ truyền đơn do cậu bé gần nhất đưa ra. Ông bước nhanh tới sát sau lưng bà. Có thể bà ấy sẽ vứt nó và liền sau đó, tôi có thể lượm nó. Nếu có ai đang theo dõi các cậu bé thì khôn ngoan nhất là tôi cứ chờ. Nhưng người phụ nữ đó cho tờ truyền đơn vào giỏ và tiếp tục bước đi. Lúc này, gần như ông đã tới ngang cậu bé. Cậu đưa tờ truyền đơn ra cho ông.
- Cháu học trường nào vậy? - ông hỏi, không cầm tờ truyền đơn.
Cậu bé nhìn ông nghi ngại, Santa Maria - cậu bé trả lời:
- Ông có muốn một tờ không?
Ông cầm tờ truyền đơn dù biết chắc mình đang bị quan sát. Ông liếc mắt nhìn nó thật nhanh, vừa đủ để đọc đầu đề
Lời Kêu Gọi lương tâm dân tộc in bằng chữ đậm, phía dưới là một đoạn gì đó chữ nhỏ hơn. Rồi như thể không đồng ý với những gì trong tờ truyền đơn hoặc không quan tâm, ông vứt nó và tiếp tục bước. Tới góc đông bắc của quảng trường, đi về phía Đường Hanseatic và trạm xe khách liên thành phố, ông nghe có tiếng chân chạy đăng sau mình. Ông quay người lại. Hai chiếc "măng tô" đang chạy băng qua quảng trường, rượt theo một cậu bé phát truyền đơn. Hai cậu kia đã bị bắt và đang bị công an An ninh nội chính mặc thường phục giữ. Ba chiếc Lada xanh lúc này đậu ở các lối ra của quảng trường. Một cảnh sát thôi còi. Ông tiếp tục bước. Ông để ý là chỉ có một hoặc hai người đứng lại coi cảnh rượt bắt còn hầu hết người ta ở quảng trường, cũng giống như ông, làm lơ né tránh, giả bộ đang theo đuổi công việc riêng của mình, như thể chẳng có gì xảy ra.
- Ông?
Có giọng nói gọi ông. Đằng sau ông, một thanh niên ria mép hoe và lưa thưa, măc áo gió bằng vải sọc rằn vừa cũ vừa dơ và chiếc quần kẽ ô vuông. Anh ta nở nụ cười ngần ngại, trong tay cầm một tờ truyền đơn - Có phải ông vừa đánh rơi cái này không, thưa ông?
- Không - Ông nói - đăm đăm nhìn vào bộ mặt đang mỉm cười - Tôi vứt nó - Thế nó là cái gì vậy? Tôi không đọc nó.
Từ tay người thanh niên tờ truyền đơn không ai chịu lấy đó rơi xuống, bay la đà và đậu trên vệ đường. Cảnh sát lại thổi còi. Ông nhìn lại quảng trường. Các cậu học sinh đang bị nhét vội vàng vào mấy chiếc Lada xanh. Người thanh niên lúc này bước tới, như thể năm iấy cánh tay ông.
- Thưa Đức giáo chủ - anh ta nói, giọng thì thầm, - Người ta yêu cầu con tới gặp cha.
- Anh là ai?
Vừa hỏi xong ông bất chợt nhận ra cây thánh giá nhỏ thêu bằng chỉ trắng, khâu trên ve áo của người thanh niên. Các linh mục trẻ mặc quần áo dân sự thường dùng loại thánh giá này như một phù hiệu sứ vụ. Tuy thế, không có gì bảo đảm rằng người mang nó chẳng phải là công an An ninh nội chính.
- Cái này cho cha.
Người thanh niên đưa ra một chiếc bì thư loại rẻ tiền làm bằng sợi cây chuối, ông cầm lấy. Bên trong là một ngàn đồng bằng tiền lẻ và một mảnh giấy:
Tonio, Giấy này giới thiệu Frederíc Zaron, học trò cũ của tôi.Glannino Ông nhìn thằng vào bộ mặt đang ngần ngại đó:
- Tại sao cha đưa tôi tờ truyền đơn?
- Vì bộ quần áo cha đang mặc, thưa Đức giáo chủ. Vừa rồi con cố ý tìm người mặc tu phục giáo sĩ. Con không dám chắc đó là cha cho tới khi cha quay lại và con thấy rõ mặt cha. - Cha Ley nói - có thể nguy hiểm cho cha nếu để cha vô nhà thờ.
Người thanh niên này là ai và tại sao lại mỉm cười? Có phải anh ta là kẻ thường đi trong các hành lang ở Đường Skoura, ngang qua các phòng thẩm vấn nơi người dân bị tra tấn? Hoặc đây là người đến từ ngồi nhà ấy của Dòng Tên?
- Cha là học trò của cha Ley?
- Vâng, thưa Đức cha.
- Nói cho tôi biết. Inhaxiô Lôdôia sinh năm nào và tại đâu?
- Năm 1491 tại Lâu đài Lôdôia, gần Azpeitia, Guipúzcoa, ở Tây ban nha, thưa Đức cha.
- Cám ơn. Làm thế nào tôi gặp được cha Ley?
- Cha đã dùng điểm tâm chưa, thưa Đức cha?
- Chưa, không hẳn.
- Cha Ley có đề nghị là cha và con tới dùng chút gì đó trong tiệm cà phê ở Đường Thống chế Nilsk. Sau đó cha tới khu ngoại trú của Bệnh viện Trung ương Phía Đông. Cha Ley tới chỗ đó hai tuần một lần, tù chín giờ ba mươi, để lọc máu chữa bệnh. Như cha đã biết, chỗ đó nguyên là một bệnh viện của tôn giáo, và hiện nay, các nữ tu Nazareth vẫn được dùng làm y tá.
- Tốt lắm. Chúng ta cùng đi bộ tới tiệm cà phê. Cho mau qua thì giờ. Nhân tiện, tôi nghĩ tốt nhất là đừng để các dì phước biết tôi là ai. Tôi sẽ chỉ nói rằng tôi là người mà cha Ley muốn gặp riêng.
- Thưa Đức cha, chuyện đó chẳng trở ngại gì cả. Cha Ley thường linh hướng người khác trong khi cha ấy nằm lọc máu. Phải mất bốn giờ mới lọc xong máu.
Họ bắt đầu cất bước. Ông thấy cha Zaron lo âu nhìn quanh khi cả hai ra khỏi Đường Hanseatic và đi vào Đường Phố Chợ. Ông đã chấp nhận câu chuyện của người thanh niên này dù đây có thể là một cái bẫy. Đột nhiên ông cảm thấy không thích chuyện vãn nữa. Ông nghĩ, cuộc đời hẳn giống thế này đây một khi người ta không còn có thể tín nhiệm nhau.