Mỹ Xuyên hầu như không tin nổi vào mắt mình khi nhìn thấy hai bức tranh "Mùa xuân chín" và "Tĩnh vật xanh" đang được theo một cách trang trọng trong phòng khách của gia đình ông bà Nataka. Cô hớt hải bước đến bên bức "Mùa xuân chín" và đưa tay lên sờ vào lớp vải dầy bởi sơn dầu của nó. Chữ ký của Quyền nằm bên góc phải bức tranh vẫn còn rõ nguyên. Đích thực là tranh của anh rồi. Nhưng tại sao nó lại hiện diện trên cõi đời này, khi cái phòng trưng bày đã cháy thành tro tất cả? Gương mặt Trọng Bằng đêm xảy ra hỏa hoạn chợt lướt nhanh qua ký ức Xuyên. Nhất định chuyện này có gì khác thường rồi. Ông Nataka tới cạnh cô và bập bẹ tiếng Việt bằng giọng lơ lớ của người nước ngoài: - Nó rất là đẹp... Phải không? Xuyên gật đầu: - Vâng. Người ta biếu ông bức tranh này à? - Ồ! Không. Tôi mua nó ở Singapore đó chứ. - Bức tranh kia cũng thế à? Ông Nataka có vẻ hãnh diện: - Đúng vậy. Người họa sĩ này còn vài ba bức tranh nữa rất đẹp, nhưng tôi không mua được. Tôi rất tiếc. Bỗng dưng Xuyên buột miệng: - Tôi biết họa sĩ này. Ông Nataka ngạc nhiên: - Ông ấy người Việt Nam à? - Vâng. - Ôi! Vậy thì chắc chắn tôi còn được thưởng thức nhiều tác phẩm khác của ông ấy. Mỹ Xuyên ngậm ngùi: - Tiếc là ông ấy không còn vẽ nữa. - Nếu thế tranh của ông ta rất cao giá. Tôi mừng đã là chủ những bức tranh quý giá đó. Mỹ Xuyên mỉm cười nhưng trong lòng rối như tơ. Không biết có nên nói với Quyền chuyện này bây giờ không? Bà Diệu Hạnh mất đã hai tháng, nhưng Quyền vẫn chưa vơi buồn. Anh bày đặt mượn rượu để giải sầu. Nhiều đêm uống tới sáng làm Xuyên vừa lo vừa giận. Cô lo vì sợ anh không còn sức khỏe và nghị lực để làm việc. Còn giận vì sự tuột dốc về tinh thần của anh đã quá mức. Xuyên thở dài, cô dọn tất cả những thứ giấy dán tường, keo, kéo, kìm còn nằm trên sàn nhà vào giỏ xách. Hôm nay cô đã hoàn tất công việc trang trí nội thất ở đây. Ông chủ người Nhật này rất nôn nóng ở, nên chưa chi đã mang tranh ảnh về treo trong phòng khách. Cũng nhờ vậy, Xuyên mới phát hiện được bức "Mùa xuân chín" và "Tĩnh vật xanh" của Quyền. Thật ra, còn bao nhiêu tranh của Quyền trôi nổi trên thị trường tranh ở nước ngoài nữa chứ. Suy đi nghĩ lại, Xuyên thấy mình không thể giấu Quyền chuyện này. Cô vội vội vàng vàng làm cho hết việc còn lại rồi ra về. Ghé ngang trạm điện thoại công cộng, cô gọi cho Quyền và được biết hôm nay anh không đi làm. Xuyên ngao ngán phóng xe về nhà. Chiếc DH này là của Mỹ Tú. Con bé đã năn nỉ Xuyên cả buổi trời để cô nhận nó làm chân đi. Tú bảo ở thành phố này không có xe gắn máy là thua. Con bé đồng ý cho Xuyên trả gop, vì nó biết chẳng đời nào cô nhận không của nó bất cứ thứ gì. Có lẽ Xuyên là người cố chấp, nhưng cô không muốn bị kẻ khác xem thường, dù kẻ đó là em ruột cô. Dạo này Tú rất phất, đặt chân sang lãnh vực địa ốc, con bé cũng ăn nên làm ra. Tú muốn Xuyên về phụ một tay và cô cũng đã từ chối. Xuyên không thể, vì bên Tú vẫn còn Tùng, dầu tình yêu kia đã phôi pha, cô vẫn ngại mỗi lần nghe nhắc đến tên anh. Nghe gõ cửa, Xuyên liền ra mở, cô thật bất ngờ khi người khách ấy là ông Vĩnh Khả. Ném ánh mắt còn rất sắc của mình về phía Xuyê, ông Khả cao giọng: - O là Mỹ Xuyên hỉ? Xuyên ấp úng: - Dạ vâng. Mời ông vào nhà. Ông Khả chắp tay sau lưng, rảo mắt khắp phòng rồi mới ngồi xuống cái ghế cũ kỹ kế cạnh chiếc bàn vuông: - Chắc o biết tôi? - Dạ biết, vì trước đây cháu từng nghe anh Quyền... Ông Khả nhếch môi: - Thằng nớ chắc kéo nói xấu ông nội hắn? Mỹ Xuyên im lặng, cô không thích xum xoe với ông Khả, dù cô thừa hiểu ông sẽ đem đến cho cô sóng gió. Ông Khả lên tiếng: - Dạo này hắn bê tha quá, hắn bỏ bê công việc, chỉ lao vào rượu. Cô có biết không hè? Xuyên từ tốn: - Dạ, cháu biết. - Răng không khuyên hắn? Xuyên lại im lặng nghe ông Khả kề cà: - Hắn là cháu đích tôn duy nhất, nên trước sau gì cơ nghiệp này cũng thuộc về hắn. Nhưng đàn ông chi đa cảm rứa. Mạ hắn chết mà hắn buồn mấy tháng chưa dứt, hắn khiến tôi lo quá. Nhìn Xuyên với ánh mắt có phần dịu dàng hơn, ông Khả nói tiếp: - Nghe nói o và hắn là chỗ thâm tình, cô khuyên hắn giúp tôi một tiếng hỉ? Xuyên chưa kịp mở lời đã nghe giọng Quyền vang lên ngay sau ngưỡng cửa: - Ủa! Sao ông lại ở đây? Ông Khả có phần bất ngờ, nhưng ông vẫn bình thản trả lời: - Ôn đi tìm mi. Quyền nhíu mày: - Có chuyện gì quan trọng mà ông phải đích thân đi cho nhọc nhằn thế? Ông Khả nhấn mạnh: - Ôn chỉ muốn biết chỗ con hay qua đêm có chi đặc biệt không thôi. Mặt Xuyên đỏ lên, cô ấp úng: - Thưa ông, anh Quyền không hề qua đêm ở đây. - Rứa thì tốt. Nhưng có thiệt không hỉ? Quyền nóng nảy: - Con đưa ông về. - Không cần. Ôn có xe chờ ngoài nớ. Mi nhớ lời ôn, liệu về lo mần việc đi. Không thì chớ có trách. Mỹ Xuyên và Quyền đứng lặng thinh nhìn dáng đầy quyền uy của ông Vĩnh Khả xa dần, xa dần. Quyền tức tối: - Bố khỉ! Anh muốn điên lên vì công việc, sao ông nội luôn ép anh thế nhỉ? Anh cố tình bê bối nhưng ông vẫn không buông tha. Nội biết anh sẽ vẽ lại, nên cố tình đến đây. Ông sẽ không để em yên, nếu anh phật ý ông. Mỹ Xuyên dò dẫm: - Có thật là anh muốn vẽ lại không? Quyền gật đầu: - Mẹ đã chết rồi, anh cần gì cái gia tài ấy, khi rõ ràng tiền chẳng mang đến cho anh điều anh muốn. - Anh nên thẳng thắn trình bày với nội điều anh khao khát. Quyền thở dài: - Vô ích thôi. Rồi trước sau gì anh cũng phải phụ lòng ông nội lần nữa. Mỹ Xuyên ngập ngừng: - Em có chuyện muốn nói, nhưng anh phải hết sức bình tĩnh đấy. Nhìn vẻ nghiêm trọng của Xuyên, Quyền ngạc nhiên: - Chuyện gì mà rào đón dữ vậy? Mỹ Xuyên nói thật chậm: - Em vừa nhìn thấy bức "Mùa xuân chín" và "Tĩnh vật xanh" của anh. Quyền há hốc mồm, mấy giây sau, anh mới lắp bắp: - Hồi nào? Ở đâu? Xuyên nhấn từng chữ: - Sáng nay em tới nhà ông Nataka để làm nốt phần trang trí còn lại. Vừa bước vào phòng khách, em thật sự bị sốc khi thấy hai bức tranh ấy của anh. Quyền bồn chồn: - Có đúng là nó không? Mỹ Xuyên xác định chắc chắn: - Không sai một nét, chữ ký tên anh vẫn còn nguyên. Quyền thẩn thờ: - Ở đâu họ có nó chứ? - Ông Nataka cho biết ông đã mua nó ở Singapore, ngoài hai bức này, ông ấy bảo vẫn còn vài ba bức tranh nữa cũng của anh. Quyền đứng bật dậy: - Anh phải xem tận mắt mới tin. Đưa anh tới đó đi. Xuyên kéo anh ngồi xuống: - Giờ này họ không có ở nhà đâu. Đến tối, em sẽ đưa ông đến. Quyền xốn xang: - Lẽ nào lão Trọng Bằng đã đang tâm cướp của anh tất cả những bức tranh rồi đốt phòng triễn lãm tranh nhằm phi tang. Mỹ Xuyên nói: - Chuyện gì lại không thể? Anh phải tìm lão ta để hỏi cho ra lẽ đi. Quyền mím môi: - Trước khi gặp lão, anh phải gặp ông Nataka đã. Anh phải lấy lại những gì của mình mới được.