ì thầy Wa-thin mà tôi quyết định ở lại Nongkhai. Sau bữa trưa, tâm trạng của thầy Wa-thin đã tốt hơn rất nhiều để có thể trò chuyện vui vẻ với tôi và Chai chứ, không còn khó xử như lúc đầu. “Thầy sẽ dạy ở đây chứ ạ?” Chai hồ nghi hỏi trong lúc giúp Wi dọn bàn ăn. “Ừ.” Thầy Wa-thin gật đầu. “Vài người bạn của thầy đã giúp thầy tìm công việc này. Đấy là một ngôi trường tư thục nhỏ, chắc chắn không thể so sánh với trường ở Bangkok, nhưng thầy không có nhiều lựa chọn.” Wi đăm đăm nhìn chồng mình với ánh mắt đầy ắp tình yêu, cảm thông và tin tưởng. Thầy Wa-thin rút một bao thuốc lá từ túi áo ra trầm ngâm châm thuốc. Đây là lần đầu tiên tôi thấy thầy hút thuốc. “Con có chắc sẽ không chơi vĩ cầm nữa không?” Thầy nhìn tôi qua màn khói mỏng. “Vâng.” Tôi im lặng thừa nhận, ý chừng không muốn nói về chuyện đó nữa. “Ham mê mới nhất của nó là vẽ tranh ạ,” Chai xen vào trong lúc kê lại một chiếc ghế và nhấc chồng đĩa nó vừa chất lên. “Chúng ta phải làm những gì chúng ta thích, bởi lẽ khi đã đạt đến một mức độ nhất định, phần thưởng lúc nào cũng vậy, chính là niềm hạnh phúc chúng ta nhận được từ bất cứ việc gì ta làm.” “Nhưng tại thời điểm này Béo khá là khổ sở thầy ạ.” Chai vẫn tiếp tục chõ mũi. “Nó buồn vì không được học cái mình thích.” “Con vẫn còn trẻ, vẫn còn nhiều thời gian để điều chỉnh,” thầy Wa-thin an ủi tôi. “Thứ con yêu thích và thứ con học không nhất thiết phải trùng nhau. Thầy đã thấy rất nhiều người là hoạ sĩ hay nhạc sĩ giỏi mặc dù họ là bác sĩ, kỹ sư, cảnh sát, bộ đội hay gì đó. Có thể con sẽ quyết định chọn một công việc con không thích nhưng có khả năng làm tốt, Nat à, và sau đó trong thời gian rảnh rỗi con tự học những gì con thích nhưng chưa giỏi, và nó sẽ có lợi cho con ở cả hai mặt.” “Vâng,” tôi khẽ đáp. “Con sẽ cố gắng thử.” “Nghe có vẻ vẫn còn ngờ vực lắm.” Thầy nhìn kỹ tôi. “Hay con ở lại Nongkhai với thầy ít lâu đi? Khi nào đầu óc đã sáng tỏ, con hẵng quay về Bangkok.” “Con không muốn phiền ạ.” Tôi nhìn lảng quanh phòng tránh ánh mắt của thầy. “Làm phiền gì chứ?” Thầy Wa-thin cười khẽ. “Con làm như chúng ta là người dưng vậy. Có bạn đến ở cùng, thầy cô cũng đỡ cô đơn.” “Con muốn suy nghĩ trước ạ,” tôi hờ hững đáp. “Tuỳ con thôi, nhưng đừng nghĩ con sẽ làm phiền thầy hay Wi. Thầy cô dễ tính lắm, con thấy đó.” Tôi quyết định ở lại với thầy Wa-thin khi đang ngồi trên xe xích lô về khách sạn. “Tuỳ cậu thôi, ông bạn,” Chai chỉ nói vậy. “Nhớ viết thư cho mình là được.” “Đưa giùm mình cái này cho mẹ mình được không?” Tôi gấp lá thư, đút vào phong bì đưa cho Chai. “Cậu tự gửi đi.” Chai rụt tay lại. “Mình không muốn nghe sạc đâu.” “Thôi bỏ đi.” Tôi gập lá thư lại nhét vào túi áo. “Bạn tốt thật! Một việc đơn giản vậy mà cũng không giúp.” “Cái gì cũng được trừ việc đó.” Chai kiên quyết lắc đầu. “Mình chui vào chuồng gấu ở sở thú vẫn an toàn hơn là đưa thư cho mẹ cậu.” “Thế thì giúp mình một chuyện được chứ?” Tôi ngồi xuống mép giường. “Phải đi hả?” Chai hài hước nói đoạn ngước đầu khỏi cái túi nó đang bận rộn xếp đồ vào. “Hơn cả thế nữa.” Tôi không nhịn được cười. “Đừng kể cho ai biết là thầy Wa-thin và mình đang ở đây.” “Tại sao?” Chai ngừng tay quay sang nhìn tôi háo hức hỏi: “Có bí mật gì kinh khủng về thầy ấy và vợ à?” “Không biết.” Tôi duỗi tay. “Nhưng mình có cảm giác là nếu thầy ấy chạy đến tận Nongkhai, chắc hẳn là không muốn ai đó quấy rầy.” “Mình thì chắc là lý do còn ghê gớm hơn nhiều.” Chai đờ người ra một chốc, rồi nó lắc đầu. “Nhưng kệ đi! Đó là việc của thầy ấy.” Thầy Wa-thin và tôi thả bước trên những con phố tĩnh mịch. Tấm áo choàng đen của màn đêm phủ trên thị trấn bị xé rách, vài chỗ bởi ánh đèn từ những ngôi nhà hai bên đường. Tiếng kèn acmônica trong vắt ngọt ngào từ đâu đó văng lại. Âm thanh ấy giống những gì tôi đã nghe trên đường phố Bangkok, nhưng cái cảm giác nó gợi lên thì khác biệt bất ngờ. Tiếng kèn acmônica tôi đang nghe ở Nongkhai đêm nay dịu dàng và tràn trề tình yêu cùng hy vọng, trong khi tiếng kèn Bangkok thấm đẫm u sầu, tuyệt vọng và chán nản. “Con có nhớ nhà không?” thầy Wa-thin ân cần hỏi. “Không.” Tôi lắc đầu. “Chỉ là con thấy cô đơn thôi.” “Rồi con sẽ quen. Điều tuyệt vời nhất của con người là chúng ta có thể dễ dàng thích nghi với mọi chuyện, nếu không thì nhân loại đã biến mất từ lâu rồi.” “Trong một số trường hợp thôi, con nghĩ thế,” tôi không đồng ý. “Có rất nhiều thứ mà chúng ta không thể quen được, cho dù bao nhiêu thời gian đã trôi qua.” “Thầy hiểu ý con.” Thầy Wa-thin gật đầu. “Thế nhưng đôi khi ta phải chấp nhận những thứ ca lạ xâm nhập vào cuộc sống của mình. Cây càng già thì càng nhiều cây leo hay nấm mọc. Tuy nhiên, khi ta hiểu được bản chất thật sự của cái cây và của bọn dây leo mà chấp nhận điều đó, ta sẽ bớt phiền não hơn.” “Có lẽ con là một cái cây tồi.” “Không đâu… chỉ là con chưa đủ lớn thôi.” Một chiếc xe jeep gắn súng máy chạy vút qua chúng tôi. Tiếng nói cười ầm ĩ của đám lính bên trong xé toạc sự im lặng của màn đêm. “Con hãy cho bản thân một thời gian nữa.” Thầy Wa-thin nhìn tôi với ánh mắt của một người thầy. “Ai cũng lớn lên, dù sớm hay muộn.” Những ngày ở cùng với thầy Wa-thin và Wi là khoảng thời gian bình yên giúp tôi học cách nhìn thế giới một cách chín chắn và sâu sắc hơn. Thi thoảng, chúng tôi bắt xe buýt ra những vùng ngoại ô để quan sát cuộc sống làng mạc, nơi mà sự bình dị và sức quyến rũ của thiên nhiên quá đỗi đẹp đẽ. “Thầy muốn con thử vẽ những đứa trẻ kia, Nat à.” Thầy Wa-thin chỉ một con bé quê đang bế cắp nách thằng em và đứng nhìn đám bạn của nó chạy quanh chơi đuổi bắt. “Có thứ gì đó trong khung cảnh này mà chúng ta không thể hiểu được từ những cảm xúc hay trải nghiệm của mình. Tại sao con bé ấy phải trông em nó thay vì vui đùa với những đứa trẻ khác? Có phải nó hiểu được trách nhiệm của người chị, hay là nó sợ bố mẹ sẽ phạt nếu thả em xuống, hay điều gì đó tương tự?” “Nghe thầy nói như thể thầy muốn con viết truyện chứ không phải vẽ một bức tranh vậy,” tôi khẽ cãi lại. “Nat này, đừng quên rằng một bức tranh đẹp có sức tả hơn ngàn lời nói. Trong những bức tranh của Rembrandt, Rubens, Van Gogh hay ngay cả Thawan Datchanee của chúng ta luôn ẩn chứa nhiều điều. Những bức tranh ấy không chỉ kể cho chúng ta đủ thứ về tác giả của nó, chúng Còn kể về những gì đang diễn ra bên trong, và để có thể vẽ đẹp đến như vậy, thầy tin chắc người hoạ sĩ phải thấu hiểu những gì mình đang vẽ mới có thể chuyển tải nó một cách sâu sắc.” “Như bức Maya của Goya hay bức Mona Lisa của Da Vinci…” “Chưa cần sâu sắc đến vậy đâu.” Thầy Wa-thin bật cười. “Đủ để hiểu ý nghĩa là được.” Trong lúc thầy Wa-thin và tôi nói chuyện, Wi chỉ ngồi im lặng lắng nghe. Cô kiệm lời đến kỳ lạ. Cô chăm chỉ làm việc nhà và hạnh phúc khi thấy chồng thích bữa cơm mình nấu hay khi đi dạo với chồng. Ngay đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao một người đàn ông đầy ý tưởng và ước vọng như thầy Wa-thin có thể yêu một người đàn bà nhạt nhoà và nhút nhát như Wi, và cuộc đấu tranh phi thường để được bên nhau của hai con người ấy luôn làm tôi ấn tượng. Từ đó trở đi, tôi bắt đầu vẽ tranh theo cách thầy Wa-thin gợi ý. Có những ngày tôi xách giỏ theo Wi ra chợ, và trong lúc cô mua đồ, tôi thường đứng trước hàng cà phê quan sát người qua lại và ghi nhớ những khung cảnh ấy từng chút một. Những ngày khác, tôi ra bến đò chính ngắm người qua lại. Người từ phía Lào sang mang rất nhiều đồ, như là hàng tá chim bồ câu mỏ dày vỗ cánh bên trong những cái giỏ mây, hai những bó đủ loại vỏ cây, trong khi người từ bờ Thái mang theo mình những cái giỏ lớn chứa đủ loại hàng, từ đồ lót và quần áo truyền thống tới thuốc thang, dầu thực vật và cả pin cùng phụ tùng xe máy. Mỗi bà bán hàng rong đi phía biên giới Thái đều đeo những chiếc vòng vàng lớn và thường trở về với nhiều vòng hơn nữa đeo quanh cổ. Lũ trẻ dưới sông quanh bến đò cũng tham gia vào cảnh buôn bán. Chúng bơi điệu nghệ như cá hay hải cẩu dù đang phải ôm hay cõng những túi ni lông đầy gia vị hay đường cát, và chúng đợi đến lúc một con thuyền rời bến thì bơi ra, leo lên thuyền cùng đống hàng dập dềnh của mình, mặc kệ tiếng hét của hải quan trên bờ. Tất cả những quang cảnh ấy đã trở nên rất quý giá với tôi sau này, mặc dù tôi không bao giờ vẽ chúng lên giấy. Chương 32 ai sự kiện quan trọng làm thay đổi cuộc đời những người thân thiết của tôi đã xảy ra trong thời gian ở nhà thầy Wa-thin tại Nongkhai, cả hai đều khiến tôi rất đỗi phiền lòng. Nhiều lúc tôi không khỏi tự vấn rằng giá mình không nán lại Nongkhai mà quay về Bangkok luôn với Chai, biết đâu tôi đã có thể giúp giảm thiểu ảnh hưởng của những sự kiện ấy. Nhưng câu trả lời có lẽ vẫn như lời người xưa dạy, rằng không ai có thể đoán trước điều gì, dường như cuộc đời chúng ta đều đã có số mệnh an bài cả rồi. Sự kiện đầu tiên xảy đến khi tôi đã sống ở nhà thầy Wa-thin được khoảng ba tuần. Học kỳ mới bắt đầu và thầy Wa-thin đi dạy nhạc tại ngôi trường mới. Wi tìm được việc ở một tiệm may. Thầy Wa-thin kể với tôi rằng cô đã học những kiến thức may cơ bản ở Bangkok nhưng chưa bao giờ tác nghiệp, hay nói chính xác hơn, cô chỉ quanh quẩn ở nhà, chưa từng đi làm. Lúc ấy, Wi đã có mang hai tháng đứa con đầu lòng. Tôi không biết liệu vì vấn đề tài chính hay bởi cảm xúc rối ren nào đó về chồng và bản thân mà cô khăng khăng tìm việc làm bên ngoài, mặc thầy Wa-thin lo lắng cho cô và đứa con trong bụng. Dù sao chăng nữa, đó cũng là lý do mà vào ban ngày ngôi nhà nhỏ kia chỉ có mình tôi. Tôi dành hết thời gian nghiền ngẫm những cuốn sổ tay mỹ thuật mà thầy Wa-thin mượn của một thầy giáo khác cho tôi. Tùy vào cảm xúc mà tôi sẽ thử vẽ theo những phong cách mới lạ hay luyện tay bằng cách chép những bức tranh tôi thích. Tôi vẫn còn nhớ khi ấy tôi phát cuồng với những tác phẩm của Van Gogh, nên tôi đã thả mình vào giai điệu ca khúc “Vincent” của Don McLean trong lúc lật giở cuốn Faisin. Tôi không hẳn đồng tình với ý kiến của một số bạn bè tôi sau này rằng các tác phẩm của Van Gogh lấy cảm húng từ tranh Gauguin và tranh khắc gỗ của một số họa sĩ Nhật Bản. Chả phải tôi say mê Van Gogh thái quá, nhưng tôi tin rằng ông có cái độc đáo của tất cả những nghệ sĩ đích thực Có thể ông đã lấy cảm hứng đầu tiên từ người khác, nhưng điều đó không có nghĩa là ông tiếp tục thổi vào ngọn lửa đầu tiên ấy suốt cuộc đời: ông hoàn toàn có khả năng châm một ngọn lửa của chính mình như chính ông đã làm, và rồi ngọn lửa ấy lại tiếp tục truyền cảm hứng cho bao thế hệ sau. Một hôm, thầy Wa-thin về nhà sớm và vừa bước vào cửa đã vội vã gọi tôi. “Nat! Xem cái này đi!” Thầy ném tờ báo trên tay xuống mặt bàn. “Chuyện gì thế ạ?” Tôi đặt quyển sách đang đọc xuống và đưa tay với tờ báo. Tít chính và tấm ảnh bên dưới khiến tôi phải mở tờ báo ra đọc ngay lập tức. “XUNG ĐỘT TẠI NHÀ MÁY DỆT: HÀNG LOẠT SINH VIÊN, CÔNG NHÂN BỊ THƯƠNG” “Thầy ơi, đây là Porm à!” Tôi chỉ vào đứa con gái trong bức ảnh bị một cảnh sát mặc đồng phục xốc nách lôi đi. Mặt Porm bết máu và quần áo rách tươm. “Ừ.” Thầy Wa-thin gật đầu. “Không hiểu con bé bị cái gì nhập vào mà lại kết thân với công nhân nhà máy dệt và giúp họ bãi công như vậy. Ngay khi cảnh sát được điều tới để kiểm soát tình hình và mở đường cho những công nhân khác muốn vào nhà máy làm việc, Porm của chúng ta ngồi chắn giữa cổng. Đám chủ nhà máy cố vào bằng vũ lực, thế nên mới có xung đột lớn. Họ nói hàng loạt người bị thương. Sở cảnh sác chật ních sinh viên bị bắt. Ở đây viết là chúng sẽ không được bảo lãnh...” “Thế còn Porm thì sao ạ?” Tôi nhìn thầy Wa-thin. “Trò đó là người chịu nặng nề nhất. Porm bị giẫm đạp và bị đá đến bất tỉnh.” “Một lũ xấu xa!” Tôi siết chặt nắm tay. Dù gì đi nữa, nó vẫn chỉ là một đưa con gái, còn không hại nổi một con ruồi. “Thầy không biết nói gì nữa...” Thầy Wa-thin thở dài. “Nhưng bây giờ người ta không thể chịu đựng sinh viên nữa rồi. Họ nói những đứa trẻ ấy làm ra vẻ hiểu biết hết mọi thứ, đẩy đất nước này vào hỗn loạn và nền kinh tế đang tụt dốc không phanh.” “Dù giới sinh viên có tham gia vào hay không thì rồi cũng sẽ phải có thứ gì đó bùng nổ thôi ạ. Nhiều vấn đề đã nảy sinh từ rất lâu rồi, có điều tất cả những gì chúng ta làm là nhắm mắt bị tai lờ đi với hy vọng chúng sẽ tự biến mất.” “Còn vẫn còn là một đứa trẻ.” Thầy Wa-thin nhẹ nhàng vỗ vai tôi. “Thầy hiểu những mong ước tốt đẹp của con cho đất nước và xã hội này, nhưng vấn đề là, con và những người như con có lửa mà không có củi để tiếp tục cháy, con có ý tưởng nhưng thiếu trải nghiệm để biến chúng thành sự thực, và khi con thất bại, con cùng bạn bè con lên án chế độ và thế hệ đi trước, mặc dù cái xấu xa vẫn luôn hiện diện. Thầy muốn cảnh báo con: một cơn gió mạnh sẽ sớm tắt và không thể so nổi với một luồng gió nhẹ bền bỉ, và sẽ không thể có công lý ở bất cứ đâu chừng nào còn có nhiều hơn một con người hoặc ngay cả một con thú. Ai cũng muốn giành giật về mình càng nhiều càng tốt.” “Con muốn đi thăm Porm.” Tôi nhìn thầy Wa-thin. Đây là lần đầu tiên tôi thất rất nhớ và lo lắng cho nó. “Chưa phải lúc,” thầy Wa-thin lập tức cản. “Tình hình ở Bangkok đang không ổn định. Thế nào con cũng gặp rắc rối như trò đó thôi.” “Thế thầy muốn con làm gì đây?” Tôi cắn môi, cảm thấy bứt rứt. “Đôi khi ta chẳng thể làm gì ngoài im lặng ngồi đợi cho đến khi mọi chuyện kết thúc.” “Nhưng Porm là bạn của con! Thầy biết chúng con đã chơi với nhau ở trường từ những ngày đầu tiên. Nó chuyển đi, nhưng bọn con vẫn là bạn. Tình bạn của chúng con chưa bao giờ thay đổi.” “Thế còn thầy thì sao?” thầy Wa-thin nhẹ nhàng hỏi. “Thầy đã từng là thầy giáo của trò đó và tình cảm của thầy với học trò cũng chưa hề thay đổi. Thầy vẫn lo lắng cho các con và cố gắng theo dõi những gì đang xảy ra với các con. Tình cảm thầy dành cho học trò của mình sâu sắc hơn con tưởng, bởi thầy luôn nhận thức được rằng chính thầy đã tham gia đưa các con vào xã hội: dù có chuyện gì xảy ra, thầy luôn cảm thấy một phần trách nhiệm thuộc về thầy.” “Con hiểu rồi.” Tôi gật đầu, cảm thấy cứng họng. Và từ ngày đó trở đi, thầy Wa-thin luôn canh chừng tôi như thể sợ rằng tôi sẽ bỏ đi gặp Porm. Vài ngày sau đó, thầy đưa tôi một tờ báo khác. Lần này, đó là một mẩu tin nhỏ ở cột Xã hội, nhưng những gì được viết ở đó khiến tôi như hóa đá. “Nội chiến trong gia đình nhà tài phiệt Withoon Thamrongrueang-wa-nit vốn âm ỉ bấy lâu nay đã bùng nổ khi nhà nhỏ sáp nhập với nhà lớn và cô con gái của nhà lớn không chấp nhận nổi sự việc ấy, đã dùng đến súng để giải quyết vấn đề. Rất may là vụ việc không lên trang nhất, nhưng có tin đồn rằng mọi chuyện được ẻm đi nhờ vài trăm nghìn bạc mà ông chủ đứng giữa chi cho nhà nhỏ...” “Là Jom, phải không?” thầy Wa-thin hỏi giọng đều đều. “Vâng,” tôi trả lời cụt lủn. “Thầy không nghĩ là mọi chuyện sẽ đi xa đến vậy. Thầy không gặp lại con bé từ khi nó đi du học.” “Con vừa gặp chị ấy hôm con đi Nongkhai,” tôi kể với thầy Wa-thin. “Nó thế nào rồi?” thầy hỏi nhiệt tình. “Nó còn học vĩ cầm nữa không?” “Con nghĩ là từ lúc đi Anh chị ấy đã bỏ đàn rồi.” “Vậy sao?” Thầy Wa-thin thở dài tiếc nuối. “Con bé có tài, nó giỏi hơn rất nhiều so với bạn cùng lứa.” “Nhiều khi, người giàu không quan tâm lắm đến bất cứ thứ gì.” “Nghe giọng con có vẻ coi thường,” thầy Wa-thin nhận xét. “Không, không ạ,” tôi cuống cuồng chối. “Con chỉ nói chung thôi.” “Con có muốn gọi điện cho con bé hỏi xem nó thế nào không?” “Không ạ... chắc chị ấy vẫn ổn.” “Tùy con thôi.” Thầy Wa-thin không ép. “Nhưng nếu con có gặp lại Jom, hãy nói là thầy nhớ con bé.” Nhưng thầy Wa-thin không hề biết là phải mất hai năm sau những lời của thầy mới đến tai chị ấy. Sau bữa tối hôm đó, tôi bỏ thầy và Wi ở nhà để đi dạo. Tôi bước vô định dọc theo những con phố, mặc cho những ý nghĩ trong đầu tự do lang bạt. Tôi nghĩ về Porm và Jom. Một người vì lý tưởng mà đấu tranh cho công lý của những người mình không quen biết, người còn lại chiến đấu bằng tình yêu và thù hận để bảo vệ bản thân và người phụ nữ sinh ra mình. Không ai có thể phân định điều mà cả hai người con gái ấy làm là đúng hay sai và cuộc đấu tranh của ai cao cả hơn. Nhưng theo những gì tôi biết lúc ấy, cả hai đều là những con mồi của số phận, dù cho những kẻ đằng sau trò chơi cuộc sống ấy đang chơi trên sân chính trị hay gia đình. Tôi dừng lại ở một ngã tư không xa bưu điện và đứng đó lưỡng lự, rồi quyết định hướng về phía tòa nhà lờ mờ trong ánh chiều đang tắt nhanh. Tôi đi qua cổng ngoài, lên một đoạn cầu thang ngắn, tiến thẳng đến chỗ người trực điện thoại đang ngồi sau quầy. Tôi điền vào giấy đăng ký, nộp giấy rồi ngồi chờ ở ghế băng góc phòng cho đến lúc được gọi tên. Tôi không khỏi tự hỏi bản thân một lần nữa xem tôi sẽ nói gì với chị nếu như chị nhấc máy. Ngực tôi nhói đau khi nhớ lại dáng chị đi bên gã đàn ông đó trên con đường nhỏ trong khuôn viên nhà chị.