Một sử gia hiện đại nhận xét chuyến đi vượt qua Cánh Ðồng Cỏ Hoang gần Tây Tạng, từ khoảng giữa tháng 8 tới đầu tháng 9-1935, là một giai đoạn khó khăn nhất cho số phận gần 30 ngàn hồng quân. Giống như rặng Ðại Tuyết Sơn, khu vực gần Cánh Ðồng Cỏ Hoang do một giống người hung hãn chiếm cứ. Những người sinh sống gần Cánh Ðồng Cỏ Hoang thuộc giống người Mân, có một luật lệ rất nghiêm khắc: bất cứ người Mân nào trợ giúp người lạ đi vào khu vực người Mân thì sẽ bị trừng phạt bằng một cái chết luộc sống. Chính vì thế, Mao Trạch Ðông phải ra lệnh cho hồng quân ăn trộm hoặc ăn cướp thực phẩm của người Mân, trong lúc sửa soạn tiến vào Cánh Ðồng Cỏ Hoang. Nếu không làm thế thì hồng quân sẽ chết đói hoặc phải ăn cỏ và vỏ cây. Người Mân thì không chịu bán thực phẩm cho hồng quân.Tuy vậy thực phẩm không phải là mối lo chính của hồng quân khi đi ngang cánh đồng kỳ bí này. Sự nguy hiểm đến từ thời tiết và mặt đất của cánh đồng. Cánh Ðồng Cỏ Hoang là một bình nguyên mênh mông và lầy lội, trải rộng hàng trăm dậm, cao hơn mặt biển khoảng từ sáu ngàn tới chín ngàn bộ, nhưng không phải là một vùng núi. Trên cánh đồng không có lối đi rõ rệt. Khi người ta bước lên những bụi cỏ để đi thì bụi cỏ lún xuống, và một chất nước màu đen ứa lên, và khi bước chân đi thì bụi cỏ lại trồi lên như cũ, không để lại một dấu vết gì cả. Chất nước màu đen ứa lên đó có một mùi hôi giống như nước tiểu của ngựa, và làm người ta muốn ói mửa khi hít phải.Về mùa hạ, cỏ xanh mọc khắp nơi và cánh đồng này là nơi nuôi súc vật rất tốt cho người Tây Tạng. Nhưng về mùa đông, từng cơn gió lạnh cắt da thịt thổi về từ rặng núi Hy Mã Lạp Sơn, đem theo ngày đầu là những trận mưa bão, và ngày kế tiếp là mưa tuyết. Cỏ tại cánh đồng mọc cao tới vai người và rất dầy rậm. Một ưu điểm của những cỏ này là có thể cắt để làm những mái nhà trú ẩn mỗi khi có cơn mưa bão hoặc mưa tuyết.Khi tiến vào cánh đồng, hết ngày này sang ngày khác, hồng quân chỉ trông thấy cỏ hoang ngút ngàn tới vô tận, không có bờ bến gì cả. Cỏ hoang mọc lên rồi chết đi thì cỏ mới lại mọc lên từ khóm cỏ đã chết, cứ thế làm thành từng tầng, bên cạnh những vũng nước đen xì và lạnh buốt. Cây cối không mọc được tại đây; chim chóc cũng ít khi liều lĩnh bay vào cánh đồng, ngay cả côn trùng cũng không có. Tất cả chỉ là một sự trống không với một sự mênh mông của cỏ dại, mùa hạ thì mưa như thác lũ, còn mùa đông thì gió cuồng loạn đem theo tuyết lạnh. Những đám mây đen như chì quanh năm bao phủ bầu trời, biến cả vùng thành một khu vực thật là ảm đạm thê lương. Vào những ngày không có nắng thì không thể tìm được phương hướng, vì nhìn chung quanh, chỗ nào cũng cùng một màu và một hình thể như nhau.Trong một năm, ít nhất có tám tháng mưa tại cánh đồng, và nước không có chỗ thoát nên ứ đọng lại, và do đó cả một vùng mênh mông ấy trở thành một cánh đồng lầy. Mặt đất tại cánh đồng không khô như những nơi khác, trái lại chỉ có những gò đất nhỏ giữa một cánh đồng lầy lội đầy bùn. Những gò đất này chỉ đủ lớn cho một vài người đứng thôi. Sự kiện này khiến cho hồng quân không thể di chuyển từng đoàn được. Họ phải phân tán thành từng nhóm vài người, và cứ thế từng người một nhẩy lên những gò đất. Nếu nhảy hụt té xuống bùn thì sẽ bị hút xuống rồi bị chôn sống trong khối bùn đặc quánh như hồ ấy. Bùn ở đây không giống như cát lún. Bất cứ ai té xuống bùn thì phải được người khác mau lẹ kéo lên ngay lập tức, nếu không nạn nhân sẽ bất lực và bị hút dần xuống. Nạn nhân càng vùng vẫy thì càng chìm xuống mau hơn. Hàng trăm hồng quân đã chết như vậy.Vấn đề chính của hồng quân là phải tìm được người hướng đạo, dẫn lối cho đi ngang qua được cánh đồng. Trong lúc tiến qua các khu rừng trước khi tới cánh đồng, hồng quân đã hết sức tuyển mộ người Mân làm hướng đạo, nhưng vì lệnh nghiêm khắc của nữ vương người Mân, nên không một người Mân nào chịu đi theo giúp hồng quân. Sự thù nghịch của người Mân dữ dằn đến nỗi về sau Mao phải kể lại: "Mỗi lần tìm mua được một con cừu hoặc tuyển mộ một người hướng đạo thì ít nhất một hồng quân phải thiệt mạng." Cuối cùng Mao ra lệnh bắt giữ một số người Mân và cưỡng bách họ phải phục vụ cho hồng quân.Các người Mân bị bắt đành phải dẫn đường cho hồng quân, vì bị lưỡi lê của hồng quân thúc vào lưng. Hồng quân giải thích cho người Mân biết họ phải thành thực dẫn đúng đường, nếu không bất cứ hành động phản trắc nào cũng bị trừng phạt bằng cách bị ném xuống chôn sống tại những chỗ bùn lún. Các người Mân đã chứng tở rất thành thực hướng dẫn hồng quân, và một số quyết định đi theo hồng quân. Hành động đi theo hồng quân của người Mân không phải vì họ thích chủ nghĩa cộng sản, vì đối với tâm trí thô sơ của họ, họ chẳng hiểu biết gì về chính trị. Họ phải theo hồng quân là vì họ sợ trở về quê cũ, họ có thể bị nữ vương của họ luộc sống vì tội hợp tác với người ngoại chủng.Hồng quân khởi đầu tiến vào Cánh Ðồng Cỏ Hoang vào giữa tháng 8-1935, và đi theo bìa phía đông, tại đó cánh đồng lầy không sâu lắm, và thỉnh thoảng còn có một giải đất hẹp mà thổ dân vẫn thường xử dụng. Mọi người phải mang theo đồ ăn và củi đốt cho đủ tám ngày. Lúc đó Chu Ân Lai vẫn còn nằm ốm liệt giường, vì bị cảm lạnh khi trèo qua núi Ðại Tuyết Sơn. Chu Ðức đi theo đạo quân của Trương Quốc Ðào, nên Lâm Bưu được chỉ định làm quyền tư lệnh hồng quân. Lâm Bưu dẫn binh sĩ cùng với các hướng đạo người Mân dẫn đầu hồng quân. Theo sau đội tiền phong của Lâm Bưu là toàn thể hồng quân đi theo một sợi giây thừng kết bằng lông đuôi ngựa. Sợi giây thừng đó đánh dấu những lối đi an toàn do toán hướng đạo đi trước móc vào ngọn những cây sậy hoặc cây cỏ cao. Khi hồng quân đi khá sâu vào cánh đồng thì họ bị từng đàn muỗi khổng lồ to bằng những con ruồi bay tới tấn công. Khi bị những con muỗi đáng sợ này đốt, nạn nhân sẽ bị những cơn sốt ghê gớm, được gọi là "sốt rét đen", và chỉ trong vòng vài ngày đã có hàng trăm hồng quân gục xuống trước chứng bệnh kỳ lạ này.Nhưng may mắn cho hồng quân, thời tiết bất thần thay đổi, và những luồng gió lạnh băng giá từ rặng núi Hy Mã Lạp Sơn thổi tới đã giết chết đàn muỗi, nếu không thì con số hồng quân bị muỗi độc giết chết sẽ còn nhiều nữa. Nhưng những luồng gió lạnh buốt cũng đem theo băng tuyết mù mịt khiến hồng quân không còn nhìn thấy đường đi nữa. Họ đành phải dừng lại vài ngày chờ mưa tuyết ngừng. Tại những gò đất lớn, hồng quân phải cắt sậy làm thành những túp lều nhỏ làm chỗ tránh mưa gió và tuyết. Nhưng khi trận bão tuyết chấm dứt thì người ta thấy từng nhóm hồng quân chết cứng tại những gò đất nhỏ, không đủ làm một túp lều. Những người chết bị liệng xuống chôn trong đám sình lầy. Trước khi chết, các toán hồng quân xấu số ngồi quay đầu chụm lại với nhau để lấy thêm hơi ấm của nhau, nên khi chết rồi, họ vẫn ngồi nguyên một tư thế như vậy, và từ đằng xa người ta tưởng họ vẫn còn sống. Khi cơn bão tuyết chấm dứt thì tất cả cánh đồng phủ một màn tuyết trắng, và những toán đi sau không còn tìm thấy sợi giây chỉ đường nữa. Họ cố gắng bới tuyết để tìm, nhưng sợi giây đã mất tích luôn. Các toán đi sau phải dừng lại chờ tin tức của toán tiền phong.Khi hồng quân tiếp tục đi thì vấn đề lương thực trở nên vô cùng gay go. Hầu hết phần lương thực ít ỏi gồm bột mì ăn cắp được của người Mân lúc đầu nay đã hết. Bây giờ hồng quân không còn gì để ăn giữa một cánh đồng mênh mông, và trước mặt họ chỉ còn có cỏ đồng lầy. Một số binh sĩ đem luộc thắt lưng và giầy bằng da để ăn. Một số đào rễ những cây cỏ lên ăn, nhưng phần lớn những rễ này đều có chất độc. Rất nhiều hồng quân ăn phải rễ và củ độc đã bị trúng độc và thiệt mạng. Một số khác hái cỏ ăn. Thứ cỏ này không có chất dinh dưỡng gì, và khi ăn vào, ruột của người ăn bị chảy máu và rất nhiều hồng quân mắc phải các chứng kiết lỵ và tiêu chảy. Sự đói khát lên đến mức cùng cực khi những hồng quân đi sau bới phân của người đi trước để tìm ra những hạt đậu, những đồ ăn chưa tiêu hoá vì người ăn trước bị bệnh tiêu chảy; họ đem rửa sạch những hạt đậu lấy từ trong phân rồi ăn. Lần đầu tiên Mao phải ra lệnh giết ngựa để lấy đồ ăn.Về nước uống thì còn nguy kịch hơn. Khi có tuyết, hồng quân lấy tuyết chờ tan ra rồi uống thì cũng đỡ. Nhưng khi hết tuyết, một số khát quá, liều uống nước múc lên từ cánh đồng lầy, và lập tức họ bị trúng độc ngay. Nước trong bụng họ không tiêu, cứ lọc cọc trong bụng họ, rồi đầu váng mắt hoa, đầu gối nhũn ra và nhiều người đã gục xuống vì uống nước tại cánh đồng lầy. Một số đành phải uống nước tiểu của chính mình. Khi đêm tối tới, họ không thể cắm trại để ngủ được, vì không có chỗ nào khô. Họ đành phải ngủ ngồi, hoặc quỳ gối xuống, gục vào nhau làm điểm tựa mà ngủ. Muốn đốt một ngọn lửa cũng rất khó khăn vì không có củi và cỏ khô. Hầu hết mọi người đều vừa đói vừa khát vừa bệnh hoạn khi đi qua cánh đồng. Sự đói khát giữa cái lạnh khủng khiếp cùng với sự kiệt sức tại đây là một thử thách lớn lao. Tuy nhiên hồng quân không còn một lựa chọn nào khác hơn là cứ phải tiến tới. Họ còn phải trải qua những cảnh rất đau lòng khi trông thấy một số đồng đội trượt chân, lún dần xuống bùn, một cái chết từ từ xảy ra trước mắt họ, mà họ không thể nào cứu được.Trong chuyến vượt qua Cánh Ðồng Cỏ Hoang, những toán đi trước gặp dễ dàng hơn. Các toán đi sau mỗi lúc một khó khăn hơn và chậm chạp hơn, vì những gò cỏ sau khi bị nhiều người và vật đi qua đều xẹp lún xuống, nước tràn lên và người đi sau rất hoảng sợ, e bước nhầm phải chỗ bùn. Ðặc biệt là những gò cỏ này không chắc chắn như đất liền. Khi bước chân lên, người ta cảm thấy một sự rung rinh dưới chân như muốn đổ xuống. Về sau, ngay chính những hướng đạo người Mân cũng hoang mang không định được hướng đi, và nhiều người đã đi lạc. Ði lạc trong cánh đồng này là chắc chắn chỉ gặp cái chết.Một bộ trưởng cộng sản kể lại kinh nghiệm của mình: "Thoạt đầu chúng tôi dường như cùng đi theo một con đường, nhưng sau vài toán quân đi qua thì con đường biến thành một rãnh nước. Không có chỗ để cắm trại. Không có chỗ nào khô, không cây cối. Nhiều người rất yếu đuối và bệnh hoạn khi họ tới cánh đồng. Một vài người nằm đại xuống bùn và không bao giờ đứng lên nữa. Chúng tôi mất nhiều người tại Cánh Ðồng Cỏ Hoang, hơn là tại rặng núi Ðại Tuyết Sơn. Mỗi buổi sáng chúng tôi kiểm điểm lại nhân số xem còn bao nhiêu người sống sót. Chúng tôi thấy nhiều người chưa chết. Mắt họ vẫn mở, nhưng họ không thể đứng dậy nổi. Chúng tôi sóc nách họ lên nhưng họ khuỵu xuống, rồi chết tại chỗ."Một yếu tố nữa làm nhiều người chết tại Cánh Ðồng Cỏ Hoang là vì cao độ. Không khí tại đây thiếu dưỡng khí làm cho nhiều người yếu dần đi, rồi lờ đờ ngất xỉu. Các bác sĩ thường dùng muối và long não cho người ngất xỉu ngửi, có người tỉnh dậy, nhưng cũng có người nằm im luôn. Một nguyên nhân khác gây chết chóc là vì hồng quân thiếu muối ăn. Nhưng lý do chính là sau một năm lặn lội trải qua quá nhiều gian nan cực khổ, sức người đã kiệt quệ dần, rồi tại chướng ngại chót này, sự đói khát, sự lạnh giá, phải chịu mưa ướt liên miên, thời tiết thay đổi bất thường rồi thiếu dưỡng khí và muối, tất cả đã gây khốn đốn cho đoàn người đã tả tơi đang chạy đua với tử thần. Vì thế, sự tổn thất nhiều nhân mạng tại cánh đồng này là điều tất nhiên.Ngày 27-8, toán hồng quân tiền phong ra khỏi Cánh Ðồng Cỏ Hoang, và đến đầu tháng 9 thì toàn thể hồng quân tới được vùng đất khô bên ngoài cánh đồng lầy. Thế là họ vượt qua được chướng ngại cuối cùng trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Ngay sau đó, Mao nghi ngờ sự phản bội của Trương Quốc Ðào và e sợ lực lượng hùng mạnh của Trương Quốc Ðào tấn công, nên ra lệnh cho hồng quân gấp rút tiến về phía bắc, mặc dù lúc đó đa số hồng quân chỉ muốn nằm xuống nghỉ ngơi một vài ngày. Thực ra người ta không có bằng chứng gì Trương Quốc Ðào sẽ tấn công Mao. Sự hoảng sợ bỏ chạy của Mao là do chính bản chất phản trắc của Mao. Mao là người phản trắc nên tưởng ai cũng sẽ phản trắc với mình. Trên đường tiến về Thiểm Tây, Mao cẩn thận đặt các ổ phục kích đề phòng quân của Trương Quốc Ðào đuổi theo. Ðám tàn quân của Mao còn bị đội kỵ binh Hồi giáo của viên sứ quân họ Mã tấn công. Tuy nhiên họ Mã không phải là đối thủ của Mao. Chỉ một trận phục kích của Mao, bốn trung đoàn kỵ binh của họ Mã đã bị hồng quân đánh tan.