PHẦN THỨ HAI: QUYỀN MƯU
Chương 16
QUẦN THẦN GIAO TRANH

Âm thanh hùng hồn vang vọng trong mái nhà rộng lớn, âm thanh này vang vọng từ trong cung Chương Đài ra đến bên ngoài, nó cũng tác động đến nội tâm đang dao động của Doanh Chính.
Từ hôm nay, Doanh Chính chính thức kế vị ngôi vua. Đại lễ được tiến hành sau lễ tang của vua Trang Tương ít hôm. Doanh Chính được Lã Bất Vi và Triệu Cơ dẫn đến đại đường. Trên đầu nó hôm nay không phải là chuỗi ngọc đong đưa mọi hôm mà là một vành khăn tang. Văn võ đại thần đều mặc tang phục. Lễ lên ngôi của Doanh Chính vẫn được tiến hành theo nghi thức truyền thống, chỉ không có các sắc màu sặc sỡ của quần áo vàng bạc lễ chào mừng. Dưới sự chỉ huy của Lã Bất Vi, Doanh Chính thực hiện đúng các nghi thức, vái lạy trời đất. Đối lập hoàn toàn với thần thái của Doanh Chính là vẻ mặt đầy sức sống của Lã Bất Vi.
Sau khi hoàn thành các nghi thức, quan nghi trượng cao giọng ban bố thánh chỉ của Doanh Chính: Tần vương chiếu lệnh, phong cho văn tín hần Lã Bất Vi là Trọng phụ.
Lệnh được ban ra, dưới triều các quan thi nhau bàn tán. Các đại thần đều biết rằng, Tần vương của họ vừa mới 13 tuổi, vẫn là một đứa trẻ chưa thông hiểu thế sự, đại lễ lên ngôi và chiếu lệnh của vua Tần đều do Lã Bất Vi đứng sau rèm thao túng. Nhưng họ không hiểu, Lã Bất Vi tự đội cho mình vòng nguyệt quế trọng phụ là với dụng ý gì.
Dụng ý của Lã Bất Vi rất sâu sắc, trọng phụ không phải là chức quan, cũng không phải là tước danh càng không phải là cách gọi họ hàng thân thuộc. Chữ “trọng” nghĩa là thứ hai, tức là người cha thứ hai, hay là chú cũng được. Ý của Lã Bất Vi là ám chỉ mình sinh ra Doanh Chính, đồng thời cũng thể hiện được quan hệ của ông ta và Dị Nhân – cha Doanh Chính là quan hệ đặc biệt. Đồng thời “trọng phụ” cũng là tên hiệu của Quản Trọng thời Tề Hoàn Công. Quản Trọng cũng là tướng quốc của nước Tề, tài giỏi vô cùng, giúp cho nước Tề dân giàu nước mạnh, Tề Hoàn Công trở thành một trong ngũ bái thời Xuân Thu, Tề Hoàn Công tôn trọng mọi kế sách của Quản Trọng, việc triều chính của nước Tề hoàn toàn giao cho Quản Trọng, không hề can thiệp một chút nào. Lúc ấy Quản Trọng được gọi là “trọng phụ”. Lã Bất Vi lấy tên gọi này, không những mong Doanh Chính thừa nhận ông ta là cha nó mà còn ngầm ý với văn võ bá quan, Lã Bất Vi sẽ xử lý được việc triều chính giống như Quản Trọng mà không cần Tần Cương trao quyền.
Doanh Chính đặt lại bút mực và ngọc tỷ trên ngự án, thấy đám triều thần tụ tập ở dưới đang bàn bạc thì cảm thấy rất thích thú. Nó nắm chắc tay cầm của ngự sàng đến nỗi tay cầm trở nên trơn bóng và ấm. Mãu hậu Triệu Cơ cũng ngồi ngay bên cạnh nó, chỉ cách nó trong gang tấc. Nó nhìn chằm chằm vào gương mặt đỏ hồng của mẫu hậu như bị thôi miên, nó đã nhận ra mùi hương phát ra từ phía nào. Đó chính là gương mặt của mẫu hậu. Nó không hề biết rằng, để mẫu hậu có gương mặt đẹp như vậy thì thường xuyên phải xoa bóp bằng các loại quả nước. Đôi mày lá răm, đôi môi hồng như đá thạch lựu, đôi mắt long lanh như hồ nước xuân. Doanh Chính nhìn đi nhìn lại, cảm thấy có một gương mặt nào đó giống hệt gương mặt của mẫu hậu, nó nhớ ra rồi, đó chính là gương mặt của quả phụ Thanh. Đúng rồi, nó đã từng hứa một khi được lên ngôi vua, nó sẽ mời quả phụ Thanh tham dự vào việc triều chính. Bây giờ nó đã trở thành Tần vương, không thể nuốt lời được.
Nghĩ tới đây, Doanh Chính nhìn khắp một lượt các đại thần đang thì thầm to nhỏ ở phía dưới, nói to bằng một giọng trẻ con: “Các khanh không được huyên náo, quả nhân muốn ban chiếu lệnh”. Doanh Chính thấy giọng nói đầy uy lực của nó đã nhanh chóng có hiệu lực, cung Chương Đài bỗng nhiên trở nên yên lặng. Triệu Cơ và Lã Bất Vi đang ngổi ở hai bên nó, cũng quay mặt lại, đầy vẻ kinh ngạc.
Doanh Chính đứng dậy, đặt tay lên ngự án nói rõ ràng: “Truyền chiếu lệnh của quả nhân, cho gọi quả phụ Thanh vào triều, tham dự quốc chính”.
Lời nói của Doanh Chính giống như hắt mộtbát nước vào chảo mỡ đang sôi, gây phản ứng mạnh mẽ hơn cả câu lúc nãy: Tần vương chiếu lệnh, phong văn tín hầu Lã Bất Vi làm trọng phụ.
Lã Bất Vi và Triệu Cơ cũng cảm thấy kinh ngạc vô cùng. Trước đó không hề có sự sắp xếp nào để Doanh Chính công bố thánh chỉ này, hơn nữa từ thuở khai thiên lập địa, chưa có người phụ nữ nào được tham dự triều chính, luận đàm việc nước. Khổng Phụ Tử từng nói: “Tiểu nhân và đàn bà đều khó dậy!” Một khi quả phụ Thanh có thể ngang hàng với bá quan văn võ ra vào cung Chương Đài, há chẳng phải vua chẳng ra vua, tưóng chẳng ra tướng, phá bỏ kỷ cương triều chính luân thường đạo lý hay sao?
Nghĩ tới đây, Lã Bất Vi vội nói: “Thưa các bá quan văn võ, lời của đại vương vừa nói chỉ là nói đùa, không nên tin là thật”.
Doanh Chính nói với Lã Bất Vi: “Tướng quốc đấy không phải là lời nói đùa của quả nhân mà là quả nhân không muốn nuốt lời”.
Lã Bất Vi nhận thấy nếu cứ đôi co với Doanh Chính về chuyện của quả phụ Thanh thì thật là mất thể diện nên ông ta liền thay lời vua tuyên bố: “Bãi triều”
Doanh Chính bực bội trở về tẩm cung. Triệu Cao đã đứng bên cạnh, Doanh Chính hỏi: “Triệu Cao, ngươi nói xem trọng phụ nghĩa là như thế nào?”
Triệu Cao trả lời: “Khởi bẩm đại vương, trọng phụ có nghĩa là người cha thứ hai”.
Doanh Chính nghe xong nổi trận lôi đình: “Cái gì? Lã Bất Vi đó đã làm tướng quốc và thái phó cho quả nhân rồi còn chưa đủ hay sao, lại còn muốn làm cha của quả nhân. Thật là không biết trời cao đất dày!”
Triệu Cao sợ Doanh Chính tức giận, vội chữa lại: “Trọng phụ có nghĩa là cha tiên vương và tướng quốc đã từng đồng cam cộng khổ ở Hàm Đan, ngang vai với nhau. Nếu nhìn từ điềm này, tướng quốc cũng được coi là…” nói tới chỗ này, nghỉ một lát, quan sát sắc diện của Doanh Chính nói tiếp: “Tướng quốc cũng có thể coi là chú của đại vương”.
Doanh Chính hừ một tiếng nói với Triệu Cao: “Triệu Cao, nhanh chóng mài nghiên mực đợi quả nhân ban chiếu”.
Triệu Cao vâng một tiếng, vừa mài mực vừa suy nghĩ, đại vương vừa thiết triều trở về nay lại định ra chỉ gì?
Nghiên mực đã mài xong, Triệu Cao im lặng chờ đợi, Doanh Chính hứng khởi nói: “Viết, mau viết, truyền quả phụ Thanh vào thành Hàm Dương, nhập triều tham dự quốc chính!”
Bởi vì Triệu Cao đi theo Doanh Chính, lúc thiết triều ban nãy Triệu Cao đứng ngoài theo dõi hết những diễn biến trong triều, trong lòng nghĩ: “Tướng quốc chỉ cho những lời nói đó là nói đùa trẻ con, viết cũng chẳng có tác dụng gì!”
Doanh Chính thấy Triệu Cao không động bút vội hỏi: “Triệu Cao, tại sao không viết?”
Triệu Cao nói: “Lúc nãy, lúc nãy tướng quốc đã nói, đó chỉ là trò đùa trẻ con!”
Doanh Chính mắng: “Hồ đồ, chẳng nhẽ ngươi cũng đã trở thành kẻ nịnh bợ xum xoe với tướng quốc rồi sao, quả nhân bảo ngươi viết thì ngươi viết, quả nhân muốn làm việc gì thì đừng mong ai ngăn cản được!”
Triệu Cao sợ xanh mặt, cúi rạp đầu xuống chân Doanh Chính, dập đầu nói: “Tiểu nhân đáng chết, tiểu nhân đáng chết”
Doanh Chính bình tĩnh trở lại nói: “Mau đứng dậy”
Triệu Cao nhanh chóng viết xong, nhưng anh ta biết ngọc tỷ ở bên cạnh thái hậu Triệu Cơ, không có chiếu lệnh của ấn chỉ thì chẳng khác chi tờ giấy trắng. Triệu Cao thừa biết nhưng vẫn cố hỏi: “Đại vương, ngài đóng ngọc tỉ lên đi”
Chỉ là một câu nói nhưng như là dội một gáo nước lạnh vào Doanh Chính. Nó biết rõ ràng, mẫu hậu giữ ngọc tỉ không bao giờ có thể đưa cho nó để đóng dấu tên. Nghĩ tới đó, Doanh Chính ngồi im trên giường, không nói một lời.
Triệu Cao vội khuyên nhủ: “Đại vương không nên buồn bực, phải kiên nhẫn. Tục ngữ nói làm cô dâu nhiều năm rồi cũng thành vợ. Chẳng bao lâu nữa đại vương cũng sẽ được đeo kiếm giữ ấn, ngọc tỉ sẽ nằm trong tay đại vương”.
Nghe Triệu Cao nói vậy, Doanh Chính thấy nhẹ nhõm được vài phần.
Một lúc sau, có một người đàn ông trung niên, là thương nhân nước Nguỵ đến cầu kiến, nói là thuộc hạ của quả phụ Thanh. Nói rằng chủ nhân ông ta luôn luôn ghi nhớ ân đức của Chiêu Tương Vương với mình, luôn coi nước Tần là tổ quốc của mình. Bây giờ nghe nói Doanh Chính lên ngôi, vốn dĩ chủ nhân của anh ta muốn tự tay dâng lễ chúc mừng. Tiếc rằng công việc kinh doanh buôn bán bận rộn, nênchủ nhân không đến triều kiến đại vương được, nói xong dâng lễ đồ mừng lên.
Triệu Cao sợ Doanh Chính lại nghĩ ra chuyện này chuyện nọ, nhất thời hứng khởi, đưa chiếu lệnh lúc nãy cho vị thương nhân nước Nguỵ đem về, quả phụ Thanh đến thật, thì đúng là cả hai bên đều khó xử, chủ và khách đều bối rối khó mà chu toàn được.
Nghĩ vậy Triệu Cao vộ bảo vị thương nhân nước Nguỵ: “Đại vương của chúng ta cũng không bao giờ quên được chủ nhân của các ngươi, nay nhờ ngươi nhắn với quả phụ Thanh, là đại nhân mời bà ta đến thành Hàm Dương, đại vương nhà chúng ta nhất định sẽ hậu đãi”.
Doanh Chính nói: “Nếu quả phụ Thanh đến, quả nhân nhất định khoản đãi”
Tiết xuân ở Hàm Dương ngày dài đêm ngắn, màn đêm thực sự buông xuống vào khoảng canh ba. Sau canh ba, hậu cung điện Chiêu Thanh tối om, như ở trong một chiếc lọ đậy kín. Triệu Cơ nằm trên giường, hai mắt mở thao láo, không hề muốn ngủ, trằn trọc không yên. Thỉnh thoảng bà ta lại căng tai ra, chú ý động tĩnh phía bên ngoài. Bà ta đã treo một dải lụa xanh ở bên ngoài khung cửa, Lã Bất Vi đi ngang qua vài lần nhất định sẽ nhìn thấy. Bà ta đã bảo hết các tì nữ trong cung ra ngoài. Trong cả tẩm cung chỉ có một mình bà ta.
Đột nhiên có ba tiếng gõ nhẹ nhưng dứt khoát lên cột nhà.
“Đến rồi” Triệu Cơ ngồi dậy, mở cửa nhỏ. Cái thân hình mà bà ta quen thuộc nhẹ nhàng đi vào trong mà không nói một lời nào.
Giữa hai người đã không còn khoảng cách.
Rất lâu sau đó, họ nói đến chuyện Doanh Chính lên ngôi hôm nay.
Triệu Cơ ấm ức nói: “Thằng nhỏ Doanh Chính này, vừa lên ngôi đã giở trò rồi, định đưa quả phụ Thanh vào triều tham gia việc triều chính thì có phải là đần độn không? Thiếp nghĩ, chàng chẳng cần phải đứng giữa sa trường mà khoa chân múa tay, cứ đoàng hoàng trực tiếp lên làm Tần vương là xong”.
Lã Bất Vi vội ngăn lại: “Như vậy không được”
Triệu Cơ trách: “Các người có phải là nam nhi đại trượng phu đội trời đạp đất ở đời không? Chỉ mới một câu nói mà đã sợ xanh cả mặt”.
Lã Bất Vi nói: “Câu nói này không phải là vừa, ta lên làm Tần vương là việc ngu ngốc, thân bại danh liệt, hại nước hại dân.”
Triệu Cơ đáp: “Đấy chỉ là người sợ đến sởn tóc gáy thôi”.
Lã Bất Vi cười nói: “Người đẹp của ta, đây quyết không phải là ta sợ đến sởn tóc gáy. Nàng thử nghĩ xem. Giang sơn xã tắc của Tần quốc là do họ Doanh truyền từ đời này sang đời khác, thiên hạ đều biết. Ta làm Tần vương, thay đổi họ vua không chỉ tổ tông tôn hầu nhà họ Doanh không thể chấp nhận được mà các nước chư hầu cũng sẽ can thiệp vào. Như vậy ta đã thành kẻ mà cả thiên hạ này chống lại ta, là kẻ loạn thần tặc tử cướp nước hại dân”.
“Ta sẽ chết mà không có chỗ chôn! Còn bây giờ con trai ta lên làm Tần vương, bề ngoài thì vẫn là giang sơn xã tắc của họ Doanh nhưng trên thực tế chẳng phải là của họ Lã sao. Cũng giống như nàng, bên ngoài thì là Vương phi của Tần vương Trang Tương, là người đàn bà goá còn trên thực tế lại là thê thiếp của tướng quốc Lã Bất Vi đó sao?”
Triệu Cơ ôm chặt Lã Bất Vi rồi nói: “Chàng đúng là thương nhân, lắm mưu nhiều chước!”
Ở bên ngoài sân cung đình, tiết trời mùa hè nóng nực. Tề là con của Di Hồng giờ đã cao ngang cái bàn, đang chơi nhảy dây dưới một gốc cây. Xem ra nó đã chơi rất lâu rồi, gương mặt đỏ như người say rượu.
Bỗng có tiếng của Di Hồng gọi: “Tề à, về ăn cơm!”
Tề không có ý định dừng tay, vẫn tiếp tục nhảy.
Di Hồng lại phải tìm đến gốc cây nói: “Tề à, về phòng ăn cơm đi!”
Tiếng của Di Hồng làm đứt đoạn mất hứng thú của Tề, nó không nhảy nữa nói: “Con đã là người lớn rồi, lúc nào cũng Tề à Tề à như gọi một con mèo con, thật là khó nghe”.
Di Hồng nghĩ ngợi một lúc vui mừng bảo: “Được, con trai ta thành người lớn rồi vậy gọi là Thành Tề nhé. Kỳ thực Thành Tề năm nay đã 14 tuổi rồi. Doanh Chính là anh cùng cha khác mẹ với nó nhưng trông chắc chắn nhanh nhẹn khoẻ mạnh, còn Tề thì gày còm ốm yếu, như thể không có cơm ăn. Sau khi vua Trang Tương chết được hai năm, Di Hồng đã dồn hết sức để chăm sóc đứa con trai độc nhất của mình, vốn dĩ có thể sai một đứa thị nữ đi gọi Tề về ăn cơm nhưng bà vẫn tự đi gọi lấy. Bà biết khi Doanh Chính lên làm Tần vương thì nó khó có thể đối xử tốt với đứa em này. Mấy hôm nay Di Hồng đang mưu tính một việc là xin phong ấp cho Thành Tề.
Trời hôm nay vô cùng nắng, trên trời không có lấy một gợn mây. Gần tối trời vẫn sáng, Di Hồng cảm thấy trong lòng vui vẻ, Thành Tề đã dùng cơm tối xong, còn bà ta đi trang điểm lại, đi xin về việc phong ấp cho con trai.
Di Hồng biết rõ, Doanh Chính bên ngoài thì là Tần vương nhưng mọi chuyện đại sự bên trong đều do tướng quốc Lã Bất Vi quyết định. Bà nghe các quan trong cung nói, mỗi lần lâm triều, Lã Bất Vi đều ngồi bên cạnh Doanh Chính. Lã Bất Vi nói “truyền chỉ” thì Doanh Chính cũng nói “truyền chỉ”; Lã Bất Vi nói “chuẩn tấu” thì Doanh Chính cũng nói “chuẩn tấu”. Lã Bất Vi tuy không phải là văn võ song toàn nhưng ông ta lại là người nắm giữ việc triều đình rất chặt chẽ. Những tướng võ thiện chiến luôn sẵn sàng bảo vệ ông ta: “Mông Ngạo Vương Tiễn, nội sử Đằng Lý Tín, còn những môn khách mà ông ta tín nhiệm cũng là những nhân tài đa mưu túc trí như Lý Tư, Tư Không Mã. Không chỉ ở nước Tần mà ở các nước chư hầu cũng biết rõ ở thành Hàm Dương này, Lã Bất Vi là người có sức mạnh thét gió gọi mây, một lời của ông ta có sức mạnh ngàn vàng”.
Di Hồng đến cầu kiến, ông ta ngồi trên chiếc ghế có nhiều hoa văn, chăm chú nghe hết những lời của bà ta, nói với bà ta rằng Thành Tề còn nhỏ chưa cai quản được ấp phong. Hơn nữa, tước vị bổng lộc mà triều đình ban cho mẹ con bà đã có thể sống dư dật rồi.
Di Hồng nói, con của bà đã lớn rồi, bây giờ được gọi là Thành Tề rồi. Mẹ con bà ấy mẹ goá con côi, cuộc sống khó khăn mong tướng quốc đại nhân giúp đỡ. Nếu được phong ấp, nhất định mẹ con bà ta sẽ cai quản tốt.
Lã Bất Vi nói những đất để phong ấp đã ban thưởng hết rồi, không còn phần nào dư nữa.
Di Hồng liền nói: “Nghe nói tướng quốc đang định thôn tính năm thành của nước Triệu, bổ sung nó vào bản đồ của Tần quốc”.
Lã Bất Vi đang định mưu tính chuyện đó, không ngờ người vợ goá của vua Trang Tương lại rõ tin tức như vậy. Lã Bất Vi nói: năm thành đó ở giữa nước Triệu và nước Yên, tình hình thay đổi, giao tranh liên tục xảy ra, các ngươi mẹ yếu con yếu có gan đi đến nơi đó không?
Di Hồng tuy là phận nữ nhi nhưng cũng không chịu thua cánh mày râu. Nghe Lã Bất Vi nói như vậy liền nói: chỉ lo rằng tướng quốc không lấy được năm thành đó về.
Nếu là người khác có những lời bất kính như vậy thì Lã Bất Vi đã cho một bài học. Nhưng tiếc rằng đây là thê thiếp của vua Trang Tương.
Di Hồng nói tiếp, nếu tướng quốc có thể lấy được năm thành trì đó về, phong ấp hết cho mẹ con bà thì mẹ con bà cũng dám nhận.
Lã Bất Vi nghĩ trong lòng, chỉ là một con tiện thiếp của Triệu Hiến Thành mà dám coi khinh người khác. Nghĩ tới đây, tức giận nói: nếu ta không lấy được năm thành trì đó về bản đồ Tần quốc, chức tướng quốc ta nhường lại cho ngươi. Lã Bất Vi nói xong cũng cảm thấy mình hơi quá lời, nhưng một lời nói ra tứ mã nan truy. Bây giờ xem ra chỉ còn một cách nghĩ ra trăm phương ngàn kế để lấy được năm thành đó về thì mới đáng mặt tướng quốc, thực hiện được lời nói của mình.
Mấy ngày nay Lã Bất Vi không ra khỏi cửa, dồn sức để suy nghĩ, sau cùng ông ta đã nghĩ ra được một cẩm nang diệu kế.
Triệu Yên là hai nước láng giềng, gần đây mới chuyển thành thù địch của nhau. Trong trận giao tranh, quân Yên đã bị thiệt hại vô số. Quân Yên bị rơi xuống nước nhiều không kể xiết chỉ còn cách cúi đầu nhục nhã xin cầu hoà. Sau này nước Yên trở thành cái bàn đạp để nước Triệu đi xâm chiếm các nước khác.
Lã Bất Vi quyết định phải ly gián quan hệ của hai nước Triệu Yên. Từ nước Yên theo hai hướng Nam và Bắc thành thế gọng kìm kẹp chặt nước Triệu.
Nước Triệu thuận theo sẽ phải giao nộp năm thành, nếu không sẽ phải giết hết quân Triệu đang chiếm cứ ở đó. Sau đó để con tiện thiếp Di Hồng biết những gì ta đã nói là làm.
Lã Bất Vi nghĩ trước nghĩ sau quyết định cử Tề Trạch là lão thần đã giúp vua Chiêu, vua Hiếu Văn, vua Trang Tương đến nước Yên làm thuyết khách.
Lần làm thuyết khách cuối cùng của Tề Trạch là vào một ngày hè nóng ẩm giữa tháng bảy. Ông được Lã Bất Vi đưa ra tận ngoài thành Hàm Dương, rồi đem theo lệnh và nô dịch của Lã Bất Vi, đi về phía Bắc, đến kinh đô nước Yên. Qua cửa sổ của xe, ông nhìn thấy bầu trời xanh ngăn ngắt, trong xe thì nóng nực vô cùng, ai nấy đều đẫm mồ hôi. Trong thời tiết như vậy, cuối cùng hai chiếc xe chở Tề Trạch và nô dịch cũng đến được kinh đô nước Yên.
Vua Yên thấy Lã Bất Vi cử sứ thần đến nước Yên thì không rõ lý do gì nhưng cũng vui vẻ tiếp đón, mở tiệc tẩy trần khoản đãi.
Sau khi xem thư của Lã Bất Vi, vua Yên đã rõ ý đồ của chuyến đi này.
Thấy dáng vẻ suy tư chần chừ của vua Yên, Tế Trạch nói đại vương Văn tín hầu của Tần quốc cử ta ngàn dặm xa xôi tới đây, thực chất là giúp cho nước Yên. Quý quốc và Triệu quốc đều là những quốc gia ngang nhau, tại sao phải chịu nhục cho nước Triệu đè đầu cưỡi cổ, chỉ huy việc. Ta nghe nói trước kia nước Triệu đã giết không biết bao nhiêu binh sĩ nước Yên. Quý quốc không báo thù lại còn nhận giặc làm cha, lại liên kết với nước Triệu, lúc thì đánh Tần, lúc thì tấn công nước Sở. Kết quả là các thành trì ấy đều thuộc về nước Triệu. Quý quốc thì chỉ hao binh tổn tướng, gây thù chuốc oán với các nước chưa hầu. Tôi không hiểu nổi đại vương phải làm thế là vì cái gì?
Gương mặt của vua Yên lúc trắng lúc đỏ xấu hổ nói: Không phải là đại nhân can tâm tình nguyện làm trâu làm ngựa cho nước Triệu mà là do nước Yên thế đơn độc, quân lại mỏng, chống lại nước Triệu thì cũng như trứng chống lại đá. Tình thế như vậy e không thể không cúi đầu. Nếu có người giúp đỡ quả nhân, nước Yên sẽ phải quyết chiến với quân Triệu.
Nhân cơ hội đó, Tế Trạch nói: “Đại vương, nếu ngài muốn đi ngủ thì tôi sẽ chuẩn bị gối cho ngài.Văn tín hầu lần này cử tôi đến là muốn giúp đại vương giải mối hận này. Tần Yên hợp binh đánh lại nước Triệu, cướp lại địa bàn ở phần sông của nước Triệu, lợi ích cả hai bên cùng hưởng”.
Vua Yên sợ nước Tần nuốt lời nên vẫn im lặng, Tế Trạch biết được suy nghĩ của ông ta nói: “Đại vương lo Tần quốc chúng tôi nói không giữ lời đúng không? Đại vương à, Tần quốc chúng tôi từ đại vương đến dân thường nói lời đều giữ lấy lời. Nếu đại vương vẫn không tin, chúng tôi sẽ cử một vị đại tướng đến nước Yên làm con tin”.
Vua Yên chỉ chờ câu nói này của Tế Trạch, vội trả lời: “Được, được. Vậy cử ai tới?”
Tế Trạch nói: “Xin đại vương lựa chọn!”
Vua Yên như thể đã chuẩn bị trước từ lâu buột miệng nói ngay: “Trương Đừơng”
Trương Đường là phó tướng của Mông Ngao, anh dũng thiện chiến, đã cùng vua Chiêu Tương Vương chinh chiến bao lần, vào sinh ra tử, công tích dày như núi, uy hiếp các nước chư hầu. Vua Yên nghĩ rằng, để Tương Đường đến nước Yên, uy danh của ông ta sẽ làm các nước chư hầu khiếp sợ, còn Tần quốc vì sợ mất một vị tướng tài mà không dám nuốt lời. Đó là việc có lợi thế cả đôi đường.
Tế Trạch đáp ứng lời yêu cầu của vua Yên nhưng cũng đề nghị nước Yên cử một người đến Tần quốc làm con tin. Để biểu thị tấm chân tình của mình, vua Yên đã cử ngay thái tử Đan đến nước Tần.
Tế Trạch vội cử một thụôc hạ tâm phúc về thành Hàm Dương mời Lã Bất Vi và Trương Đường đến nước Yên. Từ sau khi Tế Trạch đi Lã Bất Vi thấp thỏm không yên, nay nhận được tin báo vội cử Tư Không Mã đến phủ của lão tướng Trương Đường mời vị lão tướng này đến nước Yên.
Tư Không Mã đi rồi, Lã Bất Vi nghĩ chỉ cần Trương Đường đến nước Yên thì năm thành trì kia nếu quân Triệu không giao cho nước Tần thì nước Tần cũng cướp lấy. Đến lúc đó, không những bản đồ của Tần quốc được mở rộng mà Di Hồng cũng phải thấy rằng Lã Bất Vi là bậc đại trượng phu, nói lời chắc như đinh đóng cột.
Tư Không Mã nhanh chóng trở về, nhìn thấy khuôn mặt dài thuỗn cùng vẻ thất thần của ông ta Lã Bất Vi cũng đoán được sự việc không được như ý muốn. Tư Không Mã nói với Lã Bất Vi Trương Đường không thể phụng mệnh.
Từ lúc Lã Bất Vi lên làm tướng quốc chưa gặp phải sự chống đối nào, ông ta không hề nghĩ rằng Trương Đường dám chống lại ông ta.
Lã Bất Vi hỏi Tư Không Mã: “Hà cớ gì mà Trương Đường không muốn đi?”
Tư Không Mã trả lời: “Trương Đường nói ông ta đã nhiều lần dẫn quân đi đánh nước Triệu, quân sĩ nước Triệu căm hận ông ta đến tận xương tuỷ. Vua Triệu đã từng ban thưởng cho ai lấy được đầu ông ta. Đường từ thành Hàm Dương đến kinh đô nước Yên gần với nước Triệu. Trương Đường sợ trên đường sẽ bị hành thích, khó bảo toàn tính mạng.”
Lã Bất Vi nghe xong tức giận vô cùng, nói: “Lấy đâu ra cái lý ấy, ở một quốc gia quan văn không tham của, quan võ không tham sống thì mới ổn định được thiên hạ. Trương Đường là đại tướng của Tần quốc lại ham sống sợ chết, gan nhỏ như gan chuột! Ngươi hãy đến phủ của ông ta một lần nữa nói, đại vương có lệnh nếu ông ta kháng lệnh sẽ bãi quan, bãi chức đuổi về quê làm dân thường”.
Tư Không Mã đi rồi, Lã Bất Vi đứng ngồi không yên, trong lòng như có lửa đốt. Mấy môn khách nhìn thấy Lã Bất Vi nghiến răng nghiến lợi, đầu tóc dựng ngược như râu mèo.
Lã Bất Vi không phải đợi lâu, Tư Không Mã rầu rầu trở về nói: Trương Đường vẫn kiến quyết nói một câu. Ông ta không thể đi. Ông ta tuôi cao rồi, không màng đến danh lợi bổng lộc, trở thành thứ dân lại càng thanh thản.
Lã Bất Vi bình tĩnh lại nghĩ, đúng là không thể bãi quan bãi chức của Trương Đường. Nếu như vậy, một là Lã Bất Vi bất tài, chỉ một mình Trương Đường mà không làm gì nổi. Hai là, những lão tướng trong triều sẽ thay ông ta bất bình như vậy sẽ tạo ra một tình thế cưỡi lên lưng hổ rồi khó xuống. Còn cách gì nữa đây? Lã Bất Vi hạ lệnh cho các môn khách và tôi tớ lui ra rồi bản thân lại vắt óc tìm ra kế hay.
Lã Bất Vi vừa ra lệnh, đám môn khách và tôi tớ tự nhiên lác đác lui ra tựa như lá thu rụng.
Lã Bất Vi dường như đang niệm kinh ngồi im trên sạp suy nghĩ. Bỗng nhiên Lã Bất Vi mở to mắt và bị giật mình bởi một tay môn khách đang đứng khoanh tay cạnh cửa. Lã Bất Vi cho rằng mình bị hoa mắt chính bởi vì hồi nãy ông đã kêu đám môn khách và tôi tớ lui ra, kẻ nào lại dám không nghe lệnh, vẫn đứng trơ trơ ở đây.
Lã Bất Vi định thần lại nhìn thì quả nhiên có một người đang đứng ở đó. Vì khoảng cách hơi xa nên Lã Bất Vi không nhìn rõ mặt mũi người đó thì liền trách mắng: “Ta bảo các người lui ra, mi điếc à?”
“Quân vương đang chưa biết làm thế nào về chuyện tướng quân Trương Đường, làm sao tôi có thể dửng dưng mà lui ra được?” Tay môn khách đang nói độ hăm hai, hăm ba tuổi xem ra cũng không kém phần khéo léo và nho nhã.
Lã Bất Vi nhìn cử chỉ và lời nói của người đó thì nhận ra đó chính là tiểu môn khách Cam La ở trong phủ của mình. Cam La là cháu của lão tướng quốc Cam Mậu, sau khi cha chết, đến đời Cam La thì gia sản cũng đã suy yếu. Qua tiến cử của Thái Trạch, Cam La mới đến phủ làm một chức quan nhỏ gọi là “tiểu thứ tử” - một chức vị không ra ngô ra khoai xen lẫn với đám môn khách. Lã Bất Vi không ấn tượng với người này lắm mà chỉ biết rằng ngoài việc Cam La ê a đọc sách ra, nếu không nghịch ngợm cùng đám trẻ con thì cũng trèo cây chọc tổ chim hái quả bồ kết.
Trẻ con nói chuyện người lớn, Lã Bất Vi lấy làm thích thú thì bình tĩnh nói: “Tiểu Cam La, ta đang nghĩ cách, ngươi mau ra ngoài chơi đi”.
Cam La khoác lác không ngượng mà rằng: “Tướng quốc đang nghĩ chuyện gì chứ? Chẳng phải là việc để tướng quân Trương Đường đi sứ nước Yên hay sao? Chỉ là một việc nhỏ chẳng đáng kể gì lại khiến ngài khó xử thế sao? Ngài xem, anh cả Tư Không của tôi chỉ là đồ giá áo túi cơm thôi. Đi đến mấy bận mà chẳng được việc gì. Nếu là tôi đi thì lão tướng quân Trương Đường nhất định đi sứ nước Yên thôi”.
Lã Bất Vi ôm bụng cười mà rằng: “Tiểu Cam La, nhà ngươi nói mạnh như vậy không sợ gió to cướp đi cái lưỡi của mi à. Chuyện người lớn bọn ta còn chưa làm được huống hồ là một đứa nhãi con như nhà ngươi!”
Cam La không chịu nói: “Tướng quốc, ngài không nên nhìn người trong khe cửa mà nhìn sai người. Chắc ngài đã từng nghe chuyện Hạng Thác lúc bảy tuổi đã làm thầy của đại thánh nhân Khổng Khâu, còn tôi thì đã 22 tuổi rồi. Làm sao ngài biết là tôi không thể khuyên tướng quân Trương Đường đi sứ nước Yên?”
Lã Bất Vi cảm thấy tranh cãi với một đứa trẻ ranh thì thật vô ích liền thủng thẳng nói: “Nếu thế thì nhà ngươi hãy đến phủ của Trương Đường xem”
Cam La hỏi: “Nếu tôi làm được việc đó thì tướng quốc thưởng gì nào?”
Lã Bất Vi không ngần ngừ nói: “Phong ngươi làm thượng khanh”
Cam La nghe xong thì mặt mày rạng rỡ hẳn lên
Cam La nhớ rằng khi mình còn rất nhỏ đã từng gặp Trương Đường một lần. Ấn tượng cũng đã mờ nhạt như giấc mộng xa xôi vậy. Ấn tượng cũng đã mờ nhạt như một giấc mộng xa xôi vậy. Trong tưởng tượng của Cam La, lão tướng quân Trương Đường đã qua đi cái năm tháng “tai sóng” rồi. Một đời trên yên ngựa rong ruổi giữa chốn sa trường, yên thân đã làm cho Trương Đường nghiên ngả, chòng chành thành một thân già lụ khụ rồi. Nhưng khi gặp tướng quân Trương Đường, Cam La vô cùng kinh ngạc bởi thân thể tráng kiện của ông. Tướng quân Trương Đường lưng không cong, vai không gù, đang ngồi trong phòng khách tiếp chuyện Cam La.
Trương Đường nói: “Bạch Câu quá khích, lâm mục thành âm, thoáng một cái tiểu Cam La sắp trở thành người lớn rồi. Không biết bây giờ ngươi định chơi ngón nghề gì đây?”
Cam La nói đầy vẻ nghiêm túc: “Tôi đâu được thanh thản như lão tướng quân. Một việc quan trọng sinh tử đang giày xé lòng tôi khiến tôi ăn không ngon, ngủ chẳng yên”
Trương Đường cười sảng khoái mà rằng: “Nhãi ranh như ngươi có việc gì to tát mà liên hệ đến việc sinh tử cơ chứ?”
Cam La vẫn nói với vẻ nghiêm túc: “Lời lão tướng quân nói rất đúng. Khi tôi còn rất nhỏ thì đã làm môn khách dưới trướng Lã tướng quốc rồi, hết thảy đều được hầu hạ, cơm bưng nước rót, không chút bận tâm, không chút lo lắng thì đương nhiên không có việc gì to tát can hệ đến sinh tử rồi. Mà tôi chỉ thấy buồn lo không yên về tai hoạ sắp giáng xuống đầu lão tướng quân đó thôi.”
Trương Đường không lấy làm ngạc nhiên mà rằng: “Nhãi ranh, muốn thứ gì ở lão phu cứ việc nói rõ, đừng có khoa trương thanh thế hòng hù doạ lão phu”
Cam La nghiêm mặt hỏi: “Lão tướng quân, công lao của ngài so với Vũ An quân Bạch Khởi thì công lao của ai lớn hơn?”
Trương Đường chịu nhận lép vế mà rằng: “Vũ An quân Bạch Khởi thống soái ngàn vạn binh mã, đánh đâu thắng đó. Nói là Bạch Khởi lập nên một nửa giang sơn quả là chẳng phải khoa trương. Cho dù Bạch Khởi đã bị Ứng hầu Phạm Thư xử tội chết đã nhiều năm nay nhưng người nước Tần đều biết công lao của Bạch Khởi. Lão phu đâu dám đánh giá công lao trước mặt Bạch Khởi chứ”.
Cam La biết rõ nhưng vẫn hỏi: “Lão tướng quân biết rằng công lao của mình không bằng Bạch Khởi chứ?”
Trương Đường thẳng thắn: “Đương nhiên là biết”
Cam La nói tiếp: “Thế tôi xin hỏi thêm lão tướng quân, Ưng hầu Phạm Thư so với Văn tín hầu Lã Bất Vi ai là người có quyền cao quýêt đoán hơn?”
Trương Đường suy nghĩ giây lát mà rằng: “Không phải nhà ngươi làm môn khách trong Lã phủ, lão phu cũng phải nói thật lòng. Ưng hầu Phạm Thư đâu có thể bì bằng Văn tín hầu Lã Bất Vi chứ”
Cam La nhấn mạnh ngữ khí hỏi vặn lại: “Lão tướng quân vẫn biết rõ quyền hành của Lã Bất Vi là rất lớn chứ?”
Trương Đường vẫn đáp lại là: “Đương nhiên biểt rõ”.
Giọng Cam La cũng đanh sắc mà rằng: “Điều gì lão tướng quân cũng đều đã rõ thì sao bây giờ lại hồ đồ đến bước chẳng còn thuốc gì cứu vãn nổi? Giống như năm nào, Ưng hầu Phạm Thư lệnh cho An Vũ quân Bạch Khởi đem quân đánh nước Triệu, Bạch Khởi cậy công kiêu ngạo bỏ lời Phạm Thư ngoài tai không chịu xuất quân mà làm theo cách của mình bất chấp mọi người vẫn cứ ở lại thành Hàm Dương. Kết quả ra sao? Bạch Khởi bị đuổi khỏi quốc đô, sau đó Phạm Thư lại sai người giết chết Bạch Khởi. Một đời danh tướng lại nát thây nơi tây thành Hàm Dương! Giờ đây Văn tín hầu Lã Bất Vi đã mấy lần sai người mời ngài đi sứ nước Yên, ngài lại cự tuyệt không tuân mệnh, không biết giờ đây lão tướng quân xuống hoàng tuyền ở chốn nào đây?”
Lời Cam La nói khiến Trương Đường bừng tỉnh giấc mộng, Trương Đường thở dài và hỏi Cam La: “Há Văn tín hầu Lã Bất Vi sai ngươi đến đây sao?”
Cam La nói: “Văn tín hầu Lã Bất Vi hành sự thi lệnh chỉ có một hai bận chứ đâu có năm lần bảy lượt được.Tôi chả là không nỡ thấy lão tướng quân lại dẫm vào vết bánh xe đổ của Bạch Khởi nên mới đến đây nói vậy thôi”.
Những lời Cam La nói khiến Trương Đường sợ hãi tái nhợt mặt mày.
Trương Đường ngồi trên sạp mà như đang ngồi trên thảm gai thì liền rướn người thi lễ Cam La mà rằng: “Tiểu thứ tử, nhà ngươi hãy cứu giúp lão phu phen này”.
Cam La nhẹ nhàng nói: “Lão tướng quân, ngài không nên hoang mang quá. Ngài hãy đến chỗ Văn tín hầu cúi đầu nhận tội và đồng ý đi sứ nước Yên là có thể biến dữ thành lành rồi”.
Trương Đường mời Cam La ngắm cảnh thưởng hoa, vui chơi thoả thích trong phủ của mình rồi ông phanh ngực lộ cánh tự mang roi đi thẳng đến phủ tướng quốc.
Lã Bất Vi thấy tướng quân Trương Đường cúi đầu nhận tội thì vội đỡ ông dậy và hỏi: “Lão tướng quân, sao lại đổi ý muốn đi sứ Yên quốc?”
Trương Đường nói vẻ ngượng ngùng: “Tục ngữ có câu Hữu chi bất tại niên cao, vô chí không hoạt bách tuế! Chính lời tiểu thứ tử của tướng quốc nói làm tôi hiểu ra điều đó.
Lã Bất Vi không tin lắm, hỏi rằng: “Một đứa trẻ ranh miệng còn hơi sữa đi khua môi múa mép lại có thể làm lão tướng quân động lòng ư?”
Trương Đường nói: “Lời tiểu thứ tử thấu tình đạt lý khiến tôi phải tâm phục khẩu phục”.
Điều đó khiến Lã Bất Vi thực sự bất ngờ. Tư Không Mã mấy lần mang chiếu của tướng quốc đến gặp nhưng Trương Đường không đả động. Mấy lời của tiểu Cam La lại khiến Trương Đường thay đổi đến nỗi tối tăm trời đất. Xem ra vị tiểu thứ tử đây tài hoa có phần khác người đấy. Chính ta cũng không phát hiện ra mà chỉ có hắn là thứ tầm thường vô dụng thật là có mắt như không.
Lã Bất Vi đang thầm trách mình thì Trương Đường hỏi: “Tướng quốc đại nhân khi nào tôi lên đường đi Yên quốc?”
Lã Bất Vi nói: “Đương nhiên là nên đi sớm không nên muộn rồi”.
Trương Đường vừa đi không được bao lâu thì Cam La cũng mừng rỡ quay về. Cam La nói với Lã Bất Vi rằng: “Tướng quốc đại nhân, hôm nào mời đại nhân ban chiếu phong thần làm thượng khanh nhé”.
Thế là Lã Bất Vi có phần phân vân khó xử. Không phong cho Cam La làm thượng khanh ư? Chính ta đã hứa rằng nếu Cam La thuyết phục được Trương Đường đi sứ Yên quốc thì sẽ phong làm thượng khanh. Đường đường là tướng quốc của một nước làm sao có thể nuốt lời được? Phong cho Cam La làm thượng khanh ư? Chỉ có mỗi việc thuyết phục Trương Đường đi sứ nước Yên e rằng công lao hơi ít, không đủ để ban chức thượng khanh. Biết làm sao đây…
Cam La thấy Lã Bất Vi lặng yên không nói thì liền nói: “Tướng quốc đại nhân, ngài không cần phải khó xử như vậy đâu. Ngài cứ phong tôi làm thượng khanh đi, tôi làm chơi mấy hôm rồi trả lại ngài thôi”.
Lã Bất Vi thấy Cam La khéo léođáng yêu, lại có thể thuyết phục được Trương Đường đi sứ nước Yên thì chứng tỏ rằng năng lực phân tích giải quyết vấn đề của Cam La không phải là hạng thường. Bản thân mình là tướng quốc và là chủ nhân thì phải nên khen thưởng, đề bạt, tạo cơ hội cho Cam La lập công dựng nghiệp.
Nghĩ đến đó, Lã Bất Vi liền hoà nhã thân thiện nói với Cam La rằng: “Chức thượng khanh không đơn thuần chỉ tốn mấy thứ nước bọt là lấy được. Thế này vậy, ngươi hãy giúp ta lấy năm thành trì Hà Gian của nước Triệu, khi đó ta sẽ phong cho ngươi làm thượng khanh”.
Cam La làm bộ người lớn nói: “Thần xin nghe sai khiến của quân hầu”.
Lã Bất Vi nói: “ngày mai ngươi hãy đến đây, ta sẽ có kế truyền đạt cho nhà ngươi”.
Cam La sảng khoái vui vẻ nhận lời rồi quay trở về chỗ ăn chỗ ở của các môn khách. Lã Bất Vi nhìn cái bóng vui mừng nhảy nhót của Cam La mà than rằng: “Thật là trẻ con!”
Trong mắt Trương Đường thì hết thảy mọi người trong phủ từ thê thiếp đến tôi tớ đều nhìn ông bằng con mắt buồn đau và lo lắng. Trương Đường biết những người này đều vã mồ hôi về việc ông đi sứ nước Yên. Uyển Cơ vợ ông thì khóc cả ngày, mặt mày ủ ê. Trương Đường cũng biết chuyến đi này lành ít dữ nhiều. Nhưng nếu không đi thì việc Lã Bất Vi trong tay một đống quyền hành sẽ khiến ông phải chết dễ dàng giống như giẫm chết một con kiến vậy. Còn nếu làm thành chuyến đi sứ Yên quốc này thì không chỉ có thể biến nguy thành hoà mà còn có thể được thăng quan tiến chức.
Trong phủ, không khí tang thương u uất vẫn ngày một nặng nề. Trong khi Trương Đường đang tỉ mỉ căn dặn Uyển Cơ thì tiền xe binh mã cũng đã chuẩn bị xong một cách nhanh chóng.
Buổi sáng hôm lên đường, trời bắt đầu mưa rả rích. Gió thu ào ào thỉnh thoảng lại tốc rèm mưa lên. Trong không khí thấm đượm sự u ám mịt mù khiến người ta cảm thấy xơ xác tiêu điều. Trương Đường không nỡ nhìn đám tôi tớ con cháu và Uyển Cơ nước mắt đầy mặt xen lẫn nước mưa đang đứng cạnh cửa, ông giật lấy chiếc roi từ người điều khiển và vụt thật mạnh vào mông con ngựa một cái, chiếc xe lắc mạnh và lao đi trong mưa. Khi gần đến cổng thành thì thấy tiếng trống phách dập dồn vọng lại đến đinh tai nhức óc. Trương Đường vén rèm xe bị mưa làm ướt lên thì thấy lố nhố những đầu đội mũ vẫn còn ánh lên vệt nước ở một chỗ sáng sủa không xa về phía trước, thương kích cờ quạt thì dày đặc tựa như cây khô không lá.
Đội xe của Trương Đường còn chưa đi đựơc bao xa thì bị chặn lại. Trương Đường liền sai người đi thăm dò thì liền biết ngay đội quân ấy là do Cam La chỉ huy đến tiễn biệt, ông vừa bực vừa buồn cười. Thật là trẻ con, muốn làm gì là làm. Cam La huy động nhiều người tham gia nghi thức này khiến ầm ĩ cả thành. Trương Đường vốn chọn một ngày mưa gió như vậy để lên đường là vì không muốn cho ai biết để tránh cho nước Triệu biết trước được tin này.
Một lát sau, Cam La liền đến cạnh xe của Trương Đường nói với ông rằng: “Trên đường đi lão tướng quân phải nổi trống giong cờ để tuyên truyền cho hết thảy lớn bé già trẻ được biết. Nhưng hãy đi chầm chậm. Khi đến gần biên giới của nước Triệu thì lão tướng quân hãy dừng chân đón nghe tin tức của tôi”.
Trương Đường không còn dám khinh thường Cam La nữa, ông vội hỏi: “Tiểu thứ tử, nhà ngươi lại có cẩm nang diệu kế gì chăng?”
Cam La nói: “Tôi làm theo kế của Văn tín hầu Lã Bất Vi đại nhân đó, lão tướng quân không nên hỏi nhiều. Tôi đi trước đến Hàm Đan đây”. Nói rồi, Cam La không để Trương Đường kịp hỏi han thêm gì bèn trèo lên xe của mình và khuất dần trong mưa gió mịt mù.
Mấy hôm sau đã bắn ra một tin mới trong thành Hàm Đan là: Tần quốc phái một đứa trẻ 22 tuổi đi sứ Triệu quốc.
Hiếu Thành vương nước Triệu lúc ấy đã qua đời, con trai Hiếu Thành vương là Triệu Uyển lên kế vị lấy hiệu là Điếu Tương Vương. Điếu Tương Vương biết Cam Mậu – cha của Cam La đã từng làm tới chức tả thừa tướng dưới thời của Tần Võ Vương và cũng là môn khách dưới trướng Lã Bất Vi thì không dám chậm trễ làm lễ trọng thể nghinh tiếp Cam La ở Tùng Đài.
Xưa nay Cam La chưa từng thấy trường hợp nào phô trương náo nhiệt như thế. Cam La và Điếu Tướng Vương cùng ngồi dưới triều. Cam La chỉ thấy hai bên triều, bá quan văn võ đều đứng như rừng mọc, thương kích dàn thành trận thì trong lòng không khỏi hồi hộp. Cam La nhớ đến lời Lã Bất Vi đã nhắc nhở; nhà ngươi hãy tỏ rõ phong độ của sứ thần một nước lớn và hãy lấy phong thái ngồi cao nhìn xuống mà nói chuyện với Triệu vương. Đã có trăm ngàn đạo quân hùng mạnh của Tần quốc hậu thuẫn cho ngươi rồi. Điếu Tương Vương sẽ không dám đụng đến một sợi lông của nhà ngươi đâu.
Nghĩ đến đây, Cam La liền trấn tĩnh lại hỏi: “Đại vương, ngài có nghe chuyện thái tử Đan nước Yên đi sứ Tần quốc chúng tôi không?”
Điếu Tương Vương gật đầu nói: “Có nghe nói”
Cam La lại hỏi: “Tần quốc chúng tôi cũng phái lão tướng Trương Đường đi sứ Yên quốc, đã lên đường đi từ lâu. Việc đó đại vương có biết không?”
Điếu Tương Vương nói: “Có biết!”
Cam La nói tiếp: “Thái tử Đan đi sứ Tần quốc biểu thị sự hoà hảo giữa Tần quốc và Yên quốc; Trương Đường đi sứ Yên quốc biểu thị sự hoà hảo giữa Yên quốc và Tần quốc. Yên Tần liên minh, Triệu quốc ở giữa Yên quốc và Tần quốc e rằng sẽ nguy khốn đó.”
Điếu Tương Vương không hiểu bèn hỏi: “Yên Tần liên minh thì làm sao Triệu quốc chúng tôi lại nguy hiểm chứ”
Cam La nói ngay: “Thưa điện hạ, thế ngay cả việc Tần Yên liên quân tấn công Triệu quốc ngài cũng không nhận ra ư?”
Điếu Tương Vương lòng nặng trĩu sợ hãi hỏi: “Chúng tôi đâu có đắc tội với Tần quốc, tại sao Tần quốc lại liên minh với Yên quốc tấn công chúng tôi chứ?”
Cam La nói: “Bệ hạ nói rất phải. Nguyên nhân Tần quốc đánh Triệu quốc là do Văn tín hầu Lã Bất Vi muốn có năm thành trì ở Hà Gian của Triệu quốc đó”.
Điếu Tương Vương biết rằng, Triệu quốc không thể chống đỡ được liên minh Tần Yên mạnh như con thú dữ và dòng thác lũ thì ngồi đỡ đầu trên ngai vàng.
Cam La thừa thế nói: “Bệ hạ, ngài không nên lo lắng về chuyện này. Tôi có một kế giải nguy giúp ngài”.
Điếu Tương Vương vội vàng nói: “Nói mau đi!”
“Theo ý tôi, chi bằng bệ hạ cứ dâng năm toà thành trì ở Hà Gian cho Văn tín hầu Lã Bất Vi làm phong ấp của ông ấy. Sau đó ngài hãy đề nghị Lã Bất Vi cắt đứt liên minh với Yên quốc. Một khi Yên quốc mất đi cách tay phải hỗ trợ đắc lực là Tần quốc thì ngài có thể tấn công Yên quốc được rồi. Tôi thấy Yên quốc nhỏ bé nhất định sẽ không chịu nổi một đòn đâu. Bệ hạ có được đâu phải chỉ có năm toà thành trì”. Cam La nói một cách xúc tích.
Đíêu Tương Vương đổi buồn thành vui, vỗ tay khen hay: “Xin sứ thần Cam La chuyển lời cho Văn tín hầu Lã Bất Vi rằng quả nhân tình nguyện dân năm thành trì ở Hà Gian”.
Cam La hỏi: “Chỉ nói suông vậy thì lấy gì làm bằng chứng?” Điếu Tương Vương liền sai người mang bản đồ của năm toà thành trì Hà Gian đến, đóng lên ngọc tỉ và giao cho Cam La.
Cam La như vớ được vàng, giấu ngay bản đồ và rời khỏi Hàm Đan. Khi đến giáp ranh giữa Tần và Triệu thì Cam La thấy Trương Đường cắm trại đợi tin. Khi Cam La kể xong quá trình giành được năm toà thành trì ở Hà Gian thì lão Trương Đường mừng rơi nước mắt không ngớt lời ngợi khen Cam La rằng: “Tiểu thứ tử thật đúng là thần đồng!”
Cam La xua tay mà rằng: “Việc này đều do Văn tín hầu Lã Bất Vi đã đoán trước được sự việc như thần vậy. Tôi chẳng qua chỉ làm theo kế đó thôi. Chúng ta mau trở về thành Hàm Dương để tướng quốc nhận được tin vui mừng sớm.
Sông Kinh Hà trước mắt đã thay đổi bộ mặt cũ. Khắp chốn mọi nơi trên bờ sông đều chất đầy gỗ đá. Còn như con đường ở giữa thì lại ngoằn nghèo chật chội như ruột rắn. Dân phu đông như kiến, mồ hôi họ ướt đầm như mưa đang đào kênh khắp kinh thành. Con sông vốn ngoằn nghèo không ra thể thống trước đây giờ đã được gọt cho thẳng. Con kênh rộng rãi thẳng tắp đã dần hiện ra mô hình của nó.
Xe của Lã Bất Vi đến bên bờ sông Kinh Hà, trời đã về trưa. Đá và ngô được chuyển đến đây không ngớt nhưng đã bị hao đi một lượng vật tư lớn. Cũng không biết bị Trịnh Quốc đảm nhiệm công trình thuỷ lợi từ nước Hàn tới sửa kênh rạch thành thứ quỷ quái gì rồi. Tay môn khách Trịnh Thược thường hay ba hoa chích choè về tay thân thích họ hàng này, Lã Bất Vi phải đích thân đến xem sự thể ra sao. Hơn nữa, tiến độ biên soạn bộ “Lã thị xuân thu” do các môn khách biên soạn cũng bị trì trệ, nội dung thể loại cũng bị lộn xộn rối tung cả lên.
Lã Bất Vi thấy tiến độ công trình đào kênh khơi rạch rõ ràng thì rất lấy làm vui vẻ, cho người đi tìm Trịnh Quốc và Lý Tư đến. Gò má của Trịnh Quốc và Lý Tư đều bị nắng làm cho cháy đỏ, vừa nhìn thì đã biết họ luôn làm tiên phong. Lã Bất Vi cùng Trịnh Quốc và Lý Tư ngồi xuống. Lã Bất Vi lắng nghe vị giám sát công trình thuỷ lợi từ Hàn quốc đến tường thuật kế hoạch xây dựng quy mô và tiến độ thi công thì gật đầu khen ngợi không ngớt. Cuối cùng Trịnh Quốc nói: “Con kênh này có lợi trước mắt, nó là tiếng vang để lại cho đời sau, là cái kế hàng năm, lấy chất lượng làm hàng đầu. Xin tướng quốc đại nhân hãy tăng thêm việc chuyển đá và số lượng dân phu để tăng tiến độ thi công. Lã Bất Vi lần lượt đồng ý rồi căn dặn Lý Tư và Trịnh Quốc phải về Hàm Dương để tham gia biên soạn “Lã thị xuân thu”. Trịnh Quốc lưu luyến nói, Lý xá nhân đây là vị anh tài trị quốc, lao động không phân biệt chủ tớ nhọc nhằn, quản lý mọi việc đều rất rõ ràng mạch lạc.
Lã Bất Vi ven theo bờ sông quan sát một lượt rồi cùng Lý Tư ngồi cùng một xe trở về Hàm Dương. Ở trên xe, Lã Bất Vi lại hỏi Lý Tư về tình hình đào kênh khơi rạch, Lý Tư đều trả lời rõ ràng đâu vào đấy cả. Đợi Lã Bất Vi nói ấn tượng về Trịnh Quốc của mình xong, Lý Tư muốn nói lại những băn khoăn lo lắng. Lã Bất Vi liền nói: “Lý xá nhân, đây là chúng ta đang nói chuyện tầm phào chứ không phải đang đọc văn Tân cho đại vương nghe nên không cần phải cắt gọt câu chữ, cân nhắc nhiều bề”. Lúc đó Lý Tư mới nói: Trịnh Quốc đúng là am hiểu kỹ thuật đào kênh khơi rạch, chỉ có điều kế hoạch thiếu kiện toàn nên vật liệu lãng phí hơi nhiều.
Lã Bất Vi ra chiều suy nghĩ mà rằng: À ra vậy!
Đường đất Hà Sáo không rắn chặt. Bánh xe như bị xoáy vào trong đất. Một lúc rất lâu xe của Lã Bất Vi mới đến được đoạn đường đất cứng. Bốn con ngựa cùng nương rộng vó cứ cắc cắc cắc phi như bay vậy. Lã Bất Vi cũng ngủ thiếp đi theo sự lắc lư của bánh xe. Cái kế sinh nhai của một vị tướng quốc là một ngày trăm phương ngàn kế khiến Lã Bất Vi bị mệt mỏi ghê gớm. Mọi việc lớn nhỏ trong triều không việc nào không cần đến sự quyết đoán của ông. Lã Bất Vi nuôi kế hoạch thống nhất thiên hạ bằng cả tâm huyết của mình. Ông cho quân thám thính tình hình quân đội của sáu nước chư hầu ở Quan Đông giống như đèn kéo quân trở về Hàm Dương vậy. Quân thám thính báo cáo quân cơ cho Lã Bất Vi. Lã Bất Vi phân tích tỉ mỉ những tin tức này mà không dám để lộ một động thái nào rồi sau đó mới dùng kế dùng binh. Việc chọn dùng khảo sát của bá quan văn võ cũng phải toàn tâm toàn ý sao cho dùng đúng điểm mạnh, tránh dùng điểm yếu. Những người chí khí trung thần, những người có thành tích xuất sắc rõ ràng thì thăng quan tiến chức; những kẻ tiểu nhân xảo quyệt thì không thể để chúng đắc ý được. Chỉ có như thế thì nhân tài của triều điìh mới trong sạch và liêm khiết được. Còn cả việc ăn mặc và sinh hoạt của trăm dân nữa cũng không được khinh suất. Một khi có hạn hán lũ lụt dưới các quận huyện thì không chỉ làm cho ông ta phải thấp thỏm lo lắng mà ông còn phải điều lương thực đến để cứu tế. Còn cả sự hoạt động của cung Chương Đài cũng do ông điều khiển. Tuy rằng xưa nay ông chưa hề so đo những việc cỏn con như hạt thóc hạt vừng nhưng việc chi tiêu, việc tế lễ đình đám trong cung, việc bảo vệ phòng thủ chung quanh ông cũng luôn phải chú ý đến… Những việc đó cũng như ngàn vạn nút sợi, cũng giống như những mắt lưới đang chụp lấy ông. Nhưng Lã Bất Vi cũng không luống cuống đến độ cẩu thả bừa bãi mà ông thường nắm bắt mấu chốt một cách nghiêm túc có căn cứ.
Lã Bất Vi cảm thấy dường như đường bị ách lại. Khi xe dừng lại thì nghe thấy tiếng binh khí va chạm vào nhau và tiếng người ngựa huyên náo vây chặt lấy. Lã Bất Vi mở đôi mắt hãy còn ngái ngủ nhập nhèm nhìn xem thì thấy xe của mình đang bị một đội quân tiến về phía trước ngăn lại. Mấy chục chiếc xe và đến vài nghìn binh lính của cả hai bên bị nhuộm nhoạm vào nhau, người này chen vào người kia, cứ giống như cháo bị nấu quá lửa vậy. Lã Bất Vi nhìn vào màu cờ và đồ án phía đối phương thì mới biết đó là đội quân hộ giác của công tử Thành Tề.
Lã Bất Vi cảm thấy Thành Tề là em vua một nước mà không xuống xe thi lễ thì thật là thất lễ. Thế là Lã Bất Vi sai Lý Tư vén rèm xe lên rồi điều chỉnh cho chân mình đứng vững trên thành xe một cách ngay ngắn. Lã Bất Vi lại ra lệnh cho một môn khách truyền đạt lại mệnh lệnh của mình rằng: “Người xe ngựa đều không được nhốn nháo tranh đường. Ai ở chỗ đấy, không được huyên náo nghe điều phái của tướng quốc đại nhân Lã Bất Vi”. Mệnh lệnh vừa chấm dứt thì người ngựa đều im bặt không động đậy cả thảy như thể bị đông cứng lại.
Lã Bất Vi đến cạnh chiếc xe không có màu sơn cất giọng nói: “Tuỳ tùng và ngựa xe của phủ tướng quốc nhất loạt tránh vào lề đường để đội xe của công tử Thanh Kiều qua”. Mệnh lệnh vừa ngớt thì ngựa xe của tướng quốc nhất tề tránh sang một bên, đường đi đã trở lại trật tự và yên ắng.
Đội quân của Thành Tề đi qua xong thì dừng lại rất lâu mà không tiến về phía trước mà cũng không đến chào các vị khanh tướng. Lã Bất Vi đã rõ, đó là Thành Tề đang đợi Lã Bất Vi đến bái kiến. Lã Bất Vi nghĩ: “Ta vừa là bậc tướng quốc lại vừa là bậc cha chú ngươi. Ta xuống xe dẹp đường cho ngươi, cũng là nhân nghĩa rồi. Nếu ngươi không sai người đến đáp lễ thì ai người đó đi vậy”.
Vẫn một hồi im ắng rất lâu thì quả nhiên có một vị là thái bác của Thành Tề đi đến thi lễ với Lã Bất Vi xong và nói: “Công tử Thành Tề sai tôi đến cám ơn và hỏi thăm tướng quốc đại nhân”.
Lã Bất Vi nói: “Ta cũng chúc phúc và hỏi thăm công tử Thành Tề. Chẳng hay công tử huy động nhiều người là thế nào vậy?”
Thái bác của Thành Tề trả lời lại rằng: Tử Hề điện hạ tổ chức đại hội mùa thu ở Bình Ấp. Đại lễ có không ít cảnh đẹp và thú vui vô cùng náo nhiệt và có mời công tử chúng tôi đến tiêu khiển.
Lã Bất Vi nghĩ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Con người Tử Hề bụng dạ phản trắc, xấu xa, rồi không biết sẽ làm cho công tử Thành Tề có ý đồ xấu gì đây? Sau này sẽ càng phải chú ý tới động tĩnh của Bình Ấp mới được”. Tuy Lã Bất Vi tính toán như vậy nhưng miệng thì lại nói: “Chúc công tử Thành Tề thuận buồm xuôi gió, vui chơi vui vẻ thoải mái ở Bình Ấp’.
Lã Bất Vi và Lý Tư vừa về đến thành Hàm Dương thì Cam La và Trương Đường cũng mặt mày rạng rỡ chiến thắng trở về. Cam La dâng bản đồ năm toà thành ở Hà Giang cho Lã Bất Vi. Trương Đường thì ở bên cạnh thêm cành thêm lá tô vẽ việc Cam La mưu trí dũng cảm, không tốn một chút hơi sức nào mà giành được năm toà thành Hà Gian. Kỳ thực Trương Đường đâu biết được đó là do Lã Bất Vi quyết định sách lược tác chiến ở phía sau mà quyết thắng vượt ngàn dặm. Lã Bất Vi thì tươi cười rạng rỡ khen ngợi Cam La rồi truyền lệnh làm lễ mừng công thắng lợi chúc mừng thượng khanh Cam La trong phủ Tướng quốc.
Di Hồng hay tin năm toà thành ở Hà Gian của nước Triệu đã về tay nước Tần thì vui mừng khôn xiết. Lúc trước Lã Bất Vi có ngoa miệng rằng: “chỉ cần mẹ con Thành Tề có dũng khí thì chờ đến khi chiếm được thành ấp ở Hà Gian sẽ lấy hai thành làm phong ấp của Thành Tề. Di Hồng thấy con trai của mình đã ngày càng khôn lớn, lại là em vua thì càng phải có nhiều phong ấp hơn để mở rộng địa bàn, nuôi dưỡng bản lĩnh, đợi khi Lã Bất Vi tuổi ngày càng cao hoặc có mệnh hệ gì thì sẽ để con mình làm tướng quốc. Hai con trai của Dị Nhân Trang Tương Vương một đứa làm vua, một đứa làm tướng quốc cùng hỗ trợ bổ sung cho nhau thì sẽ vô địch thiên hạ. Bà ta cũng được thoả lòng nơi chín suối.
Sáng hôm ấy, Di Hồng trang điểm xong xuôi thì ngồi xe vua lên thẳng phủ tướng quốc. Vừa thấy Di Hồng – di thiếp của tiên vương đến, Lã Bất Vi liền hiểu ngay mục đích của bà ta thì long trọng tiếp đón. Lã Bất Vi vừa nói chuyện với Di Hồng vừa nghĩ cách trả lời sao với vị di thiếp này của tiên vương. Lã Bất Vi luôn có cảm tình với người cung nữ bên cạn Hiếu Thành Vương nước Triệu, có mối tình thâm với Dị Nhân và cũng từng vào sinh ra tử đến từ thành Hàm Dương này. Nhưng khi Di Hồng khuyên nhủ với Lã Bất Vi về chuyện Dị Nhân trước đây thu nhập và giúp đỡ bà ta thì mối cảm tình ấy cũng dần dần bị nhạt mất đi. Lã Bất Vi biết điều đó nhưng cũng mặc kệ. Nếu không phải là chuyện từ Kinh Hà về Hàm Dương, Lã Bất Vi được biết chuyện công tử Thành Tề đến tham dự lễ hội mùa thu của Tử Hề thì chắc rằng ông sẽ không ngần ngừ vạch ra hai thành trên bản đồ cho Thành Tề làm phong ấp của mình. Nhưng trên đường thấy cảnh Thành Tề đến Bình Ấp làm Lã Bất Vi phải cảnh giác. Tướng không thuộc dòng dõi vua còn chưa muốn trao huống hồ một người là chú vua, một người làm em vua. Lã Bất Vi nhớ lại chuyện Công Thúc Đoạn – em trai Trịnh Võ Công lấy phong ấp Kinh Địa làm cứ điểm rồi phát động phản loạn. Lúc đầu Võ Khương - vợ Trịnh Võ Công muốn xin Hổ Lao làm phong ấp cho con trai út. Trịnh Võ Công đã thấy từng chân tơ kẽ tóc, đã thấy được ý đồ của Công Thúc Đoạn thì nói với mẹ mình rằng: Không được, vì Hổ Lao là cửa ải trọng yếu, ấp của Trịnh Võ Công chỉ làm theo mệnh lệnh. Nếu lúc đó Trịnh Võ Công nể tình anh em ruột thịt mà thưởng Hổ Lao cho Công Thúc Đoạn thì Công Thúc Đoạn sẽ trở thành nguy hiểm và tạo phản thì chẳng phải đã bị bình định một cách dễ dàng rồi sao. Lã Bất Vi liên hệ chuyện đó đến chuyện năm thành Hà Gian. Địa phận năm thành thì ở giữa Yên và Triệu, là cửa khẩu quân sự quan trọng. Một khi quân của Thành Tề đã đông mạnh thì Tần vương cũng ở ngoài tầm tay rồi, không thể khống chế nổi. Nếu như hắn phản Tần và phối hợp tác chiến với Yên Triệu thì chẳng khác nào như Tề Trọng từng nói: “Cỏ mọc lan khó bề cuốc dỡ”.
Nghĩ đến đây, Lã Bất Vi không lạnh mà run liền nói với Di Hồng là: “Việc triều chính đại sự đều do Thái hậu quyết định. Coi như việc phong thưởng cho hoàng thân quốc thích cũng phải thông qua Thái Hậu”.
Lã Bất Vi thấy Di Hồng nghe xong thì đôi mắt vốn trong suốt bỗng mờ đi.
Di Hồng không biết là Lã Bất Vi chỉ qua loa cho xong với mình hay việc này nhất thiết phải do thái hậu quýêt định. Trương Tương Vương qua đời đã bấy lâu nay, tuy bà không tham gia việc triều chính, nhưng kẻ ra người vào trong cung đến những tin tức trong triều đều không ngừng truyền đến. Rồi cả từ trong những lời qua tiếng vào của cung nữ hoạn quan tạp dịch, Di Hồng cũng nắm được một số cơ quan trọng yếu. Bà cảm thấy như chuyện cho Thành Tề hai thành Hà Gian làm phong ấp thì tướng quốc Lã Bất Vi quyết định được. Nhưng Lã Bất Vi bảo phải bẩm tấu với Thái hậu thì có lẽ đúng như thế thật. Ta cũng không liệt vào hàng tiền đường nên cũng không rõ chuyện đấy lắm. Nếu tướng quốc đại nhân bảo ta đi hỏi thái hậu thì ta đi vậy. Thái hậu thì có gì ghê gớm lắm đâu, chẳng phải thái hậu ăn nằm với Trang Tương Vương sớm hơn ta mấy hôm đó sao? Nếu ta nhanh chân đến trước thì chẳng phải đã là chính thất, chẳng phải đã là Thái hậu rồi soa? Hừm…
Khi sắp sửa đi, Di Hồng không kiêu ngạo cũng không tự ti nói với Lã Bất Vi rằng: “Lã đại nhân đã bảo tôi đi bẩm tấu Thái hậu thì tôi sẽ về cung Chiêu Thanh gặp người chị em Triệu Cơ xem Triệu Cơ sẽ trả lời ra sao!”
Di Hồng đi rồi, Lã Bất Vi sợ Triệu Cơ không hiểu mối nguy hiểm khuất tất trong chuyện này. Nếu thật đã nhận lời giao hai thành Hà Gian cho Thành Tề làm phong ấp thì khó lòng thu lại mệnh lệnh đã ban, gieo xuống mầm hoạ. Bây giờ nhất định ông phải đi tìm Triệu Cơ nói rõ tình hình, không thể chấp nhận lời thỉnh cầu của Di Hồng được. Lã Bất Vi lệnh cho đầy tớ dắt ngựa đến, bản thân không mang tuỳ tùng theo rồi đi thẳng tới điện Chiêu Thanh như một làn khói vậy.
Vào đến điện Chiêu Thanh, Lã Bất Vi đi thẳng đến phòng ngủ của Triệu Cơ. Khi Lã Bất Vi đi thẳng đến cửa nhỏ thì nhìn thấy một dải lụa xanh bay phấp phới nơi mí cửa. Lúc ấy, Lã Bất Vi mới nhớ ra, dễ đến năm bảy hôm không suồng sã cùng Triệu Cơ cho thoả dục vọng rồi. Những ngày đó, Lã Bất Vi bận túi bụi không có lấy một chút thảnh thơi nào nên không mảy may nghĩ đến chuyện cụng đầu, cùng chung chăn gối với Triệu Cơ. Nhìn thấy dải lụa xanh, Lã Bất Vi mới thấy một tình cảm mãnh liệt đang dâng trào.
Triệu Cơ trang điểm thật tươi tắn trẻ trung, đang nói chuyện cùng các cung nữ bỗng nghe thấy ba tiếng choang choang ngoài cột hành lang thì đôi mắt hổ phách của Triệu Cơ bỗng sáng rực lên, trong lòng mừng rỡ nói: “Tướng quốc đã đến!”
Triệu Cơ đứng dậy trước gương đồng, ngắm nghía lại dung nhan rồi nó với các cung nữ: “Các ngươi lui ra”
Lã Bất Vi vào phòng ngồi xuống sạp, còn chưa lấy lại được nhịp thở bình thường thì Triệu Cơ đã sà vào lòng Lã Bất Vi nũng nịu nói: “mấy ngày này ngài đi đâu để thiếp nhớ chết đi đuợc. Thiếp cho người đến phủ tướng quốc tìm nhưng cũng chẳng thấy đâu.”
Lã Bất Vi âu yếm Triệu Cơ một lát rồi đẩy Triệu Cơ ra khỏi lòng nói: “Có việc quan trọng không thể làm nhỡ”. Sau đó Lã Bất Vi đem chuyện Di Hồng, Thành Tề muốn xin hai thành Hà Gian làm phong ấp và lý do không thể chấp thuận cho Triệu Cơ nghe, sau đó dặn dò Triệu Cơ tỉ mỉ. Triệu Cơ nói: Thiếp chẳng phải là đứa trẻ năm ba tuổi mà phải để ngài dăn dò năm bảy bận. Lã Bất Vi nói: Ta đã nói với Di Hồng là việc này do Thái hậu quyết định, nàng hãy tìm lý do chính đáng để từ chối bà ta.
Triệu Cơ nói: “Ai dà, giờ đây thiếp còn lòng nào mà đi cắt gọt chuyện đó với ngài nữa, ngài mau thay quần áo lên giường cho thoả tình đi thôi”.
Lã Bất Vi nhìn ra ngoài cửa, mặt trời chiều đang tàn dần, bầu trời giống như một dải lụa màu rực rỡ ánh sáng. Có cái gì đó khó nói làm sao. Trời vẫn còn sớm quá, không tận dụng được hết các hứng thú. Triệu Cơ nói với vẻ đầy dâm dục, người ta đang trong cơn thèm thuồng thì ăn thịt lúc nào mà chẳng ngon. Nói rồi liền nhào vào như dòng thủy triều cuốn lấy Lã Bất Vi.
Di Hồng cũng ở trong điện Chiêu Thanh. Triệu Cơ ở phía Đông, Di Hồng ở phía Tây, ở giữa có cách một cái sân đình. Di Hồng ở phủ tướng quốc về thì nghỉ ngơi trong phòng mình một lát rồi đến cung phía Đông để gặp Triệu Cơ. Di Hồng cảm thấy việc xin hai thành cho Thành Tề phong ấp việc mười đã chắc chín.
Di Hồng vừa đi đến cửa nhỏ cung Đông thì bị các cung nữ chặn lại. Cung nữ nói với Di Hồng rằng: “Thái hậu đã dặn rằng đang làm việc triều chính cùng Lã tướng quốc, bất kể người nào cũng không được phép quấy rầy. Di Hồng chấp vấn lại: “Ta đường đường là vợ tiên vương, muốn gặp thái hậu một chút mà khó như lên trời vậy sao?” Cung nữ canh cửa nét mặt xấu hổ vội quỳ sụp xuống tạ tội nói rằng đó là ý của thái hậu. Di Hồng coi như không có ai vừa xông vào trong vừa nói: ta gặp thái hậu cũng để bàn việc triều chính. Cung nữ cũng không biết Triệu Cơ và Lã Bất Vi đang quấn quýt trên sạp, lại thấy Di Hồng cũng là vợ của thiên vương liền không ngăn cản ráo riết nữa mà cứ để cho Di Hồng đi vào.
Ngày thường, trong hành lang thông đến phòng ngủ của Triệu Cơ ở trong cung thì tấp nập các cung nữ ra ra vào vào, váy áo sặc sỡ nhưng hôm nay thì trống vắng không còn một bóng nào. Di Hồng cảm thấy rất kỳ quặc. Di Hồng đến trước cửa phòng ngủ của Triệu Cơ lấy tay đẩy cửa nhưng cửa đóng then cài. Bà ta bèn nghiêng người lắng nghe thấy bên trong hình như có tiếng động song lại im bặt. Bà ta gọi liền mấy câu “Thái hậu” nhưng không nghe thấy trả lời mà chỉ thấy gió lùa trống trải qua hành lang phát ra những âm thanh như đang nức nở nghẹn ngào.
Di Hồng quay người về được mấy bước thì bỗng loé lên ý nghĩ: “Hay là Triệu Cơ và Lã Bất Vi đang dâm loạn ở bên trong?” Ý nghĩ đó vừa loé lên trong đầu khiến cho tim Di Hồng đập rộn rã, hồi hộp vô cùng. Di Hồng lấy lại bình tĩnh và nghĩ: “Nếu Triệu Cơ và Lã Bất Vi quả thật là như thế thì thật là tàn nhẫn, không có tình người, phải trời tru đất diệt”.
Lòng hiếu kỳ thúc giục Di Hồng nấp sau một chiếc cột to phía hành lang chăm chú nhìn về phía cửa phòng ngủ của Triệu Cơ. Ánh mặt trời nóng sáng đã dần dần chuyển sang màu vàng cam. Di Hồng đứng đến nỗi lưng mỏi vai đau. Cánh sửa sơn điêu khắc hoa lá trong mắt Di Hồng có lúc thấy xuất hiện dáng người. Cuối cùng thì cánh cửa kia cũng được mở ra. Cùng với tiếng động cọt kẹt của cánh cửa, Di Hồng nhìn thấy dáng người khôi ngô của Lã Bất Vi lộ ra, tiếp theo đó là gương mặt phờ phạc nhưng đầy no đủ của Triệu Cơ. Nhìn mái tóc rối bù của Triệu Cơ, Di Hồng đã tưởng tượng ra cảnh mây mưa của hai ngươi. Di Hồng nghe thấy Triệu Cơ nói với Lã Bất Vi bằng một giọng kìm nén: “Ngày mai chàng lại đến nữa nhé!”
Lã Bất Vi nghiên ngó nhìn tứ phía sau đó thì đi ra, như không có chuyện gì. Di Hồng vội nấp vào phía sau cột hành lang trong lòng cảm khái muôn phần nói: “Ban ngày ban mặt, trong tưởng tượng của mọi người thì người là một vị quân tử đạo mạo khiêm tốn lễ độ, nhưng ở đằng sau mọi người lại làm trò mờ ám của bọn hạ lưu hèn mạt”. Di Hồng khám phá ra bí mật này xong thì vừa phấn khởi vừa ghen ghét. Thế là bà có thể năm chuôi việc giữa Triệu Cơ và tướng quốc rồi và điều đó đủ ép bọn họ lấy hai thành Hà Gian cho Thành Tề phong ấp. Nhưng trong lòng Di Hồng lại trào lên sự cô liêu, buồn bã. Từ khi Trang Tương Vương băng hà, bản thân bà đã cô quả chăn đơn gối lạnh. Còn như thái hậu tuổi đã toan về già nhưng lòng ham muốn vẫn được đền đáp. Thấy bóng Lã Bất Vi đã xa dần thì Di Hồng cũng trơ trọi trở về phòng ngủ của mình.
Khi trời đã tối thì Di Hồng bèn tìm đễn chỗ Triệu Cơ. Hàn huyên chưa được bao lâu thì Di Hồng liền ngầm bắn tin với Triệu Cơ rằng: “Lúc chiều em đến tìm thái hậu, em gọi cửa rất lâu mà không thấy mở cửa. Đêm qua vất vả nỗi gì mà buổi trưa ngủ say như đá chùn vậy?” Di Hồng hỏi rồi đưa mắt nhìn Triệu Cơ.
Triệu Cơ nghe ra ngụ ý của Di Hồng nhưng lại bịa chuyện nói với Di Hồng rằng: “Bạn gái ngốc ngếch của ta ơi, một người thông minh như em sao lại trở nên ngu ngốc thế. Buổi chiều ta bơi thuyền trong ngự hoa viên mà, có ở trong phòng ngủ đâu. Dù em có gõ cửa đến sấm vang chớp giật thì cũng không có ai mở cửa đâu!”
Trong lòng Di Hồng thầm rủa rằng: “Hễ kéo váy lên là không nhận, thật là con đàn bà ghê tởm. Rõ ràng là mình nhìn thấy mái tóc rối bù của nhà ngươi sau khi chung đụng với Lã Bất Vi mà còn nói dối ta”. Di Hồng biết không thể nói toạc ra chuyện này được. Mà cho dù có nói ra thì Triệu Cơ cũng chối đây đẩy. Còn Di Hồng thì cũng không thể ấn hai người xuống giường để mọi người tận mắt chứng kiến.
Di Hồng ba phải mà rằng: “Thái hậu nằm mơ hay sao, bơi thuyền du ngoạn chẳng phải là chuyện của mấy hôm về trước đó sao?”
“Hứ, chuyện đùa! Từ chuyện lớn như chuyện ngoại giao nội vụ đến chuyện nhỏ như chuyện sinh hoạt hàng ngày, việc lớn việc nhỏ nào ta cũng đều để quan thái sử ghi lại, có thể kiểm tra đối chiếu”. Triệu Cơ không để Di Hồng vặn vẹo lôi thôi, liền hỏi thẳng vấn đề: “Này em, có chuyện gì, nói thẳng ra đi, đừng vòng vèo lôi thôi nữa”.
Thế là Di Hồng liền đưa ra việc muốn xin hai thành Hà Gian cho Thành Tề làm phong ấp. Vì Lã Bất Vi đã cảnh giác chuyện này trước đó nên Triệu Cơ đã tìm được lý do để nói cho xong chuyện với Di Hồng, Triệu Cơ vờ vĩnh nói: “Khi Cam La lấy được năm toà thành ấp của nước Triệu làm địa phận của Tần quốc thì ta cũng mừng thầm định lấy một hai thành để công tử Thành Tề làm phong ấp. Nhưng khi thảo luận với tướng quốc thì thấy rất nhiều vấn đề nan giải. Chúng ta liên minh với nước Yên thì lợi ích giành được đều phải chia đều. Dự tính sẽ chia cho nước Yên hai thành, thưởng hai thành cho Cam La còn lại một thành thì làm phong ấp của Lã Bất Vi.
Di Hồng nghe xong thì biết ngay đó là do Triệu Cơ và Lã Bất Vi đã bàn bạc từ trước, trước khi việc xảy ra thì đã bố trí một cái bẫy sẵn để bà ta mắc vào. Triệu Cơ nói ra mấy lý do khiến Di Hồng không còn nói được vào đâu nữa. Hai nước Tần Yên đồng tâm hiệp lực, nước Yên được chia hai thành là hoàn toàn hợp lý. Cam La thuyết phục được Trương Đường rồi lại đích thân đến Hàm Đan, vừa vất vả vừa có công lớn đựơc thưởng hai thành là chính đáng. Tướng quốc Lã Bất Vi hoạch định kế sách bên trong, được một thành làm phong ấp cũng không phải là lừa dối, cưỡng đoạt của cải hay quyền lợi nào cả.
Di Hồng đứng dậy nói lạnh nhạt: “Làm phiền thái hậu quá!” rồi đứng dậy ra về. Di Hồng về đến phòng mình thì ngồi buồn, trong lòng cảm thấy Thành Tề là công tử của tiên vương mà đến hai thành làm phong ấp không được thì bức người quá đáng. Bà từ cung điện Tùng Đài ở Hàm Đan đến. Trong thành Hàm Dương còn chẳng có ai thân thích thì nói gì đến chuyện trong đám vương hầu quan tương lại có người tri kỷ hiểu lòng bà. Nhưng Di Hồng cũng không cam lòng nhẫn nhục để người khác ăn hiếp mình.
Di Hồng nghĩ đi nghĩ lại và thấy có một cách có thể trả thù Lã Bất Vi và Triệu Cơ.
Trong mắt Di Hồng thì từ hồi lang cửu khúc, đài ca vũ tạ trong cung đến từng nhành cây chiếc lá, trăng mờ sao thưa tất cả đều rất thắm thiết dịu dàng. Nhưng từ hôm phát hiện ra Lã Bất Vi và Triệu Cơ thông dâm thì Di Hồng thấy tất cả đều giống như cảnh trí trong câu chuyện vậy, đầy sự thấp thỏm hồi hộp và dường như sắp xảy ra điều gì đó. Bây giờ bà cần phải thực hiện kế hoạch báo thù. Tất cả mọi vật trong điện Chiêu Thanh đều phủ lên một bóng đen đáng sợ.
Đã rất lâu Di Hồng không đến cung Chương Đài rồi. Sáng hôm ấy, Di Hồng cho cung nữ giăng lưới bắt hai con chim nhỏ nhốt vào trong chiếc lồng đẹp đẽ rồi bà đến gặp Tần vương Doanh Chính. Người ta thường nói: “Xa cách lâu ngày, khi gặp lau mắt mà nhìn”. Di Hồng ngẫm một lúc thấy cũng đã rất lâu không gặp Doanh Chính, có lẽ Doanh Chính đã rất cao lớn rồi. Từ xa bà nhìn thấy hình dáng và khuôn mặt của Doanh Chính thì giật mình. Dáng hình Tần vương giống Lã Bất Vi quá, hai người như thể một mẻ gạch được đúc ra từ một khuôn vậy. Như thế thì Triệu Cơ và Lã Bất Vi thông gian xong thì mới có Doanh Chính.
Doanh Chính đang ngồi trên bệ rồng sơn hoa trong điện lớn, thấy Di Hồng mang đến hai con chim nhỏ linh hoạt ngoan ngoãn thì người không chút động đậy, nói: “Cảm ơn dì!”, sau đó gọi Triệu Cao nhận lấy lồng chim rồi không nói gì thêm. Di Hồng hỏi: “Đại vương không thích sao?”
Doanh Chính nghiêm mặt nói: “Thích”
Di Hồng nói: “Thích thì chơi đi!”
Triệu Cao tự mình tiếp lời: “Đại vương sắp sửa tự mình chấp chính rồi, hàng ngày đều phải đọc bộ luật nên không được hứng thú lắm với các loại tiêu khiển trò chơi”.
Di Hồng đưa mắt nói: “Gần đây tướng quốc Lã Bất Vi có một thú tiêu khiển mới thật muôn hình muôn vẻ, ý vị tuyệt vời. Nhưng tướng quốc không cho người thường cái phúc được thấy, ta đã thấy nhiều lần rồi. Nhiều hơn nữa là tướng quốc thường vui đùa với thái hậu. Thái hậu luôn nói rằng, trò chơi của tướng quốc làm thái hậu thấy vui vẻ thoải mái.
Doanh Chính cảm thấy rất mới mẻ liền hỏi rằng: “Trò chơi gì vậy, nói cho quả nhân nghe xem”
Di Hồng nói: “Loại trò chơi này là một nghệ thuật mới, dăm ba câu không thể nói rõ được. Thế này vậy: xin đại vương hãy hỏi tướng quốc hoặc khi tướng quốc và thái hậu đùa vui, đại vương hãy đến tận nơi tai nghe mắt thấy là rõ ngay thôi”.
Doanh Chính bật cười - điều này khiến Triệu Cao và Di Hồng đều cảm thấy thoải mái. Vì Doanh Chính không dễ nói cười mà luôn làm mặt lạnh. Các hoạn quan và cung nữ trong cung Chương Đài đều nói: mặt mày đại vương lúc nào cũng như mây đen dày đặc vậy.
Di Hồng thấy Doanh Chính vui vẻ thì nói năng cũng tự nhiên hơn: “Đại vương tuy sắp lên ngôi nhưng trước mắt thái hậu vẫn chỉ là một đứa trẻ. Có trò gì vui thì phải để con ruột của mình được mở rộng tầm nhìn chứ”.
Doanh Chính không lấy làm lạ nói: “Quả nhân nhất định sẽ thấy được”.
Lúc sắp đi khỏi, Di Hồng nói: “Trò chơi mới của Lã Bất Vi đại vương đừng nói với người khác là ta nói đấy”.
Triệu Cao tiễn Di Hồng ra khỏi điện, khi trở vào lại thấy khuôn mặt của Doanh Chính u ám lạnh lùng. Triệu Cao biết rằng đại vương ngày một khôn lớn và rất muốn được tự mình chấp chính. Doanh Chính là người chủ kiến sâu xa. Mọi việc lớn nhỏ trong triều đều có ý kiến của chính Tần vương, Nhưng cốt cán trong triều thì lại do Triệu Cơ và Lã Bất Vi nắm giữ. Doanh Chính chẳng qua chỉ là vật trang trí hoặc là cái tai bị điếc vậy. Mỗi khi lên triều, Doanh Chính đều áo quần chỉnh tể ngồi nghiêm chỉnh sau ngự án chẳng khác nào gỗ đá, mặc cho Lã Bất Vi ngồi bên cạnh chỉ huy. Chất giọng hùng hồn của Lã Bất Vi khiến Doanh Chính nghe như có một lưỡi kiếm sắc đang đâm vào tim phổi. Nào là “Tần vương dạy rằng”, đó chẳng phải là cách của Lã Bất Vi đó sao. Có những việc Doanh Chính không hề được biết mà mãi đến khi ban chiếu thì Doanh Chính mới được nghe nói. Gần đây các triều thần đều bàn luận xôn xao, lời lẽ kịch liệt hoặc chỉ qua loa cho xong chuyện, chỉ trích Lã Bất Vi bổ nhiệm công trình thuỷ lợi Hàn quốc dẫn kênh khỏi rạch đã dùng nhiều đá và phu dịch quá, dân lao động bị hao mòn sức lực của cải. Doanh Chính phái Triệu Cao đến nơi thi công ở sông Kinh Hà xem xét tỉ mỉ. Triệu Cao trở về báo cáo lại cho Doanh Chính rằng: vấn đề các đại thần phản ánh là chính xác, xin đại vương định đoạt. Doanh Chính cho Triệu Cao truyền lệnh cho Đô Tư Không – viên giám sát quản lý công trình địa phương hạn chế tiết kiệm việc dỡ đá. Đô Tư Không vội thỉnh thi Lã Bất Vi. Lã Bất Vi nói: Cứ dỡ và vận chuyển như bình thường. Đô Tư Không nói đó là chỉ thị của đại vương. Lã Bất Vi nói: “Nó chỉ là một đứa trẻ thì biết cái gì, xây đập mà không dùng đá thì dùng người đắp lên chắc?”
Hôm đó, trước khi vào triều Doanh Chính nói với Lã Bất Vi ở trong điện gần cung Chương Đài rằng: Quả nhân nghe nói nguyên liệu dùng cho việc đào kênh Kinh Hà lãng phí vô cùng nhiều, việc này tướng quốc phải xem xét xử lý mới được. Lã Bất Vi nói: đó chỉ là lời đồn đại mà thôi, xin đại vương chơ có cả tin. Doanh Chính nói: Quả nhân đã sai người đi xem xét rồi, chuyện đó là có thật. Lã Bất Vi nói: Là người nào đi, để người đó nói xem, một trượng đất dùng bao nhiêu đá, thế nào là lãng phí? thế nào là tiết kiệm? Ta cũng đến nơi thi công kênh Kinh Hà rồi, sao không phát hiện thấy lãng phí gạch ngói gỗ đá chứ? Cuộc đối thoại giữa vua tôi lời nói tuy nhẹ nhàng, rành mạch, rõ ràng nhưng cả hai đều cảm thấy rằng trong lời lẽ của đối phương có chứa đựng một sự cứng nhắc nào đó. Khi hai bên đều lời qua tiếng lại, ai nấy đều dùng ánh mặt để biết được sự thay đổi trong thái độ phía đối phương.
Lã Bất Vi thấy trong mắt Doanh Chính có sự sắc sảo lạ thường của một người đang độ thành niên, những đám ria đen xung quanh miệng đã thấy thấp thoáng, vùng trên hai lông mày trông lạnh lùng uy nghiêm dường như bị đông cứng lại không có sự thay đổi gì. Trong lòng Lã Bất Vi bỗng loé lên một ý nghĩ: Doanh Chính sắp thành người lớn rồi, ngày đích thân chấp chính không còn xa nữa. Doanh Chính cũng nhận thấy Lã Bất Vi mỗi lần nói chuyện với mình thì không vâng vâng dạ dạ cẩn trọng như các hạ thần khác mà luôn ngẩng đầu hất hàm sai khiến. Doanh Chính thấy trong ánh mắt sâu thẳm của Lã Bất Vi mình không phải là một vị quân vương cao quý mà chỉ là một cây cỏ tầm thường hoặc chỉ là một thứ đồ bình thường không có gì lạ cả. Một cuộc nói chuyện lúng túng khó xử, không nồng nàn, không nhạt nhẽo giữa Lã Bất Vi và Doanh Chính đã kết thúc. Tíêp theo đó, Doanh Chính đi vào triều đường và ngồi trước ngự án như cũ, rồi giống như các bá quan văn võ lắng nghe giọng nói hùng hồn của Lã Bất Vi lặp đi lặp lại là: “Đại vương dạy rằng”…
Triệu Cao khẽ khàng rón rén bước đi như thể sợ giẫm chết kíên vậy. Trong cung Chương Đài, Triệu Cao hơn mọi người một bậc đó là hắn suy ngẫm tìm tòi tâm lý của Doanh Chính và đáp lại những sở thích của Doanh Chính. Triệu Cao giống như một cái bóng mập mờ ra ra vào vào theo sát Doanh Chính. Dạo này “cái bóng” đó có lúc lại di động theo Lã Bất Vi. Doanh Chính giao cho Triệu Cao một nhiệm vụ mới đó là xem lúc nào vị tướng quốc này đến cung Chiêu Thanh gặp thái hậu. Chính bởi vì hôm nghe Di Hồng nói Lã Bất Vi và Triệu Cơ có một trò chơi mới thì Doanh Chính quyết tâm đi xem xem sao. Doanh Chính thấy rằng mình là vua của một nước thì những thứ gì ngon mình phải ăn trước. Một trò chơi tuyệt diệu mà hắn lại không hay biết gì thì điều đó không những đáng tiếc mà còn là sỉ nhục nữa.
Doanh Chính nói với Triệu Cao rằng hắn phải tìm mọi cách để thưởng thức thú vui này. Một hôm, vào lúc chập chọang tối, cũng là khi ánh mặt trời sắp tắt thì Triệu Cao cùng bộ mặt thần bí báo cáo cho Doanh Chính rằng: Chính mắt Triệu Cao nhìn thấy dáng bộ lặng lẽ bí mật của Lã Bất Vi lọt vào cung Chiêu Thanh, chắc là chơi cái thú vui đó. Doanh Chính và Triệu Cao rảo bước đến thẳng phòng Triệu Cơ trong điện Chiêu Thanh. Khi vào trong điện, Triệu Cao đợi bên ngoài cửa còn Doanh Chính thì một mình đi thẳng vào phòng Triệu Cơ.
Doanh Chính đến trước cửa và đẩy một cái nhưng cửa đã cài then, bên trong dường như có tíêng động. Doanh Chính bực bội vô cùng: lẽ nào mẫu hậu có thú vui tuyệt diệu thật mà lại giấu diếm con ruột vốn là vua một nước? Doanh Chính lùi ra phía sau rồi lao mạnh vào phòng. Cánh cửa “cọt kẹt” một tiếng rồi bật ra. Bốn vành môi đang chụm vào nhau. Triệu Cơ và Lã Bất Vi đang hôn nhau, bỗng nhiên bị quấy rầy thì rời ra, cả hai không hẹn cùng nói: “Là ngươi…”. Doanh Chính tuổi đã 16, 17, Doanh Chính dần dần hiểu được sự đời, bắt gặp cảnh này thì Doanh Chính thấy có gì bí ẩn trong đó. Thế là Doanh Chính đùng đùng nổi giận hỏi hai người: “Thì ra các ngươi…”
Triệu Cơ vội đậy điệm nói: “Vai tướng quốc bị cái dằm đâm, ta lấy răng để nhổ cái dằm ra”
Doanh Chính dùng mũi hừ một cái rồi bực tức đi ra.
Lã Bất Vi tim đập rộn rã nói: “Sao nó lại xông vào đây? Sau này khi chúng ta gặp nhau như thế thì phải tuyệt đối tránh xa tầm mắt của đám quan lại và cung nữ mới được’.
Triệu Cơ chải lại mái tóc của mình và nói như không có chuyện gì xảy ra: “Một đứa trẻ như nó thì biết cái gì? Chỉ như nhìn thấy sợi tơ nhện, dấu chân ngựa thì con ta chưa thể phát hiện được chuyện này đâu”
Lã Bất Vi nói: “Nó không còn là một đứa trẻ nữa đâu’
Triệu Cơ kéo Lã Bất Vi lại rồi đi cài chặt cửa lại.
Hôm sau Lã Bất Vi nghĩ lại chuyện trên giường cùng Triệu Cơ hôm qua thì cảm thấy ngượng ngạo, không còn tự nhiên thoải mái như trước đây nữa. Lã Bất Vi luôn cảm thấy như có một đôi mắt đen nhánh như hổ nhìn muốn nuốt chửng chuyện phòng the của mình vậy.
Lã Bất Vi biết rằng Doanh Chính cũng đã lón rồi. Không biết tại sao đứa trẻ này hình như có sự thù địch nào đó đối với ông. Ông tự cảnh giác với mình rằng: về sau bất kể là bàn việc triều chính hay hò hẹn với thái hậu thì đều phải đặc biệt cẩn thận hơn. Có một số việc cũng phải tiến hành nhanh chóng, ngày Doanh Chính lên ngôi đích thân chấp chính không còn xa nữa.
Lã Bất Vi cho người tìm Tư Không Mã đến mà rằng: viên quan quận Lũng Tây vừa qua đời, nhà ngươi mau đến bổ nhiệm đi. Nhà ngươi không thể làm môn khách dưới quyền ta mãi được mà cũng cần phải thăng quan tiến chức chống đỡ một khoảng trời đất của mình mới được. Tướng một nước như ta cũng phải có một số người tâm đầu ý hợp, tài ba xuất chúng trong châu quận địa phương. Tư Không Mã nói: trấn giữ một quận, quyền lớn trong tay, sinh thời phú quý phát đạt, khi chết thì con cháu đời đời được tận hưởng vinh hoa phú quý. Nhưng thần sợ bản thân không có cách gì trấn giữ quận, đến khi về già triều đình cho khảo sát tính toán, thần sợ rằng sẽ không hoàn thành thuế má quy định. Lã Bất Vi cười sảng khoái mà rằng: “Nhà ngươi hãy cố mà làm đi. Nếu không hoàn thành đựơc thuế má quy định thì ta sẽ nghĩ cách giúp nhà ngươi’.
Khi Tư Không Mã cáo từ về thì Lã Bất Vi lại cho người tìm Lý Tư đến hỏi về tiến độ biên soạn “Lã thị xuân thu”. Lý Tư tường trình lại cho Lã Bất Vi rằng: các môn khách đang ngày đêm khởi thảo, chỉnh lý, khắc vẽ và đến nay đã đến phần cuối rồi. Lã Bất Vi nói: được, đóng thành quyền xong rồi mang đến đây.