CHƯƠNG XVII
ĐOÀN TỤ

Từ sáng tới giờ không lúc nào ông Hưng ngồi yên một chỗ. Ông hết đi ra rồi lại đi vào. Ngồi xuống, đứng lên, thấp thỏm hồi hộp. Ông nhận được điện tín Dũng báo hôm nay sẽ lên Đàlạt. Bây giờ trời đã về chiều, ông sốt ruột không biết cháu có gặp trắc trở trên đường không? Ông đứng ở cổng nhìn về phía đầu dốc trông chừng. Thấy thái độ ấy của chồng bà Mơ nói với ra:
_ Anh làm sao vậy? Anh cứ vào nhà, cháu nó sẽ tìm tới, không mắc gì phải đứng đợi dài cổ ra vậy!
_ Anh sợ cháu nó tìm không ra nhà.
Bà Mơ nguýt nhẹ nói kháy:
_ Khéo lo! Nó đi mòn Trường Sơn ngóc ngách nào mà chả chui vào, cớ gì lại không tìm ra nhà cậu trong cái thành phố nhỏ như cái lỗ mũi này? Nó tìm không ra không biết hỏi đường chắc? Đường ở cái mồm mình ấy! Với lại anh thấy nó bao giờ đâu mà mong nhận ra? Vớ vẩn! Thôi vào đi cho rồi!
Ông Hưng vẫn đứng lóng ngóng ngoài sân chứ không chịu vào nhà. Mỗi lần có bóng người ló lên ở đầu dốc là mỗi lần ông nghe tim mình đập mạnh, rồi ông lại chưng hửng thất vọng. Bà Mơ tuy nói thế nhưng thỉnh thoảng vẫn ló đầu ra dòm chừng. Bỗng bà nghe tiếng chồng reo lên:
_ Em ơi! Cháu đây rồi!
Bà Mơ ngạc nhiên:
_ Quái! Sao chưa thấy ai ở cổng mà ổng đã biết là Dũng rồi?
Bà Mơ chạy ra, thấy chồng đang tất tả chạy ra phía đầu dốc. Ở phía xa xa có người mặc đồ bộ đội đang lầm lũi đi. Bà Mơ hét lên:
_ Coi chừng không thì lầm với mấy ông bộ đội ở khu trại bên kia bây giờ! Trời ơi là trời! Sao lại hấp tấp quá vậy?
Ông Hưng vẫn không nghe, ông chạy về phía người bộ đội hai tay giang rộng như sẵn sàng đón mừng một người thân thiết. Người mặc quân phục hơi khựng lại rồi cũng chạy nhanh về phía ông. Họ ôm chầm lấy nhau không chút ngượng ngập. Đứng ở xa nhìn lại bà Mơ sững người. Sao lạ vậy? Sao ổng lại nhận ra nó là Dũng? Hai người đàn ông ôm siết lấy nhau. Những giọt nước mắt trào ra. Dũng nghẹn ngào nói:
_ Cậu giống mẹ quá! Con nhìn mặt cậu là biết ngay!
Ông Hưng không nói được gì. Mùi mồ hôi trên vai áo cháu càng làm ông thổn thức. Ôm cháu mà ngỡ là đang ôm anh Cả trong buổi biệt ly ngày nào. Nó giống y hệt khiến chỉ mới thấy dáng đi thôi ông đã nghĩ mình không thể lầm được!
Sau những giây phút xúc động, họ bừng tỉnh nhìn nhau cười nói tíu tít một lúc rồi cùng dìu nhau vô nhà. Khi thấy họ đi qua cánh cổng, bà Mơ chạy vào bếp đứng như trời trồng bối rối, quýnh lên như gà mắc đẻ. Bà nhấc thúng bo bo lên rồi lại bỏ xuống. Rồi bà nghe tiếng chồng gọi to:
_ Em ơi! Cháu tới rồi em ơi!
Bà Mơ không trả lời. Bà nghe chồng nói:
_ Lạ thật! Mợ mới ở đây mà!
Giọng Dũng vang lên:
_ Vào nhà mát quá cậu ơi!
Rồi họ lại bi bô nói chuyện. Bà Mơ nhìn xéo qua bức rèm thưa ngăn cách phòng ăn và phòng khách. Hình ảnh một việt cộng đang ở trong nhà bà làm bà không khỏi lo lắng. Bỗng bà giật mình nhìn đôi dép râu vừa mới cởi ra còn để ở lối ra vào trước thềm. Đôi dép kia, cái nón kia, bộ đồ kia quá ư xa lạ! Nó gây cho bà cảm giác rờn rợn. Bà nghĩ lại những trận mưa bom dội xuống cây số 4 hồi tết Mậu thân san bằng cả một khu dân cư. Chiếc dép râu không biết bị sức bom như thế nào mà lại bay sang tận vườn cà phê xa lắc xa lơ của bà treo toòng teng trên cành cây.
Người đàn ông đứng quay lưng về phía bà, đầu vẫn còn đội nón cối. Anh ta để ba lô vào một góc bỏ nón cối xuống và quay đầu lại… Có một luồng gì đó vừa chạy qua tim… Lồng ngực nhói lên tim thắt lại. Bà Mơ ôm lấy ngực, tựa vào vách. Trời sao giống quá! Có phải Bình đó không con? Má chờ con mòn mỏi. Sao con khéo trêu má vậy con? Bộ đồ lính của con đâu rồi sao hôm nay con về với má trong bộ đồ kia? Bà lảm nhảm và có thể sẽ lún sâu thêm hơn vào trong trạng thái hỗn loạn nếu không có giọng của chồng lôi bà trở lại thực tế:
_ Em ơi! Em ơi!
Bà bừng tỉnh ấp úng đáp trả:
_ Ờ ờ em đây!
Bà bước ra, hai chân run lên, hơi khuỵu xuống nhưng gượng đứng lên rồi ngồi phịch xuống ghế. Ông Hưng chạy lại hỏi:
_ Em sao vậy?
Dũng reo lên:
_ A chào mợ!
Rồi tiến lại gần lo lắng hỏi:
_ Mợ có sao không? Mợ bị lên máu à?
Bà Mơ lắc đầu:
_ Không, không sao đâu!
Bây giờ bà đã giáp mặt Dũng. Nét mặt chân chất nhưng lại có cái gì đó rất lịch lãm thân thiết. Bà ngỡ như gặp Dũng từ bao giờ. Nếu tình cờ gặp ngoài đường bà sẽ ngờ ngợ hoặc sẽ nhận ra Dũng trong bao nhiêu người khác. Bà sẽ không lầm lẫn đâu! Tự nhiên bà có cảm giác như có sợi dây vô hình vô cùng thiêng liêng nối kết chồng bà, con trai bà và người đàn ông trong bộ quân phục bộ đội này. Trong phút chốc tất cả mọi nghi ngờ biến mất chỉ còn lại sự vui mừng khôn xiết. Dũng nói:
_ Mợ à! Có gì ăn nấy nghe mợ. Con quen đời lính, đạm bạc lắm mợ à!
Bà Mơ liếc nhanh về phía chồng rồi nói:
_ Mợ không làm gì đâu con à! Giời ơi sao nó giống Bình nhà mình quá anh à! Ngồi chơi đi mợ có hẹn phải đi đằng này chút. Hai cậu cháu tha hồ mà chuyện trò nhé! Thôi mợ đi đây!
Bà Mơ thoát khỏi phòng khách để có thể ổn định lại tinh thần sửa soạn một bữa cơm tươm tất đãi người cháu mà trước đây vài tiếng đồng hồ bà cứ nghĩ chỉ việc nấu bo bo là xong. Ông Hưng và Dũng ngồi lại trong phòng khách. Ông kể về gia đình. Con ông đã đi hết. Hoan Bình mất tích. Dũng chép miệng ngồi lặng đi một lúc rồi hỏi:
_ Bình đóng quân ở đâu cậu?
_ Nó đóng nhiều nơi lắm! Lần cuối cùng là ở Quảng Trị và Huế. Sau Hiệp Định Paris nó giữ chức vụ trao trả tù binh hai bên.
Dũng kêu lên:
_ Trời ơi! Thật vậy sao cậu?
Anh không dám hỏi tiếp. Hình như có cái gì đó rất nặng đang từ từ ép lồng ngực anh. Hoan Bình và Chiến. Có khi nào hai em đã đối mặt nhau trên trận tuyến? Dũng ngồi ngả lưng trên chiếc ghế bành. Ông Hưng nhìn cháu. Nét mặt đăm chiêu thoáng nỗi buồn câm lặng làm lòng ông se lại. Ông nhớ lại cái ngày chủ nhật đau buồn ấy. Cái cảm giác thất vọng chua xót… Ông không biết cháu nghĩ gì? Hơn ai hết ông muốn giúp cháu thoát ra khỏi cái không khí nặng nề hụt hẫng (nếu có) mà mười mấy năm về trước ông đã bị bủa vây bị nhấn chìm ngay trên chiếc ghế bành đó. Hơn lúc nào hết ông muốn bảo vệ niềm tin, sự nhiệt tình, tuổi trẻ với những ước mơ của cháu để sự thất vọng sẽ đến từ từ cảm giác ấy dễ chịu hơn là cảm nhận bầu nhiệt huyết trong mình bỗng đông cứng quá đột ngột phũ phàng. Ông hỏi Dũng về những năm tháng ở chiến trường. Dũng bắt đầu kể. Càng lúc câu chuyện càng rôm rả hơn. Nguy hiểm đầy ải cũng nhiều niềm vui cũng không ít. Cuộc đối thoại giữa hai người đàn ông vô tình làm cho không khí ngột ngạt lúc ban đầu tan dần…
Mùi xào nấu xèo xèo từ trong bếp bay ra tận phòng khách thơm lừng làm cho Dũng rú lên:
_ Mợ ơi! mợ nấu gì mà thơm nhức mũi lên thế?
Ông Hưng ngồi thẳng lên nhìn vào trong ngơ ngác. Dũng chạy thẳng vào bếp. Căn phòng màu hồng nhạt nhỏ với khung cửa sổ nhìn ra vườn, mọi vật ấm cúng lạ thường! Bà Mơ đang rô-ti con gà. Thấy Dũng bà vội giục cháu:
_ Đi tắm đi Dũng kẻo tối. Tắm trễ ra ngoài gặp gió lạnh là đau đó. Khí hậu miền núi coi vậy chứ nguy hiểm lắm! Đừng coi thường!
Dũng cười:
_ Mợ quên con là người rừng à?
_ Rừng thì rừng chớ! Nhiệt độ nơi đây lên xuống thất thường lắm!
Dũng đứng lặng một lúc rồi nói:
_ Mợ à thời buổi khó khăn mà mợ nấu thịnh soạn quá làm con ngại.
Bà Mơ chép miệng:
_ Bây giờ thấy trịnh trọng vậy chứ trước giải phóng ăn như vậy là thường.
Rồi bà chỉ cái áo ngủ khoác ngoài vắt sẵn trên ghế nói:
_ Khi nào tắm xong mặc cái này thêm cho ấm.
Từ trong phòng tắm ra bao nhiêu mệt nhọc bao nhiêu bụi đường xa dường như đã được trút hết. Chiếc áo choàng bằng vải trơn láng như gấm, màu đen ánh vàng làm Dũng trở nên khác hẳn. Bà Mơ nhìn Dũng đăm đăm. Dũng hỏi:
_ Áo này của ai kiểu lạ và sang vậy mợ?
Bà Mơ khẽ đáp:
_ Của Hoan Bình!
Dũng chăm chú nhìn bà Mơ dọn thức ăn. Dĩa xà-lách trộn dầu dấm xanh mơn mởn với những lá non vàng nhạt nỏn nà, những lát cà chua đỏ tươi, con gà rô-ti nguyên con vàng óng ả, dĩa thịt bò xào hành tây bên cạnh những khoanh bánh mì bày trên cái dĩa kiểu hình bầu dục với những hoa văn thật nhẹ nhàng… Đi dọc từ bắc vào nam ghé vào nhà nhiều người Dũng thấy căn phòng bếp của mợ, các món ăn của mợ có cái gì đó đặc biệt khác lạ! Tất cả đều hấp dẫn. Bỗng nhiên ánh mắt Dũng dừng lại rất lâu. Màu đỏ thắm của cánh hồng đơn độc xen lẫn với màu xanh của cây dương xỉ cắm trong cái ly thuỷ tinh đặt giữa bàn ăn. Mọi vật dường như chứa đựng một sự hân hoan thầm lặng… Chợt nhận ra sự vắng mặt của cậu Dũng hỏi:
_ Cậu đâu rồi ạ?
Cũng vừa lúc đó giọng ông Hưng cất lên:
_ Cậu đây! Cậu vừa đi khai tạm trú cho con về.
Bà Mơ reo lên:
_ Thế thì vào bàn ăn cho nóng. Chắc Dũng cũng đói rồi! À Dũng ơi! Còn chai rượu trong tủ kia con lấy ra đây uống hết nghen!
Khi cả ba cùng ngồi vào bàn bà Mơ cầm chai rượu có in hình Napoleon chỉ còn lại một nửa đưa lên xăm xoi rồi nói:
_ Chai rượu này Bình nó uống chưa hết lần về phép cuối cùng.
Giọng bà run run… Bà nhìn Dũng… đợi chờ, mắt tràn đầy yêu thương:
_ Bây giờ con hãy uống hết đi!
Dũng không dám nghĩ ánh mắt ấy dành riêng cho mình. Ánh nhìn của mợ thay đổi liên tục. Khi bừng lên thiết tha dịu ngọt, khi vụt tắt xa xăm… Không khí trong phòng trầm hẳn xuống. Giọng bà Mơ thật nhẹ đôi khi như tiếng thở dài… Lảng vảng đâu đó xen lẫn với sắc màu tươi vui, không khí ấm cúng dịu êm của căn phòng vẫn có những mảng u ám làm mờ hạnh phúc. Dũng bỗng dưng thấy nghẹn ở cổ. Anh kéo chiếc áo choàng sát người. Cánh hồng kiêu sang nép bên lá rừng trong ly thuỷ tinh như lung linh gợi nhớ khuôn mặt u uẩn của người phụ nữ trên chuyến xe. Đôi mắt ngấn lệ của mợ nhìn Dũng như chờ đợi… Dũng đứng lên mở nút chai, rót rượu vào ly. Ba người khẽ chạm ly.Những ly rươu của sự đoàn tụ.Dũng rót thêm rươu vào ly bàn tay run run hướng ly của mình về phía ông Hưng:
_Ly này con uống thay cho Bình.
Ông Hưng cũng hướng ly mình lại gần miệng lẩm bẩm:”cậu uống cho Chiến”
Hai cái ly như lơ lửng trên không trung ngập ngừng một lúc rồi từ từ sáp lại gần. Tiếng thủy tinh va chạm nhau. Âm nhẹ nhưng sắc buốt. Dũng nghe như tiếng rạn vỡ từ chính trong lồng ngực mình. Mấy ngón tay bám chặt vào thành ly. Rươụ sóng sánh vàng không đỏ thắm như rượu vang. Hình như những mạch lưu thông, thứ chất lỏng thường ngày rất dễ hừng hực trong Dũng đang nguội dần đi…
 Dũng hớp hết rượu trong ly nói:
_ Con hằng mơ ước có ngày hôm nay. Nhưng con không bao giờ nghĩ chỉ có mình con và cậu mợ trong căn phòng này. Con nghĩ sẽ được đoàn tụ với nhiều người, sẽ nghe tiếng chạm ly to hơn nữa… Con tưởng…
Dũng không nói được nữa nhìn cậu mợ qua màn nước mắt. Ông Hưng nắm chặt lấy bàn tay Dũng. Niềm vui sáng bừng trên khuôn mặt già nua mệt mỏi của ông. Không hiểu sao sự xuất hiện của Dũng lại mang đến cho ông một niềm hy vọng mới. Ông đang sống trong cảm giác mà ông muốn nó không bao giờ mất. Ông nói với Dũng:
_ Con không biết là con đã mang lại hạnh phúc cho cậu mợ như thế nào đâu! Đã lâu rồi cậu mợ không được hưởng những giây phút tuyệt vời như thế này. Thôi ăn đi con! Chúng ta vui lên nào!
Bà Mơ cắt cái đùi gà để vào dĩa cho Dũng, ông Hưng rót thêm rượu mời cháu…
Tối hôm ấy những người hàng xóm thấy căn nhà của hai vợ chồng già thường ngày quá trầm lặng bữa nay lâu lâu lại vang tiếng cười nói vọng ra tận bên ngoài. Các căn phòng đều bật điện sáng choang.