Theo dị đoan của ta thì một nhà không nên gả hai đứa con trong vòng một năm. Ông Nam Thành thì bất kể tư tưởng ấy. Còn bà, tuy sợ hãi lắm cũng phải liều mạng vượt tục vì để trễ ngày nào bà lo ngày nấy. Hai đám hỏi làm vào cuối tháng tám, định đầu tháng mười là cưới. Long nhớ Hồng lắm mà thơ qua lại không đủ làm cho chàng khuây. Hay tin đám hỏi đã làm xong, chàng định lên thăm bạn vì không còn ai ganh với ai nữa mà phải lo. Nhưng chàng vẫn chưa dám, các ông cụ bà cụ nhờ thấy nhiều chuyện nên đã hay kể những vụ sanh chứng bất thình lình của những cô gái sắp lấy chồng. Những vụ sanh chứng ấy chỉ đột ngột phát lên vào tháng cuối cùng trước ngày đám cưới thôi. Sự có mặt của chàng trong gia đình ấy có thể khơi ngòi nhân dục rồi sanh ra lắm chuyện không hay. Lạ quá, chàng không phải tay mơ về gái. Chàng đã gần nhiều đàn bà, hơn thế, đã yêu. Nhưng đây là lần đầu chàng sốt ruột vì một giai nhân. Trước chàng muốn yêu ai thì cứ đeo đuổi theo người ấy. Rồi được yêu, chàng khỏi phải nhớ nhung gì cả. Bây giờ thì người chàng yêu là một trái cấm, khiến chàng nghĩ đến người ấy không bao giờ thôi. Long đi thơ thẩn trên vỉa hè, như một cậu học sinh mười tám mới bắt đấu bâng khuâng. Bỗng chàng bị ai vỗ mạnh lên vai. Giựt mình, họa sĩ day lại thì ra đó là Bằng: - Hú hồn hú vía tôi! - Sao lại sợ, có kẻ thù à? - Không, nhưng đang lo ra, nên hết hồn. - Băn khoăn về nghệ thuật hả? Long không đáp lời bạn mà nắm tay anh này rồi hỏi: - Tôi có thể lên thăm Hồng được hay không? - Á, tôi ngạc nhiên mà thấy sao anh không lên đó. Chẳng những ngạc nhiên mà thôi, tôi lại còn hơi lo nữa. - Nhưng tôi sợ có hại. - Không, anh khỏi phải lo. Côn và Đăng cả hai đều bảnh trai, đều khá về tâm tánh nên được hai em tôi nó yêu thật sự rồi, chỉ còn chờ ngày cưới nữa mà thôi. - Vậy hả? Thế mà tôi cứ ngại nên tôi không dám lên. - Còn tôi, tôi lại cứ lo. Tôi có hỏi thăm em tôi về anh. Nó bảo là anh vẫn gởi thơ luôn. Nhưng như thế không phải là một bằng cớ chắc chắn của tình yêu mà tôi không an lòng được. Tôi lại lo vì lẽ khác nữa. - Lẽ gì? - Thôi, khoan nói vội. Long đi sắm quà tốn có một tiếng đồng hồ, nhưng phải suy tính đến một tuần lễ. Chàng đoán ý của mỗi người trong nhà, thế nào cho món quà nào cũng hạp ý người nhận cả. Ông Nam Thành sẽ được một cái ống điếu bằng gốc cây bruyere còn nguyên vỏ xù xì trông đậm nét đồng áng. Bà Nam Thành chắc rất thích một chiếc máy hát, một bộ đĩa vọng cổ về Phật Thích Ca. Cô Hương hằng ao ước một va ly nhỏ bằng da đựng dụng cụ và thuốc men cấp cứu: cô sẽ toại nguyện. Cô Hoa thì sẽ được một bộ sách dạy nấu ăn, rất nhiều tranh ảnh trong đó có dạy nhiều món kem lạ lắm. Cô Quá sẽ được bốn bộ tạp chí chiếu bóng, đóng lại bằng bìa da. Người cuối cùng làm chàng khổ sở đến mấy buổi suy tính. Món quà phải đượm tình yêu một cách kín đáo thế nào cho người trong cuộc hiểu ngay mà người ngoài lại không thấy. Rốt cuộc chàng mua một chiếc nhà tranh bằng đất nung từ Hương Cảng gởi sang để bán cho những tay chơi non bộ. Trong chiếc lều cỏ ấy, chàng đặt một quả tim vàng nhỏ xíu thôi. Tùy thích cô Hồng cho người ta xem nhà có chứa tim vàng hay nhà trống vườn không, nếu cô sợ lậu mối tình. Long hồi hộp ngay từ lúc mới bước lên xe, nửa mừng nửa lo. Chàng không lo bị người ta tống cổ ra ngoài, nhưng lo không khí tiếp đón không nồng hậu lắm, nó sẽ bắt chàng so sánh với cảm tình cũ rồi tủi thân. Khi xe chạy tới Thái - huyên trang, chàng cho phóng luôn vì chàng hơi sợ một phần, mà nhất là vì muốn sống lại giây phút tai nạn ngày nào. Lên tới trên kia xa, Long mới quẹo vào một con đường xe bò để quanh xe lại. Chàng cố nhớ lại những ý nghĩ của chàng hôm chiều tai nạn. Không, hôm đó chàng không có ý nghĩ gì cả. Lòng đang nhẹ lâng lâng, bỗng không, hốt hoảng lên vì xe trợt bánh, rồi lại khủng khiếp khi chiếc xe leo lề, rồi thì u u minh minh không còn biết gì nữa cả. Thái - huyên trang đã lố dạng, Long xúc động lắm! Nơi chứng kiến một mối tình của ta bao giờ cũng gây bồi hồi, cho dẫu mối tình ấy toại nguyện hay đau thương, là vì mối tình nào cũng đẹp cả, mà cái đẹp đã qua lại hay gợi ngậm ngùi. Long cho xe chạy thật chậm rồi ngừng êm ái trước nhà. Chắc trong ấy người ta đã thấy xe, đã nhận được chiếc xe lật ngày nào cũng nên, và người ta đang ngạc nhiên sao xe lại từ Biên Hòa xuống. Long khệ nệ bưng các món quà ra, bộ đĩa hát nặng quá, phải để lại. Trong nhà quả đã thấy chàng và chàng ngạc nhiên lắm mà thấy họ chạy ra đón mừng chàng. Bốn cô con gái chạy đua, nhưng cô Quá còn trẻ nên ăn hạng nhất, rồi đến cô Hoa, cô Hương. Cô Hồng chỉ đứng nói thầm với cha mẹ thôi. Lạ, chàng nghĩ, họ đã yên vui thật à? - Quà gì đó, anh Long? Quá chưa tới nơi đã hỏi lớn. - Đừng cho con Quá gì hết anh Long, chồng nó đã cho lu bù rồi, Hoa nói: Cô Hương chỉ cười rồi lướt đến rước bớt đồ giùm cho người khách. Hai cô kia bắt chước, thành ra Long được rảnh tay nên trở lại xe lấy bộ đĩa. - Hôm nay có anh Bằng lên hay không các cô? Long hỏi. - Lên ngày một, chỉ có anh là trốn luôn. - Trốn cũng không thoát. À, bức họa của bác trai, bác trai có ưng ý không các cô? - À, ổng cứ đi qua đi lại mà nhìn mãi, nhưng không nhận được đó là chân dung của ai. Cả bốn đều cười xòa... Long vừa đi vừa nhìn vào nhà mà hỏi: - Cô Hồng chắc không ưa tôi nên chẳng thèm ra đây. - Xí, Quá vừa nói vừa nguýt Long một cái, thôi đi anh, bộ người ta không biết hay sao mà làm bộ, chị ấy cũng giả dối lắm, có gì xấu hổ đâu mà sợ dữ vậy? - Cô biết cái gì? - Biết anh sắp đi hỏi vợ chứ gì. Bác gái đã lên đây mấy lần rồi, tuy chưa nói gì mà em thấy rõ quá. - Vậy à? Long ngạc nhiên thật tình trước tin này. Mẹ chàng đã lên đây mà không cho chàng hay. Cũng may là bà cụ chưa nói gì hết, theo lời cô Quá. Long cảm động và nghe thương mẹ vô cùng. Bà cụ ham dâu quá sức và thèm ẵm cháu nội lắm. Tình thương mẹ lại khiến chàng yêu Hồng hơn bao giờ cả. Đây là một thứ tình giống như tình chồng vợ, vì Long chợt thấy rằng, Hồng một cô gái được mẹ chàng thương mến, đã như là vợ của chàng rồi. - Kính chào hai bác. Long chạy mau tới để ông bà Nam Thành khỏi phải nói gì trước chàng. - À, cháu lên chơi. Trong khi vợ chồng ông chủ Thái - huyên trang đáp lời thì Long nhìn Hồng mỉm cười, nói vắn tắt như một kẻ cả nói với em nhỏ: - Cô Hồng, Hồng mắc cỡ nên cũng có thái độ em nhỏ. Nàng chỉ kêu khẽ một tiếng “Anh!” rồi lui ra núp sau lưng mẹ. Bà Nam Thành hỏi: - Bà phủ vẫn mạnh chớ cháu? Bà hỏi cho có chuyện chớ thật ra bà phủ lên đây lần chót cách đó mới sáu hôm. Long cũng khách sáo lại: - Dạ, nhờ trời... Để được rảnh về sau, Long bày ngay quà biếu ra trên bàn. Nói lời tặng với ông bà Nam Thành là một việc khó. Long đã sắp đặt trước lời lẽ nhưng nói vẫn chẳng trôi. - Quý hóa lắm! Ông bà Nam Thành đỡ lời khách cho y khỏi ngượng và trách lấy lệ thêm: - Cháu mua quà nhiều tiền, không tốt. Chiếc ống điếu này dễ thường cũng đến ba trăm, nhưng mà cũng được, đến như máy hát thì bạc ngàn, tốn kém cho cháu quá, bác ngại lắm. - Thưa bác, cháu có quen các nhà đại lý nên mua được theo giá vốn thì cũng chẳng tốn bao nhiêu. Sợ ông bà Nam Thành nói nữa, Long đưa một cái gói vuông trước mặt Hương rồi nói: - Nếu như không có ê-te của cô thì tôi đã nguy lúc nọ. Nhưng ê-te mà không có đồ đựng thì nó ngã rồi đổ hết. Vậy đây là món quà, tuy biếu cô mà chỉ các nạn nhân chung quanh đây mới được hưởng. Hương vội mở dây ra rồi đứng đó mà trầm trồ mãi cái hộp da, trong đó chia ra làm nhiều ngăn nắp rất tiện. - Cảm ơn anh lắm đó. Mà anh chọn quà sao tài dữ vậy? Nó trúng y ao ước của tôi. - Cũng cầu may thôi cô Hương à. Nhưng cầu may mãi có khi gặp rủi. Tôi đố hai cô, cô Hoa và cô Quá, hai gói gì đây? - Ai làm thầy bói bao giờ mà anh hỏi như vậy. Đứng ngay ngắn mà thưa cho đàng hoàng đi đặng người ta mở ra xem, sốt ruột lắm rồi. Bà Nam Thành mắng Quá: - Con cứ hỗn như vậy, lỗi với anh lắm đó. Long cười nói: - Quà hai cô thì dễ đoán lắm. Nhưng chẳng biết trúng ý hai cô hay không? Cô Hoa thích kem nên... - Té ra đây là kem? - Không, cô mở ra xem thử. Hoa vội vàng mở gói rồi chưng hửng: - Sao lại sách? Long làm thinh mở quyển sách to nhất ra, to hơn cả quyển tự điển rồi lật nơi trang mà anh đã làm dấu. - Ồ! Cả bốn cô con gái đều kêu lên. Giấy sách đầy và trắng mịn. Một cốc kem to bằng hai cốc thật ở ngoài, đang tràn trề khỏi miệng một thứ tuyết màu ngà, tất cả nổi lên trên một chiếc khăn trải bàn nhiều màu trông bắt thèm đến muốn bưng cốc lên ăn ngay. - Trong đó có chỉ cách làm nhiều thứ kem, nghe chừng ngon lắm, Long nói. - Còn quà cho em, mở ra nha! Quá sốt ruột giục. - Đã đem lên là thuộc của cô rồi, cô cứ mở ra. Quá mở gói rồi cũng chưng hửng mà hỏi: - Sao cũng sách? - Cô xem trên gáy. Quá lật gáy sách lên rồi đọc: - Presse nouvelle – Les plus beaux films, Revue hebdomadaire. Trên một gáy khác thì: Cinehebdo. - Ồ! Thích lắm! thích lắm! Quá đọc xong rồi reo lên, kê mũi vào mấy bộ báo để ngửi mùi giấy mới mà cô thích. Long rất bằng lòng. Chàng lại thò tay vào túi trên mà lấy ra một cái gói nhỏ. Hồng nảy giờ đợi phiên mình, bây giờ thì hồi hộp lắm, nhìn lom bom cái gói nhỏ xíu ấy, không sao đoán được món gì trong đó. Long nói: - Tôi đã bảo rằng cầu may lắm, có khi phải gặp rủi. Như trường hợp chọn quà cho cô Hồng đây. Tôi không dám nói là món gì, sợ cô Hồng xấu hổ với các cô. Vậy thôi tôi để tùy ý cô Hồng muốn khoe hay giấu. Đây cô Hồng. Chàng bước tới trao món quà tận tay bạn. Hồng run run bóp thử cái gói thì nghe cứng như đá. Khi mép giấy đã tung ra, Hồng ngạc nhiên hết sức. Một chiếc nhà tranh bằng đất nung? Sao lạ thế? Nàng bống đổi sắc vì sung sướng lắm. Quả tim vàng thoáng thấy nằm trong buồng giữa, giúp nàng hiểu ngay ý nghĩa của món quà. Quá nhảy tới hỏi lia lịa: - Gì đó chị? Gì đó? Hồng làm bộ vùng vằng rồi bỏ đi, vừa đi vừa nói: - Sao quà của em kỳ vầy? Ông bà Nam Thành lo sợ ác cảm sanh ra giữa Long và Hồng nên cũng nóng muốn biết là thứ gì mà làm cho Hồng không vui, để tìm cách mà an ủi con. Hồng vừa đi vừa trút quả tim vàng ra, nên khi Quá giựt được món quà trên tay chị, thì chỉ có chiếc nhà tranh không mà thôi. Quá cầm chiếc nhà non bộ giữa hai ngón tay rồi hô lên: - Búp bê lô-canh, không bằng nhựa mà bằng đất hầm. Cả nhà đều chưng hửng trước món quà kỳ dị ấy. Thái - huyên trang đã biết mối tình giữa Long và Hồng và đã mặc nhận mối tình đó. Cuộc thăm viếng siêng năng của bà phủ là một bảo đảm tinh thần nên ông bà Nam Thành không cần bắt con phải giữ gìn cho lắm. Long định lên đây ở vài ngày, nhưng từ lúc mới bước tới thềm chàng đã tự hỏi nên ở lại hay không? Sự niềm nở mà chàng mong mỏi đã xảy ra. Chàng còn muốn gì hơn? Nhưng trời ơi, một nỗi tuyệt vọng mênh mong đã xô đổ vỡ mộng to mà chàng xây đắp từ khi về Sài Gòn. Long nghe khó chịu vô cùng vì thứ tình cảm mâu thuẫn mà chàng đang có. Tình yêu Hồng vẫn còn nguyên vẹn nơi lòng chàng thế mà chàng lại nghe không thể cưới Hồng được nữa. Trời ơi, Hồng đã mất, mà mối tình lại còn! Long ngậm ngùi như khi trở lại chốn xưa, cảnh cũ còn y như trước mà người yêu của chàng đã hóa người thiên cổ rồi. Từ xóm trên, vẳng đưa xuống tiếng hát ru con của ai: << Ghe lui khỏi bến còn đằm << Người thương đi mất, chỗ nằm còn đây. Không lẽ lại ra về liền, Long phải ở nán lại đến chiều. Nhưng suốt thời gian ngắn ngủi mà chàng ở lại, họa sĩ cố tránh người yêu. Không tránh được, chàng trò chuyện với nàng mà không dám nhìn người nàng, chỉ ngó mặt mà nói thôi. Suốt hai tiếng đồng hồ sau khi tới nơi, Long chỉ làm có mỗi một việc là ngắm Hồng từ đằng xa để kiểm điểm lại cảm giác đầu tiên của chàng khi mới lên tới đây. Sau khi nhận thấy cảm giác ấy là đúng với sự thật, chàng không dám trông dáng người của Hồng nữa. Trái với dự định của mọi người mà cả của chàng nữa, Long chỉ trò chuyện nhiều với ba chị em kia. Nhưng không ai ngạc nhiên về chỗ lạ đó cả. Họ đoán rằng Long sợ người ta thấy rõ quá mối tình của chàng đối với Hồng, nên cố làm bộ thờ ơ như vậy thôi. Cả Hồng cũng ngờ như vậy, và chính nàng cũng muốn thế nên nàng vui vẻ được như thường. Đến chiều, Long ra xe về. Thái - huyên trang đưa chàng ra tận cửa ngõ thì Hồng mới chợt nhận thấy vẻ khác lạ nơi Long. Long vừa buồn thiu, vừa sượng sùng như mắc cỡ với ai. Chàng đóng cửa xe và cho rồ máy chạy liền, không day lại lưu luyến nhìn đám người đưa đón. Tuy nhiên Hồng không lo lắm. Bao nhiêu lời nói chứa đựng trong món quà khi sáng không đủ bảo đảm cho mối tình của Long à? Nhưng sau ngày ấy, nàng đợi thơ Long đến mười hôm mà không thấy người phu trạm làng ghé qua lần nào cả. Thái Huyên trang bận rộn chuẩn bị hai cái đám cưới trong tháng tới, nên không ai thèm để tâm tới băn khoăn của nàng, băn khoăn biến thành lo sợ sau ngày thứ mười hai mà nàng được thơ của Long. Thơ lạ lắm chỉ hỏi thăm sức khỏe và nói đến tình bạn giữa hai đàng. Mọi khi Long cũng chẳng dám bộc lộ tình yêu trong thơ, nhưng tình cảm của chàng không giấu được, đã phơi ra trên những chữ không đâu, ai sành lối đọc giữa dòng là hiểu ngay. Hồng đọc đi đọc lại mãi bức thư, làm như hễ đọc kỹ là tìm được tình ý nồng nàn trong đó. Tìm tòi vô hiệu quả, nàng chán nản vô cùng. Đây là cuộc phiêu lưu tình ái thứ nhì trong đời nàng. Lần thứ nhất nàng tuyệt vọng rồi đau khổ. Nhưng lần này, lòng nàng như rắn lại vì nỗi ê chề. Trong khi đó ông bà Nam Thành luôn luôn hân hoan trong sự bận rộn, thích chí gả được hai đứa con trong năm nay, còn một đứa nữa thì thế nào năm tới cũng gả trôi được.