Hầu hết chúng ta tìm hiểu hoạt động của Luật Pháp Hoa Kì qua các chương trình phim truyện. Chúng ta biết rằng nếu mình vô tội, thì khi chương trình kết thúc, sẽ được gặp và nói chuyện hỉ hả với các cô gái xinh đẹp (hoặc các chàng điển trai nếu đương sự là nữ). Trái lại, nếu có tội thì sẽ bị rơi từ một tầng cao vòi vọi xuống luồng quay của cánh quạt trực thăng. Một số phim đề cập đến ngành Luật chi tiết hơn. Họ trình chiếu những phiên toà hết sức gay cấn. Ðiển hình là phim "Perry Mason" với luật sư bào chữa Raymond Burr đẹp trai, nhưng mập quá, phải đi lại bằng xe lăn. Chuyện xảy ra ở một thành phố lớn toàn những kẻ ngốc. Chẳng hạn công tố viên Hamilton Burger dốt nát đến mức lần nào cũng bắt nhầm người vô tội. Xin nhấn mạnh, lần nào cũng nhầm. Tôi có cảm nghĩ rằng một kẻ bị tình nghi, nếu bị Hamilton đưa trát đến bắt; có lẽ nên thở phào nhẹ nhõm lúc chia tay người thân, vì chắc chắn sẽ được tha bổng khi vụ án kết thúc. Có thể quí vị nghĩ rằng một công tố viên quan liêu, kém cỏi đến như vậy, sau một thời gian làm việc sẽ tự nhận ra khuyết điểm và xin từ chức để chuyển sang một công việc thích hợp hơn, ví dụ sắp xếp quần áo trong quầy giặt chẳng hạn. Nhưng không, hắn vẫn ngồi đấy, tuần này qua tuần khác, năm này qua năm khác, để bắt nhầm hết người này đến người khác. Song không hề gì, mọi việc luôn kết thúc tốt đẹp, vì tội phạm còn ngốc hơn cả Hamilton. Chúng lần nào cũng mò đến phiên toà, và sau 20 phút trật tự ngồi nghe, chúng tự bỏ chạy và lộ tẩy. Chính vì vậy mà Raymond trở thành một luật sư bào chữa tài ba danh tiếng. Chứ thực ra bất kì ai với trí thông minh bằng một que kem cũng là một nhà thông thái trong Perry Mason. Trục trặc lớn nhất của "Perry Mason" là phi thực tế. Raymond và Hamilton luôn nói bằng một thứ tiếng Anh trong sáng, và ai cũng hiểu được những gì đang diễn ra trong phiên toà. Thực tế đâu có vậy, luật sư thường xuyên dùng tiếng Latin, và tất nhiên trong toà chẳng ai hiểu được một tí gì cả. Nếu quí vị muốn biết tại sao, hãy cùng tôi xem lại lịch sử Ngành Luật Hoa Kì. Khởi thuỷ, hệ thống luật pháp rất thô sơ. Nếu ai đó vi phạm, lập tức sẽ bị một đội ngũ súng ống đầy mình truy sát, sau đó bị dần cho một trận và treo ngược lên xà nhà. Vì vậy, ai cũng tuân thủ pháp luật nghiêm túc. Ðiều đó cũng dễ thôi, vì luật pháp rất đơn giản và ai cũng hiểu. Chỉ có hai luật: 1. Cấm hành hung.2. Cấm trộm cắp. Phiên toà cũng rất đơn giản: Cảnh sát trưởng: Kính thưa quí quan toà, bị cáo đã nhận tội bắn chết vợ. Quan toà: Thế hả? Vậy hắn nhận tội ngay, hay cậu phải cưỡi ngựa giẫm lên bụng hắn như vụ trước? Cảnh sát trưởng: Thưa ngài, hắn nhận tội ngay. Quan toà: Tốt. Treo cổ hắn lên. Phiền một nỗi, luật sư chẳng có vai vế gì trong những phiên toà như vậy cả. Nếu có luật sư nào đó ló đầu và thở ra một thuật ngữ nào đấy như "quyền tạm giam" thì lập tức bị bắn bỏ ngay. Thế là những luật sư đã họp lại và thành lập cơ quan lập pháp. Tổ chức này lâu lâu lại chế ra một luật mới. Sau một thời gian dài cho đến nay, chúng ta đã có hàng đống các luật khác nhau: luật tưới tiêu thuỷ nông, luật thiến chó, luật chống gian lận, vân vân và vân vân. Kết quả là chẳng ai biết được làm gì là phạm pháp hay không nữa. Vì vậy, ngày nay luật sư rất sáng giá. Họ cũng chẳng biết rõ pháp luật hơn quí vị đâu, nhưng họ biết cách diễn thuyết một cách khó hiểu và trịnh trọng trong phiên toà, rỗi lãnh những khoản tiền thù lao kếch xù từ khách hàng. Vụ giết người trên, nếu được xử hôm nay sẽ như thế này: Cảnh sát trưởng: Kính thưa quí quan toà,... Luật sư bào chữa: Tôi phản đối. Trong toà, khi sử dụng thuật ngữ "quí quan", nhân chứng đã cố tình đặt điều về writ of deus ex machina. Công tố viên: Trái lại. Trong vụ xử giữa Merkle và Barnbuster, toà án đã quy định rõ rằng một ex post facto debenture không phủ định cách dùng thuật ngữ "quí quan" như là một ad hoc quod erat demonstrandrum. Luật sư bào chữa: Thật vậy sao? Nhưng carthaginia delendo est. Phiên toà cứ dai dẳng hàng giờ như vậy. Rồi chẳng còn ai nhớ nổi người ta tranh cãi về điều gì nữa. Biết đâu bị cáo đã lẻn mất lúc nào không hay.