Chương 15
BẪY GIÁN ĐIỆP

    
BI! (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) - ông Peck la lên - Đúng rồi! Ta sẽ gọi cho FBI, để họ giải quyết vụ lộn xộn này!
Peter đã cầm danh bạ điện thoại lên.
- Ở đây không có - Peter nói - Không có văn phòng FBI trong thành phố này.
- Bộ cháu tưởng có à? - ông Peck nói - Ta sẽ đến FBI ở New York, đi ngay. Cuốn gói!
Bốn ông cháu cuốn gói, rồi chạy xe suốt đêm khuya, suốt cả buổi bình minh xám xịt cho đến khi đâm vào một đường hầm óng ánh gạch trắng và xe cộ chạy ầm ầm. Phía sau đường hầm này là một thành phố lớn: các toà nhà cao chót vót, xe cộ lưu thông hỗn loạn, còn taxi thì tranh giành chỗ xếp hàng đón khách ngay bên ngoài một cấu trúc đồ sộ, hoá ra là nhà ga Pennsylvania.
Ông Peck dừng xe phía bên kia đường, đối diện nhà ga. Hannibal vào bên trong, xem danh bạ điện thoại tìm địa chỉ của FBI. Ba Thám Tử Trê cảm thấy kích động. Cả ba từng hợp tác với cảnh sát thành phố Rocky trước đây, nhưng chưa bao giờ với FBI trong một vụ có khả năng là vụ gián điệp.
Lúc chín giờ rưỡi, ông Peck và ba thám tử đã tìm ra văn phòng và được mời vào ngồi một phòng riêng với một người mà bốn ông cháu nghĩ là nhân viên đặc vụ. Ông tên là Anderson. Ông Anderson là một người giản dị, tóc vàng, hàm răng trắng đều, có cú bắt tay chắc chắn, cung cách điềm đạm. Tính khí điềm đạm này rất có lợi cho ông Anderson khi ông bắt đầu nghe ông Peck tường thuật câu chuyện về tên Snabel vô lại đi bán bí mật quân sự cho kẻ thù. Ông Peck nhanh chóng mất tự chủ vì quá phẫn nộ nên bất đầu nói lắp bắp không mạch lạc.
Nhân viên FBI lịch sự chờ ông Peck bình tĩnh trở lại.
- Ông ngoại ơi! - Peter kêu - Có rất nhiều điều ta chưa biết chắc mà. Hay ông đưa hình ra cho chú ấy xem đi?
- Ta đã biết chắc chắn rồi! - ông Peck quát lên.
Nhưng ông ngoại của Peter vẫn đặt mạnh phong bì hình xuống bàn.
- Những tấm hình này có trong máy hình của cháu Bob - ông Peck tuyên bố - Hai máy ảnh bị tráo. Tên phản quốc Snabel đang rao bán cái này cho một tên điệp viên ngoại quốc!
Ông Anderson nhìn mấy tấm ảnh, nét mặt vẫn không biểu lộ gì.
Hannibal chụp lấy cơ hội để xen vào cuộc hội thoại.
- Thưa chú Anderson, cháu xin phép được tự giới thiệu về mình.
Nói xong câu này, Hannibal lấy một tấm danh thiếp ra khỏi túi áo, trao cho nhân viên FBI. Ông Anderson chăm chú đọc tấm các:
BA THÁM TỬ TRẺ
Điều tra các loại
???
Thám tử trưởng: HANNIBAL JONES
Thám tử phó: PETER CRENTCH
Lưu trữ và nghiên cứu: BOB ANDY
Ông Anderson há miệng ra như định đặt câu hỏi, nhưng Hannibal nhanh miệng nói tiếp.
- Cháu là Hannibal Jones, lãnh đạo của nhóm thám tử, cơ sở đặt tại thành phố Rocky, bang Californie. Tụi cháu đã từng điều tra những vụ bí ẩn đủ các loại, nên tụi cháu biết rành các kỹ thuật điều tra chuyên môn.
Bob có cảm giác đã nhìn thấy nét buồn cười thoáng hiện trên gương mặt điềm tĩnh của ông Anderson khi ông bỏ danh thiếp của ba thám tử trở xuống bàn viết.
Hannibal vẫn tiếp tục nói, nhưng bẽn lẽn nhìn xuống:
- Dĩ nhiên, tụi cháu chưa bao giờ gặp một vụ nào quan trọng như thế này. Đúng là vinh dự lắm mới có dịp hợp tác với FBI...
- Đi thẳng vào vấn đề đi - Peter nóng lòng ngắt lời.
Hannibal trừng mắt nhìn thám tử phó, rồi quay sang ông Anderson nói tiếp:
- … trong một vụ án có thể tác động đến an ninh quốc phòng đất nước ta.
Hannibal tiếp tục giải thích hai máy ảnh đã cầm nhầm như thế nào ở Monterey.
- Đó chính là sự khởi đầu của một loạt sự kiện đáng sợ - Hannibal nói.
- Tên vô lại đó từng toan tấn công ta trước đó nữa mà! - ông Peck thốt lên.
Nhưng rồi ông Peck im lặng trở lại. Hannibal kể về vụ cháy ở Coeur d’Arlene, bang Idaho, về lúc thấy Snabel trên con đường mòn ở Công viên Quốc gia Custer, Nam Dakota, và cuối cùng về vụ mưu toan bắt cóc Bob ở Michigan.
- Chắc chắn phải có hồ sơ lưu lại ở Surgis, bang Michigan, về một vụ toan bắt cóc xảy ra cách đây vài ngày. Người quản lý siêu thị có gọi cảnh sát trưởng ở đó mà.
Người của FBI vẫn im lặng, chờ xem Hannibal có thêm gì để nói nữa hay không. Một hồi sau, ông gật đầu.
- Tôi hiểu rồi - ông nói.
Hannibal ngồi trở xuống, hài lòng với những gì đã phát biểu. Thám tử trưởng đã tỏ ra rất lôgíc, mạch lạc, có trình tự, rõ ràng, và rất thuyết phục, Hannibal tự tin là như thế. Nhưng ông Peck lại sừng sộ lên nữa.
- Con chồn hôi Snabel có biệt tài gián điệp - ông ngoại của Peter nói - có lẽ tay đi cùng hắn là tình báo của địch.
Ông Anderson mỉm cười.
- Có biết địch nào không?
- Điều đó có quan trọng không? - Ben Peck hỏi lại.
- Có lẽ không - người của FBI nói.
Rồi ông yêu cầu bốn ông cháu ngồi chờ. Ông cầm hình ra khỏi phòng. Ông quay lại sau một hồi, chỉ báo rằng đồng nghiệp của ông đang xem xét câu chuyện và sẽ giữ liên lạc.
- Bác ở chỗ nào tại New York? - ông Anderson hỏi.
Ông Peck cho biết tên một khách sạn nhỏ ở Bờ Đông, khách sạn Riverview Plaza. Ông Anderson ghi lại.
- Nếu khách sạn đó vẫn còn phòng - ông Peck đa nghi nói thêm.
- Để chúng tôi kiểm tra, phiền bác chờ thêm vài phút - Anderson nói.
Ông Anderson lại bỏ đi ra, vài phút sau trở lại, báo rằng khách sạn Riverview Plaza có hai phòng cho bốn ông cháu.
- Nếu bác nghĩ đến bất cứ điều gì khác, hoặc nếu bác có gặp lại Snabel, thì xin bác hãy liên lạc với cháu - Anderson nói và đưa danh thiếp.
Khi đó, ba thám tử hiểu rằng câu chuyện của mình đã được chú ý nghiêm túc, ít nhất là đủ nghiêm túc để được điều tra. Bốn ông cháu mãn nguyện bước ra, đi thang máy xuống.
Ông Peck chạy xe đến khách sạn Riverview Plaza. Đó là một toà nhà cũ, có thể trước kia từng nhìn ra sông được nhưng nay bị các toà cao ốc che khuất mất. Nhân viên khách sạn lái chiếc xe Ford xuống bãi đậu xe. Một nhân viên khác mang đồ đạc lên một phòng căn hộ. Cửa sổ không được sạch lắm nhìn qua một toà nhà văn phòng trong đó có những hàng người, đàn ông và đàn bà, ngồi máy vi tính dưới ánh đèn neon.
Hannibal cảm thấy quang cảnh này buồn chán quá bèn kéo rèm xuống, leo lên giường. Thám tử trưởng nhắm mắt lại, tự hỏi không biết đến bao lâu FBI mới kiểm tra xong câu chuyện này. Hannibal thắc mắc không biết nhân viên FBI sẽ xử lý Snabel ra sao, và đó là điều cuối cùng mà Hannibal nghĩ đến trước khi thiếp ngủ đi.
Hannibal nằm mơ mình đang ở nhà, trong kho bãi đồ linh tinh. Trong giấc mơ, Hannibal đang đi trong đường hầm qua những núi đồ phế thải chất quanh xe lán mà Ba Thám Tử Trẻ dùng làm bộ tham mưu. Hannibal phải bò nhanh vì điện thoại cứ reng lên không ngừng.
Hannibal thức tỉnh, đổ mồ hôi vì lo lắng. Điện thoại trong phòng khách sạn đang reng thật. Bob ngồi dậy, bắt máy. Hannibal nhìn, vẫn chưa tỉnh táo lắm. Còn Bob thì trả lời.
- Dạ - Bob nói - dạ, dĩ nhiên thôi ạ.
Bob gác máy.
- Ông Anderson gọi từ sảnh khách sạn lên - Bob nói - Chú ấy đang lên.
Ba thám tử lật đật ra khỏi giường. Peter chạy đi gọi ông Peck dậy. Ông ngoại đang từ phòng mình sang, đầu tóc rối bù, đi chân trần, thì người của FBI gõ cửa phòng.
Ông Anderson đi cùng với một người thứ nhì, một người cao hơn và lớn tuổi hơn ông một chút. Ông Anderson giới thiệu người đi cùng là Fsriedlander, rồi ngồi xuống một cái ghế nhỏ trong góc, để cho Friedlander nói chuyện.
Ông Peck phải trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến Snabel. Ông Peck trả lời được mà không nổi giận lên và không đi chệch ra khỏi vấn đề. Ông biết rất ít về Snabel, mặc dù hai người đã là hàng xóm nhiều năm. Ông Peck chỉ có thể nói với ông Friedlander rằng ông biết Snabel làm việc trong một ngành công nghiệp quốc phòng, rằng dường như Snabel không có gia đình bạn bè, và có thú trồng phong lan. Ông Peck hoàn toàn không biết gì về tên đồng bọn của Snabel, tên đã toan bắt cóc Bob. Tuy nhiên, Bob chỉ được hình chụp của tay đồng bọn từ khoảng một chục tấm ảnh mà ông Friedlander cho Bob xem.
- Ai vậy hở chú? - Bob hỏi sau khi đã nhận dạng được kẻ lạ - Hắn đã có hồ sơ tiền án rồi à?
Tấm hình mà Friedlander cất trở vào túi không phải là ảnh chụp bình thường của cảnh sát. Hình cho thấy kẻ lạ mặt đang đứng ở sân bay hay có thể là nhà ga. Hắn đang đi qua cổng, như vừa mới xuống máy bay.
- Hắn chỉ là một kẻ mà chúng tôi được biết đến trong quá khứ - Friedlander đáp - Cứ gọi hắn là Barlett. Đó là một trong các bí danh của hắn.
Ông Anderson đến gần, mở một cái cặp da. Ông lấy vài cuộn phim ra. Các cuộn phim được đóng kín, như vừa mới chụp xong và sẵn sàng để đưa đi tráng rửa.
- Bob à, cháu sẽ giúp được rất nhiều nếu chịu mang những cuộn phim này trong túi chụp hình - Anderson nói - Đừng lo gì, nếu có ai ăn cắp túi đồ chụp hình, trên cuộn phim chỉ có những hình chụp vô dụng.
Ông Peck nhảy phốc lên.
- Không được! - ông quát lên - Các anh biến thằng bé thành một con mồi. Tôi chịu trách nhiệm về cháu trong chuyến đi này, và tôi không cho phép chuyện này xảy ra!
Ông Anderson mỉm cười.
- Dạ không có đâu, bác Peck à - Anderson nói - Chúng tôi không hề biến cháu Bob thành một con mồi. Cháu Bob đã là con mồi rồi. Snabel và tên đồng bọn vẫn có thể tìm ra bác và các cháu. Bọn chúng đã bày ra rất nhiều trò rắc rối chỉ để lấy cuộn phim về. Nếu cuối cùng bọn chúng tìm ra được Bob, mà Bob không trao cho chúng những gì chúng muốn, thì bác nghĩ chúng sẽ làm gì?
Ông Peck sững sốt, ngồi trở xuống.
- Các anh sẽ bí mật giám sát theo, phải không? - ông Peck hỏi - Y như các chương trình cảnh sát chiếu trên truyền hình. Các anh sẽ đi theo Bob, rồi khi Snabel và tên Barlett kia ra tay, thì các anh sẽ tóm chúng.
Friedlander và Anderson không thừa nhận điều này, nhưng họ cũng không chối cãi. Hai người chỉ yêu cầu ông Peck báo tin nếu bốn ông cháu quyết định rời khỏi New York, hoặc dời đi khách sạn khác. Rồi hai người của FBI ra về.
Khi cửa đóng lại phía sau lưng hai người, Bob thốt lên:
- Cháu trở thành nhân viên phản gián! Cho đến nay ta đang bị săn đuổi, nhưng bây giờ ta đã trở thành người săn.
- Cháu là một cái bẫy! - ông Peck chỉnh.
Ông ngoại của Peter cố tỏ ra nghiêm trang, nhưng ông cũng rất kích động. Ông không ngờ rằng cuối chuyến hành trình ông lại làm việc cùng với FBI để bẫy cho dứt khoát tên hàng xóm khó chịu!