Cổ Loa. Phòng Mị Châu. Mị Châu đang sửa chiếc áo lông ngỗng. Nàng Sen vào. NÀNG SEN: -Kính chào công chúa. MỊ CHÂU: -Ồ, Sen! Từ ngày em xuất giá, đã lâu chị mới gặp em mà sao em quá giữ ý với chị thế? NÀNG SEN: -Công chúa chẳng vẫn răn em lấy “lễ” làm gốc là gì? MỊ CHÂU: -Em không đến để trách chị đấy chứ? NÀNG SEN: -Thưa, không đâu. Em đến để từ biệt công chúa. MỊ CHÂU: -Em đi đâu? NÀNG SEN: -Em đã được phép vua cha cho về quê chồng em. MỊ CHÂU: -Em gắn bó với lang quân em thế là rất tốt. Chúng ta phận gái, lấy chồng thì phải theo chồng. NÀNG SEN: -Em biết cái đạo “tam tòng” của phận gái mà Triệu công tử vẫn thuyết giáo rồi. Nhưng đàn bà chúng ta và dân ta từ thời Văn Lang tới nay chỉ biết có hai “tòng” là tòng sản và tòng chinh thôi. MỊ CHÂU -Thì em chẳng theo chồng bỏ Cổ Loa là gì? NÀNG SEN: -Em đi với Đống để chẳng bao giờ phải bỏ Cổ Loa. (Ngẫm nghĩ một chút) Ờ, nói theo chồng cũng được, nhưng phải cảm hoá chồng. Công chúa còn nhớ vua cha nói thế không? MỊ CHÂU: -Phu quân chị có gì mà phải cảm hóa? Chàng sang đây chẳng phải đem lại thái bình cho hai nước sao? NÀNG SEN: -Công chúa còn nhớ chuyện con lang và con bê mà em đã tâu bày với vua cha dạo nọ tại chính phòng này không? MỊ CHÂU: -Trời ơi! Em có còn là em của chị nữa không? NÀNG SEN: -Em có được là em của công chúa nữa không? (Xúc động) Chị ơi! Em không bao giờ muốn mất chị. Trọng Thủy vào. Mị Châu đứng lên. Nàng Sen quay lại chào. NÀNG SEN: -Chào Triệu công tử. TRỌNG THỦY: -À, Nàng Sen! Nàng không chào ta là phò mã à? NÀNG SEN: -Nếu chị tôi muốn thế. TRỌNG THỦY: -Nói vui vậy thôi. Tôi muốn Nàng Sen coi tôi như anh. NÀNG SEN: -Tôi muốn công tử coi chị tôi như vợ. TRỌNG THỦY (trố mắt): -Nàng Sen nói gì thế? NÀNG SEN: -Tôi muốn công tử trân trọng mối tình thơ ngây, trọn vẹn của chị tôi. TRỌNG THỦY: -Tôi rất cảm kích về những gì mà công chúa đã dành cho tôi. NÀNG SEN: -Phải! Có là cầm thú, à, có là gỗ đá mới không cảm hóa trước một tấm lòng trong trắng, thủy chung như thế. MỊ CHÂU: -Sen ơi! Em đừng làm khổ chị nữa. NÀNG SEN: -Công tử không làm khổ chị tôi chứ? TRỌNG THỦY: -Thề có quỉ thần! NÀNG SEN: -Quỉ thần ở ngay trong lòng mỗi người. Quỉ thần công minh lắm đó. Đừng có ru ngủ quỉ thần để đến lúc quỉ thần bừng dậy phải nổi cơn thịnh nộ. Thôi, bái biệt công chúa và phò mã. (Ra). Trọng Thủy ngồi ôm đầu. Một lúc. MỊ CHÂU (lại gần lo lắng): -Sen nó ăn nói hồ đồ. Phu quân đừng để bụng. TRỌNG THỦY: -Không. Nàng Sen không hồ đồ đâu. Nhưng chẳng phải tôi suy nghĩ về điều đó. Tôi đang có việc khó xử. MỊ CHÂU (quan tâm): -Việc gì thế, phu quân? TRỌNG THỦY: -Phụ vương tôi ốm nặng gọi tôi về vấn an. Phụ vương đây đang đi tuần thú chưa về. Mà tôi thì không thể trì hoãn. MỊ CHÂU (biến sắc mặt): -Phu quân phải đi thật à? Không đi mãi mãi chứ? TRỌNG THỦY: - Mấy lâu nay gắn bó vợ chồng, nghĩa tình tôi đã trao trọn cho công chúa. Nhưng công sinh thành, ơn dưỡng dục... Hẳn công chúa không muốn có người chồng là đứa con bất hiếu. Tôi đi nhưng lòng dạ để lại đây. Tôi đi không thể chờ bẩm mệnh phụ vương, thật nghìn lần đắc tội! Tôi có để lại tờ biểu tạ. Nhờ công chúa tâu giùm rằng khi nào trở lại, Trọng Thủy này sẽ xin quì trước bệ rồng chịu tội bất kính với phụ vương. MỊ CHÂU (nén buồn): -Phu quân nán lại một hôm, may ra phụ vương kịp về, và để cho thiếp còn đặt tiệc tiễn hành. TRỌNG THỦY: -Lệnh gấp lắm. Công chúa nghe đấy! (Có tiếng ngựa hí) Ngựa thiên lí đang hí giục giã ngoài kia. MỊ CHÂU: -Thì phu quân cũng đợi thiếp thu xếp hành trang đã. TRỌNG THỦY: -Tôi đã cho quân hầu sắp sẵn cả rồi. (Chuyển giọng tha thiết) Công chúa ơi! Chỉ chừng một khắc nữa vợ chồng ta li biệt. Ngày hội ngộ chưa thể định trước. Nếu chẳng may trong lúc tôi chưa về kịp cạnh công chúa mà có chuyện gì xẩy ra thì làm thế nào để tìm nhau? MỊ CHÂU (hốt hoảng): -Lại có thể có chuyện gì xẩy ra được? TRỌNG THỦY: -Biết đâu được cơ trời! Từ khi sang đây, nhất là từ khi được sánh duyên cùng công chúa, tôi lánh xa mọi mưu đồ thế tục, nên khó lường trước được những bất trắc. Phòng xa vẫn hơn. MỊ CHÂU: -Thiếp vẫn ở Cổ Loa này chứ đâu? TRỌNG THỦY: -Ngộ nhỡ công chúa phải theo phụ vương bôn ba viễn xứ thì Trọng Thủy này làm sao dò ra dấu hiền thê mà đến cứu nạn? MỊ CHÂU (run rẩy): -Trời ơi! Phu quân nói chi viễn cảnh hãi hùng làm vậy. Nếu thế thì thiếp đây thân gái dặm trường biết hướng nào mà vẫy gọi phu quân? TRỌNG THỦY: -Ta nhớ một câu chuyện kể. Hai vợ chồng tiều phu lạc nhau trong rừng sâu. Người vợ bèn cắt tóc rắc xuống mỗi bước đi nhờ đó mà người chồng tìm được vợ. MỊ CHÂU (như sực nghĩ ra, cầm cái áo lông ngỗng giơ lên): -Thiếp có cái áo này, thiếp sẽ mang theo rắc lông ngỗng làm dấu gọi phu quân được chăng? TRỌNG THỦY (một thoáng lương tâm trỗi dậy trước lòng tin yêu dại khờ nhưng thuần khiết của Mị Châu): -Trọng Thủy này sẽ ghi lòng dấu hiệu lông ngỗng như một lời nguyền, dù trong cảnh nước sôi lửa bỏng cũng quyết tìm đến với công nương.. Thôi, giờ chia tay đến rồi. Công chúa ở lại gìn vàng giữ ngọc cho yên lòng kẻ ra đi. MỊ CHÂU (cố nén thổn thức): -Phu quân ơi! Phu quân xông pha muôn dặm, thiếp cầu trời cho phu quân chân cứng đá mềm. Thiếp sẽ khắc khoải chờ tin phu quân. Hai người đứng nhìn nhau giây lát. Trọng Thủy quay mình đi ra. Mị Châu, mắt nhòe nước, theo tiễn. Mị Châu bước đi chuệnh choạng, phía Trọng Thủy kêu lên thảng thốt: “Phu quân!”. Trọng Thủy dừng bước,ngoảnh mặt lại. MịChâu vội xua tay, thều thào:“Thôi, phu quân cứ đi đi! Đi nhanh đi!”. Nàng dựa vào cây ôm mặt. Trời tối dần. MÀN