Chương XIV
VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỈ ĐẾN THẾ CHIẾN THỨ NHÌ

Trong chương này tôi ghi lại sơ lược những biến cố lớn và tình hình xã hội Việt Nam. Tôi không bao giờ có ý viết sử nên không thu thập tài liệu; lại thêm một số sách rất ít ỏi tôi có được thì trong mấy năm nay, do thời cuộc phải dời chỗ hoài, gởi người này, tặng người khác, thất lạc gần hết, bây giờ có muốn tìm lại để tra cứu cũng không được. Vì vậy tôi đành nhớ tới đâu, chép tới đấy, chắc chắn là còn thiếu sót, lầm lẫn nhiều, nhưng về xu hướng và những nét chính thì may ra không đến nỗi sai lắm.
 

°

A. CHÍNH TRỊ
PHONG TRÀO CHỐNG PHÁP
 
Đầu cuốn Đông Kinh nghĩa thục, tôi đã nói cuối thế kỉ trước, các cuộc khởi nghĩa nối nhau tan rã gần hết.
 
Năm 1887, nghĩa quân ở Bình Định, Phú Yên bị Trần Bá Lộc dẹp, Mai Xuân Thưởng bị hành hình. Tám năm sau Phan Đình Phùng bị bệnh lị mất ở Hà Tĩnh; Nguyễn Thân đem hỏa thiêu thây của người, trộn với tro vào thuốc súng bắn ra biển. Hai năm sau nữa, tiếng súng im hẳn ở Bãi Sậy, Nguyễn Thiện Thuật lẻn qua Trung Hoa. Đầu năm sau nữa, Đề Thám trá hàng ở Nhã Nam. Nhưng cứ lớp trước tàn thì lớp sau lại dậy, tinh thần bất khuất của dân tộc ta không khi nào tắt. Năm 1903 hay 1904, Phan Bội Châu viết cuốn Lưu Cầu huyết lệ tân thư, tả cái nhục mất nước và tuyên bố phải mở mang dân khí làm nền tảng cứu quốc, rồi thành lập hội Duy Tân. Chủ trương của cụ đã hơi khác các nhà cách mạng trước: không tự lực hoạt động trong khu vực nhỏ, muốn thống nhất các hoạt động rời rạc, gây một phong trào toàn dân và sự viện trợ của ngoại quốc để hoặc động cho đắc lực.
 
Cuối năm 1904, ba cụ Phan Chu Trinh, Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng rủ nhau chu du mấy tỉnh miền Nam Trung Việt để cảnh tỉnh đồng bào. Trong dịp đó, cụ Phan Chu Trinh làm bài thơ bất hủ Chí thành thông thánh.
 
Phong trào Duy tân nổi lên mạnh mẽ những năm 1906- 1908. Có ảnh hướng lớn nhất là phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Bắc do cụ Lương Văn Can khởi xướng. Nghĩa thục bị Pháp đóng cửa sau một năm hoạt động (1907), một số nhà cách mạng bị đày Côn đảo, rồi bị an trí ở Nam việt (cụ Lương bị an trí ở Nam Vang); nhưng chỉ trong một năm đó, các cụ đã gây được tiếng vang khắp nước, đâu đâu cũng nghe thấy trẻ ê a vần Quốc ngữ và các bà mẹ ru con bằng những bài ca ái quốc của nghĩa thục; hai chữ “khoa cử” bị các cụ “mài bỏ” và rất nhiều nơi mở tiệm buôn, thành lập các công ti khuếch trương nông nghiệp, công kĩ nghệ.
 
Cuối năm 1911, cụ Sào Nam (Phan Bội Châu) qua Trung Hoa, năm sau thành lập Việt Nam quang phục hội ở Quảng Châu, phát hành thông dụng phiếu và quân dụng phiếu để mua khí giới định tấn công Pháp. Thế chiến thứ nhất nổ, Đức giúp cho hội được một số tiền nhỏ. Các cụ vội vã hoạt động liền, tấn công vài đồn nhỏ ở miền Lạng Sơn, thất bại.
 
Năm 1917, lại có cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên do Lương Ngọc Quyến (con cụ Lương văn Can) và Trịnh Cấn (tức Đội Cấn) chỉ huy. Cụ Lương Ngọc Quyến lúc đó bị giam trong ngục Thái Nguyên, bị Pháp dùi bàn chân để buộc xích sắt, nên liệt hẳn một chân; mặc dầu vậy cụ vẫn liên lạc với viên đội khố xanh Trịnh Cấn, bày mưu cho Trịnh Cấn khởi nghĩa, phá ngục chiếm đồn. Nghĩa binh làm chủ được tỉnh lị Thái Nguyên dược một tuần (từ 30-8 đến 5-9), dùng lá cờ năm ngôi sao làm quốc kì, đặt quốc hiệu là Đại Hùng đế quốc, công bố hai bài tuyên ngôn với quốc dân; sau không chống nổi với Pháp, phải rút lui; nhưng còn chống cự được tới cuối năm. Lương Ngọc Quyến vì liệt một chân, yêu cầu Đội Cấn bắn một phát vào giữa ngực mình ngay ở Thái Nguyên (5-9); Đội Cấn bị vây và bị thương ở Pháo Sơn, chung quanh chỉ còn bốn thủ hạ, tự bắn vào bụng mà chết. Trong lịch sử cách mạng của dân tộc ta, hai cái chết đó cảm động và oanh liệt vào bực nhất. Mà cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên cũng là cuộc duy nhất trong thế chiến thứ nhất khiến Pháp phải lo ngại.
 
HAI CỤ PHAN
 
Cụ Tây Hồ (Phan Châu Trinh) qua Pháp từ năm 1911, chủ trương bất bạo động mà tranh đấu một cách công khai - bằng báo chí, diễn thuyết - đòi Pháp thay đổi chính sách cai trị. Năm 1914, đầu thế chiến, cụ bị Pháp giam, năm sau được thả. Năm 1922, khi Khải Định qua Pháp dự cuộc đấu xảo quốc tế, cụ gởi cho ông ta một bức thư trách ông ta bảy điều, lời rất nghiêm khắc nhưng xác đáng, mà hai điều quan trọng nhất là làm nhục quốc thể, có điều ám muội trong việc bang giao với Pháp.
 
Năm 1925 cụ về nước, hăng hái diễn thuyết hô hào dân chủ, mở mang dân trí, nhưng không được bao lâu thì mất vì bệnh ở Sài Gòn (1926). Học sinh các trường trung học có tiếng Bắc, Trung, Nam để tang cụ, có nơi bị đàn áp, gây ra vụ bãi khóa như ở trường Bưởi; nhiều người bị đuổi.
 
Năm 1924, nhà cách mạng Phạm Hồng Thái ném bom giết hụt Toàn quyền Đông Dương Merlin ở Sa Điện (Quảng Châu) - rồi tự trầm ở Châu Giang để khỏi bị địch bắt. Pháp căm tức, dò biết rằng vụ đó do đảng viên Việt Nam quang phục hội nhúng tay vào, nên kết án Phan Bội Châu tử hình vắng mặt và tìm mọi cách bắt cụ. Tháng 7 năm 1925 cụ bị bắt ở Trung Hoa, giải về Hà Nội, xử cụ tội tử hình trong phiên tòa 23-11-1925. Nhưng khắp trong nước, các đoàn thể, báo chí đều nổi lên mãnh liệt đòi ân xá cho cụ, và Toàn quyền Pháp là Varenne khôn ngoan nhượng bộ, chỉ giam lỏng cụ tại Huế, xóm Bến Ngự, bên bờ sông Hương. Từ đó cụ không hoạt động gì nữa rồi mất ngày 29- 11-1940. Trước khi mất cụ làm một bài thơ tự hỏi hoạt hoạt động của cụ trong mấy chục năm là công hay tội. Để trả lời câu đó tôi viết bài Cụ Phan và lòng dân in trong tập Kỉ niệm 100 năm năm sinh Phan Bội Châu (Trình Bày, 12-1967) mà dưới đây tôi xin trích một đoạn:
 
“Tết năm đó, vào tháng giêng hay tháng hai dương lịch 1926[1], tin cụ Phan bị bắt ở Trung Hoa, giải về giam ở Hỏa Lò Hà Nội, bị kết án tử hình rồi toàn dân sôi nổi đòi ân xá cho cụ, dân làng tôi đều biết hết. Chắc chắn họ không đọc báo; có người nào đó xuống phủ, xuống tỉnh, nghe đồn rồi về làng kể lại. Điều đó không có gì lạ. Điểm thích thú là trong mấy ngày Tết, lại nhà nào cũng nghe la lớn: “Cụ Phan” rồi tiếp theo là một tràng những tiếng cười ròn rã như tiếng pháo. Từ xóm Đình đến xóm Chùa, xóm Giếng tới xóm Đồng Đỗ, đâu đâu cũng vang lên hai tiếng “Cụ Phan”.
 
Có gì đâu. Tết thì nhà nào ở quê Bắc chẳng đánh tam cúc, và dân làng tôi gọi quân tướng điều là “Cụ Phan”. Một vài nhà hơi có học phân biệt tướng điều là cụ Phan Bội Châu, tướng đen là cụ Phan Chu Trinh, nhưng đại đa số chỉ gọi tướng điều là “Cụ Phan”.
 
Tôi không biết mấy làng bên cạnh có gọi như vậy không (...), nhưng tôi đoán rằng đó không phải là sáng kiến của riêng làng tôi, chắc nó phải đồng thời xuất hiện ở nhiều nơi, vì còn gì tự nhiên cho bằng dùng con bài quí nhất, vô địch trong cỗ tam cúc để chỉ cụ Phan. Nó tự nhiên quá nên rất phổ biến, tới nỗi ngay các tổng lí cũng vui vẻ, hãnh diện có được một “Cụ Phan”. Và tôi nghĩ hồi đó giá có một tên “trành” nào bán nước mà ngồi vào chiếu tam cúc, khi hạ quân tướng điều xuống chiếu thì tất cũng vỗ đùi một cái mà cười ha hả: “Cụ Phan”.
 
Những ván bài tam cúc đó quả là vui, vui nhất trong đời sống làng tôi”.
 
CÁC ĐẢNG PHÁI MỚI: VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG - ĐÔNG DƯƠNG CỘNG SẢN ĐẢNG.
 
Từ 1925 trở về trước, hai cụ Phan tiêu biểu cho tinh thần ái quốc Việt Nam. Từ 1925 trở đi, xuất hiện thêm nhiều đảng phái mà người thành lập hầu hết ở trong giới tân học.
 
- Năm 1925 là đảng Tân Việt ở Trung Việt, đảng viên phần đông là công chức và tiểu tư sản. Đảng chưa hoạt động được gì thì phải giải tán.
 
- Hai năm sau, 1927, Nguyễn Thái Học, sinh viên trường Cao đẳng Thương mãi Hà Nội, lập Việt Nam Quốc dân đảng ở Bắc. Đường lối của đảng là dùng võ lực giành lại chủ quyền rồi thành lập chính thể Cộng hòa. Đảng được nhiều giới gia nhập: công chức, tiểu tư sản, công nhân, thương nhân, quân nhân, cả tổng lí, học sinh nữa[2]; lập được nhiều chi bộ, thâu nạp được nhiều đồng chí, rất có tiếng trong nước.
 
Đảng mới thực hành được vài vụ ám sát, như vụ ám sát Pháp kiều Bazin, giám đốc sở mộ phu cho các đồn điền cao su Nam Việt và Tân thế giới (Nouvelle Calédonie), thì do một tên phản đảng mà mật thám biết được nhiều bí mật của đảng, thẳng tay đàn áp, truy nã.
 
Từ đó Nguyễn Thái Học càng phải hoạt động gấp, mở cuộc tổng khởi nghĩa cùng một ngày ở nhiều nơi; nhưng vì tổ chức vội, có nhiều nơi nhận được tin trễ hoặc chuẩn bị không kịp, thành thử thất bại. Trong đêm 9, rạng ngày 10-2-1930, nghĩa quân chỉ tấn công được một đồn Yên Bái, giết được khoảng mươi sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp. Sáng hôm sau, liệng được ít trái tạc đạn ở Hà Nội.
 
Pháp phản ứng kịp và rất mạnh, dùng phi cơ liệng bom xuống đồn Yên Bái, bắn liên thanh xuống thành phố và các làng chung quanh; rồi 1ại thả bom san phẳng làng Cổ Am, cả ngàn người chết.
 
Nguyễn Thái Học lẩn tránh một thời gian, sau bị bắt ở Hải Dương, bị kêu án tử hình và ngày 17-6-1930, tại Yên Bái, ông cùng 12 đồng chí yếu viên của đảng hiên ngang bước lên đoạn đầu đài, người nào cũng hô lớn “Việt Nam” trước khi chết; khiến toàn dân vừa khâm phục, vừa xúc động, có tiếng vang rất lớn ở Pháp.
 
- Đầu năm 1930, ông Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Hương Cảng một đảng nữa, đảng Cộng sản Đông Dương, và ngay mùa hè năm đó, mấy ngàn bần nông Nghệ An nổi dậy, chiếm ruộng của điền chủ, chia nhau. Tới tháng chín, sáu ngàn nông dân vì đói mà nổi dậy, tiến ra Vinh. Pháp đàn áp tàn nhẫn, dùng phi cơ dội bom vào đám biểu tình, khiến một nữ kí giả Pháp, Andrée Viollis phải phẫn uất, ghê tởm, về Pháp viết cuốn Indochine S.O.S.
 
Từ đó đảng Cộng sản thỉnh thoảng lại gây được những cuộc biểu tình nhỏ, những cuộc đình công ở nhiều nơi trong nước: Hà Nội, Hải Phòng, Hòn Gai, Nam Định, Vinh, Sài Gòn, Mỹ Tho, Cao Lãnh...
 
Về lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam, và nhất là vai trò của ông Nguyễn Ái Quốc (tên hồi trẻ là Nguyễn Tất Thành, và tên sau này là Hồ Chí Minh), nhiều sách đã viết. Ai cũng biết không nhiều thì ít, ở đây tôi không cần kể lại, chỉ xin nhấn rằng tất cả trong các cuộc cách mạng Việt Nam, đảng Cộng sản có tổ chức chặt chẽ nhất, có đường lối, có chương trình hành động rõ rệt, có nhà lãnh tụ sáng suốt, nhiều kinh nghiệm, được khắp thế giới biết tiếng, nhờ vậy mà sau này thành công lớn.
 
Ngoài các đảng hoạt động bí mật kể trên, còn những nhóm, đảng hoạt động công khai, nhóm được dân tín nhiệm nhất là nhóm La Lutte (Tranh đấu) ở Nam Việt, mà ba kiện tướng là Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Phan văn Hùm.
 
Họ đều đã du học ở Pháp, trong khi du học đã hoạt động chính trị, sách động sinh viên Việt Nam biểu tình bênh vực cụ Phan Bội Châu, phản đối vụ hành hình ở Yên Bái, rồi về nước hoạt động công khai, đòi quyền lợi cho thợ thuyền, chống đế quốc thực dân, nhiều lần bị bắt giam. Nam Việt là thuộc địa của Pháp, dân chúng được tự do hơn hai xứ Bắc và Trung; chế độ báo chí cũng rộng rãi, nhất là các báo tiếng Pháp. Tạ Thu Thâu sáng lập tờ La Lutte (Tranh đấu), Nguyễn An Ninh sáng lập tờ La Cloche Fêlée (Chuông rạn) gây được nhiều cảm tình trong dân chúng. Đầu thế chiến thứ nhì, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu và Phan Văn Hùm đều bị đày ra Côn Đảo; Nguyễn An Ninh mất ngoài đó năm 1943, còn Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm mãi đến khi Nhật đảo chánh Pháp mới được thả.
 
Về giới chính khách thân Pháp, hợp tác với Pháp, chỉ đòi cải thiện chính thể, trước 1945 chúng ta thấy hai chủ trương:
 
- Chủ trương quân chủ lập hiến, do Phạm Quỳnh đề xướng trên tờ Nam Phong; ở Nam, Bùi Quang Chiêu cũng lập một đảng Lập hiến; tôi không rõ đường lối ra sao, có lẽ muốn có một chế độ dân chủ với một hiến pháp.
 
- Chủ trương xin Pháp cho Việt Nam tự trị, bỏ chế độ bảo hộ đi, mà ba kì sát nhập với nhau thành một thuộc địa của Pháp. Chủ trương này do Nguyễn Văn Vĩnh đưa ra, rất ít người theo.
 
Trong khoảng 1925-1930 ở Nam Việt xuất hiện hai giáo phái: Cao Đài do Lê Văn Trung, một viên hội đồng quản hạt, thành lập ở Tây Ninh; và Hòa Hảo do một nông dân, Huỳnh Phú Sổ thành lập ở làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, Châu Đốc, nhưng hai giáo phái đó đến đầu thế chiến thứ nhì mới hoạt động về chánh trị, nên tôi sẽ xét trong chương sau.
 

°

 
B. KINH TẾ
 
XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI TRƯỚC
 
Sau thế chiến thứ nhì, một số nhà kinh tế học phương Tây như Clark, Myrdal, Fourastié, Rostow nghiên cứu về sự phát triển kinh tế cho rằng có năm giai đoạn như sau:
 
1. Xã hội cổ: các hoạt động sản xuất rất hạn chế, mà theo phương pháp truyền thống, thiếu tính cách khoa học;
 
2. Giai đoạn dự bị, tức giai đoạn ở cuối thế kỉ XVII, đầu thế kỉ XVIII lại phương Tây: người Âu bắt đầu có ý thức về sự tiến bộ kinh tế nhờ nhiều phát minh lớn về khoa học (xe lửa chạy bằng hơi nước, điện lực...); một nhóm người có tinh thần kinh doanh đã nghĩ tới việc phát triển kinh tế để đầu tư…
 
3. Giai đoạn bắt đầu phát triển mạnh: đầu tư nhiều, mở mang mọi ngành, tức giai đoạn ở hậu bán thế kỉ trước tại châu Âu;
 
4. Giai đoạn thành thục, tức giai đoạn của châu Âu đầu thế kỉ này;
 
5. Giai đoạn đại chúng tiêu thụ mạnh mẽ, tức giai đoạn của châu Âu và Nhật bản hiện nay, của Mĩ từ hai ba chục năm trước. Giai đoạn này cũng gọi là hậu kĩ nghệ (post industrielle, do Daniel Bell đặt ra), mọi người chỉ lo hưởng thụ cho nhiều để có thể sản xuất cho nhiều; sản xuất thừa thãi quá rồi, người ta ít ham cạnh tranh, thành công nữa; ý thức về quốc gia, giai cấp nhạt đi, có thể tinh thần nhân bản và sự giáo dục được tôn trọng hơn trước.
 
Cho tới khi người Pháp qua, xã hội Việt Nam là xã hội cổ của nền văn minh nông nghiệp, như xã hội thời Trung cổ của phương Tây. Trong cả ngàn năm nông nghiệp không tiến bộ được bao nhiêu, đất đai tuy mở mang được nhiều nhờ cuộc Nam tiến, nhưng đồng thời dân số cũng tăng lên, thành thử mức sống không cải thiện được. Theo Luro, do Paul Mus dẫn trong cuốn Việt Nam, sociologie d’une guerre (Seuil - 1952) thì thời xưa (tôi đoán là thời Minh Mạng hay Tự Đức) “cả nước Việt Nam chỉ có một lợi tức là bốn chục triệu (triệu quan tiền của ta hay triệu quan của Pháp, Luro và Mus đều không nói rõ), lương quan lại rất thấp, lính tráng gần như không được lãnh lương, mọi công việc xây cất, đào kinh, đắp đường, đắp đê... đều bắt dân làm xâu cả”.
 
Lời đó đúng. Trong một chương trên tôi đã kể cảnh nghèo của các cụ nghè liêm khiết, làm những chức lớn như quan tham tụng Lê Anh Tuấn, làng Thanh Mai (Sơn Tây) thời chúa Trịnh; quan Tế tửu ở Quốc tử giám (Hà Nội), nhà ở làng Hạ Đình (Hà Đông) thời Tự Đức.
 
Xã hội xưa đúng là cảnh bùn lầy nước đọng, không sao tiến được; chính quyền chỉ lo sao cho dân khỏi đói mà cũng không xong; và khi cuộc Nam tiến phải ngừng lại - vì Pháp chiếm hết Đông Dương - thì từ vua tới dân dành bó tay chịu sự đào thải thiên nhiên: dân số tăng lên quá, ruộng đất không đủ nuôi, thì những tai họa như lụt, hạn hán, bệnh dịch, chiến tranh... làm giảm số dân xuống cho có một sự thăng bằng tạm thời giữa sự sản xuất và dân số.
 
Bi đát thay, tới ngày nay mà tình cảnh nghèo khổ đó vẫn chưa được cải thiện: lương cán bộ, công nhân viên cũng không đủ sống như thời xưa, mà rất nhiều công trình xây dựng vẫn do chính sách làm xâu - nay gọi là lao động mà thực hiện được! Còn lợi tức trung bình hàng năm mỗi đầu người chỉ có 50 Mĩ kim, vào hạng thấp nhất thế giới, trong khi ở Pháp là 3.000-4.000, ở Hoa Kì là 5.000-6.000 Mĩ kim.
 
PHÁP KHAI THÁC VIỆN NAM, GIỚI TƯ BẢN VÀ ĐIỀN CHỦ XUẤT HIỆN
 
Năm 1867, Pháp chiếm trọn sáu tỉnh Nam Việt. Năm 1884 triều đình Huế kí Hòa ước Patenôtre, nhận cho Pháp bảo hộ cả Bắc và Trung kì.
 
Vào khoảng 1880, Pháp bắt đầu khai thác Nam kì. Mới đầu các dinh và công sở của họ ở Sài Gòn còn là nhà sàn bằng gỗ; năm 1887 mới đặt viên đá đầu tiên để xây cất nhà thờ Đức Bà ở trước Sở Bưu điện chính.
 
Ở Bắc sự khai thác trễ hơn: năm 1892 Hải Phòng còn là một xóm bùn lầy toàn nhà lá.
 
Pháp xây vài thành phố lớn đồng thời với vài đường giao thông chính, như đường lộ và xe lửa Sài Gòn-Mĩ Tho, Hà Nội-Hải Phòng...; rồi mở những tiệm buôn.
 
Sản phẩm chính của Nam kì là lúa, sau mới thêm cao su. Trung kì có cây rừng và cá biển. Bắc kì có nhiều mỏ. Cao nguyên có gỗ, cà phê. Vì vậy bọn tư bản Pháp lập nhiều đồn điền, nhà máy gạo, nhà máy chế biến mủ cao su ở Nam; đồn điền cà phê ở cao nguyên; họ khai thác mỏ than, mỏ đồng, mỏ thiếc, lập các xưởng xi măng, xưởng dệt, nhà máy giấy... ở Bắc; miền Trung chưa kịp thai thác được bao nhiêu, chỉ có nhà máy diêm, xưởng đóng tàu ở Vinh, vì con đường xe lửa xuyên Đông Dương mãi đến 1937 mới hoàn thành, mà năm 1939 đã có thế chiến thứ nhì rồi; cả nguồn lợi cá biển ở Trung họ chưa nghĩ tới.
 
Sự khai thác đó đưa xã hội Việt Nam vào giai đoạn hai của tiến trình phát triển kinh tế, tức giai đoạn ở cuối thế kỉ 17, đầu thế kỉ 18 tại phương Tây như trên tôi đã nói. Một số người Việt có óc kinh doanh bắt đầu tin ở sự tiến bộ kinh tế, hùn vốn lập hội, lập xưởng, nhà máy, như công ti Bạch Thái Bưởi ở Hà Nội, tranh việc chuyên chở trên sông với ngoại nhân; công ti Liên Thành sản xuất nước mắm ở Phan Thiết; Trương Văn Bền ở Sài Gòn lập xưởng làm xà bông... Họ chỉ là những nhà tư bản nhỏ, không so sánh được với bọn tư bản Pháp, Trung Hoa.
 
Riêng ở Nam Việt, xuất hiện một số đại điền chủ miền Tây vào khoảng 1920-1930. Trong xã hội cũ, Việt Nam không có giới điền chủ lớn. Đời Trần, một số hoàng thân được ban cho một khu đất rộng để khai phá, có gia thần (bề tôi riêng), nhiều nô tì, cả một số lính nữa, và khi quân Nguyên qua xâm lăng, các vị “vương” đó đem quân của mình ra chống cự như quân của triều đình. Chế độ đó có thể ví với chế độ phong kiến thời cổ ở Trung Hoa, hoặc chế độ Latifundia ở La Mã. Nhưng qua đời Lê, chế độ đó không còn; và tới đầu thế kỉ chúng ta, người giàu nhất làng tôi chỉ có sáu mẫu, khoảng hai héc ta, không đáng kể là tiểu điền chủ nữa. Hai héc ta mà nhà có độ mươi miệng ăn thì làm lấy chỉ đủ cơm ăn, áo mặc. Tại vài làng khác trong tổng, có vài người được hai chục mẫu thì cũng chỉ bằng bảy héc ta, vào hạng nông dân đủ ăn ở trong Nam. Tôi nghe nói vào khoảng 1930, có vài đồn điền của người Việt ở miền trung du như Phú Thọ, Bắc Cạn rộng một hai trăm mẫu, nhưng một phần lớn là đồi, chỉ một phần nhỏ cày cấy được, như vậy cũng chưa bằng một tiểu điền chủ ở miền Tây Nam Việt.
 
Sở dĩ miền Tây Nam Việt (suốt một dải từ Châu Đốc tới Cà Mau bên kia Hậu Giang, và từ Hồng Ngự xuống đến Tân An bên Tiền Giang) có nhiều điền chủ lớn là vì miền đó còn hoang vu khi người Pháp tới. Nó hoang vu vì đất có nhiều phèn, phải đào kinh thật nhiều, rửa phèn trong vài ba năm rồi mới tạm trồng lúa được. Chánh quyền Pháp bán những đất hoang đó hoặc cho khẩn một cách dễ dãi. Bọn tư bản Pháp lựa những miếng lớn và tốt hơn cả, có những đồn điền cả chục ngàn héc ta như đồn điền Gressier (?) dài vài chục cây số, rộng vài ba cây số trên hai bờ kinh Xà No ở Cần Thơ và Rạch Giá; một số người Việt khá đông chia nhau những miếng nhỏ vài ba trăm héc ta, may mà trúng được hai vụ liên tiếp thì lại khẩn thêm, tậu thêm, chỉ trong mươi năm thành đại điền chủ với cả ngàn héc ta ruộng.
 
Cũng có trường hợp dân nghèo rủ nhau khai thác một miền đất hoang, hi vọng hễ thành điền rồi thì xin nộp thuế cho chính phủ và sẽ được làm chủ ruộng. Mỗi gia đình chỉ làm độ mươi héc ta là nhiều. Vài chục gia đình làm được vài trăm héc ta. Lúc đó mới có một tên tư bản gian manh cướp công họ, chiếm đất, đuổi họ đi viện lẽ đã xin khẩn từ mấy năm trước rồi, trên địa bộ họ đứng tên rồi. Những vụ như vậy thường xảy ra, có vụ đổ máu như vụ đồng Nọc Nạn ở Bạc Liêu.
 
Chủ điền không thể khai thác lấy được, chia cho tá điền; nhiều tá điền quá thì phải dùng “cặp rằn” (do tiếng Pháp caporal) cai quản tá điền. Từ đó sinh ra nạn bóc lột, ở nông thôn phân ra hai giai cấp tư bản (điền chủ) và vô sản (tá điền) đấu tranh với nhau. Nhưng tôi nhắc lại, tình trạng đó chỉ xảy ra ở miền Tây Nam Việt, mà số điền chủ tàn bạo quá tới nỗi nông dân phải nổi loạn, không phải đâu đâu cũng có. Chẳng hạn tổng Phong Thạnh Thượng, chỗ bác Ba tôi ở, không xảy ra vụ nào cả.
 
Trong cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười tôi đã kể một lần vào thăm một trại ruộng lớn có máy cày (năm đó vào khoảng 1936-37). Chủ trại giữ tôi ở lại ăn cơm. Trại ở giữa một cánh đồng mênh mông, hoang vu, xa sông Tiền, xa chợ Hồng Ngự, vậy mà chỉ trong một hai giờ mà trên bàn đã có sáu bảy món ăn (thời đó chưa có tủ lạnh) với rượu quí, trái cây, bánh ngọt. Đĩa chén toàn là đồ Limoges, li bằng pha lê. Chủ nhân có 600 héc ta đất, phàn nàn đã lỡ mua non một vạn đồng bạc máy cày (lương tôi hồi đó, kể cả phụ cấp chỉ được 80 đồng) mà mới dùng được vài tháng đã phải bỏ vì không khí ẩm thấp, thợ chuyên môn không có, máy mau hư mà mỗi lần hư phải gở từng bộ phận đem qua Châu Đốc, có khi xuống tận Cần Thơ để sửa. Hạng bị phá sản không phải là ít, nhất là trong hồi kinh tế khủng hoảng: 1930-1934.
 
SỰ BÓC LỘT VÀ ĐẤU TRANH GIAI CẤP THỜI PHÁP THUỘC
 
Chỉ hạng tư bản Pháp, chủ đồn điền cao su là làm ăn thịnh vượng nhất và bóc lột công nhân một cách tàn nhẫn, có tổ chức nhất, gây biết bao nỗi bi thảm mà một số bài báo và truyện Bão rừng của Nguyễn Văn Xuân đã tả, nhưng vẫn còn sơ lược. Bị chủ bóc lột một lớp rồi lại bị cai bóc lột một lớp nữa, nên mười người dân quê Bắc vào làm phu đồn điền cao su ở Nam (họ gọi là đi Tân thế giới) thì may ra có một người khôn lanh, có nghị lực, khi hết hạn giao kèo, trở về Bắc được với một số tiền nhỏ; còn chín người kia phải gởi xương trong rừng cao su, hoặc thoát ra được thì cũng bệnh tật, lang thang kiếm ăn qua ngày ở các thị trấn miền Nam.
 
Sự bóc lột tàn nhẫn, nhưng sự tranh đấu trong các đồn điền cao su không mạnh vì nơi đó là lãnh địa riêng của bọn tư bản Pháp; phu cao su gần như bị giam lỏng, khó tiếp xúc với ngoài.
 
Công việc tuyên truyền và huấn luyện của đảng Cộng sản có hiệu quả nhất ở các mỏ như mỏ than Hồng Gai, các nhà máy như nhà máy sợi Nam Định, các xưởng như xưởng Ba Son (Arsenal – xưởng đóng tàu) ở Sài Gòn... Thợ thuyền những nơi đó giác ngộ hơn, đoàn kết hơn, có tinh thần tranh đấu hơn, có thể gọi là gần họp thành một giai cấp đúng với nghĩa của Karl Marx; tôi nói gần vì trước thế chiến vừa rồi, số thợ đó còn ít quá, một hai vạn và đối tượng tranh đấu của họ là tư bản Pháp vì chủ của họ toàn là người Pháp; còn một số nhà tư bản Việt làm ăn nhỏ quả, chỉ mướn dăm chục hay cùng lắm là một trăm thợ, nếu thợ thấy bị bóc lột thì bỏ di, kiếm việc nơi khác, đấu tranh làm gì; hoặc nếu có đấu tranh thì chủ và thợ cũng dễ thỏa thuận với nhau, như người trong nhà.
 
Tóm lại, ta có thể kết luận rằng trước 1945, chỉ có vài vụ giai cấp đấu tranh giữa chủ điền và tá điền Việt mà không có sự đấu tranh giữa chủ và thợ thuyền Việt, chỉ có đấu tranh giữa chủ Pháp và thợ Việt thôi; và sau khi Sài Gòn được Giải phóng, điền chủ Việt mất hết đất, tư bản Pháp phải cuốn gói về Pháp, thì toàn quốc không còn đấu tranh giai cấp nữa, hiểu theo định nghĩa của Karl Marx.
 
Lịch sử giai cấp đấu tranh của ta quả thật là ngắn ngủi.
 

°

 
C. XÃ HỘI
 
GIỚI “BOURGOIS” LỚP ĐẦU
 
Để cai trị và khai thác Việt Nam, Pháp phải đào tạo một số tay sai: thư kí, thông dịch viên, com-mi, phủ, huyện, cán sự thấp và trung trong mọi ngành. Họ mở những trường tiểu học ở mỗi châu thành, mỗi phủ, quận; rồi năm sáu trường trung học ở các châu thành lớn (tất cả những trường đó, tiểu và trung, đều là trường Pháp Việt, dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ); năm 1907 mới mở ở Hà Nội một trường đại học cho toàn cõi Đông Dương, một hai năm sau đóng cửa[3], năm 1910 hay 1912 mở lại, nhưng mới đầu không đủ các ngành, chỉ đào tạo những cán sự chuyên môn, mãi đến năm 1930 mới mở vài ngành luật khoa, khoa học, và buộc sinh viên phải có bằng Tú tài, từ đó đại học Hà Nội mới xứng với tên đại học mà cũng chỉ bằng một đại học nhỏ nhất của Pháp.
 
Trước thế chiến thứ nhất, ở Bắc người Việt nào học vài ba năm tiếng Pháp, bập bẹ được ít câu, làm được bốn phép tính, cũng được tuyển dụng làm thầy kí, lương mười, mười lăm đồng một tháng. Làm ít năm, lương tăng, được mười tám, hai mươi đồng. Nếu thông minh và siêng năng, chỉ trong mươi năm thành ông Phán, lương bốn năm chục đồng. Bốn năm chục đồng vào khoảng 1920 là một số tiền lớn; họ có thể sắm một chiếc xe kéo gọng đồng, mướn một anh “xe” vừa kéo xe vừa làm việc nhà, một chị vú, một chị sen. Tốn kém gì đâu: hạng đó ở nhà quê mò cua bắt ốc, những ngày giáp hạt may lắm được củ khoai, bát ngô, nay được đủ cơm mỗi bữa, dù là cơm thừa canh cặn, cũng vẫn là sướng, huống hồ mỗi tháng được chủ trả cho năm hào hay một đồng, cuối năm lại được một bộ quần áo vải.
 
Hạng công chức đầu tiên đó sống an nhàn, sung sướng. Người nào chí thú thì chủ nhật họp nhau đánh chén, rồi đánh vài hội tài bàn, tổ tôm; kẻ chơi bời thì rủ nhau đi cô đầu “tom chát”, hút xách “đi mây về gió”.
 
Có bổng ngoại ít nhiều mà cần kiệm thì tậu nhà, mua ruộng, thành một nhà tư bản nho nhỏ, cho con học trường Tây, sau thành quan huyện, quan đốc.
 
Học hành chỉ được một nhúm chữ mà họ sướng gấp chục lần giới sĩ phu, các cụ cử, cụ nghè thời trước. Đúng như thơ Tú Xương:
 
-----”Thôi có ra gì cái chữ Nho,
-----Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co.
-----Sao bằng đi học làm thầy Phán,
-----Tối rượu Sam banh sáng sữa bò”.
 
Họ làm cho vợ con hưởng. Vợ họ ăn trắng mặc trơn, nói là coi sóc việc nhà nhưng chẳng phải mó tay vào việc gì cả, ngồi trên sập gụ chỉ tay năm ngón, tô điểm nhan sắc, phây phây ra, mất hết đức cần cù, nhẫn nại, hi sinh của các cụ bà lớp trước, như cụ bà Tú Xương chẳng hạn. Kẻ hư thì đánh bài, kẻ “đảm đang” thì chơi họ, cho vay lãi, kiếm thêm tiền, có khi nhiều hơn số lương của chồng nữa.
 
Những năm 1925-1928, kinh tế Việt Nam thịnh nhất, họ làm ăn dễ dàng, nên Tết tiêu pha lớn: may áo gấm, áo đoạn cho họ và cho cả các con cái, mua những cành đào lớn, những chậu quất, thược dược, cả chục giò thủy tiên để bày và tặng nhau; pháo đốt cả chục bánh toàn hồng, còn bánh, thịt thì ê hề, ăn đến ngày mùng bảy mới hết.
 
Tới thời kinh tế khủng hoảng (1930-1935) bọn tư bản càng lớn càng mau sạt nghiệp, bọn bần dân điêu đứng (công nhật chỉ có một hai hào), thì họ vẫn sung sướng vì lương chồng họ không bị giảm bao nhiêu mà vật giá sụt nhiều.
 
Đó là giới tiểu tư sản (bourgeois) đầu tiên ở Bắc và Trung do văn minh tạo thành. Ở miền Nam, giới đó xuất hiện sớm hơn và đọc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh chúng ta biết được đời sống của họ ra sao. Xét chung, họ là những người hiền lành, thân Pháp, an phận, thỏa mãn, và vẫn trọng các nhà Nho, cha chú họ. Có người chê phụ nữ trong giới đó có tật xấu là biếng nhác, chỉ ham hướng thụ, đài các, thích danh vọng hão huyền. Tại hoàn cảnh xui nên như vậy. Sau này, trong thời loạn lạc, tôi thấy nhiều phụ nữ vào hạng trung lưu có tinh thần hi sinh cao, tháo vát, giỏi chịu cực khổ, lại giữ được truyền thống dân tộc mình sau những cuộc thử thách lớn lao, ngốc đầu lên được phần lớn là nhờ họ. Phụ nữ Tây phương không bằng họ được.
 
Tuy nhiên trong giới tiểu tư sản đầu tiên đó cũng có một số vượt hẳn lên; có kẻ gian hùng bực nhất như Trần Bá Lộc ở Nam (tôi không kể Nguyễn Thân ở Trung, Hoàng Cao Khải ở Bắc vì họ xuất thân cựu học); có người thành học giả như Huỳnh Tịnh Của, Pétrus Ký ở Nam; Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim ở Bắc; có người mạo hiểm kinh doanh, tranh đấu với ngoại nhân như Bạch Thái Bưởi ở Bắc.
 
LỚP SAU TIẾN BỘ HƠN, TẠO NÊN NƯỚC VIỆT NAM MỚI
 
Tới thế hệ sau, giới tiểu tư sản đông hơn, tiến bộ hơn, hiểu biết hơn tuy đa số vẫn ham hưởng thụ, có kẻ sa đọa hơn trước, nhưng một số có tư cách, chí khí, theo Tây học mà không vong bản, giữ được truyền thống, nên đóng những vai trò quan trọng, có thể nói là chính họ đã tạo nên nước Việt Nam mới.
 
Thành lập các hội kín, gây các phong trào cách mạng, phất cờ khởi nghĩa, nêu gương hi sinh cho quốc dân là họ. Viết báo, viết sách đả đảo thực dân, cảnh tỉnh đồng bào, đưa ra các đề nghị để cái cách xã hội hầu tiến kịp thời đại, là họ. Mài ngọn bút, luyện cho Việt ngữ thành lợi khí để truyền bá tư tưởng, diễn đạt tình cảm, tạo được một nền văn xuôi gọn, sáng, mỗi ngày mỗi thêm phong phú, tinh xác, là họ. Lập các nhà buôn, nhà máy để kiến thiết quốc gia, cũng là họ; về phương diện này họ chưa thành công nhiều vì ít vốn, ít kinh nghiệm, khó cạnh tranh với ngoại nhân, nhưng họ đã tin ở sự tiến bộ, tin ở sự phát triển kinh tế. Làm những công việc xã hội để giúp người nghèo, bênh vực quyền lợi của giới cần lao, hi sinh cho lí tướng bình đẳng, bác ái, tự do, cũng là họ.
 
Chúng ta cứ xét nội một điều này: từ thế kỷ XVIII đến nay, tất cả các vĩ nhân trong mọi hoạt động xã hội, chính trị, văn hóa, khoa học, mĩ thuật ở phương Tây hầu hết đều thuộc giới “bourgeois” cả, ngay đến Karl Marx, Lénine cũng vậy. Ở nước ta, trong giới lãnh đạo đảng Cộng sản, có đến ba phần tư hay hơn nữa ở trong thành phần tiểu tư sản. Là vì từ trước tới nay, chỉ tiểu tư sản mới được học nhiều hơn cả, có thì giờ để suy tư, sáng tạo hơn cả. Có thể nói thế giới ngày nay do giới tiểu tư sản tạo nên.
 
Tóm lại, trong khoảng nửa đầu thế kỉ, nhất là từ sau thế chiến thứ nhất trở đi, xã hội Việt Nam bắt đầu Âu hóa, có thêm giới trí thức tiểu tư sản, giới này lần lần thay thế giới sĩ phu thời trước mà lãnh đạo quốc gia. Sự biến chuyển đó lớn lao nhất trong lịch sử, nhưng so với Nhật Bản vẫn là nhỏ và trễ: Nhật đã Âu hóa từ 1870 và năm 1905 đã thắng được một dân tộc da trắng là Nga trong khi ta vẫn thiêm thiếp ngủ, phải nhờ tiếng súng của họ ở eo biển Đối Mã mới bừng tỉnh.
 
Mà sự biến chuyển đó chỉ mới phát ở các châu thành chưa lan sâu vào nông thôn vì sự kiềm chế của Pháp. Năm 1915 mới bỏ khoa thi hương ở Bắc, ba năm sau bỏ ở Trung. Nhưng ở làng nào cũng vẫn còn những trường học của các ông đồ; mãi đến 1925, mỗi làng ở Bắc, Trung mới có được một trường Sơ học chuyên dạy tiếng Việt tới lớp ba (lớp sơ đẳng – cours élémentaire).
 
Ở Nam, kinh tế phát triển hơn, trường học nhiều hơn, nhưng năm 1935, về miền Tây, tôi vẫn thấy dân quê giữ được nhiều truyền thống cũ, nhiều cổ tục. Có những cụ già để búi tóc mà đội nón Tây (casque), ngồi ca nô, xe hơi mà thích truyện Tàu, thuộc Minh tâm bửu giám, dạy con rất nghiêm: con đã đậu tri huyện rồi mà còn nọc ra đánh, đậu kĩ sư rồi mà bắt đi chăn trâu trong khi đợi bổ, và khi các cụ khuyên bảo điều gì thì dân làng răm rắp tuân theo, hơn là tuân chủ quận.
 
Và giới trí thức tiểu tư sản vì còn mới quá mà ít tiếp xúc với nông dân, chưa làm được gì cho họ nên chưa gây được uy tín lớn lao như giới sĩ phu thời xưa; trừ một số như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu.... miền Nam, còn hầu hết cho tới năm 1945 vẫn còn bị dân quê nghi kị, có khi mỉa mai nữa là khác.
 

°

 
D. VĂN HÓA
 
CHỮ QUỐC NGỮ
 
Xã hội tiến mau được, chủ yếu là nhờ sự giác ngộ của đại chúng; có những nhà lãnh đạo tài giỏi, có cả một giới thượng lưu trí thức đông đảo mà đại chúng mù chữ, lạc hậu thì cũng chẳng làm được gì, cũng như có tướng mà không có quân. Một kí giả phương Tây bảo trong mấy cuộc chiến tranh giữa Do Thái và Ả Rập, Do Thái thắng một phần là nhờ quân sĩ của họ có trình độ văn hóa cao, ra trận biết có sáng kiến, chẳng những biết sử dụng mà còn biết sửa chữa những khí giới tối tân. Trong sự chiến đấu còn vậy, huống hồ là trong sự phát triển kinh tế.
 
Muốn cho đại chúng mau giác ngộ thì phải mở nhiều trường, in nhiều sách báo; mà muốn cho họ mau đọc được sách báo thì chữ viết phải tiện lợi, không tốn công nhiều quá để học. Hai chục năm trước, một người Anh nói với chính khách Việt: “Dân tộc ông sẽ tiến mau hơn Trung Hoa, Thái Lan, vì các ông dùng tự mẫu La-tinh, bất kì người nào, chỉ học vài tháng là đọc được, viết được”.
 
Đúng vậy, Chữ Nôm của ta xuất hiện trễ lắm là vào đời Lí Cao Tông thế kỉ XII[4]. Giá thời đó vua chúa của ta biết bỏ chữ Hán mà dùng chữ Nôm làm quốc tự, trong vài thế kỉ, cải thiện được nó, qui định lối viết, lối đọc cho toàn quốc, giản dị hoá nó, bắt ai cũng phải học, thì nó thành một phương tiện truyền bá tư tưởng có hệ thống, không đến nỗi luộm thuộm, mỗi thời đọc, viết một khác, mỗi miền đọc viết một khác; thậm chí mỗi người đọc viết một khác nữa; mà văn hoá, văn thơ của ta nhờ đó phát triển được kha khá, và bây giờ các học giả khỏi phải bù đầu phiên âm tìm nghĩa một số khá nhiều chữ Nôm đời Lí, đời Lê; cãi nhau mấy chục năm nay mà vẫn chưa đọc được hai chữ Nôm   mỗi người đưa ra một thuyết, chẳng thuyết nào thắng nổi thuyết nào.
 
Nhưng dù biết dùng chữ Nôm từ đời Lí mà không dám cải cách mạnh, vẫn dựa vào chữ Hán thì học nó cũng mệt lắm; ít nhất cũng phải biết vài nghìn chữ Hán, đọc lõm bõm được chữ Hán rồi mới đọc viết chữ Nôm. Như vậy một người tư chất trung bình phải mất bốn năm năm.
 
Và tới thế kỉ XVII, người Âu qua nước mình, tất phải dùng chữ Nôm đó, không đặt ra vần Quốc ngữ (dùng mẫu tự La tinh để phiên âm tiếng Việt) hoặc có đặt ra thì cũng chỉ để họ dùng với nhau, viết sách, viết thư cho nhau thôi; và Việt Nam ngày nay cũng sẽ ở tình trạng bối rối như Trung Hoa, Nhật Bản, muốn bỏ quốc tự lắm để dùng mẫu tự La tinh mà có nhiều điều trở ngại quá, hơn nửa thế kỉ rồi, chưa quyết tâm được. Thật là bỏ thì thương, vương thì tội. Thành thử dân tộc ta là dân tộc duy nhất ở Đông Á, được cái may mắn chỉ học vài tháng chứ không phải mất ba bốn năm để biết đọc biết viết. Đỡ tốn công biết bao.
 
VĂN XUÔI CỦA TA MỘT THẾ KỈ NAY
 
Do lẽ cổ nhân không trọng chữ Nôm (nôm na là cha mách qué), không dùng nó để thảo chiếu, biểu, văn thư, để viết sách, dạy học, chỉ coi nó là một thứ chữ phụ để ghi những điều không quan trọng, những tình cảm riêng tư... cho nên có tình trạng kì dị này mà tôi đã phân tích trong bài Tựa cuốn Luyện văn II (1956):
 
“... Thơ Nôm của ta đã có từ ngàn năm trước, phát triển từ ca dao đến các điệu hát rồi đạt tới một mức rất cao trong truyện Kiều, còn văn xuôi Nôm của chúng ta thì mới xuất hiện chưa đầy một thế kỉ nay. Vì bạn thử xét từ giữa thế kỉ XIX trở về trước, chúng ta có những tác phẩm nào là văn xuôi Nôm? Các bộ Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ là tản văn Hán chứ không phải Nôm. Các bài phú, kinh nghĩa Nôm của Lê Quí Đôn, Nguyễn Công Trứ ư? Cũng không nữa. Những bài ấy tuy viết bằng tiếng Nôm, song toàn theo thể biền ngẫu, một thể có đối, có vần, có luật chặt chẽ, gần thi ca hơn là gần văn xuôi. Rốt cuộc chỉ còn những bài biểu, chiếu dưới triều Quang Trung (có lẽ cả trong thời Hồ Quí Li) mới thực là văn xuôi Nôm, song những bài đó ít quá (vua Quang Trung cầm quyền không được lâu, công cuộc cách mạng của ông chưa kịp hoàn thành) và viết rất vụng về, đầy những thành ngữ Hán, không có chút giá trị gì cả.
 
Vậy thực ra văn xuôi Nôm mới xuất hiện từ hồi Trương Vĩnh Ký viết cuốn Chuyện đời xưa (1866), nghĩa là cách đây (1956) chín chục năm. Nhưng trong hậu bán thế kỉ trước, lời xướng của ông được ít người họa; phải đợi đến đầu thế kỉ này, từ khi nhóm Đông Dương tạp chí ra đời (1913), văn xuôi Nôm mới phát triển đều đều và phát triển rất mạnh. Mặc dầu bị tiếng Pháp lấn áp trong mọi khu vực, mặc dầu bị đa số quốc dân thờ ơ, bị nhiều nhà giáo coi thường (...), mặc dầu gặp những nghịch cảnh đó mà văn xuôi của chúng ta trong nửa thế kỉ đã tiến những bước rất dài. So sánh văn của nhóm Đông Dương tạp chí với văn thời nay, ta tưởng có sự cách biệt hằng mấy thế kỉ, cách biệt hơn văn thế kỉ XVII với thế kỉ XX của Pháp, hoặc văn thế kỉ thứ VIII (đời Đường) với thế kỉ XIX (cuối Thanh) của Trung hoa.
 
Sự đột tiến đó do công lao của các nhà cầm bút tự tìm chữ, đặt chữ, áp dụng các cách hành văn của ngoại quốc rồi thí nghiệm trong tác phẩm của mình mà rán dung hòa cho văn được hợp với tính cách của Việt ngữ và không cách biệt quá với lời nói thông thường trong dân chúng”.
 
Hiện nay chúng ta có thể coi văn xuôi của ta đã trưởng thành rồi, nhưng Việt ngữ còn nghèo nàn, ngữ pháp còn kém uyển chuyển, chưa diễn hết được những tư tưởng mới, cảm xúc mới của phương Tây. Các nhà cầm bút còn phải tìm tòi, thí nghiệm trong một thời gian lâu nữa - vài ba chục năm - mà thành công mau hay chậm còn do trình độ kiến thức của họ và của dân chúng sớm bắt kịp được trào lưu thế giới hay không.
 
Trước thế chiến thứ nhì, các tạp chí của ta tiến đều đều từ hình thức đến nội dung: Nam Phong phong phú hơn Đông Dương tạp chí; Tri Tân có tính cách chuyên ôn cố; Phong Hóa, Ngày Nay trái lại có bộ mặt và xu hướng mới, muốn thực hiện một cuộc cải cách tiểu tư sản, đả phá hủ tục, đại gia đình mà giải phóng cá nhân, đề cao tự do; Thanh Nghị (và Thanh niên ở Nam) nghiêm trang hơn, phổ biến những tư tưởng dân chủ, kinh tế, giáo dục... Lại có riêng một tạp chí cho phụ nữ, khá có giá trị, tờ Phụ nữ Tân văn. Nhờ Hoàng Tích Chu (Hà Thành ngọ báo 1927) văn viết báo gọn hơn, mạnh hơn, có giọng chiến đấu hơn, không còn những bài xã luận lôi thôi, nhạt nhẽo nữa. Nhưng nổi tiếng nhất và ảnh hướng lớn nhất thì phải kể Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, có công về dịch thuật, biên khảo; lớp sau có Phong Hóa: Khái Hưng, Nhất Linh... sẽ xét ở dưới.
 
TIỂU THUYẾT TỪ 1925 ĐẾN NAY
 
Tiểu thuyết phát triển rất mạnh, mở đầu bằng phong trào lãng mạn, phát dương chủ nghĩa cá nhân.
 
Khi Tuyết hồng lệ sử của Từ Trẩm Á được dịch ra Việt ngữ, thanh niên nam nữ đua nhau đọc và có một số thiếu nữ vì tình duyên, đâm đầu xuống hồ Trúc Bạch (Hà Nội), làm xôn xao dư luận gần như thời Goethe xuất bản cuốn Werther. Truyện bi thảm hơn Werther nhiều, đầy nước mắt, chắc đã gây hại lớn cho thanh niên Trung Hoa nên về sau Từ Trẩm Á ân hận, tự trách mình:
 
-----”Nhi nữ hà quan thiên hạ sự,
-----Bất như thu lệ khấp thương sinh”.
 
----- (Tình của) Nhi nữ quan hệ gì tới việc thiên hạ?
-----Sao bằng gom lệ lại để khóc nhân dân.
 
Có thể Tương Phố và Đông Hồ cũng bị lôi cuốn trong đó mà viết những bài Giọt lệ thu, Linh Phượng kí.
 
Năm 1925 xuất hiện hai tiểu thuyết có giá trị: Tố TâmQuả dưa đỏ. Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách cũng là một truyện tình bi thảm, cũng nhiều câu sáo, thảnh thót, du dương, dễ câm, đáng được lưu lại vì đánh dấu một thời đại, ghi được phong tục, cách ăn mặc, ngôn ngữ, tình cảm của thanh niên nam nữ khi mới chịu ảnh hưởng của phương Tây. Quả dưa đỏ của nhà nho Nguyễn Trọng Thuật dựa vào một truyện trong Lĩnh Nam trích quái, có phong vị cổ, có ý răn đời, bố cục chặt chẽ, mà lạ thay cũng có vài đoạn tư tưởng rất lãng mạn.
 
Trong khi đó thì ở Nam, Hồ Biểu Chánh viết toàn những tiểu thuyết tả chân giới tư sản và nông dân, và có tính cách luân lí.
 
Bẵng đi bảy năm, tới khi tờ Phong Hoá ra đời (1932), tiểu thuyết lãng mạn tái hiện, lần này có hình thức mới hơn, nội dung cũng mới hơn, đầm đìa giọt lệ như Tố Tâm mà mơ mộng, đôi khi nên thơ. Tôi nhớ những năm đó các bạn nội trú của tôi ở trường Công chánh chuyền tay nhau đọc say mê những truyện Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên… trong tờ Phong Hoá. Văn của Khái Hưng, Nhất Linh mới mẻ, tự nhiên, nhẹ nhàng, tươi sáng hơn văn của Hoàng Ngọc Phách; cảm xúc, tư tưởng của họ cũng hợp với chúng tôi; họ tả cảnh, tả tình gọn mà khéo khiến độc giả - đa số thanh niên có tân học – mê những thiếu nữ thuỳ mị trong truyện, những cảnh nên thơ ở đồng quê, nhất là ở miền trung du như Vĩnh Yên, Phú Thọ và ghét những thói đài các rởm của giới quan quyền cũ, thói ỷ lại vào cha mẹ, tranh nhau hương hoả của tổ tiên, thói hiếp đáp nàng dâu, thói ham “đào mỏ” mà ép duyên trẻ… Họ nhắm một mục đích rõ rệt là đề cao tự do cá nhân, nhất là trong hôn nhân, đả phá chế độ đại gia đình; đó là một xu hướng của xã hội từ nông nghiệp chuyển qua kĩ nghệ, là tâm lí của thanh niên đã rời bỏ nông thôn mà ra thành thị học hành sinh sống. Lần lần tiểu thuyết của Nhất Linh có tính cách luận đề, ngày nay ít ai đọc, nhưng xét chung, nhóm Tự lực văn đoàn đã có công lưu lại cho ta những nét rất đúng, sâu sắc mà linh động về xã hội phong kiến và trưởng giả ở thời đó. Những truyện Gia đình, Thừa tự… là những tiểu thuyết phong tục rất có giá trị.
 
Họ còn gây được phong trào vui vẻ, trẻ trung: đổi mới y phục cho đẹp hơn, gọn hơn, tươi hơn (áo dài Lemur); yêu nghệ thuật, ca nhạc, nhảy đầm, thích các cuộc hội họp nam nữ, thanh niên hóa ra thành thực hơn, bạo dạn, hoạt bát, mạo hiểm, quan tâm tới những công tác xã hội, không tự giam trong phạm vi gia đình nữa. Phong trào đó cũng hợp với sự tiến hóa của xã hội, dĩ nhiên không tránh được cái hại thiếu kỉ luật, phóng túng. Cái gì quá mà chẳng hại, và huy chương nào chẳng có mặt trái? Năm 1952 hay 1953, một nhà văn khá có tên tuổi ở Sài Gòn viết báo mạt sát nhóm Tự Lực, tôi viết thư hỏi họ: ở vào giai đoạn 1930-1940, không qua giai đoạn cải cách tiểu tư sản đó thì làm sao bây giờ các ông hô hào tiến tới giai đoạn xã hội chủ nghĩa được. Họ ta không đáp.
 
Vào khoảng 1937, xuất hiện những tiểu thuyết có giá trị về nông dân của Trần Tiêu, Nam Cao, Bùi Hiển, Ngô Tất Tố... mà trong chương VII tôi đã nói qua. Những tiểu thuyết đó xuất hiện sau những tiểu thuyết về giới phong kiến, tiểu tư sản của nhóm Tự Lực là điều dễ hiểu: muốn viết về nông dân thì phải sống ở nông thôn; mà từ thượng cổ tới nay, thành thị vẫn dẫn đầu, dắt đường cho nông thôn; các tiểu thuyết gia tiểu tư sản ở thành thị viết về thành thị để mở đường rồi, những thanh niên có tài ở nông thôn như Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển mới noi theo mà tả phong tục nông thôn, tâm lí nông dân.
 
Cũng vào khoảng cuối những năm 1930, nổi lên phong trào phản kháng, tranh đấu của nhóm Hàn Thuyên (Trương Tửu. Nguyễn Đức Quỳnh) và vài nhà như Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Tam Lang, Nguyên Hồng. Họ bênh vực giới vô sản: Cơm thầy cơm cô, Tôi kéo xe, Lầm than, Bỉ vỏ… Những tác phẩm này viết không đều, nhiều cuốn hời hợt, vì tác giả - trừ Nguyên Hồng - không sống với giới vô sản, không hiểu sâu họ được.
 
Như vậy là đủ các giới trong xã hội đã xuất hiện trên tiểu thuyết trong khoảng 15 năm (1925-39). Tất cả những tiểu thuyết đó dù mang nhãn hiệu khác nhau: tâm lí, phong tục, trào phúng, tranh đấu, luận đề, lãng mạn, tả chân... đều ghi lại cho ta một cách trung thực nhiều hay ít, bề phải và bề trái của xã hội Việt Nam trong buổi giao thời từ chế độ nông nghiệp tiến lên chế độ tư bản; và đều đáng lưu lại cho hậu thế vì không có những tiểu thuyết đó thì con cháu chúng ta nhìn lui lại về đầu thế kỉ này sẽ như nhìn vào bóng tối, không biết cha ông họ sống ra sao, cảm xúc ra sao, suy nghĩ ra sao, hành động ra sao, chiến đấu ra sao, có công với hậu thế ra sao, đã truyền lại được gì?
 
THƠ MỚI
 
Đời sống và tập quán đã thay đổi: người ta học chữ Tây, ở nhà Tây, mặc áo Tây, dùng vải Tây, kim Tây, ô Tây (thay cái nón quai thao), khăn tua đen (thay khăn mỏ quạ), đi xe sắt (xe kéo bánh sắt), xe lửa, rồi bỏ kiểu áo tứ thân mà theo mốt Lemur, xem hát bóng, nhảy đầm, không ngâm Kiều, hát lí giao duyên nữa mà hát điệu Tây: “J'ai deux amours, mon pays et Paris”..., nếp suy tư, cảm xúc cũng thay đổi theo mà cách phô diễn cũng khác. Lưu Trọng Lư bảo: “... các cụ ta ưa nhìn màu đỏ choét; ta lại ưa màu xanh nhạt. Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta nao nao vì tiếng gà gáy đúng ngọ. Nhìn các cô gái xinh xắn, ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi; ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ chỉ là hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình xa xôi... cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu...”
 
Lời nói “liều lĩnh” đó chỉ đúng một phần: cảm xúc của các cụ không khác chúng ta bao nhiêu, cũng nao nao vì tiếng gà gáy đúng ngọ, cũng thích nhìn các cô gái xinh xắn, ngây thơ, mà tình của các cụ cũng nhiều thứ lắm: tình duyên, tình hiệp, tình tự, tình câm, tình hóa, tình trinh, tình hào, tình linh, tình lụy, tình si, tình oán, tình ảo, tình nghi.... cứ coi tình sử của Trung hoa thì biết; mà phương Tây có bộ nào như bộ Liêu trai của phương Đông chưa? Khác nhất là ở điểm cảm xúc của các cụ tuy thâm mà trầm; các cụ quí sự trung hòa, nén lòng xuống, không cho nó bồng bột quá, và khi diễn thành thơ văn, các cụ dùng nghệ thuật ý tại ngôn ngoại, kín đáo mà hàm súc; lời phải tô chuốt, cô đọng, không trơn tuột như lời nói thường được.
 
Thanh niên giữa hai thế chiến chịu ảnh hưởng phương Tây, không ưa lối diễn tả đó, không chịu bó buộc, muốn phá tung luật thơ cổ, khuôn khổ thơ cổ, bắt chước lối phô diễn của phương Tây, cho rằng chỉ có lối đó mới tả được hết nỗi lòng của họ, phát triển được hết suy tư, ước vọng của họ. Do đó mà có phong trào thơ mới mà Hoài Thanh đã phân tích trong cuốn Thi nhân Việt Nam (1941). Phong trào đó là biến cố lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam từ trên một thế kỉ nay. Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Kí chỉ đánh dấu sự thay đổi chữ viết (bỏ chữ Nôm mà dùng chữ Quốc ngữ); thơ mới đánh dấu sự thay đổi lối phô diển, tức cả cảm quan và mĩ quan nữa.
 
Muốn thấy sự biến chuyển sâu xa đó trong tâm hồn thanh niên, tôi cho không gì bằng so sánh ba bài thơ cùng vịnh thu dưới đây:
 
-------------------THU
 
-----Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ,
-----Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa.
-----Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm,
-----Rừng phong lá rụng tiếng như mưa.
 
-----------------THU ĐIẾU
 
-----Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
-----Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
-----Sóng biếc theo làn hơi gợn tí.
-----Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
-----Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt
-----Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
-----Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
-----Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
 
-------------ĐÂY MÙA THU TỚI
 
-----Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
-----Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.
-----Đây mùa thu tới - mùa thu tới
-----Với áo mơ phai dệt lá vàng.
 
-----Hơn một loài hoa đã rụng cành
-----Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh.
-----Những luồng run rẩy rung rinh lá...
-----Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
 
-----Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ...
-----Non xa khởi sự nhạt sương mờ...
-----Đã nghe rét mướt luồn trong gió...
-----Đã vắng người sang những chuyến đò...
 
-----Mây vẩn từng không chim bay đi,
-----Khí trời u uất hận chia li.
-----Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói,
-----Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?
 
Bài đầu của bà Ngô Chi Lan, một nữ sĩ nổi tiếng giỏi thi ca, từ khúc, được Lê Thánh Tôn triệu vào cung dạy cung nhân, chỉ có 4 câu, 28 chữ mà tả đủ cả trời, nước, gió, chim (nhạn), hoa (sen), lá (phong), cả tiếng lá rụng nữa. Nhưng những nét đó toàn là những nét “ước định” (conventionnel) của Trung Hoa thời xưa, có nét không hợp với thu Việt Nam như “rừng phong lá rụng”, vì nước mình không có cây phong, cho nên chỉ có thể bảo thu đó là thu của Trung Hoa, không phải của Việt Nam. Hơn nữa, không thấy ý nghĩ, cảm xúc của tác giả vì ba chữ “cảnh tiêu sơ” cũng chỉ là một nét ước định thôi; thu thì cảnh bao giờ cũng tiêu sơ, ai tả thu bao giờ cũng ghi nét đó; nếu bảo đó là cảm xúc thì chỉ là cảm xúc chung của mọi người, không phải riêng của tác giả. Đã vậy, tác giả dùng những tiếng rất sáo như: gió vàng, giếng ngọc. Tóm lại tác giả lẩn tránh, không để mình hiện trong thơ. Không có cá nhân tác giả.
 
Bài giữa của Nguyễn Khuyến dùng 8 câu, tả nhiều chi tiết hơn mà chi tiết nào cũng có tính cách Việt Nam, nhất là hai câu 5-6: rõ ràng là thu ở nông thôn Bắc, không thể ở rừng núi, ở thành thị, cũng không thể ở nông thôn Nam được: vì mùa thu trong Nam là mùa mưa, mùa nước lụt, trời thường u ám mà nước luôn luôn đục. Tôi còn ngờ rằng cảnh cá đớp động dưới chân bèo ở Trung Hoa cũng không có.
 
Tác giả dùng toàn những tiếng Việt mà dùng rất đắc thế: nước trong veo, bé tẻo teo, hơi gợn , sẽ đưa vèo, vắng teo. Ta lại thấy tác giả ngồi tựa gối buông (có sách chép là ôm) cần trong chiếc thuyền bé tẻo teo nữa. Thấy cả tính tình tác giả: kín đáo, ung dung, nhàn tản, đi câu mà không cốt được cá, chỉ cốt ngắm cảnh, (một cảnh thật đẹp, không tiêu sơ, vì ở quê ông, miền hạ du Bắc Việt, thu không tiêu sơ như ở Trung Hoa); có thể ông đương mong khách tới chơi nữa (ngõ trúc quanh co khách vắng teo).
 
Không có một chữ nào sáo hay cầu kì, toàn là tiếng Nôm cả. Tôi cho bài đó là bài vịnh thu hay nhất của mình thời trước.
 
Bài cuối của Xuân Diệu, không phải là bài tả thu hay nhất trong thơ mới. Tôi sở dĩ lựa, vì Xuân Diệu rất thiết tha, rạo rực, say đắm, đại biểu cho thanh niên thời đại của ông: không nhà thơ nào chịu ảnh hưởng đậm của thơ Pháp như ông.
 
Trong mắt các nhà thơ cũ thì bài Đây mùa thu tới rườm quá, nhiều chữ trùng điệp (điều đó kị trong thơ) như câu đầu đã “đứng chịu tang” thì tất buồn rồi, chữ “buồn” trong câu nhì hóa dư; câu ba tại sao lặp lại “mùa thu tới”? Rồi đã “nhành khô gầy”, lại “xương mong manh”. Ngoài ra có những chỗ Tây quá, các cụ cho là ngây ngô như “hơn một loài hoa”, “sắc đỏ rủa màu xanh”... Nhưng chính những chỗ đó, thanh niên thời 1935-1940 lại rất thích vì mới mẻ. Ba tiếng “chim bay đi”, các cụ chê là lời đàn bà, con nít, mà lại không ngâm được, tác giả không thuộc luật bằng trắc; nhưng phái mới lại khen ba âm bình bổng đó đi liền nhau gợi hình ảnh một đàn chim bay thành hàng trên trời mà Xuân Diệu không phải là không thuộc luật, ông đã dụng ý phá luật, chứng cứ là toàn bài, trừ ba chữ đó ra, còn đều giữ đúng luật cả.
 
Ta phải nhận rằng Xuân Diệu có những ý mới, hình ảnh lạ, những nhận xét đúng, như “Đã nghe rét mướt luồn trong gió, đã vắng người sang những chuyến đò”; và bốn câu sau thật buồn, riêng hai câu cuối vừa đẹp, vừa diễn tả một nỗi bâng khuâng, buồn vơ vẩn, không hề thấy trong thơ cũ.
 
Sau một thời gian bút chiến giữa hai phái thơ cũ và thơ mới, thơ mới thắng; phái mới hồn thơ dào dạt, đa số có tài, mỗi nhà một vẻ như Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Thâm Tâm, Bàng Bá Lân... làm cho thơ Việt rất thịnh một thời, như trăm hoa đua nở, chỉ trong mươi năm đuổi kịp được một trăm năm thơ Pháp, từ Lãng mạn đến Thi sơn (Parnasse), Tượng trưng. Nhưng khi Xuân Xanh bắt trước Mallarmé thì độc giả không theo nổi, chê là thơ “hủ nút”. Người ta lại càng chán hạng bất tài “vô bệnh thân ngâm”, chuyên làm thơ ủy mị “anh anh, em em”.
 

°

 
Kịch của phương Tây cũng được một số văn thi sĩ thí nghiệm, thành công ít nhiều như Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ, Vũ Hoàng Chương... nhưng ngành này không thịnh, chỉ có chút ảnh hưởng ở vài thành phố ngoài Bắc.
 
BIÊN KHẢO TRƯỚC NĂM 1945
 
Về ngành biên khảo dịch thuật, phái tân học cũng góp công được nhiều. Thời Nam Phong, phái cựu học nhận nhiệm vụ “bàn giao” cổ học lại cho phái tân học, dịch được Mạnh tử, Luận ngữ, ít thiên Liệt tử, Mặc tử, ít thơ văn Trung Hoa: cổ văn, Tình sử; giới thiệu Chiến Quốc sách, Tư Mã Quang; dịch vài bộ sách cổ của ta như Vũ trung tuỳ bút, Lĩnh Nam dật sử… Chỉ có Phan Kế Bính là soạn được một tập biên khảo: Việt Hán văn khảo nhưng sơ sài quá. Nên kể thêm các truyện Tàu như Đông Châu liệt quốc, Tam Quốc chí, Thuỷ hử
 
Thật là một điều đáng ngạc nhiên: chính một nhà tân học, Trần Trọng Kim, lại âm thầm tiếp tục làm công việc bàn giao mà các nhà cựu học bỏ dở: bộ Nho giáo của ông (cuốn đầu xuất bản năm 1930) rất đầy đủ, chép lịch sử đạo Nho từ đời thượng cổ đến nhà Thanh (thêm một chương về Nho giáo ở Việt nam), được các nhà cựu học khen là rất quí, sáng sủa, tinh tế, ngay Phan Khôi cũng phải nhận là các nhà Nho không sao viết nổi.
 
Bộ sử Việt Nam đầu tiên bằng tiếng Việt cũng của Trần Trọng Kim; bộ văn phạm Việt Nam đầu tiên bằng tiếng Việt cũng do ông soạn. Người dịch nhiều thơ Đường nhất cũng lại là ông trong khi ông lánh mặt ở Singapore. Ông là học giả đáng làm gương cho lớp sau, là nhà biên khảo có công nhất, có uy tín nhất trong nửa đầu thế kỉ. Cùng với ông, có thể kể thêm Bùi Kỉ, người soạn cuốn Quốc văn cụ thể và hiệu đính, chú thích một số truyện bằng thơ Nôm của ta: Kiều, Trê cóc...
 
Khi thế chiến thứ nhì nổ ở châu Âu, văn học của ta chuyển hướng.
 
Không ai bảo ai, người đọc đều chán loại báo vui vẻ, trẻ trung, loại tiểu thuyết tình ái lãng mạn; mà người viết cũng chán không muốn viết các loại đó nữa.
 
Các báo có tính cách khảo cứu, phổ thông kiến thức, giáo dục như: Thanh Nghị, Tri Tân, Khoa Học, dù khô khan cũng bán khá chạy; và những nhà xuất bản Hàn Thuyên, Mai Lĩnh, Tân Việt cho ra những cuốn phổ thông kiến thức về sử (lịch sử thế giới), triết Tây (Bergson của Nguyễn Chí Thiệp), triết Đông (Lão tử, Mặc tử của Ngô Tất Tố), về thực nghiệp (của Lê văn Siêu).
 
Ai cũng hóa ra đăm chiêu, tự hỏi tương lai thế giới sẽ ra sao, nước nhà sẽ ra sao, và mỗi người phải làm gì, chuẩn bị ra sao...
 
Vậy là phong trào báo chỉ mới, tiểu thuyết và thơ mới thực sự chỉ phát triển mạnh trong khoảng tám chín năm, từ 1932 đến 1939 (không kể truyện Tố Tâm xuất hiện lẻ loi năm 1925) rồi ngưng lại, lùi bước; nhưng nó đã ồ ạt xâm chiếm tâm hồn thanh niên ở thành thị, thay đổi một xã hội, hào quang của nó rực rỡ, ảnh hướng của nó sâu, nó đánh dấu một giai đoạn chuyển mình của dân tộc.
 
PHONG HÓA
 
Trong hai tiết Tiểu thuyết từ 1925... và Thơ mới, tôi đã kể nhiều sự thay đổi trong nếp sống từ khi ta tiếp xúc với văn minh phương Tây. Sự thay đổi đó bắt đầu từ thập niên 20 (1920-1929), nhưng qua thập niên sau, từ khi có phong trào vui vẻ trẻ trung của nhóm Tự Lực, nó mới tiến nhanh, mà cũng chỉ thấy rõ ở các thành thị thôi, còn ở thôn quê thì người dân vẫn giữ cổ tục.
 
Thay đổi nhiều nhất là giới thanh niên nam nữ. Họ thích chủ nghĩa cá nhân, muốn thoát li gia đình, tự do sống theo ý mình, tự do kết hôn v.v... Nhưng vì tổ chức xã hội, tình hình kinh tế nước mình, họ vẫn phải sống nhờ gia đình, nên họ chỉ muốn tới mức nào đó thôi. Còn bậc cha mẹ hoặc vì thương con, hoặc vì tự xét không chống lại được trào lưu, nên cởi mở lần cho con, sau cùng cũng tự thay đổi một chút cho khỏi lạc hậu. Xã hội đó không bị xáo trộn lắm.
 
Trước kia, trong những gia đình nề nếp, con gái chỉ được học vài năm, biết đọc biết viết thì thôi, rồi lo việc bếp nước, may vá, săn sóc các em, chăm nom việc nhà; họ ít khi được ra ngoài một mình; y phục thì dài, rộng, che hết các đường cong của thân thể, màu sắc không lòe loẹt, quần chỉ dùng màu đen, răng nhuộm đen, tóc vấn khăn, để đuôi gà. Việc hôn nhân thì cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy.
 
Từ thập niên 30, đã nhiều gia đình cho con gái học nghề cô giáo, cô mụ, kĩ sư, dược sĩ, bác sĩ...; họ hội họp thường với bạn trai, đi xe đạp, rồi lái xe hơi, tập thể thao, chơi quần vợt, bơi ở hồ tắm, học đàn, ca, “nhảy đầm”. Y phục thì bó sát người, áo màu, quần trắng, răng trắng, tóc vấn tròn, sau cắt ngắn; họ đi coi hát bóng, cải lương, kịch, đá banh, đi một mình hay với bạn gái hoặc trai. Về hôn nhân, họ được phép tự quyết định, cha mẹ chỉ góp ý thôi.
 
Báo chí thỉnh thoảng cũng đăng tin một cặp nam nữ thất vọng về tình duyên, cùng nhau tự tử, tin con gái bỏ nhà theo trai, tin vợ xin li dị chồng, hoặc giết chồng... những chuyện đó thời xưa cũng có, và thời nào cũng ít, không đủ để kết tội một xã hội là “cương thường đã đảo ngược”. Xét chung, bọn chúng tôi thời đó ít người lố lăng, đa số đứng đắn, lễ độ, biết trọng cha mẹ, thầy học; một số có tư cách, lí tưởng nữa, và chế độ gia đình vẫn vững, xã hội vẫn ổn định. Phái nữ cũng đáng khen, lanh lẹn, tháo vát và tiến bộ hơn xưa: khi lập gia đình rồi thì biết hi sinh cho chồng con, nhất là trong cơn hoạn nạn.
 
Tóm lại, một số tục cổ đã bỏ, nhưng tinh thần đạo đức phương Đông còn giữ được; ảnh hưởng của Nho giáo vẫn ngấm ngầm tác động, để đến khi xã hội biến chuyển hoặc quốc gia lâm nguy thì nó dậy lên để cứu vớt dân tộc.

[1] Tết năm Bính Dần nhằm ngày 13-2-1926. (Goldfish)
[2] Trong một chương trên tôi đã nói năm 1930, chỉ một lớp ở trường Bưởi đã có hai bạn tôi là đảng viên.
[3] Trong bài “Sự ra đời của Đại học Đông Dương qua tài liệu lưu trữ”, Đ.T.D cho rằng trường Đại học Đông Dương được thành lập ngày 16/5/1906, tổ chức lễ khai giảng đầu tiên cuối tháng 11/1907; nhưng sau năm học đầu tiên kết thúc, trường đột ngột đóng cửa… (http://news.vnu.edu.vn:8080/BTDHQGHN/Vietnamese/
C1787/2006/03/N7403/). (Goldfish).   
 
[4] Có người bảo từ thời Sĩ Nhiếp (187-226).