Dịch giả : Fossion René & Trần hữu Sơn
Phần 1. Chương 14
ÂM MƯU CUỐI CÙNG

 
Nhựt báo " Sự Thật"  số ra ngày 13 tháng giêng năm 1953 loan tin:
Khám phá một âm mưu của bọn Bác Sĩ y khoa khủng bố.
Lần thứ nhất chỉ nêu lên 9 Bác sĩ nhưng sau đó con số Bác sĩ tăng lên 15 người. Họ là những chuyên gia y tế giỏi, đa số gốc người Do Thái. Họ bị truy tố vì đã lợi dụng chức vị cao cấp làm việc trong điện Cẩm Linh, âm mưu làm giảm tuổi thọ của Andrei Idanov, một thành viên của Bộ Chính Trị Trung Ương, chết ngày 8 tháng 5 năm 1948 và Alexander Chtcherbakov, chết  vào năm 1950, và âm mưu ám sát các tướng lãnh cao cấp của Hồng Quân theo lịnh của cơ quan tình báo Anh và của Ủy Ban Bảo Trợ Người Do Thái.
Người đã đùng ra tố cáo là Bác sĩ Timachouk. Nhà nước đã tặng cho ông ta giải thưởng Lenine là một trong những giải thưởng cao quý nhất của Xô Viết.
Trong các lần điều tra, các Bác sĩ đã khai lời thú tội. Và cũng như thời kỳ 1936-1938, bên ngoài nhà giam là những đám biểu tình đòi hỏi phải trừng trị các Bác sĩ phạm tội, phải tiếp tục điều tra và phải lưu tâm đến thành phần Bônsêvich.
Sau khi phát hiện âm mưu của các vị lương y áo trắng, liên tục trong nhiều tuần lễ, báo chí loan tin về những diễn biến của thời kỳ đại khủng bố. Báo chí lên tiếng phải thanh toán dứt khoát các thành phần đầy tội ác nằm trong hàng ngũ Đảng. Báo chí tung ra các âm mưu rộng lớn của tập hợp trí thức, của các người Do Thái, của các quân nhân, các đảng viên cao cấp đang ở trong các ngành kinh tế, hành chính nhà nước của các Cộng Hòa không thuộc gốc người Nga. Và báo chí cũng báo động là các âm mưu này đang gia tăng. Nó giống như cái thời điểm tệ hại nhất của thời Iejovschina.
Các văn khố cho tham khảo các tài liệu cho thấy đó là thời kỳ quyết liệt nhất của chế độ Staline sau thế chiến thứ hai. Giai đoạn này ghi lại thành quả của chiến dịch chống lại các ảnh hưởng của ngoại lai. Có nghĩa là chiến dịch chống lại người Do Thái, phát xuất từ năm 1946-1947 và chính thức công bố vào năm 1949. Đây chỉ là một kế hoạch sơ khởi, mở đầu cho một chiến dịch Đại Khủng Bố mới. Nhưng vài tuần lễ sau khi Staline qua đời, những người thừa kế đã hủy bỏ chiến dịch khủng bố.
Vào thời điểm này cũng đã xảy ra các cuộc tranh quyền giữa  cơ quan  thuộc Bộ Nội Vụ và Bộ An Ninh. Hai Bộ này tách rời ra từ năm 1946. Các cuộc tranh quyền diễn ra ác liệt để đưa người của mình vào các chức vụ lãnh đạo đảng. Cao điểm là vụ công khai hóa về các trại diệt chủng dân của Đức Quốc Xã. Một bên cho rằng đó là kế hoạch của Nga Hoàng có tính bài Do Thái, trong khi đó nhóm người Bônsêvich chống lại. Như vậy âm mưu này là trái với chủ trương của Staline ở trong giai đoạn cuối cùng của nó.
Chúng tôi không muốn đi vào chi tiết về cái âm mưu đó, nhưng chuyện gì đã xảy ra trong giai đoạn cuối cùng?
Vào năm 1942, chính quyền Cộng Sản muốn làm áp lực với người Mỹ gốc Do Thái hầu mong những người này làm áp lực chính quyền Mỹ để mở mặt trận thứ hai ở Âu Châu chống Đức Quốc Xã. Nhờ đó mà một lực lượng chống Đức Quốc Xã ở Nga dưới quyền lãnh đạo của giám đốc nhà hát lừng danh Yiddish là ông Salomon Mikhoels.
Hàng trăm nhà trí thức có tên tuổi gốc Do Thái tham gia vào lực lượng chống Đức. Như văn hào Illia Ehrenbourg, thi sĩ Samuel Marchak và Peretz Markish, nghệ sĩ dương cầm Emile Guilels, nhà văn Vassili Grossman, nhà vật lý học Piotr Kapitza,...
Từ vai trò tuyên truyền, lực lượng này đã trở thành trung tâm sinh hoạt của người Nga gốc Do Thái.
Tháng hai năm 1944, một số lãnh tụ như Mikhoels, Fefer và Epstein đã gỡi cho Staline một văn thư đề nghị Staline cho thành lập một Cộng Hòa lấy tên là Cộng Hòa Do Thái Tự Trị ở bán đảo Crimee. Mục đích là để thay thế vụ thí nghiệm thất bại trong năm 1930 khi chính quyền Cộng Sản đưa 40.000 dân Do Thái vào vùng hẻo lánh Birobidjan, thuộc vùng biển đông Siberie, giáp với Trung Quốc.
Ủy Ban người Do Thái tiến hành thu thập các dữ kiện và nhân chứng về các vụ tàn sát tập thể người Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã. Thực ra đó chỉ là những hình thức để ám chỉ các vụ biễu tình chống người Do Thái, hiện vẫn còn đang diễn ra ở Ukraine và một vài vùng khác.
Ở các vùng phía Tây, nơi mà Nga Hoàng chiếm ngự, nhiều người Do Thái cũng được sinh sống ở vùng này. Từ khi các cuộc chiến tranh mới khởi diễn và lúc mà Hồng Quân bắt đầu thua trận, dân chúng đã nổi lên chống sự hiện diện của người Do Thái.
Cơ quan An Ninh Nội chính đã tung ra raất nhiều tin cho rằng ở hậu tuyến có rất nhiều phần tử nhiều tầng lớp nhân dân đã tuyên nhiễm các lời tuyên truyền của quân Đức Quốc Xã. Theo đó, thì quân Đức chỉ tiến đánh người Do Thái và người Cộng Sản mà thôi.
Tại các vùng bị quân Đức chiếm đóng như Ukraine dân Do Thái bị tàn sát khủng khiếp trước mặt người dân, nhưng không tạo ra một xúc động nào cả. Quân Đức thu nhận thêm 80.000 Ukraine vào quân đội Đức để tiêu diệt người Do Thái. Nhà nước Cộng Sản đã mở nhiều chiến dịch kêu gọi hậu phương chống lại cuộc xâm lăng của Đức để bảo tồn đất nước. Nhưng họ không đề cập đến sự tàn sát độc ác của quân Đức đối với người Do Thái. Sự êm lặng này của chính quyền Xô Viết đã tạo ra thêm ý thức câm thù người Do Thái từ trên thượng tầng Trung Ương Đảng.
Vào tháng 8 năm 1942, Ủy Ban người Do Thái đã gởi cho Bộ Nội Vụ trình bày vai trò nồng cốt của người Do Thái trong các lãnh vực nghệ thuật, văn chương và truyền thông. Chính quyền Cộng Sản tỏ ra không hài lòng về các hoạt động của Ủy Ban người Do Thái.
Năm 1945, thi sĩ Peretz Markish bị cấm phát hành tập thơ của ông ta. Các tài liệu do Ủy Ban Do thái sưu tầm về tội ác của Đức Quốc Xã đối với Người Do Thái cũng bị hủy bỏ. Lý do là tài liệu chỉ lên án Đức Quốc Xã gây chiến tranh trên đất Nga chỉ nhằm mục đích duy nhất là tiêu diệt người Do Thái.
Theo như văn thơ đề ngày 12 tháng 10 năm 1946 do Bộ Trưởng An Ninh Nội Chính Abakoumov gởi cho Bộ Chính trị, thì Ủy Ban Do Thái có khuynh hướng Quốc Gia khi mở mặt trận chống Phát xít Đức.
Nhưng vì nhu cầu cần phải có một chính sách đối ngoại thuận lợi cho việc thành lập một nước DO THAI, cho nên Staline không có phản ứng. Chỉ sau khi Liên Hiệp Quốc và Liên Bang Xô Viết bỏ phiếu chấp thuận chia các phần đất Palistine, diễn ra ngày 29 tháng 11 năm 1946, Abakoumov mới được ủy quyền rộng lớn để giải tán Ủy Ban của người  Do Thái.
Ngày 14 tháng 12 năm 1947, các thành viên của Ủy Ban Do Thái bị bắt giam. Vài tuần lễ sau, ngày 13 tháng 01 năm 1948, Solomon Mikhoels bị giết chết trong thành phố Minsk. Theo như lời tuyên bố chính thức của nhà nước, ông ta tử nạn trong một tai nạn lưu thông.
Vài tháng sau, ngày 21 tháng 11 năm 19489, Ủy Ban Do Thái chính thức bị giải tán với lý do tổ chức này là trung tâm chống Xô Viết. Cơ quan ngôn luận của tổ chức Do Thái là tờ Einikait viết bằng tiếng Yiddish, tiếng Do Thái cũ, bị tịch thu và cấm phát hành. Nhiều thanh niên gốc Do Thái bị bắt giam.
Tháng 2 năm 1949, nhà nước mở chiến dịch chống tư tưởng ngoại lai của người Nga gốc Do Thái. Báo chí lên án ngành sân khấu của các người Nga Gốc Do Thái. Họ cho rằng kịch nghệ không phản ảnh được tinh thần người Nga.
Trên tờ báo Sự Thật của đảng Cộng Sản, số ra ngày 2 tháng 2 năm 1949, các ký gỉa đặt câu hỏi ông Gourvitch hay ômg Iozovski có biết gì là tinh thần người dân Nga không?
Và từ đầu năm 1949, có hàng trăm người Do Thái sống trong các thành phố Mạc Tư Khoa và Leningrad bị bắt giam.
Tờ Neva loan các tin về vụ kết án ở Lenigrad vào ngày 7 tháng 7 năm 1949. Các ông Archille Grigorievitch Leniton, Illia Zeilkovitch  Serman, Rulf Alexandrovna Zevina bị kết án 10 năm tù chỉ vì các ông ấy đã nhận xét tư tưởng của Marx cùng với tư tưởng phản cách mạng, về tội ca ngợi các tư tưởng ngoại lai và có luận điệu xuyên tạc về vấn đề quốc tịch. Vì lý do chống án, họ bị toà án Tối Cao Sô Viết gia tăng thêm thời gian ở tù từ 10 năm lên đến 25 năm. Tòa án Tối cao khuyến trách tòa án Lenigrad là đã không nghiêm chỉnh kết án các bị can. Họ là các phần tử phản cách mạng, có nhiều định kiến và cho rằng các nước khác hay hơn tốt chính quyền Liên Bang Sô Viết.
Chính sách sa thải các cán bộ gốc Do Thái được thi hành có phương pháp, nhất là trong các ngành thông tin, báo chí, văn hóa, trung tâm xuất bản, trung tâm y tế. Đó là các ngành nghề then chốt mà người Do Thái đang điều hành. Các cuộc lùng bắt diễn ra liên tục và nhắm vào mọi giới. Nhiều chuyên viên kỹ thuật bị ghép vào tội phá hoại bị bắt ở các khu hầm mỏ kim loại Stalino bị hành quyết vào ngày 12 tháng 8 năm 1952.
Vợ của ngoại trưởng Molotov là người Nga gốc Do Thái, tên là Paulina Jemtchoujina, giữ vai trò chính trong ngành kỹ nghệ dệt, bị bắt giam vào ngày 21 tháng 1 năm 1949 vì bị kết án về tội đánh mất tài liệu bí mật của nhà nước. Bà bị kết án 5 năm tù lao động khổ sai.
Một người khác, vợ của ông Alexandre Polskrebychev, thư ký riêng của Staline, cũng là người gốc Do Thái, bị bắt và bị xử bắn hồi tháng 7 năm 1952 vì tôi làm gián điệp. Trong khi đó Molotov và ông Alexandre vẫn tiếp tục phục vụ cho Staline, như không có chuyện gì xảy ra.
Các cuộc thẩm tra các bị can trong tổ chức chống phát xít của người Do Thái vẫn tiếp tục kéo dài. Các cuộc xử án kín bắt đầu từ đầu tháng 5 năm 1952, tức là gần hai năm rưỡi sau khi những người Do Thái bị bắt.  Tại sao phải cần thời gian quá lâu vậy?
Ngày nay, nhờ một số tài liệu, mặc dù chưa đầy đủ cho lắm, cũng cho chúng ta thấy có hai lý do để giải thích cho việc kéo dài xử án người Do Thái.
Thứ nhất là Staline vẫn chủ trương các vụ án phải được xử trong vòng bí mật. Ông ta coi phong trào chống Phát Xít của người Do Thái có liên hệ đến một âm mưu khác, gọi là âm mưu Leningrad, một cuộc thanh trừng vĩ đại cuối cùng.
Song song với mục đích đó, Staline cho cải tổ sâu rộng các cơ quan an ninh. Ông ra lịnh cho bắt ông Bộ Trưởng Nội An Abakoumov vào tháng 7 năm 1951. Ông cũng nhắm vào một nhân vật rất có quyền lực lúc bấy giờ là ông Beria, phó chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng và cũng là Ủy viên Trung Ương Đảng.
Vụ án  Ủy ban chống Phát Xít của người Do Thái chỉ là cái cớ trong chiến dịch thanh trừng nội bộ Đảng Cộng Sản đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc đại khủng bố lần thứ hai, nhắm vào những người mà Staline gọi là '' Âm mưu của các vị choàng áo trắng'', các vị trong ngày Y dược.
Trong cuộc thanh trừng về vụ '' Âm mưu Leningrad''đã có rất nhiều nhân vật lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản bị giết mà cho đến ngày hôm nay vẫn còn nằm trong bí mật.
Ngày 15 tháng 2 năm 1949, văn phòng Bộ chính trị  ra một nghị quyết: Các đảng viên Kouznetsov, Rodinov và Popkov, Voznessenski và Gosplan, chủ tịch đảng tại thành phố Leningrad, vì có hành động chống đảng nên bị sa thải ra khỏi đảng. Staline luôn luôn nghi ngờ tổ chức đảng của thành phố Leningrad, là thành phần chống đối ông ta. Vào tháng 8 và 12 tháng 9 năm 1949, Staline ra lịnh cho bắt giam tất cả các đảng viên cao cấp ở thành phố Leningrad về tội có liên lạc với tình báo của Anh nhằm chống lại đảng.
Ông Abakoumov còn phát động cuộc lùng bắt các lãnh tụ đảng cộng sản đang giữ các chức vụ quan trọng trên khắp lãnh thổ Nga hay trên các Cộng Hòa khác. Hàng trăm đảng viên trong thành phố Leningrad bị bắt. Có trên 2000 đảng viên bị loại ra khỏi đảng và bị đuổi ra khỏi sở làm.
Tháng 8 năm 1949, nhà cầm quyền ra lịnh đóng cửa Viện Bảo Tàng Phòng Thủ thành phố. Nơi đây là dấu vết của cuộc tử thủ oai hùng của quân Nga chống lại các cuộc tấn công của quân Đức Quốc Xã. Vài tháng sau, ông Mikhail Sonlov, Ủy Viên đặc trách Tư Tưởng của Bộ Chính Trị, được bổ nhiệm thành lập Tiểu Ban Giải tán Viện Bảo Tàng. Tiểu Ban này làm việc cho đến cuồi tháng 2 năm 1953 thì giải thể.
Các thủ phạm chính bị buộc tội trong vụ án '' Âm mưu Lenigrad'' gồm có:
Kouznetsov, Rodionov, Popkov, Voznessenski, Kapoustine, Lazoutine,.. đều bị xử kín vào ngày 30 tháng 9 năm 1950. Ngày hôm sau, tất cả đều bị tử hình, một giờ sau khi đọc bản án. Sự việc xảy ra trong vòng bí mật. Không một ai hay biết. Một bà vợ của bị can là con gái của vị chánh án, con dâu của Bộ trưởng Anastase Mikoian và cũng là Ủy viên Trung ương đảng cũng không hay biết gì. Qua đến tháng 10 năm 1950, các vụ án tương tự lại diễn ra. Hàng ngàn cán bộ lãnh đạo đảng bị kết án vì có liên hệ đến Âm mưu Lenigrad. Như ông Soloviev, đệ nhất bí thư thành phố Crimee; ông Badaviev, đệ nhị bí thư của Ủy Ban hành chánh Leningrad; ông Verbitski, đệ nhị bí thư vùng Mourmanski; ông Bassov, đệ nhất phó chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng Nga....
Phải chăng những vụ án này là cuộc thanh trừng nội bộ của đảng cầm quyền hay là khởi điểm của một chiến dịch đại khủng bố cuối cùng nhằm vào giới thầy thuốc?
Có nhiều chứng cớ cho thấy lý do thứ hai là hợp lý hơn.
Bản án ''Âm mưu Leningrad'' có thể là giai đoạn cuối cùng của một dự án chuẩn bị cho cuộc đại thanh lọc.  Nhân dân Nga đã nhân ra dấu hiệu của của đại thanh lọc vào ngày 13 tháng 1 năm 1953. Những người bị kết án trong vụ Âm mưu Leningrad thật ra có liên hệ đến các vụ án vào những năm 1936-1938.
Tháng 10 năm 1949, nhân kỳ đại hội cán bộ toàn đảng vùng Lenigrad, viên đệ nhất bí thư Andrianov đọc một bản báo cáo, trong đó ông cho biết các vị cựu lãnh tụ đảng đã cho phát hành các tài liệu do Trostki và Zinoviev viết. Mục đích của ông ta là cố tình cho thấy các cựu lãnh tụ đã có liên hệ đến các phần tử phản đảng, có tội với nhân dân như các ông Trostki, Zinovie, Kamenev,..Ông ta muốn nói rằng những vị cựu lãnh tụ này đang âm mưu khơi dậy  thời kỳ 1936-1938.
Tháng 10 năm 1950, sau khi hành quyết các thủ phạm trong vụ Leningrad,  các vụ chống đối và dàn cảnh chống đối diễn ra liên tục trong hai bộ Nội vụ và Công an.
Nạn nhân đầu tiên là ông Beria. Staline bày ra một âm mưu thâm độc. Ông cho sát nhập vùng Mingrelic, một vùng thuộc Cộng Hòa Georgie. Đó là quê hương của Baria. Trước kia vùng này thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ. Với vụ sát nhập này, Staline hy vọng ông Baria sẽ ra tay tàn sát các đảng viên cộng sản đồng hương của ông và thành trừng luôn đảng cộng sản Georgie.
Vào tháng 10 năm 1951, Staline lại tìm cách gài bẫy Beria lần nữa. Staline ra lịnh cho bắt các cán bộ lão thành trong bộ Công an. Trong số này có cả Trung Tá Eitingon, một cận vệ của Beria trong chiến dịch ám sát Trostski vào năm 1940; Tướng Leonid Raikhman, người đã tham dự vào vụ án Mạc Tư Khoa vào năm 1938; Đại tá Lev Schwarzmann, người đã từng tra tấn các  lãnh tụ cộng sản Babel và Meyrhold; Viên thẩm phán Lev Cheinine, cánh tay mặt của Vychinski, biện lý viên của các vụ án 1936-1938. Tất cả đều bị lên án là đã nhúng tay vào âm mưu lớn của người Do Thái mà người cầm đầu là Abakoumov, bộ trưởng đặc trách nội an, một nhân vật thân cận của Beria.
Trước đó vài tháng, vào ngày 12 tháng 7 năm 1951, Abakoumov bị bắt và giam bí mật. Ông ta bị kết án vì đã thủ tiêu ông Jacob Etinguer, một bác sĩ nổi danh, gốc người Do Thái. Ông bác sĩ này bị bắt vào tháng 11 năm 1950 và bị chết trong tù. Bác sĩ Etinguer đã từng trị bịnh cho nhiều các bộ cộng sản cao cấp như các ông Serge Kirov, Sergo Ordjonikidze, thống chế Toukhatchevski, lãnh tụ đảng cộng sản Ý Palmiro, TiTo và Georges Dimitrov.
Lý do mà ông Abakoumov thủ tiêu bác sĩ Eitinguer là để ngăn cản việc lột mật nạ một số người Do Thái phạm tội ác, đã xâm nhập vào các chức vụ cao cấp trong guồng máy Công an.
Vài tháng sau, Abakoumov bị kết án là đầu não của cuộc âm mưu của nhóm người gốc Do Thái.
Vụ bắt giam Abakoumov là khởi điểm của một chính sách nhằm thủ tiêu và giải thể các tổ chức của người Do Thái và tổ chức của nhóm y giới, mở đầu cho cuộc đại thanh lọc.
Như vậy vào mùa hè 1951, chớ không phải là vào năm 1952, chiến dịch đại thanh trừng đã bắt đầu.
Từ ngày 11 đến ngày 18 tháng 7 năm 1951 đã diễn ra các vụ án bí mật xét xử những thành viên của Ủy ban chống phát xít của người Do Thái. Có 13 ủy viên nồng cốt của ủy ban bị kết án tử hình và bị hành quyết ngay.
Ngày 12 tháng 8 năm 1952, 10 kỹ sư gốc Do Thái đang làm việc trong xưởng sản xuất xe hơi Staline, cũng bị kết án tội phá hoại và bị hành quyết.
Tính chung, có tất cả 125 vụ án, trong số đó có 25 bản án tử hình và số còn lại bị kết án từ 10 đến 25 năm tù và bị đưa đi lao động cưỡng bách.
Tháng 9 năm 1952, nhà nước cộng sản hoàn tất bản cáo trạng nhóm người Do Thái. Việc thi hành bản án được dời lại vài tuần vì lúc đó là thời gian đảng cộng sản tổ chức đại hội đảng cộng sản thống nhất lần thứ 19,  vào tháng 10 năm 1952.
Khi đại hội kết thúc, tất cả cá bác sĩ người gốc Do Thái đều bị bắt giam bí mật.
Đến ngày 22 tháng 11 năm 1952, một vụ án xét xử cựu tổng bí thư đảng cộng sản Tiệp Khắc là ông Rudolf cùng với 13 lãnh tụ khác. 11 người trong số này bị kết án tử hình và bị treo cổ. Nó diễn ra giống như vụ án đã xảy ra ở Mạc Tư Khoa. Các đạo diễn của vụ án cũng chính là do cố vấn Nga., với mục đích là thanh toán các lãnh tụ cộng sản Tiệp gốc Do Thái. 11 trong số 14 bị can là người gốc Do Thái. Họ bị buộc tội nhúng tay trong tổ chức '' nhóm khủng bố Trotski-Tito và Do Thái''. Đó là vụ án mở đầu cho cuộc thanh trừng người Do Thái ở các nước Đông Âu.
Ngay sau khi hành quyết 11 người, ngày 4 tháng 12 năm 1952, Staline đề nghị Hội Đồng Trung Ương ra lịnh cho Bộ Công an phải thông báo đến các đảng viên cộng sản hãy chấp dứt các việc làm không thể kiểm soát được. Như vậy là Bộ Công an bị khiển trách và bị loại bỏ ra ngoài vì đã không kiểm soát được việc xâm nhập của những bác sĩ người Do thái vào trong các tổ chức quan trọng của chính quyền. Như vậy là Staline đã thắng thêm một bước nữa khi ông ta dùng '' những vị choàng áo trắng'' để chống lại các lãnh tụ của ngành công an, tức là chống lại lãnh tụ Beria. Bởi vì ông Beria trong tư thế của người đứng đầu bộ an ninh, không thể bào chửa là ông không biết gì về chuyện xâm nhập phá hoại này.
Cho đến bây giờ chưa ai biết chuyện gì đã xảy ra trong khoảng thời gian vài tuần lễ trước khi Staline chết. Người ta chỉ được biết là phải thận trọng, người bênsơvich phải đãu tranh chống lại các hình thức thụ động.Trong các cuộc họp quần chúng đều nêu ra các khẩu hiệu trừng phạt, và các vụ bắt giam và tra khảo các bác sĩ người Do Thái vẫn tiếp tục diễn ra.
Ngày 19 tháng 2 năm 1953, Phó bộ trưởng ngoại giao Ivan Maiski, cánh tay mặt của Bộ trưởng ngoại giao Molotov, là cựu đại sứ tại Luân Đôn bị bắt giam. Ông này thú nhận là đã được thủ tướng Anh Winston Churchil dùng làm gián điệp cùng một lúc với ông Alexandre Kollontai. Ông này là một trong những lãnh tụ cao cấp Bônsơvich đã cầm đầu phong trào thợ thuyền vào năm 1921.
Bà Kollontaii cũng đã từng là đại sứ của Liên Sô tại Thụy sĩ cho đến khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Mặc dù đã diễn ra rất tốt đẹp trong việc thụ lý hồ sơ '' Âm mưu'', người ta không thể không nhận thấy có một cái gì đó khác hẳn với các vụ án đã xảy ra trong những năm 1936-1938.
Không có một viên chức cao cấp nào của chế độ tham dự công khai vào các diễn tiến đã xảy ra trong suốt thời gian từ ngày 13 tháng 1 năm 1953 cho đến khi Staline chết.
Theo lời tiết lộ của Thống chế Boulganine vào năm 1970, chỉ có 4 lãnh tụ cao cấp đã tham gia vào '' Âm mưu này''. Đó là các ông: Malenkov, Soulov, Rioumine và Ignatiev. Những lãnh tụ khác đều thấy rằng mình bị đe dọa.
Theo lời của Boulganine, vụ án của những người bác sĩ gốc Do Thái sẽ được khởi xử vào ngày 15 tháng 3 và sẽ tiếp diễn và sẽ đưa đi lưu đày một số lớn người gốc Do Thái ra vùng Birobidjan.
Ngày nay, người ta chỉ có thể tham khảo một phần các văn kiện của Phủ Chủ Tịch. Nơi này còn lưu trữ một số hồ sơ tối mật và rất là nhạy cảm. Người ta chưa biết sự thật về kế hoạch đưa một số lớn người Nga gốc Do Thái; Nhưng có một điều chắc chắn: Cái chết của Staline đã xảy ra đúng lúc để ngăn chận một sự kiện là sẽ phải có thêm một danh sách của hằng triệu nạn nhận của chế độ độc tài Staline.