Có thể quí vị chưa nhận ra, nhưng hiện nay chúng ta từng ngày từng giờ đang được thừa hưởng những lợi ích lớn lao do khoa học đem lại. Ví dụ, khi bật đài quí vị có thể yên tâm là sẽ được nghe âm nhạc phát ra từ đó; nhưng đã bao giờ quí vị tự ngẫm nghĩ rằng liệu điều kì diệu ấy có xảy ra được không nếu thiếu vắng đóng góp của các nhà khoa học?
Ðúng thế: bên trong đài chắc chắn phải có các nhà khoa học tí hon đang chơi nhạc!
Vâng, khoa học đóng vai trò sống còn trong cuộc sống của chúng ta: nhưng khi động đến vấn đề hành trang khoa học thì rất cỏ thể quí vị còn hiểu biết quá ít. Tôi viết như vậy dựa trên một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Khoa học Quốc gia, cho biết hầu hết dân Mĩ không nắm được những định luật cơ bản của khoa học.
Ðể minh chứng kết luận trên với chính bản thân mình, quí vị hãy thử sức với ba câu hỏi sau đây, trích từ các câu hỏi của Tổ chức Khoa học Quốc gia:
1. Ðúng hay sai: con người đầu tiên đã từng sống cùng thời với khủng long?
2. Cái gì chuyển động nhanh hơn: ánh sáng hay âm thanh?
3. Hãy cho biết ADN là gì?

°°°

Quí vị đã xong chưa? Nào, chúng ta thử xem đáp án.
1. SAI. Thực tế là tất cả các con khủng long đã bị diệt chủng khoảng hơn một tuần trước khi xuất hiện con người đầu tiên, có lẽ dưới dạng như Bob Dole. Ấy thế mà hầu hết dân Mĩ lại lầm tưởng rằng loài người và khủng long đã từng chung sống. Hiểu biết sai lầm này bắt nguồn từ những thông tin đại chúng hết sức lệch lạc, điển hình là một sêri phim hoạt hình hàng ngày "Gia đình Flintstones", trong đó có một gia đình hoang dã Flintstones nuôi một chú khủng long tên là Dino.
Nhưng trái lại, theo các nhà khảo cổ học, những người đã nghiên cứu rất kĩ các hoá thạch với độ chính xác rất cao bằng một phương pháp gọi là "bán rã đồng vị carbon", thì Dino thực ra chỉ là một nhân vật do diễn viên đóng giả thôi. "Tôi cho rằng đó là Barney", một nhà khảo cổ học gần đây vừa tuyên bố.
2. Ðể trả lời câu hỏi này, chúng ta cần quan sát một cơn bão ập đến và khi một tia sét đánh xuống. Ðầu tiên quí vị sẽ nhìn thấy tia chớp; rồi sau đó nghe thấy tiếng sấm; tiếp đó là tiếng người thét lên, nếu tia sét đánh trúng ai đó; cuối cùng là các tiếng kêu, tiếng la hét của những người đứng gần đó và chứng kiến cảnh này. Từ hiện tượng này chúng ta rút ra kết luận là ánh sáng đi nhanh hơn âm thanh, bởi vì ánh sáng xuất phát từ trên trời và lập tức bị lực hấp dẫn hút xuống, còn âm thanh thì chuyển động lan toả và bị chuyển động tự quay của quả đất kéo đi.
3. ADN là viết tắt của một thuật ngữ di truyền học "deoxy ribonucleic antidisestablisment arianis - m", một chuỗi kí tự rất phức tạp được tìm thấy bên trong cơ thể con người dưới dạng những gen rất nhỏ được gọi là "chromosomes". Thông tin chứa trong chuỗi ADN quyết định các đặc tính sinh học của mỗi chúng ta như giới tính, màu mắt, tuổi tác, và số chứng minh thư. Các nhà di truyền học cũng có một khám phá kì diệu là các gen này rất giống với các gen của những loài động vật khác.
Phát minh trên đã đưa đến một hướng nghiên cứu mới phục vụ nhân loại bằng cách thay đổi gen, điển hình là các thí nghiệm với ruồi giấm để tách ra được gen gây bệnh hói đầu. Các nhà sinh vật học sở dĩ chọn ruồi giấm để nghiên cứu vì họ nhận thấy hầu hết ruồi giấm đều không có tóc. Chương trình này đã kéo dài chín năm và tiêu tốn 31 triệu đô la, nhưng kết quả thì thật hoàn mĩ: khi đối chiếu một nhóm các ruồi giấm đã đổi gen với các ruồi giấm không đổi gen, người ta đều thấy đó là các chấm đen, bởi vì cách duy nhất mà nhà sinh vật học bắt ruồi giấm đứng im để quan sát dưới kính hiển vi là đập bẹt chúng một cái bằng cuốn tạp chí Khoa Học Hoa Kì Hôm Nay.

°°°

Nếu câu trả lời của quí vị không đạt theo đáp án thì cũng xin đừng quá lo lắng. Quí vị không đơn độc, vì theo kết quả của Tổ chức Khoa học Quốc gia, có 25%, tức là cứ 6 người thì mới có một người, trả lời đúng những câu hỏi trên.
Và nếu quí vị cho rằng đó là một nhận xét đáng buồn, thì có lẽ quí vị nên xem những bức thư độc giả sẽ gửi cho tôi, trong đó có bài viết này gửi kèm với đoạn "25%" và "6 người thì có một" được khoanh tròn trong mực đỏ với hàng đống nhận xét rằng con số ấy không đúng.


LUẬT SƯ Ở ĐÂU RA

Hầu hết chúng ta tìm hiểu hoạt động của Luật Pháp Hoa Kì qua các chương trình phim truyện. Chúng ta biết rằng nếu mình vô tội, thì khi chương trình kết thúc, sẽ được gặp và nói chuyện hỉ hả với các cô gái xinh đẹp (hoặc các chàng điển trai nếu đương sự là nữ). Trái lại, nếu có tội thì sẽ bị rơi từ một tầng cao vòi vọi xuống luồng quay của cánh quạt trực thăng.
Một số phim đề cập đến ngành Luật chi tiết hơn. Họ trình chiếu những phiên toà hết sức gay cấn. Ðiển hình là phim "Perry Mason" với luật sư bào chữa Raymond Burr đẹp trai, nhưng mập quá, phải đi lại bằng xe lăn.
Chuyện xảy ra ở một thành phố lớn toàn những kẻ ngốc. Chẳng hạn công tố viên Hamilton Burger dốt nát đến mức lần nào cũng bắt nhầm người vô tội. Xin nhấn mạnh, lần nào cũng nhầm. Tôi có cảm nghĩ rằng một kẻ bị tình nghi, nếu bị Hamilton đưa trát đến bắt; có lẽ nên thở phào nhẹ nhõm lúc chia tay người thân, vì chắc chắn sẽ được tha bổng khi vụ án kết thúc. Có thể quí vị nghĩ rằng một công tố viên quan liêu, kém cỏi đến như vậy, sau một thời gian làm việc sẽ tự nhận ra khuyết điểm và xin từ chức để chuyển sang một công việc thích hợp hơn, ví dụ sắp xếp quần áo trong quầy giặt chẳng hạn. Nhưng không, hắn vẫn ngồi đấy, tuần này qua tuần khác, năm này qua năm khác, để bắt nhầm hết người này đến người khác.
Song không hề gì, mọi việc luôn kết thúc tốt đẹp, vì tội phạm còn ngốc hơn cả Hamilton. Chúng lần nào cũng mò đến phiên toà, và sau 20 phút trật tự ngồi nghe, chúng tự bỏ chạy và lộ tẩy. Chính vì vậy mà Raymond trở thành một luật sư bào chữa tài ba danh tiếng. Chứ thực ra bất kì ai với trí thông minh bằng một que kem cũng là một nhà thông thái trong Perry Mason.
Trục trặc lớn nhất của "Perry Mason" là phi thực tế. Raymond và Hamilton luôn nói bằng một thứ tiếng Anh trong sáng, và ai cũng hiểu được những gì đang diễn ra trong phiên toà. Thực tế đâu có vậy, luật sư thường xuyên dùng tiếng Latin, và tất nhiên trong toà chẳng ai hiểu được một tí gì cả. Nếu quí vị muốn biết tại sao, hãy cùng tôi xem lại lịch sử Ngành Luật Hoa Kì.
Khởi thuỷ, hệ thống luật pháp rất thô sơ. Nếu ai đó vi phạm, lập tức sẽ bị một đội ngũ súng ống đầy mình truy sát, sau đó bị dần cho một trận và treo ngược lên xà nhà. Vì vậy, ai cũng tuân thủ pháp luật nghiêm túc. Ðiều đó cũng dễ thôi, vì luật pháp rất đơn giản và ai cũng hiểu. Chỉ có hai luật:
1. Cấm hành hung.
2. Cấm trộm cắp.
Phiên toà cũng rất đơn giản:
Cảnh sát trưởng: Kính thưa quí quan toà, bị cáo đã nhận tội bắn chết vợ.
Quan toà: Thế hả? Vậy hắn nhận tội ngay, hay cậu phải cưỡi ngựa giẫm lên bụng hắn như vụ trước?
Cảnh sát trưởng: Thưa ngài, hắn nhận tội ngay.
Quan toà: Tốt. Treo cổ hắn lên.
Phiền một nỗi, luật sư chẳng có vai vế gì trong những phiên toà như vậy cả. Nếu có luật sư nào đó ló đầu và thở ra một thuật ngữ nào đấy như "quyền tạm giam" thì lập tức bị bắn bỏ ngay.
Thế là những luật sư đã họp lại và thành lập cơ quan lập pháp. Tổ chức này lâu lâu lại chế ra một luật mới. Sau một thời gian dài cho đến nay, chúng ta đã có hàng đống các luật khác nhau: luật tưới tiêu thuỷ nông, luật thiến chó, luật chống gian lận, vân vân và vân vân. Kết quả là chẳng ai biết được làm gì là phạm pháp hay không nữa.
Vì vậy, ngày nay luật sư rất sáng giá. Họ cũng chẳng biết rõ pháp luật hơn quí vị đâu, nhưng họ biết cách diễn thuyết một cách khó hiểu và trịnh trọng trong phiên toà, rỗi lãnh những khoản tiền thù lao kếch xù từ khách hàng. Vụ giết người trên, nếu được xử hôm nay sẽ như thế này:
Cảnh sát trưởng: Kính thưa quí quan toà,...
Luật sư bào chữa: Tôi phản đối. Trong toà, khi sử dụng thuật ngữ "quí quan", nhân chứng đã cố tình đặt điều về writ of deus ex machina.
Công tố viên: Trái lại. Trong vụ xử giữa Merkle và Barnbuster, toà án đã quy định rõ rằng một ex post facto debenture không phủ định cách dùng thuật ngữ "quí quan" như là một ad hoc quod erat demonstrandrum.
Luật sư bào chữa: Thật vậy sao? Nhưng carthaginia delendo est.
Phiên toà cứ dai dẳng hàng giờ như vậy. Rồi chẳng còn ai nhớ nổi người ta tranh cãi về điều gì nữa. Biết đâu bị cáo đã lẻn mất lúc nào không hay.