Phi cơ hạ cánh xuống phi trường Qui Nhơn vào buổi chiều nắng gắt, hai tiểu đoàn 3 và 5 Nhảy dù đang xếp hàng đợi về Sài Gòn, những người sắp đi hớn hở ra mặt, trong khi chúng tôi, kẻ đến thay thế ai nầy trông khó đăm đăm... - Chúng mày ở đây bao nhiêu lâu rồi? - Hơn ba tháng rồi đấy ông ạ, bố khỉ chẳng bao giờ đi lâu như vậy.- Cần ởtiểu đoàn 3 Nhảy dù trả lời. - Tôi đi Pleiku một lần với ông, ông về nghỉ, bây giờ ra lại, tụi tôi mới được về... Chịu khó đi, vi-xi ở đây có sư đoàn Sao Vàng bị quần tơi tả hết, ông hỏi tiểu đoàn 3 coi, Việt cộng nó đầu hàng buồn cười không chịu được. - Âu ở tiểu đoàn 5 nói tiếp. - Ấy, vì đơn vị tôi mới thành lập thì phải lai rai một chút xã hơi, nhưng chắc lần này phải trả nợ kỹ, mấy ông về là sướng, ở đây lại bắt đầu mưa mới khốn nạn! - Tôi nói câu cuối cùng trước khi lên xe. Tiểu đoàn chúng tôi cùng tiểu đoàn 6 lên xe đến Phù Cát. Xe chạy qua thành phố Qui Nhơn, thành phố nhiều lính ngoại quốc đứng sau Đà Nẵng, Biên Hòa và Nha Trang. Không hiểu phải chăng là số mạng, những thành phố nào tôi lớn lên và sống đều bị hư hại nhiều nhất. Đúng là một cái số không may để thấy nơi chốn tuổi thơ bị loang lổ và vấy bẩn. Đà Nẵng, thành phố ven con sông, dựa lưng vào biển, gió thổi rịn mùi muối, con đường bờ sông xanh um lá me tây, lối về Trẹm, đường Quang Trung, đường Lê Lợi phía gần trại định cư Thăng Bình vắng vẻ như một nẻo về thơ mộng. Giờ tan lớp, học trò từ ba trường Phan Chu Trinh, Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản đổ ra reo vui rộn rã như tùy bút của Xuân Diệu... Xong con đường trở lại vắng vẻ, thấp thoáng một vài gã trai về muộn sau khi chơi bóng rổ hoặc theo sau những tà áo trắng tóc thề. Qui Nhơn, ngày tiếp thu 1955, tôi đến trong đêm khuya, mười hai giờ xe qua thành phố như nghe lại tiếng trống hào hùng của người áo vải cờ đào. Qui Nhơn, cũng thành phố này tôi tìm đến em, để thấy trong cơn say choáng váng, ngọn lửa rực rỡ của tình yêu tàn rụi dần... Những quê hương đẹp đẽ của tôi trong chiến tranh, dưới bàn tay của người bạn đồng minh trở nên lòe loẹt dơ dáy. Chiến tranh phá vỡ tận cùng kỷ niệm. Xe chạy qua khỏi thành phố dọc quốc lộ 1, cũng như ở Nha Trang và Biên Hòa, những đống rác vĩ đại và những chiếc chòi tỵ nạn lúc nhúc bên cạnh nguồn, đống sinh lực độc hại đó. Con đường từ Qui Nhơn đến ngã ba rẽ lên Pleiku đang sửa chữa, từ đó trở đi loang lổ, nát bấy như một con đường núi. Cầu bị sập được thay thế bằng những ống cống kim khí lớn đặt theo dòng nước xong lấp đất thật chặt. Một dòng sông được ép lại qua những lòng cống nhỏ. Với nhịp làm cầu này, tôi tin chắc rằng danh từ “nhịp cầu” sẽ không bao giờ còn ở địa phương này nữa. Thôi, chỉ cốt sự tiện lợi, chiếc cầu chỉ còn vang bóng như một vẻ đẹp xưa. Xe đến Phù Cát, quận lỵ của người dân định cư với đói khổ tranh sống được tính từng ngày, từng bữa cơm có được. Tiểu đoàn chúng tôi vào đóng ở khu dân cư cách quốc lộ 1 một cây số, làng thật nghèo, đây là ngôi làng của những người thủơ trước cũng có gia sản, nay vì chạy nạn giặc dã trốn ra đây, họ thuộc về thành phần dân cư đi trước những vụ tị nạn tập thể. Dân chúng không có nghề nghiệp nhất định, đi nhặt đồ hộp, rửa xe Mỹ, Đại Hàn dọc theo quốc lộ. Một số con gái phần đông làm nghề bán nước ngọt cho toán Công binh đóng dọc đường đồng thời đời sống khó khăn nên họ làm luôn nghề bán ái tình cho các anh lính xa nhà bất kỳ ở nơi đâu... Trên bãi cát, sau bụi cây, trên xe GMC, một đôi khi dựa vào hông xe... Chỉ cốt sống được!! Người dân Phù Cát sống thật mệt. Ngày 12 tháng Mười một, năm giờ sáng, tiểu đoàn hướng về ngã Bồng Sơn, qua quận Phù Mỹ, trời còn tối, vượt đèo Nhông đến đèo Phù Cũ, xe ngừng. Dàn đội hình, bỏ quốc lộ 1 tiểu đoàn bắt đầu tiến quân về phía đông, bên trái là núi Chóp Chài, bên phải là đồng ruộng có tiểu đoàn 6 và thiết vận xa cùng tiến song song. Quân đi chậm, nơi đây một tháng trước, chúng tôi đã có dịp chứng kiến một tiểu đoàn của trung đoàn 42 quần thảo với địch - làng Quang Nghiễm - mục tiêu thứ 1 hiện ra cuối cánh đồng sừng sững như một pháo đài. Hàng trăm tà-vẹt đường rầy được Việt cộng lấy từ đường xe lửa xuyên Việt mang về làm tuyến phòng thủ. Hàng rào phòng thủ thật chắc do được lèn thêm thân cây dừa. - Với hàng rào này nếu có tụi nó thì mình nát xương. - Lính bàn tán. - Bọc lên trên núi để ép xuống, lỡ có đụng thì làm ăn được. Giọng anh Ba "râu" oang oang trong máy. Đại đội 91 bắt đầu trèo lên sườn núi phía trái, đại đội 92 đi dưới đồng ruộng phía tay mặt. Tiểu đoàn 6 bên phải chúng tôi đã chiếm được mục tiêu đầu của họ, tiểu đoàn chúng tôi được lệnh vào... Lính chạy hết tốc lực, cánh đồng không có lúa dễ di chuyển nhưng quá dài đối với người lính mang nặng. Làng vắng ngắt, nhà cửa bị bom dội đổ sập chỉ còn trơ vài cây cột. Rừng dừa vẫn còn tươi, dừa miền Trung cao và to hơn gấp bội miền Nam; vùng Bình Định, Phú Yên trong những đêm trăng, lá dừa lung linh ánh sáng như sóng biển, đi tàu lửa đêm tưởng như trôi giữa đại dương... Đêm trăng ướt lá dừa - Câu hát thật bình dị nhưng gợi cảm. Đêm trăng hôm nay vẫn còn đấy, nhưng người làm câu thơ giờ này chắc đâu còn rung động như những năm xưa. Hình như ông ta đã theo Mặt Trận. Quân tiến đến làng Quang Nghiễm 4, xong trở về làng Quang Nghiễm 3 để đóng quân. Cao độ ba mươi sáu thước, gió từ biển thổi vào lồng lộng, đồi không cây, không căng võng được, ngủ ngay trên sườn đá. Mặt trời tắt, gió mùa đông thổi lạnh, đêm ngủ không được, thân thể mệt mỏi, nằm xuống nhớ thằng bé vừa sinh chưa đầy tháng. Cuộc hành quân còn bao nhiêu lâu? Tôi ngồi dậy nhìn ra trong đêm tối, có tiếng sóng vỗ ở nơi xa. Tôi biết mình đi gần về biển. Bao nhiêu lâu không thấy biển, nơi tuổi trẻ của tôi đã lớn. Tôi đã già. Một ngày hành quân vừa đi qua. Tiếp tục những ngày sau, tiểu đoàn tiến về hướng nam, chợ Bình Dương Đông, chợ nhỏ nhưng đông, người từ những thôn xóm xa xăm đến họp, có những món hàng thật tội nghiệp, bốn năm quả trứng, vài bó củ cải mà người bán phải dậy từ sáng tinh mơ để đi đến đây từ một làng sát bờ biển, tay mang, đầu đội, tay dẫn con vượt qua hàng mười lăm hai mươi cây số để đổi lấy một vài thứ không thể sản xuất được. Tiểu đoàn đóng quân tại chợ, lính nhào đi mua bán, ít khi họ mua được hàng rẻ và ngon đến thế. Cả dân và lính đều hả hê vui sướng. Tiếp tục đi sâu về phía đông đến tận đầm Trà Ổ. Làng thật trù phú, vườn củ đậu xanh, dừa sai quả, tất cả nhà gạch trong làng đều bị bom cày nát. Nhà thờ Chánh Khoan chu vi rộng hai mẫu, kiến trúc theo lối Tây phương, tượng thiên thần tinh xảo còn tồn lại được trên đồi cao như dấu vết của một thời kỳ thịnh vượng. Một tuần, hai tuần qua, càng đi vào sâu càng thấy đổ vỡ chiến tranh và tác động của nó. Cả một vùng đất đai trù phú từ đèo Nhông đến đèo Phù Cũ, rộng từ quốc lộ 1 ra đến biển nhưng tổng số dân cư không quá hai ngàn người. Không có đàn ông, thiếu người canh tác, lúa chín đỏ không người gặt. Bà cụ già đến bữa ăn ra nhặt một ít đem về xay để đủ nấu trong vài này. Dân ở bên cạnh đầm Trà Ổ không dám đánh cá, chiếc đầm rộng hơn mười lăm cây số vuông, lưới cá giăng đầy không người kéo. Sáng ngày thứ mười bốn, khi đóng quân ở trên bờ cát cao nhìn xuống mặt đầm, nước đầm bủa sóng mênh mông, một chiếc xuồng nan trôi dật dờ, ở trên có chiếc trực thăng lượn vòng, thỉnh thoảng bắn xuống một tràng đại liên. Hai giờ sau chiếc xuồng vào đến bờ, hai người đàn ông lớn tuổi được khiêng lên, cả hai đều bị thương. - Sao ông lại ra ngoài đầm để làm gì? - Lưới của nẫu nhiều cá quá, không ra gỡ thì uổng... Gọi trực thăng xuống di tản, một người đàn bà từ đâu chạy lại ôm lấy người bị thương khóc lóc... - Đã nói với nẫu đừng đi để nông nổi thế này! Đứa bé chín tuổi đứng bên cạnh nhìn chúng tôi hằn học. Không lấy gì làm lạ, địch đã ở vùng này quá lâu để gây ảnh hươœng. Ngôi trường học ở Phú Ninh bị phá nát, Việt cộng đào rộng cái hốc ở núi Lồi để làm trường dạy lũ trẻ. Tính đố: Ngày hôm qua quân giải phóng giết hai mươi quân Mỹ-Ngụy và tịch thu mười tám súng, ngày hôm nay thêm bốn mươi lính ngụy chết tịch thu ba mươi hai súng, hỏi quân giải phóng đã giết được bao nhiêu quân Mỹ-Ngụy? Và tịch thu bao nhiêu súng? Bài hát: Em có cây bút chì. Vẽ ngay một tên giặc Mỹ. Em tô con mắt xanh lè, cái mặt thật là gớm ghê... Đi đến nơi đâu: Đàn ông ở đâu? Nẫu không biết! Ai giết cô Năm ở chợ Bình Dương? Nẫu không biết! Cô Năm thợ may chỉ có cái tội sửa áo quần cho lính, đêm sau tiểu đoàn đi, Việt cộng về lôi ra chém kèm bản án liên lạc với Ngụy! Bà già sáu mươi hai tuổi bị tình nghi là điểm chỉ cho Việt cộng bình tĩnh đối đáp trong khi chúng tôi có đủ chi tiết trên giấy tờ tịch thu được. - Bà là mẹ chiến sĩ phải không? - Im lặng. - Chúng tôi có giấy tờ chứng nhận bà đã đi thu thuế trong vùng Chánh Khoan để nộp cho tên huyện uỷ Nguyễn Văn Bình. - Vẫn im lặng. Bà già nhổ quyết trầu xuống đất, cười khủng khỉnh: Nẫu không biết. Sự dốt nát và hận thù, nghèo đói bệnh tật đè lên đầu dân chúng. Tiểu đoàn đi đầu, đại đội chúng tôi đi sau chót, gặp một toán dân làng thằng Hùng mang máy truyền tin cho tôi nghịch ngợm hỏi: - Có thấy bọn Mỹ Ngụy qua đây không? Toán dân nhìn bộ áo quần của nó dò xét không trả lời. Thằng Hùng trỗi dọng Quảng Bình: - Các đồng chí phải hoan hô quân giải phóng, chúng tôi đã giết được hai trăm tên Mỹ Ngụy nên lấy được áo quần và súng này của chúng. Chúng tôi là quân giải phóng, các đồng chí đừng lầm, hãy chỉ tụi Mỹ Nguỵ cho chúng tôi! ... Toán dân mau mắn gật đầu: - Kìa kìa, tụi nó đi ngã kia kìa, họ chỉ về hướng tiểu đoàn chúng tôi đang di chuyển. Một tháng hơn đã qua, người tôi muốn nằm xuống như một chiếc lá khô. Đi mãi, đi hoài, vòng lên Vạn Phú ra Chánh Khoan, Chánh Giáo, kéo ra quốc lộ lãnh tiếp tế, xong rồi lại rút vào. Chúng tôi đi không cần địa bàn, không bản đồ, cứ nghe đến mục tiêu là đi. Đi không có kết quả. Nhưng tệ hại hơn cả là mệt mỏi tinh thần, những thảm cảnh chứng kiến cùng với sự khổ nhọc của bản thân càng ngày càng chồng chất lên cao. Người tôi căng bởi trong đau đớn và cuồng nộ vô danh. Chiều ngày thứ bốn mươi của cuộc hành quân. Đại đội đi hoạt động biệt lập, chúng tôi đi dọc theo bờ đầm, biển và bờ cát ở bên phải, đầm ở bên trái. Trời mùa đông miền Trung xám đặc, bãi cát vàng úa, đầm giăng giăng mưa bụi, từng đàn vịt trời bay lên, đảo xuống theo một tốc độ chậm chạp buồn phiền. Tôi để một trung đội đi trên gò cát, phần còn lại của đại đội dựa theo bờ đầm, đoàn quân đi thất thểu như một lũ ma hoang. Một tháng mười ngày di chuyển không ngừng nghỉ, áo quần bẩn thỉu, nhàu nát, gió mùa đông lạnh buốt. Chúng tôi đã tận nhọc nhằn. Đến làng An Quảng, làng thuộc loại lớn nhưng hoang vắng một cách đáng sợ, mọi nhà đều đóng cửa. Có tiếng khóc trong một ngôi nhà nhỏ, tiếng khóc trẻ nít. Tôi cho một anh lính bước vào, một lúc sau trở ra dẫn theo ba đứa trẻ, đứa lớn nhất khoảng mười ba tuổi. - Nhà có người chết, Trung úy. - Ai chết đó mấy em? - Nẫu cha và mẹ. Đứa con gái lớn mếu máo trả lời. - Chết lâu hay mau rồi? Sao mà chết? - Chết hai ngày rồi, mấy nẫu bị đau. Soát lại tình trạng của các căn nhà khác, đâu đâu cũng có một vài người đã chết hoặc gần chết. Dịch hạch, toàn thể dân chúng trong làng đều bị dịch hạch, bệnh nhân phần đông đang hấp hối, sốt mê man hạch nổi to tướng. Tôi ra lệnh cho lính ra khỏi làng dẫn thêm ba đứa trẻ. - Em năm nay mấy tuổi? - Dạ mười bốn tuổi. Mười bốn tuổi, con bé hom hem gầy guộc ước chừng mười tuổi, mắt nó ngơ ngáo, môi thâm xì. Hai đứa em trông còn thiểu não hơn, đứa bé nhất khoảng bốn hay năm tuổi. Một gói cơm khô và hộp cá được đưa ra, ba đứa bé ăn trong nháy mắt. - Bây giờ các nẫu chôn dùm cha mẹ tôi. oà lên khóc theo. Tôi đứng dậy đi ra xa, cổ họng đắng ngắt, hơi thuốc lá rít vào nhờ nhợ muốn nôn. Gió ở biển thổi vào làm mi mắt mọng mọng. Tôi ước gì được chảy dòng nước mắt, nỗi giận vô cớ muốn vỡ toang trong người. Chôn hai xác chết, huyệt đào sâu không quá một thước rưởi, lót mảnh ván đặt hai thây người bó chiếc chiếu. Ba đứa bé đứng lặng nhìn những người lạ chôn xác cha mẹ chúng với đôi mắt trợn trừng của những con vật sắp chết. Tôi muốn chôn luôn cả chúng nó! - Bây giờ các em ở đây với ai, lấy cái gì ăn? - Dạ đào củ đậu và khoai. - Con chị chắp tay lạy tôi mấy cái để cám ơn. Tôi ngồi xuống ôm thằng bé nhất trong tay, lòng khô như bãi cát dưới trưa nắng. Thôi cho mấy em mấy hộp thức ăn này, anh đi. Quân kéo xa khỏi làng, bóng ba đứa bé mờ dần trong sương chiều như hờn oan. Bây giờ thì sự sụp đổ trong linh hồn coi như đã hoàn tất, lính đi lâu ngày sinh ra bê bối vì không phải quê hương ruột thịt, lính chúng tôi không làm sao có trách nhiệm trên vùng đất này được. Lính binh chủng này đem đi làm nhiệm vụ bình định nông thôn thật là buồn cười, phải có những mục tiêu, những kết quả cụ thể mới giáo dục họ được. Họ không thể chịu đựng nổi loại hành quân cứ đi hết làng này qua làng khác, không đụng trận, không gặp địch. Chỉ có đi và đi hoài, đi đến độ nhàm chán ngã lòng. Binh chủng chúng tôi phải ném vào nơi các chiến trận gay go nhất, những vùng bị áp lực địch thật mạnh, để tấn công, để chiếm giữ song cho rút ra nghỉ để tiếp tục với một cuộc quyết chiến khác. Hành quân bình định tại một làng heo hút tận miền Trung, không có lính chính quy của địch để đụng trận du kích đã từ lâu gây ảnh hưởng và tuyên truyền, lính đi lâu ngã lòng vì cảm thấy vô ích thừa thãi. Lại xảy ra các vụ buôn bán ái tình. Gái ở đây dễ tính, chiến tranh kéo hút đàn ông đi, lính xuất hiện như một đáp số đúng. Người tôi như một chiếc lá khô trôi theo giòng nước. Hai tháng trôi qua, sáu mươi ngày lê chân đủ khắp hết mọi vùng núi non, đồng ruộng, chứng kiến những tàn phá đổ vỡ của chiến tranh, cơn băng rã trong lòng người và những tình ý quí báu bể tan như bọt nước... - Chồng nẫu đâu rồi? - Đi sửa xe đạp ngoài Qui Nhơn. - Nẫu đẹp quá, có ưng anh không? - Tiếp theo là thô bạo suồng sã, xác thân bị đốt cháy tiêu tan bởi dục tình. Chiều mưa, mưa thật lớn, đoàn quân đi trước, dân đi sau. Từ Dương Liễu lên Vạn Phú, con đường bị lấp dưới làn nước chảy xiết. Lính chịu đựng im lìm, dân xơ xác nheo nhóc lếch thếch trên giòng nước bạc, trong làn mưa chập chờn như một lũ ma. Đường nhựa không xử dụng được, nước cuốn trôi những đoạn đường lớn, tất cả đưa nhau lên đường xe lửa vốn được đắp cao. Đường xe lửa xuyên Việt bây giờ chỉ còn lại nền đất và đá cuội, tà-vẹt bị bóc hẳn, đường rầy bị lật sang một bên nằm cong queo thảm hại. Tôi đi như một hồn ma trên con đường hoang tàn đó. Ngày thứ tám mươi, trực thăng vận từ phi trường Đệ Đức vào làng nhỏ sông Phụng Tiên, nằm giữa Bồng Sơn và Tam Quan. Trực thăng bay trên vùng biển dừa xôn xao ở dưới. Đại đội đáp xuống bình yên, Tiểu đoàn tiến về phía nam. Di chuyển được một giờ, Đại đội 91 ở cánh trái thấy thấp thoáng trong vườn mía bóng người chạy. Súng nổ, có tiếng đạn bắn trở lại, đạn AK, đúng là Việt cộng khép chặt vào. Đại đội 94 từ phía phải bọc lại. Đại đội 91 cho một trung đội tiến vào lục soát, có vết máu dẫn tới một miệng hầm. Tèo ra lệnh vây chiếc hầm, cho người đến gọi: - Lên, không thì ném lựu đạn xuống... Gọi được hai lần... Ầm! Một tiếng nổ từ dưới hầm vang lên, Việt cộng dưới hầm vừa tự tử!! Lệnh khui chiếc hầm sáu, thi thể bê bết máu được kéo lên từng cái một. Khám phá trong xác chết của một tên ăn mặc chững chạc nhất: Huyện uỷ vùng Bồng Sơn- Tam Quan. Tài liệu trong người tên này được khai thác tại chỗ, phát giác nhiều tin động trời: Chuyến trực thăng vận của chúng tôi cách đây hai giờ đã được ghi thành báo cáo chính xác, bởi điều nghiên của các tổ thám sát theo dõi chúng tôi sau hai tháng qua. Kết quả tạm đủ, sáu chết với năm súng bị tịch thu. Tiểu đoàn rút quân chạy đua về hướng nam. Vùng hành quân sẽ trở thành miền oanh kích tự do trong đêm nay. Việt cộng đuổi theo bắn sẻ. Đại đội 92 của Đức có nhiệm vụ ở lại để làm hậu vệ cho đoàn quân qua sông, chín giờ tối đến chỗ đóng quân. Hai mươi mốt cây số đường ruộng được chạy trong bốn giờ. Tôi lăn xuống một chỗ ngủ, sáng mai mới biết là chuồng bò. Tiếp tục đi về phía nam, phía Bồng Sơn. Dọc đường thấy chiếc xe Dauphine của một nữ ký giả Pháp. Người này đã được Việt cộng đón. Tài liệu tịch thu ngày hôm qua trong túi viên Huyện ủy đã thông báo chuyện này. Về đóng quân tại ngôi chợ cạnh quốc lộ đối diện với phi trường Đệ Đức. Thèm một cục nước đá, mặc dù đang mùa đông. Nước đá, sản phẩm thành thị đã xa từ lâu. Thị trấn Bồng Sơn lầy lội, nhỏ bé nhưng vẫn quyến rũ như một bát bún bò sau gần ba tháng chỉ ăn cơm lính hành quân. Chúng tôi, hết thảy sĩ quan trong tiểu đoàn đi qua lại hoài hoài dãy phố nhỏ không chán. Đã từ lâu không nhìn thấy mặt người. Từ lâu cũng không thấy mặt trời... Trở về Đệ Đức, suốt ngày chơi domino, chơi đến độ hoa cả mắt, chơi suốt đêm. Tôi cố tìm cho mình một đam mê, đi lính không mê một cái gì khó sống được. Làm sao có thể bình yên trong một cuộc hành quân kéo dài đến ngày 88... Ngày thứ 89, gắn huy chương ở sân cờ Trung đoàn 42 Bộ binh. Buổi sáng vào ăn ở câu lạc bộ Trung đoàn, ly cà phê, tô bún thật dễ chịu. Có một anh trung úy đội cái nón da lót nỉ, thứ nón trong phim Bác sĩ Zivago trông thấy thật chướng mắt. Đại úy Đỉnh nhào tới, kiếm chuyện đánh liền. Tốt, chúng tôi sửa soạn lâm chiến nếu có cuộc đánh hội đồng... Anh trung úy nhịn thua, thật là buồn! Bao nhiêu phiền muộn muốn cho nổ tung ra, nhưng không có dịp may. Gắn huy chương, bản tuyên dương công trạng nhắc tới thành tích của tiểu đoàn trong ba tháng vừa qua. Địch chết, bị bắt, tình nghi... Chẳng có nhắc đến nỗi buồn chán hoài hoài của chuyến đi thất thểu bên bờ đầm trong chiều mưa. Bản tuyên công cũng không kể đến cảm giác nghẹt thở khi chôn hai thây chết trong khu vườn hoang. Những giây phút ngặt nghèo đó có gì để tưởng thưởng. Được gắn một huy chương bạc cho cuộc đi dài 89 ngày. Chúng tôi trở về chỗ đóng quân để đợi máy bay về Sài Gòn, đánh domino suốt ngày, trời mưa không dứt. Phiên chợ bên cạnh chỗ đóng quân buồn bã xơ xác, tôi ra đứng ở bờ sông Lại Giang, trên chiếc cầu nổi, mưa giăng bụi... Thèm một ly cà phê như trong cảnh thơ Quang Dũng. Nhưng hào khí ngày nào đâu còn. Tháng 12-1966. Bồng Sơn.