Chương 17

Mỹ Tú đứng dậy trịnh trọng giới thiệu:
- Ông Nataka một người rất thích tranh của các họa sĩ Đông Nam Á. Anh Bằng ơi! Anh là người trong giới sưu tầm tranh, anh có thể giúp em tìm hộ Ông Nataka một vài bức sáng giá không?
Vừa nghiêng mình bắt tay Nataka, Trọng Bằng vừa nói:
- Anh luôn hân hạnh phục vụ nghệ thuật và những người yêu nghệ thuật.
Ông Nataka cũng lịch sự nghiêng mình:
- Thật là qúy hoá quá.
Trọng Bằng thú vị:
- Ông nói được tiếng Việt à?
Nataka gật đầu:
- Tôi đang nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á và rất mê những bức tranh đầy nắng và sắc màu nhiệt đới nóng bỏng của họa sĩ vùng đất này. Tôi muốn có tranh của họa sĩ Việt Nam để bổ sung cho đề tài sưu tập của mình.
Giọng Trọng Bằng chắc nịch:
- Rồi ông sẽ có những tuyệt tác. Tôi bảo đảm như thế.
Mỹ Tú đứng dậy với những lời thật... kiêu:
- Tôi xin phép cáo từ để hai ông tự nhiên bàn luận về nghệ thuật.
Ông Nataka lại nghiêng người chào:
- Tôi rất cảm ơn cô.
Tú bật cười:
- Tôi không dám. Không dám thật đó.
Còn lại hai người, Trọng Bằng vào vấn đề ngay:
- Ông đã có bức tranh nào của họa sĩ Việt Nam chưa?
- Có chớ. Đó là bức tranh của các cụ như cụ Phải, cụ Sáng. Giờ tôi muốn sưu tầm tranh của giới trẻ.
Hạ giọng xuống, Nataka bảo:
- Cách đây gần một năm, tôi mua ở Singapore hai bức tranh rất tuyệt, tôi muốn ông tìm hộ tôi những bức tranh của họa sĩ này.
Trọng Bằng tự tin:
- Điều đó dễ thôi mà.
- Vậy thì chưa hẳn. Tôi nghe đồn họa sĩ này đã hết vẽ rồi, tranh của ông ta cực kỳ hiếm. Có thể nói chắc không hề có bán ở Việt Nam.
Trọng Bằng chợt dè dặt:
- Đó là họa sĩ nào vậy?
- Nguyễn Phúc Vĩnh Quyền. Một họa sĩ thuộc dòng dõi vua chúa.
Bằng buột miệng:
- Ông rành về chúng tôi quá nhỉ?
Nataka khoe:
- Tôi là tiến sĩ Đông Nam Á học mà. Đương nhiên tôi phải biết rõ về Việt Nam rồi. Nhưng ông có tìm được tranh của Vĩnh Quyền cho tôi không?
Trọng Bằng có vẻ dè dặt:
- Chưa thể trả lời ngay lúc này được. Tôi sẽ cố và thế nào cũng phải cho ông ít nhất một bức tranh, tuy nhiên phần giá cả thì... thì...
Nataka khoát tay:
- Nếu tôi đã ưng ý thì tiền bạc không thành vấn đề.
Trọng Bằng xoa tay vào nhau:
- Tôi biết. Theo thống kê thì hiện tại người Nhật là người tiêu tiền cho việc sưu tập tranh nhiều nhất thế giới.
Nataka nhấn mạnh:
- Nhưng phải bảo đảm là tranh thật đó.
- Xin ông yên tâm. Tôi là người có uy tín mà.
Ông Nataka hỏi:
- Thế bao giờ có thể xem tranh?
- Tôi sẽ gọi điện cho ông sau.
Trọng Bằng ra về. Nataka điện thoại ngay cho Mỹ Xuyên.
Một tuần sau...
Trọng Bằng đến. Nataka háo hức nhìn hai bức tranh vẫn còn được giấu trong bọc giấy.
Trọng Bằng khoan khoái xé giấy ra.
- Tôi tin chắc ông sẽ rất hài lòng với bức "Màu thời gian". Đây là bức tranh mới nhất, cũng là sau cùng của họa sĩ Vĩnh Quyền.
Nataka ồ lên thích thú khi nhìn những mảnh xanh lá cây đậm nhạt được dàn trải đầy ấn tượng trên mặt vải. Một cô gái với mái tóc dài không thấy mặt đang ngồi chênh vênh trên mỏm đá nghiêng mình xuống bờ vực sâu, cái vực thăm thẳm của thời gian.
Nataka tấm tắc:
- Khá lắm. Trừu tượng mà cũng rất hiện thực. Tôi muốn xem tiếp bức tranh thứ hai.
Trọng Bằng nói:
- Bức này có tên Đồi Hoa Vàng.
Nataka hỏi:
- Ông còn bức nào nữa không?
- Không. Tôi chỉ có hai bức này thôi.
Vừa ngắm nghía hai bức tranh, Nataka vừa thủng thẳng nói:
- Nghe nhiều người quen cho biết, toàn bộ tranh của Vĩnh Quyền đã bị cháy trong một cuộc triễn lãm cách đây hơn một năm, sau cú sốc đó, ông ta bỏ nghề luôn...
Trọng Bằng có vẻ hấp tấp:
- May mắn sao những bức tranh này không nằm trong đợt triển lãm ấy mà đã nằm trong bộ sưu tập của tôi. Tôi đã mua chúng trước đấy một tuần.
Nataka nhìn thẳng vào mắt Bằng:
- Thật vậy à? Sao họa sĩ Vĩnh Quyền lại nói khác kìa. Bởi vậy hôm nay tôi có mời ông ta đến để xem hộ tôi phải đây là những đứa con tinh thần của ông ta không?
Mặt ông Bằng tái nhợt:
- Ông mời Vĩnh Quyền à?
Nataka mỉm cười:
- Vâng. Ông ta tới ngay bây giờ.
Nataka vừa dứt lời, cửa phòng khác xịch mở. Quyền bước vào với gương mặt lạnh như tiền. Dầu ngồi trong phòng có máy điều hoà, Trọng Bằng vẫn mướt mồ hôi trán. Ông ta bối rối đến mức không mở miệng nói được câu chào.
Nataka nhếch môi:
- Đã tới lúc ông đối diện với chính mình rồi đấy, ông Trọng Bằng.
Dứt lời, Nataka bước ra khỏi phòng Vĩng Quyền không rời mắt khỏi hai bức tranh của mình.
Lâu lắm, anh mới nghiến răng:
- Tôi sẽ thưa ông cho ông vào tù xé lịch.
Đưa tay quệt mồ hôi trán, Bằng nói:
- Cậu làm to chuyện này, chẳng có lợi gì đâu.
Quyền lạnh lùng:
- Tôi không phải người đặt lợi lộc lên trên cả đạo lý và lương tâm như ông.
Mặt ông Bằng đầy vẻ gian xảo:
- Vậy thì cậu càng nên im lặng, vì kẻ chủ mưu đâu phải là tôi. Tôi chỉ thừa hành thôi.
Quyền cau mày, bực bội:
- Ông ăn cắp tranh của tôi rồi đốt phòng triển lãm nhằm phi tang sau đó, ngang nhiên mang tranh qua tân Singapore để bán. Chứng cớ ràng ràng mà còn dám đổ tội cho ai khác?
Trọng Bằng cười nhẹ:
- Tôi không đánh cắp tranh của cậu mà tôi đã khôn ngoan cứu chúng khỏi chết cháy. Đem chúng vào các cuộc bán đấu giá của hãng Sotherby ở Singapore để gây tiếng vang cho cậu, cậu không cám ơn lại trách tôi.
Quyền nhỏm dậy:
- Ông có tin tôi sẽ đấm vào mặt ông không? Đồ tham lam, gian xảo! Ông đã giết cả sự nghiệp của tôi mà còn lớn tiếng sao đồ vô lương tâm?
Quyền nắm chặt hai nắm tay, anh muốn dập lão Bằng một trận vô cùng, nhưng vì đã hứa với Nataka và Mỹ Xuyên nên anh cố kiềm cơn nóng giận xuống, dù trong lòng đang tức điên lên.
Từ hôm nghe Xuyên kể chuyện, rồi sau đó anh đến gặp Nataka tới nay, Quyền lúc nào cũng như ngồi trên lửa. Anh nôn nóng mong tới phút gặp Trọng Bằng và tưởng tượng mình sẽ dần lão ti tiện ấy cho hả.
Nhưng nhìn gương mặt trơ trơ như mặt nạ của lão, Quyền chợt thấy tởm. Anh chỉ e sẽ dơ tay mình nếu chạm vào đó.
Trọng Bằng đã lấy lại phong thái đĩnh đạc của mình, ông ta buông từng lời:
- Người vô lương tâm là cụ hoàng thân nhà cậu chớ không phải tôi đâu. Chính cụ Khả đã nhờ tôi vụ này đó.
Quyền nghe ù ở tai, hai hàm cứng đến mức anh không mở miệng được.
Ông Bằng lại nói tiếp:
- Ông cụ đã dàn xếp để tôi đến tìm cậu ở Đà Lạt, đề nghị tôi tổ chức cho cậu một cuộc triển lãm với mục đích biến sự nghiệp hội họa của cậu ra trọ Thoạt đầu, tôi cứ tưởng cậu là một công tử bất tài, nhưng khoái chơi trội và làm trái ý gia đình bằng trò chơi nghệ thuật. Nhưng khi tìm hiểu, tôi mới biết cậu tuy chưa có tiếng tăm trong nước, nhưng trên thị trường tranh quốc tế và khu vực Asean, tranh của cậu là loại đang được săn lùng. Tôi không nỡ bóp chết một tài năng nên đã từ chối. Nhưng cụ Khả năm lần bảy lượt khẩn khoản yêu cầu tôi giúp cụ đưa đứa cháu đích tôi về với cơ nghiệp của dòng họ.
Giọng vẫn cứ đều đều, ông Bằng nói:
- Sau cùng, tôi đã xiêu lòng vì món tiền hậu tạ của cậu Khả lớn quá.
Quyền buột miệng chửi:
- Mẹ kiếp! Rốt cuộc cũng vì tiền.
- Vâng. Ở đời này, muốn sống cho ra hồn phải có tiền. Nếu không vì cần tiền lo cho mẹ, cậu đâu quay về cầu xin ông nội mình. Đúng không nào?
Quyền nhìn ông Bằng trân trối:
- Ông đã biết mẹ tôi bệnh từ lâu rồi à?
Trọng Bằng khẽ thở dài đầy... kịch:
- Đúng vậy. Tôi phải nghiêng mình trước sự tính toán của cụ Khả. Cụ ấy biết chắc khi phòng tranh tan thành mây khói, cộng thêm chứng nan y của mẹ, cậu nhất định sẽ trở về nhà.
Đấm mạnh tay xuống bàn, Quyền rít lên căm phẫn:
- Lẽ nào ông nội tôi nhẫn tâm đến thế? Biết mẹ tôi bệnh, ông không lo thì thôi, còn nỡ mang bà ra như một nước cờ...
Ông Bằng lắc đầu:
- Đừng trách ông cụ. Bất kỳ nhà kinh doanh nào cũng có máu lạnh, nếu không, họ khó làm giàu lắm.
Quyền hằn học:
- Ông câm ngay cái luận điệu bất nhân ấy đi. Nếu nhờ thế mà ông nội trở nên giàu có thì đã đến lúc ông phải trả lại cho tôi những gì đã thu vào rồi.
Giọng ông Bằng ngọt như đường:
- Nói thế chứ "Máu chảy ruột mềm", cậu không đành làm to vụ này đâu.
- Ai nói với ông vậy?
Trọng Bằng nịnh nọt:
- Cậu có trái tim nghệ sĩ nhân hậu, cậu sẽ bỏ qua tất cả.
Quyền cười khẩy:
- Chính vì nghỉ thế, nên ông mới cả gan đem bán tranh của tôi chứ gì?
Trọng Bằng trơ tráo:
- Với tôi, cụ Vĩnh Khả chính là tấm lá chắn an toàn nhất. Công an mà sờ đến tôi thì họ cũng chả tha cụ. Có tiền, chắc cụ chẳng bị tù tội gì. Nhưng uy tín, danh dự của một bậc hoàng thân quả là...
Quyền gạt ngang:
- Trả lời đi. Ông còn giữ bao nhiêu tranh của tôi?
Xoa cằm, Trọng Bằng lấp lửng:
- Người ta bảo lòng tham không đáy, nhưng túi tham của tôi thì có đáy. Tôi chỉ giữ lại vỏn vẹn mười bức, nhưng cũng đã bán cả rồi. Đây là hai bức cuối cùng, giờ xin trả lại cậu. Khi Mỹ Tú giới thiệu tay người Nhật này, lẽ ra tôi phải cảnh giác mới đúng. Cũng tại tôi nghĩ con bé này và chị nó... Mà thôi đi. Không nên ca cẩm nữa.
Vuốt mặt một cái, Trọng Bằng làm thinh bỏ ra ngoài. Căn phòng vắng lặng đến mức Quyền có cảm giác nghe cả nhịp đập phẫn nộ của con tim mình.