Xưa, làng Cọp Râu Trắng chịu một tai họa, dơi từ núi cao bay xuống ăn tôm phơi. Dơi bay từng đàn, từng bầy rợp kín làng. Rồi trong phút chốc tôm phơi trên liếp, trên chiếu, trên buồm, màu tôm đỏ hết cả cồn bãi không còn một con. Bà con cầm sào, cầm chèo kịch liệt đuổi dơi. Có mùa tôm phơi bị mất sạch vì dơi ăn. Làng Cọp Râu Trắng gọi đó là giặc dơi. Vào đời thứ tám, khi ông Tổ tìm ra trăm loại ốc làm tù và thổi gọi bà con ra biển. Tiếng tù và thổi lên như giục lòng người bức xúc phải đi ngay. Còn bây giờ trước loài giặc dơi phá hoại chẳng lẽ không có tiếng ốc nào đuổi được nó hay sao? Đó là điều suy nghĩ của cụ Tổ ốc. Đến đời cháu cụ Tổ, tiếp tục tìm mà vẫn chưa tìm ra. Một lần dơi ăn hết tôm phơi rồi bay về núi, cháu cụ Tổ chộp được một con dơi cánh dài đến gận một thước. Nhốt con dơi vào buồng kiến, tối lại cháu cụ Tổ thổi từng loại ốc để xem con dơi có đập cánh không. Khi thổi đến ốc tai tượng bỗng hai cánh con dơi đập hốt hoảng, người nó loạng chạng như say. Dứt tiếng ốc, cơn dơi lại đậu yên lặng lẽ. Hết sức mừng vui, người cháu cụ Tổ thổi lại lần nữa, con dơi lại lạng quạng bay dữ hơn. Đêm ấy người cháu cụ Tổ tin cho bà con biết sẽ dùng ốc tai tượng để ngày mai đuổi giặc dơi. Hôm ấy, mỗi người cầm sẵn một vỏ ốc tai tượng đứng ở cửa sau. Lúc thuyền ngoài biển chở tôm về trải phơi, lập tức ở một góc trời rần rật những đám mây dơi xáp xuống, tiếng chít chít như tiếng kim loại. Liền đó, tiếng tù và ốc tai tượng nổi lên như sóng u...u...u... rùng rợn. Tiếng ốc bất ngờ làm từng đàn dơi ngơ ngác, loạng choạng hoảng hốt rơi xuống giẫy giụa rồi lăn ra chết. Nhưng cũng có nhiều bầy dơi thoát được, hôm sau lại bay xuống ăn phá trả thù. Đêm đêm cả làng Cọp Râu Trắng già trẻ trai gái tập thổi ốc tai tượn. Cầm con ốc trong tay, đường vân, đường sóng lượn ai cũng cảm thấy như cầm vũ khí đánh giặc. Trọn đêm tiếng ốc tai tượng âm âm u u làm sóng biền chồm dậy, cây cối rung chuyển, lòng người trở nên mãnh liệt như có lửa. Cứ thế liên tiếp chiều này đến chiều khác, những đám mây dơi xối xả lao xuống, sóng âm thanh ốc tai tượng lại lan tỏa rùng rợn nổi lên. Tiếng ốc như lưới vây, như giông nổi. Tiếng ốc làm thành roi, làm thành đá ném vào giặc dơi tơi tả. Từ ngày đó, dơi không còn xuống làng ăn tôm phơi được nữa. Chiếc ốc tai tượng được treo trước cửa nhà đổ làm điều lành. Đã thành lệ, dù không còn dơi, cứ đến mùa tháng bảy, tháng tám, đêm đêm làng Cọp Râu Trắng cẫn thổi ốc tai tượng. Thổi xong, ốc được treo giữa nhà, mọi người đứng xung quanh để tưởng nhớ vị thần biển đã quạt sóng, quạt gió đuổi giặc dơi.