Cứ như những điều tôi từng biết thì chưa hề có một quy định nào cấm đem theo vào trạm vũ trụ những con vật nuôi mà mình ưa thích. Cũng chẳng ai nghĩ rằng những quy định như vậy là cần thiết cả - vả chăng nếu như có một quy định ấy thì chắc hẳn là Sven Olsen cũng không được biết. Với một người có cái tên như vậy, hẳn bạn phải hình dung Sven ít ra là một người khổng lồ phương Bắc cao hai mét, thân hình như một con bò tót và tiếng nói oang oang như lệnh vỡ. Nếu đúng là như vậy thì anh ta đã chẳng có mấy cơ may xin một công việc làm trên một trạm nghiên cứu vũ trụ. Thực ra là con người anh nhỏ thó, cũng hệt như những nhà du hành vũ trụ đầu tiên, cân nặng khoảng sáu chục ký là cái trọng lượng khiến nhiều người trong chúng ta phải nhịn ăn ấy chứ. Sven là một trong những thợ xây dựng tốt nhất của chúng tôi, biệt tài trong việc lắp ráp chuyên môn hoá và rắc rối các thứ vật liệu đang rơi tự do, làm cho chúng tham gia vào một vũ điệu chậm trong không gian ba chiều và đưa chúng nó vào nằm đúng vị trí đã định, kết cấu chúng lại theo đúng thiết kế; đó là một công việc đòi hỏi khéo tay và khó khăn vì người thợ trong bộ quần áo du hành vũ trụ thật chẳng có chút thoải mái mấy tí. Thế nhưng đội lao động của Sven lại có lợi thế lớn hơn hẳn những đội xây dựng khác, như ta từng thấy họ làm những ngôi nhà chọc trời dưới đất. Bọn Sven có thể lui lại và ngắm nghía công việc họ vừa hoàn thành mà không lo bị rơi đột ngột vì nguyên lý trọng lực… Xin bạn chớ hỏi tôi vì sao Sven lại thích có một con vật nuôi hoặc vì sao anh ta lại chọn chính con vật nuôi ấy. Tôi không phải là một nhà tâm lý học, nhưng tôi phải thừa nhận rằng, việc Sven chọn lựa thực quả là đáng chú ý. Con Clariben nặng chẳng đáng bao nhiêu, việc ăn uống của nó cũng thế, tí chút thôi, và không như phần lớn con vật khác, Clariben không lúng túng mấy vì chuyện sống ở nơi không có trọng lượng. Lần đầu tiên tôi biết có con Clariben trên trạm vũ trụ là lúc tôi đang ngồi trong một xó kín đáo, thường vẫn được gọi chơi là văn phòng, và tôi đang soát xét các danh mục mặt hàng kỹ thuật để xem sắp cần tới thức gì. Bỗng dưng, tôi nghe thấy một tiếng nhạc chíp chiu ríu rít ngay bên tai, tôi liền nghĩ ngay rằng đó là tiếng gọi từ trạm liên lạc nội bộ, và tôi ngóng chờ xem chuyện gì. Nhưng không phải. Liền đó vang lên cả một khúc nhạc khiến tôi giật thót mình và va đầu phải cái xà ngay phía trên. Sau khi mắt đã hết nổ đom đóm, thì tôi liền trông thấy Clariben. Đó là một con chim hoàng yến nhỏ, đang bay lơ lửng bất động trong không gian chẳng khác gì một con chim ruồi, và nó bay không cần chút nỗ lực gì bởi vì cánh nó vẫn không cần gì phải xoè ra đập vỗ. Hai chúng tôi nhìn nhau một thoáng. Sau đó, trước khi tôi hoảng hồn, con chim nhỏ đã bay lui một cách rất kỳ mà tôi không nghĩ rằng không một con hoàng yến nào trên mặt đất có thể làm nổi, sau đó bay đi nhẹ nhàng vô cùng. Hoàn toàn rõ ràng là nó đã biết cách hoạt động trong tình trạng không trọng lực và biết cách không làm những động tác thừa. Sven không cho ai biết việc anh có con chim cả, và vào thời gian ấy chuyện đó cũng chẳng có gì quan trong lắm, vì Clariben cũng chỉ là một con chim như mọi con chim mà thôi. Anh đã lén đem một con chim theo, một phần là vì, theo lời anh nói, anh muốn xem xét về mặt khoa học. Anh muốn thử xem một con chim sẽ hoạt động ra sao khi nó không có chút trọng lượng nào nhưng vẫn có đôi cánh đó. Clariben lớn nhanh và mập ra. Nói chung chúng tôi chẳng có gì lo lắng cho vị khách bé nhỏ này, trừ phi có một nhân vật quan trọng từ mặt đất tới thăm trạm. Khi ấy một trạm vũ trụ cũng có nhiều chỗ trốn chứ đừng có tưởng. Chỉ có mỗi một vấn đề là Clariben hơi làm ồn khi nó bị xua đuổi đi như vậy, và chúng tôi phải giải thích ngay cho khách về như tiếng chiêm chiếp và ríu rít, bảo đó là tiếng quạt gió ở bên kia vách ngăn hoặc đường thông nào đó. Trên trạm vẫn có hai ba chỗ trốn kín đáo; vả chăng có ai ngờ trên trạm vũ trụ lại có một con chim hoàng yến? Trên trạm, chúng tôi làm việc suốt hai mươi bốn giờ một ngày, việc đó cũng chẳng vất vả lắm như các bạn nghĩ, bởi vì trong vũ trụ, mọi người ít cần ngủ lắm. Do chỗ chẳng có “ ngày ” và “đêm ” khi ta thường xuyên bay trong ánh mặt trời, nên ở đây cũng cần nói qua các khái niệm đó một chút. Hiển nhiên là khi tôi thức giấc vào “ buổi sáng ” thì hình như lúc đó là 6 giờ sáng dưới trái đất. Tôi thấy mình hơi nhức đầu một chút và mang máng nhớ tới những giấc mơ dở dang. Phải mất khối thời gian tôi mới tháo gỡ được các giây rợ giường ngủ, và vẫn còn mắt nhắm mắt mở tôi đã phải sang phòng ăn với các bạn. Bữa ăn sáng nay có vẻ yên lặng một cách khác thường và có một cái ghế ăn bỏ trống. - Sven đâu nhỉ? – Tôi hỏi và chẳng để ý lắm vào điều mình hỏi. - Nó đi xem con Clariben đâu – Có người trả lời – Nó nói không thấy con chim đâu hết. Thường thì con chim đánh thức nó dậy. Trước khi tôi có dịp cãi là con chim cũng đánh thức cả tôi dậy nữa, thì đã thấy Sven trở lại từ lối cửa sau, và chúng tôi đều thấy ngay có chuyện đó chẳng lành rồi. Sven, từ từ xoè bàn tay ra và trong đó có một dúm lông nhẹ tênh màu vàng với hai cẳng chân co quắp giơ lên trời một cách bi tráng. - Có chuyện gì vậy? – Chúng tôi hỏi, và người nào người nấy đều lo lắng. - Mình không rõ – Sven nói một cách buồn rầu - Chỉ thấy nó như vậy thôi. - Đưa tôi coi – Jack Dulcal, bác sĩ phụ trách việc ăn uống của chúng tôi nói. Tất cả chúng tôi đều im lặng chờ đợi trong khi bác sĩ cầm lấy Clariben để cố nghe tiếng tim nó đập. Và chúng tôi thấy anh lắc đầu. - Không nghe thấy tim nó đập, nhưng như vậy cũng không chắc là nó chết. Tôi chưa khi nào nghe thấy nói về tim con chim hoàng yến cả - Anh nói thêm như để thanh minh. - Cho nó thở dưỡng khí đi! – Có một cậu nào đó gợi ý và lấy tay chỉ vào bình cái bình cấp cứu gắn băng xanh đặt cạnh cửa. Mọi người đều cho rằng đó là một ý kiến cực kỳ hay, và thế là Clariben liền được đặt vào trong chiếc mặt nạ đủ lớn để cho nó thở dưỡng khí. Chúng tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy con chim sống lại. Mặt tươi rói, Sven gỡ cái mặt nạ cho con chim ra, và con chim đậu lại vào ngón tay cậu ta. Nó bắt đầu hót bài quen thuộc: “ Đi ăn thôi các chàng trai ” – và liền đó lại lăn ra bất tỉnh. - Mình không hiểu nữa – Sven than vãn – Không hiểu nó có chuyện gì vậy? Trước đây có bao giờ nó như vậy đâu? Chính vào lúc đó, trong đầu tôi chợt nhớ ra một điều gì đó. Vào buổi sáng hôm đó, trí óc tôi hình như uể oải, chậm chạp, như thể tôi còn muốn ngủ hoài, mãi vẫn chưa tỉnh hẳn. Tôi cảm thấy nếu được thở chút dưỡng khí kia thì sẽ tỉnh táo hơn, nhưng khi tôi sắm cầm lấy cái mặt nạ để thở, tôi chợt thấy loé trong đầu một điều gì đó. Tôi quay lại người kỹ sư trực nhật và nói với anh vội vã: - Jim này, trong không khí của trạm, hình như có chuyện gì đó không tốt đó. Chính vì thế mà Clariben đã chết. Tôi nhớ là thợ mỏ vẫn đem theo chim hoàng yến vào lò để báo động họ khi sắp có khí nổ. - Chuyện vớ vẩn! – Jim nói - Có chuyện gì thì sẽ có tín hiệu báo động chứ! Chúng ta đã có thêm một đường dây báo động song hành nữa kia mà? - Hừ…đường dây báo động thứ hai vẫn chưa nối xong - Người phụ tá của anh nhắc. Điều nhắc nhở đó làm cho Jim hốt hoảng. Anh bỏ đi không nói một lời. Trong khi đó chúng tôi đứng cãi lý với nhau và truyền tay nhau cái bình dưỡng khí một cách hữu hảo. Mười phút sau Jim quay trở lại với bộ mặt của người có lỗi. Jim cho biết với tình trạng máy móc của chúng tôi hiện nay, tai nạn rất có thể có khả năng xảy ra; đêm trước chúng tôi bị “ nguyệt thực ”, một trường hợp nguyệt thực hiếm hoi do bóng quả đất che; vì thế là một phần máy lọc không khí đã bị lạnh lại, và hệ thống báo động duy nhất lại không hoạt động. Một nửa triệu đô la thiết bị hoá học và điện tử bỏ rơi chúng tôi hoàn toàn. Nếu không có Clariben, chúng tôi đã bị chết ngóm cả rồi. Vì thế giờ đây, một khi bạn có điều kiện tới thăm một trạm không gian vũ trụ, bạn chớ ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng chim hót. Khi đó không có gì phải hoảng hốt gì hết: ngược lại là đằng khác. Điều đó có nghĩa là bạn đang được an toàn gấp hai lần, và không phải chi tiêu thêm một chút gì hết.